13-01-2015 | VĂN HỌC

Từ Nam Phong Tới Bách Khoa

   NGUYỄN VĂN LỤC

1. CON ĐƯỜNG TỪ NAM PHONG


Trong số Nam Phong 154, tháng chín 1930, Phạm Quỳnh có dịch lại một bài viết của chính ông nhan đề: Ce que sera l'Annam dans cinquante ans, đăng trong France-Indochine. Trong những điều mà Phạm Quỳnh mong mỏi cho một nước Việt Nam tương lai là có một nền giáo dục không phải chỉ đào tạo ra một số thầy thông thầy ký. Một lối học chỉ để "đi làm mướn" hoặc đi làm quan tước mà ông vốn không ưa. Ông viết: "Người thanh niên An Nam bây giờ bập bẹ nói chút tiếng Pháp có thật đã văn minh, đã hấp thụ được nhiều Văn hóa hơn các cụ nho ngày xưa chưa?" Và cái lòng mong mỏi của ông cũng như người đi trước ông là Nguyễn Văn Vĩnh (tạp chí Đông Dương chỉ tồn tại có ba năm từ 1913-l916) là làm báo để dạy tiếng mẹ đẻ, viết tiếng mẹ đẻ cho con dân Việt.


Cái tương lai mà Phạm Quỳnh mong mỏi và tiên đoán về tiếng Việt đã đạt được. Không phải đợi đến 50 năm sau mà chỉ sau 30 chục năm, tiếng Việt đã trở thành thứ ngôn ngữ có chuẩn mực, được giảng dạy từ tiểu học, trung học và cả đại học.

Sự thành công đó có sự đóng góp rất nhiều của báo chí, trong đó có Nam Phong. Đó cũng là mục tiêu của bài viết này: Hành trình từ báo Nam Phong đến Bách Khoa. Và phải chăng Bách Khoa là điểm hẹn của con đường đi của chữ việt, từ dạng thô sơ đến hoàn chỉnh?



   Trang bìa Số 1, năm 1917
      (wikipedia)

Phạm Quỳnh ra làm báo Nam Phong từ 1917-1932 (Báo NP tiếp nối đến 1934), sau đó nhận chức Thượng thư bộ học ở Huế. Trong vòng 15 năm làm báo, ông đã gây được một phong trào báo chí với một số cây bút như Nhuyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nhuyễn Bá Trác, Nhuyễn Đôn Phục, Nhuyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật và đặc biệt có hai người trẻ tuổi là Đông Hồ và Tương Phố.


Sau này Đông Hồ và Tương Phố là gạch nối từ Nam Phong đến Bách Khoa. Cả hai đều viết và cộng tác với tờ Bách Khoa.

Câu chuyện như thể phải được coi là kỳ thú.

Chỉ chưa đầy 30 năm sau câu hỏi trông đợi của Phạm Quỳnh trở thành sự thực hiển nhiên.

Tiếng Việt đã đi những bước chân của người khổng lồ.


Cần phải nhắc nhớ nhau rằng, thời của Trương Vĩnh Ký trong Nam, thứ chữ gốc La Tinh này đã có mặt, nhưng không ai chịu học cả. Phải ra lệnh ép người ta mới chịu học. Con đường đi của chữ quốc ngữ cũng nhiều gian nan, đánh dấu bằng những cột mốc lớn như có Gia Định báo, rồi truyện Kiều, Lục Vân Tiên được phiên âm sang chữ quốc ngữ. Chưa kể chương trình của Đông Kinh Nghĩa Thục kêu gọi hô hào hai điều: Cắt búi tó củ hành và học chữ quốc ngữ vào những năm 1907.


Rồi đoạn đường tiếp nối Nam Phong với sự ra đời của Tự Lực Văn Đoàn với Phong Hóa, Ngày Nay 1932-1940. Nếu Phạm Quỳnh xây dựng chữ quốc ngữ với sự "phát hành ra hàng ngàn tiếng mới", mở đường, xây dụng thì TLVĐ làm "phong phú, đơn giản" chữ Quốc ngữ. Chỉ có một điều bất công là TLVĐ đã mang Phạm Quỳnh ra chế diễu đủ kiểu. Vì thế sau này đến lượt TLVĐ lại trở thành nạn nhân của nhóm Sáng Tạo?

