19-9-2019 | VĂN HỌC

Ra mắt ‘Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ,’ một tuyển tập ‘nặng ký’

  UYÊN VŨ

 

Từ trái, nhà văn Nguyễn Tường Giang, nhà văn Nguyễn Tường Thiết, nhà văn Từ Dung,
ông Nguyễn Hùng Tâm và nhà văn Đặng Thơ Thơ. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

LONG BEACH, California (NV) – Liên nhóm Nhân Văn Nghệ ThuậtTiếng Thời Gian đã phối hợp với hậu duệ của gia đình Nguyễn Tường tổ chức buổi sinh hoạt văn chương giới thiệu tuyển tập phê bình và sáng tác “Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” vào trưa Chủ Nhật, 15 Tháng Chín, tại Lecture Hall của đại học CSU Long Beach. Cuộc hội luận được phân khoa Nghiên Cứu về Người Á Châu và Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian and American Asian Studies) của viện đại học này bảo trợ.


Trên bàn tham luận có nhà văn Nguyễn Tường Giang (con út nhà văn Thạch Lam Nguyễn Tường Lân), nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con út nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam), nhà văn/ca sĩ Từ Dung (con út nhà văn Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long), nhà văn Đặng Thơ Thơ (cháu ngoại nhà văn Hoàng Đạo), ông Nguyễn Hùng Tâm (trưởng nam ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, người đã ấn hành rất nhiều tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, dưới danh nghĩa nhà xuất bản Đời Nay). Ngoài ra, trong giảng đường còn có ông Nguyễn Tường Việt (trưởng nam nhà văn Nhất Linh), nhà văn Tường Nhung (trưởng nữ nhà văn Thạch Lam, phu nhân Tướng Ngô Quang Trưởng), nhà văn Ngọc Cường (con út ông Nguyễn Tường Thụy, người anh cả của anh em Nhất Linh) và nhiều quan khách cũng như các văn thi hữu.


Dù thời tiết buổi trưa cuối Hè khá nóng bức và địa điểm ít thuận tiện, nhưng có khá đông nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ cùng nhiều người yêu văn học nghệ thuật đến tham dự buổi sinh hoạt văn chương đầy ý nghĩa này.


Nói là “đầy ý nghĩa” vì đây là lần đầu tiên có một tuyển tập “nặng ký” của nhiều nhà văn viết về nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng với nhiều sáng tác của các tác giả thế hệ hậu duệ nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tuyển tập dày gần 500 trang với 35 tác giả và có nhiều hình ảnh quý hiếm, với sự góp mặt của nhà báo Phạm Quốc Bảo, nhà văn Bùi Bích Hà, Giáo Sư Quyên Di, Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, nhà báo Mặc Lâm, nhà báo Vương Trùng Dương, đại diện nhóm chủ trương là nhà văn Trần Việt Hải.


Những ngòi bút của thế hệ hậu duệ khá hùng hậu, có thể kể các nhà văn như Thế Uyên, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Giang, Tường Việt, Từ Dung, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Lân, Tường Cát, Tường Hùng, Ngọc Cường-Nguyễn Tường Cường, Phạm Thảo Nguyên, Trần Khánh Triệu, Tường Nhung, Phương Lan, Từ Nhung, Tôn Thất Niệm.


Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út của nhà văn Nhất Linh, từ thành phố Seattle của tiểu bang Washington về, cho biết: “Sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì đã có hàng trăm cuốn, nhưng đây là lần đầu tiên, các thế hệ hậu duệ mới cùng góp mặt trong cuốn sách do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật chủ trương và nhà sách Khai Trí xuất bản.”


Trả lời câu hỏi rằng liệu có sự tương đồng gì giữa văn phong, bút pháp của những hậu duệ so với các bậc tiền bối hay không, nhà văn Nguyễn Tường Thiết cho biết: “Mỗi thế hệ có một lối viết khác nhau, với riêng tôi thì lối viết của các hậu duệ không thấy có sự ảnh hưởng rõ rệt nào. Tuy nhiên biết đâu sự ảnh hưởng ấy ngấm sâu vào tiềm thức mà ngay chính tác giả cũng không nhận ra. Nhưng có thể nói tất cả các nhà văn sau này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.”


Ông cho biết rất vui khi thấy còn có nhiều người nhớ đến Tự Lực Văn Đoàn và hơn nữa lại quan tâm đến các tác giả hậu duệ. Đồng thời ông còn đứng ra gom thành tuyển tập và tổ chức một buổi sinh hoạt ra mắt sách đầy ý nghĩa này. Gần 80 tuổi, nhà văn Nguyễn Tường Thiết vẫn rất mặn mà với chuyện văn chương chữ nghĩa và cho biết có thể sẽ còn sáng tác nếu còn “hứng.”



