17-5-2017 | VĂN HỌC

Câu Đối Tết

   TẠ QUỐC TUẤN

Ở Việt Nam, một trong những thứ không thể thiếu được vào dịp Tết để mừng đón Xuân là câu đối, đúng như được diễn tả trong câu đối sau:


Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ;

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. (a)


Câu đối được dùng trong rất nhiều dịp: sinh con, sinh nhật, hôn nhân, tang ma, thăng quan tiến chức, thi đậu, xây chùa dựng đình, tự thuật, tự thán, v.v., và nhất là vào dịp Tết. Ở đây chúng ta chỉ nói đến câu đối Tết thôi.


Trong kho tàng câu đối Việt Nam có rất nhiều câu đối Tết, vì có thể nói là ngày xưa hầu hết các thi nhân, học giả, nho sĩ, quan chức đều có làm câu đối không nhiều thì ít. Chỉ có điều đáng tiếc là vì nhiều nguyên nhân, ngày nay chúng ta chỉ còn có được một số ít câu đối Tết của một vài thi nhân, như bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Phạm Thái (tức Chiêu Lỳ), Tản Đà (tức Nguyễn Khắc Hiếu), Tú Xương (tức Trần Tế Xương), v.v.


Đa số các câu đối Tết đều ngắn, như thấy trong câu đối dẫn trên, gồm 14 chữ.


Tuy nhiên, cũng có người làm câu đối Tết rất dài. Thí dụ câu đối sau đây của Phạm Thái dài tới 124 chữ.

Xuân mới gọi là Xuân, Xuân thiều quang thục úc, Xuân xưởng mậu huyên hòa, ai chẳng mong Xuân mãi để vui đời, kia xem nơi kia đình, nơi nọ đáo, nơi ấy điểm đua cờ người, kéo hội, bắt chạch, gieo đu, Xuân năm ngoái vui lắm, năm nay lại vui ghê, muốn Xuân mãi để nhẩn nha ngày tháng Bụt;


Tuổi cũng thì là tuổi, tuổi phú quí vinh hoa, tuổi công danh sự nghiệp, ai chẳng muốn tuổi dài cho sướng kiếp, nhưng mà ngày nay cờ, ngày mai bạc, ngày kia chè rượu, quay đất, bài phu, tổ tôm, xóc đĩa, tuổi ngày trước dại vừa, ngày rày còn dại mãi, nhiều tuổi chi cho tổn ải nước non Trời.

Có những câu đối Tết thực là mộc mạc, đơn thuần kể những vật phải có trong ngày Tết, như là câu đối dẫn ở đầu bài này.


Có những câu đối Tết diễn tả nỗi hân hoan của mọi người mừng đón Xuân sang. Thí dụ như câu đối sau của Phạm Thái:


Bật cần nêu đem mới lại cho mau, già trẻ gái trai đều sướng kiếp;

Đùng tiếng trúc đuổi cũ đi đã đáng, cỏ hoa non nước cũng mừng Xuân.


Tuy nhiên, theo Nguyễn Công Trứ, Tết và Xuân thì năm nào cũng như năm nào, vẫn có ngần ấy thứ, không có gì là khác lạ cả.


Đuột trời ngất một cây nêu, tối bữa ba mươi ri là Tết;

Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân.


Còn Tú Xương thì cho rằng năm mới chẳng khác gì năm cũ, người ta vẫn làm ngần ấy việc, ngần ấy thứ, cho dù có muốn níu kéo một cái gì tốt, một cái gì hay lại không cho nó đi để tránh những cái xấu, những cái không hay, chẳng hạn giữ Xuân ở lại mãi mãi để tránh khỏi cảnh hè nóng và đông lạnh, cũng không được.


Xuân về chở để Xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh;

Năm mới khác gì năm cũ, vạn người bán muối với mua vôi.


Trong một câu đối khác, Tú Xương cho rằng ở đâu thì người ta cũng vui Xuân vui cả một trời, giống như học sách, có học hết tất cả các sách trên đời nếu thấy hay thì người ở đâu cũng thấy hay vậy thôi.


