1-6-2024 | VĂN HỌC

Nhà văn Đỗ Phương Khanh

  HỒ TRƯỜNG AN


    Nhà văn Đỗ Phương Khanh
     (1936 - 2020)

Vào những năm 1969, 1870, 1971, Tô Thùy Yên thường bảo tôi:


– Các nhà văn có khuynh hướng xã hội, nghiêng xuống kẻ bất hạnh, người cùng đinh lại thường khá giả, có xe hơi đi. Còn các nhà văn có khuynh hướng mới thì nghèo hơn, chỉ đi xe gắn máy.


Đúng như lời anh nói, các nhà văn xã hội thời đó đều sắm xe cả: Lê Tất Điều, Vũ Hạnh, Minh Quân và cặp vợ chồng Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh.


Ở Việt Nam, tôi quen rất sơ đôi uyên ương cầm bút nầy nhưng tôi đọc hầu hết tác phẩm của họ. Về tác phẩm của Nhật Tiến, đầu tiên tôi đọc Những Vì Sao Lạc đăng từng kỳ trên tạp chí Tân Phong do chị Nguyễn thị Vinh chủ trương. Về truyện của Phương Khanh, tôi đọc một vài truyện ngắn của chị đăng rải rác trên Văn Hoá Ngày NayTân Phong: Đi Mua Giày, Giận Nhau, Con So, Hương Thu.


Trên hành trình viết về xã hội, trước hết Nhật Tiến viết về các trẻ em mồ côi qua các tác phẩm: Những Vì Sao Lạc, Những Người Áo Trắng, Chuyện Bé Phượng, Chim Hót Trong Lồng. Sau đó anh mới viết về xã hội nghèo khó như: Thềm Hoang, Vách Đá Cheo Leo …Khi chiến tranh sôi động, anh có các tác phẩm: Tặng Phẩm của Dòng Sông, Giấc Ngủ Chập Chờn.


Cuốn Thềm Hoang đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc nâng tên tuổi Nhật Tiến lên hàng đầu . Nhưng truyện kịch Người Kéo Màn của anh mới là tác phẩm gây xôn xao và có giá trị nghệ thuật.


Nhật Tiến là nhà giáo, nhà văn. Anh nghiêm trang, đạo mạo nên có vẻ già trước tuổi. Cái nhìn của anh như có vẻ thờ ơ, lãnh đạm sau cặp kính cận, nụ cười của anh nhẹ nhàng, lạt lẽo. Nhưng thật ra anh là người làm việc rất hăng say, nghiêm chỉnh và nồng nhiệt với văn nghiệp, với sự tranh đấu chống bất công, bạo lực. Gia nhập Trung Tâm Văn Bút, được bầu vào ban chấp hành, anh sát cánh với Linh Mục Thanh Lãng vận động cho hội viên thêm đông. Vào quân đội, được phái làm giảng viên ngành Chiến Tranh Chính Trị cho các sĩ quan, anh là kẻ giảng bài tỉ mỉ nhất, lời giảng hùng hồn lưu loát. Năm đó, vừa tốt nghiệp khoá 26 trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được biệt phái qua Địa Phương Quân ở Bình Dương và được cho theo học một khoá chiến tranh chính trị tại đường Đặng Đức Siêu, Sài Gòn. Ông thày dạy tôi là nhà văn Nhật Tiến.


(Chân dung Nữ Sĩ Đỗ Phương Khanh và Nhà Văn Nhật Tiến – 1955)

Tôi đã gặp nhà văn Nhật Tiến vào dịp dự bữa tiệc do chị Hoàng Hương Trang và Thụy Vũ thết đãi tại nhà cụ Vi Huyền Đắc ở Ngã Năm Bình Hòa. Sau đó là bữa tiệc tại nhà chị Nguyễn thị Vinh ở cư xá Lữ Gia. Gần tàn bữa tiệc thì chị Phương Khanh bồng con tới. Chị không đẹp lắm nhưng hoạt bát, thông minh, duyên dáng. Hôm đó chị mặc chiếc áo xẩm cụt tay bằng gấm đen nổi hoa xanh đỏ. Ít lâu sau, nhà xuất bản Ngọc Minh thực hiện tuyển tập các nhà văn nữ do chị Nguyễn thị Vinh cố vấn việc chọn bài. Các nhà văn nữ có mặt trong tuyển tập gồm: Nguyễn thị Vinh, Linh Bảo, Minh Quân, Vân Trang, Trúc Liên, Đỗ Phương Khanh, Hoàng Hương Trang, Minh Đức Hoài Trinh, Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ ….Trong tuyển tập ấy, truyện Vàng Son của Đỗ Phương Khanh rất hay, có khuynh hướng xã hội rõ rệt.


