26-10-2012 | VĂN HỌC

 Hội Thoại

Văn chương miền Nam thời chiến qua mắt nhìn của những bạn trẻ

  NGUYỆT MAI tổng hợp

Được biết Thư Quán Bản Thảo số 54 mang chủ đề "Ba-lô mang thêm hồn thơ văn" dựa theo một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương. Với mục đích tìm hiểu xem các bạn trẻ sinh sau năm 1975 nghĩ gì về thơ văn miền Nam, cùng sự giúp đỡ của trang blog Phay Van 1, chúng tôi đã làm một cuộc "hội thoại trên mạng" nho nhỏ với câu hỏi sau đây:


Với riêng bạn, bạn nghĩ sao về thơ văn miền Nam, đặc biệt của những người cầm viết là lính, khi các bạn có dịp đọc thơ văn của họ? Bạn có những chia sẻ gì không?


Chúng tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của ba em: Nguyễn Tuấn Anh, Trần thị Bảo Vân và Võ Trung Tín thuộc lớp trẻ sinh ra sau năm 1975.


Em Nguyễn Tuấn Anh đã viết trong entry #12:


Có một ai đó đã từng… “định nghĩa” (?!):

- "Chiến tranh là sự bắn giết nhau của những người không quen biết nhau, để phục vụ cho những người quen biết nhau nhưng không hề bắn giết nhau.”


Cuộc chiến tranh VN, nhìn ở góc độ của “định nghĩa” trên, ta thấy đúng như thế, và, dẫu biết rằng phe “chiến thắng” luôn tìm mọi biện pháp, thủ đoạn để viết lại lịch sử, nhưng, chân lý lịch sử bao giờ cũng là chân lý, cho dù phe “chiến thắng” có dùng mọi phương cách tận diệt, vùi dập một cách thô bạo, như kiểu…”đốt sách chôn học trò!”, thì bản chất cuộc chiến này, vẫn được thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau nhìn ra được rõ ràng chân tướng, đó là:


1/ Cuộc chiến tự vệ và bảo vệ nền Tự Do, Dân Chủ… của chính thể VNCH ở miền Nam.


2/ Cuộc chiến xâm lăng, truyền bá cái chủ nghĩa ngoại lai vô nhân bản CNCS, được núp dưới chiêu bài: “đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào” giải phóng thống nhất đất nước, để làm “tôi thần” cho Tàu, Nga… của chính thể VNDCCH ở miền Bắc!


Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, nhưng, dù đứng ở góc độ đánh giá nào, chúng ta, những thế hệ trẻ hôm nay và mai hậu… cũng phải đau đớn, xót xa mà thừa nhận rằng: đây là một cuộc chiến mang đầy nội hàm “huynh đệ tương tàn” (của các thế hệ cha ông) khủng khiếp trong lịch sử dân tộc, cuộc chiến đã gây đầy vết tích thương đau, mang những vết sẹo không bao giờ lành trên thân thể lẫn trong tinh thần, đầy xót xa, đắng cay, thậm chí tủi nhục… cho cả dân tộc Việt Nam – Mẹ Việt Nam…này!

 

Ai là thủ phạm, ai là tội đồ của cả dân tộc Việt Nam – Mẹ Việt Nam… trong cuộc chiến này?

Câu hỏi, thiển nghĩ, trong mỗi người chắc chắn là đã có câu trả lời… rồi vậy…


THẾ HỆ CHIẾN TRANH


Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo

Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn

Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm

Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân


Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích

Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu

Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích

Đàn ngựa rủ bờm, không biết về đâu


Thế hệ chúng tôi chỉ thấy toàn lệ máu

Chưa bao giờ thấy được một ngày vui

Thời chiến giày saut, lao vào cõi chết

Hòa bình phận tù, trâu ngựa khổ sai


Thế hệ chúng tôi già như quả đất

Râu tóc mỗi ngày mọc những hoang mang

Ngoài phẫn nộ, trong chán chường ẩn khuất

Đếm những nỗi buồn bằng lời nhạc Trịnh Công Sơn…

(Trần Hoài Thư)


