LTS: Để quí bạn có cái nhìn rõ hơn về khuynh hướng sáng tác của một số nhà văn nữ quen thuộc trong thời chiến, đặc biệt là ảnh hưởng của thời cuộc (biến cố Mậu Thân, những ngày niền Nam hấp hối...), chúng tôi đăng lại hai bài phỏng vấn. Một là của Lê Phương Chi. Hai là của tạp chí Thời Tập.
Những nhà văn: TRÙNG DƯƠNG, NGUYỄN THỊ THỤY VŨ, NGUYỄN THỊ HOÀNG, MINH QUÂN, TÚY HỒNG, NHÃ CA đã trả lời câu hỏi về thời cuộc (biến cố Mậu Thân, chiến cuộc, hòa đàm...) và đời sống hiện tại (giá sinh hoạt leo thang...) có ảnh hưởng gì đến công việc sáng tác? và mối bận tâm nhất trong lúc này?
TRÙNG DƯƠNG
Nhà văn Trùng Dương
(Phan Nguyên vẽ)
Có nhẽ ở điểm này tôi phải nói là tôi cần một thời gian trước khi có thể sáng tác dựa trên những ảnh hưởng thu nhận được. Có nhẽ tôi nói hơi tối nghĩa chăng. Tôi muốn nói biến cố tết Mậu-thân tương đối còn gần với tôi quá. Vả lại, liền sau đó, tôi lại có cuộc xuất ngoại dầu tiên ra khỏi Việt-Nam. Với tôi cả hai sự kiện đều khá lớn mà tôi cần có một thời gian trước khi viết về nó. Tôi có thể đưa ra một tỷ dụ như chuyện dài "Bầy Kên Kên" tôi hiện đang viết cho báo Văn. Trong đó, tôi dựng lại khung cảnh của những năm 63-64... trở lại gần đây. Nhiều người cho rằng phải viết khi mọi sự còn nóng bỏng. Tôi không có khả năng đó. Có lẽ vì vậy tôi khó trở thành một phóng viên tin tức? vả lại, tôi vẫn nghĩ rằng đặt vấn đề sáng tác, là phải vượt ra ngoài tính cách thời gian... Đó có thể là một tham vọng. Và có tham vọng là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác.
Còn vấn đề giá sinh hoạt đắt đỏ có ảnh hưởng đến sáng tác của tôi hay không, tôi có thể nói hầu như là không. Khi sáng tác, là tung mình vào một thế giới khác, với những nhân vật khác, với những âu lo băn khoăn sung sướng khác. Tôi sung sướng vì sống gần Bố Mẹ và anh em. Một cách gián tiếp, chúng tôi nương tựa lẫn nhau. Mẹ tôi, nhất là mẹ tôi, dù chẳng bao giờ đọc bất cứ cái gì tôi viết, nhưng bà tôn trọng những lúc tôi cần làm việc. Có những sự săn sóc thật nhỏ mọn như việc bà pha một ly nước chanh hay nước cam đem đến cho tôi uống, quả là một khích lệ. Sự thiếu thốn vật chất tuy đáng kể, song những nâng đỡ về tinh thân còn đáng kể hơn. Tóm lại cuộc sống tôi không đến nỗi nào chật vật lắm, nhất là từ ngày con tôi đã khá lớn.
Còn mối bận tâm của tôi à?
Khó nói quá. Đôi khi tôi thấy nó là vấn đề quyết định sống độc thân để theo đuổi những mộng ước riêng tư, hay lấy chồng để có một chỗ nương tựa và hy sinh đi một số mộng ước. Đôi khi tôi thấy nó lại là vấn đề khác...
Nhưng tạm thời trong hiện tại, tôi bận tâm đến việc kiếm tiền nhiều hơn cả. Xin anh đừng cười. Điều đó có vẻ tầm thường, nhưng ai dám bảo là không cẦn thiết, phải không anh? Tuy nhiên anh có thể tin ở lời tôi nói: Tuy bị thúc đẩy bởi ý nghĩa kiếm tiền, với tôi đó chưa phải là mục đích. Cái mục đích là những gì tôi sẽ làm sau này.
