Bài: LÊ NGUYÊN BÌNH – TRẦN ÐÌNH MỸ – BÍCH LOAN
Hình: TRẦN XUÂN THÀNH và các Thiện Nguyện Viên Thư Viện Việt Nam. Dư luận thật chộn rộn về một cuốn sách được hầu hết các cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Hoa Kỳ giới thiệu đầy cảm tình. Có lẽ cảm tình bắt nguồn từ tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp, vì tác giả là một nhà báo kỳ cựu, ông Du Miên (Lê Thanh Hoa).
NGOẠN MỤC
Nhà báo Du Miên
Trước các đồng nghiệp tại thủ đô tị nạn Little Sàigòn ngày 1 tháng 9 năm 2008, nhà văn Nguyễn Ðức Lập và nhà báo Du Miên đã dành cho báo giới một buổi tiếp tân, rất riêng tư.
Ðó không phải là một cuộc họp báo mà đó là một bữa cơm do các chị thiện nguyện tại Thư Viện nấu ở nhà bưng tới, đặc biệt mời quý đồng nghiệp, để cảm ơn những đại diện truyền thông, những người đã yểm trợ sinh hoạt Thư Viện trong suốt 10 năm qua.
Nhà văn Nguyễn Ðức Lập mở đầu buổi tiếp xúc cảm ơn đồng nghiệp bằng việc loan báo Thư Viện chuẩn bị phát hành một cuốn sách mới liên quan đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.
“Ðể hình thành tác phẩm này, tác giả và Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam đã dày công đọc, trao đổi, bàn bạc, so sánh chừng này sách và tài liệu cổ…”, nói tới đó thì 2 thiện nguyện viên Thư Viện mở tấm vải che màu xanh trên bàn để lộ ra một khối lượng sách, tài liệu Hoa ngữ, Anh ngữ và Việt ngữ.
Sau đó, cả nhà văn Nguyễn Ðức Lập và tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa đã lần lượt trình bày quá trình nghiên cứu để hình thành tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông”.
Các sách được trích dẫn làm chứng liệu lịch sử trong cuốn sách gồm:
- Thượng Thư (còn gọi là Kinh Thư), là bộ sách cổ xưa nhất của nước Tàu, được Khổng Tử san định. Bản Thượng Thư Việt Ngữ của cụ Nhượng Tống dịch vào thập niên 1940.
- Kinh Thi, là bộ cổ thi gom góp phong dao các nước, cũng do Khổng Tử san định. Bản Thi Kinh Tập Truyện Việt Ngữ do Bộ Giáo Dục Việt Nam Dịch trước 1975.
- Sử Ký Tư Mã Thiên, bộ sử chính của người Tàu, 2 bản và nhiều bản dịch Việt ngữ truớc và sau 1975.
- Kinh Xuân Thu, sử nước Lỗ, sáng tác duy nhất của đức Khổng Tử.
- Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Ðề Yếu là bộ sách ghi mục lục toàn bộ các sách kinh, sử, tử, tập của người Tàu chứa trong “Tứ Khố Toàn Thư” là kho tàng trữ sách của triều Minh.
Trong 4 loại sách nói trên, bộ Kinh gồm các sách do thánh hiền viết và tất cả những sách luận giảng tư tưởng của thành hiền; bộ Sử gồm tất cả các sách viết về lịch sử, dã sử, truyện ký, địa lý; bộ Tử gồm các trước tác của bách gia chư tử, tất cả các trước tác về học thuyết của bách gia chư tử, tất cả những sách viết về khoa học kỹ thuật như nông, y, thiên văn, lịch pháp, toán pháp; bộ Tập gồm tất cả các sách viết về văn học và nghệ thuật như văn, thơ, nhạc, họa các loại.
Năm Càn Long thứ 37 (tức năm 1772), vua Càn Long xuống chiếu, mở 4 kho sách của nhà Minh, đem tất cả những sách cất giữ cẩn mật ra, lại kêu gọi mọi người trong nước gom sách cho triều đình. Nhà vua lại khiến các học sĩ trong triều tuyển chọn lựa lọc, hủy bỏ các sách bất lợi cho Thanh triều. Sau 10 năm, giữ lại 3,460 loại sách gồm 79.339 quyển, cũng chia thành 4 bộ: kinh, sử, tử, tập và cũng gọi là Tứ Khố Toàn Thư. Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh được sao thành 7 bộ và được cất giữ ở 7 nơi.
Trong khi tuyển lựa sách, các học sĩ phải tóm lược ý tưởng từng pho sách, viết thành pho Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Ðề Yếu, tức mục lục của Tứ Khố Toàn Thư, gồm tên các sách, tóm tắt nội dung sách và nhân thân tác giả. Pho này cũng được sao thành 7 bộ.
Vào tháng 10 năm 1983, Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Ðề Yếu được Ðài Loan Thương Vụ Ấn Thư Quán ấn hành lần thứ nhất ở Ðài Loan. Tháng 2 năm 2001, ấn hành lần thứ hai.
Nhờ cuốn mục lục nầy mà TTNCVNVN tìm được một số các tác phẩm của người Việt hay liên quan đến người Việt, trong đó quan trọng nhất là tìm được trọn đủ các chi tiết cần thiết về bộ cổ sử Bách Việt Tiên Hiền Chí.
