25-2-2018 | VĂN HỌC

Jérôme Lindon, vinh quang của một nhà xuất bản

  TRẦN DOÃN NHO


    Jérôme Lindon,
giám đốc nhà xuất bản Minuit.
(Hình: The Economist 4.2001)

Trong lãnh vực văn hóa nói chung, và văn chương nói riêng, người ta thường vinh danh tác giả, không mấy ai vinh danh nhà xuất bản. Lý do: tuy đều tạo ra tác phẩm, nhưng nhà xuất bản làm công việc kinh doanh với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, chỉ có tác giả mới thực sự là người “sản xuất.” Tuy nhiên, Jérôme Lindon, giám đốc nhà xuất bản Minuit (Éditions de Minuit) là một trường hợp cá biệt. Văn giới Pháp gọi ông là người hộ sinh thiên tài (un accoucheur de génie), vì đã góp phần đưa ba tác giả đoạt giải Nobel:


-Samuel Beckett (1906-1989), Nobel văn chương 1969;

-Claude Simon (1913-2005), Nobel văn chương 1985; và

-Elie Wiesel (1928-2006), Nobel hòa bình 1986.


Đặc biệt, đối với người Việt Nam, Lindon là người đã xuất bản một tác phẩm đã được đóng thành phim, quay tại Việt Nam và được công chiếu lần đầu tiên cho khán giả Việt Nam xem tại Sài Gòn vào năm 1991: Người Tình (L’Amant) của Marguerite Duras. Phim do đạo diễn Jean-Jacques Annaud thực hiện với Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner, khởi quay vào năm 1986, hoàn thành năm 1990. L’Amant, một trong những thành công lớn nhất của ngành xuất bản Pháp, là tiểu thuyết tự truyện được ấn hành vào năm 1984, đoạt giải Goncourt năm 1984, đuợc dịch ra 43 thứ tiếng. Truyện kể về mối tình lãng mạn và phức tạp của một thiếu nữ mới lớn của một gia đình Pháp đang gặp khó khăn về tài chính với một người đàn ông gốc Hoa giàu có với bối cảnh ở Việt Nam thời thuộc địa.


“Éditions de Minuit” được khai sinh bí mật vào năm 1942 ở Pháp đang ở dưới chế độ chiếm đóng của Đức Quốc Xã do Jean Bruller và Pierre de Lescure, hai thành viên của một tổ chức kháng chiến chống Đức, sáng lập. Để tránh sự phát hiện, sách luôn luôn được in vào ban đêm cho nên nhà xuất bản được đặt tên là “Minuit” (Nửa Đêm). Tác phẩm đầu tiên, “Le silence de la Mer” (Sự Im Lặng Của Biển), là một tác phẩm chống Đức Quốc Xã của người sáng lập Jean Bruller, nhưng để tránh sự truy lùng của quân chiếm đóng Đức nên lấy bút hiệu là Vercors. Sau đó, nhà xuất bản này hợp tác với một số nhà in khác bí mật xuất bản tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng khác như Paul Éluard, Louis Aragon, Jacques Maritain, François Mauriac, Jean Paulhan, André Chamson, André Gide, tất cả đều sử dụng bút danh.


Nhưng sau chiến tranh, khi được ra công khai, nhà xuất bản lâm vào tình trạng bất ổn định. Năm 1948, nhà xuất bản gần như phá sản thì Jérôme Lindon, lúc đó mới 23 tuổi, bỏ vốn vào đầu tư và ông chính thức đứng ra điều hành nhà xuất bản cho đến khi ông chết, 53 năm sau. Khác với những nhà xuất bản khác, Lindon không tìm cách xuất bản tác phẩm của những tác giả đang ăn khách. Ngược lại, ông chủ trương đi tìm tài năng mới bằng cách cho xuất bản những tác phẩm của những tác giả (mà ông cho là) có tài nhưng không mấy ai biết đến tên tuổi, chẳng hạn như Georges Bataille, Maurice Blanchot, Klossowski. Do đó, mà từ năm 1948 đến 1956, ông luôn luôn gặp khó khăn trong vấn đề tài chánh. Tuy thế, ông không hề chán nản, vẫn tiếp tục theo đuổi con đường ông đã chọn.


Là một người chu đáo, nhiệt tình, dứt khoát và nổi tiếng là một người luôn luôn khước từ mọi vinh dự, nhưng Jérôme Lindon lại là một người tạo nên vinh dự cho những người khác. Tuy không phải là một người sáng tác, nhưng xuyên qua nhà xuất bản Minuit, ông là một trong những nhà cải cách vĩ đại của văn chương thế kỷ thứ 20. Ông được xem như người đã “phát minh” ra trào lưu Tiểu Thuyết Mới (Nouveau Roman) ở Pháp. Vào thời gian mà Jean-Paul Sartre và Albert Camus đang chiếm lĩnh toàn bộ sinh hoạt văn học Pháp thì Lindon đã tin tưởng rằng có một trào lưu văn chương mới đang khai sinh và ông tìm cách hỗ trợ nó.


