27-6-2014 | VĂN HỌC

Giành Và Giữ Độc Lập, Mở Mang Lãnh Thổ, Xây Dựng Xứ Sở

  ĐOÀN THÊM

Giành và giữ độc lập



   Nhà biên khảo Đoàn Thêm

Người Việt đã nhiều phen chống đô hộ và xâm lăng của Tàu:


- Hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị chống nhà Đông Hán (40-43 dương 1ịch).

- Bà Triệu Ẩu chống nhà Ngô (248).

- Lý Bôn và Triệu Quang Phục chống nhà Lương (544-602).

- Mai Thúc Loan (722) và Phùng Hưng (791) chống nhà Đường.

- Dương Diên Nghệ (931) và Ngô Quyền (938) chống quân Nam Hán.

- Lê Hoàn (980) và Lý Thường Kiệt (1075) chống quân Tống.

- Trần Quốc Tuấn ba phen chống quân Nguyên (1282-1288).

- Lê Lợi chống nhà Minh (1418-1427).

- Nguyễn Huệ chống quân Thanh (1788).


Như trên, thì sau bao thế kỷ bị Tàu thống trị và giáo hoá, người Việt vẫn chỉ muốn sống riêng một cõi. Khuynh hướng biệt lập này, chắc chắn còn bị kích thích bởi những sự áp bức mà ngay dân Tàu, theo lịch sử Tàu, cũng phải chịu đựng trên đất Tàu. Nên một ý chí thoát ly đã thành, bị đè nén rồi lại trỗi lên, mỗi khi có người đáng tin đứng ra kêu gọi.


Độc lập được giành lại kể từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán (938). Sau đó, trừ khoảng 10 năm xâm nhập và thao túng của quân Minh, các triều đại Việt Nam vẫn kế tiếp giữ nổi lãnh thổ và chủ quyền, mặc dầu phải chống chọi vất vả một cường quốc mấy lần mưu toan tái chiếm và luôn luôn đe dọa can thiệp.


Sự thần phục Tàu, tức Thiên Triều, chỉ là hình thức nhân nhượng để giữ thể diện cho một lân bang quá lớn, tránh nạn gây hấn mà sống yên ổn. Như thế, chính sách đối ngoại hợp với vị trí địa dư, mà người Tây Phương xưa nay tin là cần thiết, cũng được nghĩ ra và theo sớm từ bao đời tại Việt Nam.


Nhưng trong thực tế, tuy chịu triều cống và thụ phong tước hiệu Giao Chỉ Quận Vương, Nam Bình Vương, rồi An Nam Quốc Vương, các vua Việt vẫn tự xưng hoàng đế và được dân Việt coi như thiên tử.


Vua phải là Nam Đế, nước phải là quốc gia riêng biệt, vì số trời như vậy: tin tưởng này, cùng ý chí tự lập đã được Lý Thường Kiệt nói lên như thay lời toàn dân thủa trước:


Nam quốc sơn hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư


Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị quấy nhiễu và đe dọa do các lân bang khác, hoặc do những thảo khấu từ các xứ đó tràn sang: giặc Nam Chiếu, giặc Nùng, quân Lão Qua, quân Chân Lạp, và nhất là quân Chiêm Thành.


Ngay khi Giao Châu còn thuộc Tàu, quân Chiêm tức Lâm Ấp thời đó, đã mấy phen kéo vào đánh phá, như trong các năm 153, 423, 808... Về sau, chúng càng hung bạo, luôn luôn cướp bóc miền duyên hải, lấn đất châu Hoá, và hai lần ùa tới đốt phá cả kinh thành Thăng Long (1370 và 1378). Vua Chiêm, Chế Bồng Nga, còn không ngớt tăng cường lực lượng và mưu đồ chiếm cả nước Nam.


Bởi vậy, các vua chúa Việt phải nhiều lần vất vả đối phó như Lê Đại Hành (980), Lý Thái Tôn (1044), Lý Thánh Tôn (1069), _ Lý Nhân Tôn cùng Lý Thường Kiệt (1075), Trần Anh Tôn cùng Trần Khánh Dư (1319), Trần Duệ Tôn (1378), Hồ Quý Ly (1402), Lê Thánh Tôn (1470), chúa Nguyễn Hoàng (1611, 1613, 1617)...


Mở mang lãnh thổ


Quân Chiêm tuy phá hoại nhiều, rút cuộc thường bị đẩy lui, trả đũa hoặc thua to nhiều trận; mỗi lần, Chiêm lại phải nhượng đất xin hòa, và bờ cõi Việt càng mở rộng hơn: cứ như vậy tới thế kỷ XVII.