Sau đó, có một khoảng trống văn học từ 1940-1954. Khoảng trống vì có chiến tranh Việt-pháp.


Trong Nam, sau 1955, có một sự bùng nổ văn học. Không có cuộc di cư của một triệu người, thử hỏi có thể nào có một sự bùng nổ văn học như thế không? Chắc là không. Cuộc di cư ấy gắn liền vào định mệnh cũng như tương lai lịch sử chính trị kinh tế, học thuật của miền Nam sau 1955.

Trong đó có báo chí.


Bùng nổ thứ nhất là tiếng Việt được giảng dạy từ tiểu học, trung học và sau này cả đại học. Bùng nổ thứ hai là báo chí được hồi thịnh đạt với rất nhiều báo chí ra đời. Báo chí đã có những thay đổi lớn lao khác xa thời của Phạm Quỳnh với các nhóm Sáng Tạo, rồi Bách Khoa.


Nếu sự nghiệp Nam Phong với Phạm Quỳnh là làm giàu thêm về tiếng Việt, về dịch thuật, về phổ thông, về học thuật, về tư tưởng Tây phương và khảo cứu về văn minh, chính trị nước Pháp. Sự nghiệp ấy có thể được nối tiếp sau này với tờ Bách Khoa vào năm 1957 với đầy đủ các kiến thức đủ loại: Từ văn chương đến nghệ thuật, đến khảo cứu phê bình, đến sử học và triết học Đông Tây...


Và xin trích dẫn lời nhận định của Vũ Ngọc Phan, trích lại từ Thế Kỷ 21, số 122, về Phạm Quỳnh như sau: "Một người chỉ biết đọc quốc ngữ mà có khiếu thông minh có thể dùng tạp chí Nam Phong để mở mang học thức của mình. Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta sẽ không thể nào quên được tạp chí Nam Phong vì nếu ai đọc toàn bộ tạp chí này cũng phải nhận là rất đầy đủ, có thể giúp cho người học gia một phần to tát trong việc soạn một bộ Bách khoa toàn thư bằng Quốc văn."


Chính trong cái ý trên mà người viết bài này muốn nối kết lại con đường học thuật từ Nam Phong tới Bách Khoa. Phải nhìn nhận rằng con người Phạm Quỳnh đã làm được nhiều điều mà cộng chung tất cả những người cộng tác với ông cũng không thể so sánh bằng. Văn học, chính trị, chữ quốc ngữ thời Phạm Quỳnh giống như một cánh đồng với luống cầy vỡ đất. Phạm Quỳnh là người cầy xới mảnh đất đó lên và vun xới chăm sóc.


Và kể từ Phạm Quỳnh đến Bách Khoa, số phận văn học đã có những lúc nổi trôi cùng với số phận đất nước để sau cùng có được những điều như ngày hôm nay. Tôi chỉ biết kinh ngạc và cảm phục những nhà văn, nhà báo của thời kỳ Nam Phong cũng như Bách Khoa sau này.


Họ đã làm được những điều phi thường, đã đóng góp, xây dựng cho công việc này. Mặc dầu, những bài báo của Phạm Quỳnh còn nặng lối văn biền ngẫu, lý luận cũng sắc bén mà cũng ngây ngô về những điều mà bây giờ chỉ là những kiến thức khá sơ đẳng. Nhưng chúng vẫn có giá trị tinh thần của những người đi bước đầu. Khó lắm và cũng gian nan lắm.


2. CON ĐƯỜNG TIẾP NỐI CỦA BÁCH KHOA


Mục đích chính của bài viết này là chặn đường Bách Khoa. Những gì Nam Phong chưa làm, Phạm Quỳnh chưa viết, hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện, hoặc chưa phải lúc thì Bách Khoa và các tạp chí văn học khác đã làm được.


