9-11-2021 | VĂN HỌC

Từ một tờ bìa báo cũ...

  TRẦN DOÃN NHO

KENNEDALE, Texas (NV) – Kèm với tin nhắn cho biết sự ra đi của một nhà văn quen biết, Nguyễn Lệ Uyên, từ trong nước, gửi cho tôi trang bìa trong của một tạp chí văn học xuất bản cách đây… 52 năm: Văn số 125, Tháng Ba, 1969, có chủ đề là “Đầu Xuân Lộc Mới,” trong đó có bài của nhà văn này.


 

Bìa trước và bìa trong tạp chí Văn 125, Tháng Ba, 1969, có chủ đề là “Đầu Xuân Lộc Mới.” (Hình: Tài liệu)

Nhìn hình ảnh quen thuộc của một trong những tờ tạp chí văn chương mà tôi yêu thích, lòng bỗng dưng bồi hồi, nhất là khi nhìn thấy qua bảng mục lục, tên tuổi của những tác giả mà các sáng tác của họ đã góp phần tạo nên diện mạo văn chương miền Nam một thời.


Hồi đó, dù mỗi người ở một nơi, mỗi người một nghề, mỗi người một quan điểm và nhiều người chưa hề gặp, nhưng tôi có cảm giác tất cả đều là bạn bè. Dùng lại một chữ của Nguyễn Mộng Giác: bạn văn.


Chúng tôi đọc nhau, thở hơi văn của nhau, chia sẻ cảm nghĩ của nhau trên từng trang văn, trên từng câu thơ, có khi, trên từng dòng chữ, đến nỗi khi tình cờ gặp nhau, là đấu láo say sưa y như thể đã quen nhau tự bao giờ.


Hơn nửa thế kỷ qua đi, những bạn văn thuở nào cùng xuất hiện trên bản mục lục này, người thì còn ở quê nhà, kẻ thì lưu vong xa xứ. Và một số đã lặng lẽ ra đi: Tôn Thất Văn qua đời vào Tháng Chín, 2006, ở Sài Gòn; Nguyễn Phan Thịnh qua đời năm 2007, cũng ở Sài Gòn; Vĩnh Phối qua đời vào Tháng Bảy, 2017, ở Huế; Lê Văn Thiện, tức Văn Lệ Thiên, qua đời Tháng Bảy, 2018, ở Khánh Hòa; Huỳnh Phan Anh qua đời Tháng Tám, 2020, ở San Jose, California, Mỹ. Và người mới nhất vừa ra đi là Yên My, tác giả truyện ngắn “Hát Rong Trên Đồng.”


Yên My là bút hiệu của Trần Hữu Lục. Theo bản “Cáo Phó” của gia đình mà Nguyễn Lệ Uyên gửi cho tôi, thì Yên My “Đã mãn phần hồi 8 giờ 35 sáng ngày 30 Tháng Tám, 2021 tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn hưởng thọ 80 tuổi. Do đại dịch COVID -19 không thể thực hiện nghi thức tang lễ, nên gia đình phải chờ hài cốt đưa về từ lò thiêu.”


Trần Hương Giang, em gái nhà văn, cho biết anh nhập viện trước đó mấy ngày do “sốt và có biểu hiện triệu chứng của COVID-19.” Vì tuổi cao, “có nhiều bệnh nền lại bị mắc COVID-19 nữa nên bác sĩ không thể cứu chữa được. Anh cũng không kịp trăng trối lại điều gì.”


Trần Hữu Lục tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, nguyên là giáo sư trung học tại các trường Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo và Thăng Long tại Đà Lạt. Anh và tôi là người cùng quê, Huế.


Trước năm 1975, trong thời gian còn đi học ở Huế, tuy chính kiến khác nhau, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp nhau ở các quán cà phê, đấu láo chuyện văn chương, chính trị. Qua diễn đàn này, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình anh Yên My-Trần Hữu Lục, cầu chúc linh hồn anh sớm siêu thoát.


