28-12-2014 | VĂN HỌC

Chuyến Đi Về Quê Qua Những Chẳng Đường Với Bạn Bè

  PHẠM VĂN NHÀN


    Nhà văn Phạm Văn Nhàn

Lời toà soạn: Bài ký sự này có kèm rất nhiều hình ảnh. Vì máy in quá "hiện đại" của cơ sở Thư Ấn Quán không đủ sức chịu nổi với số lượng rất lớn lên đến hàng chục MB nên buộc lòng chúng tôi phải lấy ra một số hình. Để thay vào chúng tôi sẽ đăng lại thơ trước 75 của từng người mà anh Phạm Văn Nhàn đã gặp trong chuyến trở về này để giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về thi ca thời chiến mà họ đã góp phần bồi dựng.

Trên chuyến bay Boeing 777-200 của hãng United Airline bay từ Houston về Nhật, quá cảnh tại phi trường Narita của Nhật Bản, rồi sau đó mới về Việt Nam. Đường bay dài từ Houston về Nhật tôi vẫn thấy bình thường. Ăn, ngủ, đọc sách. Nhưng, đường bay từ Nhật về Việt Nam lòng vẫn thây bồn chồn như những năm về thăm nhà trước đó. Quê nhà sao gần gũi trong sáu giờ bay. 9:45 phi cơ của hảng hàng không Nhật Bản hạ cánh xuống TSN. Nhưng tôi vẫn dõi mắt nhìn qua khung cứa sổ của phi cơ. 9 giờ tối, ánh đèn trên những con đường phố Sài Gôn hiện lên rõ dưới thân con tàu. Càng thâu ngắn thời giờ khi phi cơ hạ cao độ, những con đường gần phi trường càng hiên rõ hơn. Gò Vấp như những lần tôi đến, Nhà của Nguyên Minh nằm trên con đường của những chuyến bay lên xuống. Sài Gòn vẫn hấp dẫn tôi như những năm trước chiến tranh với bạn bè và nhiều tiếng động.


Mấy đứa cháu đứng bên ngoài chờ. Sài Gòn nóng kinh khủng dù lúc đó đã hơn 11 giờ đêm. Về tới nhà gần 11 giờ 30, tôi gọi ngay cho Lữ Quỳnh. Anh chàng nhà văn bạn này trả lời qua máy còn ngái ngủ. Ông về khi nào? Mới tới nhà, tôi trả lời. Qua giọng nói ngái ngủ của Lữ Quỳnh. Tôi nói thôi ngủ đi, mai gặp.


1. Lữ Quỳnh:


Sau hơn 50 năm tôi mới gặp lại. Dù hai đứa tôi ở Mỹ.

Thời còn ở Quy Nhơn. Thời còn trẻ lắm. Những anh em thỉnh thoảng gặp nhau. Trần Hoài Thư ơi. Lữ Quỳnh ơi. Phạm Cao Hoàng ơi. Lê văn Trung ơi. Rồi sau đó, từ năm 1969 tôi không gặp lại bạn bè. Ra khỏi Qui Nhơn về đơn vị khác, rồi cũng lang thang ở Tháp Chàm để rồi gặp Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh, Tô Đình Sự, Lê Ký Thương và Ngy Hữu. Trần Hoài Thư thì có gặp sau này những tháng ngày lang thang ở Tháp Chàm, nhưng Lữ Quỳnh thì không, cho dù nghe anh chị đã đến Mỹ định cư (Cali). Ở Mỹ thi gần lắm, nghe nói thì dễ nhưng đi đứng không phải dễ vì... tiền. Một chuyến máy bay khứ hồi thì dễ, còn ăn ở, khách sạn thì sao?..., ngoài ra còn công ăn việc làm. Không phải nói là đi, nếu không kết hợp cho một chuyến đi về Cali vì một chuyện gì, thì chỉ noi chuyện với nhau qua điện thoại.


Bỗng dưng mấy câu thơ của Lữ Quỳnh như một giấc mơ:

Thường có những giấc mơ/ gặp gỡ bạn bè/ Những người bạn ra đi đã nhiều năm/ nay kéo về/ nói cười ấm áp... suốt hành trình tôi về thăm nhà lần này.