NGUYÊN-THỊ THỤY-VŨ
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ
(Ảnh Trần Cao Lĩnh))
Tôi tìm vào nhà Thụy-Vũ hơn ba lượt, lần nào nhà cũng đóng kín cửa, chủ nhân đi vắng. Tôi trở lại nhà Thụy-Vũ vào tối thứ bảy, gặp lúc Hồ-Trường-An về phép và gặp anh Tô-Thùy-Yên ghé chơi. Thụy-Vũ lại đang bận tiếp một cô học trò cũ nói tiếng Mỹ đến thăm. Có lẽ do ngoại cảnh bận rộn đó, Thụy-Vũ chỉ trả lời vội vàng được mấy câu:
- Hiện nay tôi ngưng viết, tôi đang lo chuyện nhà xuất bản "Hồng Đức" do tôi và anh Tô-Thùy-Yên chủ trương. Chưa biết khi viết lại, thời cuộc hoặc những cảnh tượng biến cố Mậu-Thân chẳng hạn có ảnh hưởng vào tác phẩm của tôi hay không. Khi tôi viết tôi mới biết...
- Tôi đang phải chạy ba chân bốn cẳng để lo việc kiếm nhà in, lo việc kiểm duyệt cho công việc xuất bản... Đó có lẽ là mối bận tâm nhất của tôi lúc này.
NGUYỄN THỊ HOÀNG
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng
(Ảnh Trần Cao Lĩnh)
Với đời sống bình thường thì những biến cố bên ngoài và những đổi thay về giá sinh hoạt, những xáo trộn xã hội là một hiểm họa đe dọa thường ngày và làm quan tâm đến kẻ phải lo chu toàn đời sống gia đình họ... Không phải là khinh thường đời sống thực tế, nhưng sự thực thì tôi ít băn khoăn đến những khó khăn về sinh hoạt. Bởi không muốn sống đều. Dễ dàng, có nhiều thì rộng rãi, tùy thích. Khó khăn có ít thì thu xếp cách khác, không phải là vì chiết giảm, tần tiện, nhưng bỏ trống, nghĩa là nhịn hẳn. Và tìm đến những cách khác miễn làm đầy đời sống. Làm thế nào để luôn luôn cảm thấy, bằng cách thu xếp nào cũng cảm thấy đời sống đã chọn lựa được đầy đủ, nghĩa đen và bóng, được đẹp và có ý nghĩa. Thành thực, thì tôi cũng không thích một đời sống dễ dàng, về mọi phương diện. Những khó khăn vẫn kêu gọi mình tới những nỗ lực không ngừng, và vì vậy, đời sống sẽ luôn đầy và lạ.
Những biến cố đã xảy ra trong và sau tết, hoặc bất cứ một biến cố nào khác đều không dự phần nào trong đời sống, cũng như tác phẩm tôi bây giờ và sau này. Bởi lẽ tôi không là nhân chứng hay người săn đuổi những hiện tượng bề mặt đời sống, và nếu có, tôi cũng sẽ là người vẽ tranh chứ không thể là thợ chụp hình.
Mối bận tâm nhất của tôi về gia đình là thằng nhóc trong bụng có lẽ ra đời vào hôm nay, về sinh hoạt văn nghệ là chờ đợi những người hứa viết cho nhà xuất bản tôi sẽ giao tác phẩm như đã hứa.
Tôi hỏi tại sao chị biết đứa bé còn nằm trong bụng là thằng nhóc / chị Nguyễn Thị Hoàng nhìn anh Bửu Sum rồi cười: vì linh tính của đàn bà làm sao tôi có thể cắt nghĩa cho anh nghe được. Nếu có cắt nghĩa được thì đó là phần nhà tôi. Nhà tôi nghiên cứu Tử-vi của chúng tôi, năm nay nhất định sinh con trai, chúng tôi đã chọn sẳn tên cho cháu là Vĩnh Khang.
Nhưng... ở đời có đôi chữ nhưng rất thú vị, nhất là đối với các nhà văn rất ít ai chịu tìm hiểu và biết đến. Trước khi bài này lên khuôn, tôi và anh chị Lê Châu đến nhà bảo sanh Đức Chính thăm chị Nguyễn Thị Hoàng. Tôi nhìn cô bé còn đỏ hõn nằm trong nôi hỏi đùa chị Hoàng: - Sao lại cô bé mà không là thằng nhóc? Chị Hoàng mỉm cười nhìn chồng, Anh BỬU Sum cười lớn: Ôi, mấy ông thầy Tử- vi bê bối quá!
