22-04-2012 | VĂN HỌC

Những Khuôn Mặt Tình

  VÕ TẤN KHANH


    Nhà thơ Võ Tấn Khanh

Đó là sự kết tinh cao độ của tình yêu - tình bạn - tình người; là sự đồng cảm sâu sắc của những tâm hồn cháy bỏng ước mơ, sáng ngời lý tưởng; sự thao thức trăn trở của những trái tim nhiệt huyết, nhiệt thành, của những việc làm không tính toán hao tốn nhưng kết quả phải là tuyệt đỉnh... Một thời chúng tôi là những khuôn mặt đó, và tôi gọi đó là những khuôn mặt tình đích thực.


Hòa nhập vào những cơn lốc xoáy của thời cuộc nhưng đứng trên mọi mưu toan chính kiến, chúng tôi đã đến với nhau rất tự nhiên, như đã gặp, đã thấy tự bao giờ. Ở đâu, lúc nào, không ai dự kiến trước. Đó là căn gác 11 Nguyễn Thái Học của Nguyên Minh, khu vườn cây rậm mát của tôi bên kia bờ sông thành phố nắng, xa hơn nữa, nhà in Đăng Quang rồi offset Thanh Bình ở Sài Gòn, đến cả cái gác xép đầu cầu Phan Thanh Giản của Hồ Thanh Ngạn... nơi nào cũng ăm ắp tình anh em, tạo thành một chuỗi ấn tượng sâu đậm đến nỗi, bây giờ, ba mươi năm qua, tôi vẫn hình dung mồn một.


Tôi gặp lại Nguyên Minh sau Mậu Thân 1968, hơi muộn màng bởi chúng tôi đã từng có chung một thời trung học. Giữa đường, Minh chỉ nói một câu: "Tối nay đến tao, bàn chuyện ra tờ Ý Thức" như đã từng nuôi một ý tưởng, một dự tính. Và, tôi đã gắn bó với anh chàng nhà văn nhỏ con ngon độ này trong suốt cuộc sống, từ đó. Làm phiền nhau, giúp nhau, an ủi, bực mình, mắng chửi... nhưng hiểu và tin nhau, tôi đã là kẻ đồng hành với Minh suốt bốn chặng đường Ý Thức: Ronéo, Typo, Offset và Mutilithe.


Buổi tối, trên căn gác xép với những ly cà phê đặc, tôi được quen Ngy Hữu: mập người, hơi phục phịch nhưng chắc gọn, mi mắt lót sâu, giọng cả quyết, Hữu là cây lý thuyết gia của tờ báo, chịu trách nhiệm về nội dung, thu nhận tuyển đọc bài vở, bắt liên lạc với anh em trong và ngoài nhóm, lại phải sáng tác thêm nếu thiếu bài. Nguyên Minh, như bản tính, say sưa đưa ra những bản vẽ tuyệt vời về tương lai tờ báo. Trong chuyện, tôi hình dung được một số bạn cũ của Minh và Hữu: Hồ Thủy Giũ, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận, Hồ Thanh Ngạn, Nguyễn Mậu Hưng, Đỗ Hồng Ngọc... và, như một đồng cảm rất tự nhiên, tôi coi như đã là bạn bè. Số 1 Ý Thức Ronéo bắt đầu từ đó.


Sẽ là một thiếu sót lớn lao nếu tôi không nhắc đến một khuôn mặt nữ có tính cách định mệnh trong giai đoạn này: chị Kim Phương. Không viết lách, không tham gia bàn cãi nhưng là một tay đả tự viên độc nhất mà từ trước đó cho tới bây giờ, không một ai sánh kịp. Cẩn trọng, nghiêm túc, say mê, những trang bản thảo hiện ra trên những tờ stencil hay master ngay thẳng, vuông vức, đều đặn từ hàng, chữ đến dấu, đẹp tuyệt vời nhìn hoài không chán mắt. Nguyên Minh chỉ việc đọc lại, morasse, kẻ tít và những trang báo ra đời làm sửng sốt làng in ấn, văn nghệ bấy giờ.


