31-05-2012 | VĂN HỌC

Nhà văn viết về "duyên nợ" Bách Khoa

   TRẦN HOÀI THƯ


    Nhà văn Trần Hoài Thư
     (2009)

Có thể nói, bước đầu của hành trình đi vào thế giới văn chương của tôi, tôi nghĩ mình là một kẻ may mắn nhất.

Bài văn "Nước Mắt Tuổi Thơ" của tôi chỉ một tháng sau khi gởi từ Bưu điện Huế, lại được chọn đăng. Đó là bài văn đầu đời của tôi, một bài văn mang nhiều thương tích vì có quá nhiều chỗ bị đục bỏ. Nhưng là một bài văn định mệnh.

Nó trình làng một tên tuổi vô danh, dưới bút hiệu Trần Quí Sách - tên thật của tôi. Để rồi từ đó, nó theo tôi như một nghiệp nợ nổi trôi. Chỉ cần một xấp giấy, một cây viết. Bàn viết là balô, là cái bàn trong một quán bên đường hay trong cõi tối đen ghê rợn, ngồi trùm hai ba lớp poncho, phủ thêm cái mền nhà binh và bật đèn pin quân đội mà viết....


Nói như nhà văn Mai Thảo, sự thành công của tác giả nhiều khi bắt nguồn từ duyên may. Vâng duyên may đã khiến nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn chọn tuần san Khởi Hành để đăng những bài thơ trong tập Chiến Tranh Việt Nam và tôi của ông. Những bài thơ mà dưới con mắt của một số người hay Sở Phối Hợp được xem là cực kỳ phản chiến, bêu xấu hàng ngũ, nhưng đối với đám lính đánh giặc chúng tôi, là những bài thơ để đời trong thời chiến.


Vì sao? Tôi nghĩ rằng, vì tờ Khởi Hành là tờ báo của "cơ quan của Hội Văn Nghệ Sĩ quân đội". Chính cái "nhản" quân đội mà chủ nhiệm là một đại tá đã khiến những ngài "hốt cắt đục" phải "ngán" chăng?(1).

Tôi nghĩ nếu nhà thơ NBS gởi những bài thơ trong tập Chiến Tranh VN và tôi cho những tờ báo khác, chưa chắc các vị chủ bút ấy lại dám đăng.

Chính tôi, thời ấy, nếu có bài gì mà tôi nghĩ khó qua mặt cái lưỡi kéo của Sở Kiểm Duyệt thuộc Bộ Thông Tin Chiêu Hồi, thì tôi nghĩ ngay đến tờ Khởi Hành.


Giống như NBS đã chọn Khởi Hành, duyên may đã khiến tôi chọn Bách Khoa là tạp chí để tôi gởi bài đầu tiên. Nhờ duyên may, tôi mới được gặp một vị chủ bút âm thầm tận tình giúp đỡ tôi trên cuộc hành trình cùng văn chương chữ nghĩa.


Vâng, nếu nhà văn nữ Nguyễn thị Thụy Vũ và Trùng Dương cám ơn nhà văn Võ Phiến (mời đọc bài viết của hai người trong số này) hay nhà văn Nguyễn Mộng Giác phải cám ơn nhà văn lão thành Nguyễn Hiến Lê vì đã ân cần tiến dẫn ông cho ông Lê Ngộ Châu, thì tôi phải trực tiếp cám ơn ông Châu.


Tại sao tôi biết chính ông Châu đọc và chọn bài của tôi?

Bởi vì có một lần, ông than trong dịp tôi về phép ghé thăm tòa soạn: “Chữ anh viết quá xấu, rất khó đọc, tôi phải dùng kính lúp.”


Cám ơn khi tôi không hề núp bóng, hay không hề có ai đỡ đầu. Trong khi bản thảo của tôi đáng lẽ phải bị vất vào sọt rác vì chữ viết tay thì khó đọc, chánh tả thì bất cần, viết thì hối hả, không đọc lại, giấy viết thì bám bụi và mồ hôi nhòe nhạt nét chữ. Đó là nói về kỷ thuật. Còn nội dung thì truyện nào cũng bị đục bị cắt, thỉnh thoảng bắt tòa soạn phải nổi khùng vì lệnh tịch thu (như truyện ngắn hai kỳ nhan đề Bóng Tháp). Như vậy mà tôi vẫn được mở cánh cửa của tòa soạn 160 Phan Đình Phùng kia mà bước vào!


Để từ đó, tôi được chắp cánh bay lên, bay lên, và hãnh diện khi có thể nói rằng: “Tôi xuất thân từ lò Bách Khoa!”


Trần Hoài Thư

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)

(1) Chủ nhiệm: Đại tá Anh Việt Trần văn Trọng. Chủ bút: Viên Linh