16-3-2014 | VĂN HỌC

Tao Đàn, Tiếng Nói Nghệ Thuật Của 50 Năm Trước

  NGUYÊN HUY

Có Một Chiều Tao Đàn Hải Ngoại (Nguyên Huy)



      Nhà thơ Thái Thủy

Một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật khó làm cho những ai yêu thơ, nhạc và văn học nghệ thuật có thể bỏ qua được, đó là buổi "Chiều Tao Đàn" vào lúc 6.30 ngày thứ bẩy 29 tháng 7 tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt.


Tham dự Chiều Tao Đàn, người ta được nhớ lại cả một thời gian mà nền thơ nhạc Việt Nam được giới văn nghệ sĩ sáng tác và trình diễn đặt lên một vị trí trang trọng và nó đã ảnh hưởng đến sính hoạt tinh thần của người Việt không ít vào thời gian ấy.


Chủ trương nhắc nhớ lại chương trình thi văn Tao Đàn trên làn sóng phát thanh quốc gia trong suốt một thời gian dài hàng chục năm trước năm 1975, là hai cơ quan truyền thông hải ngoại, tạp chí Khởi Hành của nhà thơ Viên Linh và nhật báo Người Việt với nhà văn Đỗ Quí Toàn.


Nhà thơ Viên Linh, sau khi lo tang chế cho người con thân yêu là Nguyễn Nam Long, một designer nổi tiếng, vừa ra đi đột ngột tại New York, đã tạm gạt thương đau để tiếp tục hoàn thành buổi tổ chức có ý nghĩa này. Trong niềm xúc động còn đầy trong khóe mắt, trong giọng nói, nhà thơ Viên Linh vẫn sẵn sàng nói chuyện với chúng tôi về buổi sính hoạt mà ông cùng nhật báo Người Việt đứng ra tổ chức. Ông cho biết:

"Được tin nhà thơ Thái Thủy, một trong những thành viên duy nhất còn lại trong số những người viết cho chương trình thi văn Tao Đàn trước đây vừa phải vào bệnh viện, tôi nghĩ chúng ta phải có bổn phận nhắc nhở lại những công trình của những người đã từng đóng góp vào nền văn học nghệ thuật của chúng ta. Chương trình thi văn Tao Đàn do cố thi sĩ Đinh Hùng sáng lập vào năm 1955, một chương trình truyền thanh quốc gia đã nhanh chóng được văn nhân thi giới tham gia và đã ảnh hưởng không ít đến nền văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ đến độ Đài Phát Thanh Quốc Gia (Đài Tiếng Nói Việt Nam) đã phải dành đến 6 buổi trong một tuần, mỗi buổi 45 phút để đáp ứng sự đòi hỏi của thính giả. Cho mãi đến năm 1967, khi thi sĩ Đinh Hùng mất, chương trình Tao Đàn mới giảm đi còn lại ba lần trong tuần."

Đề cập đến ảnh hưởng của chương trình Tao Đàn đối với thính giả, nhà thơ Viên Linh cũng đồng ý với nhiều người rằng chương trình thi văn Tao Đàn trên làn sóng phát thanh đã thổi một luồng gió mới vào sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam đang trên đà phát triển mọi mặt sau khi đất nước bị phân đôi.


Trong khi miền Bắc, dưới chế độ Cộng Sản, văn học nghệ thuật đích thực phải khép lại vì bị triệt hạ, thì miền Nam dưới chế độ Cộng Hoà như được thời cơ nẩy sinh phong phú tốt đẹp. Văn thơ được chính quyền nâng đỡ việc sáng tác qua những Giải Thưởng Thơ Văn hàng năm. Nhạc thì bùng lên tâm cảm của người dân phải chia cách, phân ly, thống hận để mở ra một phong trào nhạc muôn mầu muôn vẻ sau đó. Không ai chối cãi rằng chính vì chương trình thi văn Thơ Nhạc Giao Duyên của Tao Đàn mà nền ca nhạc Việt mới nẩy sinh dạng thức Tân Cổ Giao Duyên rất ăn khách trên các sân khấu cải lương và các chương trình Đại Nhạc Hội sau này.



