Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo.
Còn niềm vui nào hơn!
Nhớ lại hồi cuối năm 2011 khi về Việt Nam thăm gia đình, anh Trần Hoài Thư nhắn tôi đến thăm anh Nguyên Minh và mua ủng hộ Quán Văn khi ấy tên tuổi hãy còn mới toanh vì vừa mới chào đời. Anh Nguyên Minh vui vẻ giải thích cho tôi hiểu vì sao anh đánh số từng kỳ với ba con số (001) chứ không phải chỉ vẻn vẹn một con số duy nhất như các tạp chí trước đây: “Anh mong Quán Văn sẽ sống đến 3 con số, nghĩa là ít nhất phải ra đến số 100, chứ không vắn số như Ý Thức hồi xưa.”
Nói đến tờ “Ý Thức” thì tôi không xa lạ. Vì ngay từ năm 1972, khi làm bạn với Thanh Yên, tôi đã thường nghe Yên nhắc đến: “Anh Ngạn (nhà thơ Hồ Thanh Ngạn, anh của Yên) cùng các bạn làm báo Ý Thức. Nhà Yên là nơi mấy anh đến họp, thảo luận về tờ báo...” Mãi đến sau này khi quen với anh Nguyên Minh tôi mới được biết chính tại căn nhà này, sau khi cùng chị T. lấy số báo Ý Thức đầu tiên từ nhà in ra về, trời mưa, xe đang đi ngon trớn bỗng bị chết máy, anh Nguyên Minh đã bỏ chị T. lại dọc đường cùng với chiếc xe đình công bất tử đó. Ôm chặt gói báo trong tay, anh gọi tắc-xi đến nhà Thanh Yên dưới chân cầu Phan Thanh Giản nơi các anh chị khác đang chờ... Sau đó nhà viết kịch Lữ Kiều (Bác sĩ Thân Trọng Minh) được nhờ đi đón. Hỏi anh Nguyên Minh bất cứ điều gì về tờ báo, từ font chữ, màu bìa, v.v... anh đều nói vanh vách, nhưng không thể nhớ nổi nàng tóc uốn hay tóc thề hoặc màu áo người yêu mặc hôm ấy để anh “Minh lớn” dễ nhận dạng tìm người!!! Trên đời này, có lẽ anh là người duy nhất đặc biệt như vậy. Bởi thế nên chị T. mới buồn, mới chia tay anh đi lấy chồng. Để anh mãi cắn rứt, thương tưởng suốt đời và khóc mùi mỗi khi nghe bài hát “Anh còn nợ em”. Như lời Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Thân Trọng Minh có lần “chẩn bệnh” cho anh: “Quả tim có bốn ngăn. Ngăn thứ nhất ông dành cho cha mẹ. Ngăn thứ hai ông dành cho vợ con. Ngăn thứ ba cho tình yêu mà T. đã chiếm hết chỗ. Ngăn thứ tư là của bạn bè”...
