30-8-2021 | VĂN HỌC

Về Một Cuộc Hội Thảo Văn Học và Báo Chí Miền Nam 1954-1975

  NGUYỄN VY KHANH


    Nhà văn Nguyễn Vy Khanh
    (Họa sĩ Phan Nguyên vẽ)

Hội thảo về báo chí và văn học miền Nam Việt-Nam (1955-1975) và sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây (Literature and Journalism in the Republic of Vietnam 1955 – 1975 and the Reception of Western Thought) do Viện Việt-học thuộc Viện Đại học Hamburg Đức tổ chức, đã diễn ra trực tuyến ngày 11-6-2021 với khoảng 30 tham luận viên và 100 người trong và ngoài nước tham dự. Chúng tôi được mời chủ tọa phiên hội về các phong trào/khuynh hướng văn chương (Panel C: Approaches on Literary Movements), gồm 8 tham luận.


Viện Việt-học Đại học Hamburg trong thông báo tháng 3-2020 cho biết Hội thảo mong muốn “làm sáng tỏ tính năng động, sự tinh vi, và đa dạng về văn hóa và xã hội của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, qua cách tiếp cận văn học và báo chí ở miền Nam Việt Nam từ góc độ các lý thuyết khoa học nhân văn ở phương Tây, nhằm tìm hiểu xem bộ phận tri thức này đã gắn bó và chịu ảnh hưởng của các tư tưởng chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo, thẩm mỹ, triết học và văn học của phương Tây như thế nào. Hội thảo nhấn mạnh tính năng động và sự đa dạng của tư tưởng phương Tây trong các văn bản và các tác giả cũng như giữa các văn bản của các tác giả khác nhau và các văn bản khác nhau của cùng một tác giả. Bối cảnh lịch sử mà qua đó tư tưởng phương Tây du nhập vào miền Nam Việt Nam và được cảm nhận khác nhau giữa các tác giả cũng là một mối quan tâm của hội thảo. Hội thảo mở ra nhiều cách tiếp cận đối với văn học và báo chí miền Nam Việt Nam, muốn tìm hiểu xem bộ phận tri thức này đã tham gia vào các vấn đề có ý nghĩa xã hội, văn hóa, chính trị và triết học như thế nào đối với Việt Nam và thế giới cả trong quá khứ và hiện tại. Cách tiếp cận như vậy đối với văn học và báo chí của Nam Việt Nam cũng nhằm hướng tới một quan điểm đa dạng, bao gộp về bộ phận tri thức này”.


Chúng tôi tham gia với kỳ vọng cuộc Hội thảo sẽ có những khám phá, đưa ra cái mới, cốt lõi, đặc điểm của các khuynh hướng Văn-Học và Báo-Chí miền Nam tức Việt-Nam Cộng-Hòa thời 1954-1975. Và cái nhìn, nhận định của hôm nay, thời điểm năm 2021, chứ không là thời sau ngày 30-4-1975 là thời có khá nhiều sách báo của chính quyền Cộng-sản đã tấn công, xuyên tạc và xóa bỏ nội dung và thành tựu của 20 năm văn học Việt-Nam Cộng-Hòa mà sau này có người viết thời đó đã chối bỏ hoặc loại, xóa “tác phẩm” của mình ra khỏi danh sách sự nghiệp. Tức là chúng tôi và đa phần độc giả trông mong các tham luận sẽ không một chiều, theo một lề, tức là không theo chủ nghĩa hình thức và nội dung rập khuôn, trùng lặp.


Đây là một Hội thảo mang tính quốc tế (ở nước Đức, với tham gia của người Việt và nước ngoài ở trong và ngoài nước), nghiên cứu nhà trường (đại học) và cập nhật 2021 đã được đáp ứng phần nào kể cả đáng hoan nghênh, tiếc là (phiên) hội này vẫn có quan điểm, chữ dùng và lý luận lỗi thời, tuyên truyền một chiều. Có thể ghi nhận sự đóng góp tích cực về văn-học phản chiến, về thế giới tiểu thuyết của Nguyễn Đình Toàn và hai tham luận về tư tưởng Nữ quyền và các nhà văn nữ.


