29-12-2013 | VĂN HỌC

Phan Nhự Thức và Tạp Chí Trước Mặt

  KHẮC MINH


     Nhà thơ Phan Nhự Thức
(1942 - 1996)

Khoảng năm 1958, Phan Nhự Thức từ Đà Nẵng theo gia đình vào Quảng Ngãi. Anh chuyển trường và học tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Anh chủ động đến thăm tôi, từ đó chúng tôi trở thành bạn bè văn nghệ của nhau. Phan Nhự Thức ấp ủ nhiều mơ ước, tính tình cởi mở, hết mình vì bạn bè, thông minh và đa tài: viết vẽ đẹp, làm thơ hay. Hồi đó, tôi có chiếc xe gắn máy cũ của Pháp thường đưa anh đi chơi, giới thiệu một số thắng cảnh như Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn… Tôi đưa anh đến giới thiệu với tác giả Non nước xứ Quảng – Phạm Trung Việt, nhà thơ Trào Phúng ở Cửa Đông. Tôi hơn Phan Nhự Thức khoảng 3 tuổi song anh em chơi rất thân như anh em ruột. Khu vườn nhà tôi nằm ven thị xã, rộng có nhiều cây lâu niên, vừa đẹp vừa thoáng mát nên anh em thường tổ chức họp mặt đọc thơ, tán gẫu. Có lần Phan Nhự Thức ngẫu hứng đọc hai câu thơ trong bài Tình buồn:


Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận

Nón nghiêng che nên chẳng thấy tôi buồn


Cả bọn đều cười ồ lên. Từ đó, anh mới chịu khai cuộc tình đơn phương của mình. Nhà anh nằm bên Quốc lộ 1 phía trong cầu Trà Khúc. Người đẹp nữ sinh ngày bốn bận đi qua nhà anh nhưng rất nghiêm (hay cố ý làm nghiêm?) anh rất thích làm quen nhưng e ngại không dám. Người đẹp nữ sinh của anh nghe nói sau nầy cũng làm phát thanh viên cho Đài Phát thanh Quảng Ngãi và đi lấy chồng.


Phan Nhự Thức tiếp tục học ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, đậu tú tài và tốt nghiệp sĩ quan khóa 23 Trường Sĩ quan Thủ Đức. Năm 1968, anh về phục vụ tại Tiểu khu Quảng Ngãi rồi ra ứng cử Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi. Hồi này, tôi đang công tác tại khối Chiến tranh Chính trị Tiểu khu Quảng Ngãi (Nhà thơ Nam Lai (1) làm Trưởng khối). Tôi được phân công dạy một số giờ văn tại Trường Lê Trung Đình trên núi Long đầu hý thủy. Trường nầy thuộc Tiểu khu do anh Nguyễn Sang làm hiệu trưởng, tôi còn nhớ có nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích được mời dạy. Bản chất rất đam mê văn nghệ, thích sinh hoạt ngành báo chí, Phan Nhự Thức đứng ra mời một số nhà thơ, nhà văn là quân nhân, giáo chức có mặt tại Quảng Ngãi chung tay góp sức hình thành tạp chí Trước mặt. Tôi được nhà thơ Nam Lai đồng ý vừa dạy học vừa tham gia làm báo. Bản thân ông cũng giữ mục bình thơ Đường trên tạp chí. Sau một cuộc họp, cái tên “Trước mặt” ra đời từ đó.


Để Trước mặt sớm trình làng, những cuộc họp được liên tục tổ chức tại khu nhà trọ Trùng Khánh tại 43 Phan Bội Châu cũ, nay là Đại lộ Hùng Vương để phân công việc. Thực sự phân công chỉ là cái hướng chung, tất cả anh em vì tờ báo đều chung tay góp sức để tạp chí sớm hình thành.


