Chân dung Hồ Đình Nghiêm
HS. Đinh Cường, tháng 5.2012
Hồ Đình Nghiêm: Sanh ngày 20.10.1957 tại Huế. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1978. Vượt biển tới Hồng Kông 1981. Hiện cư ngụ tại Montréal. PQ. Canada. Đã xuất bản: Nguyệt Thực (Văn nghệ 1988) Tờ Mộng Rách Rồi (Tân Thư 1993). Vầng Trăng Nội Thành (Văn Mới 1997). [Trích từ Tuyển tập thơ văn Hải ngoại năm 2000]. (Nhóm Việt Thường thực hiện).
Hồ Đình Nghiêm sanh giữa lòng thế kỷ XX, thời điểm bộc phát của cả nước, nhất là các cao trào văn học nghệ thuật; một phát triển đáng chú ý giữa hai chiến tuyến Bắc Nam là một đối đầu của chiến tranh ý thức hệ và chiến tranh tư tưởng. Cả hai phía nghiêng hẳn về mặt tuyên truyền dân vận là khâu then chốt sau thời gian vãn hồi chiến tranh. Hiệp định Giơ-Neo (Geneva) 1954 cắt đôi đất nước (vĩ tuyến 17) với một làn sóng di cư vĩ đại vào Nam. Miền Bắc dưới chế độ kiểm soát văn hóa của Cộng sản, điển hình vụ Nhân văn Giai phẩm, Trăm Hoa Đua Nở là bằng chứng hùng hồn để xác định thế nào là tự do ngôn luận, thế nào là tự do viết lách. Văn nghệ sĩ miền Bắc đến với miền Nam như một lột xác, cởi bỏ những gì vốn có để mặc vào người một trang phục mới hơn. Họ phát huy không ngừng theo từng khuynh hướng khác nhau. Phải thừa nhận sự góp mặt đó là một vun xới cho nền văn hóa cả nước sống lại và đa dạng hơn xưa; tạo dựng cho miền Nam một vườn hoa nở rộ đầy màu sắc, một gạch nối đáng lưu ý của tân cổ giao duyên, một tích lũy có từ đó cho đến nay. Những thành tựu đáng kể của trào lưu văn chương, thi ca, hội họa như Tuần báo Người Việt (1955), Tạp chí Sáng Tạo (1956/1959), Tạp chí Hiện Đại và Tạp chí Thế Kỷ Hai Mươi (1960) cũng như những nhật báo, tuần báo, nguyệt sau khác ra đời cùng lúc dù đình bản hay tục bản, vẫn coi đó là tài nguyên văn hóa. Một nỗ lực hùng hậu bao gồm một số nhân sĩ trí thức và những cây viết sáng giá là một dữ kiện ghi nhận rõ nét, là chứng nhân của một thời lịch sử văn chương Việt ở đầu thế kỷ XX...
Lược qua một số chứng cứ để thấy rằng người dân Việt Nam tử thượng tầng đến hạ tầng đều coi trọng chữ nghĩa và nhận ra rằng trong hoàn cảnh nào người ta đều chung một ước mơ ‘dựng nước' mà trong đó kinh qua một nền văn hóa chủ lực, một thể hiện nền văn minh dân tộc có từ ngàn xưa để lại, một tích lũy trong huyết quản, cấy vào trong 'gen/genetic’ của mỗi người. Cho nên chi cái sự bộc phát đó là tài năng không ngạc nhiên và chính chúng ta cũng đã ngấm ngầm có một ước mơ như thế không còn lạ lẫm.
Thời điểm đó họ Hồ chưa chào đời hoặc đã chào đời và chưa biết chi mô răng rứa. Nhưng được cái trời sinh Hồ Đình Nghiêm để nhận thấy (seeing). Hồ Đình Nghiêm có đôi mắt trong suốt, có lỗ tai nghe từng lời nói, từng con chữ và một trí tuệ ‘tài năng/talent' không ai tưởng được. Nhà văn họ Hồ lớn dần theo thời gian và mệnh nước, mệnh nước chuyển đổi qua các cuộc cách mạng chính trị, văn hóa và đời sống, mang trong người một tư thế bùng dậy để phát huy tư tưởng, một đổi mới tư duy là phá vỡ những tàn tích xưa cũ thay vào đó một tháp ngà /tour d’ivoire văn học nghệ thuật. Hồ Đình Nghiêm chưa níu tới những cành nhánh đó, nhưng, trong đôi mắt đã thấy tới, biết tới, nghe tới rất lạ ở tuổi mới lớn. Là vì, trời sinh người mù nhưng có lỗ tai, lỗ mũi thấy và nghe được, người câm điếc thì nhận thấy qua từng ngón tay, tất cả là một định hệ, được cái này thì mất cái kia là lẽ thường tình. Họ Hồ nhận cái nhiệm vụ bao quát đó.