Đó là giấc mơ của Lữ Quỳnh và cũng là giấc mơ của tôi. Nhưng với tôi môt việc không ngờ là hai chúng tôi gặp ở Sài Gòn. Dù thời gian rất ngắn, hơn một tiếng đống hồ vào buổi sáng để anh chị chuẩn bị ra phi trường về lại Mỹ. Anh đi, tôi đến. Hơn một tiềng đồng hồ để hàn huyên bên tách cà phê mà LQ pha. Chất đắng của dòi. Chất ngọt của bạn bè còn đọng trên môi trong ly cà phê buối sáng trong ngôi nhà của con anh chị, tôi vui biết mấy. Phải không Lữ Quỳnh?


2. Qua ngày hôm sau, Nguyên Minh gọi tôi, nói Lữ Quỳnh nói là tôi xuống, chờ hoài không thấy. Bận quá Nguyên Minh ơi; vì còn gặp người bạn khác. Gặp ông sau. Tôi hẹn. Vào năm 1954, học lớp nhất trường Nam tiểu học tại Phan Thiết. Qua năm 1955 vào đệ thất. Mấy năm sau lang thang tại thành phố biển nhỏ như trong lòng bàn tay của thời xa xưa ấy. Rồi bốn năm trung học, anh đi biệt tăm. Vào Sài Gòn trở thành nhà văn tên tuổi một thời. Đó là nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng. (Mai Khúc Hải)



  Nhân Vật, tập truyện của Nguyễn Nghiệp Nhượng, Thư Ấn Quán xb 2005 (Hiện chúng tôi lưu trữ tập truyện này trong computer, quí bạn nào cần xin vui lòng cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ in và tặng)

Gọi điện thoại để tới nhà thăm và đem theo mấy tập truyện "Nhân Vật" của anh, do Thư Ấn Quán in vào năm 2005. Anh bảo tôi đang ngồi ở quán cà phê bụi. Anh chỉ đường người em chở tôi đến. Đang lớ ngớ tìm quán cà phê nơi ngã ba đường, thì anh gọi. Đã mấy mươi năm gặp lại, hai "thằng" đều già hết. Tóc bạc gió sương. Kể chuyện đời xưa nghe rơm rã. Bạn bè, Trường xưa. Thằng còn. Thằng mất. Xem như không có ai bên cạnh. Mai Khúc Hải (tên anh) đang tìm số phone của bạn bè của hai đứa cho tôi để về Phan Thiết ới nhau tìm gặp cho vui. Có chị Hải ngồi bên cạnh, không dám nói nhiều về một thời còn đi học khi mấy cô nữ sinh theo chàng. Tôi chỉ nói với chị ngày xưa Hải đẹp trai và học giỏi. Chị cười: đẹp trai đâu không thấy mà bây giờ chỉ thấy... chán phèo. Những tiếng cười vui bên người bạn xưa.



Phạm Văn NhànNguyễn Nghiệp Nhượng sau gần 60 năm gặp lại tại một quán cà phê bụi bên vệ đường, ngày 8/4/2014

Tôi hỏi sao cậu không viết nữa. Hải nói: cậu biết rồi, im lặng thì tốt hơn. Tôi hiểu và Hải nói thêm: tôi phải lăn lộn với đời sớm là để kiếm tiên nuôi gia đình.


Ở Bắc di cư vào làm gì có tiền phải không? Tôi hiểu bạn tôi. Dù gì, mấy mươi năm qua, chúng tôi còn gặp lại sau cuộc chiến là một điều may mắn. Còn giữ tình bạn để chơi và hỏi thăm nhau cũng là điều trân quý.


3.Cú điện thoại của Đỗ Hồng Ngọc gọi đến, hẹn nhau tại một quán cà phê cùng với Lê Ký Thương, Kim Quy, Lữ Kiều và Nguyên Minh. Tôi đến. Bạn bè gặp nhau nói cười rơm rã như ngày nào, rất tự nhiên như những năm còn chiến tranh. Anh em không quên hỏi tôi về tình hình của gia đình anh Trần Hoài Thư và chị Yến. Tôi biết anh em có quan tâm. Nhưng cho dù một câu hỏi thăm về gia đình người bạn, tôi cũng thấy vui và an ủi rồi. Ít ra bạn bè không quên anh chị. Những tình cảm dành cho nhau, ngày tôi trở về thật ấm áp. Cái tình bạn muôn đời không nhạt phai, một thuở nào còn y nguyên.