Hành trình của tạp chí Ý Thức đã được anh Nguyên Minh ghi lại trong bài viết “Một Thời Ý Thức”. Tiền thân của nó là tờ Gió Mai có từ 1957 khi các anh Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Hoài Linh, Thùy Linh (Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ), Hồ Thủy Giũ, Nguyên Thạnh (Nguyễn Mậu Hưng), Thiên Nhất Phương (Châu Văn Thuận), Nguyên Minh, Hồ Thanh Ngạn… còn đang học Quốc Học. “Hàng tháng ra một số báo, bài vở tác giả tự viết tay, tập trung lại đóng thành một tập duy nhất, rồi chuyền tay nhau mà đọc. Thỉnh thoảng ra một vài tập thơ của từng tác giả như U Hoài thơ của Lữ Kiều, Thác Loạn của Lữ Quỳnh, Những Người Cùng Đi tuyển tập thơ của nhiều tác giả. Tuyển tập thơ văn Gió Mai, in ronéo.” [1] Xong bậc trung học, các anh tản mát theo đuổi hướng lựa chọn cho tương lai sự nghiệp riêng. “Từ đó Gió Mai không ra báo thường xuyên. Tại Quy Nhơn, Thùy Linh, Nguyên Minh, Hồ Thủy Giũ, cùng bài vở của anh em trong nhóm từ xa gởi về làm một số Gió Mai tha hương...” [1]
“Năm 1967, tại Phan Rang, khi Ngy Hữu và Nguyên Minh về dạy học tại đó, tập họp bài vở anh em trong nhóm ở xa làm một số Xuân Gió Mai, in ronéo, khổ 21 x 30. Đến năm 1969, Gió Mai mở rộng và đổi tên là Ý Thức, hai tháng ra một số báo, in ronéo. Lúc này, nhóm chủ trương có thêm Trần Hữu Lục, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc)... Báo ra được 6 số thì dọn vào Sài Gòn, ra chính thức Bán nguyệt san văn học nghệ thuật, in typô rồi đến offset, phát hành rộng rãi. Tòa soạn đặt tại 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Nhóm chủ trương có thêm Ngụy Ngữ, Trần Hoài Thư... Báo ra 24 số thì tạm đình bản. Đầu năm 1974, Ý Thức ra bộ mới dưới hình thức Bản thảo do Lữ Kiều làm chủ biên, lúc bấy giờ nhóm chủ trương có thêm Hoàng Khởi Phong, Lê Văn Ngăn. Đến năm 1975, Ý Thức Bản thảo số 2 chưa kịp phát hành.” [1]
Như thế, nếu không kể tiền thân Gió Mai, và số báo chưa kịp phát hành, Ý Thức chỉ góp mặt vỏn vẹn 25 số...
Anh Nguyên Minh tâm sự:
Thời trẻ tôi làm Ý Thức.
Về già tôi làm Quán Văn.
Bây giờ. Bốn phương. Tám hướng. Bạn cũ. Bạn mới. Giới già. Giới trẻ. Đã thành danh. Chưa thành danh.
Cùng nhau ngồi chung một chiếu. Văn chương. Nghệ thuật. Chữ nghĩa trong sáng. Nhân bản. Hồn nhiên. [1]
Thật đúng như vậy. Từ năm 2011 đến nay 2023 là 12 năm, tròn một giáp, anh đã ra được 100 số báo. Như vậy tính trung bình hơn một tháng thì có một số Quán Văn chào đời, với tiêu chí Sáng tác – Tư liệu – Nghiên cứu văn học, góp mặt người viết từ khắp mọi nơi trên thế giới. Mặt khác, Quán Văn không chỉ giới thiệu những tác giả sinh sống trong nước như Trương Thìn, Lữ Kiều, Đỗ Hồng Ngọc, Chu Trầm Nguyên Minh, Khuất Đẩu, Nguyễn Lệ Uyên, Lê Ký Thương, Nguyễn Dương Quang, Đoàn Văn Khánh... mà còn với người đang ở “biển ngoài”: Lữ Quỳnh, Phạm Cao Hoàng, Kiệt Tấn, Nguyễn Minh Nữu, Trương Vũ, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trần Hoài Thư, Nguyễn Thụy Đan, Nguyễn Thành Châu...
Ngoài ra, Quán Văn còn tổ chức những chuyến đi chơi xa từ Nam chí Bắc, thậm chí sang cả Pháp, Hoa Kỳ để các bạn văn có dịp cùng gặp gỡ, sinh hoạt chung với nhau và có thêm kiến thức về các vùng miền trên đất nước lẫn hải ngoại cho sáng tác... Quán Văn đã như một mái nhà ấm áp, thân tình quy tụ các bạn yêu văn chương nghệ thuật cùng đến với nhau, không phân biệt chiếu trên, chiếu dưới, cũ hay mới, lớn hay nhỏ, v.v... 100 số báo, với biết bao kỷ niệm. Bên anh Nguyên Minh còn có những cộng sự rất đắc lực, năng nổ phụ giúp, như nhà thơ Đoàn Văn Khánh, họa sĩ Nguyễn Sông Ba, nhà phê bình Hoàng Kim Oanh...