VỀ LÃNH VỰC TIỂU THUYẾT, THI CA


Phạm Quỳnh hầu như không để tâm mấy về lĩnh vực này. Trừ cuốn La Poesie Annamite xuất bản 1931. Từ cái thi ca Việt Nam trong Poésie Annamite này đến thứ thi ca của Nguyên Sa, Quách Thoại, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư. Chắc là khác xa nhau lắm. Đó là khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Phần Phạm Quỳnh, ông chỉ viết về những bài du ký như truyện đi dự Đấu xảo ở Paris với Pháp du hành trình nhật ký, Mười ngày ở Huế hay Một tháng tại Nam Kỳ. Sau này, theo sự tiết lộ của gia đình, ông đang viết dang dở một bản văn tìm thấy trên bàn viết sau khi ông bị Việt Minh bắt dẫn đi và được coi như tùy bút với nhan đề: Hoa Đường tùy bút. Thật ra gọi là tùy bút, nhưng đọc nội dung cho thấy đó chỉ là những Meditations, những suy niệm về cuộc đời, về lẽ sống ở đời hay về thế thái nhân tình hơn là thứ Tùy Bút theo nghĩa bây giờ. Thứ tùy bút của một Nguyễn Tuân, của Mai Thảo, của Vũ Bằng và nhất là tùy bút của Võ Phiến.


Thật ra, muốn làm giầu và phong phú cho tiếng Việt thì không thể không viết và đọc truyện, đọc thi ca, đọc tùy bút. Những công việc này không nhất thiết chỉ Bách Khoa đã làm mà hầu hết cáp tạp chí trong Nam, sau 1955 chú trọng đến phần Văn học, nghệ thuật dưới nhiều dạng thơ, văn, truyện, tùy bút.

Họ đã bỏ xa cái thời của Phạm Quỳnh.


Nhưng thơ văn, truyện, trong Bách Khoa cũng không hẳn là "mặt mạnh" của tờ báo, mặc dầu sau này, có các nhà văn như Phan Văn Tạo và trẻ như Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nhuyễn Mộng Giác, Thế Uyên v.v... Đặc biệt dưới dạng gọi là Tạp bút và tùy bút thì có sự đóng góp của Võ Phiến khá nhiều coi như thành công và xuất sắc của tờ Bách Khoa. Ông có khoảng vài chục tùy bút như: Một ngày để tùy nghi, Cái còn lại, Mùa xuân con én, Nhớ làng, Những đám khói... Và Tạp luận như Vui buồn, Nhìn lại 15 năm Văn Nghệ Miền Nam, Đông Tây.


Võ Phiến có cái tỉ mỉ chi li từng sợi tóc, tế vi, nhẹ nhàng, không phấn son kiểu Mai Thảo. Nhưng có những nhận xét góc cạnh và sắc bén trong đó.

Hay như Nguyễn Ngu Í, một trong những người viết nhiều cho Bách Khoa với nhiều bài viết, nhất là viết về những nhà văn, nhà báo. Sau này, ông tập trung tất cả những bài trên Bách Khoa in thành sách mang tựa đề Sống Và Viết. Khá là sinh động và trung thực. Viết có gói ghém một tấm lòng, dễ ưa mà đọc ông.

Nguyễn Hiến Lê thì đem ngôn ngữ Việt vào khắp chốn: từ giáo dục đến lịch sử đến văn chương, dịch thuật và cao chót cả đến triết học.


VỀ MẶT BIÊN KHẢO


Thời kỳ Nam Phong đã có nhiều người cộng tác như quý ông Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đôn Phục và các nhà văn nhà thơ như Phạm Duy Tốn (thân phụ Phạm Duy), Đông Hồ và Tương Phố.


