31-05-2012 | VĂN HỌC

Bách Khoa, nơi từ đó...

   TRÙNG DƯƠNG


   Tạp chí Bách Khoa số 141, năm 1962

Nếu bây giờ có ai hỏi tôi “xuất thân” từ đâu, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: “Từ lò Bách Khoa.”


Tôi nói lên điều trên không phải vì đây là bài viết đặc biệt cho Bách Khoa hay vì anh chị C. vốn có một đặc tính hiếu khách rất đáng phàn nàn đôi khi, vì ai đã thường lui tới Bách-Khoa đều cảm thấy những thăm hỏi mà anh chị C. dành cho người nào cũng như người nào, rằng mình không phải là thứ gì đặc biệt cả, song cũng chính vì vậy mà mỗi người tới Bách-Khoa đều cảm thấy nơi đó có một không khí gia đình đặc biệt. Tôi viết vì cảm thấy có bổn phận, cái bổn phận của một phần tử trong gia đình, nhân ngày giỗ kỷ niệm, không thể không trở về họp mặt với một món quà để góp mặt, bù vào những ngày lo làm ăn buôn bán, ở phương xa...


Thỉnh thoảng có dịp ghé qua tòa soạn Bách-Khoa, khi vui miệng kể về sinh hoạt hiện tại của mình, về những dự án tương lai, tôi thường bắt gặp trong đôi mắt của anh chị C. một tia lóe lên thích thú. Rồi nhân lúc câu chuyện tạm ngưng, thường là chị vừa cười vừa nói:


“Chóng thật. Mới ngày nào, hồi cô mới tới chơi với chúng tôi cách đây bẩy tám năm, tôi còn nhớ cô mặc cái áo dài hàng Nilfrane màu rêu, tay cầm cái bóp nhỏ bằng bàn tay, tóc cắt ngắn không uốn và cô cũng không cả dùng phấn son ... trông đến là thơ ngây.”


Đang huênh hoang nói cười về những dự án tương lai, nghe nhắc lại cái thủa “khi ấy em còn thơ ngây”, tôi không khỏi hơi thấy ngượng, nói chữa:

- Thì chị thấy bây giờ tôi cũng đâu có dùng son phấn và cũng đâu có thay đổi bao nhiêu đâu ...


Cách đây bẩy, tám năm. Lần đầu tiên xuất hiện dưới bút hiệu Trùng-Dương với truyện ngắn “Sao Rụng” đăng làm hai kỳ trên tạp chí Bách-Khoa với số tiền nhuận bút là một ngàn bảy trăm đồng và đó là lần đầu tiên tôi ăn một cái Tết hết sức là sang trọng, cái sang trọng đối với một sinh viên nghèo thường đến trường bằng một cái xe đạp cọc cạch như tôi.


>

Hồi đó tôi đang theo học năm thứ hai ở Luật. Tôi đến với Bách-Khoa qua lời giới thiệu của anh V.P. Tôi cũng không nhớ là trông tôi ngây thơ ở cái chỗ nào khi mà tâm hồn tôi lúc đó đang phải chịu đựng những khủng hoảng nặng nề của tuổi mới lớn – những khủng hoảng đến từ mọi phía dồn ép tôi vào một góc: bản thân, gia đình, học đường, xã hội... (Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi là sao hồi đó tôi chưa tự tử, dù ý tưởng đó đã đến với tôi hơn một lần). Cũng trong thời kỳ này tôi rất muốn có cơ hội tìm hiểu về nguyên nhân đã đưa đến sự thất bại của phe quốc gia vào những năm 45-54. Vì thế, sau khi đọc cuốn “Giã Từ” của anh V.P., tôi nảy ra ý định viết thư làm quen với anh. Trong thư có một đoạn như vầy:


“Tôi thèm khát cái kinh nghiệm của các ông hồi kháng chiến.” Lá thư hồi âm của anh V.P. có một đoạn như sau (vì tôi ký tên thật và bỏ chữ “thị” mà tôi vẫn chê là yếu ở giữa đi, nên anh V.P. đã ngỡ tôi thuộc phái nam) “... Còn tôi, tôi lại tiếc là không còn đủ hăng say để tham dự vào thời đại của các anh”. Chúng tôi quen nhau từ đó. Tôi đưa cho anh V.P. đọc một vài truyện ngắn của tôi viết và anh đã chọn “Sao Rụng” để làm quà ra mắt của tôi với Bách Khoa nói riêng, và giới văn nghệ nói chung.