Tạp chí Ngôn Ngữ giới thiệu nhà văn Nguyên Minh
Bên cạnh làm báo Quán Văn, anh Nguyên Minh vẫn tiếp tục theo đuổi việc sáng tác, trong khi đa phần các anh từ thời Gió Mai, Ý Thức vì lý do này khác đã gác bút. Đây là một điểm son của anh. Nên vừa qua tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ số 26 phát hành ngày 1-7-2023 tại Hoa Kỳ dành giới thiệu nhà văn Nguyên Minh như một vinh danh cho người suốt đời chung thủy với văn chương. Tôi giúp sửa morasse số báo này nên đã hơn một lần được đọc lại một số sáng tác của anh. Những truyện ngắn của anh, bằng lối viết dung dị, trong sáng, rất lôi cuốn khiến độc giả khó bỏ sách xuống khi đọc chưa xong, thoạt xem qua như những câu chuyện kể đời thường nhưng thật sự tự nó đã hàm chứa những ý nghĩa rất sâu sắc, nhân bản mà anh khéo léo lồng trong đó. Tôi đã chảy nước mắt thương ông Tàu già Quán Siu Siu, bao nhiêu năm gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng bằng sự siêng năng cần mẫn bỗng chốc tan tành như mây khói, vợ con chết mất xác trên đại dương (do gia đình ông không chấp nhận hồi hương về Trung Hoa đại lục mà vượt biên hướng về Đài Loan, chiếc tàu nhỏ đâm vào đá ngầm tan nát). Không hiểu sao ông lại trở về được nơi này. Nhìn ngôi nhà sang trọng cũ nay đã thay ngôi đổi chủ sau chiến dịch giải tỏa người Hoa nằm trong diện “tư sản mại bản”, những kỷ niệm cũ tràn về. “Ông đã thành một người ngớ ngẩn. Hằng ngày ông lẩn quẩn quanh khu chợ An Đông, và trở thành kẻ ăn mày trên chính mảnh đất đã làm ông thành ‘tư sản mại bản’ ” [2]. Cuối cùng ông Siu Siu cũng “chết tức tưởi trong một đêm mưa dầm. Xác của ông từ con kênh bến Chương Dương trôi giạt vào bờ. Trên đầu có vết bầm rướm máu...” [2]
“Có một thời như thế” là câu chuyện kể về thời kỳ đầu sau khi dứt chiến tranh, người thím đã lấy những tảng đá xanh bia mộ của những tử sĩ VNCH úp ngược lót làm chuồng nuôi heo trong thành phố với thực phẩm cho heo ăn là cám trộn với những xác thai nhi bị người mẹ nạo bỏ bằm nhỏ. Làm rượu bổ ngâm bằng nhau người. Và làm thuốc tây giả bằng cách trộn vào đó nửa bột mì... Nói chung vì cuộc sống, thím chẳng từ nan một việc gì miễn kiếm được nhiều tiền. Nhưng “ác giả ác báo”, “những con heo lăn đùng giãy chết trước ngày xuất chuồng, hôi thối như mùi xác người chết đã thối rữa. Bán không ai dám mua, cho không ai dám nhận.” [3] Những chủ nhân của chúng cũng gặp tai họa thảm khốc. Và người thím này về sau đã bị hành xác đớn đau với bệnh ung thư tử cung, đã khóc trước khi trút hơi thở cuối cùng, tiếng khóc như tiếng mèo gào.