Tuấn Anh cũng đã dẫn thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân-1968 của Hồ Chí Minh và một đoạn bút ký "Nhà văn trẻ ấy bị thương" của Trần Hoài Thư trong entry #13 để nói lên rằng:


Đọc các câu thơ “chúc tết” như là một mệnh lệnh đẫm sặc mùi chiến tranh sau đây:

- "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!”


ta thấy rõ cái bản chất dùng chiến tranh “nướng người”, hô hào, thúc dục, đẩy những “robot bộ đội” đầy tội nghiệp vào chỗ chết một cách vô nhân đạo… ngay ngày Tết Cổ Truyền của dân tộc!!! Với lý do: “thi đua đánh giặc Mỹ”! Một tội ác mà lịch sử dân tộc Việt Nam muôn đời sẽ không tha thứ!!!


Đối với đoạn văn…

- Ðừng sợ em nhé. Thế nào chúng tôi cũng chiếm lại và trả lại thành phố này cho em.

Chợt ở ngoài cửa sau nhà, nhìn ra đường rầy xe lửa, thấy địch chạy như bầy vịt về hướng đầm Thị Nại. Như vậy là ta đã thắng rồi. Và ít ra vết thương này cũng không đến nỗi vô ích…”


Chỉ một bài thơ… và… chỉ với một vài đoạn bút ký, diễn đạt diễn biến sự kiện lịch sử xuân 1968 ấy, người đọc trẻ (như tôi) có thể hiểu được thế nào là tính vô nhân và thế nào là tính nhân văn nhân bản… trong thơ văn thời chiến trước 1975… vậy!


Trong entry #15, em cũng nói thêm:


... Ở một giác độ nào đó, thế hệ trẻ tụi em cần phải có sự so sánh để có cái nhìn tương đối… khách quan, dù chỉ là cá nhân

Bởi, không như thế hệ các bác và các anh chị trước 1975, thế hệ tụi em, nói thế nào đi nữa, dù muốn dù không, ít nhiều, cũng đã từng bị “nhồi sọ”“định hướng” cảm thụ “văn chương mẫu” một chiều trong thời gian học phổ thông…!


Thì nay, với điều kiện thuận lợi thông tin rộng mở của internet, với sự khao khát tìm hiểu, cá nhân em đã dần dần “vén bức màn đen” và từ từ “khám phá” ra nhiều điều thú vị…

Trong phạm vi của một cái còm, không thể nói được hết mọi điều, nhưng, trong chừng mực nào đó theo nhận thức, cá nhân em đã thấy rõ được một số nét cơ bản, chẳng hạn:


1/ Với thơ văn của người lính miền Bắc trước 1975, các tác giả “bộ đội”, khi sáng tác đều phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc phục vụ cho công tác “nhồi sọ” tuyên truyền chính trị, hô hào thúc dục “robots bộ đội, cả nam lẫn nữ”, những thanh niên xung phong nam nữ… lao vào cuộc chiến như con thiêu thân…! Mọi cảm xúc, rung động, tình cảm cá nhân thật sự của văn thi sĩ đều phải gạt dẹp bỏ, họ, cuối cùng chỉ là những THỢ VIẾT THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG, nếu không muốn mình bị ghép vào thành phần… ”dao động”, “xét lại”, thậm chí là… ”theo địch”, là “phản động”!?


Tất cả (cái gọi là) sáng tác thơ văn đều phải đi đúng quỹ đạo của “quan văn hoá văn nghệ nhồi sọ tuyên truyền chính trị”, ai dám cả gan viết chệch ra… dù chỉ là một chút thôi, thì ngay lập tức, họ sẽ bị “đánh” tơi tả, bầm dập ngay, dù có là ai đi nữa!!!