Hai tham luận đã có sai lầm lịch sử hoặc viết sai như khi cho rằng giai đoạn 1954-1975 chỉ có hai thực thể Việt-Nam Cộng-Hòa và “Cộng-Hòa miền Nam Việt Nam”, và rằng chiến tranh thời đó là giữa chính quyền VNCH và “chính phủ Cộng hòa miền Nam”. Trong thực tế lịch sử, đó là một cuộc chiến tranh giữa miền Bắc xâm lăng và miền Nam tự vệ – vì VNCH là tiếp nối lịch sử của “Quốc gia VN” đã được gần 100 quốc gia công nhận, trong khi “chính phủ Cộng hòa miền Nam VN” là sản phẩm dàn dựng của “VN Dân chủ Cộng hòa” miền Bắc từ 1969 để kịp ngồi vào bàn Hòa đàm Paris, đất và dân chiếm đoạt rất … khiêm tốn và “nội các” nhiều lúc đã chạy qua đất Cam Bốt của ông hoàng Sihanouk; năm 1975 làm màu để xâm chiếm miền Nam VNCH rồi sống đến giữa năm 1976 thì hết nhiệm vụ – cũng như MTGPMN là do Quốc hội Hà Nội và Đảng CSVN dựng lên năm 1960. Một diễn giả ghi trong Tựa “Thơ Cộng hòa Nam Việt” dễ khiến hiểu lầm là ông muốn nói đến thơ của MTGPMN, còn gán như vậy cho “Văn-Học miền Nam” là không trung thực về phương diện trí thức. Nếu là “chính phủ Cộng hòa miền Nam VN” tức MTGPMN thì tại sao nhà thơ/nhà báo này lại không nghiên cứu, phân tích thơ của họ. Một sai lầm khác là dùng sai từ “Nam bộ” khi nói đến miền Nam Việt-Nam từ vĩ tuyến XVII. Và một ngạc nhiên khác với chúng tôi là thấy ghi tên nhà văn Nguyễn Bính Thinh thay vì An Khê – phải chăng vì ngại nhắc nhở vụ thua trận đánh ở An Khê, Bình Định, một cách y như Nguyễn Q. Thắng năm nào?


Về các nhà văn nữ Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng cũng như Nhã Ca, Lệ Hằng, Trần Thị NgH. đã có những tác phẩm đặc sắc và đã có một chỗ đứng đặc-biệt trong văn-học miền Nam thời này cũng như văn-học VN nói chung với một cung cách rất riêng tư, qua nội-dung và ngôn-ngữ sử-dụng cũng như nồng độ ý thức và cảm xúc! Một tham luận đã tổng quát hóa cho rằng các nhà văn nữ đã làm nên “làn sóng nữ quyền hiện sinh”. Thiển nghĩ “nữ quyền” thì có, nhưng “hiện sinh” thì chỉ có đôi nét trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng và Trùng Dương. Các nhà văn nữ thời này khởi đi từ ý chống truyền thống, phụ quyền trong cuộc sống và hôn nhân đến đòi hỏi bình đẳng giới tính và tự do cá nhân. Từ đó, văn, ngôn ngữ táo bạo, trần bì, hiện thực, đa dạng ở mỗi nhà văn, với hoặc không cùng mục đích. Chúng tôi có góp ý rằng Nữ quyền ở miền Nam phần nào đã bước đi từ thuyết Nhân vị của Đệ Nhất Cộng Hòa, của luật gia đình của bà dân biểu Ngô Đình Nhu, của giáo dục và đời sống đa nguyên, khai phóng, tự do, dân chủ của miền Nam; phần khác do ảnh hưởng của phong trào sinh viên Pháp 1968 và tự do tình dục, Françoise Sagan, phim ảnh Brigitte Bardot. Đúng là thời vàng son của các nhà văn nữ và chỉ có ở miền Nam trong khoảng 10 năm đó.


Tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đã được một tham luận “tìm thấy sự đồng cảm trong những triết thuyết phương tây, đặc biệt là triết học hiện sinh” cũng như lối viết của Tân tiểu thuyết “như những trình hiện đời sống dửng dưng … Qua những khám phá nội giới của con người giữa dòng bão đời phi lý, thể hiện ưu tư lớn về đời sống – sống như tồn tại tạm bợ, bị đẩy đưa trong dòng đời, là thực tại hay một phi lý của cuộc hiện sinh…”.


Văn học phản chiến ở miền Nam cũng được nhìn lại tuy không nói rõ vai trò của Việt-cộng, của “phản chiến” Nhất Hạnh nhập cảng từ đại học Mỹ, phản chiến ở miền Nam nói chung là chống chiến tranh huynh đệ, do Mỹ và khối CS quốc tế đứng sau cũng như chiêu bài VC kêu gào hòa bình biện minh cho việc cổ võ chiến-tranh, cho tinh thần chủ chiến và hiếu chiến; còn con người nói chung và người Việt nói riêng đều mơ ước hòa-bình trong đó có loại phản chiến của Việt-cộng nằm vùng như Sơn Nam, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Trang Thế Hy, Vân Trang, Minh Quân, Lưu Nghi, v.v…


Một tham luận khác về những dấu ấn từ văn học trong nền điện ảnh miền Nam. Khác với miền Bắc, nhà nước kiểm soát toàn bộ sinh hoạt điện ảnh; ở miền Nam vai trò tư nhân khá lớn: làm phim không cần xin phép trước và Sở kiểm duyệt chỉ cấm hay đòi chỉnh đổi khi đã xong và khá hiếm. Dấu ấn từ các tác phẩm văn học là đương nhiên cộng thêm truyền thống truyện Tàu, nghĩa hiệp, cải lương của miền Nam.