Năm 1950, Samuel Beckett, về sau đoạt giải Nobel văn chương 1969, gửi cho Lindon bản thảo của cuốn truyện “Molloy,” cuốn đã bị các nhà xuất bản từ chối đến… 5 lần. Ông nhận và xuất bản ngay vào năm sau, 1951. Đến năm 1953, ông xuất bản “Les Gommes” của Alain Robbe-Grillet, người được xem là con chim đầu đàn của trào lưu “Tiểu Thuyết Mới.” Năm 1957 ông xuất bản liên tục các tác phẩm khó nuốt khác của Samuel Beckett và Alain Robbe-Grillet cũng như các tác phẩm của Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Ollier, Jean Ricardou, Claude Simon ngay khi họ là những người đang còn trong bóng tối. Những tác giả này có chung một điểm là khước từ cách viết tiểu thuyết kiểu cũ, nghĩa là khước từ viết một câu chuyện theo tuyến tính thời gian, hay nói theo Ricardou, viết là “cuộc phiêu lưu của một ngòi bút hơn là ngòi bút của một cuộc phiêu lưu” (l’aventure d’une écriture plutôt que l’écriture d’une aventure”). Cái tên “Nouveau Roman” là do nhà phê bình văn chương Emile Henriot đặt cho nhóm trong một bài phê bình đăng lên tờ Le Monde ngày 22/5/1957 nhân đề cập đến hai tác phẩm do Minuit xuất bản là “La Jalousie” của Alain Robbe-Grillet và “Tropismes” của Nathalie Sarraute (cuốn này xuất bản năm 1957, nhưng thực ra được viết vào năm 1939).


Về sau, Lindon còn phát hiện thêm một số tài năng văn chương trong thế hệ trẻ: Jean Echenoz, Chritian Oster, Marie Ndiaye, Eric Chevillard, Rouaud, Jean-Philipe Toussaint, Antoine Volodine. Những nhà văn trẻ này, tuy không tự xếp mình vào một trường phái nào rõ rệt, nhưng những nhà phê bình văn chương phát hiện trong các tác phẩm của họ ảnh hưởng sâu đậm của những nhà văn đàn anh trong trào lưu Tân Tiểu Thuyết. Hai trong số những nhà văn trẻ kể trên, Jean Echenoz đoạt giải Goncourt với tác phẩm “Je m’en vais” và Chritian Oster đoạt giải Médicis với “Mon grand appartement” vào năm 1999. “Tôi rất lạc quan về phẩm chất của các nhà văn, phẩm chất đó thật tuyệt vời,” Lindon đã khẳng định như thế ít lâu sau khi hai tác phẩm kể trên đoạt giải.


Ngoài văn chương, Minuit cũng xuất bản các loại tác phẩm khác, trong đó có tác phẩm của các triết gia như Jacques Derrida, nhà “hậu cơ cấu luận” và Gilles Deleuze, nhà xã hội học Pierre Bourdieu. Không những thế, Minuit còn liều lĩnh xuất bản tác phẩm “La question” của Henri Alleg, một cuốn sách tố cáo các binh sĩ Pháp đã hành hạ dân Algérie trong cuộc chiến tranh Algérie.


Tuy tên tuổi lớn như thế, nhà xuất bản Minuit vỏn vẹn chỉ sử dụng có 9 nhân viên, và mỗi năm cho xuất bản từ 15 đến 20 đầu sách chọn ra trong số 2,000 bản thảo nhận được. “Ngay từ đầu, chúng tôi không muốn mở rộng. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể duy trì được sự độc lập của mình,” Jérôme Lindon đã nói như thế về nhà xuất bản của mình. Chính quan điểm đó đã giúp ông bảo vệ được nhà xuất bản nhỏ của mình trên đường Bernard-Palissy thuộc khu St. Germain ở Paris chống lại những ý đồ thương mại hóa của các công ty lớn đồng thời cũng chuẩn bị bảo vệ nó chống lại xu thế Internet-hóa văn chương đã và đang diễn ra một cách ồ ạt.


Jérôme Lindon sinh tại Paris trong một gia đình hợp chủng DoThái-Ba Lan vào năm 1926. Ông từ trần hôm 12 Tháng Tư năm 2001 vì bệnh ung thư. Ít có nhà xuất bản nào mà cái chết lại trở thành một sự kiện quốc gia như cái chết của Lindon. Tờ Le Monde dành cho Lindon bài xã luận hàng đầu ca ngợi sự nghiệp của Lindon, qua đó, nêu bật lên đặc điểm: trong suốt 50 năm điều hành Minuit, ông là hiện thân cho một tinh thần chống lại chủ nghĩa hình thức và sự dễ dãi trong văn chương một cách không khoan nhượng. Riêng tờ Libération còn ưu ái hơn, dành cho Lindon và nhà xuất bản của ông đến 4 trang, giới thiệu một cách đầy đủ những đóng góp của ông cho nền văn chương Pháp nói riêng và văn chương thế giới, nói chung.


Trong lúc đó, Francois Gèze, giám đốc nhà xuất bản La Découverte khẳng định, “Cái chết của ông là một mất mát lớn cho ngành xuất bản.” Về phía nhà nước, tổng thống Pháp hồi đó, Jacques Chirac, trong lễ viếng tang, gọi ông là một “người khám phá đầy nhiệt tình” (un découvreur passionné). Thủ tướng Pháp gọi ông là “dấn thân hết mình” cho văn chương. Jack Lang, bộ trưởng giáo dục và nguyên bộ trưởng văn hóa nhận định, “Các nhà văn, nhà xuất bản, thư viện và những người yêu sách vĩnh viễn biết ơn ông.”


Ông chết để lại một vợ, bà Annette, hai con trai, André và Matthieu và một người con gái, Irène. Irène hiện đang thay cha điều hành nhà xuất bản.


Tham khảo:

 

-Wikipedia

-Các nhật báo Le Monde, The Guardian và The Economist các ngày 12, 13 và 14/4/2001.


Trần Doãn Nho

Nguồn: nguoi-viet.com