Mặc dầu vậy, tên tuổi Phạm Quỳnh vẫn nổi bật trên tất cả những người cộng tác ở trên về mặt dịch thuật và biên khảo. Theo nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, cái vốn liếng ấy, cái vốn liếng học thức hơn người ấy của Phạm Quỳnh chỉ có được với 9 năm Phạm Quỳnh làm việc ở trường Viễn Đông Bác Cổ. Mặc dù đỗ đầu trường Hậu Bổ, năm 1908. Phạm Quỳnh đã không đi theo con đường hoạn lộ. Theo đường đó thì Phạm Quỳnh sẽ rơi vào cái cảnh "sáng vác ô đi, tối vác về". Hay tệ hơn như ông viết, lối giáo dục của Tây chỉ đào tạo được các thầy thông, thầy phán ti toe mấy chữ tiếng Tây và "đi làm mướn". Và như lời nhận xét của Đoàn Văn Cầu về Phạm Quỳnh: "Kiến văn quảng bác của tiên sinh được hun đúc phần lớn ở trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ" (Trích Tạ Chí Đại Trường, thế kỷ 21, số 122, tháng sáu 1999, trang 42). Sau này, 15 năm làm báo, Phạm Quỳnh đã dùng cái sở học chín năm của trường VĐBC giúp Phạm Quỳnh đi sâu vào các lãnh vực triết học, văn học, văn chương kim cổ. Và rất nhiều người đọc thời ấy đã là học trò Phạm Quỳnh theo nghĩa đọc Nam Phong để có cơ hội mở mang thêm kiến thức.


Dĩ nhiên, nếu so sánh với những hiểu biết bây giờ thì công việc của Phạm Quỳnh chỉ là giới thiệu tổng quát trào lưu tư tưởng Tây Phương như các học thuyết của Rousseau 1712-1778. Montesquieu, 1689-1755. Voltaire 1694-1778. Tôi tự đặt vấn đề là tại sao Phạm Quỳnh lại chọn các nhà tư tưởng như Rousseau, Montesquieu, Voltaire của thế kỷ 18? Có cổ quá không? Phải chăng chỉ vì những tư tưởng chính trị, xã hội của các nhà tư tưởng này thích ứng được cho xã hôi, chính trị Việt Nam lúc bấy giờ? Khảo luận về Rousseau hay Montesquieu là tự mình lùi về hai thế kỷ ở đằng sau? Trong khi đó thì sau cách mạng 1789, nước Pháp về mặt tư tưởng đã bỏ xa những nền tảng triết lý, chính trị, giáo dục của Rousseau hay Montesquieu rồi. Ngoài ra, ông còn giới thiệu tư tưởng Đông Phương như Phật giáo, Khổng giáov.v... Những tư tưởng đó cả ngàn đời vẫn là thế nên chẳng có thể làm gì khác được.


Nhưng dù thế nào, đối với thời ấy, phải nhìn nhận rằng, cái mặt mạnh, trổi bật của Phạm Quỳnh và Nam Phong, chính là phạm vi biên khảo học thuật. Nó giới thiệu các tư tưởng học thuật ấy đối với đa số bạn đọc còn mù mịt về thế giới Tây Phương. Và coi như là những khám phá mới, những bước khai sáng mở đầu. Nhiều bạn đọc đã hẳn coi tạp chí Nam Phong cũng như Phạm Quỳnh là thày dạy cho cả một thế hệ.

Đã có một thế hệ Nam Phong. Thế hệ Phạm Quỳnh.


Cũng theo con đường đó, cái mặt mạnh nhất của Bách Khoa sau này là phần biên khảo. Nhưng là biên khảo về những nhà tư tưởng, triết gia đương thời, thế kỷ 20 mà không phải thế kỷ 18 như trước đây nữa.

Cộng thêm là những biên khảo về đủ mọi mặt.

Có thể mặt trổi bật và mạnh nhất của Bách Khoa là lãnh vực triết học. Thứ triết học đã ảnh hưởng trên phạm vi tư tưởng, văn học một phần lớn thế hệ thanh niên thời ấy.


NGÀNH TRIẾT HỌC



   Tạp chí Bách Khoa số 1 ngày 15-1-1957 (vietsciences.free.fr)

Việc giới thiệu triết lý hiện sinh hay các thuyết cơ cấu luận, hiện tượng luận, tuy là rất mới mẻ đốí với Việt Nam, nhưng cũng đã kể là trễ so với bên Pháp. Vì những triết gia này đã nổi tiếng một thời ngay sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Trễ gần hai chục năm. Nhưng có sao? Cũ người, nhưng mới ta là được rồi.