John Steinbeck cũng được một tham luận dùng để nói đến việc tiếp nhận văn học Mỹ ở miền Nam, nhưng không đề cập đến hai việc mà tôi đã ghi nhận trong bộ Văn Học Miền Nam 1954-1975 của tôi: Steinbeck sang Việt-Nam làm phóng viên chiến trường và hậu thuẫn cho sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Việt Nam, trong loạt bài báo Những Bức Thư Gửi Alicia viết từ Sài-Gòn năm 1966-67 và đăng trên tờ Newsday ở Hoa-Kỳ, có đoạn ông nghĩ về đám phản chiến ở Mỹ: “Những cuộc biểu tình lê thê nhân danh lương tri để phản đối việc giết người, chỉ là những hành động khả ố. Ôi! Tôi thèm khát được dẫn đầu một cuộc biểu tình chống Việt-cộng. Bạn A-li-xa yêu mến của tôi ơi! Trong khi chờ đợi, bạn có nghe ai khích lệ bọn Việt-cộng, bạn hãy thay tôi cho nó một quả đấm vào mồm nhé!” (bản dịch đăng nhật báo Sống. Năm 2012, NXB University of Virginia đã xuất-bản Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War gồm những bài phóng sự vừa nói, do Thomas E. Barden giới thiệu). Hồ Hữu Tường sau đó đã phản ứng lại với loạt bài Thư tràng giang gửi Sten-bêch cũng trên báo Sống từ số ra ngày 12-1-1967 sau in lại ấn bản thủ bút Người Mỹ Ưu Tư (Paris: TGXB, 1968 nhân cuộc hòa đàm bắt đầu) gửi thư cho John Steinbeck tỏ thái độ đồng tình và đưa ra trường hợp những đứa con lai dưới hình-thức tiểu-thuyết.


Tham luận gọi là Nhìn lại Thơ văn thời Việt-Nam Cộng Hòa tiếp cận văn chương và nghệ thuật phương Tây như thế nào, khá chủ quan và thiếu sót, đã không khai thác nhiều nội dung thi ca, và tách biệt đâu là ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào, ở đâu, không nói đến sự đa dạng của Thơ Tự do cũng như siêu thực, triết lý và dấn thân cũng như thiếu phân tích, trích dẫn. Hai mươi năm thơ văn mà chủ yếu chỉ nói đến 5, 7 vị. Nói đến ảnh hưởng Âu Mỹ mà quên của Đông Âu, Nam Mỹ, Nhật Bản, … Đề cao ảnh hưởng Tây Phương và hiện sinh trong Thơ Tô Thùy Yên là xa quá; theo tôi thơ ông khá đậm nét Đông phương. Cũng như sai khi gọi thơ Đen là hiện sinh, trong khi đó là thơ siêu hình.


Tham luận – nộp vào những ngày cuối, của ông tiến sĩ – từng làm luận án về Vũ Hạnh, nay đề cao “nằm vùng” VH xem “điểm sách” là “vũ khí đấu tranh” để lại “dấu ấn của phê bình văn học miền Nam”, thì quá lỗi thời với cách minh họa, tô son, thần tượng hóa, tuyên truyền theo chính sách đảng CSVN. Chúng tôi và người trong ban tổ chức đã lên tiếng xác minh về con người và vai trò của Vũ Hạnh. VH làm báo và điểm sách cho ai? Với mục đích gì? Tôi nói rằng “điểm sách” của VH không phải là “phê bình văn học” mà chỉ là phó sản của báo chí. Những bài ĐS của VH mang tính thông tin thường là tiêu cực, giả hình và chống phá là chủ yếu, vì có chủ đích – chắp nối, lặp lại tuyên truyền tấn công những người làm văn nghệ chân chính của miền Nam không cùng phe, không văn dĩ tải cộng sản như nhóm của ông ta. Hai mươi số Tin Văn mặt nổi là cơ quan báo chí của Lực lượng Bảo vệ Văn-hóa Dân-tộc do Lê Văn Giáp đứng đầu nhưng do Trung ương cục và đặc khu ủy Sài-Gòn-Gia Định do Trần Bạch Đằng chỉ đạo, với Nguyễn Văn Bổng điều khiển, viết bài và chủ-nhiệm chủ-bút Nguyễn Nguyên tức Nguyễn Ngọc Lương, là cán bộ đặc phái do Bộ Công an Hà-Nội cài vào miền Nam. Nhóm Tin Văn và những Vũ Hạnh, Lữ Phương, … sử-dụng những cái gọi là “văn-hóa dân-tộc” giả hình để gây chống đối, xáo trộn ở miền Nam. Vũ Hạnh gộp chung những nhà văn-hóa miền Nam không đứng dưới sự lãnh đạo của Việt-cộng, gọi những người này làm “văn-hóa mạo hóa”.


