23-04-2018 | VĂN HỌC

Tạp Chí Văn Nói Chuyện Về Các Nhà Văn Nữ

  Nhiều Tác Giả

BÀN TRÒN

Huỳnh Phan Anh - Nguyễn Nhật Duật - Mặc Đỗ
Nguyễn Xuân Hoàng - Viên Linh - Dương Nghiễm Mậu
Mai Thảo - Nguyễn Đình Toàn


Mai Thảo: Đầu tiên, bán nguyệt san Văn chỉ định làm một cuộc phỏng vấn về các nhà văn nữ. Nhưng hình thức phỏng vấn mặc dù những ưu điểm riêng biệt của nó, vẫn bị đóng khung vào một vài câu hỏi cứng nhắc thiếu sự phóng khoáng, không thể trình bày được toàn vẹn vấn đề. Đó là lý do có Bàn Tròn này. Đề tài chúng tôi đề nghị nói chuyện hôm nay là: Chỗ Đứng Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Hiện Đại Và Đặc Tính Trong Thế Giới Tiểu Thuyết Của Họ. Từ mười năm trở lại đây, sự có mặt của các nhà văn nữ trong đời sống văn chương của chúng ta là một điều có thực, không thể chối cãi được. Tôi chỉ đề nghị. Các anh có thể thay đổi chọn một chủ đề khác.


Viên Linh: Đồng ý với chủ đề trên. Nhưng có nên xác định năm nào làm cái mốc để từ đó ta có thể đề cập đến những nhà văn nữ, từ một thời gian nào đó.


Mai Thảo: Có thể ấn định từ khoảng 54 trở lại đây. Chúng ta vẫn có thể nhắc lại những nhà văn nữ trước 54. Để so sánh. Trọng tâm vấn đề thì vẫn là các nhà văn nữ hiện nay. Phải nói rằng ngày nay các nhà văn nữ của chúng ta không chỉ xem công việc viết văn của họ như một tiêu khiển chốc lát. Như các nhà văn nữ tiền chiến. Nhà văn nữ ngày nay xem công việc viết văn như một nghề. Họ sống hẳn với nghề này, theo đuổi và thực hiện nó đến cùng.


Viên Linh: Theo tôi, hiện tượng các nhà văn nữ không có một áp lực nào trên sinh hoạt văn chương chung hiện nay. Ảnh hưởng văn chương mà các nhà văn nữ gây ra là một cái gì quá độ. Người ta nhận thấy có sự khác biệt khá lớn giữa sự nhẹ nhàng dịu dàng của Linh Bảo, Nguyễn thị Vinh và sự táo bạo cuồng nhiệt của những nhà văn nữ bây giờ.


Nguyễn Xuân Hoàng: Ta thử tìm hiểu do đâu có sự khác biệt đó?


Viên Linh: Sự quá độ trong đề tài mà các nhà văn nữ hiện nay đã lựa chọn phải được coi như hậu quả của hiện tượng đời sống xã hội hơn là của chính cá tính họ.


Nguyễn Xuân Hoàng: Phải chăng anh Viên Linh muốn nói chính sự khác biệt quá lớn giữa đời sống xã hội ngày nay và đời sống xã hội thời trước đã là căn do đưa đẩy đến việc chọn lựa đề tài táo bạo và sự thành hình một nền văn chương rực rỡ do những người nữ đong góp?


Mai Thảo: Vấn đề đặt ra là tại sao, bởi đâu mà có được sự có mặt rực rỡ của các nhà văn nữ Việt Nam? Thco tôi, để trả lời cho câu hỏi này, ta có thế nói rằng quả thật những nhà văn nữ hiện nay đã làm trái lại những gì mà hoàn cảnh lịch sử xã hội, thân phận đàn bà trước kia đã cấm đoán họ. Sự phá vỡ và làm nổ tung những ràng buộc cũ của họ để đạt đến cái biên giới mới này, chính là văn chương. Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết bởi vậy là một phản ứng, một thái độ. Điều này giải thích được cho cái không khí phá phách, cái sắc thái quá khích ta thấy bàng bạc cùng khắp trong các tác phẩm phái nữ bây giờ. Có thể rồi sau này sự quá khích đó sẽ lắng dịu xuống, và viết văn với đàn bà khi đó không chỉ còn thu hẹp trong ý nghĩa một lên tiếng, một phản ứng.


Nguyễn Nhật Duật: Ảnh hưởng rơi rớt mơ hồ của nền văn chương hiện sinh cũ, trước và sau 62 đã đóng góp vào sự thành hình tác phẩm của các nhà văn nữ này. Thco tôi, có lẽ là Nguyễn thị Hoàng với cuốn "Vòng Tay Học Trò" đã diễn tả được thứ tình cảm đó. Tác phẩm của họ khi ra đời đã được chiều chuộng, và hình như sự chiều chuộng này đã lôi kéo theo sự có mặt của những nhà văn nữ khác. Nhưng người đọc đã thấy được gì trong sách của những nhà văn này? Những nội dung táo bạo không phải là tự do mà là sự buông thả. Kẻ nào dám sống với kinh nghiệm đời sống, họ sẽ là nhà văn. Nhưng họ vẫn còn tìm kiếm không bao giờ gặp được một cái gì mơ hồ. Đề tài mà họ đụng chạm đến không khác những đề tài mà các nhà văn nam sử dụng. Đó chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội. Bởi vì không có Nguyễn thị Hoàng này sẽ có một Nguyễn thị Hoàng khác.