Lần đầu tiên các danh từ như nôn mửa, phản kháng, tù đầy, hư vô, tự thân, en soi, pour soi, tha nhân, thân phận, hỏa ngục, lưu đày, hữu hạn, vô hạn tràn ngập văn chương tiểu thuyết, nơi cửa miệng thanh niên thiếu nữ. Hai tác giả đóng góp nhiều hơn cả trên Bách Khoa là Nguyễn Văn Trung và Trần Thái Đỉnh. Nguyễn Văn Trung với 50 bài viết đủ loại và Trần Thái Đỉnh 30 bài. Tất cả những bài viết đó thường liên quan đến những triết gia đại diện hàng đầu nhu J.P Sartre, Heidegger và nhà văn như A. Camus. Cao hơn một chút, có mhững bài biên khảo về thuyết Hiện tượng luận và Cơ cấu luận. Nhưng để hiểu được nội dung những cơ sở lý thuyết này, chắc cần kinh qua ngưỡng cửa đại học.


Nội dung những bài viết của Nguyễn Văn Trung có tính cách tản mạn triết học như Tự tử, Cần lao, Tình yêu trong tác phẩm kịch của G. Marcel, Trường hợp F. Sagan hay vấn đề luân lý trong tiểu thuyết, Cái nhìn hay đám cưới với cuộc đời, Chủ nghĩa hiện sinh (Trả lời phỏng vấn của Trần Thái Đỉnh).


Nội dung các bài viết của Trần Thái Đỉnh có tính cách trường ốc, sư phạm. Ông đã viết đều đặn liên tiếp mấy chục bài trên Bách Khoa như Siêu Việt thể của Jaspers từ số 125-126-127. Sartre hay là thuyết Hiện sinh phi lý, số 132. Kierkegaard, ông tổ của triết học hiện sinh chính thúc, số 117, 118. Tổng kết về phong trào Hiện sinh, số 135 136. Những bài viết của Trần Thái Đỉnh đã giúp ích rất nhiều cho bất cứ ai muốn mon men vào lãnh vực triết học, hiểu được những nét cơ bản về các triết gia hiện sinh. Công của Trần Thái Đỉnh không phải là nhỏ đối với đa số bạn đọc.


Về triết Đông Phương tương đối còn mới mẻ trong đại học nên phần đông là sự đóng góp phần dịch thuật hoặc chú giải. Có một số tác giả như Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Hiến Lê... Sau này có Kìm Định viết rất nhiều về Triết Đông với một góc độ nhìn từ Triết Việt với các bộ sách khoảng 30 cuốn như: Nhân chủ, Những dị biệt giữa hai nền triết học Đông Tây, Sứ điệp trống Đồng và đặc biệt hai bộ Cửa KhổngChữ Thời. (Muốn đọc thêm thêm Kim Định, xin mời vào (dunglac.org)


VỀ KHOA NGÔN NGỮ


Chúng ta không thể ngờ rằng khoa ngôn ngữ học đã khởi xướng rất sớm với Trương Vĩnh Ký (1837~1898). Trước Phạm Quỳnh. Trước Nam Phong của Phạm Quỳnh cũng vài chục năm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi bằng cách nào, không học qua bất cứ trường ốc nào? Truơng Vĩnh Ký đã trở thành nhà ngôn ngữ học, một nhà bác học của Việt Nam? Ông là người đồng thời với những nhà ngữ học tài danh thế giới như F. de Saussure. Dựa vào sự nghiệp trước tác của ông cho thấy có đến 52 công trình viết cửa ông về ngôn ngữ, chiếm 43% công trình trước tác của ông.


Bẵng đi một khoảng cách gần 100 năm, chúng ta không có những người kế tục Trương Vĩnh Ký. Tờ Nam Phong thì không ai đá động gì đến ngôn ngữ học.