Về những bạn văn khác, tôi email hỏi thăm, thì được Nguyễn Lệ UyênLê Ký Thương cho biết: Hạc Thành Hoa hiện ở Sài Gòn, tuy tuổi đã khá cao, sức khỏe có phần suy giảm nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Cao Thoại Châu hiện ở Long An. Lương Thái Sỹ định cư ở Mỹ nhưng hiện kẹt ở Sài Gòn. Mường Mán vẫn ở Sài Gòn. Lâm Hảo Dũng ở Canada. Theo anh Lương Thư Trung cho biết, Lâm Hảo Dũng có ghé Houston, Mỹ, và gặp bạn bè ở đó vào Tháng Mười, 2017. Huỳnh Hữu Ủy ở California, Mỹ. Riêng Khê Kinh Kha thì ở Hoa Kỳ; hồi mới qua định cư, tôi có liên lạc với anh qua điện thư, nhưng sau này bặt tin. Khê Kinh Kha có chủ trương một trang mạng văn học lấy tên “Văn Học Nguồn Cội.”


Trong số Văn này, tôi nhớ nhất là bài thơ “Mời Em Uống Rượu” của Cao Thoại Châu. Đây có lẽ là một trong những bài thơ “để đời” của nhà thơ này. Tôi thích cái không khí rượu trà lang bạt của bài thơ, nên đọc đi đọc lại và thuộc vài đoạn từ đó cho đến bây giờ, nhất là hai khổ thơ đầu:

“Có những đêm trường gợi tiếc thương

Có ta lấy tóc đếm ưu phiền

Có ta nâng trái sầu chín rã

Có lệ ta hòa chung hơi men


Có mắt ta là ly rượu nhỏ

Có đời ta là quán cô hồn

Và có ta đang ngồi trong quán

Uống cho tàn cho mạt kiếp nhân sinh


(…)

Ta đội nón đi mời em uống rượu

Cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên

Ta đâu có giận hờn chi cuộc sống

Dù thật tình buồn lắm phải không em


(…)

Có ta trong một toa tàu trắng

Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình

Có em còn đứng sau khung kính

Có nỗi buồn gửi một toa riêng.”

Đọc lại một bài thơ mà như được sống lại cả không khí của một quãng đời ngày nào. Cao hứng, tôi đọc thêm một số bài thơ khác của Cao Thoại Châu tìm thấy ở trang mạng thica.net. Xin ghi lại bốn câu rất thú vị từ trong bài “Người Ở Đâu Lúc Cuối Năm Này”:


“Tôi nhớ người vào lúc cuối năm

Gây gây một chút lạnh âm thầm

Những vỉa hè thốt nhiên cùng dậy muộn

Sau giấc ngủ dài như rộng thêm hơn”


Tôi yêu cái vỉa hè cuối năm của Cao Thoại Châu: ngồ ngộ, duyên dáng. Nhà thơ đã làm lạ đi một cái vốn vô cùng quen thuộc!


Cũng trong số Văn này, có truyện “Đường Kiến” của Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương là một trong những bút hiệu của họa sĩ Nguyễn Tuấn Khanh. Anh viết không nhiều nhưng truyện nào anh cũng gây ấn tượng mạnh nơi người đọc. “Đường Kiến,” một trong những truyện ngắn đặc sắc của họa sĩ-nhà văn này, là một chuyện chiến tranh, nhưng lại không có chiến tranh, mà đầy cả chiến tranh. Nó gây một cảm giác nhức buốt kéo dài sau khi đọc xong.


Gần bốn thập niên sau khi xuất hiện trên số Văn này, “Đường Kiến” đột nhiên trở thành một đề tài thời sự, khi một cuốn phim ngắn cùng tên ở trong nước do đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa thực hiện đoạt giải Cánh Diều Bạc do Hội Điện Ảnh Việt Nam tổ chức vào năm 2011.


Theo thông tin chính thức, thì phim này quay vào Tháng Mười Hai, 2010, dựa vào kịch bản của Đỗ Văn Hoàng, câu chuyện lấy bối cảnh chiến trường Việt Nam vai chính là một lính Mỹ. Bị thương và đói, anh lính này nhìn thấy một đàn kiến bò thành hàng mang trên lưng chúng những mẩu cơm, anh nhặt những mẩu cơm đó và lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã chết bên cạnh một nắm cơm. Tựa đề phim cũng như nội dung chính của phim hoàn toàn không khác gì với “Đường Kiến” của Kinh Dương Vương, khiến cho cả đạo diễn và người viết kịch bản bị tố cáo là đạo văn.