Mặc Đỗ: Tại sao chúng ta không nghĩ rằng còn có một yếu tố khác nữa làm thành tác phẩm của các nhà văn nữ: lòng yêu văn chương của họ?


Nguyễn Nhật Duật: Có lẽ nên nói cho rõ rằng hoàn cảnh là cơ hội tốt đẹp làm nảy sinh ra nền văn chương buông thả. Và công thức sẽ là hoàn cảnh cộng với sự ham mê văn chương đưa đến kết quả là văn chương.


Nguyễn Xuân Hoàng: Tôi không hoàn toàn đống ý với anh Nguyễn Nhật Duật. Việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật nói chung và một tác phẩm văn chương nói riêng, trước hết đòi hỏi tài năng của tác giả nhiều hơn bất cứ một yếu tố nào khác. Hoàn cảnh xã hội, môi trường địa lý, sự cấu tạo cơ thể, lông yêu thích văn chương... chỉ nên coi như là những cây "vít" vặn chặt tấm ván tài năng vào tác phẩm của họ.


Viên Linh: Tôi chia sẻ ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng. Nhưng tôi có một nhận xét muốn đặt ra ở đây là có một khác biệt trong huynh hướng sinh hoạt giữa người nữ tiền chiến và các người nữ hiện nay. Các anh có nhận thấy là xưa kia các người nữ làm thơ còn ngày nay họ viết truyện? Sẽ giải nghĩa ra sao về sự khác biệt này.


Mai Thảo: Hãy trở lại vấn đề yếu tố tài năng. Đống ý với Nguyên Xuân Hoàng, nhưng theo tôi cần phải nói thêm là yếu tố tài năng này rất hữu hạn nơi các nhà văn nữ tiền chiến. Tôn thành thực kinh ngạc về cách thức viết truyện của một số nhà văn nữ hiện đại. Trong vài trường hợp các nhà văn nữ ngày nay đã vượt xa các nhà văn nữ thời trước.


Dương Nghiễm Mậu: Tôi không đồng ý. Tiền chiến có Thụy An. Tôi có được đọc quyển Bốn Mớ Tóc. Thụy An theo tôi vẫn là một nhà văn nữ lớn. Bây giờ nói đến bút pháp, tôi nghĩ đến Túy Hồng.


Mai Thảo: Nhưng bà Thụy An chỉ viết được một số ít truyện ngắn thôi, còn các nhà văn nữ ngày nay tác phẩm họ xuất hiện đều đặn, phong phú, rực rỡ chưa từng thấy.


Dương Nghiễm Mậu: Một vấn đề khác, theo tôi, cũng nên phải lưu ý tới là hiện tượng sách dịch Quỳnh Dao, như cuốn Cánh Hoa Chùm Gửi, hiện tượng Quỳnh Dao khiến tôi nghĩ tới trường hợp Nguyễn thị Hoàng.


Viên Linh: Tôi không đồng ý với Dương Nghiễm Mậu. Tôi có đọc một số sách của Quỳnh Dao, và tôi không hề thấy trong sách của nhà văn này có một sự quá đà nào. Truyện của nhà văn nữ Trung Hoa này có một bố cục chặt chẽ, chi tiết phong phú, và nhiều nhân vật. Quỳnh Dao viết về cái trong sáng, không viết về sự nhầy nhụa.


Nguyễn Xuân Hoàng: Nhận xét của Viên Linh phải chăng muốn nói một điều ngược lại?


Viên Linh: Ở nghĩa nào?


Nguyễn Xuân Hoàng: Ở cái nghĩa, trong các tác phẩm của nhà văn nữ ở đây thiếu những đặc tính cần thiết trong cách xây dựng tác phẩm mà Quỳnh Dao đã có.


Viên Linh: Không. Tôi không có ý định đó.


Nguyễn Nhật Duật: Tôi muốn hỏi Dương Nghiễm Mậu một điều: anh có ý định nào trong việc so sánh Quỳnh Dao và nhà văn nữ Việt Nam.


Dương Nghiễm Mậu: Tôi muốn nói rằng sự kiện này, có tính cách chung chứ không riêng gì ở Việt Nam.


Nguyễn Nhật Duật: Tôi muốn trở lại một ý tưởng đã nói: Tài năng riêng không đủ. Bầu không khí khích lệ là yếu tố quan trọng hơn cả.


