21-3-2021 | VĂN HỌC

“Biếc”, chữ đẹp nhất trong tiếng Việt

   LÊ HỮU
Biếc, thư pháp Trụ Vũ

Rừng thu từng biếc chen hồng
(“Kiều”, Nguyễn Du)

“Chữ ‘biếc’ là chữ đẹp nhất trong tiếng Việt,” cô bạn tôi nói vậy.


“Có chắc không đấy?” tôi hỏi lại.


“Nếu không đẹp nhất thì cũng là một trong những chữ đẹp nhất.”


Có chuyện ấy sao? Trước giờ tôi chưa hề tìm hiểu xem chữ nào là đẹp nhất và cũng chưa hề nghe có cuộc bình chọn nào để chọn ra chữ đẹp nhất trong tiếng Việt mình. Cô bạn “chấm” chữ ấy hẳn là có lý do.


“Vì sao là ‘biếc’ mà không phải chữ nào khác?” tôi hỏi thêm.


“Biếc vừa có màu sắc đẹp lại vừa có chất thơ,” cô bạn trả lời.


Màu biếc và mắt biếc


Ra là vậy! Biếc có “màu sắc đẹp”? Chữ “biếc” cô bạn tôi nói là tính từ, có gốc là “bích 碧” trong tiếng Hán-Việt. Người nói màu biếc là màu xanh thẫm; người nói màu xanh lam pha xanh lục; người lại nói màu xanh trong của ngọc, màu nước biển trong vắt, màu da trời trong veo hay màu đồng cỏ xanh rờn.


Cứ như thế thì cảnh sắc nào tươi xanh và đẹp mắt như “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” của Nguyễn Khuyến có thể gọi là trời biếc, thu biếc, “Cỏ non xanh tận chân trời” của Nguyễn Du gọi là cỏ biếc, “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử gọi là vườn biếc, “Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian” của Văn Cao gọi là trăng biếc đều được cả.


Biếc có “chất thơ”? Cứ cho là như vậy đi, vì trong văn chương thi phú kể ra cũng lắm “biếc”. Chồi non lộc biếc, môi hồng mắt biếc, biêng biếc trời mây…


Biếc trong ca dao,

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ


Hoặc,

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay


Biếc trong thơ những thi sĩ quen tên,

Thôn Vân có biếc, có hồng

Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều

(“Anh về quê cũ”, Nguyễn Bính)


Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

(“Nhớ con sông quê hương”, Tế Hanh)


Thu biếc có chàng tới hỏi

- Em thơ, chị đẹp em đâu?

- Chị tôi tóc xõa ngang đầu

đi hái tình sầu trong núi

(“Tình sầu”, Huyền Kiêu)


Anh xin làm sóng biếc

hôn mãi cát vàng em

(“Biển”, Xuân Diệu)


Thơ xưa thơ nay, thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ…, không thơ nào mà không “biếc”.

Mẹ như đóa hoa vàng

Mẹ như vầng trăng biếc

(“Trái tim mẹ hiền”, Trụ Vũ)


Trên chúm môi lá biếc

Những chòm hôn vội vàng

(“Bài thơ của tháng Giêng”, Thanh Tâm Tuyền)


Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh,

Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa

(“Nụ hôn đầu”, Trần Dạ Từ)


Mùa xuân bay múa bên trời biếc

Ta búng văng tàn thuốc xuống sông

(“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch”, Tô Thùy Yên)


Mảnh trời trong mắt còn xanh biếc

Người đã mơ hồ như vọng âm

(“Cả một dòng sông đứng lại chờ”, Trần Mộng Tú)


Thương Huế quá, bao đêm nhìn trăng biếc

Vườn lá hẹn hò soi nhạt bóng ai quen

(“Bài thơ cho Huế”, Minh Đức Hoài Trinh)


“Biếc” sao mà lắm thế ở trong thơ, kể mãi không hết… Từ xanh biếc, mắt biếc, nước biếc, sóng biếc, suối biếc, sông biếc, biển biếc, núi biếc, rừng biếc… đến rêu biếc, cỏ biếc, lá biếc, cành biếc, chồi biếc, lộc biếc, liễu biếc… đến trăng biếc, sao biếc, khói biếc, cánh biếc, diều biếc.


Lại còn những “biếc” là lạ, ngồ ngộ như lối biếc, cõi biếc, mùa biếc, gió biếc, mây biếc, mưa biếc, nắng biếc, mi biếc, tóc biếc, mơ biếc, mộng biếc, ý biếc… đều là những nét sáng tạo độc đáo và thi vị của thi nhân.


Biếc đến như thế thì đâu còn là màu xanh, màu tím gì nữa mà có nghĩa rộng là đẹp và nên thơ.


Nhiều nhất vẫn là “mắt biếc”, là ánh mắt long lanh, mơ màng và thu hút. Mắt biếc hay “mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” của thi sĩ Đinh Hùng ngụ ý là đôi mắt đẹp. Mắt đen lay láy như hạt nhãn hay mắt nâu quyến rũ màu hạt dẻ cũng gọi là mắt biếc được. Mắt biếc thường đượm vẻ buồn man mác, vời vợi.


Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay

(“Tống biệt hành”, Thâm Tâm)


Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc

Mầu cô đơn trên suối tóc la đà

(“Ngồi lại bên cầu”, Hoài Khanh)


Người yêu má đỏ, môi hồng

Tóc xanh, mắt biếc mà lòng bạc đen

(“Lại đi”, Nguyễn Bính)



Trong thơ trong nhạc, anh chàng nào cũng cho người mình yêu có đôi mắt biếc.


