23-2-2018 | VĂN HỌC

Các ý nghĩ từ một buổi sinh hoạt văn học

  PHẠM PHÚ MINH

(Bài dưới đây nguyên là bài nói chuyện của tác giả tại buổi sinh hoạt văn học của Viện Việt Học, vào ngày 28 tháng 9, 2014. Bài nói sau đó đã được bổ sung thêm một số tài liệu nhằm minh họa thêm cho chủ đề đã được trình bày.)


Các ý nghĩ về một buổi sinh hoạt văn học


* Để rõ hơn thái độ của giới sử gia tại Việt Nam hiện nay về chuyện Bình Ngô Đại Cáo này, xin mời độc giả xem thêm phần Phụ lục sau đây, của cùng tác giả bài trên.


Một điểm gây ngạc nhiên từ bộ Lịch Sử Việt Nam vừa phát hành tại Việt Nam


Gần đây vào giữa năm 2017 này, học giới của các cộng đồng người Việt tại hải ngoại chú ý đến tin Viện Sử Học tại Việt Nam vừa tái bản có bổ sung, sửa chữa bộ Lịch Sử Việt Nam. Điều làm người tại hải ngoại lưu ý nhiều nhất là thông tin về chính thể miền Nam Việt Nam trước 1975 nay được bộ sử mới tái bản này gọi đúng tên là Việt Nam Cộng Hòa chứ không gọi là “ngụy” như trước kia nữa. Nhiều người mong mỏi muốn xem bộ sử mới này, mà họ hy vọng là có nhiều sửa chữa quan trọng trong cách nhìn lịch sử có phần “thoáng” của giới sử gia trong nước.



Một người bạn chúng tôi vừa gửi mua được một bộ Lịch Sử Việt Nam gồm 15 tập mới được phát hành tại Việt Nam. Được xem tận mắt, tôi thấy đó là một công trình đồ sộ, in ấn rất đẹp và rõ, ghi chép lịch sử nước ta từ khởi thủy cho đến năm 2000, tức là chấm dứt thế kỷ 20.


Nhưng trước 15 tập sử lớn lao và đẹp đẽ này, điều tôi muốn tìm ngay là một sai sót và sai trái tôi cho là quan trọng từ các bộ Lịch Sử Việt Nam xuất bản năm 1971 và 1976, nay đã được sửa chữa chưa. Tôi xin trình bày lại sự việc.


Cách đây bốn năm, vào năm 2013, ông Nguyễn Minh Cần ở Moscou nước Nga, nhân trao đổi với Tòa soạn chúng tôi về vấn đề sách cũ tái bản ở Việt Nam bao giờ cũng bị sửa chữa, không có quyển nào giữ đúng được nguyên bản gốc, có gửi một bức thư như sau:




“Hồi những năm 60-70 thế kỷ trước, Trường Chinh và Tố Hữu lúc đó phụ trách về tuyên huấn, văn hóa, giáo dục... Các ông ấy cho rằng trong nguyên bản tờ Bình Ngô Đại Cáo ở đoạn cuối, trước chữ " Than ôi !" có một câu mà các ông cho là "duy tâm", " mê tín" quá là câu "Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy" (bản dịch trong bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim), thế là các ông quyết định bỏ đi, mà mập mờ cho ba chấm vào trước câu sau. Thế là những sách có in Bình Ngô Đại Cáo trong thời đó đều bỏ câu đó đi, có khi họ quên để cả ba chấm nữa. NMC”.

Hồi đó tôi cố gắng tìm được bản in Lịch Sử Việt Nam 1976, xem bài Bình Ngô Đại Cáo được in trong đó rồi đem so sánh với Bình Ngô Đại Cáo trong quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì quả đúng như ông Nguyễn Minh Cần đã viết, thiếu đi một câu. Trong khi đó Việt Nam Sử Lược có in đủ ba bài: nguyên văn bằng chữ Hán, phần phiên âm và bản dịch nghĩa. Sau đây là hình chụp đoạn cuối bài Bình Ngô Đại Cáo, của cả ba dạng ấy:


Nguyên văn chữ Hán:



Phần phiên âm:



Phần dịch nghĩa:



Chúng ta thấy bản chữ Hán và bản phiên âm có câu : “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã”, và ở bản dịch, câu này đã được chuyển thành : “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.” Đó là Bình Ngô Đại Cáo trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.


