Tháng 10 năm 1956 tạp chí Sáng Tạo ra đời. Tờ báo đáp ứng một sự thiếu vắng, nó được hoan nghênh ngay.
Trước “vận hội mới” quần chúng độc giả chờ đợi một xuất hiện mới trên lãnh vực văn nghệ. Loại thơ văn trên báo Đời Mới của Trần Văn Ân chẳng hạn không còn sức thu hút nữa, những sáng tác ra mắt trên nhật báo không thể thõa mãn, tờ Mùa Lúa Mới vẫn chỉ là của một địa phương. Tờ Sáng Tạo chính đã đến đúng lúc. Và nó đã nhằm đúng vào tâm trạng quần chúng: chờ cái mới.
Thoạt ra mắt, Sáng Tạo đã phát động ngay “một nền nghệ thuật mới”, “nghệ thuật hôm nay”. Phát động thật ồn ào. Mười bốn năm sau, Mai Thảo nói về lúc khởi đầu ấy vẫn còn nói bằng giọng say sưa: “Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu” (1) – Cách mạng chống lại cái gì? Phá bỏ cái gì vậy? – Những cái không thuộc về hôm nay: “Trong một thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân thu, những luận đề Tự lực.” (2) Cuộc cách mạng này “tựu trung vẫn chỉ là lịch sử tiến trình biện chứng của những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ rứt thoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế” (3)
Nhưng đến khi cần biết về “ngọn triều lớn” thì không thể biết gì rõ rang. “Văn nghệ hôm nay” chủ trương ra sao? Đưa ra lý thuyết gì? Vạch ra những đường lối gì? Bác bỏ văn nghệ hôm qua ở chỗ nào? – Nhóm Sáng Tạo không có giải đáp: “ … thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có.” (4) Vâng, thì lên đường đã được ghi nhận xong; nhưng lên đường đi về hướng nào đây? Về thi ca, Mai Thảo bảo rất đại khái: “Và thơ bây giờ là thơ tự do.” (5); về các bộ môn khác, không thấy có ý kiến gì. Thơ tự do không phải là cái mới mẻ nữa. Nó không phải là sáng kiến của văn nghệ hôm nay, của cách mạng. Sau này, có lần Mai Thảo thú nhận: “Tôi không nhìn Sáng Tạo như nơi phát xuất và hình thành một dòng văn học nghệ thuật. Lớn chuyện quá. Một tinh thần nào, một cách thế thì có.” (6)
Nhìn như một tinh thần, thì đó là một tinh thần đổi mới đầy tự tin, đầy hứng khởi. Tinh thần ấy có sức lôi cuốn, động viên; một tinh thần đáng tán thưởng. Nhưng nhìn như một cách thế, thì cách thế Sáng Tạo có những chỗ khó bảo là “tuyệt đẹp”. Chẳng hạn trong lối “khai tử” nền văn học tiền chiến có một cách thế kiêu căng; chẳng hạn trong lối diễn đạt của những vị trong nhóm chủ trương có một cách thế kiêu kỳ; hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm.
Tuy nhiên Sáng Tạo đã có những đóng góp đáng kể. Mặc dù chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn 31 tháng, nó đã phát huy được một số văn tài đông đảo. Nhiều người trong số đó về sau, sau khi tờ tạp chí đình bản, tiến lên giữ vai trò quan trọng trong những hoạt động văn nghệ riêng biệt của mình. Thanh Tâm Tuyền dần dần viết truyện nhiều hơn làm thơ, viết truyện rất thành công và có ảnh hưởng rộng trong văn giới lớp sau; Doãn Quốc Sỹ chủ trương một nhà xuất bản, giới thiệu thêm một số cây bút mới nữa (trong đó có Phan Nhật Nam); Nguyên Sa rồi đứng ra chủ trương các tạp chí Gió Mới, Hiện Đại, và có một uy thế riêng; Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (sau đổi ra là Nguyễn Đức Sơn) rồi trở thành những thi sĩ có bản sắc đặc biệt; Dương Nghiễm Mậu sáng tác mỗi lúc mỗi phong phú mỗi độc đáo, chủ trương nào nhà xuất bản nào tạp chí Văn Nghệ (cùng với Lý Hoàng Phong), là một cây bút xuất sắc hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày cuối cùng của Miền Nam v. v…
1,2,3) Mai Thảo, “Đứng về phía những cái mới”, Tuyển truyện Sáng Tạo, Sống Mới tái bản tại Hoa Kỳ, các trang 8, 11, 13.
4) Sđd, trang 12.
5) Sđd, trang 11.
6) Nguyễn Nam Anh, “Mai Thảo, nhà văn ở phút nói sự thật”, tạp chí Văn, Sài gòn, số 192 ra ngày 15-12-1971.