Mục lục
Lời tòa soạn / 3
Trần Hoài Thư: Sống và viết 4
Viết về NTĐ:
Tô Thẩm Huy: NTĐ và tấc lòng thiên cổ / 12
Nguyễn văn Sâm: Thụy Đan – Khuôn mặt lạ / 25
Trần Đông Đức: Thiên đồng / 27
Nguyễn thị Mai Quyên: Người truyền cảm hứng / 31
Hạt Cát: Lớp Hán Cổ On Zoom / 53
Viết về tác phẩm đầu tay: Chương Văn
Nguyên văn Sâm: bạt / 62
Dương Nguyên Khang: Chương Văn – Điệu buồn vô thanh / 64
Tô Thẩm Huy: Việt Thạch NTĐ với Chương Văn Từ / 77
Thơ văn của NTĐ:
- Trích dịch Nhân gian từ thoại.... / 87
- Tuyển tập Tản văn Hán văn / 104
- Nguyễn Đức Đạt và tư tưởng nho gia... / 127
- Hát nói / 164
- Cổ Duệ Từ: Bước đầu tìm hiểu từ sử VN / 151
- Thay lời bạt: Tuồng Kim Văn Kiều ... / 182
- Thay lời bạt: Viết cho Cổ Vận Tân Phong... / 185
- Mạn đàm về Quốc Học / 195
- Viết trong Mùa Dịch / 209
- Thơ dịch / 214
- thơ NTĐ / 219
Giới thiệu sách / 221
Tranh bìa: từ Tập san Văn số 125 tháng 3/1969
Liên lạc Tòa soạn:
719 Coolidge st.
Plainfield, NJ 07062
Cell: (908) 930-8743
Trước năm 1975, hằng năm tạp chí Văn thường có một số phát hành vào mùa xuân mang tựa đề “Đầu Xuân Lộc Mới”.
Trong ý hướng ấy, chúng tôi mượn cụm từ này và tranh bìa từ tập san Văn số 125 ngày 1-3-1969 cho Thư Quán Bản Thảo số 91 để giới thiệu một lộc quí hiếm trong sinh hoạt văn học ngoài nước: Nguyễn Thụy Đan.
Hy vọng với số báo này sẽ mang niềm vui to lớn đến quí bạn, trong mùa xuân.
Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh “stay at home”, việc in ấn, phát hành một tờ báo rất là khó khăn. Chính càng khó khăn, niềm vui càng vô hạn khi được thấy tờ báo ra đời, được gởi tới tay bạn đọc thân mến. Cuối cùng kính chúc quí bạn và gia đình một năm mới bình an, mọi điều may mắn, tốt đẹp.
Tm. Nhóm chủ trương
Trần Hoài Thư
xuống núi
Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, có lẽ không ai nhận ưu ái và ngưỡng phục nhiều bằng Nguyễn Thụy Đan. Tô Thẩm Huy viết:
“Thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong chiến tranh thì biết bao nhân tài đã chết oan uổng lúc còn ở độ tuổi thanh xuân, chẳng có cơ hội để hiển lộ. Nhưng ở những thế hệ kế tiếp tôi đã may mắn được gặp một số những bộ óc kiệt hiệt, những tâm hồn mẫn cảm, những tài năng khác thường, mà Việt Thạch tiên sinh này là một vậy”.
Trần Đông Đức thì nhận xét “Nguyễn Thụy Đan là hiện tượng kỳ lạ đến gần như chưa có tiền lệ trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ”...
Nguyễn Thị Mai Quyên nói về cảm tưởng của mình sau khi tham dự khóa học online do thầy Nguyễn Thụy Đan hướng dẫn:
“... Nói vậy, bởi tôi tin, việc thầy đã làm là cho chúng tôi một/nhiều lối đi, truyền cho chúng tôi cảm hứng và niềm tin về chính bản thân, tặng mỗi người một chiếc “cần câu” để tự câu lấy con cá mà mình muốn. Rồi sau đấy, tùy vào cái đức của mỗi người mà con đường tiếp theo dài hay ngắn, thuận lợi hay trắc trở. Nhưng dù gì đi chăng nữa, như Khổng Tử nói: “Tri chi bất như hiếu chi, hiếu chi bất như lạc chi”. Niềm vui say mà thầy tôi trao tặng cho mỗi học trò chẳng phải là đã đủ trân quý lắm sao?”