Các chúa Nguyễn lập nghiệp từ Thanh Hóa trở vào, cũng không tránh khỏi sự gây hấn của Chiêm Thành và sự va chạm với Chân Lạp; nên cũng theo đường lối của các triệu trước: hễ có dịp, thì tiến dần xuống phía Nam, rồi đưa dân tới định cư và khai khẩn đất mới.


Lãnh thổ đã lan rộng tới:


- Quảng Bình, Quảng Trị hiện nay, từ 1072, đời Lý Thái Tôn;

- Thuận Hóa (1307) đời Trần Anh Tôn;

- Quảng Ngãi (1402) đời Hồ Quý Ly;

- Quảng Nam (1470) đời Lê Thánh Tôn;

- Phú Yên (1613), Khánh Hòa (1653), Phan Rí và Phan Rang... thời các chúa Nguyễn.


Các chúa Nguyễn, từ Hiền Vương, hay phải mang quân can thiệp vào Chân Lạp, để giúp dẹp nội loạn, hoặc bênh vực những người Việt di cư, đòi cho họ được làm ăn yên ổn trên những vùng đất rộng dân thưa. Rồi những nơi này dần dần được xáp nhập hẳn vào cương thổ thuộc các chúa, và hợp thành miền Nam hiện nay:


Biên Hòa (1658), Mỹ Tho (1679), Đồng Nai, Sài Gòn, Gia Định (1698), Hà Tiên (1708), Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc (1759)...


Việc mở mang lãnh thổ đã tiếp tục ròng rã mấy trăm năm, tuy chẳng có sách Tàu nào chỉ dẫn, không tiền-lệ nào của Tàu cho rút kinh nghiệm, mặc dầu sĩ phu Việt, trên mọi lãnh vực, sẵn lòng theo đường lối của Tàu.


Nam tiến là một công cuộc có tính cách hoàn toàn Việt Nam, được thúc đẩy do nhu cầu sinh tồn của giống nòi, và theo đuổi đến cùng, nhờ sáng kiến của các chính quyền và nỗ lực của nhân dân Việt.


Các thế hệ di dân đã chịu rất nhiều cực nhọc, thiếu thốn và đau khổ. Có thể suy đoán như vậy mà không ngại sai lầm, tuy chẳng có những chứng tích cụ thể và những sử liệu phong phú như của Hoa Kỳ, trong một vấn đề tương tự, về những lớp người đi tìm đất sống


Rất nhiêu bà con đã có ý niệm rõ rệt với ấn tượng sống động về cuộc phiêu lưu Tây tiến tại Hoa Kỳ, qua hàng trăm truyện và phim điện ảnh truyền hình, Western với Cao Bồi... Những đám người lũ lượt lang thang tới miền tây kiếm ăn, đã gặp không biết bao nhiêu cảnh ngang trái, vất vả, nguy nan, chết chóc. Song họ còn được nhiều sự dễ dàng cùng những phương tiện mà người Việt thủa xưa không có.


Các nguồn lợi thiên nhiên chưa thuộc về ai, ở nhiều vùng họ tới hay qua, thường rất dồi dào, từ thảo mộc đến cầm thú hay cả khoáng chất: họ cứ việc dùng tùy ý. Gỗ có thừa cho họ dựng nhà. Từng đàn hàng chục hàng trăm bò ngựa không chủ, chạy nhông giữa cảnh hoang vu: họ chỉ cần lùa bắt về nuôi trên các đồng cỏ mênh mông. Cát ở nhiều suối, họ chịu đãi thì có thể thấy vàng. Trồng tỉa, thì họ chóng được hoa màu tốt, vì đất vốn phì nhiêu ở nhiều nơi. Ngoài lừa ngựa để cưỡi, họ còn có những xe cao lớn để vận tải qua dốc đèo hay hàng ngàn cây số sa mạc... Hơn nữa, họ đều có súng đạn để tự vệ, chống lâu la da trắng hay bộ lạc da đỏ. Bởi thế, họ sớm lập nổi cơ nghiệp cùng những thị trấn sầm uất.