Vui Xuân, vui cả một trời, có lẽ đâu đâu đâu cũng vậy;

Học sách, học cho hết sách, hay là thế thế thế mà thôi!


Lại có những câu đối Tết diễn tả một loại người nào, một nghề nghiệp nào, một tình trạng nào.


Về loại người chúng ta có thể kể câu đối sau của Nguyễn Công Trứ vịnh Tết làm cho một người mù.


Tối ba mươi nghe pháo Giao thừa, ờ ờ Tết;

Rạng mồng một vấp nêu Nguyên đán, à à Xuân.


Toàn câu đối không có một chữ nào, một ý nào diễn tả cảnh sắc Xuân hay Tết cả. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì người mù đâu có thể trông thấy gì. Trái lại, người mù thường phải vận dụng thính giác nhiều hơn. Do đó, trong vế trên tác giả mới nói tới pháo. Đấy là chưa kể pháo là một vật không thể thiếu trong ngày Tết như thấy trong câu đối dẫn ở đầu bài này.


Ngoài ra, câu đối của Nguyễn Công Trứ còn có cái khéo là đã dùng chữ "vấp" ở vế dưới. "Vấp" là đụng phải một vật gì nằm ở bên dưới mắt không nhìn thấy được. Người mù lẽ dĩ nhiên dễ bị vấp hơn người mắt sáng. Tuy nhiên, người mù của câu đối này không phải là vấp một vật nằm ở dưới đất mà lại là một vật đứng cao chình ình là cây nêu. Vật nằm dưới đất người mắt sáng cũng đôi khi vấp phải nếu không có đủ ánh sáng chiếu vào, nhưng cây nêu thì người mắt sáng bắt buộc phải trông thấy, dù không có đủ ánh sáng. Trái lại, đối với người mù thì cây nêu dù có to lớn đến đâu cũng không trông thấy được.


Cái khéo thứ hai là tác giả đã dùng hai chữ "ờ ờ" ở vế trên và "à à" ở vế dưới. Đó là tiếng người mù thường phát ra như để nhận một điều gì hay vật gì người ấy không thấy được.


Về nghề nghiệp có thể kể câu đối Tết của Nguyễn Khuyến làm cho một anh hàng bán thịt lợn.


Nguyên gần ngày Tết, có anh hàng bán thịt lợn trong vùng đã đem biếu Nguyễn Khuyến một bát tiết canh và một đôi bồ dục lợn, rồi xin đôi câu đối về dán Tết. Tác giả bèn đọc ngay câu đối sau:


Tứ thời bát tiết canh chung thủy;

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.


Đây là một câu đối làm hoàn toàn bằng Hán văn, có nghĩa là: "bốn mùa tám tiết lần lượt thay đổi; bờ cỏ dậm liễu cũng muốn trang điểm". Tuy nhiên, hai chữ "tiết" và "canh" trong vế trên và "bồ" và "dục" trong vế dưới nếu đọc liền nhau lại có thể coi là tiếng Việt thuần túy, với "tiết canh" và "bồ dục" là hai món anh hàng thịt lợn mang biếu tác giả.


Chúng ta cũng có thể kể câu đối Tết của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm cho mấy cô đầu (1) ở Hải Phòng.


Ai đẻ mãi ra Xuân, Xuân ấy đi, Xuân khác về, năm nay năm ngoái Xuân hơn, kém?

Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông?


Chữ "khách" trong về sau có thể hiểu hai cách. Dùng với nghĩa rộng, "khách" có nghĩa là người đến thăm, và cả người được đến thăm (chủ) lẫn người đến thăm (khách) có thể là bất cứ loại người nào, làm nghề nào, ngay cả có thể có liên hệ thân thích với nhau nữa. Mặt khác, dùng với nghĩa hẹp, "khách" chỉ khách làng chơi, người đến mua vui nơi cô đầu.


Hay là câu đối Tết của Nguyễn Khuyến làm cho cô Tư Hồng:


Mở toang ra, toác toạc toàng toang, nền tạo hóa chia lìa đôi mảnh;

Khép kín lại, khít khịt khìn khin, máy âm dương đưa đầy một then.