(trích bài “Người truyền cảm hứng”, đăng ở phần sau)
Còn tôi? Không biết gì về Hán Nôm, mù tịt Nho Khổng, không thích cổ văn, vậy mà tại sao tôi hân hoan mong số báo này ra sớm, giữa lúc tay chân còn lọng cọng, xiêu xiêu, đổ đổ. Nhất là phải layout những trang đầy chữ Hán Nôm, với biết bao chú giải, endnote... Không phải dễ dàng gì để dò cho đúng khi cặp mắt mờ lòa hay ngón tay gõ vào bàn phím chữ a thành chữ b, số 9 thành số 0, footnote, endnote, khó khăn, vất vả hơn các số thuần Việt bội phần. Nhưng tôi phải làm. Vui vẻ, sung sướng để mà làm!
NTĐ ở New York. Tôi ở New Jersey. Trước khi có đại dịch, NTĐ đến nhà tôi vài lần. Cái sopha là chỗ nghỉ chân. Ngủ, đọc sách hay đánh laptop. Nếu không có văn chương thì chúng tôi không biết nói gì. Rõ ràng cái mẫu số chung ấy đã giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn. Không có sự ngăn chia của bức thành niên kỷ.
Thường thì tôi nói nhiều hơn. Được giãi bày tâm sự, nhất là với một bạn trẻ thì càng hạnh phúc. Thế hệ chúng tôi đã bị mất mát quá nhiều, ngay cả về lãnh vực văn chương. Các tạp chí như Văn, Khởi Hành, sở dĩ sống mạnh sống vũng không phải nhờ những cây bút SG mà nhờ vào bọn trẻ chúng tôi – những người viết trẻ ngoài vòng đai, Vậy mà hễ nhắc đến văn học miền Nam, là mỗi lần chụp cho cụm từ: “văn học đô thị”.
Có lần chúng tôi trao đổi về bản chất của nền văn chương miền Nam trong thời chiến. NTĐ nhận xét văn chương miền Nam mang tính chất yếm thế hơn là phản chiến. Nhận xét ấy khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Với một người sinh sau 1975 ở Mỹ, mà có nhận định độc đáo như vậy, ngạc nhiên là phải.
Rồi trận đại dịch Vũ Hán đã ngăn chúng tôi cơ hội gặp nhau, nó tạo nỗi cô đơn khủng khiếp. Cách ly bạn bè, cách ly người thân. Ai cũng liên tưởng đến cái hũ sành tro cốt mà tủi cho kiếp con người. Văn chương hầu như đầy bóng tối hơn là ánh sáng,
Trong lúc này Thư quán bản thảo làm một số chủ đề Văn chương mùa đại dịch, mời NTĐ đóng góp bài vở. NTĐ sốt sắng nhận lời. Nhưng đợi rất lâu mới viết xong. Điều này chứng tỏ là NTĐ suy nghĩ nhiều khi đặt ngòi bút. Và sự suy nghĩ này đầy bị quan:
“...Trong đêm vắng, tôi ngồi trầm tư – có lẽ tôi đã từng sống khác trước đây, trước khi bóng tử thần trùm kín cả và thiên hạ, trước khi đời sống tôi trở nên như độc thoại Macbeth: một chuỗi liên miên những “ngày mai, ngày mai, và ngày mai” vừa vô cùng, vừa vô nghĩa”
...
“... Thơ tôi viết trong mùa dịch, thơ của dịch hạch, thơ của cái chết, tôi nghĩ phải như thế, tôi nghĩ sẽ như thế. Vậy xin hẹn độc giả một mai, sau cơn đại dịch, bên kia hiu quạnh.”
Tưởng chiến tranh mới có nỗi buồn. Không ngờ bây giờ, nỗi buồn còn khủng khiếp, để một nhà thơ trẻ 27 tuổi phải kêu lên những tiếng kêu ai oán như vậy.
Ngày 7 tháng 12 tôi nhận điện thư của NTĐ, cho hay Một đêm thơ Việt sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 12 tại đại học Columbia, với 4 diễn giả thuyết trình về 4 đề tài:
Làm sao diễn tả nỗi vui mừng của tôi. NTĐ đã bỏ lại những bi quan đen tối, để xuống núi rồi.