Nguyễn Xuân Hoàng: Đúng, ý kiến anh Duật phải được chia làm hai phần. Phần thứ nhất Tài Năng riêng Không Đủ. Chẳng ai chống đối điều này. Nhưng còn phần thứ hai. Bầu không khí là yếu tố quan trọng hơn cả. Điều này, tôi chống đối. Bầu không khí, hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh hoạt... là một yếu tố và chỉ là một yếu tố gần như sau cùng làm vỡ tung một ung nhọt đã mưng mủ. Bao nhiêu người sống cùng thời với Nguyễn Du, thở cái không khí của Nguyễn Du, chi phối bởi cái môi trường đại lý của Nguyễn Du... vậy mà có phải ai cũng là Nguyễn Du đâu. Tôi nhắc lại Tài Năng vẫn là Một Yếu Tố Quan Trọng hơn cả.


Mặc Đỗ: Đúc kết ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Nhật Duật, theo tôi, thì sự thành hình tác phẩm cùng với những đặc thu của thế giới tiểu thuyết các nhà văn nữ ngày nay, chính là một tổng họp những yếu tố hoàn cảnh xã hội, môi trường địa lý, những biến cố lịch sử và nhất là tài năng của tác giả. Riêng về ý kiến của Dương Nghiễm Mậu, thì theo tôi chính là nhằm mở rộng vấn đề mà hiện chúng ta đang nói chuyện đó thôi. Trường hợp các nhà văn nữ Việt Nam cũng chẳng khác nào trường hợp các nhà văn nữ thế giới.



Mai Thảo: Ở Việt Nam, nền văn chương nữ vẫn có những đặc thù của nó, và sự xuất hiện của nó là một có mặt chậm trễ so với nền văn chương nữ của thế giới đã phong phú từ bao nhiêu năm trước đây.


Nguyễn Nhật Duật: Sự bộc phát với tính cách ồ ạt của nền văn chương này là hậu quả của sự gò bó quá lâu. Đó là một phản ứng mãnh liệt chống lại sự gò bó trước đó.


Nguyễn Xuân Hoàng: Vậy thì phải chăng sự táo bạo trong các tác phẩm và đề tài của các nhà văn nữ hiện nay biểu lộ tính cách đặc thù của nền văn chương nữ này?


Huỳnh Phan Anh: Phải. Ít ra là họ táo bạo hơn các nhà văn nam, mặc dù chưa chắc gì họ táo bạo hơn những nhà văn nữ của thế giới. Đồng ý Túy Hồng là một tài năng đáng kể về phía nữ, nhưng tài năng đó cần được nhìn ngắm như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Nhân vật, câu chuyện, bút pháp của họ, chẳng hạn.


Mặc Đỗ: Nên xét lại vấn đề trước khi khaí triển ý kiến của Huỳnh Phan Anh. Có nên nói tổng quát hay là đi vào chi tiết, đề cập đến từng cá nhân? Mặt khác, cần quan niệm chữ táo bạo thế nào cho đúng. Riêng tôi, táo bạo trong văn chương nữ bây giờ là do họ dám đề cập đến những gì mà trước kia họ không dám đề cập. Họ đã viết đến nó, đụng chạm đến nó một cách đường hoàng không giấu giếm và không che đậy.


Nguyễn Xuân Hoàng: Tôi chấp nhận ý kiến này của anh Mặc Đỗ, và theo tôi, chính với ý nghĩa đó, ý nghĩa chật hẹp đó đã làm giảm sút giá trị trong tác phẩm của họ. Chữ táo bạo phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, táo bạo là đề cập đến những đề tài ngoài đề tài dục tính, đề tài thân thể.


Viên Linh: Táo bạo theo tôi chính là sự sai biệt giữa mô thức giáo dục dành cho phụ nữ Á Đông và những gì họ đã viết ra.


Nguyễn Nhật Duật: Táo bạo ở thái độ, cách nhìn và đề tài về sự tương quan ngang hàng về nam giới.


Viên Linh: Tôi nghĩ là họ đã làm hơn chứ không phải ngang hàng.

(Mọi người đều cười)


Nguyễn Nhật Duật: Người viết văn nữ ngày nay đã dành lại cái ưu quyền về Nghĩ, CảmSống như nhà văn nam.


Mặc Đỗ: Tôi không được đọc hết các tác phẩm của những nhà văn nữ. Tôi muốn hỏi với thái độ đó sẽ đưa dẫn họ về đâu, đòi hỏi rõ rệt nơi tác phẩm họ là gì. Tôi chưa có một nhận định rõ rệt về điều này.


Huỳnh Phan Anh: Tôi muốn hỏi anh Duật rằng văn chương nữ giới bây giờ phải chăng chỉ là một phản úng, một sự nổi loạn trước những giới hạn, những kềm kẹp xưa kia? Ngoài là một phản ứng nó còn là một cái gì khác?


Nguyễn Nhật Duật: Sự bột phát này phát xuất từ một thái độ phàn kháng.


