Nguyễn Lệ Uyên, 1-2019.
(Hình: Nguyễn Lệ Uyên cung cấp)
“Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay tập III” của Nguyễn Lệ Uyên do Thư Quán Bản Thảo xuất bản được phát hành vào đầu năm nay (2019), viết về các tác giả: Dương Nghiễm Mậu, Cảnh Cửu, Nguyễn Viện, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Hiển, Trương Văn Dân, Thân Trọng Minh, Phạm Ngọc Lư, Lãm Thúy, Hoàng Lộc.
Là người đọc nhiều và đọc kỹ cộng với một tấm lòng yêu mến văn chương, nên dù viết về bất cứ tác giả nào, Nguyễn Lệ Uyên cũng cố gắng dựng nên một chân dung văn học sống động và đa dạng bằng cách tìm ra mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, giữa tác giả và hoàn cảnh xã hội, giữa người đọc và người viết. Mặt khác, vì không dựa hẳn vào một lý thuyết hàn lâm nào, anh có dịp soi rọi chân dung văn học qua nhiều khía cạnh khác nhau, từ đời thường đến nghệ thuật, cả chủ quan lẫn khách quan.
Quyển “Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay tập III” của Nguyễn Lệ Uyên.
(Hình: Nguyễn Lệ Uyên cung cấp)
Trong tập sách mới này, ngoài một số tác giả nổi tiếng vốn được đề cập đến nhiều trong các tạp chí văn chương như Dương Nghiễm Mậu, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Hoàng Lộc, Nguyễn Viện,… Nguyễn Lệ Uyên còn giới thiệu một số khuôn mặt văn chương khác, vì lý do này hay lý do khác, tương đối chưa được phổ biến rộng rãi trong giới thưởng ngoạn hải ngoại. Đó là các nhà văn Trương Văn Dân, Cảnh Cửu, Hoàng Ngọc Hiển và nhà thơ Lãm Thúy.
Xin ghi lại một số nhận định của Nguyễn Lệ Uyên về các nhà văn này:
- Cảnh Cửu là một trường hợp khá đặc biệt. Anh là người lặng lẽ đến với văn chương và rồi lặng lẽ rút lui. “Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, Cảnh Cửu chỉ có một truyện ngắn duy nhất là ‘Thư từ Tuy Hòa’ đăng trên tạp chí Văn số 45 chủ đề Francoise Sagan ra ngày 1 Tháng Mười Một, 1965. Nhưng thật ra không phải vậy. Hơn một năm sau, truyện ngắn thứ hai ‘Vòng đai học vấn’ xuất hiện trên Văn số 72, ngày 1 Tháng Mười Một, 1966; rồi năm tháng sau là truyện ‘Khởi hành vào mùa xuân tương lai,’ Văn số 79, ngày 1 Tháng Tư, 1967; đây cũng chính là truyện cuối cùng ký tên Cảnh Cửu. Như vậy, trước sau Cảnh Cửu có ba truyện đều được đăng tải từ tạp chí Văn, một tạp chí văn chương nổi tiếng của miền Nam. Đây có thể coi là một trong số những truyện ngắn độc đáo trong dòng văn học nghệ thuật miền Nam (1954-1975).”
Ngoài ra, cho đến bây giờ, các độc giả vẫn không biết gì thêm về Cảnh Cửu. Nam hay nữ? Còn hay mất? Đang ở đâu? Làm gì? Chính vì thế, Nguyễn Lệ Uyên “hy vọng những dòng chữ này đến được tay Cảnh Cửu hay người thân (…) để có thể giúp làm sáng tỏ những tồn nghi mà tác giả đã để lại trong một quãng lặng khá dài trong dòng văn học miền Nam.”
- Hoàng Ngọc Hiển có mặt trên tạp chí Văn rất sớm với một số truyện ngắn và là tác giả trẻ đầu tiên mà tác phẩm đầu tay là một truyện dài, “Quê hương lưu đày,” do Văn chọn xuất bản năm 1969. Hoàng Ngọc Hiển còn có truyện dài thứ hai, “Quốc lộ Mười Ba,” đã từng được lọt vào vòng chung khảo giải truyện dài của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam năm 1974.
Theo Nguyễn Lệ Uyên, “Nếu nhân vật “tôi” trong “Quê hương lưu đày” là nỗi cô đơn của người thanh niên phải xa lìa đất liền, xa vợ con… trong cuộc mưu sinh; thì ở “Quốc lộ Mười Ba” là nỗi cô đơn của người lính tiền đồn luôn đối mặt với những bất trắc, luôn phải xa cách với đời sống nhộn nhịp ở phía xa, dưới kia, một thị trấn nhỏ, vợ con, người yêu…” Trong truyện, ông không “dông dài triết lý, không hậm hực, bi phẫn” mà chỉ “bình thản quan sát ghi lại mọi việc xảy ra quanh mình với nỗi buồn mênh mang, từ người lính đến cấp chỉ huy, về số phận họ phải đeo mang trong một hoàn cảnh không thể chối bỏ, chạy trốn.”