Tuy thế, dù cơ hội đã đến với tôi từ năm 1965, nhưng tôi không thể sử dụng nó triệt để vì lý do: tôi vẫn còn đắm mình trong những cơn khủng hoảng nội tâm triền miên nên chưa có bao nhiêu bình tĩnh cũng như kinh nghiệm sống cần thiết cho sáng tác. Đó là nguyên do tại sao trong khi có nhiều cây bút đồng lứa và cùng đến với Bách Khoa đồng thời với tôi đã rời BK để tung mình ra ngoài và liên tiếp xuất hiện trên nhiều tạp chí quen thuộc với tâm trạng của một kẻ táo bón kinh niên về văn chương. Đã thế, lâu lâu viết được một truyện đưa đến BK còn bị từ chối vì lý do thiếu hấp dẫn như hai truyện khác đăng trên tạp chí này tạp chí nọ chẳng hạn. Thú thực những lúc đó, tôi hận anh C. thề không thèm viết cho BK nữa. Nhưng dần dần, tôi thấy là anh cũng có lý khi phải đọc kỹ truyện của tôi trước khi đăng, và sự thận trọng mà anh có là cho tôi chứ không phải cho anh. Về sau này, lăn lộn trong báo giới, tôi càng cảm mến anh C. hơn nữa ở chỗ mặc dù tình trạng vật chất hiện đang mỗi ngày một sa sút, nhưng anh vẫn cố gắng duy trì tờ Bách Khoa thay vì khai tử nó cho rồi. Thành ra, một khi nhận viết cho Bách Khoa tức là hoàn toàn vì lý do tình cảm mà viết. Đã có lần tôi đề nghị anh để cho tôi viết cho BK một cái truyện dài, nhưng anh từ chối không rõ vì sao. Nhưng điều tôi biết chắc là tính anh cẩn thận lắm: anh chỉ đăng một cái truyện dài khi nào anh đã nắm trong tay phân nửa bản thảo. Trong lúc này, viết được phân nửa bản thảo thì thà là viết hết rồi đưa in thành sách cho được việc. Tuy nhiên, tôi tự nhủ sang năm sẽ gắng đưa cho anh phân nửa bản thảo xem anh còn từ chối vào đâu được nữa!?


Nói đến gia đình Bách Khoa mà không nói tới các anh em khác ngoài anh chị C. thì quả là một thiếu sót.


Phải nhìn nhận rằng những anh chị em trong gia đình BK vẫn có một thứ tình đặc biệt dành cho nhau, dù chưa một lần gặp mặt. Tôi xin đan cử một trường hợp.


Hôm đó, tôi được cử đem tiền ra cho nhóm HTN để chi phí vào buổi lễ đặt tên Công trường HTN ở Nha Trang. Tôi lên đường với lời cam đoan là sẽ có người ra đón ở sân bay. Tới nơi, tôi chờ nửa tiếng ở ngoài phi trường, rồi gần một tiếng ở trạm hàng không trong thành phố cũng chẳng có ma nào ra đón. Tôi nặn óc nghĩ ra một người quen ở thành phố cát trắng này để khỏi phải thuê phòng khách sạn và biết đâu lại chẳng dò ra chỗ của anh em trong nhóm. Người duy nhất mà tôi nhớ ra là anh V.H. với một cái địa chỉ hết sức lờ mờ mà tôi tình cờ biết được địa chỉ khi đọc nơi một cái bì thư ở tòa soạn BK cách đó cũng đã mấy năm. Thuê xích lô tới cái địa chỉ nhớ mài mại đó thì được biết tất cả các số nhà trong thành phố đã được đổi lại cách đây mấy tháng. Nhưng rồi tôi cũng dò ra được nhà anh V.H. Sau khi gõ cửa và đứng đợi người ta trả lời, tôi băn khoăn tự hỏi liệu sẽ được tiếp đón ra sao. Rồi một người đàn ông cao gầy đầu sói ra tiếp tôi với đôi mắt dò xét. Nhưng khi nghe tôi xưng tên (bút hiệu) thì đôi mắt ấy không còn vẻ dò xét e dè nữa mà chợt sáng lên với một nụ cười rạng rỡ: “Té ra chị. Nghe danh hoài mà giờ mới gặp!” Tôi thở ra thoát nạn: “Tôi cũng nghe danh anh hoài mà giờ mới gặp.” Và ngay tối hôm đó, mặc dù đang bị cúm, anh V. H. nghe tôi trình bày khó khăn của tôi vì mất liên lạc với anh em trong nhóm HTN, đã xách vê-lô đi hỏi thăm giùm tôi nơi tụ họp của họ và nhờ đó công việc của chúng tôi đỡ bị kẹt phần nào.


Dĩ nhiên, những hội ngộ kiểu lỡ độ đường đáng cảm động như vậy không chỉ xảy đến những người trong gia đình BK mà thôi. Nhưng dầu sao, phải thành thực mà nhận rằng trong cái tình của những người BK với nhau nó vẫn có một vẻ gì đơn sơ mộc mạc làm người cho cũng như kẻ nhận cảm thấy thoải mái dễ chịu. Và một khi bước chân vào BK, mỗi người chỉ còn là một người trong gia đình với những kinh nghiệm đem về kể lại cho mọi người cùng nghe.


Những nhãn hiệu, chức vụ, cả đến tuổi tác v.v… đã được ai nấy cởi ra bỏ ngoài cửa, để sẵn sàng đón nhận nụ cười và lời hỏi thăm với giọng nói lắp suýt soa đặc biệt của anh chưởng môn, người mà anh em mệnh danh là chưa làm phật lòng một ai, hay nếu có thì đó là sự phật lòng vì đã “bị” anh đối xử ... đồng cân đồng lạng với mọi người khác.


TRÙNG DƯƠNG

Tòa Soạn Sóng Thần, 18-12-1971

(nguồn: tạp chí Bách Khoa số 361&362 15-1 và 1-2-1972)

Trùng Dương

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)