Nhà văn Trần Hoài Thư
đang ngồi khâu Di Sản văn chương
Hôm nay tạp chí TQBT vừa tròn 15 tuổi với 71 số báo chỉ để dành tặng, không bán, không nhận quảng cáo mà số gần đây nhất, số 71 phát hành trong tháng 8/2016 dày đến 256 trang. Xin thành thật chia vui với Anh Chị Trần Hoài Thư, Anh Phạm Văn Nhàn, những người chủ trương cùng những thân hữu đã đóng góp công sức cho tờ báo.
71 số báo với 71 chủ đề như anh THT đã giới thiệu trên blog của anh:
Số 1-17: Tuyển tập thơ văn
Số 18: Y Uyên + Tuyển truyện Y Uyên
SỐ 19: Nguyễn Nghiệp Nhượng + tập truyện NNN
Số 20: Nguyễn Bắc Sơn + thơ NBS (Chiến tranh VN và tôi)
Số 21: Võ Hồng
Số 22: Viết trong khói lửa
Số 23: Vũ Hữu Định + thơ VHĐ toàn tập
Số 24: Hoài Khanh + 4 tập thơ HK
Số 25: Văn thơ xứ Quảng
Số 26: Nguyễn Nho Sa mạc + Vàng Lạnh (thơ NNSM)
Số 27: Phan Nhự Thức + Đốt Tuổi (tái bản thơ PNT)
Số 28: Tuyển tập thơ văn mùa hạ
Số 29: Từ Thế Mộng + thơ TTM (Lẽo Đẽo Một Phương Quì)
SỐ 30: 3 tác giả (Trần Huiền Ân, Mang Viên Long & Cao Thoại Châu)
Số 31: 3 người viết
Số 32: Trần Dzạ Lữ
Số 33: Tạp chí Ý Thức
Số 34: Lê văn Trung + thơ LVT (Bi Khúc)
SỐ 35: Trường xưa
SỐ 36: Khuất Đẩu + 3 tác phẩm của KĐ
Số 37: Thư từ Tuy Hòa
Số 38: Hơi thở đồng bằng
Số 39: Tạp chí Trước Mặt
Số 40: Những mùa Giáng sinh khó quên
Số 41: Tuyển tập thơ văn mùa xuân
Số 42: Mẹ
Số 43: Cha
Số 44: Tưởng niệm Thảo Trường
Số 45: Mây Viễn Xứ
Số 46: Doãn Dân
Số 47: Luân Hoán
Số 48: Tạp chí Bách Khoa
Số 49: Lâm Vỵ Thủy + Thơ LVT (Sao em không về làm chim thành phố)
Số 50: Nguyễn Đức Sơn
Số 51: Cõi Đá Vàng + truyện dài CDV của Nguyễn thị Thanh Sâm
Số 52: Khoa Hữu & Nh. Tay Ngàn + thơ KH (Lửa)
Số 53: Tạp chí Văn
Số 54: Ba lô mang theo hồn thơ văn
Số 55: Dương Nghiễm Mậu + Bút ký DNM (Địa ngục có thật)
Số 56: Những vấn Đề Văn Học
Số 57: Văn chương Blog
Số 58: Tính nhân bản trong văn chương miền Nam
SỐ 59: Phùng Thăng + 2 dịch phẩm của PT (Những ruồi, Kẻ lạ ở thiên đường)
Số 60: Tạp chí Sáng Tạo + sách báo ST (Thơ ST, Tuyển truyện ST, Thảo luận ST + Toàn bộ ST chụp lại)
Số 61: Hiện tượng những nhà văn nữ
Số 62: Tạp chí Khởi Hành
Số 63: 20 năm văn học miền Nam & tạp chí Vấn Đề
Số 64: Tạp chí Trình Bầy
Số 65: Tưởng niệm nhà văn Hoàng Ngọc Hiển & giới thiệu tạp chí Thời Tập + điểm sách của HNH
Số 66: Tạp chí Hiện Đại
Số 67: Trong Lớp Khói Màu & giới thiệu tạp chí Văn Nghệ
số 68: Văn chương chửi thề & giới thiệu tạp chí Nghệ Thuật
Số 69: Tạp chí Mai
Số 70: Nhà thơ Phạm Ngọc Lư & Biên Cương Hành + thơ PNL (Đan Tâm)
Số 71: Chiều đầy bông Phùng Thăng
Nhìn lại một chặng đường, chắc chắn, các anh chị rất vui khi TQBT đã thực hiện được những số báo có thể nói là “gai góc” nhất trong chặng đường vừa qua khi tài liệu ban đầu hầu như không có, như những số 55 (Dương Nghiễm Mậu), 59 (Phùng Thăng), 65 (Hoàng Ngọc Hiển)... Có thể nói TQBT đi từ con số không, nghĩa là tài liệu không có sẵn trong tay, tòa soạn và thân hữu đã đi tìm tại các thư viện trong và ngoài nước, trên mạng và cả những tư