Cũng không bao giờ tôi quên được những chuyến phát hành trực tiếp bằng Honda ra Nha Trang, lên Đà Lạt. Tôi chở Minh, Hữu chở báo, khua môi múa lưỡi ở các quán café văn nghệ, các sạp báo, nhà sách... và có thêm những người bạn văn chí nghĩa chí tình. Huế, Đà Năng, Qui Nhơn, Sài Gòn đã có anh em trong nhóm lo phân phối, và, điều lạ nhất đời là nhận báo, chưa bán, phải lo chạy tiền gửi về trước để "tụi nó ở nhà" tiếp tục ra các số sau. Đây cũng là dịp tôi gặp Lữ Kiều và Nguyễn Mậu Hưng. Mang báo vào Sài Gòn đến nhà Minh Thanh - bạn gái của Nguyên Minh - nhờ nhắn, buổi chiều Lữ Kiều đến tìm tôi và kéo nhau ra quán nhậu. Cao lớn, ồm oàm, nhà viết kịch phán ngay với tôi: "Tác phong một kịch tác gia phải khác nhà thơ! Tuy nhiên, thi sĩ cũng nên tập uống". Sau đó, chúng tôi kéo nhau đến nhà Nguyên Thạnh (Nguyễn Mậu Hưng) giao báo... nhận tiền. Nguyên Thạnh nhà ta cười hiền và... mở ví!


Đến số 6, Ý Thức in khổ nhỏ, xếp thành từng cahier và đóng chỉ, thành công. Nguyên Minh lại làm một bước đột phá mới: xuất bản tập truyện ngắn: "Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang" của Trần Hoài Thư, bằng kỹ thuật Ronéo, cũng nhờ anh em thân hữu phát hành và bán chạy. Ước mơ ôm ấp một đời lúc này đã có được những đợt quả đầu mùa vừa ý. Một cuộc họp mặt rộng rãi tại nhà Nguyên Minh. Lúc này có thêm Lê Ký Thương, lo phần trình bày và Nguyễn Mậu Hưng mới đổi về bệnh viện Phan Rang công tác. Châu Văn Thuận và Lữ Quỳnh từ Qui Nhơn vào, có cả Nguyễn Mộng Giác; Lữ Kiều và Trần Hữu Lục từ Đà Lạt xuống... Lần gặp mặt tương đối đông đủ nhất kể từ khi có tờ báo. Hưng phấn, anh em bàn chuyện xa hơn: Ra Ý Thức in Typo hợp pháp, phát hành rộng rãi và đặt cơ sở ngay tại Sài Gòn. Đây là bước đột phá có tính cách đổi đời, vì đã qua 6 số, địa chỉ vẫn ghi Tòa soạn lưu động theo chân người viết. Quyết định, Ý Thức Ronéo tạm đình bản, Nguyên Minh giao nhà Renéo lại cho Ngy Hữu và vào Sài Gòn, "nằm ổ" trước ở nhà xuất bản Thương yêu.


Đầu năm 1969, Lê Ký Thương vào tu nghiệp ở Sài Gòn, cùng Nguyên Minh, Lữ Kiều, Hồ Thanh Ngạn lo xong thủ tục pháp lý; tờ báo được cấp biên lai chính thức với cơ cấu pháp nhân: Chủ nhiệm D.S Nguyễn Thị Yến - cô bạn gái của Nguyên Minh. Tổng Thư ký: Nguyên Minh. Quản lý: Nguyễn thị Dung - vợ của Hồ Thanh Ngạn. Đây cũng là hai khuôn mặt nữ gây thêm nhiều ấn tượng trong nhóm chủ trương, tuy không viết nhưng là sợi dây ràng buộc anh em với nhau, với những chăm chút rất đỗi thân tình, ruột thịt.


Cơ duyên đưa đẩy thêm, Lữ Kiều và Nguyên Minh gặp anh Trần Quang Huề, một lão tướng văn nghệ, tại nhà in Đăng Quang, và Ý Thức in Typo, Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật có tòa soạn và địa chỉ đàng hoàng, bề thế. Hè 1969, tôi tăng cường về tòa soạn, lúc này đã có Thái Ngọc San, thường trực lo phần in ấn. Nguyên Minh hợp đồng thuê hẳn nhà in Đăng Quang, nhận hàng ngoài để có thêm vốn đắp cho tờ báo, và, không hiểu xoay xở tính toan thế nào, lại mua được cả một chiếc xe LaDalat. Chúng tôi có được thêm phương tiện đê chở báo giao Tổng phát hành và giao dịch.


Nhờ ở trung tâm, anh em có điều kiện để gặp nhau thường xuyên. Hồ Thủy Giũ chịu "rời ổ" Huế vào, Lữ Quỳnh thường xuyên lấy cớ vào Sài Gòn công tác, Lữ Kiều nếu lúc này ở tận đảo xa tuần nào cũng về... và anh em vẫn hay họp mặt vào các buổi tối ở nhà Dung Ngạn.