- Về câu hỏi thứ hai, phải được hiểu rằng sự khao khát của họ là gì? Mặc dù tôi không phải là đàn bà (nhiều người cười) theo tôi thì đó là mối lo toan hạnh phúc. Ấy là mối lo toan muôn thuở cua người đàn bà, và nó cũng sẽ chỉ đi đến đó mà thôi.


Mặc Đỗ: Một ý kiến bất chợt: tôi đề nghị ta nên mở một bàn tròn khác với sự có mặt của chính các nhà văn nữ.


Mai Thảo: Đống ý. Vấn đề hạnh phúc anh Nguyễn Nhật Duật vừa nêu ra là một vấn đề cần được xét lại. Sự khao khát hạnh phúc trước kia đã có chứ không phải bây giờ mới có. Ngày nay phải nói làm văn chương ở các nhà văn nữ mang cái khí thế một cuộc xuống đường rầm rộ. Họ xác nhận sự có mặt của họ, trước đã. Xuống đường thì họ xuống rồi. Đi tới đâu, chưa biết. Văn chương nữ mới nằm trong đoạn khởi đầu. Nó chưa có quá khứ hay một quá trình rõ rệt.


Nguyễn Nhật Duật: Đồng ý. Sự phản kháng như một tự xác nhận, để cho người khác nghe được tiếng nói của mình, ưu tư của mình hạnh phúc. Dĩ nhiên hiện nay chưa rõ ràng cụ thể cho lắm.


Huỳnh Phan Anh: Theo tôi, đó không phải là đặc điểm của văn chương nữ ở đây. Tôi nghĩ đó là một thái độ chung cho bất cứ người đàn bà ở đâu và bất cứ thời nào. Thời nào mà họ chẳng gửi gấm các quan điểm đó trong văn chương của họ. Từ đó suy ra người đàn bà viết văn có cái thất lợi là họ không làm cách nào cho người đọc quên được họ là đàn bà.


Nguyễn Xuân Hoàng: Vậy thì ta có thể hiểu đó là cái nét đặc thù của văn chương nữ Việt Nam, bên cạnh tính cách táo bạo mà ta vừa đề cập. Phải vậy không?


Nguyễn Nhật Duật: Theo tôi thì bây giờ họ mới làm được công việc tự xác nhận đó. Họ như nhũng kẻ đói đang ăn ngốn ngấu. Có thể họ sẽ tới chỗ bội thực; có thể, nếu cứ đà này.


Mai Thảo: Có lẽ là hậu quả của sự sống tập trung trong một thành phố. Nếu sống riêng rẽ rải rác, có lẽ họ sẽ không có được cái tính cách táo bạo chung đó. Tính chất phản kháng và tính chất táo bạo này theo tôi, trên thực tế còn rất chật hẹp. Xã hội chúng ta đúng ra là một xã hội ngưng đọng. Cho nên sự phá vỡ đó không thực hiện được hoàn toàn. Người đàn bà vẫn quẩn quanh trong một khung cảnh chật hẹp (kể cả người đàn ông). Người đàn bà thiếu sự đối diện của chính họ với những vấn đề lớn. Trong khi phía nam giới ngày nay đang có ý muốn tránh sự nói về cá nhân thì người đàn bà vẫn chưa nói xong về chính họ.


Huỳnh Phan Anh: Màu sắc táo bạo trong văn chương nữ giới ở Việt Nam đã giúp họ thành công ít ra ở phía độc giả. Sự thành công ấy có thể giải thích được: lý do là vì họ nói những gì trước kia họ không được phép nói. Và điều này đã tạo nên những ngạc nhiên, những bất ngờ cho người đọc. Nhưng đồng thời đó cũng là lý do thất bại của họ, bởi vì họ chưa cởi bỏ hết những mặc cảm của một người phụ nữ với tư cách của một người viết văn.


Nguyễn Nhật Duật: Sự thất bại đó không phải do họ mà do một áp lực nặng nề có tính cách truyền thống. Tôi nghĩ rằng có lẽ Huỳnh Phan Anh và Mai Thảo có ý kiến gần giống nhau.


Huỳnh Phan Anh: Sự khủng hoảng này là một giai đoạn để đưa đến một giai đoạn khác. Nghĩa là sau những ồn ào họ sẽ bình tĩnh hơn và lúc bấy giờ họ sẽ không viết văn như một người đàn bà viết văn, mà họ sẽ viết văn như một nhà văn. Tôi vẫn có cái ý nghĩ là dường như khi một người đàn bà viết văn họ vẫn còn mang theo tất cả cái tình cảm đàn bà của họ.


Nguyễn Đình Toàn: Vậy thì Huỳnh Phan Anh cũng đồng quan điểm với Nguyễn Nhật DUẬt ở chỗ sự viết văn của các bà chính là sự tự xác nhận về sự có mặt đàn bà của họ.


Nguyễn Nhật Duật: Theo ý anh Nguyễn Đình Toàn thì đó có phải là một hiện tượng bệnh lý không? Riêng hỏi anh Huỳnh Phan Anh nếu một tác phẩm văn chương không có nữ tính của một người đàn bà thì phải chăng đó là một tác phẩm trung tính?