Câu đối này có thể hiểu hai lối.


Hiểu theo nghĩa thanh, câu đối nói tới sự chuyển vận tuần hoàn biến hóa của vũ trụ thiên nhiên.


Hiểu theo nghĩa tục, câu đối nói tới các "động tác nghề nghiệp" của cô Tư Hồng.


Câu đối này còn đặc biệt ở chỗ đã dùng các tiếng láy rất là bình dân trong cả hai vế, "toác toạc toàng toang" và "khít khịt khìn khin" (có tài liệu chép là "khìn khin khít khịt"), để diễn tả hai trạng thái rộng hay lỏng (toác toạc toàng toang) và hẹp hay chật (khít khịt khìn khin). Và đặc điểm này cũng có thể hiểu theo nghĩa thanh hay nghĩa tục.


Ngoài ra, còn có những câu đối Tết diễn tả tình cảnh của một người hay vật nào đó. Thí dụ như câu đối sau của Nguyễn Công Trứ:


Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái,

Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn. (2)


Tuy nhiên, những câu đối thuộc loại nói về tình cảnh này đa số nói đến sự nghèo của người. Vì nghèo nên người ta phải đi vay nợ; do đó mới tạo ra tình trạng nợ phải đòi cho xong trước lễ giao thừa, vì nếu để qua năm mới thì người ta không thể đòi được nữa, sợ làm giông người mắc nợ. Cho nên từ chiều ngày 30 (hay 29, nếu là tháng chạp thiếu) Tết, chủ nợ hay người đại diện đi đòi nợ và réo gọi con nợ ra trả nợ, lắm khi còn chửi bới bằng những lời lẽ nặng nề, bẩn thỉu; còn con nợ thì phải bỏ nhà lẩn tránh đi nơi khác, cho tới giờ giao thừa mới dám trở về nhà. Sang đến ngày mồng một, nếu chủ nợ và con nợ có gặp nhau thì cũng đều đưa ra những lời chúc Tết rất hay, rất đẹp, làm như là không có sự gì đã xảy ra cho nhau chiều ngày hôm trước.


Tục này đã được diễn tả trong nhiều câu đối Tết.


Chẳng hạn, Nguyễn Công Trứ đã có những câu đối sau:


1.- Tối (b) ba mươi, nợ réo (c) tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa;

Sáng mồng một, rượu (d) say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.


2.- Chiều ba mươi công nợ rối canh tân, ước những mười năm dồn lại một;

Sớm mồng một rượu chè tràn quí tị, trông cho ba bữa hóa ra mười.


3.- Nợ có chết ai đâu, đòi mà chi, trả mà chi, cha tết (e);

Trời để sống lâu nữa, tiền cũng có, bạc cũng có, mẹ đời (f).


4.- Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi;

Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.


Hơn nữa, còn có không ít câu đối nói lên cái phù phiếm của một số tập tục ngày Tết.


Chẳng hạn Bà Huyện Thanh Quan có câu đối Tết nói rằng những người làm câu đối là vì có duyên với văn chương, chứ ai đâu có nợ gì với trời đất mà phải trồng nêu; nói cách khác, theo bà, làm câu đối là việc có ý nghĩa, còn việc trồng nêu thì không.


Duyên với văn chương nên dán chữ;

Nợ gì trời đất phải trồng nêu.


Hay như Nguyễn Khuyến quan niệm rằng người ta thật là vô cùng dại dột, chẳng những mất bao nhiêu tiền mua pháo đốt mà lại còn bị mất chó nữa vì pháo nổ đì đùng làm cho chó hoảng sợ chạy đi mất. Còn như ông là một người rất tinh khôn cho nên ngày Tết ông chỉ uống rượu say rồi nằm nghỉ không cần phải làm gì hết cả.


Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó;

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.


Hoặc như Nguyễn Công Trứ cho rằng việc mua pháo đốt chẳng qua cũng chỉ là để cho mọi người nghe, cũng như việc trồng cây nêu chỉ là để nói cho làng nước biết, chứ không có công dụng gì khác.