Từ phải, Giáo Sư Trần Mạnh Chi, Giáo Sư Quyên Di, sinh viên đại diện Tiến Sĩ Teri Yamada – trưởng phân khoa Nghiên Cứu về Người Á Châu và Người Mỹ Gốc Á Châu – và MC Mộng Thủy. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)


Giáo Sư Quyên Di, hiện là giáo sư bộ môn Tiếng Việt tại trường đại học CSU Long Beach, trong vai trò người điều phối chương trình nhận định rằng, trong văn học Việt Nam chỉ có hai nhóm có ảnh hưởng lớn lao nhất, là Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú thời vua Lê Thánh Tôn (hoạt động vài năm ngắn ngủi) và nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1930-1945) với các tác giả Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Gia Trí.


Giáo sư cũng cho rằng, công lao của Tự Lực Văn Đoàn quá lớn với văn học Việt Nam, nhưng hiện tại trong nước không ghi nhận, ngoài nước lại không có cơ hội để ghi nhận.


Tiến Sĩ Teri Yamada, trưởng phân khoa Nghiên Cứu về Người Á Châu và Người Mỹ Gốc Á Châu của trường đại học CSU Long Beach, người bảo trợ cho buổi ra mắt sách, do không thể đến được, nên đã cử hai sinh viên thay mặt đọc lời chào mừng cùng sự trân trọng của bà đối với Tự Lực Văn Đoàn. Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật cũng trao tặng bà Teri Yamada một kỷ niệm chương.



Nhà văn Trần Việt Hải, trưởng nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật, và phu nhân. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Nhà văn Trần Việt Hải, trưởng nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật, mặc dù bị tai biến mạch máu, phải ngồi xe lăn và đi đứng cũng như phát biểu hết sức khó khăn, nhưng ông rất hăng hái nhiệt tình trong việc cổ súy văn chương tiếng Việt. Trong tuyển tập này ông đã đóng góp ba bài viết.


Trọng tâm của buổi sinh hoạt văn chương giới thiệu tuyển tập phê bình và sáng tác “Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” là chương trình hội thoại với các đại diện hậu duệ Tư Lực Văn Đoàn là các nhà văn Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Giang, Từ Dung, Đặng Thơ Thơ và ông Nguyễn Hùng Tâm (trưởng nam ông chủ nhà sách Khai Trí Nguyễn Hùng Trương).


Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con út nhà văn Nhất Linh, trước năm 1975 là giáo sư dạy toán lý hóa; ông còn phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang năm 1973. Ông cộng tác với nguyệt san Thế Kỷ 21 từ năm 2002. Tác phẩm đầu tay là hồi ký “Nhất Linh Cha Tôi,” xuất bản Tháng Bảy, 2006, đúng 100 năm ngày sinh của Nhất Linh.


Trong buổi ra mắt sách này ông dí dỏm kể nhiều kỷ niệm về nhà văn Nhất Linh, một số chi tiết về Nhất Linh mà ít ai biết. Và hành trình đi tìm để hiểu về Nhất Linh đã giải tỏa thắc mắc rằng tại sao nhà văn Nhất Linh lại giao việc điều hành hai nhà xuất bản Phượng Giang và Đời Nay cùng quyền xuất bản các tác phẩm của mình cho ông Nguyễn Tường Thiết. Ông Thiết cũng ghi nhận công lao đặc biệt lớn của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, trong việc hỗ trợ ông xuất bản sách Tự Lực Văn Đoàn.


Nhà văn Từ Dung, sinh năm 1946 tại Hà Nội, con gái nhà văn Hoàng Đạo góp phần bằng một truyện ngắn mang đầy hơi thở thời đại “Facebook Romance” nói về các trò lừa đảo qua mạng Internet.


Nhà văn Nguyễn Tường Giang, sinh năm 1942, là con trai út nhà văn Thạch Lam, một người đã viết văn làm thơ từ trên 50 năm trước. Ông nói chuyện về nỗi khó khăn khi thế hệ con cháu Tự Lực Văn Đoàn, khi sáng tác họ luôn bị một sức ảnh hưởng nặng như đá tảng của tài năng, danh tiếng của cha ông đè trên đầu. Vì nghiệp sáng tác đòi hỏi phải mới mẻ và không thể chỉ dẫn theo kiểu cha truyền con nối được.


 

Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian chụp hình lưu niệm cùng các văn nghệ sĩ.
(Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Nhà văn Đặng Thơ Thơ, sinh năm 1962 và lớn lên tại Sài Gòn, là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1992, Đặng Thơ Thơ là một trong những người chủ trương và sáng lập trang văn học online Da Màu (damau.org) từ Tháng Tám, 2006. Và cũng được biết đến như một trong những tác giả người Việt viết về những vùng ẩn khuất của giới tính.