Điển hình như Phạm Tiến Duật “cả gan” chệch hướng với bài… VÒNG TRẮNG 2, và Ngô Văn Phú “cả gan” với bài… SẸO ĐẤT 3


2/ Trái lại, với nền thơ văn của người lính miền Nam trước 1975, các tác giả hoàn toàn tự do trong bất cứ lĩnh vực và phong cách sáng tác nào, họ không bị và không chịu bất cứ một sự ràng buộc, một sự bó buộc, một sự chỉ đạo, một sự định hướng sáng tác… của bất cứ một “ông quan văn hoá văn nghệ” nào; các tác giả lính miền Nam, hoàn toàn chủ động thể hiện những cảm xúc cá nhân thật sự của riêng mình, những sáng tác ấy đều xuất phát từ những rung cảm trong những trái tim đầy mỹ cảm tri thức, những sáng tác ấy ươm và vun ắp đầy những Chân Thiện Mỹ cuộc sống, nó bàng bạc lan tỏa dịu nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm tính nhân văn nhân bản trong tình yêu quê hương đất nước, trong tình yêu đôi lứa, trong tình “huynh đệ chi binh”, và tình “quân dân cá nước”


Những tác phẩm thơ văn mang ý nghĩa và tinh thần như đã nói ở trên… thì rất nhiều…

Nhưng, trong phạm vi cái còm này, em xin được mạn phép chọn 2 bài thơ mà em thấy rất rung động… khi gặp đọc…


1/ Mùa mưa lần trước tôi theo đơn vị

Đến tiếp thu vùng đất nhỏ điêu tàn

Lối hẹp nhà em lầy lội dấu chân

Những mái tranh nghèo ôi sao cô tịch

Vườn chuối bỏ hoang cỏ lên xanh biếc

Ruộng lúa bom cày đạn phá đêm đêm

Trăm gian nan thống khổ với truân chuyên

Người người chỉ nguyện cầu trong sầu não.

(Phan Bá Thụy Dương – 1967)


2/ Tạ từ em với sương mai

Anh lên tay súng cất lời hô quân

Tàu đi sông nước chập chùng

Nẻo quan san đó gian truân đã chờ

Trước sau cờ rợp bóng cờ

Ngoài kia chiều ráng nắng mờ hắt hiu

Em về mây gió trôi theo

Nhớ nhau? Thôi cũng chắt chiu kiếp này

Bên anh đạn réo tên bay

Trăm binh đao với tháng ngày bỏ quên

Quê mình còn đó không em

Cho anh gởi gắm trái tim ngọt ngào.

(Phan Bá Thụy Dương – 1968 )



Trần Thị Bảo Vân trong entry #22 cho biết:


... khi Út vào nhà chị chơi và bắt đầu làm quen tiếp cận đọc những sáng tác của… Võ Hồng, Hoàng Ngọc Tuấn, Mai Thảo, Nguyễn Tất Nhiên, Võ Phiến, chị Cam Li, chị Nguyệt Mai… ở trang nhà của chị Năm, sau đó tới phần thơ văn về lính thì Út vào blog’s Trần Hoài Thư đọc những sáng tác của Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Vuông chiếu Luân Hoán…


Tất nhiên là Út đọc cũng chưa được nhiều lắm vì bận học nên ít thời gian quá, nhưng điều mà Út thật sự cảm nhận rõ được, đó là: Các sáng tác ấy đều… khác hẳn cái tinh thần văn phong rập khuôn, đầy tính nhồi sọ mẫu, luôn ra rả giáo điều, định hướng chính trị tuyên truyền cố tình được lồng vào trong cái gọi là “nền văn học hiện thực xhcn”!!!