Hồ Đình Nghiêm sanh đúng chỗ sanh nghĩa là sanh trong một gia đình có ‘tai vách mạch rừng' không thể cho là không thấy, không nghe. Một gia cảnh trung lưu bề thế lại có những người anh, người chị ‘đẹp mắt', chính cái đẹp mắt đó lọt phải mắt xanh của các công tử văn chương và hội họa. Hồ Đình Nghiêm biết đến nhưng không dụng đến, bản chất của Nghiêm là ưa tạo cho mình một cái gì đặc thù hơn đặc biệt, nhưng không phải vì thế mà có một 'ngăn cách/distance’ giữa người lớn và con nít mà lấy đó làm ngọn đuốc soi đường. Hồ Đình Nghiêm ở tuổi trẻ non cho nên dễ uốn nắn nhờ nghe theo, học theo của những người anh đi trước. Ấn tượng sâu sắc đó đã chìm dần trong một tư duy phát tiết về sau này, ngay cái việc cầm cọ hay cầm bút có đôi phần ảnh hưởng, những ảnh hưởng của Hồ Đình Nghiêm là không cùng trường phái mà coi đó là một động lực thúc đẩy, động viên cho một tương lai không xa. Tất cả những dữ kiện đó là hoài bão và ấp ủ trong một tiềm năng chưa khơi dậy cho đến khi cầm bút là một kinh nghiệm đầy đầu; văn của Nghiêm viết không nhận ra đó là một thanh niên trẻ tuổi mà của một con người già giặn.
Hồ Đình Nghiêm đi học từ tiểu học lên trung học và từ đó chuyển ngành để tìm thấy con đường đi của mình là con đường phụng sự nghệ thuật hơn là học để thành nghề. Bởi, sự lý cụ thể là Hồ Đình Nghiêm không dựa vào bất luận chiều hướng nào mà phát huy, dù rằng phát huy trong sở đoản mà dành vào đó một sở trường để viết thành văn. Không những thế Hồ Đình Nghiêm còn mê đọc sách bất cứ sách báo nào đến tay kể cả kiếm hiệp, phong thần là những bài học để hành văn. Nói rút lại, văn nhân họ Hồ nuôi chí lớn để làm văn hơn làm tiền. Quả vậy, như đã có lần trao đổi với tác giả của những tập truyện: 'viết văn là cái thú, không làm cảm thấy trống. In sách là một biểu lộ chớ không mong sinh lợi' (HĐN).
Năm 1998 tôi bắt gặp tập truyện ‘Tờ Mộng Rách Rồi' tác giả Hồ Đình Nghiêm. Tên tác giả đập vào đầu tôi, không biết tên tuổi này có trước đây hay mới đây. Điều đó không quan trọng, cái quan trọng là tựa đề của tập truyện đã cho tôi một suy nghĩ lạ. Lạ ở chỗ, thông thường tựa đề nghe kêu là một lôi cuốn độc giả và tỏ ra chuyện có thật (true story) mới tìm đọc. Vậy thì ‘Tờ Mộng' là di chúc hay khế ước? Tất nó hàm chứa một lý luận triết học trong đó. Vào truyện là chuyện lứa đôi nhưng đi tới một bố cục thâm hậu. Đọc xong tập truyện tôi nuôi mộng của tờ mộng rách rồi. Không nhớ cơ duyên nào tôi kết thân với nhà văn Hồ Đình Nghiêm? Chỉ biết y là người Canada gốc Việt, tôi đuổi theo từ đó và tiếp tục tìm đọc những tác phẩm của nhà văn trên báo giấy và báo mạng. Có được địa chỉ email tôi bắt liên lạc và được nhà văn ‘tiếp đón′ nồng hậu qua thư gởi. Do từ người ái mộ hay do từ thơ văn của tôi; đấy là điều suy nghĩ chủ quan nơi tôi. Nuôi ý nghĩ xuất bản tập thơ đầu tay ước gì có lời Bạt của Hồ Đình Nghiêm. Sau đó nhà văn đáp lễ bằng một lối hành văn rất 'thời thượng’ không lấy điểm tựa của văn chương mà lấy giọng văn trào phúng làm điểm tựa. Ngay lời Bạt của Hồ Đình Nghiêm đã thấy khác với người ta. Một lối viết có thực!