- Bách Việt Tiên Hiền Chí (Lĩnh Nam Di Thư), của sử gia Trinh Bá Âu Ðại Nhậm, sử gia người Việt, làm việc trong triều Minh, đã dùng kỹ thuật “lách” tài tình để lưu lại lịch sử Bách Việt, kể chuyện các nhân tài, hiền sĩ người Việt có những đóng góp quan trọng trong nhiều lãnh vực, suốt triều Hán. Trong tác phẩm nầy, tác giả còn ghi rõ âm mưu thâm độc của người Hán: Mỗi khi đánh chiếm các nước, nhà Hán cho cắt đất, phân chia ra nhiều mảnh, đặt tên mới, xóa tên cũ, dùng đủ mọi thủ đoạn để dân bị xâm chiếm không còn nhớ đến nguồn gốc của mình.
Bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí trưng bày hôm nay cả bản chính bằng chữ Nho và bản dịch sang Việt Ngữ của giáo sư Trần Lam Giang, do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam, Thư Viện Việt Nam ấn hành năm 2006.
- Các bộ tự điển quan trọng nhất của người Tàu như:
- TỪ NGUYÊN: bộ tự điển lớn của Tàu, khởi công biên sọan từ năm 1908 (nhà Thanh, niên hiệu Quang Tự thứ 34). Năm 1915 xuất bản 5 phần Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu. Năm 1931 xuất bản Từ Nguyên tiếp theo, thành trọn bộ. Năm 1939 xuất bản Từ Nguyên Hợp Ðính bản, gồm phần xuất bản năm 1915 và phần xuất bản năm 1931. Năm 1949 xuất bản Từ Nguyên Giản Biên.
- TỪ HẢI: Bộ tự điển lớn và có giá trị đáng tin cậy của Tàu do một số nhà giáo dục và học giả uy tín thời Trung Hoa Dân Quốc biên soạn thành.
- THUYẾT VĂN GIẢI TỰ: Bộ từ điển do Hứa Thận đời Hậu Hán biên soạn.
Hứa Thận tự là Thúc Trọng người ở Chiêu Lăng tỉnh Nhữ Nam, nay là phía đông huyện Yển Thành, tỉnh Hà Nam, được cử hiếu liêm, làm quan đến chức thái úy Nam Các tế tửu. Hứa Thận học thức uyên bác, người đương thời có câu “Ngũ Kinh vô song Hứa Thúc Trọng” (về Ngũ Kinh không ai bằng Hứa Thúc Trọng). Theo Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Ðề Yếu, Thuyết Văn Giải Tự được Hứa Thận viết xong năm Vĩnh Nguyên thứ 12 đời vua Hòa đế đời Hậu Hán (Tây lịch năm 100).
Theo lời nói đầu của ảnh ấn phẩm tháng 11 năm 1963, Thuyết Văn Giải Tự được Hứa Thận khởi công biên soạn năm Vĩnh Nguyên thứ 12 (Tây lịch năm 100), đến niên hiệu Kiến Quang thứ 1 đời vua An đế (Tây lịch 121) mới hoàn tất.
Ðây là một bộ giảng nghĩa ngữ vựng chữ Nho rất giá trị và rất cổ, cách nay (2008) gần 2.000 năm nên ý nghĩa các chữ cổ chưa bị thời gian làm thay đổi.
Tống Thái Tông niên hiệu Ung Hy thứ 3 (Tây lịch năm 986) sai Từ Huyễn, tự là Ðỉnh Thần hiệu đính Thuyết Văn Giải Tự cho được ngăn nắp và súc tích hơn.
- KHANG HY TỰ ÐIỂN: Thanh Thánh Tổ niên hiệu Khang Hy, vị vua thứ 6 nhà Thanh, ở ngôi 61 năm (1662 – 1723). Ông là một vị vua người Mãn, đô hộ Tàu và nổi tiếng uyên bác văn học Tàu. Nhận thấy Thuyết Văn chưa đủ và cách sắp xếp khó tra, Khang Hy bèn cùng một số học giả trong triều biên soạn một bộ tự điển, đặt tên là Khang Hy Tự Ðiển. Bộ tự điển này có giá trị rất cao, đến nay vẫn là nền cho các bộ tự điển cũng như từ điển khác.
- Tập bản đồ bành trướng đế quốc Tàu của tạp chí National Geographic của Hoa Kỳ.
- Bộ sử The Cambridge History of China (Vol. VII).
Nội dung cuốn sách chứng minh một cách “nói có sách mách có chứng” – qua trích dẫn các nguồn sử liệu, tài liệu giá trị nói trên – xác định Việt Nam mới là suối nguồn của nền văn minh phương Ðông chớ không phải Tàu.
Những chứng cứ trong sử liệu, tài liệu này còn cho biết chi tiết cho thấy người Tàu đã học của người Việt từ bao giờ và học những gì?
Trong tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông”, tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa trưng các bằng cớ:
- Vua Nghiêu cho quan đến tận đất Việt để học về thiên văn, phép làm lịch và chữ viết.
- Vào thời nhà Chu, 1.000 năm trước Tây lịch, giữa nước Việt và nước Tàu hoàn toàn độc lập với nhau.
- Tổ nhà Chu là Cổ Công Ðản Phụ cho 2 hoàng tử lớn sang đất Việt để học văn hóa và đem về dạy lại cho dân Tàu.