Đó là một lỗ thủng văn học về ngôn ngữ học từ Nam Phong, kéo dài qua nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Kể cũng là điều kỳ lạ.


Sau này, ở miền Nam, chẳng biết do duyên văn học nào mà có một số không nhỏ các tác giả đi sâu vào lĩnh vực ngữ học. Thoạt đầu có thể là linh mục Lê Văn Lý có bằng tiến sĩ với tác phẩm Le Parler Vietnamien, thập niên 1940-1950, giáo sư Đại học văn khoa Sài Gòn. Các vị khác nối đuôi theo đều cũng tự học như Trương Vĩnh Ký. Đó là các quý ông Nguyễn Bạt Tụy, Trương Văn Chình, Nhuyễn Hiến Lê, Lê Ngọc Trụ và Trần Ngọc Ninh, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, nhà văn Bình Nguyên Lộc. Không viết cho Bách Khoa, nhưng có công trình khảo cứu về ngữ học phải kể thêm linh mục Nguyễn Hưng, nhất là linh mục Nguyễn Huy Lai.


Đa số họ viết cho Bách Khoa, rồi ra sách với các công trình nghiên cứu như Khảo luận về ngữ pháp, Ngôn ngữ học Việt Nam, Bàn về Thinh tiếng Việt, về chính tả tự vị.

Mặc dầu là những đề tài chuyên môn, nhưng chịu khó mầy mò thì cũng có thể hiểu được đôi phần. Nhờ những công trình khảo cứu như thế, có thể coi tờ Bách Khoa như một thứ bách khoa tự điển bỏ túi.


VỀ LÃNH VỰC SỬ HỌC


Đây là môn học lâu đời nhất của Việt Nam. Nhiều bộ sách sử được viết ra kể không hết như: Sử Quốc triều chánh biên toát yếu, Hoàng Lê nhất thống chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Vũ Biên tạp lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lực tiền biên, Gia Định thông chí, Đại Nam liệt truyện tiền biên... Có thể nói tắt một lời, sử học là ngành học lâu đời và phong phú với hằng trăm sách nghiên cứu, hằng trăm tác giả đủ loại. Chưa kể cũng đến hằng trăm sách sử mà tác giả phần lớn là người Pháp.


Phần sử học viết trong Nam Phong tạp chí cũng không nhìều. Quá ít nữa, gần như không được ghi chép lại. Nhưng tôi cũng tìm thấy được một số tài liệu trong phần phụ lục, viết bằng Hán Văn. Chẳng hạn viết về Ngọc Hân Công Chúa và qua Quang Trung trong Nam Phong số 103, số 177, số 111, năm 1926. Sau này, ông Tạ Quang Phát đã phê dịch và được đăng trong Tập san Sử địa, số đặc biệt về Quang Trung.


Từ những tài liệu sử viết bằng chữ Hán, trong phần phụ trương của Nam Phong đến các sử liêu viết trên Bách Khoa có một khoảng cách lớn cả về số lượng bài vở lẫn số lượng tác giả.


Người đầu tiên tôi muốn nhắc tới là Nguyễn Thiệu Lâu, tốt nghiệp sử học ở Pháp, chuyên chú về nhà Tây Sơn. Sau này có những nhà sử học trẻ hơn mà tôi rất quý mến. Đó là truờng hợp Tạ Chí Đại Trường. Ông có trình luận án cao học với đề tài: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, từ 1771 đến 1802. Ông viết rất sắc bén, phân tích kỹ lưỡng. Ông viết chẳng những cho Bách Khoa mà còn cho Tập San sử địa cũng như tạp chí Đại Học.

Đây là người có chân tài.


Xin được liệt kê một số bài cửa ông như: Vai trò cửa Nguyễn Huệ trong chế độ quân chính, Chiến thắng Nguyễn Huệ trước viện binh Trung Hoa, Dân Đại Việt ở cuối thế kỷ 18, Góp thêm về phổ hệ Tây Sơn và chân dung anh em họ.