Đọc truyện của Hồ Đình Nghiêm là một lý luận nhân bản, một hiện thực của cuộc đời đang sống, nghĩa là nó phải sống thực như mình đang sống là một khía cạnh khó tìm thấy ở những người viết văn. Viết văn thành truyện ngắn, dài (tiểu thuyết) đều mang nặng một hình dung từ của hư cấu/fiction mà ra. Đành là thế, nhưng phải đọc để thấy người viết là chính mình và thực của tác giả là cái thực tùy ở chính mình. Đấy là cái khó thời nay để dựng truyện ngay cả truyện thật ngắn, bởi, tác phẩm là một biểu lộ và nhập thể.
Qua những tác phẩm truyện của họ Hồ có từ trước cho tới nay là trong cùng một khuôn khổ, cùng một mạch văn và cùng một cấu trúc tân kỳ và hiện đại, nó làm nên ở chính mình một trường phái đương đại, nghĩa là không giống ai và không ai giống mình như một số nhà văn trước và sau thường diễn một màn, trước sao sau vậy, đưa vào phòng kiểm nghiệm thì thấy rõ những nhà văn cùng một tuổi thân; hoàn toàn không có gì mới lạ, ngay cả việc phê bình văn thơ cũng đều một khuôn mẫu như nhau, không nói lên yếu tính của nó mà chỉ thấy cắt xén, ráp nối để hành văn. Lối viết và phê như thế gọi là phá sản văn chương và lạm phát tư tưởng... Với Hồ Đình Nghiêm độc lập trong cách dựng truyện, nghĩa là không lập ngôn mà là kẻ khám phá con chữ. Hồ Đình Nghiệm viết văn hay làm thơ hoàn toàn làm chủ ở chính mình. Nhưng, phải nhìn kỹ, đọc kỹ thì mới thấy trong truyện của Hồ Đình Nghiêm là một biển hồ trầm lắng, gợn sóng lăn tăn nhưng nơi đó là một sự chết đuối đang sống. Xưa nay ít có những nhà văn viết trong dạng thức tâm lý như vậy, có chăng là một thứ triết lý tầm thường không mấy sâu sắc.
Tôi không cho nhà văn Hồ Đình Nghiêm là nhà văn chuyên nghiệp mà là nhà văn tâm lý học. Theo ý nghĩ chủ quan người đọc truyện tợ như người thưởng ngoạn không phải đơn thuần đọc truyện mà coi đó như một sự tiếp thu nghệ thuật thẩm mỹ, tự thân phải tiếp nhận nó vào với tác phẩm để tìm hiểu tính nội tại trong truyện có sống thực hay hư cấu một cách đặt điều tự dưng. Nói rộng ra đọc truyện của Hồ Đình Nghiêm là một dấn thân cùng tác giả, để tham dự, để vạch trần trắng đen trong xã hội. Cái tình trong truyện của họ Hồ là một tổng thể của hỉ nộ ái ố, cái đắm đuối ngông cuồng, cái lỡ dại trong nhân vật là một chứng cứ trung thực khi viết thành văn.
Hồ Đình Nghiêm sống và lớn lên ở Huế tất hiểu rõ ý nghĩa của Huế. Văn sĩ họ Hồ sử dụng giọng Huế rất mực duyên dáng và đúng chỗ, đúng ngữ điệu khác với những thi văn nhân gốc Huế. Hồ Đình Nghiêm không dựa vào ngữ ngôn đó mà 'nhai lại' người đã 'phá lẫu' ngữ ngôn Huế. Thí dụ: ‘xuống đò' không có nghĩa đơn thuần mà xuống đò là đi hái hoa. Hồ Đình Nghiêm điêu luyện ngón này một cách siêu thoát hơn. những người Huế khác, như tôi. Kỳ thực đó là hành động siêu thực, một siêu thực trong lý tính và coi đó là bản chất của nghệ thuật viết lách. Không phải nói phét! Viết văn là một thứ nghệ thuật khác, một thứ nghệ thuật không phải biểu hiện mà chính yếu là phát hiện cái tự-ngã của mình trong nhân vật và mặt trái của lịch sử để lại. Cho nên chi Hồ Đình Nghiêm biết chọn con chữ cũng như biết chọn màu sáng tối để lên tranh, ấy là điều không lạ cho nhà văn họ Hồ, là vì, khi còn ở ghế nhà trường cũng như còn ‘ở đậu' với cha mẹ và ăn ké nơi anh chị, lớn lên quyết chọn con đường hội họa để hòa màu cho thích hợp với khung cảnh và cho chính mình.