Trái lại, những dân nghèo nước Nam thủa trước, thiếu hết thảy những gì vừa kể. Họ phải dời xóm làng đồng ruộng tới những vùng xa lạ hiểm trở, kéo nhau đi bộ, vượt đèo lội suối, dựng túp lều tranh mà ở, lấy manh chiếu che thân mùa rét, khó kiếm thầy tìm thuốc khi mắc bịnh hay bị thương. Cày cấy, đánh cá hay săn bắn, họ chỉ có những khí cụ thô sơ mà con cháu còn phải dùng giữa thế kỷ XX. Giặc cướp, thì thời nào cũng lắm; quân Chiêm Thành tới đốt phá luôn, người Chân Lạp cũng cản trở nhiều phen. Tư vệ với gậy gộc dao quắm, ở quê nhà đông đúc, cũng đã là việc khó khăn, huống chi ở những vùng còn hoang vắng? Số người chết, hẳn phải rất nhiều. ấy là chưa kể những tổn hại và thiên tai như bão lụt mà chẳng năm nào miên Trung tránh khỏi...


Tuy vậy, đến đầu thế kỷ XX, các đồng bằng từ Thanh Nghệ trở vào suốt tới Hậu Giang, đã biến thành hàng triệu mẫu ruộng với xóm làng sau lũy tre xanh hay rặng dừa chĩu trái...


Không gì chứng tỏ rõ hơn, ở người dân Việt, những đức tính can đảm, kiên nại, cần cù khó lòng thấy đủ hoặc nhiều hơn ở các dân tộc lân bang.


Bởi thế, một giống nòi sinh nở rất nhiều rất mau, đã có một môi trường cần thiết để tồn tại trong năm sáu chục triệu người hiện nay, thay vì tàn lụi như vài chủng tộc láng giềng.


Xây dựng xứ sở



     Bìa sau sách "Nhà Quê Ra Tỉnh"

Sử liệu dù chưa đủ, cũng cho một ý niệm cụ thể, về phần đóng góp của các triều đại vào công cuộc xây dựng, tử khi đất nước thoát đô hộ Tàu.

Vả lại, mục đích ở đây không phải là viết lại sử, mà chỉ là tìm trong sử hiện có, xem các vua quan Nho học đã làm được gì cho xứ sở.


Sáng nghiệp


Cũng như ở Tàu, các vua chúa Việt Nam nhờ binh quyền mới có ngôi. Song bởi học Tàu, ai cũng hiểu rằng muốn cho cơ nghiệp vững bền để truyền cho con cháu, võ lực không đủ, phải dựa vào chính nghĩa hoặc dùng khẩu hiệu: cầm quyền vì nước vì dân, và theo ý Trời; vua chỉ đáng tín phục nếu được coi là chân mệnh thiên tử, do Trời chọn vì có đức và tài để có công. Nhưng trong thực tế thì sao?


Tại Việt Nam, có những trường hợp xưng vương xưng đế, cho "danh chính ngôn thuận" để được nghe theo, trong những cuộc khởi nghĩa hay hưng binh chống đánh Tàu:


Trưng Vương (Trưng Trắc, Trưng Nhị)

Lý Nam Đế (Lý Bôn)

Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục)

Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan)

Ngô Vương (Ngô Quyền)

Bình Định Vương (Lê Lợi)

Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ)


Lại có những triều thành lập để thay triều cũ, mà vua cuối cùng bị trách là thiếu tài đức, bạo ngược hay nhu nhược... Những lý do được nêu ra để biện giải cho các vụ truất phế hoặc đảo chính, có thể đích đáng, có khi khó tin. Vì vua Đinh còn quá nhỏ, tướng Lê Hoàn phải lên ngôi để huy động quân dân chống Tàu cứu nước; - Lý Công Uẩn được suy tôn, thành Thái Tổ nhà Lý: nhà tiền Lê đã mất hết uy tín vì Lê Ngọa Triều vừa bất lực vừa quá độc ác; - nữ Chiêu Hoàng nhà Lý nhượng ngai vàng cho Trần Cảnh, Thái Tôn nhà Trần; - gạt bỏ vua Trần, Hồ Quý Ly xưng đế, - Mạc Đăng Dung lật đổ vua Lê, lập nhà Mạc; - phải vì dân trừ bạo, chống áp bức của quyền thần trong phủ chúa Nguyễn: Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, và tự tôn là Thái Tổ nhà Tây Sơn.


Đế quyền và triều đại có khi là kết quả đương nhiên của chiến thắng dẹp nội loạn hay chống ngoại xâm. Sau khi các sứ quân bị diệt trừ, Vạn Thắng Vương thành Tiên Hoàng nhà Đinh. Đánh đuổi hết quân Minh, Bình Định Vương lập nhà Hậu Lê. Bắc Bình Vương phá tan quân Thanh và lên ngôi Quang Trung hoàng đế. Thống nhất Nam Bắc sau hai mươi năm đấu tranh, Nguyễn Vương Phúc Ánh khai sáng nhà Nguyễn.