- Vào thời Chu Vũ vương Cơ Phát họp các bộ tộc đánh Trụ, đọc “Mục thệ”, xác nhận tới lúc này, người Tàu còn là dân du mục trong khi đó tài liệu của National Geographic ghi rõ 5.000 năm trước Tây lịch dân Việt đã sống đời định cư và là giống dân trồng lúa đầu tiên trên thế giới. Khác biệt to lớn tới 4.000 năm này nói lên giá trị văn hóa tồn trữ của Việt tộc mới chính là suối, là nguồn mãi mãi của văn minh toàn cõi phương Ðông.
- Kinh Thi với 25 bài phong dao trong Chu Nam và Chiêu Nam, căn cứ vào các sách cổ, tự điển cổ để phản bác lại sự chú giải thiên lệch, đầy chủ quan của Chu Hy (thời nhà Tống) và các học giả Tàu, xác định rõ 25 bài phong dao này là của Việt tộc, được Khổng Tử xử dụng nhằm dạy dỗ luân lý, đạo đức cho người Tàu. Ðể biết tại sao đức thánh Khổng đem phong dao Việt dạy cho người Tàu, tác giả trích dẫn 25 truyện kinh thiên động địa xảy ra trong triều đình nhà Chu và khắp các nước chư hầu thuộc nhà Chu trong thời Xuân Thu, trích từ sách sử do Khổng Tử và các sử gia cùng thời ghi lại.
- Ðịa giới của nhà Chu chỉ lớn bằng một quận, huyện ngày nay chứ không phải to lớn vĩ đại như người Tàu sau này khuếch đại ra.
- Bằng chứng người Tàu tàn độc xâm chiếm, đồng hóa các dân tộc khác để hình thành đế quốc Tàu như ngày nay.
- Kiến trúc sư Việt Nam là người vẽ kiểu và chỉ huy hơn 100 ngàn nhân công xây dựng thành Bắc Kinh nổi tiếng khắp năm châu với Tử Cấm Thành, Thiên An Môn vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
ÐÚNG THỜI ÐIỂM
Xưa nay người Tàu và những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa Tàu thường cho rằng Việt Nam không có cái gì cả, tất cả từ đạo giáo, triết thuyết, chữ viết, giáo dục đều phát xuất từ người Tàu, nước Tàu. Một số luận cứ còn cho rằng người Tàu là tổ của người Việt.
Trong tình hình hiện tại, đang có sự quay đầu ngó lại của Hoa Kỳ đến vùng biển Ðông Việt Nam, nơi có trữ lượng đầu hỏa nhiều đứng thứ nhì trên thế giới, nước khổng lồ Trung Cộng đã liên tiếp áp lực bằng thế “thiên tử” đối với “chư hầu” và đã khiến cho người dân Việt Nam tức giận. Nổi bật nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh đã tụ tập phản đối Trung Cộng ngay tại Sàigòn và Hà Nội.
Hành động khiêu khích của Trung Cộng còn rõ nét hơn khi cho mạng Internet Sina.com đăng “phương án” tấn công Việt Nam và chiếm trọn VN trong vòng 31 ngày, đã khiến bộ ngoại giao Cộng Sản Hà Nội phải lên tiếng phản đối.
Trước những khiêu khích liên tục và thái độ hống hách của Trung Cộng, đồng bào nơi nơi đều sôi sục căm hờn và sẵn sàng đối phó với một cuộc xâm lăng mới đến từ kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông được đánh giá là cuốn sách đã ấn hành đúng thời điểm vì nội dung của cuốn sách đưa ra nhiều chứng liệu để củng cố niềm tin và tự hào dân tộc.
Cuốn sách chưa ra mắt mà dư luận khắp nơi ở hải ngoại, sau khi xem truyền hình, đọc báo, đọc bài trên Internet v.v… đã liên lạc với tác giả cũng như nhóm Nghiên Cứu tại Thư Viện Việt Nam. Mọi người đều nóng lòng đọc cho được tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” này. Hầu hết mọi người đều náo nức bày tỏ tâm tư: “Nếu quả mà tác giả đưa ra được chứng cớ hẳn hòi thì quả tình đây là một khám phá quý hóa và to lớn cho mọi người Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và truyền đạt công trình giá trị này của quý vị…”
Hai tuần sau buổi tiếp tân loan báo việc hình thành tác phẩm “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông”, Thư Viện Việt Nam tổ chức giới thiệu tác phẩm này đến với đồng bào tại thủ đô tị nạn.
Ða số quan khách là những người quan tâm đến sinh hoạt văn hóa, giáo dục và đã gắn bó với sinh hoạt Thư Viện trong 10 năm qua. Ðây là một buổi sinh hoạt tường trình kết quả công trình nghiên cứu của Thư Viện Việt Nam. Ban tổ chức không dùng chữ “ra mắt sách” mà là tiếp tân giới thiệu tác phẩm.
Khách đếm sớm hơn dự liệu. Chưa đến giờ đã định mà sách đã được khách quý chiếu cố mỗi người một cuốn cầm tay.