Huỳnh Phan Anh: Muốn hiểu như thế cũng được. Riêng tôi tác phẩm văn chương trước hết phải là một tác phẩm văn chương. Thế thôi.


Viên Linh: Tôi đồng ý với anh Huỳnh Phan Anh. Và theo tôi, các nhà văn nữ Việt Nam ngày nay còn mắc phải cái khuyết điểm đó.


Nguyễn Nhật Duật: Phải chăng anh Viên Linh muốn nói rằng các nhà văn nữ hiện nay chưa có tác phẩm văn chương đúng nghĩa. (Mọi người cùng cười) Văn chương nữ phái bây giờ theo quan điểm mà chúng ta vừa thảo luận gần được hiểu như là một chuyển đoạn, một trở thành, chứ không là một thành tựu.



Mai Thảo: Khả năng văn chương nữ bây giờ cho phép họ đề cập đến tất cả mọi vấn đề. Có điều bất cứ cuộc giải thoát nào trước hết là một giải thoát thân xác, nhất là cho đàn bà. Rồi họ sẽ đề cập đến những chủ đề khác. Nhưng bây giờ họ đang nói đến thân xác, dù không phải nói như một người vô luân. Thân xác là chủ đề lớn nhất hiện nay. Và họ đã đề cập tới nó.


Viên Linh: Hy vọng thế.


Huỳnh Phan Anh: Nên tránh sử dụng danh từ bệnh lý trong văn chương đàn bà. Theo tôi người đàn bà thất lợi trong việc viết văn. Vì họ phải trải qua, vượt qua chính thân phận của họ để được ngang hàng với đàn ông. Sự quá quắt trong văn chương đàn bà ở Việt Nam biểu lộ sự bất lợi của họ và kỳ lạ thay đó cũng là sự thành công của họ trên một phía nào đó.


Nguyễn Nhật Duật: Vậy phải chăng viết văn là ưu quyền tự nhiên của người đàn ông?


Huỳnh Phan Anh: Có thể, cũng như trong nhiều sinh hoạt khác, vì truyền thống, vì thói quen xưa nay đã dành cho đàn ông khá nhiều ưu quyền độc đoán.


Nguyễn Nhật Duật: Tôi nghĩ là anh đã diễn tả ý kiến của Simone de Beauvoir theo đó ưu quyền tự nhiên có cả nơi hai phía đàn ông lẫn đàn bà, chính xã hội đã tạo cho đàn bà cái mặc cảm rằng họ không có ưu quyền mà người đàn ông nắm giữ.


Mặc Đỗ: Tại sao chúng ta không nhận thức sự chú trọng về sinh lý ở các nhà văn nữ một cách đơn giản hơn. Họ sẽ nói như thế này, chẳng hạn: "Chúng tôi viết về sex vì chúng tôi thấu hiểu vấn đề này hơn đàn ông." Chẳng cần đào sâu hơn.


Nguyễn Nhật Duật: Đó là một hiện tượng đặc biệt, có thật, rất đáng nghiên cứu và tìm hiểu. Hiện tượng này đã tạo thành một giao động thật sự trong xã hội, phản ảnh cho một tâm trạng đặc biệt và khác thường của người đàn bà bây giờ, qua các tác phẩm văn chương phụ nữ, chứ nó không chỉ đơn giản như anh Mặc Đỗ nói.


Viên Linh: Tôi công nhận những tác phẩm văn chương nữ đã gây được một ngạc nhiên lớn. Nhưng ngạc nhiên về con người họ mà thôi. Không phải về tác phẩm của họ.


Mặc Đỗ: Ban nãy, anh Viên Linh có nói đến sự khác biệt giữa các nhà văn nữ tiền chiến và bây giờ. Là trước kia, phần lớn các bà chỉ làm thơ, bây giờ viết văn, là tiểu thuyết gia. Tại sao như vậy?


Nguyễn Xuân Hoàng: Vì viết truyện bộc lộ dễ hơn. Vấn đề muốn trình bày, cũng trình bày được tường tận, chu đáo hơn.


Nguyễn Nhật Duật: Thơ có những giới hạn và những quy luật của nó. Không phải ai cũng làm thơ được. Văn xuôi diễn tả được đời sống trực tiếp và sống động hơn thơ.


Mai Thảo: Tôi coi sự có mặt của những nhà văn nữ và những tác phẩm của họ tới lúc này như đánh dấu cho giai đoạn khởi đầu. Mặc dầu nhiều người đã có nhiều tác phẩm và đã là những tác giả danh tiếng, có quá khứ, nhưng nói chung, chỉ hồi gần đây phụ nữ mới thực sự viết văn, coi văn chương là công việc chính của đời họ, nên tâm trạng của nhà văn nữ có nhiều điểm tương tự với tâm trạng của những nhà văn trẻ, những người viết mới. Nghĩa là mới bắt đầu, mới lên đường. Lên đường này sẽ đưa tới những chân trời nào, có được những triển vọng nào, hay ngược lại thì chưa rõ.