4.Về Phan Thiết hai ngày, tôi thuê xe ra Phan Rí ngay. Cùng đi với vợ chồng tôi còn có đứa cháu gọi tôi bằng cậu, con gái của anh Từ Thế Mộng, cháu Giao My, để dẫn đường, vì sợ tôi lạc, dù có tài xế. Thuê xe mới đi lòng vòng thăm bạn bè được. Ờ Phan Rí còn có hai người bạn là nhà thơ Huỳnh Hữu Võ và Tô Duy Thạch. Về mà không ra thăm là điều thiếu sót.


Phan Rí ngày hôm nay không còn là những con đường cát với sỏi, mà là những con đường tráng nhựa, có điện và có tên đường. Khu bịnh xá của vợ tôi làm năm xưa đã dẹp và đưa lên Hòa Đa. Ngồi quán cà phê Lều Gỗ của Sơn (em rễ của Trịnh Cung) ngày nào tôi với bạn bè văn nghệ Phan Rí ngồi uống nay vẫn côn. Những ngôi nhà bên cạnh ngôi giáo đường không còn là những ngôi nhà lụp xụp nữa. Tất cả đều thay đổi. Bộ mặt Phan Rí thay đổi.


Xe dừng trước nhà của Võ, tôi hỏi thì mới biết Võ đã bán nhà ra mở ngôi quán bán cơm trên đường Quốc Lộ 1, quán Cây Dừa, gần ngã ba Duồng. Nhắc tới Duồng, tôi nhớ đến Phạm Cao Hoàng ngày nào còn dạy dạy học ở đó. Tôi nhớ đến cô giáo Phạm Thị Bảy, người Huế học sư phạm Qui Nhơn, cùng khóa với Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung và Mai Khế. Cuộc đời tôi cũng lang bạt nhiều nơi. Gặp lại bạn bè còn nhớ để mà nói.


Gặp lại Huỳnh Hữu Võ và Tô Duy Thạch nhìn tôi không ra, nhưng nhìn vợ tôi thì biết và gọi tên tôi. Với Tô Duy Thạch, hai đứa ôm nhau muốn khóc. Ngày nào, ngôi nhà của Thạch vẫn là ngôi nhà tôn, nay đã xây nhà gạch, vợ chồng vẫn làm cái nghề như xưa để sinh sống. Nghề làm bánh hỏi. Thạch nói, tôi không bỏ được cái nghề này, nó nuôi sống tôi và gia đình. Con cái làm nên ăn ra. Tôi mừng. Có điều Tô Duy Thạch ốm quá. Còn Võ thì già đi thấy rõ. Hôm sau, Thạch vô Phan Thiết ở với tôi một đêm. Có nhiều chuyện để nói.


5.14 ngày ở Phan Thiết, không đêm nào là không đi. Đi đâu? bạn bè văn nghệ hú nhau đi uống cà phê. không ngờ gặp lại vợ chồng Đắc và Liên Tâm. Liên Tâm là cô giáo dạy cấp ba cho con gái tôi, nay là tiến sĩ văn chương, cộng tác với tạp chí Quán Văn của Nguyên Minh, lại là nhà thơ nữ ở Phan Thiết. Liên Tâm cũng không biết tôi quen với NM và Nguyễn Như Mây. Hỏi sao ngày đó anh không cho em biết anh có viết văn. Tôi cười: và anh cũng đâu biết em làm thơ.


Một đêm, trước khi tôi rời Phan Thiết để đi Nha Trang. Phan Anh Dũng và vợ chồng Liên Tâm mời tôi đi nghe nhạc chủ đề Trần Thiện Thanh tại một phong trà, trên lầu, thật yên tĩnh. Trong thính phòng khoảng vài chục người. Dũng nói với tôi: đêm nay em cho anh nghe lại giọng hát của một cô ca sĩ mà ngày xưa tụi em đưa ĐĐ/CTCT/TK Bình Thuận ra Lam Sơn anh thụ huấn. Anh nói với em anh thích cô ấy hát bài Tình Hoài Hương, nay em mời anh đi nghe lại giọng ca của cô ấy, dù hôm nay cũng đã 60. Nhưng rất tiếc, cô bịnh. Lỡ dịp cho tôi. Những bản nhạc của Trần Thiện Thanh, cùng trên một con đường nhà tôi năm nào, nay được sống lại trên chính thành phố của chúng tôi một thời rất trẻ.