Sau phần nghi thức khai mạc, MC Nguyễn Tư Nhân tuần tự giới thiệu chương trình, do một số huynh trưởng Hướng Ðạo đảm trách. Có thể nói, toàn bộ phần “văn nghệ” cho buổi sinh hoạt đều do các trưởng Hướng Ðạo góp sức. Văn nghệ ở đây là cây đàn đệm độc huyền cầm và tiếng sáo của Lê Ðức Phẩm, những bài đọc, ngâm từ văn, thơ trong hùng sử Việt Nam tuần tự được các trưởng Võ Văn Mỹ, Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Tư Nhân, Nguyễn Ðức Lập v.v… lồng vào giữa các tiết mục. Thành ra, không khí của buổi giới thiệu cuốn sách thật độc đáo, thích hợp với chủ đề của cuốn sách.
Nhà văn Nguyễn Ðức Lập giới thiệu tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa và lướt qua về quá trình hình thành cuốn sách.
“Là một nhà báo kỳ cựu, ông Du Miên Lê Thanh Hoa đã đem kinh nghiệm của một nhà báo vào tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông. Là một huynh trưởng trong phong trào Hướng Ðạo, ông Du Miên Lê Thanh Hoa phải tìm cách để chứng minh “niềm tự hào dân tộc” và “hãnh diện là người Việt Nam” qua tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông…”
Thật vậy, các diễn giả lên diễn đàn trong ngày giới thiệu cuốn sách cũng đều đề cập đến một số khía cạnh độc đáo của tác phẩm là “nói có sách, mách có chứng” và đã làm được việc đáng làm, chứng minh hẳn hòi, minh bạch.
Nhà thơ Du Tử Lê nói:
“Người ta thường dùng 3 cái chuẩn mực để đo cái nền văn minh của một dân tộc. Cái thứ nhất là kiến trúc, cái thứ hai là các phát minh về khoa học và cái thứ ba là những tác phẩm về văn học nghệ thuật.
Chúng ta luôn luôn tự hào Việt tộc có năm ngàn năm lập quốc nhưng về kiến trúc chúng ta không có một cái như một Ðế Thiên Ðế Thích như của Cam bốt, không có một Kim Tự Tháp như của Ai cập. Chúng ta không thể đem cái Chùa Một Cột để so sánh Kim Tự Tháp của Ai cập.
Về những phát minh khoa học ảnh hưởng đến nhân loại chúng ta không phải là tác giả của máy hơi nước, chúng ta cũng không phải là tác giả của dòng điện hai chiều.
Về văn học nghệ thuật chúng ta chỉ có duy nhất Truyện Kiều mà Truyện Kiếu thoát thai từ một tác phẩm Trung Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập.
Về bi kịch cao độ nhất trong Truyện Kiều là cô Kiều bán mình chuộc cha. Cái bi kịch đó ở quốc gia nào, ở thời đại nào cũng có và bi kịch đó không thể so sánh với bi kịch ở trong thần thoại Hy Lạp và cái bi kịch đó càng ngày, hiện tại, càng xảy ra thê thảm hơn, khủng khiếp hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Do đó mỗi khi sinh viên Mỹ hỏi tôi đâu là những bằng chứng, những thành tựu cụ thể của dân tộc Việt Nam, cá nhân tôi rất lúng túng, nếu không muốn nói là mặc cảm.
Nhưng từ khi Thư Viện Việt Nam xuất bản tập Bách Việt Tiên Hiền Chí bởi dịch giả và giáo sư Trần Lam Giang và hôm nay chúng ta được chào đón một tác phẩm thứ hai của tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa là Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông. Hai tác phẩm đó đã làm cái công việc là trả lại sự thật cho lịch sử và cho dân tộc Việt Nam. Hai tác phẩm đó đã được phát hiện bởi chính tác giả ngoại quốc và tác giả người Tàu cho thấy chính người Việt Nam đã là tác giả của thuốc nổ; chính người Việt Nam là tác giả của sự xây cất kinh thành Bắc Kinh, điển hình là Tử Cấm Thành. Tất cả những chi tiết đó đã được hai tác giả đó nêu ra mà rất là cụ thể.
Tôi muốn nói vào lúc 2 giờ chiều ngày mồng 3 tháng 10 năm 2008 sắp tới tôi có một buổi nói chuyện với sinh viên tại đại học Fullerton. Kỳ này tôi sẽ mang theo hai tác phẩm của 2 tác giả vừa rồi và nếu sinh viên hỏi tôi đâu là những cái chứng minh cụ thể? Tôi sẽ lật ở trang 22 của cuốn Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông. Bởi vì ở trang 22 tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa đã chụp lại một bản đồ của chính tờ báo National Geographic. Không phải vì chúng ta tự ái dân tộc mà đưa vào những chuyện đó. Một cuốn sách, tôi muốn nói, cá nhân tôi rất biết ơn dịch giả và tác giả Trần Lam Giang và Du Miên Lê Thanh Hoa.
Trước khi dứt lời, quí vị và các bạn cho phép tôi được nói với hai tác giả: Thưa anh Trần Lam Giang và anh Du Miên Lê Thanh Hoa, tôi cho là tôi may mắn được sinh cùng thời với hai anh. Lại nữa, tôi cũng rất lấy làm hạnh phúc được là bạn hữu của hai anh. Trân trọng cám ơn quí vị và các bạn.”
Ông Hoàng Ðình Khuê, cựu sinh viên khóa 16 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, là chuyên gia Hán tự, nhận xét:
“Cái cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi đọc xong tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông là tôi rất vui mừng và khoái chí tử vì từ đây có chứng cớ để lột bộ mặt gian ác và bịp bợm của bọn Tàu phù.