Sau hết, tại Việt Nam, đã phát sinh một chế độ nhiếp chính đặc biệt, không thấy ở Tàu, tương tự với chế độ Shogun tại Nhật. Trịnh Kiểm cạy công đánh đuổi họ Mạc và lập lại nhà Lê, muốn làm vua mà chẳng dám cướp ngôi vì ngại phản ứng mạnh của thần dân khắp nước. Nên Trịnh đành để vua ở hư vị, đoạt hết thực quyền, đòi phong tước vương, được gọi là chúa, cha truyền con nối, lập một triều đại song song với triều đại Hậu Lê, suốt 11 đời trong hơn 2 thế kỷ.


Thấy vậy, công thần Nguyễn Hoàng lánh vào Thanh Hóa, mở một khu vực tự trị, rồi ganh đua với Trịnh Kiểm, cũng xưng là chúa tuy bề ngoài vẫn phù nhà Lê để trừ họ Trịnh. Hai bên tranh hoành xung sát với nhau hết đời nọ đến đời kia, cho tới khi cùng bị Tây Sơn tràn ngập, chúa Trịnh bị giết, chúa Nguyễn bỏ chạy...


Tùy giá trị của vua đầu tiên, mỗi nhà được coi là chính thống đáng kính hay ngụy triều có tội. Chính thống, thì như nhà Hậu Lê, vì Lê Thái Tổ có công phục quốc. Ngụy triều, như nhà Hồ nhà Mạc, vì Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đều là phản thần mắc tội thoán đoạt.


Nhưng nếu phải nhường ngôi vì bị ép buộc, như trường hợp Lý Chiêu Hoàng, thì thật ra Trần Thái Tôn đã cướp đế vị. Tuy vậy, chẳng ai lên án, hẳn vì nhà Trần chống nổi và chấm dứt xâm lăng. Ngược lại, từ thời Gia Long, Tây Sơn là ngụy, dù Nguyễn Huệ đã có công lớn đánh Tàu cứu nước: chắc chắn vì từng là kẻ thù số 1 của Nguyễn Ánh.


Thôi thì mặc người xưa đánh giá lẫn nhau theo những tiêu chuẩn không đủ công bằng. Ngày nay, chỉ cần xét khách quan xem bất luận sáng nghiệp thế nào, người cầm quyền thủa trước đã làm những gì đáng kể trong sinh hoạt quốc gia?


Thiết lập kinh đô


Đây là việc quan trọng đầu tiên của những vua chúa sáng nghiệp. Trung tâm chính quyền, với những thành trì, cung điện, lăng miếu, dinh thự... ở nước nào cũng được hậu thế coi là di tích lịch sử phải được bảo tồn, nhất là vì các công trình kiến trúc và trang bị thường có tính cách tiêu biểu cho nghệ thuật mỗi thời, như điện Versailles của Pháp Hoàng Louis XIV hay cung thất Bắc Kinh của triều Thanh...


Tại Việt Nam, trừ của nhà Nguyễn tại Huế, dấu vết của các triệu trước đều tan biến cả, một sự đáng tiếc vô cùng. Chỉ còn những vị trí, song cũng nên kể, vì một vị trí nếu thích hợp, thì có giá trị lâu dài về các mặt: đất phải hợp với mệnh người và lợi về âm dương ngũ hành theo thày địa lý. Nhà ở của thường dân còn phải như vậy mới mong vững bền, huống chi nơi ngự trị của các đế vương?


Dẫu thế, vị trí của Thăng Long cũng cho thấy rằng trong quyết định của vua chúa, những điều kiện thiết thực đã không bị quên. Kinh đô này quả là thuận tiện cho việc giao thông thủy bộ, ở giữa đồng bằng là nơi đông dân nhất, lại khá xa biên giới phía Bắc, nên đỡ ngại những vụ đột nhập của quân Tàu


Nỗi lo này không phải là thừa: khi quân Mông Cổ ào ạt tràn sang, vua quan nhà Trần đã kịp lánh tạm về Thanh Hóa. Rồi tại đây, Hồ Quý Ly lại lập Tây Đô, để Thăng Long làm Đông Đô, hắn cũng vì ưu tư phòng thủ.


