31-05-2012 | VĂN HỌC

Viết Về Tạp Chí Bách Khoa

   VÕ PHIẾN (Cộng tác viên nòng cốt)


      Nhà văn Võ Phiến

... Giữa khoảng thời gian ra đời của Sáng Tạo (1956) và Văn Hóa Ngày Nay (1958), tờ Bách Khoa xuất bản số đầu vào tháng 1-1957. Thoạt tiên là tờ báo của hai nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu.


Các ông Huỳnh và Hoàng là những chuyên viên trong giới ngân hàng, rồi ngay ông Lê cũng không phải là một văn gia. Ấy vậy mà Bách Khoa phải kể là một trong những tờ báo thành công nhất ở Miền Nam trong ngót hai mươi năm. Đó là chỗ lý thú trong tình hình sinh hoạt của thời kỳ văn học này.

Thật vậy, bao nhiêu tạp chí văn nghệ do chính các văn nghệ sĩ, các nhóm văn nghệ, các cây bút hoặc trẻ trung đầy nhiệt huyết hoặc kỳ cựu đầy kinh nghiệm đều vắn số, thất bại. Văn Nghệ, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới, Hiện Đại, Sáng Tạo, Vui Sống, Vấn Đề, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Đông Phương v.v... có sống được bao lâu đâu. Đã không thọ thì dù có hay ho xuất sắc đến bao nhiêu cũng không kịp có một ảnh hưởng rộng lớn. Trái lại vững vàng nhất là những tạp chí do các nhân vật ngoài văn giới chủ trương: tờ Bách Khoa như đã nói trên, tờ Văn của Nguyễn Đình Vượng (tòa soạn do Trần Phong Giao trông coi, về sau chuyển lại cho Mai Thảo). Ngoài ra, tờ Văn Học cũng lẽo đẽo sống được mười hai mười ba năm, do Phan Kim Thịnh là một người không viết được mấy.


Như thế phải chăng lúc bấy giờ trong hoạt động văn học chuyện quản trị đã thành một yếu tố quan trọng hơn xưa? Hơn cái thời Tản Đà làm báo Hữu Thanh, Phạm Quỳnh làm báo Nam Phong, Nhất Linh làm báo Ngày Nay v.v...


Bảo tờ Bách Khoa thành công là không phải chỉ nghĩ đến cái tuổi thọ của nó mà thôi. Tuổi thọ dắt theo một số ưu điểm khác. Người ta nhận thấy Bách Khoa qui tụ được đông đảo cây bút thuộc nhiều thế hệ kế tiếp nhau; nó phản ảnh các chuyển biến của văn học qua nhiều giai đoạn; nó lưu lại một khối lượng bài vở lớn lao và giá trị, một kho tài liệu cho việc tìm hiểu cuộc sống của Miền Nam trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, chính trị v.v...


Trên Bách Khoa không phải chỉ có thơ văn, mà có cả những khảo luận về văn học, sử học, ngữ học, triết học, tôn giáo, hội họa, âm nhạc...; như thế không những trên Bách Khoa có những tìm tòi về nguồn gốc dân tộc, về các vấn đề của văn học cổ điển nước nhà chẳng hạn, mà còn liên tiếp có những giới thiệu các trào lưu tư tưởng Âu Tây mới nhất lúc bấy giờ: tiểu thuyết mới, hiện tượng học, cơ cấu luận v.v...


Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng. Không có chủ trương “văn nghệ cách mạng” cũng không chủ trương “vượt thời gian”, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương... Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo...


Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người: Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê). Võ Phiến khước từ cộng sản ngay từ đầu, có thái độ chính trị dứt khoát, vừa sáng tác vừa khảo luận, và dần dần đưa thêm vào Bách Khoa một số khuôn mặt trẻ; Nguyễn Hiến Lê thì không đề cập đến một lập trường chính trị nào, chuyên về khảo luận. Các vị khác, có người có mặt vào giai đoạn đầu, về sau thưa dần như: Nguyễn Ngu Í, Cô Liêu, Vũ Hạnh (Vũ Hạnh sau chủ trương tờ Tin Văn cùng với Nguyễn Nguyên, Lữ Phương, dưới sự chỉ đạo của văn sĩ cộng sản Nguyễn Văn Bổng); có những người mới lần lượt đến vào giai đoạn sau: Lê Tất Điều, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Thị Hoàng, Hoàng Ngọc Tuấn, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Y Uyên, Vô Ưu, Nguyễn Mộng Giác v.v…


(trích VĂN HỌC MIỀN NAM: TỔNG QUAN [15. Giai đoạn 1954-1963: Văn học] )


Võ Phiến

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)