Ngoài Tạ Chí Đại Trường không thể quên một tên tuổi có vẻ xa lạ đối với độc giả người Việt. Đó là ông Chen Ching Ho, tên Việt là Trần Kinh Hòa. Tôi không chắc là ông có viết cho Bách Khoa không? Ông viết rất nhiều dựa trên văn bản như: Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên, Kẻ chợ, Thành trì Chí của Trịnh Hoài Đức.


Đối với giới sử học miền Nam, chắc hẳn ông là người được kính nể không ít.

Tôi cũng nhận ra ở miền Nam, có một xu hướng viết sử trân trọng, cổ súy Quang Trung Nguyễn Huệ trong đó có các tác giả Hoàng Xuân Hãn với La Sơn Phu Tử, Hồ Hữu Tường, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Tạ Quang Phát, Đặng Phương Chi, Phạm Văn Sơn... Và sau này, tôi cũng thấy xu hướng viết về Tây Sơn tương tự như vậy ở miền Bắc.


Thứ đến, tôi có cảm tưởng môn sử học là nơi ra vào của bất cứ ai, không cứ là nhà sử học. Vì thế có thể thấy tên những tác giả như Nguyễn Đăng Thục, Vương Hồng Sển, Hoa Bằng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Kham, Lê Ngọc Trụ, Phan Văn Luận, Bửu Cầm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam va ngay cả thi sĩ Quách Tấn, Đông Hồ.


Nhân tiên đây, chúng tôi xin được một lần nêu danh tính tất cả các tác giả đã một thời đóng góp cho ngành sử học ở Việt Nam, kể từ sau 1955, bất kể là họ đã viết cho Bách Khoa hay không? Có thể tên tuổi họ còn thiếu sót.


Đó là Tạ Chí Đại Truờng, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Lâm Thanh Liêm, Phạm Văn Sơn, Thái Việt Điểu, Phạm Cao Dương, Trần Anh Tuấn, Quách Thanh Tâm, Nguyễn Khắc Ngữ, Đặng Phương Nghi, Nguyễn Huy, Phạm Long Điền, Trần Quốc Giám, Lê Thọ Xuân, Tô Nam, Lê Văn Ngôn, Bửu Kế, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Phương, Nguyễn Khắc Xuyên, Mai Chưởng Đức, Nguyễn Sao Mai, Chen Chin Ho hay Trần Kinh Hòa, Hồ Hữu Tường, Nghiêm Thẩm, Ưng Trình, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Như Lân, Tiên Đàm Nguvễn Tường Phượng, Nguyễn Như Lân, Thích Thiện Ân, Nguyễn Khắc Kham, Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Trần Huân, Lê Văn Hảo, Lê Hữu Mục, Tô Nam, Trần Nhân Thâm, Nhất Thanh, Lê Hương, Hãn Nguyên, Đào Duy Anh, Ưng Trình, Lê Thọ Xuân, Nguyễn Nhã, Nguyễn Văn Hầu, Trần Gia Phụng, Phù Lang Trương Bá Phát, Nguyễn Bá Thế, Lưu Hải Nam, Trần Trọng Kim, Lãng Hồ, Lê Thanh Cảnh, Lê Thành Khôi, Trương Bá Cần. Và có thể còn nhiêu tác giả khác mà chúng tôi đã thiếu sót không ghi chép đủ. Một phần dựa vào Tập san Sử Địa. Cũng do khoảng cách chính trị, chúng tôi thực sự không được biết nhiều đến các người viết sử miền Bắc.


Sự liệt kê danh sách nhiều người viết sử như thế chứng tỏ rằng thời kỳ Nam Phong tạp chí đã bị bỏ qua rất xa đến không ngờ được.


VỀ LUẬT PHÁP


Đây cũng là ngành khá mới mẻ mà thời kỳ báo Nam Phong hầu như không có một ai có sách vở, tài liệu nghiên cứu. Xin được vắn tắt một vài vị như quý ông Trần Thúc Linh và đặc biệt là quý ông Lê Tài Triển và Nguyễn Toại. Hình như ngoài đời, chức vụ của họ đều là thẩm phán cả.