Đến thế kỷ XIX, lãnh thổ đã kéo dài xuống tận Cà Mâu, nên Gia Long đặt đô tại Huế, một địa điểm gần quãng giữa, trên đường Hà Nội - Sài Gòn. Ở thời chuyển dịch khó khăn, không nơi nào tiện hơn cho việc liên lạc của triều đình với hai miền Nam Bắc. Song Huế ở quá gần duyên hải, nên dễ bị uy hiếp từ mặt biển, như do hải quân Pháp thời Thiệu trị và Tự Đức.



Tổ chức chính quyền


Trung Ương - Cũng như ở Tàu, giúp vua trực tiếp trong việc trị nước, là một triều đình gồm những đại thần văn võ được vua tin cậy.


Các vị này có nhiệm vụ tâu bày về các vấn đề trọng đai, cai quản những cơ quan chung cho toàn quốc, điều khiển và kiểm soát các cấp địa phương, thi hành luật lệ và mệnh lệnh vua.


Đứng trên hết, và được ủy nhiệm quán xuyến mọi việc thường xuyên, hoặc có khi quyết định thay vua về cả việc lớn, là một vị tương đương với các tể tướng Tàu, nhưng tùy mỗi triều mang danh hiệu khác:


Thái Sư (nhà Hậu Lý); Tướng Quốc (nhà Trần); Tham Tụng (nhà Hậu Lê); Đại Chủng Tể (nhà Tây Sơn Quang Trung).

Nhà Nguyễn không đặt chức vụ trên, vì Gia Long và các vua sau ngại thói lộng quyền thường thấy trong lịch sử.


Quan chế được quy định phỏng theo của Tàu, song ở hai triều đầu, sự sắp đặt còn đơn giản: việc cần làm được giao cho từng người tùy mức tín sủng, và chức vụ chỉ để phân định hàng bậc cùng quyền lợi: như bên văn, cao nhất là các Sĩ Sự, bên võ có các Tướng Quân (Nhà Đinh); các cấp tương đương là Thái Sư, Thái Bảo, và Tổng Quản, Đô Chỉ Huy Sứ (nhà Tiền Lê). Số việc nhiều hơn, thì số chức cũng tăng: nhà Lý đặt ra Tam Thái (Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo) và Tam Thiếu (Thiếu Sư, Thiếu Phó, Thiếu Bảo)...


Những vua nào quan tâm đến nhiều việc hơn, thì ngoài sự chọn người, còn thấy cần cho một nhóm hạ thuộc để giúp, tức là phải tổ chức và phân công. Nên các cơ quan đầu não được các triệu thiết lập dần.


Chẳng hạn, nhà Lý chỉ cử Hàn Lâm Học Sĩ để lo việc văn thư và văn học; nhà Trần lập hẳn một viện Hàn Lâm. Rồi số cơ quan chuyên trách mỗi thời một nhiều: như Quốc Tử Giám để rèn luyện con nhà quý tộc thành quan lại; Thái Y Viện để bốc thuốc trị bịnh cho hoàng gia (nhà Trần); Quốc Sử Viện (nhà Hậu Lê); Nội Vụ Phủ coi kho tàng; Khâm Thiên Giám làm lịch và xem thiên văn; Tam Pháp Ty tức tòa án tối cao... (nhà Nguyễn).


Đáng chú ý hơn cả, là sự phân nhiệm theo từng lãnh vực công vụ; 6 Bộ được lập và hoạt động đều từ triều Lê Thánh Tôn (1460 - 1492), Bộ Lại (quan chế, hành chính), Bộ Hộ (tài chính, tiền tệ, công sản), Bộ Lễ (triều nghi, tế tự, phong hóa), Bộ Binh (an ninh, quốc phòng), Bộ Công (công chính, kiến tạo), Bộ Hình (luật lệ, tư pháp). Mỗi Bộ do một Thượng Thư điều khiển, với một số thuộc viên: Thị Lang, Lang Trung, Viên Ngoại, Chủ Sự; ngoài ra, còn có 6 Khoa với nhiệm vụ theo dõi công việc của 6 Bộ.


Chúa Nguyễn Sãi Vương (1618 - 1655) tại Thuận Hóa, đặt 3 Ty tương đương với 3 Bộ: Xá Xai Ty (việc Hình), Tướng Thần Lại Ty (việc Hộ), Lịnh Xử Ty (việc Lễ). Chúa Trịnh Cương năm 1718 lập trong Phủ chúa 6 Phiên để lấn quyền của 6 Bộ.


Tổ chức lục bộ cũng được duy trì tại triều Quang Trung, và triều Nguyễn từ thời Gia Long.