MINH QUÂN
Nhà văn Minh Quân
Chị Minh Quân và các con chị đang lúi húi sơn cửa, chị vui vẻ chỉ vào công việc đang làm dở dang và hai tay dính đầy sơn của chị, rồi nói: Cháy ở khu Nguyễn Thiện Thuật - Phan Thanh Giản tức là ngay sau nhà tôi, đạn cày vào tường nhà, đạn làm vỡ kính, hư cửa tôi. Bây giờ tôi mới sủa lần lần. Tôi sửa lén nhà tôi đó anh. Anh Vinh mà trông thấy mẹ con tôi làm hì hục như vầy, ảnh lạ lắm... À, anh hỏi về biến cố Tết Mậu Thân hả? Biến cố Tết Mậu Thân...! Có, có ảnh hưởng nhiều chứ, làm sao mà yên tâm ngồi sáng tác trong lúc bụng cứ phập phồng: không biết ngày mai ra sao? cái gì chờ đợi mình? đạn, lửa có tha thứ mình không? Đêm nằm lắm lúc còn không ngủ được nữa là tính chuyện viết lách...
Nhưng đến khi tình hình coi tàm tạm yên thì tôi cũng bắt đâu cảm thấy nhũng điều mình viết ra nhạt nhẽo, vô ích, phù phiếm. Tôi tự hỏi: mình viết cho ai đọc đây? Có ai đọc không đây? việc này có ích lợi gì không? Và tôi thấy lạc lõng thế nào ấy. Vì thế, trước kia tôi chỉ hoạt động những công tác xã hội có chừng, in ít, thì bây giờ tôi lại để cho những công tác này thâm qua, lấn át thì giờ để viết của tôi mà tôi không hối tiếc gì?
Bởi vì, những gì tôi chịu đựng qua biến cố Mậu Thân, những gì tôi chứng kiến trong các trại tạm cư, tôi nhìn mãi trong các bịnh viện hơn một năm nay trên sức tưởng tượng của tôi; tôi có cảm tưởng rằng những thống khổ, thảm nhục điêu đứng của đồng bào chưa giảm bớt, chưa dứt được thì tôi không thể nào yên tâm mà ngồi tưởng tượng đến những điều gì tốt đẹp giả dối, chỉ có trên giấy mực!
Một đôi khi, tôi định ghi lại những thảm cảnh đó, song rồi tôi bỏ qua, một phần vì quá bận, nhưng có lẽ phần chính là bói tôi bất tài, tôi sợ ngòi bút của tôi không đạt được cái mức làm người dọc cảm xúc như tôi đã xúc cảm... Hay là còn cần đến yếu tố thời gian? song có một điều chắc chắn: tôi không thể là người ngoại quốc trên đất mình.
Giá sinh hoạt cũng có ảnh hưởng đến sáng tác của tôi không ít. Sáng tác làm sao được, lúc nào tâm trí tôi cũng bị chèo kéo về con số chi thu? Thu không lên mà chi thì không giảm, lại cứ muốn vượt hơn số thu. Mấy năm nay tôi tính toán rất kỹ, gần đây lại chi li cẩn thận hơn. Mỗi bận nhìn vào số chi tiêu tôi lại giật mình, bảo con "cố mà giảm mức chi chút nữa". Tôi đã tính giảm mọi thứ. Cái tủ bị bắn lủng, tôi đợi hơn nửa năm, chờ tái bản cuốn truyện mới dám mua. Ghế bàn hư nát, cứ phải chờ đợi... Sáng tác sao yên khi mà nhà cửa hư nát, bẩn thỉu vẫn chưa sửa sang được cho gọn mắt? Khi mà cái Tết này đến tận bên lưng vẫn chưa xóa hết vết tích của đạn lửa con ghi lại trong nhà kỳ Tết năm qua? Đáng lẽ ngồi lại viết theo lời mời của một tờ báo, tôi lại hẹn: "Thôi! hãy gượm, hôm nay phải đóng xong cái cửa lưới đã", hay: "Chưa được, phải tô xong cái tường".