Song song với niềm vui đó, chúng ta phải cám ơn nhà văn Du Miên và cũng là nhà nghiên cứu cổ sử Lê Thanh Hoa đã dám làm một chuyện kinh thiên động địa, đột phá ngoạn mục xuyên thủng bức tường dài vạn dặm của đại Hán và đã bất ngờ làm thay đổi lịch sử Việt Nam – Trung Quốc đã có hơn năm ngàn năm nay.
Cái tác phẩm nầy cũng ra đời đúng vào cao điểm có sự tranh chấp về lãnh hải Trường Sa và Hoàng Sa mà bọn Trung Cộng hiện bây giờ đang tức giận khiếu nại hãng xăng Exxon Mobil vì đã công khai ký hợp đồng để mà khai thác dầu hỏa. Và thưa quý vị một sự trùng hợp: ngày hôm nay đây, ngày 14 tháng 9 năm 2008, tại VN, các bạn thanh niên trẻ, thanh niên học sinh, hẹn nhau biểu tình trước sứ quán của Trung Cộng tại Hà Nội để phản đối chính quyền Bắc kinh đã muốn đưa ra bằng chứng văn kiện cách đây 50 năm Phạm Văn Ðồng đã ký nhượng lãnh thổ của mình cho bọn gian ác đó. Nhà báo Du Miên đã đem lại niềm tự hào dân tộc đối với thế giới, hy vọng tiếng vang sẽ làm thay đổi thái độ của nhà cầm quyền Hà nội và hỗ trợ cho cuộc tranh đấu của thanh niên sinh viên trong nước.
Trở lại với cuốn Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông. Thưa quý vị, chúng ta thường nghe “nói có sách, mách có chứng” thì ngày hôm nay nhà báo đã trưng ra tất cả những bằng chứng ra trong cuốn sách nầy và tất cả sử liệu do công sưu tầm của nhà báo Du Miên trong suốt gần hai mươi năm nay. Tại sao? Thưa quý vị, vì Trung quốc với chủ trương “đại Hán bá quyền” lúc nào cũng đi xâm lăng những nước khác và triệt tiêu văn hóa, đốt sách vở và tàn phá những cái bia, cái tượng, các đền, chùa hầu xóa bỏ tất cả cội nguồn của dân tộc. Ðối với người Việt Nam chúng ta thì Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp lúc nào cũng muốn xâm lược chúng ta và chúng tự cho mình là Ðại Hán và lúc nào cũng coi người Việt Nam là man di mọi rợ. Ðối với tư tưởng đại thống nhất thiên đó thì chúng ta phải làm gì. Tôi muốn nói tại sao Du Miên phải làm như vậy, thưa quý vị, từ xưa tới nay sử ta đã ghi chép quá nhiều nhưng chưa có bộ sử nào nói một cách minh bạch khiến cho một số sử gia trên thế giới đã đánh giá sai lạc về nguồn gốc lịch sử Việt Nam thì thưa quý vị ngày hôm nay đây nhà báo Du Miên đã chứng minh tất cả những cái sự thật trong cuốn sách này.
- Kinh Thư:
Mời quý vị giở ra trang 44, nhà báo Du Miên trích từ cuốn Kinh Thư tức là cuốn sử cổ nhất Trung Hoa, gọi là Thượng Kinh hay Thiên Kinh, là sách ghi chép rất lâu từ đời thượng cổ từ vua Nghiêu Thuấn đến Tần Mục công do đức Khổng Tử san định, sắp xếp cho có thứ tự, và cũng dựa vào bộ sách này để giáo dục cho dân chúng, sau này tìm được 29 thiên mà cái thiên Nghiêu Ðiển tức là cái kho sách của vua Nghiêu, trong đó nói về thuật trị quốc và hành xử của vua Nghiêu. Và vua Nghiêu đã lo cho dân, nhất là về mùa màng. Vua Nghiêu đã ra lịnh cho một vị đại quan đặc trách về thời tiết mùa hạ là Hy Thúc đến đất Nam Giao tức là đất Giao Chỉ của chúng ta để học hỏi về Thiên văn, địa lý và cách làm lịch. Tôi xin đọc toàn đoạn nguyên tác bằng âm Tàu và đã được cụ Nhượng Tống dịch sang Việt ngữ từ năm 1940 “Lại sai Hy Thúc đóng ở Nam giao, sắp đặt các việc sinh hóa về phương Nam. Kính ghi ngày Chí. Ngày dài; sao Hỏa chập tối đỉnh đầu: để chính tháng giữa hè. Dân càng ở thưa. Chim muông thay lông, đổi da.”
Và trong thiên “Mục thệ” (Lời thề của du mục) có ghi chép cho đến thời Chu Văn vương (1122 trước Tây lịch) người Tàu vẫn là dân du mục chưa biết định cư như Việt tộc trước đó cả 4.000 năm.
- Kinh Thi: Ðây là bộ sách sưu tập phong dao các nước và được Khổng Tử san địn dựa vào giá trị đạo đức để răn dạy người dân. Lấy nhân đức mà tu thân, lấy việc sằng bậy mà xa lánh. “Bất Kinh Thi, vô dĩ ngôn”. Trong Kinh Thi, thiên Chu Nam và Chiêu Nam, Khổng Tử đã xác nhận nền văn hóa rực rỡ của Việt tộc đầy nhân ái hiền hòa, trọng luân thường đạo lý trong khi người du mục phương Bắc hung ác sống lang chạ dâm bôn.