liệu cá nhân do các thân hữu cung cấp. Mỗi số báo có thể nói là một tài liệu rất hiếm quý để minh chứng rằng Văn Chương Miền Nam trong suốt 21 năm từ 1954 đến 1975 là một nền văn chương nhân bản, tự do, muôn màu muôn sắc, người cầm bút được trang trải những tâm tư của chính mình vì vậy nó phản ảnh được thời đại mà họ đang sống... Ngoài những chủ đề về những nhà văn, nhà thơ, đặc biệt những nhà văn nhà thơ bị lãng quên như Lâm Vị Thủy với Sao Em Không về Làm Chim Thành Phố, Nguyễn Thị Thanh Sâm với Cõi Đá Vàng, Phùng Thăng với những dịch phẩm Những Ruồi, Kẻ Lạ Ở Thiên Đường... TQBT còn có những số về các tạp chí đã ấn hành tại miền Nam trước 1975: Ý Thức, Trước Mặt, Bách Khoa, Văn, Sáng Tạo, Khởi Hành, Vấn Đề, Trình Bầy, Thời Tập, Hiện Đại, Văn Nghệ, Nghệ Thuật, Mai...
TQBT số 55 chủ đề nhà văn Dương Nghiễm Mậu, phát hành tháng 1/2013, đánh dấu một bước ngoặt lớn. Chị Nguyễn Ngọc Yến, người bạn đời thân yêu nhất của anh Trần Hoài Thư, đã bị đột quỵ liệt nửa người bên trái vào cuối tháng 12/2012. Đó là số báo cuối cùng chị đã lên đường cùng anh đến các thư viện Yale và Cornell để sưu tầm tài liệu. Từ đây anh THT mất hẳn một cánh tay đắc lực và cũng từ đây anh THT phải kiêm nhiệm tất cả mọi việc của chị mà trước đây anh không hề lưu tâm tới, như nấu ăn, giặt giũ... Anh đã lên mạng tìm tài liệu dạy nấu ăn để thay đổi món ăn cho chị rồi dỗ dành chị khi trong người chị đã mệt mỏi không còn muốn nuốt, thật xót xa:
Từ mấy hôm nay em cứ bảo rằng no
Anh không còn biết món ăn nào em thích
Năn nỉ mãi nhưng làm sao mà ép
Khi một người không biết đói - em ơi
Đời anh tối thui nên chẳng có chị Hằng
Làm sao mang trăng về bên này giường bệnh
Thôi thì chiếc bánh -xèo- trăng này anh làm rất vụng
Em hả miệng ăn giùm một chút đế anh vui...
(Trần Hoài Thư - Vầng Trăng)
Săn sóc chị nhưng anh rất buồn vì cảm thấy bất lực khi không làm gì được để đưa chị Yến trở lại như xưa, có ai đọc mà không rưng nước mắt?
Cái command Restore từ lâu ta không bao giờ dùng
tự nhiên lóe lên lúc 1:00 AM
Ta hấp tấp chạy đến máy
run restore
chọn ngày 1.1.2014đế máy quay về, thời máy an lành,
máy vui vẻ, máy thông thương,
máy giữ gìn những gì ta cần gìn gỉữ...
Máy tốt rồi
Máy hồi sinh rồi
Ta bắt đầu làm bộ sáng tạo rồi
Mừng ơi là mừng
Nhưng mà tại sao ta không thê run command Restore
cho đời Y. bây giờ
Dù chỉ cần một bước đỉ
Dù chỉ cần một bàn tay được nắm
Dù những ngón tay được co giãn
Dù bàn chân trái được thoải mái khi đặt trên nền...
(Trần Hoài Thư - Restore)
Nhưng dù như thế, gần 4 năm nay, giữa những thời gian ấy, đêm khuya hay sáng sớm, khi khỏe mạnh hay khi bị bệnh Gout hành hạ đến tận cùng, nơi tầng hầm ngôi nhà ở Plainfield, New Jersey, anh vẫn dành thời gian ít oi của mình cho việc sửa chữa máy móc/ tìm kiếm/ đánh máy tài liệu/ thực hiện những số báo TQBT thật giá trị.
Xin được nghiêng mình cảm phục và cám ơn Anh, Người Khâu Di Sản Văn Chương Miền Nam. Nguyện cầu Ơn Trên ban phước lành đến cho Anh Chị.
11/9/2016