Những sáng tác của các tác giả miền Nam mà Út có dịp đã đọc ở trên, theo cá nhân Út: nó mang đầy chất tự do trong tư tưởng và quan điểm sáng tác, mỗi tác giả một phong cách biểu đạt thể hiện đề tài, nhưng tất cả đều có một điểm chung nhìn thấy rất rõ ngay, đó là nội dung các sáng tác đều thể hiện rất cao và rất rõ tính giáo dục con người thật sự, luôn chú trọng tính nhân văn nhân bản và đạo làm người cũng như luôn thể hiện tính Chân, Thiện, Mỹ… trong mỗi sáng tác của mình.


Văn phong của các tác giả luôn trong sáng, lưu loát trong diễn đạt, hình thức hành văn và chính tả luôn chỉn chu… Các tác giả, như trong ý thức đã luôn thật sự tôn trọng những độc giả của mình…!


Còn em Võ Trung Tín đã góp ý trong entry #31:


Đọc chưa nhiều, nhưng khi gặp đọc một số (cũng không ít...) những bài văn thơ cũ của các tác giả khoác áo lính miền Nam viết về cuộc (nội) chiến, viết về thân phận con người nhỏ nhoi trong cuộc chiến, viết về thân phận những thế hệ thanh niên khoác áo lính miền Nam nói riêng, và những thế hệ tuổi trẻ đã bị “hứng chịu” trong cuộc chiến trước 1975 ở miền Nam nói chung… Nó cho tôi, thế hệ tuổi trẻ hôm nay – 2012 – như thấu và đồng cảm được cái hơi thở của những thế hệ tuổi trẻ một thời khoác áo lính đã qua, bởi, tuổi trẻ thời nào, bao giờ và trước tiên cũng nhìn đời với một tâm hồn… đầy trẻ trung đầy ”vô tư lự”


bỏ lệnh gọi trong túi quần

tôi đi qua từng đường phố

không biết phải làm gì

tôi trở về rửa mặt

.....

bỏ lệnh gọi trong túi quần

bắt tay bác cảnh sát

tôi vui vẻ đứng cười

đêm bắt đầu vây phủ

tôi hoàn toàn vô tư

(Luân Hoán)


Tuy nhiên, khi “nhập cuộc chơi” thật sự, thế hệ những người lính miền Nam họ có… ”tôi hoàn toàn vô tư”… không?


Tôi đọc, và như thấu cảm cuộc sống thường nhật trong quân ngũ của họ, thấu cảm cái Tôi với những suy tư, trằn trọc đầy nỗi niềm xáo động, bấp bênh trong cuộc sống quân ngũ. Người lính họ sống và hiện hữu với hơi thở đầy dồn nén bức bối, họ trực diện cái bối cảnh của một đất nước đang diễn ra chiến tranh. Với người lính, sự sống và cái chết, cũng như bị thương, lúc nào như cũng rình rập, bủa vây quanh họ, “Sống – Chết” như một lằn ranh vô hình, một sợi chỉ mỏng manh dễ bị tan biến và đứt vỡ:


bôi mặt vẽ mày mời các người xem

tôi văng tục luôn như thằng mất dạy

đã thế thì đừng cố gắng ngạc nhiên

khi mày không hơn gì tao mấy tí

lính tráng bây giờ như chiếc đinh đen

đóng chặt đời vào động cơ và nổ

bắn giết bình thường như bài tiết như ăn

vậy hỏi làm chi lương tâm bổn phận

bôi mặt vẽ mày đi đứng vô tri

đó chính là tôi

tôi là người lính trận

(Luân Hoán)


Mỗi tác giả lính miền Nam như vắt máu từ tim và lấy mồ hôi nước mắt của mình như để hoà chung làm mực mà viết, mà trải những nỗi lòng, những tự sự, những u uẩn, những u uất, thậm chí là những bất mãn, những phỉ nhổ, những lên án về một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn… vô nghĩa!