- Kinh Xuân Thu: Bộ sử nước Lỗ do Khổng Tử người nước Lỗ ghi chép hàng năm từ Chu Bình vương đến Chu Kinh vương (242 năm) mục đích để nhắn nhủ nhà vua và triều thần cũng như răn đe người dân một cách minh bạch “Chính dân định phận”. “Khổng Tử tác Xuân Thu, nhi loạn thần tặc tử.”
- Sử ký Tư Mã Thiên: Ðây là bộ sử được coi là chính sử rất có giá trị của TQ. Thái Sử công Tư Mã Thiên biên soạn gồm 130 quyển và được ca ngợi văn viết thẳng và thực lục (đúng sự thật). Trong Chu Bản Kỷ, Tư Mã Thiên xác nhận Cổ Công (Ðản Phụ) cho hai con là Thái Bá và Ngu Trọng sang nước Việt cắt tóc xâm mình để học văn hóa Việt (Trưởng tử Thái Bá, Ngu Trọng tri Cổ Công dục lập Quí Lịch dĩ phó Xương, nãi thị nhân vong như Kinh Man, vấn thân đoạn phát, dĩ nhượng Quí Lịch…)
Thái Sử công cũng xác nhận đời Chu Thành vương đã có sứ Việt Thường đến thăm nhà Chu, chính Chu Công Ðán lúc ấy đang nhiếp chính xác nhận Việt Nam bấy giờ không phải là chư hầu của nhà Chu.
- Bách Việt Tiên Hiền Chí: đây là bộ cổ sử viết về nguồn gốc của Việt tộc. Tác giả là Trinh Bá Âu Ðại Nhậm làm quan triều Minh là người Việt viết về 106 vị tiên hiền Bách Việt. Tác giả tiết lộ những vị tiên hiền này đã có công lớn giúp vua Hán trị nước, xây dựng một nền văn minh lớn nhất gọi là văn minh Trung Hoa. Bộ sách đã được giáo sư Trần Lam Giang trong Ban Tu Thư của Thư Viện VN dịch ra Việt ngữ vào năm 2006.
Sau đây là vài vị hiền sĩ tiêu biểu: Âu Dã Tử: người rèn kiếm quí, Phạm Lãi: tài ba lỗi lạc, lập công không đợi thưởng, Thái Luân: Người phát minh ra giấy cho nhân loại, Vương Sung: Triết gia, tác giả thuyết Luận Hành, Bao Hàm: Thầy dạy vua Tàu, Sử Lộc: chuyên viên về kinh đào, trước kinh Panama 2.000 năm.
- Naional Geographic Magazine: đây là tạp chí Mỹ nghiên cứu về lịch sử, địa lý, khoa học kỹ thuật và những biến cố của thế giới. Tạp chí này đã trưng bày nhiều hình ảnh rất có giá trị trên lãnh vực khoa học nghiên cứu, đã cho chúng ta nhiều bản đồ của nước Tàu từ thời thượng cổ và qua nhiều giai đoạn bành trướng của đế quốc đại Hán. Tạp chí National Geographic đã xác nhận 5.000 năm trước Tây Lịch Việt tộc đã định cư ở châu thổ sông Trường Giang/Dương Tử và là bộ tộc đầu tiên biết trồng lúa (5.000 B.C.: Farmers along the Chang Jiang (Yangtse River) are the first to grow rice).
- The Cambridge History of China: Ðây là bộ sử rất có giá trị ở phương Tây. Bộ sách này có nói về một kiến trúc sư người Việt tên là Nguyễn An được vua Minh Thành Tổ Chu Ðệ phong làm công trình sư trưởng toàn quyền xây thành Bắc Kinh trong 17 năm (từ 1404 – 1420). Bộ sách cũng cho biết kiến trúc sư Nguyễn An chết năm 1453, thọ 72 tuổi.
Nhà báo Trần Lam Giang giới thiệu về tác phẩm:
“Sự hiện diện của quý vị và các bạn ngày hôm nay là vinh dự và khích lệ cho anh em chúng tôi trong việc làm thiếu phương tiện và rất khó khăn. Trước khi phân tích các điểm của tác phẩm, tôi xin đọc một lời nhắn nhủ thiếu nhi của cụ Phan Chu Trinh, lời đó cũng nằm trong chủ đích của tác phẩm này. Cụ Phan Chu Trinh nhắn thiếu nhi mà năm nay tôi 69 tuổi tôi vẫn thấy rằng tôi còn phải học hỏi nhiều ở lời nói đó. Chắc cha ông chúng ta ở tuổi thiếu nhi thông minh sáng suốt thấu hiểu lịch sử thấu hiểu nhân loại hơn chúng ta nhiều. Câu của cụ: “Trước là hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới, làm sao là khôn, làm sao là dại, đâu là quốc túy nên giữ gìn, đâu là hại phải cắt đứt. Các anh bước tới một bước thì dân nhà nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy tầng địa ngục.”
Tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông của tác giả Du Miên Lê Thanh Hoa mới chỉ cố gắng góp một phần mà phần đó là một phần rất nhỏ so với dòng lịch sử, đó là hiểu lịch sử nước nhà còn phong trào thế giới thì quí vị truyền thông, các quí vị báo chí hàng ngày đã giúp nhiều rồi.