Nghĩa là từ dạo tết đến giờ, tôi không sáng tác gì đáng kể, những truyện đang in và đã in đều là sáng tác cũ. Thì giờ tôi, ngoài việc làm nội trợ hằng ngày, việc công tác xã hội, còn phải dành cho cửa hư, tường lủng, ghế gãy... ngày nay một chút, ngày mai một chút, tháng này một phần, tháng tới một phần: cứ thế tôi từ từ, một minh (có khi động viên các con) sửa sang lại nhà cửa, chứ tiền đâu mà đổ ra thuê thợ? (nhà tôi thì bận, và tôi muốn để anh ấy được nghỉ ngoài giờ làm việc ở sở, tôi thu xếp thế nào mà có thể bày biện trong lúc anh vắng nhà, hoặc những lúc anh ấy đi công tác xa thì càng hay, tôi có thể bừa bãi, đinh, búa, kéo kìm, xi măng, vôi gạch, sơn, gỗ... khỏi vướng mắt anh ấy). Trước kia, tôi ngỡ chỉ có việc chăm con và viết văn là thú vị, nhưng bây giờ tôi cũng thấy vui vì tôi làm thợ hồ, thợ mộc, thợ sơn và cả thợ quét vôi nữa cũng làm tạm, không nỗi nào. Một người thợ tài tử, đỡ tốn đến ngân quỹ gia đình !
Tết đến, mẹ con chúng tôi vẫn không may sắm gì mới. Có chị bạn biếu cái áo mà chưa thu xếp được thì giờ đi may. Giày dép thì đã thành lệ: mỗi năm cứ đợi sau ngày tiễn Táo quân (23 tháng chạp) dắt các con ra vỉa hè Lê- Thánh-Tôn chọn mua solde cho rẻ. Lũ bé không mè nheo gì, nhưng các con lớn đã có vẻ không bằng lòng (học đòi dân thành phố mà) chê là mẹ không biết thời trang, mẹ quê, mẹ cổ v.v... Được cái chúng nói gì nói, quyết định của mẹ vẫn phải theo.
Tôi vẫn ao ước được có một nhà xuất bản sách dành cho thiếu nhi. Có một số bạn gái cùng tôi (nhà báo nhà văn) dự tính lập một nhà xuất bản của nữ giới, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa làm nổi là vì tình hình một phần, nhưng phần chính chúng tôi không thành thạo việc quản trị phát- hành. Mà các bà lại không chịu mời các nam đồng nghiệp. Chị nào cũng nói: "Để chúng ta thử làm xem ra sao. Một nhà xuất bản nữ giới, in toàn sách cho thiếu nhi! hay lắm! rồi chúng ta sẽ làm được, nhưng thong thả".
Đó, mối bận tâm của chúng tôi: không cứ là sáng tác mà là in, xuất bản những tác phẩm dành cho tuổi thơ, nếu không được như tham vọng hằng ôm ấp: mang đến cho trẻ những món ăn tinh thần trong lành, hữu ích thì cũng được, những tác phẩm có tác dụng giải trí và không gây ảnh hưởng xấu cho các em.
TÚY HỒNG
Nhà văn Túy Hồng
Tôi đến nhà Túy Hồng vào một buổi sáng. Thanh Nam còn một tiếng đồng hồ nữa đến tòa soạn Tia sáng, Túy Hồng 12 giờ hơn mới đi dạy học. Nơi Túy Hồng Thanh Nam ở là một căn buồng trong dãy nhà sau của một biệt thự nằm sau lưng rạp chiếu bóng Khải Hoàn.
Sau khi tôi nêu lên câu hỏi, Túy Hồng vui vẻ đặt cô bé Hồng-Ân vào chiếc xe tập đi, nhờ Thanh Nam trông hộ và trả lời.
- Tôi viết chậm chạp, khó khăn và lười. Trong cái Tết Mậu Thân vừa rồi, tôi bị đặt vào tình trạng sợ, lo, nghĩ không thể sáng tác được nữa, nghĩa là không thể tiếp tục viết truyện dài đầu tay "Những Sợi Sắc Không" đăng trên tạp chí Vấn Đề của anh Vũ-Khắc-Khoan nữa. Vì khi tôi sắp đặt viết truyện thì không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng giữa đường lại bị chiến tranh quá gay cấn như vậy... Chuyện của tôi lấy bối cảnh, tình cảnh ở Huế, mà Huế lại bị đứng ngay trong cái lịch sử Mậu Thân, làm tôi tắt nghẹn tư tưởng. Tôi không viết nổi nữa, tôi nói với anh Vũ-Khắc-Khoan như vậy. Nhưng anh Khoan là nhà báo, báo của ảnh đang đăng truyện của tôi mà. Anh Khoan không chịu, cứ giục giã lấy bài, ảnh hối thúc quá... rồi tôi phải tiếp tục lại. Chủ đề câu chuyện của tôi không thay đổi, nhưng nội dung phải thay đổi...