Kết quả đó đưa Hồ Đình Nghiêm viết văn trung thực và hiện sinh trong những tác phẩm và sau là một chứng cớ. Hồ văn sĩ viết những gì đã thấy và nghe là tả thực không e lệ, không đỏm dáng. Hồ Đình Nghiêm nghĩ rằng (theo ý tôi): ‘đưa nghệ thuật viết văn như là một nhận thức sâu sắc, độc đáo để cho độc giả thấy ở chính mình cái tốt và cái xấu để ‘sửa sai' để làm tốt cho một xã hội đang sống và một tấm lòng độ lượng' [rút ý trong ‘Beyond Good and Evil của F. Nietzsche]. Cái sự đó gọi là nhận thức, một thứ nhận thức truyền đạt đồng nghĩa với cái lý tồn lưu, tồn lại là xác định cố hữu cho cái lý, nghĩa là không tồn lùi, là vì, tồn lùi hay tồn lui tức tồn loạt là thứ văn chương loại bỏ không được kiểm kê và coi đó là thứ văn chương hủ hóa. Bởi, con người đang đổi diện với thực thể trong mọi lúc, mọi thời là vì nghệ thuật sống thực và coi đó là vùng đất hoạt động cho chính nghĩa, cho tự do.
Thêm vào đây một nhận xét khác Hồ Đình Nghiêm biết vận dụng ngôn ngữ một cách táo bạo, biết xoay xở ngôn ngữ làm sao cho thích hợp với không gian và thời gian, thích hợp từng đối tượng, một bày tỏ chính xác qua cái đẹp của từng nhân vật trong truyện, đẹp cả nam lẫn nữ hay nói đúng hơn là một thứ mặc khải của ngôn ngữ vây quanh trong một ẩn ngữ. Trong ý nghĩa này là một vận dụng trí tuệ để cho câu chuyện trở nên huyền bí và càng huyền bí càng cam go; cái đó gọi là viết khéo của nhà văn, trong ngữ ngôn văn chương là một diễn tả khác của đau đớn, của thương mong. Thành ra viết văn là một tổng thể của con người và cuộc đời... Hồ Đình Nghiêm dấn thân vào đời quá sớm, thu nhận những gì của ‘biển dâu', thu nhận những gì mật đắng, gừng cay giữa cái thời nhá nhem của một hòa bình trở lại, Hồ văn sĩ chạm trán đời như một thách đố và chấp nhận đời để vượt thoát ra khỏi những bức xúc vây quanh. Chính yếu tính đó làm rạn nứt tâm hồn, đối đầu trước mọi tình huống trước khi cầm bút viết thành lời (văn). Âu đó cũng là phương cách thoát tục, một giải tồn khác, biến đau thương ra tình yêu ngay cả trong truyện, truyện hàm chứa một bí ẩn khác của tác giả, Hồ Đình Nghiêm viết như bộc bạch ở chính mình không ai biết; nhưng đời có con mắt thiên nhãn là vì trong văn tức là người. Điều mà người ta không thể che giấu mà nghi ngờ, bởi; ‘de omnibus dubitandum / all is to be doubted’ (R. Descartes). Thực tế là vậy!
Hồ Đình Nghiêm hình như có một ám ảnh nội tại muốn buông thả để quên. Nhưng không! Nỗi ám ảnh đó khác chi Norman Bates trong Physical của A. Hitchcock, buông thả kể cả con ruồi xanh đang rình rập trên cánh tay, nỗi đau xót đó chính là ám ảnh nội tại để rồi biến mình trong lãnh cảm/depression. Hồ Đình Nghiêm đứng lên để sống, sống với đời là hiện hữu tại thế, lấy cái ngã để đương đầu với định mệnh không thể buông xuôi mà nhận như một sự thật không nói nên lời chỉ lấy văn chương mà huych toẹt cho chính mình. Cho nên người đọc phải nhận ra điều này mà cảm thông cho tác giả; bởi vậy, Hồ Đình Nghiêm viết nhiều truyện tình mà trong mỗi truyện đều ẩn chứa cái gì không nói được, mặc dù; bản thân tác giả cũng có nhiều người thương cảm để biến thành 'thương thiệt', là cái sự quay về trong tâm hồn nhà văn.