Mặc Đỗ: Điều đang nhìn thấy là hiện có hàng chục nhà văn nữ đang viết, đang hoạt động văn nghệ. Đó là một con số đáng kể, một phong trào. Ngày trước chỉ có một Thụy An viết văn. Bây giờ là hàng chục Thụy An. Điểm chờ đợi của mọi người là sau khi viết về dục tình, không biết những nhà văn nữ có đề cập được tới các vòm đề khác không, hay chỉ có vậy. Cái thiếu lớn trong văn chương là tư tưởng.


Nguyễn Xuân Hoàng: Tư tưởng trong tác phẩm đã có, ở một vài người. Mới manh nha, thấp thoáng thôi, nhưng đã có. Đến đây phải đặt ra vấn đề kiến thức. Tôi nói kiến thức sống không nói học vấn. Các nhà văn nữ đang có những cố gắng đáng kể về mặt tư tưởng. Để khắc phục sự thiếu sót anh Mặc Đỗ vừa nói.


Huỳnh Phan Anh: Tác phẩm các bà bộc lộ một số ưu tư sôi nổi, liên quan mật thiết đến đời sống nói chung. Những ưu tư ấy nổi bật, người đọc thấy rõ. Chỉ thiếu vắng cái ưu tư tôi gọi nôm na là ưu tư văn chương nằm trong cách viết, cách làm mới tác phẩm. Chúng ta đã thấy các bà chỉ viết truyện dài, ít làm thơ, không viết ra những suy tưởng về những điều mình viết, là bởi thế, bởi một thiếu vắng ưu tư văn chương. Ưu tư về đời sống ở họ đã có rồi. Sau này, những ưu tư về đời sống ở họ có thể vẫn còn, đồng thời ưu tư về văn chương cũng sẽ được họ biết tới.


Mai Thảo: Như vậy, tác phẩm họ chưa có giá trị văn chương?


Huỳnh Phan Anh: Tác phẩm nào cũng có một giá trị nào đó về văn chương. Nhưng tôi muốn phát biểu khe khắt một chút. Là tác phẩm nào cũng phải nói lên một ước muốn. Ước muốn thay đổi bộ mặt đời sống, mà sự thay đổi đầu tiên là văn chương.


Viên Linh: Về vấn đề kỹ thuật, các nhà văn nữ cầm bút viết văn dễ dàng, mau lẹ. Họ viết nhiều, dài nữa, chỉ nhìn vào số lượng tác phẩm, đúng là họ viết dễ dàng, thoải mái hơn chúng ta nhiều. Khi tôi viết cuốn một, cuốn hai rồi cuốn ba, tham vọng ở tôi là cuốn sau dùng được một bút pháp khác hẳn bút pháp cuốn trước. Đó là ưu tư chính. Về kỹ thuật viết. Thành công hay không là chuyện khác.


Huỳnh Phan Anh: Nhà văn nữ khi cầm bút viết bị đè nặng về những vấn đề họ muốn viết ra. Nghĩa là nội dung vấn đề. Họ ít lưu tâm đến những cách thế biểu hiện vấn đề, tức là cách thế biểu hiện tác phẩm.



Mai Thảo: Tôi muốn đặt ra vấn để ảnh hưởng và tác động của tác phẩm. Đến bây giờ, văn chương nữ đã gây được một tác động nào với người đọc? Câu trả lời, theo tôi, là có. Thế giới văn chương trước kia chỉ được tạo dựng bởi những tác phẩm đàn ông. Đời sống chỉ được chiếu sáng và biểu hiện bằng cái nhìn, bằng ý thức đàn ông, nếu văn chương nữ không làm tan vỡ được cái thế giới này, thì nó cũng đã là một thế giới thứ hai, đặt bên cạnh thế giới thứ nhất trước kia duy nhất, và mặc nhiên đã tạo được ở người thưởng ngoạn một tâm trạng đối chiếu, so sánh, xét lại. Những điều đàn ông viết ra không còn được chấp nhận vô điều kiện nữa. Một vấn đề bây giờ được chiếu rọi bằng hai thứ ánh sáng. Và người đọc đã có một thái độ, một tâm trạng mới. Họ nhìn sự vật dưới hai thứ ánh sáng. Đối chiếu. So sánh. Rồi mới chấp nhận đâu là sự thật, cho họ.