Triều chính càng phức tạp, thì càng phải phối hợp và bao quát, hoặc dành những việc quan trọng nhất cho một cơ quan cao nhất: đó là Khu Mật Viện (triều Trần), Chính Sự Viện (triều Hậu Lê), Nội Các và Cơ Mật Viện (triều Nguyễn, từ đời Minh Mệnh).


Việc kiểm soát về các mặt chính trị và đạo đức, được giao cho một số cao quan có trách nhiệm nhận định về tác phong cửa quần thần, và hạch tội nếu cần: các Ngự Sử (nhà Hậu Lý, nhà trần), Giám Sát Ngự Sử (nhà Hậu Lê), Đô Sát trong triều và Giám Sát Ngự Sử tại các địa phương (nhà Nguyễn).

Tại triều Hậu Lý, có một chức vụ đặc biệt: các Gián Nghị Đại Phu với quyền khuyên can Vua.


Địa phương - Thời Bắc thuộc, nước Nam bị đổi thành Bộ Giao Chỉ gồm 9 Quận (đời Tiền Hán) rồi Giao Châu gồm 12 Châu (đời Đường).


Dưới các triều đại Việt Nam, lãnh thổ được nhiều lần chia lại cho hợp với nhu cầu cai trị, thành những địa phương lớn mà số và tên thay đổi tùy thời:

24 Lộ, từ đời Lý Thái Tổ (1010)

22 Lộ, từ Trần Thái Tôn (1248)

5 Đạo, từ Lê Thái Tổ (1428)

12 Đạo, rồi 15 Xứ, từ Lê Thánh Tôn (1470)

12 Dinh, tại miền thuộc các chúa Nguyễn từ Võ Vương (1744)

22 Trấn 4 Doanh, từ Gia Long (1802)

Tỉnh chỉ mới có từ 1831, do Minh Mạng đặt.


Mỗi vùng kể trên lại được phân ra một số hạt: Phủ, Huyện hoặc Châu. Như đời Lê Thánh Tôn, có 52 Phủ, 172 Huyện, và 50 Châu tại các Đạo quanh miền đồng bằng tức Trung Châu.


Sau khi thống nhất lãnh thổ, vì giao thông khó khăn, Gia Long phải ủy quyền cai trị các miền xa xôi, nên phân định 3 quản hạt lớn:


- Bắc Thành, gồm 11 Trấn miền Bắc, cho tới Thanh Hóa;

- Gia Định Thành, gồm 5 Trấn miền Nam, từ Bình Thuận trở vào;

- giữa hai Thành, là vùng gồm Huế và 4 Doanh phụ cận, trực thuộc Trung Ương. Mỗi Thành do một Tổng Trấn cai quản với quyền hành rộng rãi.


Minh Mạng ngại sự bành trướng thế lực của các Tổng Trấn, nhất là khi chức vụ lớn đã trót được giao cho những danh tướng vốn nhiều uy tín: Tiền quân Nguyễn Văn Thành và Tả quân Lê Văn Duyệt. Nén nhà vua bãi bỏ tổ chức của tiên hoàng, chỉ giữ Trấn mà đổi tên thành tỉnh.


Tỉnh lớn do Tổng Đốc, tỉnh nhỏ do Tuần phủ cai trị. Vì nhu cầu phối hợp khi có những vấn đề chung, hoặc vì lý do tiết kiệm công nho, hai ba tỉnh giáp nhau hay được đặt dưới quyền một Tổng Đốc.


Công việc tỉnh được phân cho ba chức vụ phụ tá tỉnh trưởng: Bố Chính (tài chính, hành chính), Án Sát (hình sự), Lãnh Binh (an ninh, quân sự địa phương).


Tỉnh gồm một số Phủ, Huyện nhỏ hơn Phủ, hoặc Châu ở vùng rừng núi. Mỗi hạt này lại gồm vài Tổng; mỗi Tổng, một số Xã hay làng; mỗi làng, vài thôn, và qui tụ một vài trăm nhà.


Các viên chức từ trên xuống dưới là Tri Phủ, Tri Huyện và Tri Châu, Chánh Phó Tổng, và Lý Trưởng ở Xã.


Họ đều tùy thuộc cấp Tỉnh, cũng như cấp này đối với triều đình, trong sự bổ nhiệm hay ít nhất tiến cử đề bạt, và điều động kiểm soát hay thưởng phạt.


Như vậy, một hệ thống chặt chẽ đã được thiết lập và chấp nhận qua nhiều thời, để cho phép tập quyền và củng cố chế độ quân chủ.