Có người đã nói: 'văn thi nhân như cái máy bắt chụp lấy tương lai'. Bởi, trong cái tuyệt vọng nào đó cái sự quay về như vỗ về an ủi phận số mà ta bắt gặp những lời tha thiết ấy trong truyện ngắn “trán lửa' [in ở TTTVHN năm 2000] không còn thấy sự bi thiết ở đó, chỉ biết tâm sự của họ Hồ nói lên cái bị thiết hùng tráng đó mà thôi. Thành ra trong những tập truyện của Hồ Đình Nghiêm là đi tìm ý nghĩa cuộc đời mà tình yêu là cái khâu ‘bi thiết/tragedy' của con người. Giữa tình yêu trân quý và tình yêu tuyệt vọng không khác gì nhau. Là vì, dứt tình thì dễ nhưng dứt lý tưởng không phải dễ; trong tuyệt từ tư tưởng là nỗi đau không dứt. Trạng thái tâm lý đó không riêng Hồ Đình Nghiêm mà hầu hết chúng ta đã có, là tiếng nói ‘giúp' cho chúng ta thấy được, nghe được và hiểu được. Tác phẩm có hiệu lực nhờ nói lên được cái tâm lý thường tình và tạo vào đó một cảm tính đầy hư ảo. Đó là hiện tượng thẩm mỹ trầm tư trong truyện của Hồ Đình Nghiêm chất chứa một thế giới hiện thực, vừa siêu hình vừa hiện sinh nó đan kết như ta đang đứng giữa mơ và thực, giữa thực và ảo; nhưng, để rồi tất cả là hiện thực của cuộc đời đang sống.
Văn của Hồ tiên sinh bình dị rõ nét không có chi là mỹ ngữ hay sơn son thếp vàng, nó bình dị và hồn nhiên; nhưng, trong đó dàn trải một cái gì thẩm mỹ kinh nghiệm. Đó là mặt thật của một nhà văn, một sự thật siêu lý, một cái gì vô cùng, viết được như vậy là đương đại (khác những gì mà xưa nay đã làm).
Ngôn ngữ của văn chương là ngôn ngữ của cơ thể (body language) vì cơ thể là huyết mạch nuôi dưỡng tri giác, là chủ thể của thân xác một cấu tạo khác của trí tuệ, một trí tuệ sáng tạo. Hồ văn sĩ hướng tới chân tướng đó, có thể bây giờ chưa nhận ra, văn sĩ phải chờ thêm vài chục năm nữa may ra nhận thức sáng tỏ qua từng đối tượng. Nghệ thuật biểu lộ là phơi bày chân tướng của nhân vật, nhân vật đó tiềm tàng trong tư duy, bộc phát là do cơ hội diễn tả có tính ngôn ngữ. Tại sao có tính ngôn ngữ? - Bản thân ngôn ngữ là sáng tạo là khai phóng, một biến hóa kỳ diệu trong ngữ ngôn văn chương của Hồ Đình Nghiêm. Nó thẩm thấu trong mỗi tạng thức con người. Hồ Đình Nghiêm đương đại là ở chỗ đó. Cho nên những chủ đề truyện của họ Hồ vô cùng đắc địa cho một hiện tượng rã rời, tàn tạ là nói lên cái thế giới vật chất mà con người đang ngự trị, chỉ còn lại ở đó một ngữ ngôn đích thực và chính xác, chính xác của thời thượng chớ không chính xác của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Có nghĩa rằng chúng ta không từ chối mà chúng ta nhận nó như một sự cố khác với cái nhận hiện thực. Giữa cũ và mới có cái đặc thù của nó nhưng với chúng ta hôm nay phải là mới và sáng tỏ; có nghĩa rằng: hôn trúng chỗ hôn, hôn sao cho cảm khoái khác với cái hôn ngày xưa là hôn lấy lệ, hôn gió là cái hôn không hiện thực giữa đời. Phải thừa nhận Hồ Đình Nghiêm trung thực giữa những cảnh trí đó, là vì Hồ văn sĩ tiếp cận với thế kỷ XXI là một thế giới đi từ siêu tưởng đến hiện thực, giữa ảo mà thực là hiện tượng kinh nghiệm, hiện tượng dung thông để trở nên thực ở chính mình và thực với người đọc; thời tất đó là nguyên lý của ngữ ngôn, một ngữ ngôn thông thường nhưng mới lạ. Hồ Đình Nghiêm đạt được tiêu chuẩn đó và hiểu được để hành văn mới trở thành một thứ ngữ ngôn văn xuôi hiện đại.