- Trương Văn Dân cũng là một khuôn mặt đặc biệt, vì ông là người xa xứ đã hơn 40 năm. Dẫu vậy, những tháng năm nơi đất khách quê người đã “không làm ông hòa tan vào dòng chảy của nền văn hóa Tây phương” mà trái lại, “vẫn thấm đẫm mùi rơm rạ bùn non qua từng trang viết, khi ông quay về cố hương và trình làng hai tác phẩm ‘Hành trang ngày trở về’ và ‘Bàn tay nhỏ dưới mưa.’” Nguyễn Lệ Uyên cho biết, khi đọc xong các tác phẩm của Trương Văn Dân, anh có cảm tưởng như chúng có cùng không khí với Nhất Linh, Khái Hưng cách đây 2/3 thế kỷ, vì “các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông đều mang tính luận đề để dẫn giải sự xung đột giữa tình yêu, hạnh phúc và đoàn tụ, chia ly.” Và “cho dù có xấu xa hay cao đẹp, từ ngòi bút của ông đều lan tỏa một tấm lòng, lòng yêu thương của người viết đối với các nhân vật…” Từ đó, anh khẳng định, nếu nói rằng nghệ thuật là một chiến thắng, thì Trương Văn Dân đã “mang chiến thắng ấy từ nghệ thuật xây dựng nhân vật, dẫn dắt câu chuyện về một kiếp người đến gần hơn với sự cảm thụ.”
- Lãm Thúy là một nhà thơ nữ định cư ở Hoa Kỳ, đã từng cộng tác với nhiều tạp chí văn chương hải ngoại như Làng Văn, Tiền Phong, Thư Quán Bản Thảo… và có bốn tác phẩm xuất bản. Sinh trưởng ở Nam Bộ, nên dù xa quê, nhưng những câu chữ trong thơ Lãm Thúy thì vẫn “đậm đặc màu đỏ phù sa, vàng bông điên điển, khói đốt đồng trắng trời cho đến trái bần xanh, mắm tép rong, trái cóc, cá lóc nướng trui... và đờn ca tài tử.”
Thơ Lãm Thúy “có bóng dáng mới lạ trong cái bình thường,” “không cố công đào sâu ý thức của cái tôi để làm tình làm tội lời thơ và ý thơ. Nhưng tâm cảm trong thơ chị gắn với ngoại giới theo phong cách dân gian mà tôi tạm gọi là ‘thơ tự sự,’ bởi những hình ảnh, âm thanh, màu sắc trong thơ chị rất gần gũi với đời thường.”
Thơ của Lãm Thúy, do đó, là “một lối đi đầy hoa cỏ, rộn tiếng chim hót, vang nhẹ tiếng mái dầm khua nước…”
Đặc biệt, tập này có thêm một bài nhận định và so sánh văn học miền Nam và văn học miền Bắc thời chiến tranh, “Thế hệ nhà văn trẻ: Chiến trường, tiếng chim hót và hoa.” Đây là một bài viết vừa có tính cách lý luận vừa đầy cả tâm tình, qua đó, Nguyễn Lệ Uyên thẳng thắng bày tỏ quan điểm của mình không một chút dè dặt. Anh gần như “bạch hóa” lý lịch, quan điểm và thái độ của mình về phương diện văn chương.
Theo anh, “hầu hết các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, lăn lộn nơi chiến trường đều phản ảnh trung thực những gì đã và đang xảy ra trước mắt họ và trong ý nghĩ của họ, không né tránh, không che lấp, lên gân đánh bóng.” Chính vì thế một số tác phẩm của họ đã từng bị tịch thu, có tác giả còn bị truy tố ra tòa hay bị phạt vạ, nhưng điều đó “không hề làm cho nhà văn ngừng bày tỏ những suy nghĩ trong tác phẩm của mình.” (…) Người lính VNCH “cũng chỉ là những con người bình thường như hàng trăm ngàn chiến binh khác, nhưng họ có trái tim, có lòng nhân từ, nên họ vẫn lên án chiến tranh, xem chiến tranh là “tai trời ách nước.” Ngược lại, những nhà văn miền Bắc thì dựng lên những hình nhân để “tung hê vào cõi chết vì một ý thức hệ phi đạo đức,” “một thứ triết lý mộng mị lỗi thời,” “phá vỡ mọi giá trị truyền thống,” “không hề lắng lòng để nghe trái tim mình.”
Tóm lại, theo Nguyễn Lệ Uyên, “văn học đàng trong là muôn hình vạn trạng tự do trong sáng tạo, không ràng buộc, câu thúc, không uốn cong, khom lưng, không để não trạng bị đóng băng.” Còn “văn học đàng ngoài là loại văn học nguyên khối, một chiều nhằm ca tụng, tô vẽ và bảo vệ chế độ.”
Chính sự khác biệt trong cách viết đó, mà về sau, những nhà văn miền Nam không ai phải ân hận về những trang văn của mình. Trong lúc đó, trong hàng ngũ những cây bút miền Bắc, có những người còn có chút lương tâm, dám nhìn thẳng vào sự thật và phủ nhận các tác phẩm của mình hay ít nhất cũng tỏ ra ân hận, dằn vặt như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Phạm Đình Trọng, vân vân.
“Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay tập III” còn có một phần Phụ Lục phong phú, trong đó, đặc biệt nhất là tài liệu ghi lại cuộc thảo luận qua email do Nguyễn Lệ Uyên điều hợp về Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam với sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ Luân Hoán, Trần Doãn Nho, Trần Văn Nam, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Lữ Quỳnh, Phạm Văn Nhàn và Trần Thị Nguyệt Mai.