Nhật Tiến không ưa lối viết bạo của Thụy Vũ. Trên các tạp chí xuân năm Mậu Thân 1968, anh nạo Thụy Vũ tơi bời, cho rằng văn chương Thụy Vũ tục tĩu, ngang ngược, không có một chút giá trị căn bản của nghệ thuật. Song song với Nhật Tiến chà láng Thụy Vũ, nhóm Tin Văn pháo kích Nguyễn thị Hoàng tơi bời manh giáp. Nhưng trong hai năm liền, sách của hai nữ tác giả này bán chạy như tôm tươi.


Xét cho cùng, Nhật Tiến nạo sát ván Thụy Vũ chẳng phải vì tư thù. Anh có đường lối văn chương xã hội nên không thể nào chịu nổi lối viết mạnh bảo tả chân của Thụy Vũ. Dù bị phê bình tàn mạt, Thụy Vũ vẫn không có chút thù hằn Nhật Tiến. Bốn năm sau, hai chị em tôi có dịp đến Trung Tâm Văn Bút để gặp Linh Mục Thanh Lãng thì gặp lại cặp Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh. Giữa hai bên hầu như chưa hề có bài phê bình nặng lời đó. Chị Đỗ Phương Khanh rủ Thụy Vũ gia nhập Văn Bút trở lại.



Vào năm 1968, nhà xuất bản Huyền Trân do Nhật Tiến chủ trương, cho xuất bản tập truyện Hương Thu của Đỗ Phương Khanh. Tôi đã viết bài điểm cuốn ấy trên tạp chí An Lạc do Đại Đức Thích Thông Bửu làm chủ nhiệm.


Năm 1973, tôi ăn dầm nằm dề tại nhà ký giả Lê Khiêm (con trai nhà văn Lê Trương). Mỗi sáng chúng tôi ra cổng xe lửa số 6 đáp xe lửa đi Biên Hoà làm việc ở Quân đoàn 3. Chiều, hai đứa cùng về, tụ tập với lũ ký giả ăn nhậu tán dóc lu bù mà không ngờ Nhật Tiến ở gần đó (ngã ba Trương Minh Giảng – Nguyễn Huỳnh Đức). Thời gian đó, tôi đang theo dự lớp tối ở đại học Minh Đức, phân khoa điện ảnh. Một hôm khi ra tới đường để đón xe lam đi học, tôi gặp chị Đỗ Phương Khanh. Cả mừng, chị rủ tôi đến chơi cho biết nhà và anh chị cho tôi một lô sách.


Sau ngày 30-4-75, tôi có tháp tùng nhà văn Vũ Mai Anh đến thăm Nhật Tiến. Anh có dịp hiểu tôi hơn, dù ba tôi thân Cộng, giữ chức cố vấn Hội Văn Nghệ Sĩ Giải Phóng đồng với cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nghệ sĩ Bảy Nhiêu (Hùynh Năng Nhiêu) và nhà thơ nữ Ái Lan, nhưng tôi vẫn là sĩ quan ngụy, đang trốn học tập và phải rời bỏ xóm cũ.


Rôi tôi cùng cặp Nhật Tiến, Đỗ Phương Khanh học khóa I Bồi dưỡng Chính trị vào năm 1976. Trong lúc bàn về sách vở, báo chí miền Nam, tên cán bộ văn hoá Mai Quốc Liên đã khinh miệt chê bai văn chương miền Nam là văn chương chợ trời, văn chương bán “sôn”. Chị Phương Khanh dằn không nổi, thét lớn:


”Sao anh dám nói thế? Anh đã xem hết sách vở miền Nam chưa? Anh nói thế là do ý anh hay anh nhân danh Bác và Đảng của anh?”


Chị bật lên khóc và ngồi xuống ghế. Sau đó, khi nghe một nhà văn nữ van xin Cộng Sản:


“Hãy để cho chúng tôi viết lại. Chúng tôi là kẻ bị chế đô cũ đầu độc, yếu đuối. Chúng tôi cần có sự dìu dắt của các anh”, chị Đỗ Phương Khanh đã dõng dạc nói: “Cô có xin thì xin cho cô ấy. Đừng có xin cho chúng tôi làm gì !”


Về phần Nhật Tiến, sau khi làm tự phê tự kiểm, anh vào phòng rửa mặt khóc nức nở. Anh bị tên Bùi Đức Ái (tức Anh Đức, tác giả truyện dài Hòn Đất) nạo sát ván nhưng anh vẫn không chịu nhận đường lối văn chương xã hội của anh là sai, ngay cả những gì anh viết trong cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn là bịa đặt (cuốn nầy tố Cộng khá nặng). Trước sau anh vẫn khăng khăng trả lời cán bộ Cộng sản rằng anh chỉ là kẻ ghi chép những gì mắt thấy tai nghe và anh cũng đã viết về những băng hoại, thối nát của chế độ miền Nam.


Hồ Trường An

Nguồn: tiengquehuong.wordpress.com