Chúng ta có đề cập ngữ ngôn trong văn chương; là bởi, bản thân ngôn ngữ là sáng tạo là khai phóng và một biến hóa thần kỳ trong văn chương của Hồ Đình Nghiêm. Nói chung là con đường đi tới ngữ ngôn / The way to Language. Trước đây Heidegger đã để lại trên dặm trường của ngữ ngôn: Nếu hiện hữu, thời gian và sự thật cấu thành phương châm hay ngụ ngôn là biểu trưng cho ông thì điều ấy dẫu sao sự thật có những gì, bất cứ là gì khác đi nữa có thể chúng chỉ là con chữ - Early and late; Heidegger remained on the trail of language. If being, time and truth constitute the motto on his escutcheon, it is nonetheless true that these things; whatever else they may be, are words. [trích trong Basic Writings của M. Heidegger]. Hồ Đình Nghiêm mong muốn tương tự như vậy chớ không mong là thứ văn chương trích dẫn mà tự thân nó là con chữ diễn đạt mà thôi.
Heidegger và Hồ văn sĩ không bao giờ đánh mất dấu hiệu của sự kiện mà coi đó là chủ đề ngôn ngữ / thematic language, tuy nhiên trong mọi tình huống là một lý lẽ của vấn đề ngôn ngữ là đường lối của ngữ ngôn là một định hướng thích nghi có từ lời nói hơn là viết thành lời - “The way to language” to takes its orientation from the spoken rather than the written word. Hồ Đình Nghiêm dùng 'ngôn ngữ nói/language speaks’ là một diễn tả khác của 'ngữ ngôn nói/language saying’; tuy rằng nói nhưng trong nói của mỗi đoạn văn lại hàm chứa nghĩa khác, đó là cách vận dụng con chữ một cái gì đơn thuần tợ như ở đó có tiếng vang / as simple as that sounds. Ngôn ngữ là một sự bày tỏ khéo léo đến với mọi người và mọi sự vật trong thế giới nhất là thế giới văn chương, bày tỏ cái chủ đích trình diễn qua ngữ ngôn là điều rất cần thiết khi diễn tả nội giới và ngoại giới của nhân vật.
Đọc truyện của Hồ Đình Nghiêm thông thoát không thấy gì ở đó là ngạt thở hay bức xúc mà đưa vào đó một không khí điều hòa giữa người viết và người đọc. Trong bài đọc này tôi không cần phải dẫn chứng những gì tôi đã đưa ra mà tự thân nó đã nói lên cái chiều sâu mà Hồ văn sĩ đã bộc bạch qua những truyện khác nhau nhưng cùng chung một ý hướng, một ý thức tìm thấy ánh sáng trong bóng tối. Văn của Hồ Đình Nghiêm thoáng nhìn như vô sự nhưng có một sự ẩn chứa siêu hình, một thứ siêu hình hiện sinh rất ít khi có ở những người viết khác, kể cả xưa cho tới nay. Cùng thời gian đó có nhiều tác giả viết truyện và in thành sách, nhưng không tìm thấy cái lạ lẫm trong truyện của nhiều người viết già, trẻ đều có nhưng khác với Hồ Đình Nghiêm là tự tìm thấy cái đặc thù trong truyện hơn là cái ngạc nhiên thường tình. Nói chung trong mọi ngôn ngữ nhất là ngữ ngôn văn chương cần có cái ‘ma thuật' của nó mới thành văn một thứ hành văn độc đáo và mới lạ.
Lời cuối dành cho nhận định về Hồ văn sĩ; chẳng phải là chi, chẳng có chi mà nhận thấy ở đó một lối viết lạ lẫm và dị biệt. Hồ Đình Nghiêm có rất nhiều truyện ngắn, khởi từ năm 2000 cho đến nay trên kệ sách hay các hiệu sách hay trên các báo chí và báo mạng trong và ngoài nước. Hãy tìm đọc để nhận ra những điều mới lạ và độc đáo trong văn chương viết của Hồ Đình Nghiêm.
Võ Công Liêm
18/6/2023