Trong đêm ấy, chỉ có NTĐ là nói về văn chương thời chiến, với 3 bài thơ dịch từ Trang Châu (Xin một ngày), Nguyên Sa (Hai Mươi) và Nguyễn Xuân Thiệp (Tôi cùng gió mùa) trích từ "Thơ Miền Nam trong thời chiến" do Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản.
NTĐ không còn hẹn độc giả “một mai, bên kia hiu quạnh” hay “một chuỗi liên miên những “ngày mai, ngày mai, và ngày mai” vừa vô cùng, vừa vô nghĩa” mà dùng khả năng kiến thức và học vấn của mình để thay mặt chúng tôi giới thiệu đến những người quan tâm đến thi ca miền Nam.
Có ai làm điều này không, ngay cả chúng tôi những người trong cuộc.
Và TQBT số 91 này như là vòng hoa của anh em chủ trương chúng tôi trao đến NTĐ như niềm cảm tạ người bạn trẻ có lòng.
THÁNG BẢY
Tháng 7– 2019
Hôm nay New York trời lạnh. Gió từ sông Hudson mang những lằn roi quất vào mặt mày. Đan, tên người bạn trẻ, vừa đi vừa quay lại nhìn tôi xem thế nào. Bởi dạo này, hết gout, rồi thấp khớp, rồi tuổi tác đã làm tôi đi rất chậm. May là không chống gậy.
Trải qua bao nhiêu lần lên xuống bậc thang, qua Madison Square, đường 34, rồi xuống hầm, rồi chuyển xe, cuối cùng chúng tôi mới đến được khu Chinatown. Vẫn những tấm bảng quảng cáo tiếng Hoa, vẫn những đám người Hoa chờ đèn băng qua đường. Đan vừa cầm chiếc Iphone vừa tìm đường. Còn tôi thì lò dò theo sau. Đường Mott ở đâu, tôi không thể định hướng để giúp Đan. Tôi chỉ biết tại đường ấy có một tiệm chay, nhỏ, bàn ghế cũng ít. Vâng, dấu ấn chỉ là một đốm sáng. Nhưng mà làm sao để tìm được cái mục tiêu đốm sáng giữa cõi chập chùng sóng người và giòng thác xe cộ này?
Cuối cùng đường Mott cũng tìm ra. Mừng ơi là mừng. Đi dọc theo đường, cố tìm lại cái tiệm chay cũ. Nhưng không thấy. Hay là mình lộn rồi. Già lẩn rồi. Đan cũng giúp tôi tìm. Toàn là những tiệm ăn mặn. Cố gắng moi cái memory của máy điện toán tuổi già để xác định vị trí. Đây rồi. Cái cửa tiệm ra vào quen thuộc đây rồi. Nhưng mà tại sao bảng hiệu khác kia chứ! Bèn dến bên cửa nhìn vào trong. Rõ ràng cái bàn thứ ba, ngày trước Y. và tôi vẫn hay ngồi. Rõ ràng sự sắp dặt bàn ghế không thay đổi. Nhưng tên đã thay. Từ một tiệm chay, nay là tiệm ăn Dìm Sấm.
Tôi thấy như mình trở thành một người Từ Thức, dù chỉ xa cách NY mới 8 năm!
Đan bỗng nói với tôi tháng bảy sang năm con mời bác về Houston...
Tôi trả lời Dĩ nhiên.
tháng 7- 2020
Tháng bảy đến, nhưng mọi dự tính cho tháng 7 của chúng tôi đều bị vỡ vụn tan tành.
Từ một ngọn đồi ở Tây Bắc, Đan viết:
Từ độ đại dịch tung hoành khắp bốn bể năm châu, có lẽ tôi càng ý thức được cái sự vô ích của việc làm của tôi, cái sự hữu hạn của cuộc sống con người. Bao nhiêu toan tính, bao nhiêu hẹn ước trong năm, thoảng theo ngọn đồng phong cuối xuân, chẳng biết bay về phương nao.
Từ một bệnh viện ở Đông Bắc, tôi run rẫy viết:
Lục bát từ JFK
Ngày dài và đêm cũng dài
Xe tôi mệt lã lăn hoài bánh đau
Thương cho những giấc chiêm bao
Theo trăng rơi rụng dưới cầu, đó em
JFK Jul-6-2920
May mà còn văn chương.
Để chúng tôi còn gặp nhau.
Trên số báo này.
Có phải vậy không ?