Mua pháo đốt chơi, để anh em nghe có tiếng:

Giật nêu đóng lại, cho làng nước biết không xiêu.


Còn Tú Xương, đã làm câu đối sau:


Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;

Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.


Ý ông muốn nói là người ta đã nghèo xác nghèo xơ, nghèo đến không có tiền để mua thực phẩm để ăn cho no, mua quần áo để mặc cho ấm, thế mà lại còn phí tiền đi mua pháo về đốt, pháo đốt rồi thì cũng tan tành chứ có mang lại cái ích gì cho người đâu. Cũng vậy, người có cảnh sống bạc phếch, nghĩa là sống gieo neo khốn khó, mà lại còn cuối năm rắc vôi bột trước nhà thành hình cánh cung, nỏ, giáo, v.v., để mà trừ ma quỉ không cho tới quấy nhiễu, như vậy là làm việc vô ích, vì đã kiệt quệ lắm rồi thì còn có gì để hấp dẫn cho ma quỉ lại.


Một câu đối nữa của Tú Xương nói rằng thực là nực cười, dù không có cây nêu, không có pháo và không có cả vôi bột thì Tết vẫn là Tết, chứ đâu bắt buộc phải có những thứ này thì Tết mới thực là Tết. Chỉ cần có rượu, có nem, có bánh chưng, nghĩa là có đồ ăn thức uống, cũng đủ là Xuân rồi, đâu có cần những thứ vô ích và vô dụng như là cây nêu, tràng pháo, hay vôi bột, v.v.


Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết;

Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng (g) có, thừa Xuân.


Cũng có những câu đối nói lên cái ngông nghênh của tác giả. Thí dụ Tú Xương có những câu đối như:


1.- Đào tiên đã chín hay chưa, bác mẹ em già, chắp cánh bay lên xin một quả;

Đối Tết không hay cũng dán, bà con ai biết, dừng chân đứng lại ngắm vài câu.


2.- Không dưng Xuân đến chi nhà tớ;

Có lẽ nào trời đóng cửa ai. (h)


Trước khi chấm dứt bài này, chúng tôi xin dẫn một bài thơ của Tú Xương, nhan đề Dán Câu Đối Tết (có tài liệu chép là Tết Dán Câu Đối).

Nhập thế tục bất khả vô văn tự, (3)

Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài. (i)

Huống chi mình đã đỗ Tú tài, (j)

Ngày Tết đến cũng phải một hai câu đối. (k)


Đối rằng:


Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài, (4)

Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt. (5)

Viết vào giấy dán ngay lên cột,

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay.

"Rằng hay thì thực là hay, (l)

Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài?

Xưa nay em vẫn chịu ngài."

Tạ Quốc Tuấn

Nguồn: Văn Hóa Việt Nam số 44
Mùa Xuân 2009

CHÚ THÍCH:

(1) Còn gọi là "cô đào", "ả đào", hay "ả đầu".

(2) (a) Tam dương khai thái: ba khí dương mở sự thịnh vượng, yên vui, may mắn, tức chỉ mùa Xuân bắt đầu.

(b) Ngũ phúc lâm môn: năm điều phúc tới cửa nhà; năm điều phúc đó là: thọ (sống lâu), phúc (giàu có), khang ninh (mạnh khỏe), du hảo đức (có đức hạnh), và khảo chung mệnh (chết già, chết yên lành).

(3) Vào cuộc đời chẳng thể không có chữ nghĩa.

(4) Phẩm giá tột cùng ở nhân gian là tấm tình với gió trăng.

(5) Sự phong lưu bậc nhất trên đời là cốt cách giang hồ.


Bản Chép Khác:

(a) nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh. (b) chiều. (c) công nợ hỏi. (d) rượu chè. (e) cha cóc. (f) mẹ bò. (g) đều. (h) có lẽ trời mà đóng cửa ai. (i) chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài. (j) huống thân danh đã đỗ tú tài. (k) ngày tết đến cũng phải một vài câu đối. (l) thưa rằng: hay thực là hay.