Tại sao tôi nói là một phần rất nhỏ? Vì lịch sử của nước ta rất là to tát, càng gian lao càng khổ cực, càng máu xương càng to tát. Sách lịch sử ta chắc có lẽ chỉ thời đại Hùng Vương được sống an hòa, còn sau đó liên tục chiến tranh. Tôi nói thời đại Hùng Vương chắc có lẽ được an hòa vì mới đời Hùng Vương thứ 6 giặc Ân sang xâm chiếm nước ta. Ông Lê Ngô Cát nói về anh hùng Phù Ðổng Thiên vương có kết luận rằng:
“Chẳng hay chuyện cũ lưu truyền có không?”
Chính cụ còn ngờ có hay không. Anh em trong Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam, đặc biết là nhiệm ý Hán, chúng tôi tìm tài liệu và khẳng định rằng Phù Ðổng Thiên vương có bởi trong Hán Thư Bắc sử có ghi rõ rằng: “Vua Cao tông nhà Ân tên là Vũ Ðinh sang đánh nước Xích Quỉ 3 năm và họ đi vào cái kết luận rất là láo lếu: “cả thắng”. Họ thua mà họ ghi là họ thắng. Trong Kinh Dịch cũng ghi như thế. Tuy thế, Kinh Dịch chê nước lớn đi đánh nước nhỏ. Quí vị cũng biết, ông Lý Thường Kiệt đánh cho quân nhà Tống chạy cong đuôi thế mà sách Tàu láo lếu ghi rằng cả thắng cho nên Lý anh hùng tiến quân qua luôn đất Tàu chiếm luôn 2 châu cho họ biết mặt. Nhưng sử Tàu ghi họ cả thắng. Ông Trình Hy Xuyên phê bình điều đó trước triều đình. Tôi tin ông hiền triết hơn là những ông làm sử chính trị. Lời của ông Trình tử ghi rằng: “Vô cớ nước lớn đánh nước nhỏ, đó là một điều nhục. Ðánh nước nhỏ mà thua, nước nhỏ đánh cho chạy là điều nhục thứ hai. Và điều nhục thứ ba to lớn nhất là thua rồi mà về ghi rằng thắng. Xin nhà vua xét lại.” Tôi tin ông hiền triết hơn và tôi nghĩ cái chuyện họ ghi rằng họ đánh thắng Phù Ðổng Thiên vương của mình là họ cũng láo lếu…
Trong tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông, hai chữ “suối nguồn”, một người bạn tính yêu cổ kính và nghiên cứu nhiều của tôi chê rằng Du Miên nó trẻ mà sao viết về cổ kính mà sao là “Suối nguồn”? Tôi không cãi nhưng hôm nay tôi trình bày để anh bạn đó đang ngồi ở đây lắng tai mà nghe. Suối nguồn là tác giả muốn nói rằng văn minh phương Ðông bắt nguồn từ Việt và cái nguồn ấy mạnh mẽ tuôn trào và tuôn trào mãi… Du Miên nói rằng đức thánh Khổng có 1 công to tát là truyền bá đạo làm người để con người sống với nhau cho đúng nghĩa. Một trong những tài liệu quý báu mà ngài đem về dạy cho người Trung Hoa đó là Kinh Thi, phần Quốc Phong thuộc Chu Nam và Chiêu Nam ngài đã lấy của giống Việt ở phương Nam. Trong tác phẩm, Du Miên phân tích, lấy tài liệu chi tiết “chu” nghĩa là gì? “Nam” nghĩa là gì? “Chiêu” nghĩa là gì? “Chiêu Nam” nghĩa là gì? Ðồng thời Du Miên phân tích, đức thánh Khổng ngài ở phương Bắc và nói rằng, nhiều tác giả nói rằng đây là của nhà Chu. Nhà Chu vốn xuất thuân du mục, mà tác giả có trình bày, vùng sa mạc du mục làm gì có sông Trường Giang mà ở đây (Kinh Thi – Chu Nam và Chiêu Nam) nói nhiều về vùng Trường Giang, sông Trường Giang tức sông Dương Tử. Những câu thơ này đều là những câu ở sông Trường Giang Dương Tử, quê hương gốc, địa bàn gốc của giống Việt. Ở trong sách này tác giả Du Miên cũng phân tích chi tiết về giống Việt. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cái điểm 2 cái thiên mà đức thánh Khổng coi là quan trọng và giá trị nhất trong Kinh Thi chính là ở vùng đất Việt. Và có một điều ông Chu Hi nói rằng đức của Văn vương rộng lớn quá đến giống Việt ở phương xa hưởng cái đức đó mà cũng trở thành cao quý và làm được thiên Chu Nam, Chiêu Nam thì tôi thấy 1 điều nói hơi quái lạ sao mà ở xa mà cái đức của ông Văn vương truyền đến được trong khi chính nước ông Văn vương ở và những nước chung quanh thì lại man rợ, dâm ô và Du Miên trích những cái man rợ, dâm ô kia ở các nước chung quanh nhà Chu và chính nước Chu nữa để chứng minh rằng sao họ không lo cho họ trở thành tốt mà nước ở đàng xa mà họ dạy được? Hoặc giả có lẽ dân Tàu ở cái vùng phương Bắc dốt quá cho nên ngài Văn vương không dạy nổi và người Việt thông minh quá mới thoáng nghe thì nó tốt lên ngay, điều đó khó tin quá. Ðó là về Kinh Thi.