Tuy nhiên, các triều đại dẫu chuyên chế, vẫn để cho các Xã một quyền tự trị rộng rãi. Chính quyền quan lại chỉ can thiệp tối thiểu, như đặt lệ lập sổ đinh sổ điền, thu thuế, tuyển lính hoặc bắt tráng đinh tham gia việc công ích như xây thành, đắp đê chống lụt...


Ngoài ra, thì tùy Xã tổ chức lấy sinh hoạt cộng đồng, theo những tập tục riêng, miễn là không trái với phong hóa chung.

Những tập tục thường chỉ còn thấy trong nếp sống; song ở nhiều làng, được khắc trên bia đá tại đình, hoặc ghi rõ trong bản hương quy hay hương ước.


Việc quản trị Xã thuộc quyền những người đủ tư cách theo lệ làng, như khoa hoạn, bô lão, phú hào,... và những hương chức được cử nhiệm do các thành phần trên. Lý trưởng đảm trách mọi việc cần thiết cho Xã, đồng thời thi hành lịnh quan, và như vậy làm trung gian giữa Xã và chính quyền sở tại.


Xã có tài sản như công điền công thổ mà hoa lợi cho phép gây công quỹ cùng với tiền đóng góp của xã dân. Bởi thế, Xã có phương tiện làm những việc chung, như xây đình chùa, thờ cúng thành hoàng, mở hội hàng năm,...



Luật pháp - Luật pháp xưa kia chú trọng nhiều nhất đến hình sự, nhằm trước hết giữ vững an ninh.


Các vua chúa thường đặt hoặc sửa các hình phạt cho thích ứng với nội tình bất an hay ổn định, không mấy khi can thiệp vào dân sự: tình trạng và quyền lợi con người trong gia đình và xã hội được coi là tùy thuộc phong tục. Nếu có sự va chạm đưa tới kiện tụng, như về hôn nhân hay tài sản, thì người hữu quyền liệu xử theo tập quán, đạo đức, hay lẽ phải thông thường.


Tuy nhiên, cũng có những pháp lịnh về bổn phận tôi con, vì không có sự phân biệt luân lý và pháp lý như tại Tây Phương. Và tất nhiên không thiếu những quy lệ cần thiết trong sinh hoạt cộng đồng, như quân dịch, học chính, thuế vụ,... Dù sao, xét chung thì luật pháp còn giản dị, khi giao dịch trong một xứ nông nghiệp chưa nêu những vấn đề phức tạp.


Đinh Tiên Hoàng (968 - 980) dẹp xong các sứ quân mà nước chưa hết loạn, nên đặt ra những hình phạt quá nặng để chấm dứt nạn giặc cướp (như ném tử tội vào vạc dầu sôi, hoặc đem cho hổ báo ăn). Các triều sau tránh các lối này.


Lý Thái Tôn, năm 1042 - 43, ban hành bộ luật đầu tiên, tức Hình Thư 3 quyển, định rõ các tội lớn, giảm các hình phạt, cho phép kẻ phạm pháp già hoặc quá trẻ chuộc tội bằng tiền, cấm mua bán con trai làm nô lệ.


Nhiều hình phạt lại nghiêm khắc hơn, triều Trần Thái Tôn (1225 - 1258). Như kẻ trộm có thể bị chặt chân tay.


Theo luật nhà Đường, Lê Thái Tổ (1428 - 1433) đặt 5 hình phạt từ nhẹ đến nặng: Xuy (bị đánh bằng roi), Trượng (bị đánh bằng gậy), Đồ (phải làm việc cực nhọc), Lưu (phải đi đày), Tử (bi chém).


Đáng kể hơn hết vì đầy đủ nhất, là bộ luật Hồng Đức của Lê Thánh Tôn (1460 - 1497) gồm cả phần dân luật bên cạnh hình luật. Lần đầu tiên, mới thấy quy định về việc hộ, như quyền lợi của người con gái trưởng, ở trường hợp không có con trai thừa tự hương hỏa...


Chúa Trịnh Cương (1709 - 1749) bỏ lệ chuộc tội bằng tiền, trừ vài trường hợp, và thay hình phạt chặt chân tay bằng tội đồ hay tội lưu.


Năm 1809, Gia Long cử một ban tham khảo các bộ luật Hồng Đức và luật Thanh Triều, để soạn luật mới. Kết quả là một bộ gồm 22 quyển được ban hành năm 1815.