Mắt biếc sầu lắng đọng… (“Những bước chân âm thầm”, Kim Tuấn & Y Vân)

Mắt biếc năm xưa nay đâu… (“Mắt biếc”, Ngô Thụy Miên)

Có vì sao lạc vào mắt biếc… (“Em chờ anh trở lại”, Hoàng Nguyên)

Từng hạt sương khuya hoen đôi mắt biếc… (“Nỗi niềm”, Tuấn Khanh)


Lại còn những quán xá với những tên Mây Biếc, Vườn Biếc, Trăng Biếc để cho những người khách tìm đến, bước vào, vừa nhấm nháp từng ngụm nhỏ cà-phê sóng sánh vừa ngắm nhìn những mắt biếc long lanh.


Thơ biếc và câu đối biếc


“Biếc” hẳn là chữ đẹp nên mới được các thi nhân yêu chuộng đến như thế. Như khói biếc trong “Kiều”, mây biếc trong “Chinh phụ ngâm”.


Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng


Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh


Biếc cả trong thơ những thi sĩ thích đùa nghịch với chữ nghĩa.


Ba chạc cây xanh, hình uốn éo

Một dòng nước biếc, cỏ leo teo

(“Quán nước bên đường”, Hồ Xuân Hương)


Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ

Ngó bên kia vườn biếc lá hoa lừng

(“Bờ nước cũ”, Bùi Giáng)


Thường thì thi sĩ nào chuộng câu, chữ hoa mỹ, bóng bẩy hay cầu kỳ cũng chuộng “biếc” hơn cả. Như Đinh Hùng, như Vũ Hoàng Chương.


Chiều thu, nắng động hàng mi biếc

Tôi nghĩ trong lòng: Em cũng yêu

(“Truyện lòng”, Đinh Hùng)


Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau

Vàng son có thay màu đôi mắt biếc

(“Lá thư ngày trước”, Vũ Hoàng Chương)


Như Nguyên Sa, như Phạm Thiên Thư.


Sao chẳng đến cho lá cành xanh biếc

Năm ngón tay anh trổ lá mùa xuân

(“Người em sáng trong cô độc”, Nguyên Sa)


Xưa em là chữ biếc

nằm giữa lòng cuốn kinh

Anh là thiền sư buồn

ngồi tụng dưới ánh trăng

(“Pháp thân”, Phạm Thiên Thư)


Đến Du Tử Lê, đến Mai Thảo cũng “biếc” không kém.


Bạn bè như lá cây

rụng giữa mùa rất biếc

(“Nhớ lại trong đêm nay”, Du Tử Lê)


Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió

Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

(“Em đã hoang đường từ cổ đại”, Mai Thảo)


Giàu “biếc” nhất trong số ấy nhiều phần là Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa và Phạm Thiên Thư. Có khi nhặt ra được mấy “biếc” chỉ trong một bài thơ. Nhiều biếc vừa lạ vừa thơ như áo biếc, xiêm biếc, hương biếc, hạt biếc, lệ biếc, chữ biếc, phố biếc, tượng biếc, kèn biếc…


“Thơ biếc”, tưởng không có chữ nào đúng hơn.


*


“Biếc chỉ đẹp khi đi với chữ nào khác,” tôi nói với cô bạn. “Hiếm khi thấy biếc ‘đứng một mình cũng xinh’. Trong những bức thư pháp viết một chữ đơn, không hề thấy Biếc hay Bích mà chỉ toàn những Phúc, Lộc, Đức, Trí, Nhẫn, Tâm, An.”


“Có chứ,” cô bạn nói. “Nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ từng ấn hành thi tập chỉ với một chữ Biếc, với bìa sách màu biếc vẽ chữ Biếc rất đẹp.”


Sau cùng, tôi nói với cô bạn rằng tôi không chắc “Biếc” có phải là chữ đẹp nhất, nhưng nếu nói “Biếc” là chữ “thơ” nhất trong tiếng Việt thì tôi tin là nhiều người dễ tán đồng với cô hơn.


Tôi cũng định nói thêm, nếu Biếc là chữ đẹp nhất vì sao hiếm thấy ai đặt cho con mình cái tên ấy. Tên Bích thì nhiều, dùng được cho cả con gái lẫn con trai. Giá dụ bố mẹ đặt tên cho con là Cỏ Biếc, Mây Biếc, Trăng Biếc, Lá Biếc, Hương Biếc… nghe cũng hay hay. Vậy mà chỉ thấy toàn những Bích Thảo, Bích Vân, Bích Nguyệt, Bích Diệp, Bích Hương… Người mình vẫn chuộng tiếng Hán-Việt hơn thuần Việt chăng?


Đến đây, để chấm dứt câu chuyện thơ phú, chữ nghĩa ấy, tôi kể cho cô bạn có đôi mắt biếc nghe một “giai thoại văn học” ở miền Nam, cách nay cũng đến nửa thế kỷ.


Tuần báo Kịch Ảnh, chủ nhiệm là ông Quốc Phong, trong một số báo Xuân có ra câu đối cho độc giả dự thi, với nhiều giải thưởng dành cho những vế đối nào chỉnh nhất. Vế thách đối như sau:


Kiều nữ Bích Sơn, nàng chờ ai đây trên núi biếc


Tuy vế ra không dễ, nhiều vế đối chan chát vẫn được độc giả gửi về. Kết quả, không có giải nhất, chỉ có giải nhì, giải ba và vài giải khuyến khích. Tôi nhớ, vế đối của một trong những giải khuyến khích ấy:


Quái kiệt Tùng Lâm, ngươi hẹn ta đến chốn rừng thông


Lê Hữu

Nguồn: Tác giả gởi