Bên cạnh sách của nhà Lá Bối, An Tiêm nhận in, Ý Thức xuất bàn tiếp "Những vì sao vĩnh biệt" của Trần Hoài Thư, và tổ chức buổi ra mắt độc đáo tại nhà chị Nguyễn Thị Yến. Giới văn nghệ Sài Gòn bắt đầu đê ý đến mấy ông văn nghệ trẻ và lui tới nhà in, tòa soạn. Anh Thế Phong ở Đại Nam Văn Hiến, anh Nguyễn Khắc Ngữ Sử Địa, anh Thế Nguyên ở Trình Bày, các thầy Từ Mẫn (Lá Bối), Thanh Tuệ (An Tiêm), Chơn Pháp... tất cả đều trân trọng sự có mặt của Ý Thức trong làng văn làng báo Sài Gòn.


Tất nhiên, không phải mọi việc lúc nào cũng thuận buồm xuôi mái. Chúng tôi phải vật vã vô cùng với Tổng phát hành Đồng Nai ở đầu ra, cũng như đối đầu Với mấy ông Ba Tàu Chợ Lớn đầu nậu giấy in báo ở đầu vào. Bài học thấm thía mãi mãi còn cay là, giữa làng báo Saigon, người ta không chỉ sống với nhau bằng tình nghĩa văn nghệ. Phải làm sao giữ được thăng bằng giữa muôn ngàn phức tạp đang diễn ra lúc đó. Không thiếu anh em chí nghĩa chí tình nhưng cũng nhiều những tay báo gia nô, chỉ điểm, hoạt đầu văn nghệ.

Ý Thức là tờ báo có vẻ lý tưởng lúc đó, bởi những người chủ trương vẫn âm thầm hy sinh, san sẻ để nuôi tờ báo, không dùng tờ báo để nuôi một anh em nào. Tất cả đều chỉ có cho và không hề mong được nhận. Chúng tôi vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ lại từng khuôn mặt, những băn khoăn trăn trở của anh em trong và ngoài nhóm, và cảm nhận cái tình cám đích thực ràng buộc bạn bè. Đó là thứ tình yêu vĩnh hằng, tuyệt đối.

Tôi không quên cái dáng người thấp nhỏ, rất nghệ sĩ của nhà thơ Hạc Thành Hoa, từ Sa Đéc về mang báo đi phát hành; anh lính người Nam bộ chơn chất Lê Hồng Thuyên với kiện báo trên vai, lửng thủng dọc đường Phan Thanh Giản chờ xe đò về Long An... và còn bao nhiêu người khác nữa. Cái tình chúng tôi đãi anh em, được đáp lại bằng những tấm lòng.


Năm 1971 - 1972, vì công tác, tôi không còn ở Saigon, thường trực chỉ mỗi Nguyên Minh xoay xở. Chị Mai, mà động lực chính là Nguyên Minh, mở offset Thanh Bình An Quán. Khách mở hàng là Ý Thức, một tờ Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật! Tờ báo thêm một khởi sắc mới và không ít anh em viết lách đã tìm về, trở thành những cây bút thường xuyên: Quán Như, Trần Nhựt Tân... Tình hình chung lúc này sôi động mà đỉnh cao là mùa hè Đỏ lửa. Nguyên Minh, vì tình chị em với chị Mai, phải gánh thêm việc trông coi nhà in. Anh em do tình thế, ít về Saigon, Ý Thức bắt đầu có những số không đúng định kỳ. Để khỏi ân hận với chính mình và nhất là khỏi phụ lòng anh em, Nguyên Minh quyết định tạm đình bản. Hai mươi bốn số báo, Ý Thức đã nói được tiếng nói anh em bạn bè, đáp ứng phần nào mơ ước của chúng tôi và nhất là thể hiện được thái độ của những người cầm bút trước vận mệnh của văn chương và đất nước.


Rồi 1975 "Khúc quanh của lịch sử, như một tiếng nổ khốc liệt nổ ra giữa cuộc sống mà sức công phá mãnh liệt thổi tung chúng tôi về mọi phía", nói như Lữ Kiều, tất cả chúng tôi hầu như ngưng viết. Dù sao chúng tôi đã có một thời sống đúng nghĩa, mà, sự ràng buộc của tình yêu văn nghệ đã không bào mòn một phân ly nào xúc cảm, mơ ước, cũng như những suy nghĩ về nhau.


Trong hồi tưởng bồi hồi, tôi ghi lại rời rạc như những dòng nhật ký trích. Ở mỗi chặng đường, trong ý tưởng vẫn hiển hiện từng bóng dáng anh em, từng tiếng nói và trang viết chân thành, tha thiết.


Tôi có lỗi. Mỗi chúng ta đều có lỗi. Lỗi với anh em bạn bè hiện còn, tan tác hay đã mất, với quê hương, và, ân hận lẫn đáng yêu, có lỗi với chính mình.


Võ Tấn Khanh

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 33 Tháng 10-2008”
(Chủ đề di sản văn học miền Nam: Một Thời Ý Thức)