Cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc và Văn Việt đã ưu ái trao giải thưởng cho tôi.
Nhà văn Mai Sơn
Đây là một vinh dự, và là một niềm vui lớn.Như một làn gió mát trong những ngày nóng nực này. Và tôi lại còn được ban tổ chức dành cho vài phút để trình bày một vài ý nghĩ tản mạn liên quan đến truyện ngắn.
1. Tôi phải nói ngay rằng tôi thấy không có gì lấn cấn khi trước hết nhắc đến một truyện ngắn rất hay của nhà văn Nguyên Ngọc, đơn giản là vì vẻ đẹp của nó còn mãi trong tôi suốt mấy chục năm qua. Đó là truyện ngắn “Rẻo cao”. Đại khái “Rẻo cao” kể chuyện một nhân viên bưu tá người dân tộc mù chữ. Trước mỗi lần đi đưa công văn, anh cuộn tròn từng cái lại và thắt nơ bên ngoài để biết địa chỉ người nhận. Ví dụ, nơ màu đỏ là công văn đến chủ tịch xã Ngọc; màu tím là Chủ tịch Hội Phụ nữ Kim Cúc; màu xanh lá cây là Xã đội trưởng Sơn… Rất ấn tượng. Nhớ mãi. Nhà văn Nguyên Ngọc đã để lại sau truyện ngắn này cái quan trọng nhất của nghệ thuật viết truyện ngắn, như ông tổ viết truyện ngắn người Mỹ Edgar Allan Poe đòi hỏi và nêu gương: một ấn tượng, một ấn tượng duy nhất.
Truyện ngắn là một lát cắt về con người. Đọc truyện ngắn là đọc cái lõi cây, cái vỏ cây, chiếc lá, cành nhánh, bông hoa mà vẫn có thể hình dung ra một cái cây – một cuộc đời.
Nó không phải là một công trình tâm lý học đúc kết toàn diện về một con người như Dostoievsky từng làm trong các tiểu thuyết của ông, khiến cho triết gia Nietzsche ngạo mạn nhất trong lịch sử tư tưởng cũng phải thừa nhận là đáng học hỏi.
Không như Dos. và các nhà tiểu thuyết có trong tay rất nhiều công cụ để trình bày một cuộc hiện sinh trọn vẹn, nhà văn viết truyện ngắn chỉ có thể được chọn một thủ pháp thích hợp nhất. Không nên nhiều hơn. Không thể nhiều hơn.
Trong viễn tượng đó, khi đã chọn truyện ngắn để làm văn chương, nhà văn biết phải làm gì với những giới hạn vài ngàn từ, một hai nhân vật, một xung đột, một bối cảnh.
2. Dù hiện thực có mênh mông ngập lụt cách mấy, truyện ngắn cũng có cách chưng cất nó thành những tình huống cá biệt. Truyện ngắn tự bản thân nó có sức mạnh cưỡng chống lại hiện thực quá hạn (hyper-reality) không cho nó tràn lên xóa tan hay làm bá chủ cấu trúc nhỏ gọn của mình. Thấy được điều này là nhà văn viết truyện ngắn đã đi được một nửa đoạn đường nghệ thuật của thể loại.
Nhưng mặt khác, viết truyện ngắn, là nỗ lực vượt thoát cái khuôn khổ chật hẹp đó, để bằng cách nào đó mở rộng thêm cương vực của một nghệ thuật lâu đời theo đòi hỏi của người đọc ngày hôm nay mà không phá bỏ luật chơi của nó. Luật chơi của truyện ngắn là: kể những câu chuyện chất chứa, bùng nổ, hàm súc, âm vọng, ám ảnh… Thường khi là những công án để chiêm nghiệm.
Câu chuyện trong truyện ngắn “Chỉ cạo râu thôi” của Hernando Tellez (Columbia) diễn ra trong một tiệm hớt tóc nhỏ. Người thợ hớt tóc đồng thời là một du kích quân nằm vùng. Người khách vào hớt tóc cạo râu hôm đó là một đại úy, vốn đã giết rất nhiều du kích quân. Và người thợ hớt tóc được giao nhiệm vụ trả thù. Cái gáy của kẻ thù hôm ấy nằm ngon lành dưới lưỡi dao cạo sắc lẻm của mình, nhưng người thợ hớt tóc không thể làm gì được hắn ta. Và tác phẩm hoàn tất của người thợ hớt tóc là một cái đầu tóc và khuôn mặt đẹp chứ không phải là một vụ sát hại.