Nhìn vào trang 261 quyển Lịch sử Việt Nam bản in 1976 chúng ta thấy ngay trước câu “... Ôi! Một gươm đại định, dẹp phăng giặc giã...” có đánh ba dấu chấm. Ý nghĩa của ba dấu ấy là chỗ đó có một câu hoặc một số chữ được bỏ đi. Ba chấm ấy cho thấy một chút lương thiện của người soạn bài, mặc dù việc tự tiện cắt bỏ một phần của một bản văn quan trọng như thế của tiền nhân thì không thể nào chấp nhận được, nhất là trong một quyển sách về lịch sử.


Bây giờ chúng ta xem lại bài Bình Ngô Đại Cáo trong tập 3 của bộ Lịch Sử Việt Nam in năm 2017 thử coi có được “bổ sung, sửa chữa” gì hay không. Trong phần Phụ Lục, trang 539 có bài Đại Cáo Bình Ngô là bản dịch của Bình Ngô Đại Cáo, và cuối bản dịch có chú thích: “Theo bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập. Sđd, tr. 77-82”. Không có nguyên văn Hán văn và bản phiên âm. Và đây là bản chụp đoạn cuối của bài dịch:



Bài này đã loại bỏ dứt khoát câu “Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy” với thái độ “kiên định” hơn, là bỏ hẳn ba cái dấu chấm trước chữ “... Ôi !”. Ba dấu chấm đó chứng tỏ thái độ tôn trọng tối thiểu khi sử dụng một bản văn. Với bản mới này, những người biên soạn bộ sách Lịch Sử Việt Nam tái bản 2017 nói với người đọc rằng : “Đấy nguyên bản dịch bài Bình Ngô Đại Cáo là thế”. Nghĩa là bài ấy vốn chỉ có bấy nhiêu, không hề bị cắt bỏ lôi thôi gì cả. Và đó là một câu không đúng sự thực, nói cách khác, né tránh sự thực. Cái câu chú thích dưới bài “Theo bản dịch trong Nguyễn Trãi toàn tập. Sđd, tr. 77-82” không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trước một văn bản mình đưa ra được,

 vì rõ ràng nó thiếu một câu. Người biên soạn sách Lịch Sử Việt Nam không thể “đổ lỗi” cho người soạn Nguyễn Trãi Toàn Tập được, vì trước khi dùng một tài liệu nào, thì phải coi tài liệu mình dùng có đúng không, có đủ không. Nếu biết mà vẫn dùng thì đó là “toa rập”, không xứng đáng với công việc rất trí tuệ mà các vị ấy đang làm, là soạn cả một bộ sử lớn cho dân tộc của mình.


Đây là một chi tiết rất nhỏ thôi, nhưng ý nghĩa của nó rất lớn.


Các ông Trường Chinh, Tố Hữu có thể tin vào thuyết vô thần của chủ nghĩa cộng sản, đó là quyền của các ông. Các ông có quyền phủ nhận những gì tổ tiên của dân tộc Việt Nam tin vào “trời đất tổ tông khôn thiêng che chở” nếu các ông hoàn toàn không tin điều đó. Nhưng các ông có quyền dựa trên niềm tin của các ông mà đi “sửa sai” tiền nhân như thế chăng? Sửa sai một cách trắng trợn ngay trên sử sách lưu truyền.


Chủ nghĩa cộng sản hiện nay đã biến thành cái gì trong con mắt của nhân loại, cái đó khỏi cần nói tới. Chuyện đó giờ đây đã cũ quá rồi. Nhưng điều làm cho mọi người Việt Nam kinh ngạc là những nhà trí thức hiện nay đang viết lại lịch sử nước nhà lại sẵn sàng theo vết xe cũ để thỏa hiệp với những sai trái đối với lịch sử Việt Nam như thế. Đối với một nhân vật lịch sử hùng vĩ như Nguyễn Trãi từ thế kỷ 15 mà quý vị đối xử kiểu đó thì mong gì quý vị có cái tâm công chính với những giai đoạn gần với chúng ta ngày nay hơn?


PPM

Phạm Phú Minh

Nguồn: diendantheky.net