Đang và sau biến cố Mậu Thân, vật giá lên quá, phát sợ... tôi còn nhớ mấy ngày Tết, mình cứ ỉ i nhà ít người không mua đồ trữ vì tin chắc mồng ba là có chợ. Ai ngờ lại có một nạn đói như vậy. Trong nhà không còn gì ngoài mấy cái bánh mứt. Phải đi nài nỉ mua từng cái bắp cải... đắt ơi là đắt!!!
Mọi người đều đặt cái mục tiêu lo lắng vào nạn vật giá leo thang. Ai cũng chú mục vào đó mà kêu khổ... Nhưng những cảnh thương tâm nghe được từ Huế còn khủng khiếp hơn: heo ăn đầu người, một gia đình chạy tản cư mang theo đàn con, cuối cùng kiểm lại rớt đâu dọc đường đứa con bốn tháng; một gia đình dắt cha già chạy giặc, nửa đường đành phải để cha ở lại, lạy cha mà bế con chạy đi... Có cái chiến tranh nào như vậy không? Nên tôi tin rằng mọi người nói đang có sự thay đổi trong đường hướng sáng tác, riêng tôi tôi viết thành tác phẩm ít quá, thê thảm quá nên tôi nghĩ rằng dù tôi có thay đổi đường hướng, độc giả cũng khó thấy... Trường họp tôi, tôi viết được một tác phẩm đã quá mệt nhọc, nên tôi viết được cái nào thì lấy làm quí cái đó...
Mối bận tâm duy nhất của Túy Hồng hiện nay là gì?
Ai ở Sài Gòn cũng đều nghĩ rằng phải có tiền. Ở Sài Gòn mà không có tiền tôi nghĩ đó là một công dân bất mãn. Sống ở Sài Gòn mọi sự đều do "tiền... định cả". Tôi vừa ở Sài Gòn vừa thù oán Sài Gòn. Vì chúng tôi lương tháng có là bao, tôi đi dạy học, Thanh Nam đi làm lai rai cho nhật báo Tia Sáng, mà tháng tháng phải trả tiền nhà 7000 đ, mà chỉ có hai phòng nhỏ. Ngoài ra còn tiền chi phí cho sự săn sóc và tôn sùng Hồng Ân, tốn ơi là tốn... Cuộc sống của chúng tôi cực khổ và lem luốc lắm anh ạ. Tôi và Thanh Nam thay nhau vừa bế con vừa viết bài gởi mấy nơi, gởi cho mấy nơi để mua sữa cho Hồng Ân. Con Hồng Ân trước kia chịu nằm một mình trong nôi, nằm đến bẹp cả đầu... bây giờ cháu đã lớn, chín tháng rưỡi rồi còn gì nữa, đòi bế luôn, không thì khóc thét như bị điện giật. Chúng tôi làm việc đến cuống cuồng cả lên, làm không kịp thở... Tôi tin rằng nếu tôi đừng vào Sài Gòn, tôi sẽ sống khoan thai từ tốn mặc dù cực khổ đến thế nào trên xứ Huế. Huế không đuổi ai chạy rông như Sài Gòn. Tóm lại, mối bận tâm của tôi bây giờ là dồn mọi nỗ lực để cho có một cái nhà quanh quẩn ở Sài Gòn để tiện việc làm ăn của tôi và Thanh Nam...
Đến đây, Thanh Nam tới giờ phải đi tòa soạn, Túy Hồng lại phải bế Hồng Ân, tôi ghi thêm:
- Tại sao Túy Hồng lại đặt tên con là Hồng Ân?
Túy Hồng bế Hồng Ân lên nhìn sâu vào đôi mắt tròn đen như hai hạt nhãn lồng xứ Huế, trả lời:
- Hồng Ân là ân huệ cua Thượng-Đế ban cho, Thanh Nam bảo thế, và hai chữ Hồng-Ân là rút trong một câu Kinh Thánh (Tuý Hồng có đọc cho lôi nghe hai câu ấy nhưng tôi không nhớ) để đặt tên con. Vì chúng tôi đã lớn tuổi rồi ... có được đứa con nào mừng đứa nấy chứ. Bây giò Hồng Ân cũng sắp có em rồi. Có lẽ vào vụ nghỉ hè 1969.