Còn đối với Nhuyễn Như Mây thì lúc nào cũng vui. Tất cả những đêm sống với chính mình và bạn bè, không có Nguyễn Như Mây là không được. Mất vui. Và hôm nay, hắn vẫn còn một đời "dại gái". Và, với Phan Anh Dũng không ngờ gặp lại, ôm tôi: không ngờ hôm nay anh trở về.


Ngày giỗ anh Từ Thế Mộng.


Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Dương Quang trên Đà Lạt, nghe tôi về. Gọi điện, mời vợ chồng tôi lên Đà lạt ở chơi vài ngày, chứ Phan thiết nóng lắm. Tôi không đi được vì lâu mới về thăm nhà. Thế là vợ chống từ Đà lạt cho con lái xe xuống nhà thăm tôi trong dịp giỗ anh Từ Thế Mộng. Năm nay có tôi về, cháu Giao Tiên nói có cậu về bạn bè văn nghệ của ba cháu về đông đủ. Tôi vẫn thấy thương vợ chồng Lê Văn Trung+Hiệp nghe tôi về và nhớ ngày giỗ anh Từ Thế Mộng, lái xe gắn máy từ Đồng Nai ra buổi sáng hẹn tại quán cà phê anh em đang ngồi chờ. 9 giờ sáng, vợ chống LVT tới, mặt mũi bơ phờ vì lái đường xa.


Hai năm trước về gặp vợ chống Trung ở Sài Gòn tại nhà Nguyên Minh, hôm nay thấy Trung hốc hác quá. Sau đám giỗ, tôi mời vợ chồng Trung ở lại nhưng Trung phải về vì nhà cửa không ai coi. Hai đứa ngồi tâm sự trước mái hiên nhà mà lòng càng thêm quay quắt, nhớ lại những ngày tháng cũ khi còn ở Qui Nhơn trong ngôi nhà thuê ở khu 6. Có tôi. Có Trần Hoài Thư, có Phạm Cao Hoàng, có Lê Văn Trung, có Lê Văn Ngăn, có Hoàng Ngọc Chậu. Cái ngày "đói cơm đói gạo" nhưng tình bạn sao mà thấm thiết chi lạ.



Bên cạnh đó còn có nhà thơ Lê Uyên Tự ở Vancouver (Canada) về mở resort ở Mũi Né. Một thời có thơ đi trên TQBT. Lê Uyên Tự lái xe con vào nhà mời tôi ra ở tại resort của Tự cùng với Lê Hữu Nghĩa ra resort của Tự chơi vài ngày. Tôi từ chối. Tự nói với tôi vì làm ăn: Canada về VN cứ đi đi về về. 11 tháng ở Mũi Né. 1 tháng ở Canada. Tuy nhiên gặp thì vui lắm, ai cũng nhắc đến Thư Quán Bản Thảo (TQBT). Có một điều rất vui là Vũ Huy Triệu hỏi tôi thơ gởi qua cho hai anh (PVN+THT) mà sao không thấy anh đi trên TQBT. Tôi hỏi làm sao gởi về được cho mấy anh đọc đây. Ngoài ba tập TQBT (57,58,59) giao cho Nguyễn Lệ Uyên thì Nguyễn Dương Quang phỏng tay trên lấy hết. Trong ngày giỗ anh Từ Thế Mộng, TQBT chuyền tay cho anh em đọc, có cả nguyên giám đốc Sở Văn Hóa Phan Thiết một thời quen với Từ Thế Mộng và anh nhà báo trẻ Hữu Cẩn/Phan Thiết xem. Nguyễn Dương Quang sợ mất, lấy lại đưa cho vợ giữ. Trong ngày giỗ anh Mộng ấy, cũng là ngày ra mắt tập thơ: Tiếng Thơ Miền Trung của anh mà Thư Ấn Quán in phát hành bên Mỹ. Anh em chuyền tay nhau xem lại tập thơ đầu tiên của những nhà thơ một thời thành danh ấy, thế mà đã qua hơn 50 năm.


Kỷ thuật in ấn của Thư Ấn Quán đã gây được ấn tượng tốt đối với anh em trong nước. Tôi vui. Và. Có lẽ THT cũng vui.