Một trích đoạn từ trang mạng Tiền Vệ, Úc:

“…Những ai sống tại miền Nam Việt Nam trước 1975 và thường xuyên đọc tạp chí Văn đều có thể phác giác ra rằng, với nội dung như thế, phim ‘Đường Kiến’ đã ăn cắp ý tưởng và, trắng trợn hơn nữa, ăn cắp ngay cả nhan đề của truyện ngắn ‘Đường Kiến’ của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của họa sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh). Từ truyện đến phim, chỉ có một chi tiết được thay đổi: nhân vật chính trong truyện ‘Đường Kiến’ của Kinh Dương Vương là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, khi nhân vật này bị ăn cắp đem vào kịch bản phim thì biến thành một người lính Mỹ. Thật là một trò cải trang quá sức khéo léo! Trên tất cả báo chí Việt Nam trong những ngày qua, không hề có một thông tin nào ghi nhận rằng cuốn phim ‘Đường Kiến’ đã mượn ý tưởng của truyện ngắn ‘Đường Kiến’ của nhà văn Kinh Dương Vương.” (1)

Đạo diễn phim phản ứng ra sao? Xin đọc một trích đoạn khác từ báo VNExpress, một trang mạng quen thuộc trong nước, vào ngày 24 Tháng Ba, 2011 (2): “Trước những phản ứng này, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa và êkíp làm phim thừa nhận, họ có tham khảo ý tưởng của truyện và đã ghi rõ điều này trong phần giới thiệu bộ phim. Tuy nhiên, do không liên lạc được với nhà văn Kinh Dương Vương (nhà văn hiện sống ở Mỹ) nên anh và tác giả kịch bản không thể xin phép tác quyền trước khi chuyển thể truyện.”


“Đạo diễn cho biết, nhờ sự cung cấp của độc giả VNExpress.net, anh đã liên lạc được với nhà văn và có cuộc trao đổi qua thư điện tử để nói rõ sự việc. ‘Bạn Đỗ Văn Hoàng là người viết kịch bản phim ngắn ‘Đường Kiến,’ bạn có nói với cháu là có tham khảo một phần ý tưởng trong một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương. Cháu và Hoàng đã nhiều lần tìm cách liên lạc với bác nhưng vì bác không ở Việt Nam, và mối quan hệ của chúng cháu rất ít nên không biết phải liên lạc với bác như thế nào. Chính vì thế mà cháu có nói với Hoàng, khi làm phim, phần mở đầu giới thiệu của phim sẽ đề một lời đề tựa là ‘Phim ngắn Đường Kiến – dựa theo ý tưởng của truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương,’ điều này cũng là để thể hiện sự tôn trọng tác giả, tôn trọng ý tưởng của bác,’ Thiều Hà Quang Nghĩa viết trong thư gửi nhà văn,” theo VNExpress.


“Đáp lại, nhà văn Kinh Dương Vương (70 tuổi), cũng có thái độ bao dung ngay từ khi được độc giả thông báo sự việc. Trả lời VNExpress hôm 21 Tháng Ba, ông không gọi đây là một vụ ‘đạo văn’ hay ‘đạo ý tưởng’ mà là ‘chuyển thể truyện ngắn thành phim.’ Ông muốn sự việc được giải quyết hợp tình, hợp lý và nói thêm: ‘Tôi cũng thấy vui vì tác phẩm văn chương của tôi viết trong thời chiến được những người ở thế hệ hậu chiến thưởng thức và lấy làm phim,’” vẫn theo VNExpress.


Câu chuyện kết thúc “có hậu.” Dẫu vậy, riêng tôi, tôi vẫn cảm thấy có gì không ổn.


Nên, nói như người xưa, xin ôn cố tri tân!


Chú thích:

(1) www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=12393

(2) https://vnexpress.net/dao-dien-duong-kien-giai-thich-nghi-van-dao-y-tuong-1912310.html


Trần Doãn Nho

nguoi-viet.com