Nhưng nay đã rõ, trước sau VH, LP, … luôn một ý cưỡng ép văn-nghệ vị nhân sinh và làm chính-trị một chiều, ý đồ lèo lái những người làm văn-hóa “dân tộc” thực sự vào con đường “dân tộc quốc tế”, “cộng sản” – “dân tộc” của họ là dân tộc giả hình, là chiêu bài của CS quốc tế, là phương tiện để CS đạt mục đích. VH chế ra cả biệt hiệu “tác-giả A. Pazzi” lẫn “dịch giả Hồng Cúc” để “dịch” cuốn Người Việt Cao Quí để lừa người đọc – thật ra chẳng có nguyên tác tiếng Ý nào cả, chỉ là theo chỉ thị phản ứng lại Người Việt Đáng Yêu trung thực của Doãn Quốc Sỹ xuất bản năm 1965 trước đó. Và trong một chiều hướng nào đó, nói đến dân-tộc là kéo lùi văn-nghệ, biến văn-học thành huyền thoại, ca dao, truyện cổ, … Vũ Hạnh phủ nhận văn-học thời đại đang diễn ra, nhất là khuynh-hướng hiện sinh, và quay lùi xem Thạch Sanh của truyện Nôm là “nghệ sĩ số một”. VH, LP, … không có gì mới, kéo lùi về văn minh nông nghiệp thì có. Và sáng tác, sáng tạo theo kiểu VH, Tin Văn là làm theo chỉ thị, điều động của CS Bắc Việt, gò ép theo hình tượng khuôn mẫu. “Dân tộc” kiểu quốc tế CS và không nhân bản, tình người thường tình. Tóm, VH chỉ là một tay sai tuyên truyền, không thể gọi là nhà lý thuyết, phê bình văn học gì cả, là tên gù như Viên Linh từng gọi, có nhiệm vụ dò la, len lỏi, nịnh LM Thanh Lãng, hội giáo chức… để thoát bị tù.


Phiên hội về các phong trào / khuynh hướng văn chương gồm 8 tham luận, ngoài hai sinh viên thạc sĩ, đa phần là do các nhà nghiên cứu và giáo sư đại học trong nước. Ngoài ra còn có ba phiên hội khác về các nhà văn và tác phẩm văn học miền Nam – về Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhật Tiến, Du Tử Lê, Trịnh Công Sơn, Hồ Biểu Chánh, Vũ Bằng, các chủ nghĩa Nhân vị, Hiện sinh, dịch thuật, nhân vật trẻ em, báo chí người Hoa, diễn ra cùng thời gian và có thể xem lại đa phần trên trang web của đại học Hamburg. Bài này ghi nhận vài nhận định riêng từ phiên hội chúng tôi chủ tọa.


Văn học miền Nam đã sớm bị vùi dập, cấm đoán ngay sau ngày Bắc Việt cưỡng chiếm Việt-Nam Cộng-Hòa nay dần dà được đưa trở ra “ánh sáng”, với thiện chí và trung thực thì ít mà tuyên truyền và lợi dụng buôn bán sách cũng thường xuyên hơn. Sau Hội thảo ở Nam California cuối năm 2014 và Thảo luận trên Thư Quán Bản Thảo tháng 2-2015, hơn 20 năm văn học ấy nay được một cơ quan đại học nước Đức tổ chức với những tham luận phải nhìn nhận nhiều phần khách quan và mang tính học thuật – rõ nhất ở các nhà nghiên cứu bên này vĩ tuyến XVII cũ, dù tuyên truyền và sai lầm vẫn “len lỏi” vào. Chỉ tiếc là các tổ chức Việt học, văn hóa và các học giả, nhà văn hải ngoại đã không góp mặt – ngoài tham luận của một người Nhật, một người Mỹ và hai người Mỹ, Đức gốc Việt (4 chủ tọa, ngoài chúng tôi và 2 giáo sư Viện Việt học Hamburg còn có 1 viện sĩ trong nước).


Nguyễn Vy Khanh

(Nguồn: tranhoaithu42.com.com)