Nguyễn Nhật Duật: Người đọc chắc chắn sẽ có được một cái nhìn tổng họp, toàn diện hơn trước kia. Về người đàn bà nói riêng. Về hạnh phúc nói chung. Với cái nhìn của người đàn ông đã hết là một uy quyền tuyệt đối, sự lĩnh hội tác phẩm của người đọc sẽ phong phú hơn. Chắc chắn như vậy rồi. Tôi trở lại một ý kiến của Huỳnh Phan Anh. Đàn bà ưu tư về đời sống họ. Đồng ý. Ưu tư này đã được biểu hiện sôi nổi trong tác phẩm họ. Đồng ý. Nhưng đó mới chỉ là hình thái ưu tư chật hẹp về đời sống nhãn tiền, riêng tây. Ưu tư của đàn ông về đời sống rộng lớn hơn, muôn mặt hơn, như đời sống thăm thẳm, muôn mặt. Đàn bà cỏn nhìn gần. Tại sao? Vì giới hạn đời sống của đàn bà dẫu sao vẫn còn chật hẹp. Kiến thức vì thế, không có điều kiện phát huy, mở rộng. Cách nhìn, cách cảm nhận đời sống vì thế chưa có cơ hội thay đổi, làm mới. Phải có một cái nhìn mới có được những khái niệm, những nhận thức mới.


Mai Thảo: Anh Duật nói đến cuộc tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới tiểu thuyết nữ bây giờ. Tôi thấy không chỉ là cuộc tìm kiếm đó, mà còn là cái ý lực phấn đấu giành quyền chủ động đời sống của người đàn bà bị thu hẹp trong cái thế bị động mờ nhạt. Chúng ta thấy trong một số tác phẩm nữ giới, nhân vật đàn ông luôn luôn được đặt ra như một đối diện thù nghịch, người đàn bà phải xô ngã cái đối diện ngột ngạt đó để tự thực hiện, trên một bình diện, một tương quan mới. Đàn bà viết bây giờ rõ ràng là có thái độ với đàn ông trên từng dòng từng chữ. Văn chương họ phản ảnh cho cái không khí, cái cảnh tượng phân hóa của xã hội hiện thời, ở đó một trong những nền tảng vững vàng nhất đang bị lung lay đến tận cùng gốc rễ là nền tảng gia đình. Cho nên, không phải là trong tác phẩm đàn ông, mà trong truyện đàn bà, những lề thói luân lý đạo đức cố định đang bị đem ra riễu cợt nhiều nhất. Chúng ta đang có một loại tiểu thuyết phong tục mới, viết bởi những người không chịu sống với phong tục, tập quán một chút nào hết.


Viên Linh: Tôi chỉ thấy người đàn bà trong văn chương bây giờ thực tế quá. Họ không còn mơ mộng như ngày trước. Một thế giới mơ mộng nào đó đã chết.


Nguyễn Đình Toàn: Một cá tính thật mạnh mẽ, đó là ưu điểm tôi nhìn thấy ở văn chương phái nữ. Điều nào họ nói đến cũng như lớp men đàn bà tráng lên. Như thế có thể làm cho một số người đọc yêu thích. Riêng tôi, tôi rùng mình. Nếu phụ nữ thay đổi được cái nhìn, tác phẩm họ, những điều họ viết ra sẽ có một ảnh hưởng lớn lao.


Huỳnh Phan Anh: Nếu anh Mai Thảo nói vì có văn chương nữ giới mà thế giới văn chương đàn ông bị duyệt xét lại, tôi không đồng ý. Không đến nỗi thế. Thành ra có hai thứ văn chương, một của đàn ông, một của đàn bà hay sao? Tôi chỉ thấy là văn chương phụ nữ làm phong phú cho văn chương nói chung. Riêng tôi, khi cầm bút viết, tôi không hề bị ám ảnh bởi sự có mặt của các nhà văn nữ.


Viên Linh: Tôi cũng vậy.


Dương Nghiễm Mậu: Văn chương nữ tuy vậy có thật sự đặt ra một số vấn đề mới. Tác phẩm họ nói họ còn đứng lại ở một số giới hạn nào đó. Có những vấn đề đã được đề cập tới. Nhiều vấn đề khác, chưa.


Viên Linh: Ngày trước đàn bà chỉ đông đảo ở một địa hạt là địa hạt trình diễn. Bây giờ họ cũng đông đảo ở cả lãnh vực sáng tạo.


Huỳnh Phan Anh: Hỏi tác phẩm đàn bà có gây được một tác động nào không, tôi thấy có. Nhưng đó chỉ là một xúc động tâm lý. Còn vì sự có mặt của văn chương nữ mà có sự duyệt xét, thẩm định lại hết thảy thì không phải. Đóng góp vào kiến thức người đọc, cho kiến thức đó không thiếu sót, một chiều, thì có. anh Mai Thảo đã đặt ra vấn đề ảnh hưởng và tác động của văn chương nữ. Tôi nhắc lại, nó chỉ là một xúc động tâm lý, không hơn không kém.


Nguyên Xuân Hoàng: Những nhà văn nữ nói đến đàn bà thường là xưng tôi, ở ngôi thứ nhất. Bây giờ, nói đến đàn ông, họ cũng xưng tôi, cũng ngôi thứ nhất. Như thế có mâu thuẫn với nhiều điểm chúng ta đã nhận xét ở phần trên không? Những nhà văn nữ không có một ưu tư văn chương nào sao?


Mặc Đỗ: Không có mâu thuẫn. Chúng ta không nói rằng tất cả những nhà văn nữ thiếu vắng ưu tư văn chương. Có chứ. Nhưng chỉ ở một số ít.