Riêng ông Lê Tài Triển là người mà tôi nhớ nhiều nhất với bài viết về vụ án cầu Rạch Hào liên quan đến vụ tai nạn lật xe chết người trên đường Sài Gòn đi Vũng Tầu, liên quan đến con gái của ông triệu phú Nguyễn Đình Quát. Ông còn viết các bài như: Cá nhân đứng trước pháp luật, Nạn nhân với tố quyền của nạn nhân.


3. TỔNG KẾT BÀI THAM LUẬN TỪ NAM PHONG TỚI BÁCK KHOA


Con đường học thuật chẳng khác gì con đường Nam tiến. Từng bước, từng chặng đường lịch sử mà chúng ta đã đi qua. Nó đánh dấu những thăng trầm, những ngưng đọng cũng như những tiến bộ không ngừng.


Công khó là của nhiều người.


Nếu thời kỳ báo Nam Phong, xin mượn lời Thanh Lãng ca tụng Nam Phong tạp chí là một bộ Bách Khoa tự điển, kết hợp được tất cả tư tưởng mọi ngành từ khoa học đến văn chương và là tờ văn học có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay. Và rồi còn quy tụ được tất cả những nhà văn hóa thời danh của thế kỷ mà người đứng đầu là Phạm Quỳnh.


Tất cả những mỹ từ ấy chỉ cần chuyển hai chữ Nam Phong thành Bách Khoa thì đều đúng cả. Vì thế, con đường từ Nam Phong đến Bách Khoa là con đường thẳng, một chiều. Cái gì ở Nam Phong có thì Bách Khoa có hết, mà có hơn bội phần, có dồi dào và phong phú. Chỉ có vấn đề danh xưng là khi nói đến Nam Phong, người ta liên hệ trực tiếp ngay tới Phạm Quỳnh. Điều đó trở thành lúng túng và dè dặt hơn trong trường hợp của tờ Bách Khoa. Nhưng dù là một người hay nhiều người thì Bách Khoa vẫn là một thứ Bách khoa toàn thư cho bất cứ ai muốn mưu cầu mở mang kiến thức.


Bách Khoa là một bộ sách dạy cho bất cứ ai khi rời khỏi ghế nhà trường.

Nó là sự kéo dài từ trường học ra đến trường đời. Nó là thứ trường học liên tục, cập nhật và bổ túc cho những gì còn chưa đủ của truờng học. Cái gì chưa học ở nhà truờng thì học ở đây.


Một người anh của tôi thú nhận rằng ngoài, vốn liếng chuyên môn dành cho một y sĩ mà ông học ở trường Y khoa, hầu như tất cả vốn liếng kiến thức đủ thứ còn lại, ông đều nợ tờ Bách Khoa cả. Một thú nhận khiêm tốn mà không thiếu phần hãnh diện. Điều đó nói lên rằng, tờ Bách Khoa đã thực sự đóng góp cho nhu cầu văn hóa, học thuật cho tất cả tầng lớp thanh niên trí thức miền Nam như một hành trang giúp họ vào đời.

Miền Bắc đã không có được điều đó.


Cho nên sẽ không lấy gì làm lạ về sự tồn tại, có mặt lâu dài như thế của tờ Bách Khoa. Bởi vì hơn bất cứ tờ báo nào, nó đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu hiểu biết của một người.

Một điều nữa cần hiểu rằng sách vở chuyên ngành, sách vở khảo cứu của chúng ta chưa có đầy đủ, người viết cũng không có. Báo chí như Bách Khoa thay thế vai trò của sách vở, giải quyết tạm thời sự thiếu thốn ấy.


Vì thế, vai trò báo chí trong sự mở mang học thuật, kiến thúc là điều cần thiết, cấp bách không có không được.

Hiểu được như thế mới thấy vai trò của Nam Phong cũng như Bách Khoa quan trọng như thế nào. Con đường học thuật đi từ Nam Phong đến con đường của Bách Khoa là con đường Nam tiến mà chúng ta nên hãnh diện.


Nguyễn Văn Lục

Tân Văn, số 6, Tháng 1.2008