 

Những anh chị em cầm bút đứng trước bàn thờ anh Từ Thế Mộng trong ngày giỗ.
Từ trái qua: Lê Văn Trung, Lê Uyên Tự, Vũ Hy Triệu, Liên Tâm, chú Đắc, Phạm Văn Nhàn,
Nguyễn Dương Quang, Phan Anh Dũng (nhạc sĩ), Tô Duy Thạch, Lê Trọng Nghĩa,
Đoàn Chinh Nam (áo sơ mi trắng), những người đã có thơ đóng góp trên TQBT.

7. Rời Phan Thiết đi Nha Trang trên chuyến xe khách giường nằm, hầu hết là những Tây Balô đi du lịch. Nha Trang, thành phố vợ chồng tôi ở ngày nào đến ban đêm, vợ chồng đứa em ra đón tại văn phòng xe (không phải bến xe). Giờ này thành phố lên đèn, ồn ào, không như ngày xưa yên tĩnh.


Qua ngày sau, tôi gọi điện cho vợ chồng anh chị Khuất Đẩu cho biết tôi sẽ ra thăm anh chị. Anh chị bảo tôi đi xe Bus cho rẽ. Nhưng không, tôi thuê chiếc xe con giá cũng rẻ, vừa đi về Nha Trang-Ninh Hòa-Dục Mỹ-Nha Trang chỉ có 450.000$VN. Đi cả ngày. Vui. Anh chị Khuất Đẩu áo quần chỉnh tề đứng đón tôi trước nhà. Thấy tội quá. Tình bạn rất trân quý. Tôi nhớ mãi về anh chị. Cái tình cảm ấy làm sao tôi quên được. Sau khi chào hỏi mừng mừng tủi tủi, anh KĐ hỏi tôi về tình hình gia đình anh chị THT. Hầu hết anh em trong nước đều quan tâm về gia đình người bạn. Ngay ở SG, rồi Ninh Hòa ra Tuy Hòa cũng vậy. Cái tình của THT chơi với bạn bè ngày xưa vẫn còn y nguyên.


Ninh Hòa, một thị trấn nhỏ, không lạ gì với tôi trong những năm chiến tranh. Tuần nào tôi cũng qua đây để về Nha Trang. Nay Ninh Hòa đã thay đổi nhiêu quá. Đường xá mở mang rộng rãi. Ngôi nhà của anh chị khang trang. Trước là tiệm (hình như uốn tóc?) của con gái anh. Ngồi nói chuyện bâng quơ một đổi, tôi hỏi anh chị có đi với tôi thăm lại chiến trường xưa không? hai anh chị đồng ý. Thế là lên xe đi về Dục Mỹ. 16 cây số cách Ninh Hòa, Dục Mỹ.


Tôi miên man ngó hai bên đường. Nhà cửa hai bên, không còn là những đám ruộng ngày nào. Tới Núi Đeo, ngày xưa có trạm Quân Cảnh, tôi bảo tài xế ngừng lại cho tôi xuống. Nơi đây có bãi chiến thuật của TTHL/BĐQ có đi dây tử thần, có con suối nhỏ. Có một bức tường xây bằng gạch trên ngọn đồi cao dùng cho khóa sinh tuột dây xuống núi.


Ngày xưa tôi có thụ huấn khóa Rừng Núi Sình Lầy ở TTHL/BĐQ này. Chính tôi đã run khi trèo lên tận đỉnh ngọn tháp, khi tuột xuống phải có HLV tuột theo vì tôi... run quá. Nay vẫn còn nguyên bức tường trên ngọn đồi. Trên đó đặt đài truyền tin. Ba chữ Biệt Động Sát vẫn còn mò mờ. Mất chữ "Sát"


Xe chạy qua cây số 16, còn một cây số nữa là đến đơn vị cũ của tôi mà nơi đó hơn 6 năm tôi phục vụ. Chẳng thấy gì cả. Chỉ thấy rừng. Tôi bảo xe dừng lại và quay đầu xe. Tôi với anh chị Khuất Đẩu bước xuống. Nhìn lên ngọn núi hướng Phú Yên, tôi thấy con suối nước chảy trắng xóa. Tôi nói với anh KĐ, con suối này là hình ảnh biểu tượng phù hiệu của đơn vị tôi ngày xưa. Như vậy cổng TT/Lam Sơn nằm ở đây. Đoán như vậy thôi. Tôi hỏi cô gái đang bán quán nước. TTHL/Lam Sơn ngày xưa ở đâu cháu? cô gái nói: bác đang đứng trước cổng đây. TTHL/Lam Sơn ngày nào to lớn như thế, mà nay chỉ là một cánh rừng, dân khai hoang trồng mía. Cảnh cũ cũng không còn, người xưa cũng không thấy. Chỉ có mình tôi lạc lõng già nua. Chị Huyền Chiêu, vợ anh KĐ nói: anh Nhàn ơi, chụp một tấm hình làm kỷ niệm nhé.