- Lợi tức viết lách và lương bổng của Túy Hồng-Thanh Nam mỗi thang được bao nhiêu mà Túy Hồng than thở quá vậy?
- Kiếm thì cũng khá, nhưng chúng tôi tiêu hoang quá. Thanh Nam xài rộng quen rồi khó mả thu hẹp. Lại thêm săn sóc và tôn sùng .Hồng Ân đây nữa. Tôi viết và lương cũng gần ba chục. Thanh Nam cũng vậy. Nhưng tính con số mà thôi, vì tiền nhuận bút thu vào lẻ tẻ, bay ra hồi nào không hay. Tiền tiêu vặt là một lỗ trống khổng lồ mà ít ai chịu nghĩ đến trong mục dự trù chi của gia đình. Chừng tính lại mới thấy khủng khiếp. Khiếp, khiếp quá.
Tôi cáo từ Túy Hồng gởi lời thăm anh em tòa soạn BK và hẹn hôm nào sẽ "bế" Hồng Ân đến thăm.
NHÃ CA
Nhà văn Nhã Ca
(Tạ Tỵ vẽ)
Tôi về Huế vì ông thân sinh tôi mất, tôi bị kẹt luôn vụ biến cố tết Mậu Thân cả tháng ở ngoài đó. Tôi bị chứng kiến nhiều cảnh bi thảm có thể nói là ngoài sức tưởng tượng của con người.
Biến cố Mậu-Thân đến với người Huế có mặt tại tỉnh nhà vừa kinh hoàng, vừa đau đớn, riêng đối với những người viết văn như tôi thì đó là một điều khó xóa nhoà trong ký ức .
Tôi có viết "Giải Khăn Sô Cho Huế" xong đã gần năm nay, nhưng chưa hài lòng. Vì mỗi lần có ngươi ở Huế vào kể cho nghe thêm những chi tiết càng tang thương, càng khủng khiếp, tôi lại thấy những điều mình ghi vẫn chưa đi đến đâu, tôi lại thấy cần phải thêm thắt và sửa chữa...
Anh muốn biết tôi viết gì trong tác phẩm "Giải Khăn sô Cho Huế"? Tôi nói chung về những tang thương đã trùm lên Huế. Tôi ghi lại một phần nào những cành tôi đã chứng kiến: chẳng hạn như khi mọi người chạy trốn vào một nhà thờ, có một bà mẹ ôm một cái bọc vải và cứ ngồi ru bọc vải ấy, ai hỏi bà cứ bảo là để yên cho con bà ngủ; đến vài ngày sau mùi thúi từ bọc vải ấy bốc ra, mọi người mới vỡ lẽ là con bà ta chết đã lâu. Đồng thời cũng có vài cành tương phản thật chua xót: lâu lâu họ lôi ra cảnh cáo một cặp làm bậy sau tượng Đức Mẹ... Mỉa mai nhất là cảnh một quân nhân Mỹ bắn một con chó đang lội ở sông gần cầu An Cựu, trên bờ sông đang có một đoàn người hơ hãi chạy giặc. Cứ mỗi loạt đạt bắn xuống sông, nước toé lên bờ văng vào đám người đang chạy, làm họ ngỡ là đạn vội nhào vô lề đường nằm xuống, có người hoảng hốt vứt cả đồ đạc. Rất tai hại là chẳng hiểu tên Mỹ ấy bắn tồi hay là chỉ cốt đùa với con chó, cho nên đạn nổ đến năm bày lượt mà chó vẫn cứ lội, làm đoàn người phải bao nhiêu lượt vứt đồ đạc, ném con, nhào xuống đất. Thân phận con người lúc bấy giờ còn thua một con chó!
Khi về đến Sài Gòn, công việc làm ăn và viết lách của tôi chẳng có trở ngại đáng kể.
- Xin chị cho biết mối bận tâm nhất của chị hiện nay là gì?
Nhã Ca nhìn hai đứa con đang ngồi xem truyền hình ở phòng khách: dạo này thời tiết xấu, mấy đứa nhỏ đau, và ông xã tôi cũng bị sốt rét. Mối bận tâm nhất của tôi là gia đình, còn viết văn đối với tôi thì dễ lắm anh, viết lúc nào cũng được.