Mỗi sáng tác, mỗi thi phẩm, mỗi văn phẩm, như đã phần nào phản ánh một cách trung thực những tâm tư, suy nghĩ, trăn trở về thân phận người lính bị xoáy và cuốn vào một cách trực diện của cuộc chiến. Mỗi bài thơ như là một nhịp thở như ẩn chứa đầy chất thán khí của một thế hệ, như là một sinh mệnh của mỗi cá nhân tuổi trẻ trong cuộc chiến vậy…


Buổi sáng xuất quân về hướng Bắc

Âm thầm sương sớm toán quân ma

Qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất

Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Nước reo bèo dạt mặt trời lên

Khói núi lời ca chú dế mèn

Có gió cao che đầu chiến sĩ

Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng

Vì sao ta tới đây hò hét

Học trò bẻ bút tập mang gươm

Tập uống máu người thay nước uống

Múa may theo lịch sử điên cuồng

Vì sao ngươi đến đây làm giặc

Đóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu

Giận đời ghê những bàn tay bẩn

Đưa đẩy ngươi trong cát bụi mù

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý

Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh

Hỡi ơi sống chết là mưa nắng

Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

Đốt lửa đồi cao không thấy ấm

Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga

Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt

Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà

(Nguyễn Bắc Sơn)



Tuổi trẻ là mùa Xuân của cuộc đời với bao ươm mộng ước mơ tươi đẹp!

Nhưng, thế hệ tuổi trẻ khoác áo lính miền Nam trước 1975, có thể nói không quá lời (qua văn thơ), đó là… thế hệ tuổi trẻ khoác áo lính, mang ba lô chứa đầy những ưu tư, những tự vấn, những trằn trọc, những trăn trở… đến triền miên trong thường trực…


Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình

Ăn muối đá mà điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

(Nguyễn Bắc Sơn)


Một thế hệ tuổi trẻ mặc áo lính “chiến đấu” trong tâm thức đầy… ”bi thương”, nhưng cũng không kém phần “bi hùng” lẫn “bi tráng”… vậy…!


- Tư cách và đạo đức sáng tác của các tác giả miền Nam trước 1975, thông qua tác phẩm, chúng ta thấy nổi bật cái nhân cách sáng tác… KHÔNG SỢ và KHÔNG HÈN!

Ở họ, thông qua các sáng tác, đều là sự tự do tư tưởng! Tư cách và đạo đức sáng tác của họ luôn minh chính, các tác giả, ở họ thông qua tác phẩm, chúng ta có thể khẳng định là họ không bao giờ bẻ hoặc uốn cong ngòi viết của mình, làm bồi bút, nhằm phục vụ cho giai cấp lãnh đạo của chế độ…


Ròm em có cái cảm nhận trên, bởi lẽ, so với các “đồng nghiệp sáng tác” của họ ở miền Bắc xhcn, thì các “thợ viết” miền Bắc... chưa và không bao giờ có đủ tư cách và đạo đức của một người cầm viết chân chính, chứ chưa nói đến cái danh xưng rất cao đẹp là... VĂN SĨ, THI SĨ!

Ròm em dẫn chứng nhé:


1/ Hồi Ký Của Một Thằng Hèn – Tô Hải

    (http://quanvan.net/index.php?view=story&subjectid=26787)


2/ – “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái…(…)… Sao mà khổ vậy?!”

(Nguyễn Minh Châu)


Cô "chủ nhà" Phay Van cũng đóng góp ý kiến:


Thế hệ sinh sau 1975 hầu như không biết đến việc đã từng có một nền văn chương miền Nam (l954-75) phát triển rực rỡ Nguyên do vì sách vở bị đốt trong (cái gọi là) phong trào bài trừ văn hóa đối trụy của Mỹ-ngụy (sic). Một nguyên nhân nữa như là kết quả tất yếu của quá trình giáo dục nhồi sọ của nhà trường xhcn. Em may mắn kịp đọc vài tác phẩm trước khi bị đốt, nên tự giữ cho mình miễn nhiễm. Cái giá phải trả là 5 - 6 điểm cho mỗi bài luận văn cộng với học lực trung bình (tất nhiên), và em hài lòng về điều đó.