Buổi trưa lái xe về, anh chị đãi một bữa ăn nem nướng Ninh Hòa thật là ngon. Lại còn uống vài lon bia nữa. Cám ơn bạn bè. Một thời nhớ mãi.


8. Hai ngày sau, thuê xe đi Tuy Hòa. Đoạn đường 120 km thì phải. Qua Đại Lãnh. Vượt Đèo Cả. Qua Vũng Rô. Một chuyến đi lý thú. Giá bao xe chỉ tốn 1.300.000$VN (vào khoảng 65 Đô) đi đứng thoải mái. Đến Tuy Hòa vào lúc 4 giờ chiều. Tuy Hòa ngày nào có Trần Hoài Thư, có Phạm Cao Hoàng, có Mang Viên Long, có Phạm Ngọc Lư, có Trần Huiền Ân, có Nguyễn Lệ Uyên, có Hoàng Đình Huy Quang lang thang một thuở. Uống và phê Tùng. Nay trở lại chỉ còn có tôi, Nguyễn Lệ Uyên và anh Trần Huiền Ân.


Thành phố Tuy Hòa thay đổi nhiều quá. Con đường về nhà Phạm Cao Hoàng cũng khác nhiều. Nhìn không ra lối vào nhà khi xưa, nếu không có Nguyễn Lệ Uyên chỉ cho tôi biết. Rối con đường xuống biển. Rồi bãi cát đồi dương mà ngày xưa nơi đây là chỗ đóng quân của một trung đoàn thuộc sư đoàn 22. Nhà cửa san sát mới cất, toàn nhà lầu.


Tháng 4 tháng 5, nơi nào cũng nóng ghê gớm. Thôi xuống nhà Nguyễn Lệ Uyên ở quê tìm bóng mát nơi vườn cây. Ăn một bữa cơm quê thật ngon do chi Hoa nấu. Canh với lá khổ qua rừng. Thấy chị cầm cái liềm gặt lúa ra vườn quơ quơ vài cái là có một nồi canh lá khổ qua. Một ít cá kho keo mà sao tôi ăn ngon hơn là ăn cao lâu ở nhà hàng sang trọng. Nguyễn Lệ Uyên chỉ cho tôi nơi làm việc của anh, một căn phòng nhỏ đầy sách và một cái laptop, vỏn vẹn chỉ có 3 mét vuông. Thế mà anh ngồi anh gõ từng con chữ trên bàn phím để cho ra những truyện ngắn gởi đến bạn bè.


Tôi nhìn thấy cảnh nhà như vậy, mới hỏi thật lòng: ông bà sống như thế nào, sao thanh đạm quá. NLU nói: mỗi ngày hai vợ chồng chỉ tiêu 30.000$VN trong tiền hưu của bà. Rau cỏ thì có trong vườn, chỉ mua ít cá và thịt. Có điều gạo Tuy Hòa rất ngon. Gạo đồng. Theo như lời chị Hoa nói là gạo ở đây không bao giờ xuất khẩu, cho nên giá rẻ.


Một niềm vui nhất là tôi với Nguyễn Lệ Uyên thăm anh chị Huệ (Trần Huiền Ân). Anh chị nghe tôi về, mừng quá cứ bảo: em ở lại chị nấu cơm ăn. NLU mời ra quán uống cà phê. Ba anh em ngồi tâm sự. Chuyện thì nhiều cần phải nói mà thời gian thì ít. Nơi đâu ai cũng hỏi thăm anh chị THT.