Sau gần nửa thế kỷ, bằng ký ức, tôi ghi lại những người góp một chút gì cho 17 số Trước mặt trong một thời gian ngắn ngủi từ năm 1968 đến 1969:


- Phan Nhự Thức chủ biên chịu trách nhiệm tổng quát kể cả phép tắc và tài chính

- Dịch: Nam Lai, Nguyễn Nguyên Phương.

- Văn: Vương Thanh, Lê Văn Nghĩa, Trần Cao Bằng.

- Biên khảo: Phạm Trung Việt, Đào Đức Nhuận.

- Thơ: Minh Đường, Vũ Hồ, Trần Thuật Ngữ, Lê Vinh Ninh, Trần Anh Lan, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Xuân Thao, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Đynh Hoàng Sa, Triệu Duy Gia.

- Họa: Nghiêu Đề, Phạm Cung, Hoàng Trọng Bân.


Tạp chí Trước mặt ra mắt bạn đọc tháng 5 năm 1968, khổ lớn như tờ Khởi Hành trước 1975, sau đó đổi thành khổ nhỏ như Văn Học của nhà văn Phan Kim Thịnh làm chủ bút tại Sài Gòn. Sau ngày phát hành, một số bạn bè quen thân đã gửi thư về động viên, góp ý hoặc trực tiếp ủng hộ bằng cách gửi bài về cộng tác như nhà văn Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt…, nhà thơ Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Lê Vĩnh Thọ


Tôi và Nghiêu Đề cùng đảm trách công việc từ in ấn, phát hành đến chuẩn bị cho các số kế tiếp. Mỗi số phát hành khoảng 500 bản. Chúng tôi tự gửi đến một số bạn bè ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn nhờ phân phối cho các đại lý.


Tháng 12 năm 1969, Trước Mặt dừng bước vì thiếu nguồn tài trợ. Sau đó, Phan Nhự Thức vận động ra được tạp chí Tập Họp nhưng chỉ được một số cũng đành phải đóng cửa vì không đủ tài chính.


Năm 1969, anh em văn nghệ, bạn bè khuyến khích ủng hộ, Phan Nhự Thức in tập thơ Đốt Tuổi – tập thơ đầu tay của anh do Nhà xuất bản Ngưỡng cửa, Đà Nẵng ấn hành.

Trên Trước mặt số 16, tháng 10 năm 1969, tác giả Nguyễn Thanh Đông đã giới thiệu tập thơ Đốt Tuổi của Phan Nhự Thức:


“Hầu hết 36 bài thơ in trong Đốt tuổi đều mang hình ảnh, tiếng động và màu sắc của một cuộc vây quanh đang chuyển biến đến đau thương tàn nhẫn. Phan Nhự Thức đã không ngừng mô tả thực trạng của mình đang dấn thân. Nếu xem một trong những khả năng thi ca là trao gởi thì Phan Nhự Thức đã khéo léo hoàn thành khả năng đó cho ngôn ngữ mình sử dụng…”


Để khép lại trang viết nhớ gì viết nấy này, cho phép tôi được thắp lại một nén hương để tưởng nhớ người bạn thân đáng quí trọng và xin cùng nhớ đến điếu văn tang lễ Phan Nhự Thức của nhà văn Cung Tích Biền do nhà thơ Hà Nguyên Thạch đọc cách đây hơn 13 năm (ngày 23 tháng 01 năm 1996) tại Bình Chánh, Sài Gòn:


Sống tuy quẩn mà lòng thanh sạch, nơi lao lung vẫn giữ gìn chữ sĩ. Chúng ta nào có nhục?

Vui với thơ anh nghèo hơn bần cố, rách tận cùng mà trọn vẹn thủy chung. Kẻ giàu mấy khi vinh?

Posted on 26.09.2009 by khacminh

Khắc Minh

(khacminh.wordpress.com)

(1) Nam Lai, bút hiệu của Trung tá Đặng Diệu, nguyên Trưởng khối Chiến tranh Chính trị, rồi Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị Tiểu khu Quảng Ngãi, anh ruột nhà văn Đặng Tiến.