     Mai Hương (ngâm thơ)

Có thể nói chương trình Thi Văn Tao Đàn đã nâng sự thưởng ngoạn cho mọi người đến chỗ cảm nhận được hết những tinh hoa ẩn dấu trong lời thơ, ý nhạc.


Đó là công lao của những văn nhân thi giới miệt mài với nghệ thuật, hết lòng với người nghe. Bên Đinh Hùng là những nhà văn tiếng tăm, nhà thơ đang được yêu chuộng như Thanh Nam, Huy Quang (đã khuất), Tô Kiều Ngân (còn ở trong nước) và Thái Thủy (hiện ở nam California, sức khỏe chưa bình phục sau cơn bạo bệnh) và những nghệ sĩ lớn của nền nghệ thuật lúc bấy giờ như Thái Thanh, Thanh Hùng, Giáng Hương, Hồ Điệp, Hồng Vân, Duy Trác, Hoàng Thư, Hoàng Oanh, Mai Hương, Quỳnh Giao.


Nguyên Huy

Khởi Hành số 118, Tháng 8.2006



Có Một Chiều Tao Đàn Hải Ngoại

  NGUYÊN HUY

Khoảng 500 đồng hương đã đến phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều hôm Thứ Bảy 29 Tháng Bảy, 2006 để tham dự buổi sinh hoạt "Chiều Tao Đàn," một sinh hoạt làm sống lại chương trình phát thanh của "Đài Tiếng Nói Việt Namt" trước năm 1975.


Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm tạp chí Khởi Hành, đồng tổ chức với nhật báo Người Việt buổi sinh hoạt này, vui mừng cho biết: "Thật không ngờ đồng hương mình còn nhớ đến Tao Đàn nhiều thế."

Trong lời khai mạc, nhà thơ Viên Linh phát biểu:

"Tổ chức buổi sinh hoạt 'Chiều Tao Đàn' hôm nay, chúng tôi nghĩ, không chỉ để tưởng niệm một sinh hoạt văn học, nghệ thuật cũ. Bởi chương trình Tao Đàn trước đây trên làn sóng của Đài Phát Thanh Quốc Gia qua trên mười năm trời đã khiến tên Tao Đàn trở thành một danh từ chung để chỉ cung cách phổ biến thơ văn, phát triển tâm hồn và thể hiện những tâm tư thời đại mà chúng tôi còn muốn gửi đến quí vị một sinh hoạt văn học nghệ thuật nên có lại ở hải ngoại. Miền Nam trước đây đã sản xuất ra Tao Đàn, hải ngoại chúng ta nay nên tiếp tục."

Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm tạp chí Khởi Hành, một tạp chí chuyên về văn chương, nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đã đề nghị hải ngoại như thế. Theo nhà thơ, đó chỉ là một gợi ý tha thiết mà Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Viện Trưởng Viện Việt Học, khi được biết, đã hứa với nhà thơ Viên Linh là "sẽ hỗ trợ tài vật để làm Tao Đàn II."


Chiều Tao Đàn đã được nhiều văn thi hữu lên nhắc lại những kỷ niệm "làm Tao Đàn" xưa. Những "người xưa" của Tao Đàn nay chỉ còn có Tô Kiều Ngân ở trong nước và Thái Thủy ở hải ngoại, cũng có mặt hôm nay. Nhà thơ Cao Tiêu nhắc đến người thi sĩ đã khởi phát ra chương trình Tao Đàn trên làn sóng điện, đó là thi sĩ Đinh Hùng và còn có một bút hiệu khác là Thần Đăng. Thi sĩ Cao Tiêu cũng đồng ý là nên làm sống lại chương trình Tao Đàn.


Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, trong dịp này đã nhận xét về nội dung và ảnh hưởng của Tao Đàn trong dân chúng vào cái thời mà truyền thông mới chỉ có báo chí và truyền thanh nên các chương trình phát thanh được hầu hết người dân đón nghe thường xuyên. Giáo Sư cho biết:

"Giữa thời gian 1955, đất nước vừa bị phân đôi, gần một triệu đồng bào phải rời bỏ quê hương miền Bắc để di cư vào Nam tìm sự sống an toàn, tự do và no ấm trong khi chính phủ Quốc Gia đang chuyển mình thoát khỏi vòng tay bảo hộ của người Pháp nên tình trạng xã hội miền Nam khi ấy đầy biến loạn, thì trên làn sóng phát thanh của đài Quốc Gia Sài Gòn xuất hiện chương trình thi văn Tao Đàn, nó đã như một ánh lửa soi sáng cho cuộc sống đang có nhiều thay đổi."


    Hà Phương (ngâm thơ)

Nhà thơ Thái Thủy, người có mặt trong các chương trình Tao Đàn cho đến phút chót, dù sức khỏe còn yếu vì mới ra viện sau một cơn bệnh, cũng lên diễn đàn tỏ lòng xúc động trước những thâm tình của mọi người đã nhớ đến Tao Đàn và các anh chị em nghệ sĩ trong Tao Đàn.


Không chỉ có những nhà văn, giới trí thức ở Nam California còn nhớ đến Tao Đàn mà nhà văn Văn Quang ở trong nước, nhà báo nổi tiếng Phan Lạc Phúc, cũng là ký giả Lô Răng ở tận Úc Châu cũng e-mail về Ban Tổ chức khi biết có buổi sinh hoạt "Chiều Tao Đàn." Hai nghệ sĩ ở xa này đã nhắc đến những kỷ niệm "không thể nào quên được" với những người trong chương trình biên tập Tao Đàn như Đinh Hùng, như Thanh Nam, như Văn Quang và nay thì chỉ còn có Thái Thủy.


Trong lá thư e-mail của Phan Lạc Phúc, ông viết, có đoạn: "Năm 1956, năm đỉnh cao của Tao Đàn thì chương trình đã là Tiếng Nói thơ văn của miền tự do và nó cũng là văn hóa của một triệu người di cư. Thi văn Tao Đàn đã có một lối ngâm riêng nhưng lại khá phổ biến nên nó đã đưa Tao Đàn vào đời sống văn hóa của người Việt. Bây giờ còn người kể lại Tao Đàn, mai đây không còn ai, biết ai còn kể đến Tao Đàn nữa đây."



      Hải Bộ (đệm sáo)

Xen giữa những lời phát biểu của văn giới, nghệ sĩ về chương trình Tao Đàn là những tiết mục trình diễn ngâm Tao Đàn của người nghệ sĩ Tao Đàn xưa, như Nguyễn Thanh Hùng đến từ Texas. Sau có Hà Phương với tiếng sáo Hải Bộ và những tiếng hát Mai Hương, Quỳnh Giao cũng là những tiếng hát "Thi Nhạc Giao Duyên" của Tao Đàn ngày nào. Những âm thanh dìu dặt của hương vị Tao Đàn lại vẳng bay tràn ngập khiến mọi người tham dự rất vui sướng được thả hồn về dĩ vãng, cho dù có người đã phải đứng (vì không còn chỗ) gần như suốt buổi.


Vào gần cuối buổi sinh hoạt, cả hội trường gần như tràn dâng xúc động khi nhà thơ Thái Thủy nhắc đến đau thương mất mát mới nhất cho thi sĩ Viên Linh, người con yêu của thi sĩ vừa ra đi, nhưng Viên Linh vẫn tiến hành được tốt đẹp "Chiều Tao Đàn" này. Và trong những phút đau khổ tột cùng, thi sĩ Viên Linh đã vừa đọc bài thơ cho con, vừa cố gắng kìm những giọt nước mắt để tạ tình mọi người đã chia sẻ với mình.


Nguyên Huy

Khởi Hành số 118, Tháng 8.2006


$TacGiaBaiViet = 'Nguyên Huy'; ?>