14-05-2009 | HỘI HOẠ

Người Họa Sĩ Ghi Lại Sinh Hoạt Đường Phố Sài Gòn

  HỒ THÀNH ĐỨC





Từ nửa sau thập niên 50, một cô gái trẻ tuổi hàng ngày đi khắp các nẻo đường của đô thành Sài Gòn để sáng tác, và sau này đã thành một họa sĩ tên tuổi. Đó là Bé Ký.


Từ ngoài Bắc vào Nam theo cuộc di cư 1954, cô gái trẻ ấy hàng ngày giản dị mặc một bộ bà ba trên người, tay ôm một cặp giấy, đi bộ khắp nơi quan sát rồi ghi lại những sinh hoạt của giới lao động bình dân của thành phố Sài Gòn. Dùng mực tàu và với lối vẽ tốc họa, cô vẽ em bé đánh giày, người đạp xích lô, thợ hớt tóc bên đường, xe phở đêm, gánh hàng rong, xe thổ mộ, chợ chồm hỗm, mẹ đưa con đến trường, cụ già viết câu đối Tết, bà già ăn xin ... Tranh của cô giản dị như đời sống của cô, nhưng những gì cô ghi lại thì vô cùng linh hoạt và sống động, phản ảnh cả một mảng đời sống vỉa hè Sài Gòn của một thời. Đó là đời sống của những người nghèo, nhưng sự sinh động của các bức tranh luôn cho người xem cái cảm tưởng "cảnh nghèo nhưng rất vui."


Lối vẽ ghi nhanh tại chỗ của Bé Ký thường thu hút một đám đông quanh cô trong khi cô sáng tác: du khách, quân đội viễn chinh, khách bộ hành, trẻ con ... Trước khi thưởng thức tính chất nghệ thuật của những bức tranh đơn sơ chỉ mấy nét mực tàu nhưng chứa đầy chất sống, họ thưởng thức quá trình sáng tác của một bàn tay tài hoa. Người họa sĩ vẽ trên hè phố và bán tranh ngay trên hè phố! Những con đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Bến Chương Dương v.v... đã biết bao phen vừa là nơi sáng tác, vừa là phòng triển lãm và cả vai trò ... thị trường tranh của Bé Ký.


Bắt đầu nổi tiếng từ năm 17 tuổi, cả cuộc đời Bé Ký chỉ vẽ và vẽ, cả ngàn bức tranh về Việt Nam, cả trăm bức về Sài Gòn. Có lẽ không một họa sĩ Việt Nam nào đã ghi lại nhiều hình ảnh của đời sống Sài Gòn bằng Bé Ký. Biết bao nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ và nhà nghiên cứu đã có tác phẩm về Sài Gòn, nhưng vẽ lại sinh hoạt của đông đảo đám bình dân với bao nét thực tả những vẻ dí dỏm, đằm thắm, hồn nhiên ... thì chỉ một mình Bé Ký. Mệnh danh Bé Ký là họa sĩ của đường phố Sài Gòn hẳn không sai. Cả cái hồn của một thời đã nằm lại trong tranh của cô.


Mười lăm năm sau khi cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, Bé Ký đã về thăm lại Sài Gòn: con sông xưa, thành phố cũ, cảnh vật trong tranh sinh hoạt trước kia dường như vẫn còn nguyên, nhưng khi đi thăm đất nước mới thấy "tranh Bé Ký giả" bày bán khắp nơi! Được hỏi nghĩ sao về điều ấy, trả lời: không buồn, không vui! Rất nhiều khách hâm mộ tranh Bé Ký của Sài Gòn xưa nay thấy "tranh Bé Ký" với nét vẽ mang nhiều chất Việt Nam thì họ vẫn mua, dù họ biết đó là tranh giả.


Hồ Thành Đức

Midway City, tháng Ba, 2004
(Thế Kỷ 21, số 180, tháng Tư, 2004)