Giết người không phải dễ, nhất là khi nó xung đột với việc thực hiện thiên chức của ta.
Một truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn (mà tôi không nhớ tên) cũng có sức ám ảnh tương tự. Theo tôi đây là truyện ngắn đặc sắc tầm cỡ thế giới. Truyện kể về một người lính giữ tù trong buổi chiều lạnh lẽo ngồi đốt lửa để sưởi ấm; cuối truyện, tôi nhớ đại khái, “anh ta đứng dậy, khoác súng, dứt khoát đi sâu hơn vào cánh rừng phía sau các lán trại”.
Mùi khói làm anh ta nhớ nhà, khiến anh ta trở nên rất con người; nhưng công việc khiến anh ta có dáng dấp của một con thú, với bản năng thích chui sâu vào trong rừng.
Đọc truyện này thì không dưng liên tưởng đến truyện “Bản đồ nước Pháp” của Albert Camus. Đọc lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ, nhưng đại để truyện kể một sĩ quan dẫn giải một tù binh về trại giam. Qua mấy ngày đi đường, viên sĩ quan có vẻ “cảm thông” với người tù binh. Và khi sắp đến ngã ba, từ trên cao có thể nhìn thấy một con đường mòn nhỏ dẫn về trại giam, một con đường khác lớn hơn dẫn đến… cuộc sống tự do, viên sĩ quan quyết định cho người tù một cơ hội. Anh thả y. Từ trên mỏm dốc cao, viên sĩ quan lòng nhẹ nhõm đứng nhìn y bước đi. Nhưng, chưa hút xong điếu thuốc, viên sĩ quan sửng sốt thấy người tù binh lầm lũi đi vào con đường mòn nhỏ.
Bản năng trở lại rừng, chịu làm nô lệ để được an toàn không dễ gì rời bỏ con người, đặc biệt khi chiến tranh và những hoàn cảnh nghiệt ngã bao vây nó.
Bản năng của con người là cúi xuống để yên thân… Sử gia Mỹ Will Durant viết về thời Cách mạng Pháp: Những cái đầu cúi xuống thì sống lâu.
Khi đã rút ra những chiêm nghiệm như vậy sau mỗi truyện ngắn có chất chứa trí lự, mà không biết là có đồng nhất với sự chiêm nghiệm của tác giả hay không, tôi đi đến chỗ nghĩ rằng truyện ngắn là hư cấu hóa (fictionalize) những tư tưởng hệ trọng có liên quan đến thân phận con người, làm cho nó sống động trong những câu chuyện nhân thế.
Nhưng dù hệ trọng đến đâu, những tư tưởng này không bao giờ có ý định mở rộng thành hệ thống logic, càng không có ý định phát triển thành chân lý. Nó dừng lại trong khuôn khổ của nó, với tác giả của nó lúc ấy cũng không muốn lý giải gì thêm nữa. Trong viễn tượng đó, mỗi truyện ngắn là một động thái tóm bắt một khoảnh khắc hiện sinh, một trạng thái nhân sinh, một tư tưởng, một thái độ trong một tình huống nhất định.
Theo tôi, những truyện ngắn thành công như những công án chiêm nghiệm đó sẽ trở thành những giá trị văn học, thậm chí là giá trị tư tưởng đạo đức của nhân loại, chứ không phải chỉ là những đóng góp như là đặc sản của quốc gia, dân tộc, tôn giáo.
Cần có nhiều truyện ngắn hay để tất cả sắc màu cuộc sống trần gian được phô diễn. Để thấy cuộc sống mênh mông và đa tạp như thế nào và chắc chắn là không có một hệ thống nào, dù là triết học, chính trị, tôn giáo, khoa học có thể thâu tóm được nó. Con người cá nhân luôn có chỗ đứng sống động đặc biệt trong truyện ngắn.
Mỗi người là một cõi riêng. Và thể loại truyện ngắn được sinh ra để làm nhiệm vụ trình bày cõi riêng đó.