- Ngày thì chị đi làm ở đài TD sau 17g30 chị mới về đến nhà, lại bận chuyện gia đình như vậv thì giờ nào mả chị sáng tác?
Bây giờ anh Trần Dạ Từ (khi tôi mới đến anh còn bận khách trên lầu, sau khi tiễn khách xong, anh ngồi vào góp chuyện với Nhã Ca) thay vợ trả lời:.bà xã tôi viết đều lắm. Mỗi ngày ba ấy viết khoảng 5, 6 trang đánh máy. Viết vào giờ nghỉ trưa ở sở. Nhã Ca âu yếm nhìn chồng nói tiếp: tôi cũng viết ở nhà vào khoáng từ 20 đến gần 22 trang nếu không bận khách như hôm nay. Sau một nụ cười duyên dáng Nhã Ca nói tiếp: tôi chuyên viết bằng máy đánh chữ, từ trước đến giờ tôi chưa có một tác phẩm nào viết tay cả.
- Nghe nói trong năm 1968 mấy nhà xuất bản đặt trước một số tiền khá lớn nhờ chị viết cho mấy các phẩm? chị có thể cho biết không?
- Cơ sở xuất bàn Thứ Tư đặt ba trăm ngàn đê lấy sáu cuốn, trong số ấy có một cuốn tái bản, đó là năm 1967. Nhà sách Khai Trí đặt hai trăm ngàn mua năm cuốn, có ba cuốn tái bản năm 1968. Còn năm 1969 chúng tôi không bán nữa. Nếu dự định của chúng tôi được thực hiện thì chúng tôi sẽ có một nhà xuất bản lấy tên là Thương Ycu~ đế in sách chúng tôi và các bạn thân.
Trần Dạ Từ cho biết thêm từ truớc đến giờ tác phẩm của Nhã Ca chưa bán đứt cho nhà xuất bản nào cả. Và lợi tức Nhã Ca mỗi năm về sáng tác phẩm vào khoảng sáu trăm ngàn đồng.
- Xin anh chị cho biết vì lý do gì trong năm 1967 đã có lần anh chị định xa nhau? Nhã Ca và Trần Dạ Từ nhìn nhau cười rất đầm ấm, rồi cả hai thay phiên bổ túc cho nhau trả lời: Chuyện qua rồi, nhắc lại dài dòng lắm. Chúng tôi sẽ dành cho anh trong một cuộc phỏng vấn khác. Chúng tôi xin trả lời tóm tắt: Mình phải có đứng trước miệng vực thẳm, mới nhìn thấy miệng vực nguy hiểm như thế nào. Sau đó chúng tôi mới càng thấy quý trọng nhau hơn.
Trần Dạ Từ' nói thêm: Nhà chúng tôi mở cả cửa trước lẫn ngõ sau cho chúng tôi và cho tất cả bạn bè. Ai muốn đến ở lúc nào cũng được, muốn đi lúc nào thì đi. Không có điều kiện gì để ràng buộc nhau cả. Vợ chồng chúng tôi cũng vậy. . .
- Nghe nói trong những ngày báo Sống đóng cửa, Trần Dạ Từ vẫn lãnh lương của anh Chu Tử cho đến khi có tờ Hòa Bình?
- Nói có cũng không đúng, mà nói không cũng không phải. Sự thật như thế này: khi chúng tôi mua nhà này, có mượn của anh Chu-Tử sáu mươi ngàn đồng, chúng tôi trả được ba mươi ngàn. Đến khi báo Sống đóng cửa, bấy giờ là tháng chín (1968), nếu tôi được lãnh lương tháng mười ba như hàng năm, thì lương tôi trả vào số tiền thiếu vẫn còn thừa năm ngàn. Còn chuyện anh Chu-Tử phát lương tháng cho tôi trong những ngày báo bị đóng cửa thì như thế này: thỉnh thoảng trong những dịp đánh xì chơi với nhau, anh ấy có đưa cho tôi hai lần, một lần ba ngàn, một lần năm ngàn. Chỉ có thế thôi. Nghĩ rằng khoảng tiền đó là tiền lương, hoặc tiền cho xài chơi là quyền của thiên hạ đồn. Có phải không anh? Phần chúng tôi, bao giờ chúng tôi cũng quí anh Chu-Tử.
Lê-Phương-Chi
(Sài Gòn đầu năm 1969)
(nguồn: tạp chí Bách Khoa số 292 ngày l/3/1969)