Đặc biệt truyện “Ám ảnh một lời nguyện” nói về một đứa bé trai con một sĩ quan Võ Bị đã mất trong trại cải tạo năm 1976, được mẹ cho vượt biên hầu tìm một tương lai sáng sủa hơn. Chẳng may khi lênh đênh trên biển cả, tàu bị mất phương hướng, hết cả nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm, sức lực thuyền nhân cũng cạn kiệt chỉ còn chờ cái chết. Đúng lúc đó thì hải tặc xuất hiện. Cậu bé nhớ lời Mẹ dặn nên nắm chặt tượng Phật Bà Quan Âm trong tay và nguyện cầu. “Chỉ trong tích tắc. Không hiểu sao Huy hét lên một tiếng kêu ghê rợn. Bọn hải tặc lao nhao nhảy qua tàu chuồn mất. Chính khoảnh khắc đó người đàn bà từ đâu đến nhập vào hồn Huy. Chính bà ấy đưa tiếng hét thất thanh của Huy bay xa làm cho một chiếc tàu lớn đang di chuyển ngoài khơi tìm đến cứu nạn.” [4] Người đàn bà đó được suy đoán là Mẹ Âu Cơ đã ôm chặt và vỗ về Huy. “Trước khi bà biến mất, bên tai Huy vẫn văng vẳng tiếng nói trách móc đến một ai đó: Sao ông để con cháu mình bị đày đọa thảm khốc như thế này? Giận chồng nhưng ta phải cứu con cháu mình.” [4] Đã 40 năm trôi qua, đứa bé trai bây giờ là người đàn ông 50 tuổi, một bác sĩ về tim mạch nổi tiếng trong một đất nước giàu mạnh nhất thế giới, bỗng dưng bán hết gia tài, nhà cửa để trở về quê cha đất tổ dù người Mẹ không muốn. Thì ra, ngày xưa chàng đã có lời nguyện với bà Âu Cơ (hay cũng là Mẹ Việt Nam?). Tác giả kết luận:
“Chính sự trở về quê cha đất tổ của Huy đã làm tôi thay đổi lối nhìn về một truyền thuyết mà từ thuở ấu thơ đến tuổi xế chiều vẫn làm tôi ray rứt. Cái chia tay mỗi người mỗi ngả, dắt thêm đàn con 50 người. Lạc Long Quân xuống biển. Âu Cơ lên rừng. Vợ chồng chia lìa. Anh em 100 người chia đôi, quên bẵng mình cùng một bọc trăm trứng sinh ra.
... Bấy giờ tôi giật mình mới khám phá ra hình như người viết sử ngày xưa đã bỏ mất đoạn kết về truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Chỉ sau một thời gian cả hai người đều dắt đàn con về trên thảo nguyên. Trăm đứa con ôm nhau sau bao năm xa cách. Chiến tranh không bao giờ trở lại.” [4]
Truyện này làm tôi liên tưởng đến bài thơ Tâm Sự Lạc Long Quân của Đỗ Nghê sáng tác từ năm 1965:
Những vết ô nhục trong lịch sử chúng ta
Các con đều đã rõ
(…) Đã cùng sinh ra trong một bọc
Thì hãy nghe ta
Đốt hết sách vở, xé hết cờ xí đi
Rồi đứng ôm nhau mà khóc
Nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
Nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất...
Tiếng nói của yêu thương, nhân bản trong văn Nguyên Minh xuyên suốt với mộng văn chương mà anh đeo đuổi. Xin được chúc mừng anh. Cùng Quán Văn kỷ niệm 100 số báo ra mắt, kính chúc anh Nguyên Minh và các bạn văn luôn vui, khỏe, chân cứng đá mềm để tiếp tục vượt qua được chặng đường khó khăn trước mặt./.
Trần Thị Nguyệt Mai
14-7-2023
Tham khảo:
[1] Nguyên Minh – Một Thời Ý Thức (tạp chí Ngôn Ngữ số 26, trang 29 – 35)
[2] Nguyên Minh – Quán Siu Siu (tạp chí Ngôn Ngữ số 26, trang 11 – 16)
[3] Nguyên Minh – Có một thời như thế (tạp chí Ngôn Ngữ số 26, trang 51 – 62)
[4] Nguyên Minh – Ám ảnh một lời nguyện (tạp chí Ngôn Ngữ số 26, trang 36 – 42)