9. Rời Tuy Hòa vào lúc 1 giờ sáng tại văn phòng của xe khách, có giường nằm. Xe chạy ban đêm nên không thấy gì cả hai bên đường. Chỉ mong xe chạy qua Qui Nhơn để nhớ một thời đóng quân ở đây. Thức dậy, đã thấy xe chạy dọc theo bờ biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ. Mà Đức Phổ ngày xưa là một bãi chiến trường. Chiến tranh khốc liệt nơi đây. Nhưng, hôm nay, nhìn bãi biển Sa Huỳnh cát vàng, dừa xanh đẹp vô cùng. Đến Quảng Nam, xe ngừng cho hành khách xuống rửa mặt, đi vệ sinh ở một nhà hàng bên đường. Noi đây là xứ Quảng, tôi gọi một tô mì quảng, đặc sản của xứ Quảng Ngãi, chắc là ngon, ăn sao thấy dở quá, ăn nửa tô còn lại bỏ. Xe vô Đà Nẵng. Qua hầm. Đây là lần thứ hai tôi đi qua hầm đèo Hải Vân. Lần thứ nhất 2011 thuê xe đi từ Huế vô Đà Nẵng. Nay lần thứ hai xe qua hầm, khoảng gần 6 cây số (?). Chạy nhanh, qua Lăng Cô, qua Phú Bài đến Huế.


Sáng sớm hôm sau, Viêm Tịnh lái xe gắn máy đến. Tôi hỏi: sao bạn biết tôi về mà tới. Nguyễn Lệ Uyên gọi cho hay, bảo tôi đến ngay. Nhờ Viêm Tịnh làm "tài xế" xe thồ chở tôi trong suốt 25 ngày ở Huế. Đi khắp mọi nơi. Hang cùng ngõ hẻm ở nơi kinh đô Huế này. Vui nhất lại có Phạm Ngọc Lư cũng nghe tin tôi về, từ Đà Nẵng ra. Lên lầu, thắp cho Ôn tôi một nén nhang. Ba "thằng" họp lại, vui như ngày tết.


Một đêm ngồi nhậu lai rai ở một ngôi quán nhỏ trên đường Trịnh Công Sơn, dọc theo bờ sông Hương. Viêm Tịnh lấy tờ giấy copy bìa Kẻ Lạ Ở Thiên Đường (KLOTĐ) của Simone Weil, và nói họ chỉ cho copy như thề này thôi làm sao gởi cho THT. Tôi báo mai tôi với bạn tới thư viện. Đưa Phạm Ngọc Lư ra bến xe về lại Đà Nẵng. Tôi với Viêm Tịnh tới lại Thư viện Tổng hợp Thành phố Huế. Mượn lại cuốn KLOTĐ. Tôi canh cô quản thủ Thư Viện, trong khi VT chụp từng trang. Nghe tiếng giầy của cô Quản Thủ đi, VT giả vờ ngồi đọc. Tôi dễ tức cười xem như hai thằng đi ăn trộm. Chụp xong, gởi trả lại. VT năn nỉ, xiêu lòng sao cô Quản Thủ đống ý cho copy với giá 200.000$VN (chưa tới 10 Đô). Hai ngày sau tới lấy. Mừng quá. Không ngờ ở Thư Viện, họ đóng thành sách đàng hoàng.


Báo cho Nguyễn Lệ Uyên, hắn bảo ra phố in cho hắn một quyển gởi gấp vô Tuy Hòa. Ra phố in một quyển giá 20.000$ hai ngày sau lấy. Tệ quá. Nhưng còn có hơn là không (Nguyễn Lệ Uyên bảo như thế, qua phone). Như vậy chuyến đi rất vui và thành công in được tập sách do bà Phùng Thăng dịch, mà THT mong muốn.


25 ngày ở Huế, 25 ngày Viêm Tịnh chở tôi đi khắp hang củng ngõ hẻm của thành phố Huế. Không một nơi nào không tới. Không một quán cà phê nào không ghê vò. Tình bạn hữu khi tôi về thật vui và đằm thắm. Từ Sài Gòn, Phan Thiết, Tuy Hòa, Ninh Hòa về Huế. Cái tình đó như muốn níu kéo chân tôi trở về; vì nơi đó ngoài gia đình ra còn có bạn bè một thời. Phải chi có Phạm Cao Hoàng, có Trần Hoài Thư về một lúc, thì có lẽ, những ngày vui còn bất tận hơn nữa. Những địa danh một thời đã đi qua, sao nghe thân thương quá. Những dấu chân của bạn bè ngày xưa còn in dấu, một thời nhớ mãi không quên.


Phạm Văn Nhàn

Thư Quán Bản Thảo số 61, Tháng 10-2014