Nguyễn Nhật Duật: Nói chung, phong trào bộc phát của văn chương nữ hiện thời đã gây được một giao động, tôi thấy lớn hơn là một xúc động tâm lý đơn thuần ở phía người đọc, như ý kiến anh Huỳnh Phan Anh. Văn chương nữ giới quả có giúp cho người ta nhìn thấy rõ hơn về đời sống, về hạnh phúc. Giao động này rồi đây sẽ lắng chìm hay tồn tại? Đó lại là một chuyện khác.


Mặc Đỗ: Các nhà văn nữ đã đóng góp, bằng sự có mặt của họ, cho văn chương nhiều hơn là cho xã hội. Ảnh hưởng nếu có, cũng rất hữu hạn. Các nhà văn nữ đến nay mới chỉ phản ánh dược đời sống. Tác phẩm họ chưa thay đổi được đời sống. Trở lại cách viết, lối viết táo bạo. Trước kia, đàn bà sống e dè, che dấu, về một phương diện nào đó. Bây giờ, người đàn bà viết văn giúp cho người đàn bà ngoài đời sống táo bạo, đường hoàng hơn trước. Và mới chỉ là thế.


Mai Thảo: Nếu văn chương có những người mở đường, thì ở phía phụ nữ, những nhà văn nữ hiện nay của chúng ta đích thực là những người mở đường. Đó là một sự thật không thể phủ nhận. Trước kia không có văn chương nữ giới. Bây giờ có, và những nhà văn nữ hiện nay là những nhà văn nữ thứ nhất của chúng ta, hiểu nhà văn theo cái nghĩa đầy đủ của danh từ nhà văn. Về vị trí, về chỗ đứng thì là như thế. Nhà văn nữ không còn chịu đựng trên một đường lề chênh vênh nào nữa. Mà đã ở hẳn trong sinh hoạt, có mặt ở hết thảy mọi địa hạt trước kia chỉ là sự có mặt duy nhất của nam giới.

Địa hạt mà các nhà văn nữ đến giờ đã đóng góp được nhiều nhất hiển nhiên là địa hạt tiểu thuyết. Thế giới tiểu thuyết nữ tuy chỉ mới được tạo dựng khoảng năm, bảy năm trở lại đây đã rất phong phú. Trước hết, vì những cây viết nữ hàng đầu hiện nay của chúng ta, mỗi người đều chói sáng một bản sắc riêng tây. Túy Hồng linh động, giàu có, vô tận, trong nghệ thuật diễn tả những tình tiết quay động, lắt léo. Trùng Dương phóng khoáng trong cả sống và viết là hình ảnh người đàn bà tự do, độc lập bây giờ. Nguyễn thị Hoàng như một dòng sông tình cảm ào ạt càng ngày càng đi tới chế ngự, làm chủ được một bút pháp tinh vi, thuần thục hơn trước. Nhã Ca làm thơ hay, khi viết truyện, truyện nào cũng có một vấn đề thời thế, xã hội nóng bỏng lồng đựng trong nó. Nguyễn thị Thụy vũ hồi trước nổi tiếng là táo bạo nhất, bây giờ đã tự chế, đã trầm tính, là cái thái độ tốt của một người viết muốn thực hiện tác phẩm lớn. Nguyễn thị Vinh tuy vẫn ở lại với cõi văn chương Tự Lực Văn Đoàn, nhưng đã đạt được những tiến bộ đáng kể so với Nguyễn thị Vinh ngày trước. Thêm một Trần thị NgH. làm kinh ngạc với mấy truyện ngắn đầu tay, và rõ ràng là các nhà văn nữ tôi vừa kể tên, nếu chưa làm mới được văn chương nói chung, đã tạo được cho văn chương nữ giới một kích thước, một khuôn mặt mới. Vậy mà họ mới bắt đầu đó thôi. Triển vọng của họ là ở đó. không phải ở những cái họ đã thực hiện được. Mà ở nơi họ chỉ mới bắt đầu. Tôi gọi chung đó là một thế lực văn chương đồng chuyển động. Trong khi ở phía nam, nhiều thế lực đã kết thúc, đã đứng lại.


Viên Linh: Họ là những người nữ đầu tiên vén màn cho ta nhìn vào thế giới đàn bà.


Mặc Đỗ: Tôi nhắc lại đề nghị đã đưa ra: một bàn tròn khác phải được tổ chức và mời các nhà văn nữ tới. Cho họ phát biểu về chính họ, về những đặc tính của văn chương phái nữ. Như thế, vấn đề và hiện tượng văn chương đàn bà mới được chiếu sáng một cách đầy đủ và xác thực hơn.


Nhiều Tác Giả

Thư Quán Bản Thảo số 61, Tháng 10-2014
Chủ Đề: Hiện Tượng Văn Chương Nữ Giới Miền Nam


$TacGiaBaiViet = 'Nhiều Tác Giả'; ?>