31-05-2012 | VĂN HỌC

Thương Nhớ Anh Lê Ngộ Châu

   VÕ QUANG YẾN


    Nhà báo Lê Ngộ Châu

Tôi chỉ quen biết anh Lê Ngộ Châu qua thư từ.

Những năm cuối thập niên 50, đang còn là sinh viên ở Paris, sợ luôn sống trong một cộng đồng Pháp ngữ, một ngày kia sẽ quên tiếng mẹ đẻ như nhiều anh lính thợ qua đây hồi đệ nhị thế chiến, tôi thấy cần phải cấp tốc trau dồi Việt ngữ. Hiếm có người Việt quanh mình để trò chuyện, sách cũng đâu có mà đọc trừ phi phải mất thì giờ chạy vào các thư viện đặc thù như ở các Trường Viễn đông Sinh ngữ Langues O (sau nầy là INALCO), Trường Viễn đông của Pháp EFEO, Viện Bảo tàng Guimet,…, chỉ còn một phương tiện, tuy không đầy đủ nhưng cũng còn hơn không, là viết. Nhưng viết chỉ giữ cho mình thì ít thú vị, cần phải có người đọc. Từ đấy có ý nghĩ cho đăng vào báo chí, tôi mạnh dạn viết thư về báo Bách Khoa. Và tôi được anh Lê Ngộ Châu sốt sắng nhận lời. Lại thêm được khuyến khích, tôi siêng năng viết. Cái khó là tìm cho ra đề tài. Là sinh viên, quen với những bài học khoa học, tôi chỉ viết trên những đề tài dính líu đến thời sự khoa học, bắt đầu với những tin tức về hỏa tiễn, vũ trụ, dần dần bước qua các ngành khác như hóa học, vật lý học, sinh vật học…nghĩa là bất cứ một đề tài nào được nhắc nhở đến trong báo chí.


Tôi còn nhớ bài đầu tiên Ta biết gì về cung trăng gởi về, có lẽ nhận thấy vài vụng về trong cách hành văn của tôi, anh Lê Ngộ Châu tự ý sửa chữa vài đoạn. Với lòng tự ái dồi dào của tuổi thanh niên tôi phản ứng ngay tức khắc: tôi viết về một lá thư dài trong ấy có một trang gồm hai cột, bên trái là những dòng viết của tôi, bên phải là những dòng được sửa để so sánh rồi tôi đòi anh chứng minh cái hay ở đâu. Anh không trả lời nhưng từ đây anh không còn sửa một chữ, một câu trong bài, thậm chí anh còn giữ nguyên những lỗi chính tả của tôi! Thỉnh thoảng anh không tiếc lời khen ngợi, như khi tôi gởi về bài Mười năm phát triển khoa học khéo léo lược kể những bài tôi viết trong nhiều năm qua. Thành thử quan hệ giữa chúng tôi tiếp tục rất đằm thắm: tôi gởi bài, anh đăng bài. Anh không trả tiền nhuận bút nhưng thỉnh thoảng gởi quà như những tấm tranh sơn mài, những sách vừa xuất bản ở Sài Gòn, những băng nhạc anh tự ghi lấy vì hồi ấy chưa có bán trên thương trường. Nhờ vậy tôi có được một tủ sách quý thời bấy giờ, nghe được những bài ca Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, Hỷ Khương hò những câu của cụ Ưng Bình…


Một hôm ở Sài Gòn, tôi hân hoan được chị Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sông Trà, mời ăn cơm mà chị Mai không ai khác là người cộng sự của anh Lê Ngộ Châu hồi trước có phận sự gởi quà qua Pháp cho tôi. Sau một số bài khá lớn đã đăng, anh đề nghị cho xuất bản thành sách. Hoàn toàn đồng ý, tôi giao phó cho anh chọn lựa bài vở và kiếm nhà xuất bản. Rút cuộc hai cuốn Vũ trụ và không gianNói chuyện khoa học trong Tủ sách Tiến bộ được Cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản năm 1968. Sau nầy Thầy Nhất Hạnh, tôi vừa mới quen ở Paris nhưng Thầy đã đọc tôi từ Sài Gòn, đặt tôi viết một cuốn sách về tính phái. Viết xong cuốn Giáo dục tính phái, theo lời Thầy dặn, tôi gởi về nhà xuất bản Lá Bối thì được trả lời là họ không in những loại sách nhảm nhí ấy! Sau nầy cũng lại nhờ anh Lê Ngộ Châu chạy kiếm nhà xuất bản Lửa Thiêng để in năm 1973. Nhưng cũng từ đây liên lạc giữa tôi và tạp chí Bách Khoa ít dần lại cho đến 1975.