Đề tài tham luận của Đặng Thơ Thơ là “Hoàng Đạo, như một ẩn số” trong Tự Lực Văn Đoàn và giữa chúng ta. Theo đó, với độc giả thì ít ai biết nhiều về Hoàng Đạo ngoài năm cuốn sách của ông. Còn các chính quyền thì ngại đề cập đến ông vì ông là quân sư của Việt Nam Quốc Dân Đảng, là một lý thuyết gia có tư tưởng cấp tiến, một trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn vốn chủ trương làm một cuộc cách mạng triệt để về văn hóa, xã hội, chính trị, tư tưởng. Riêng chính quyền Cộng Sản thì cố tình lãng quên hoặc phủ nhận vai trò của ông.


Ông Nguyễn Hùng Tâm, từ Bắc California về, là con trai trưởng của ông Khai Trí. Ông Tâm hiện là hiệu trưởng trường TTL College, chủ nhiệm báo Đời Mới. Ông Tâm kể nguyên nhân thân phụ ông hỗ trợ việc xuất bản các loại sách của Tự Lực Văn Đoàn cũng như gương sáng “trao tặng, cho đi” của ông Nguyễn Hùng Trương đã khiến ông Tâm tiếp bước cha mình trong việc tha thiết quảng bá các tác phẩm có giá trị. Cũng như việc mở trường của ông là để lưu giữ những giá trị văn hóa Việt Nam.


Nhà văn Bùi Bích Hà cũng góp mặt bằng một bài nói chuyện sâu sắc về công lao của Tự Lực Văn Đoàn đối với nền văn học Việt Nam và gánh nặng của thế hệ hậu duệ khi thừa kế gia tài đồ sộ của bậc tiền bối. Bà cũng hy vọng một mai khi chính quyền Cộng Sản không còn trên quê hương, thì nhiệm vụ của người làm văn hóa là phải xây dựng lại trên tro tàn quá khứ.


 

Quang cảnh buổi ra mắt sách. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Trả lời nhật báo Người Việt, Giáo Sư Trần Mạnh Chi, đại diện nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật, cho biết sở dĩ nhóm của ông cùng với nhóm Tiếng Thời Gian thực hiện tuyển tập này là do nhu cầu của một số người Việt hải ngoại, ngoài ra trên văn đàn Việt Nam cũng chưa từng có một tuyển tập với nội dung tương tự. Cũng như một số tác phẩm khác do hai nhóm thực hiện, tuyển tập này như một lời vinh danh đến các tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là nền văn học trước năm 1975. Theo ông, tuyển tập này hiện đang được bán và lưu hành trên mạng Amazon.


Cũng theo ông, để thực hiện được tuyển tập này một phần khác là do nhà văn, Giáo Sư Quyên Di cũng muốn liên kết với nhóm để đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường đại học ở nước Mỹ. Là tác phẩm thứ sáu do Nhân Văn Nghệ Thuật thực hiện. Đây cũng là một cố gắng trong nỗ lực giúp các thế hệ sau của người Việt hải ngoại hiểu được ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Giáo Sư Trần Mạnh Chi cũng hy vọng sẽ còn nhiều tác phẩm có giá trị khác được thực hiện trong tương lai.


Bà Thụy Vy, một thành viên của Nhân Văn Nghệ Thuật, nhận định cuốn sách “Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ” ra mắt là một tác phẩm thực sự công phu và có giá trị, bởi vì nó chuyển tải được rất nhiều văn hóa Việt và bà cố gắng cộng tác hết sức mình cho việc quảng bá các áng văn chương Việt nơi hải ngoại.


 

Bài “Ô Mê Ly” qua các tiếng hát tam ca Ái Liên, Lâm Dung, Ngọc Quýnh trong buổi giới thiệu
tuyển tập phê bình và sáng tác “Tự Lực Văn Đoàn và Các Cây Bút Hậu Duệ.” (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Buổi sinh hoạt văn chương còn rất đặc sắc với phần văn nghệ do các thành viên nghệ sĩ hùng hậu của nhóm Tiếng Thời Gian, trong đó bà Lâm Dung là trưởng ban. Những giọng hát cao vút, mê ly hay hùng tráng của họ đã thực sự cống hiến cho buổi ra mắt sách những giây phút sảng khoái trong âm nhạc.


Uyên Vũ

Nguồn: nguoi-viet.com


$TacGiaBaiViet = 'Uyên Vũ'; ?>