Nói về kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa của người Việt, nhiều người đến bây giờ cũng vẫn nói rằng VN mình có cái gì, cái Chùa Một Cột bé tí ti trong khi người ta có những công trình như Kim Tự Tháp có những Tử Cấm Thành… Triều Nguyễn mới có những lăng tẩm. Thật ra tổ tiên chúng ta ý thức rằng phải đối đầu với một nạn xâm lăng đến từ phương Bắc. Họ đến đốt sách, tịch thu sách quý đem về Tàu, phá đền đài bi chú. Có người nói rằng họ giỏi như vậy làm gì họ phải tịch thu sách của ta đem về Tàu. Ðiều đó chúng ta không thể bàn cãi, đã có dẫn chứng trong bộ Tứ Khố Toàn Thư Tổng Mục Ðề Yếu do 30 học giả của vua Càn Long tóm tắt và trình lên nhà vua. Thư Viện VN thu góp toàn bộ, mua khó khăn lắm mà vẫn tìm cho ra, và ở trong đó thì họ ghi vì nhà Thanh họ không ngán gì nhà Hán, nhà Hán giết họ không sợ mà, họ ghi rõ nhiều cuốn Tàu ăn cắp của chúng ta trong đó. Chúng tôi đang cố làm công cuộc dịch thuật những tài liệu này. Ông cha chúng ta có văn hóa cao nhưng không để văn hóa vào cục gạch. Ông cha chúng ta có văn hóa cao nhưng không truyền văn hóa bằng cách hút xương máu của quốc dân, xây những đền đài cho thỏa mãn cái giai cấp cầm quyền mặc cho dân khổ. Cho nên dấu tích của cha ông chúng ta đẹp mà nhỏ thôi. Chùa Một Cột đẹp, ai nói xấu tôi chắc người đó không có óc về thẩm mỹ. Chùa Một Cột nhỏ vì không muốn tốn xương máu. Công trình của vua Lê Lợi to tát, quét giặc ra khỏi đất nước nhưng nhà vua dặn đúc một pho tượng bằng em bé lên ba, xây cái cột cao dựng đài lên, chắc có vị nhớ cái tượng thờ Ngài ở hồ Hoàn Kiếm Hà Nội… Không xa xỉ, không xây cất to tát không có nghĩa là không biết xây cất to tát. Du Miên chứng minh điều đó. Tàu hoang phí, Tàu to tát, Tàu không có khả năng về thẩm mỹ, Tàu phải nhờ ông Nguyễn An, thái giám người Việt vẽ kiểu và chỉ huy công thợ xây thành Bắc Kinh để ngày nay họ khoe với thế giới. Khoe mà không biết xấu hổ bởi vì anh không làm được, anh cướp của dân anh để anh khoe cái đẹp bằng xương máu của những người lương dân thấp cổ bé miệng… Tôi đã được đến lăng vua Ðinh Tiên Hoàng, gọi là lăng thì cũng không đúng tuy dấu tích còn nhưng chung quanh chỉ còn thềm đá, lăng vua Hùng cũng nhỏ, lăng mộ vua An Dương vương cũng nhỏ tí xíu mà thôi. Lăng vua Triệu Ðà cũng nhỏ xíu nhưng rất đẹp. Cho nên cái đẹp không phải là sự to, xây to. Nó đẹp không phải là lấy máu xương của người ta…
Cuối sách Du Miên trình bày công trình văn minh thực tế đời xưa do người Việt làm nên và người Trung hoa ghi vào sách và nhận là của họ. Du Miên trích dẫn một số tài liệu do tôi dịch từ cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí. Tôi vẫn xin nhắc lại tài liệu này đối với lịch sử, đối với văn hóa, đối với văn minh của dân tộc nó là một tài liệu nhỏ bé nhưng quả là có góp công nhỏ bé. Mong tất cả quý vị ở đây cầm tài liệu. Cũng mong quý vị ở đây mỗi người góp một phần nhỏ bé thì sẽ thành to tát đối với lịch sử và dân tộc…”
Kết thúc buổi giới thiệu tác phẩm, tác giả Du Miên lên diễn đàn cám ơn tổ tiên ông bà soi sáng và cảm ơn mọi người. Ông kêu gọi các giới chuyên môn cùng soi rọi thêm vào các dữ kiện ông đưa ra trong tác phẩm để đòi lại sự thật lịch sử. Dịp này ông Du Miên cho biết do yêu cầu để cho thế hệ trẻ thấu hiểu lịch sử và văn hóa Việt tộc, bộ sách sẽ được dịch sang Anh ngữ và các thứ tiếng khác. Ðây là một việc làm cần sự yểm trợ tài chánh quy mô. Ông kêu gọi đồng bào tiếp tay bằng cách mua sách do Thư Viện ấn hành hoặc ủng hộ dự án dịch sách sang tiếng Anh: mỗi đóng góp 1.000 mỹ kim sẽ nhận được 10 cuốn sách quý (bằng Anh ngữ) đóng gáy chỉ, bìa cứng và ghi tên người ủng hộ vào cuốn sách để đời này.