Năm 1986, về lại quê hương sau 36 năm xa cách, ghé ngang Sài Gòn, tôi không quên lại thăm anh Lê Ngộ Châu ở 160 Phan Đình Phùng. Đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Anh Châu nhìn kỹ tôi, rồi chép miệng: “Xem anh còn trẻ quá và lại rất năng động!” Ở bìa sau các sách của tôi, anh không quên chua vài câu về tiểu sử của tôi, tất anh biết tuổi tác của tôi. Tôi có ý định trở lại thăm anh trước khi ra Huế nhưng rồi bị con cháu lôi cuốn nên không thực hiện được ý muốn. Sau nầy mỗi lần về nước, được nghe là anh đã theo con qua đoàn tụ bên Úc nên tôi không kiếm cách lại thăm anh nữa.


Cho đến gần đây, cháu Diệu Hằng cho biết anh vừa mới mất. Tôi ngậm ngùi không có dịp hàn huyên với anh, một người đã hiểu tôi và giúp tôi nhiều trong bước đầu sự nghiệp văn chương.

Vẫn biết còn có tạp chí Phổ Thông của thi sĩ Nguyễn Vỹ cũng có đăng một số bài khoa học phổ thông của tôi, nhưng sau nầy tôi được thông tin nhiều người biết tôi qua tờ Bách Khoa.

Trong bài giới thiệu cuốn Gửi thương về Huế của tôi do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2006, anh bạn Cao Huy Thuần khen ngợi tôi: "Trong một giai đoạn lịch sử còn quá hiếm thông tin khoa học, những bài viết dễ hiểu, trong sáng của anh đã mang lại những lượng kiến thức đứng đắn, đáp ứng nhu cầu của những đầu óc vừa mới trưởng thành. Giá anh có cơ hội tiếp tục như thế thì vai trò giáo dục của anh đã lớn biết chừng nào!"


Ít năm trước khi bác Hoàng Xuân Hãn mất, tôi được gặp bác ở chùa Trúc Lâm tại thị trấn Villebon miền nam Paris, và trong câu chuyện bác nhiều lần trở lại các bài của tôi đăng trong tờ Bách Khoa cùng các bài của bác, của anh Trần Văn Khê, của các chị Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh trong số các tác giả tôi may mắn gặp được ở kinh đô ánh sáng. Tôi cũng rất cảm động khi nghe vài người hiện đang làm khảo cứu khoa học bảo đã dấn thân vào con đường nầy nhờ ít nhiều đã có đọc những bài hồi trước của tôi. Và tất cả những mối cảm động nầy đều bắt đầu với tạp chí Bách Khoa và nhất là với anh Lê Ngộ Châu, chủ biên tờ báo.


Tôi không biết quan hệ giữa anh Lê Ngộ Châu và các tác giả khác ra sao, chứ đối với tôi, anh đã là một người giúp tôi nhiều trong bước đầu viết lách, tôi xem đó như là một bàn đạp để tiến lên. Tôi xếp anh trong số những nhà ân nhân đã nâng đỡ tôi trong thuở ban đầu, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành công việc học hành, công tác để có được ngày nay một địa vị trong xã hội mà mình không hổ thẹn. Xin thành thật cám ơn anh Lê Ngộ Châu và xin cầu nguyện linh hồn anh thảnh thơi nơi chốn phiêu diêu cực lạc.


Xô thành mùa xuân Đinh Hợi 2007

Võ Quang Yến

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)