Ngày nay, nhờ vào internet, lối truyền thông một chiều đã lạc hậu, nhưng con người đã hỏng. Người trẻ có nhiều mối bận tâm khác hơn những điều mà các nhà giáo dục có tâm huyết mong mỏi. Người hỏng thì lấy gì mà sửa hở Chị?

Thế nên khách quan mà nói, việc có được nhũng ý kiến phong phú của người trẻ về vấn đề này là điều khó thực hiện. Được như nhóm Kiến, chắc cũng hiếm.


Riêng phần chúng tôi, chúng tôi không quá bi quan như cô em Phay Van. Như ai đã nói: "Thời gian là người phán xét lịch sử tuyệt vờ", hoặc "Cây kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra". Với phương tiện truyền thông hiện đại, những bạn trẻ ngày nay không dễ dàng bị lừa bịp, bị che mắt như những bạn trẻ miền Bắc cách đây 40 - 50 năm về trước, khi nghe tuyên truyền rằng: "Dân chúng miền Nam rất đói khổ, bị Mỹ Ngụy kềm kẹp, cơm không có ăn, chén ăn cơm cũng không có, phải dùng gáo dừa" (sic), đã nô nức đăng ký đi bộ đội với mong ước "giải phóng" cho đồng bào miền Nam thoát khỏi sự "kềm kẹp". Sau ngày 30-4-1975, đặt chân vào miền Nam, họ mới ngã ngửa ra là lâu nay đã bị lừa bịp. Nhà văn miền Bắc Dương Thu Hương cũng đã thú nhận trong một cuộc phỏng vấn do Đinh Quang Anh Thái thực hiện và phát thanh vào tháng 4 năm 2000 trên làn sóng của đài Little Saigon Radio ở California:


Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.

(Nguồn: http://nguoivietblog.com/dinhquanganhthai/?p=285)


Chúng tôi tin tưởng vào tuổi trẻ Việt Nam và đóa hoa nhân ái sẽ luôn vĩnh cửu.


Nguyệt Mai tổng hợp

(22-9-2012)

(1) http://123hoang.wordpress.com/2012/09/10/viet-duoi-troi-khoi-lua/


(2) Năm 1974 trên tạp chí Thanh Niên xuất hiện bài thơ VÒNG TRẮNG (hay…”Viết về số 0″) của Phạm Tiến Duật:


Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng

Tôi với bạn đi trong yên lặng

Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh

Có mất mát nào lớn bằng cái chết

Khăn tang, vòng tròn như một số không

Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng

Là cái đầu bốc lửa ở bên trong

(http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=11070)


(3) Cũng trên tạp chí Thanh Niên, số 6/1974, bài thơ SẸO ĐẤT của Ngô Văn Phú cũng bị coi là sợ hãi chiến tranh, kém cỏi và hèn nhát…


Cái hố bom nằm trên vạt ruộng

Dẫu san bằng vẫn cứ nhận ra

Đến mùa bừa chân bước nhấp nhô

Lúa cấy kín, vệt tròn còn đấy

Tưởng trên da thịt mình mới sẹo

Ai ngờ đất cũng sẹo như người


Trong chiến tranh đạn cắm tay tôi

Trong chiến tranh hố bom dầy đất

Hết chiến tranh, tôi về hợp tác

Đất chuyển vần, vụ lúa vụ khoai


Mỗi đợt trở trời

Vết sẹo trên tay tôi nhức

mỗi đợt trở trời

Cái hố bom sẹo đất

Có làm đất nhức không, đất ơi?


Đất có màu xanh

Tôi có cuộc đời

Những vết sẹo mãi còn nhắc nhở

Những điều cần nói với ngày mai…