Các thủ tục tố tụng cùng hệ thống tư pháp cũng được đặt dần, càng về những thời sau càng rõ rệt hơn. Luật Hồng Đức định các kỳ hạn xét xử. Chúa Trịnh Tạc (1658 - 1679) phân biệt các vụ đại tụng xử tội nặng, và tiểu tụng xử tội nhẹ, lại đặt lệ phúc thẩm ở cấp trên: Phủ hay Huyện xử trước, Thừa Ty tại Trấn xét lại, và nếu cần, thì Hội Đồng Thừa Ty xét lần nữa, hoặc quan Đề Hình xét tối hậu tại kinh đô.


Theo luật Gia Long, việc phúc thẩm thuộc quyền Án Sát (việc hình), Bố Chính (việc hộ), song các bản án từ tội đồ trở lên, phải được đệ vào kinh cho Hình Bộ xét lại và tâu vua. Sau khi bị xử tại Trấn, phạm nhân có thể kêu oan lên Ty Tam Pháp tại Huế.


Ngoài phạm vi hình sự, trên các địa hạt hành chính, giáo dục, quân sự, xã hội, kinh tế... quy lệ còn được ấn định trong các Chiếu Chỉ hoặc văn kiện khác của vua như:

- 10 điều quân pháp của Bình Định Vương Lê Lợi;

- 24 điều lịnh chỉ của Lê Thánh Tôn về phong tục cùng các bổn phận đối với gia đình và xã hội;

- 47 điều giáo hóa của Lê Huyền Tôn (1663) như phải kết hôn theo lễ, cấm đòi nhiều tiền bạc, hạn chế số tiền cheo nộp cho xã...;

- 10 điều huấn dụ của Minh Mạng đòi hỏi tác phong cần kiệm liêm chính, và nhắc nhở tôn trọng luật pháp cùng tam cương ngũ thường...


Võ Bị - Theo sử, thì các vua chúa nhiều thời chỉ có bộ binh, tuy đã sớm xảy ra thủy chiến, như đời Ngô Quyền và triểu Trần. Có lẽ vì chỉ phải dẹp nhiều giặc cỏ tại các địa phương; còn đối với quân ngoại xâm, thì ngăn chặn chống trả trên đất liền, vì chúng thường theo đường bộ mà vượt biên giới, nên khi nào cần, mới liệu kiếm thuyền bè chở lính?


Quân Nam Hán đã từ biển tràn vào sông Bạch Đằng năm 938, tức là chưa bao lâu trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (980). Nhưng Tiên Hoàng chỉ lập bộ binh 10 Đạo. Mỗi Đạo gồm 10 Quân, mỗi Quân = 10 Lữ, mỗi Lữ = 10 Tốt, mỗi Tốt = 10 Ngũ, mỗi Ngũ = 10 người.


Thành phần này không được giữ ở các triều sau. 10 Đạo nhường chỗ cho 4 Bộ, đời Lý Thánh Tôn; 12 Vệ đời Hồ Quý Ly; 5 Phủ đời Lê Thánh Tôn. Gia Long đặt ra Ngũ Quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, mỗi Quân gồm các đơn vị Doanh, Vệ, Đội. Triều Minh Mạng, mỗi Doanh = 5 Vệ, mỗi Vệ = 10 Đội, mỗi Đội = 50 người...


Tổ chức được bổ túc dần với sự thiết lập các binh chủng và quân chủng.


Kỵ binh xuất hiện từ đời Lý Thánh Tôn. Voi tuy được dùng từ thời Trưng Vương, Triệu Ẩu, chỉ hợp thành các đội Tượng binh, mỗi Đội 10 con, từ đời Minh Mạng.


Xưởng chế binh khí, thì dĩ nhiên triều nào cũng có. Kho quân nhu đầu tiên được lập do Hồ Quý Ly.


Đời Lý Thánh Tôn, có lối bắn bằng đá, song không thấy nói với khí cụ thế nào? Súng thần công được đúc từ thế kỷ XVII, thời các chúa Trịnh và Nguyễn, và nhiều nhất từ đời Gia Long, với cả súng tay hỏa mai.


Hồ Quý Ly cử các đoàn Y Tỳ đi theo các cuộc hành quân để cứu thương và chữa bịnh. Minh Mạng lập hẳn các đội Y Sinh.


Thủy quân được khai sinh do Hồ Quý Ly, với những thuyền chiến 2 tầng. Gia Long lập 6 Vệ Hải quân với những thuyền lớn bọc đồng.


Quân dịch là sự cưỡng bách ở mọi thời. Như triều Trần, các tráng đinh đều có thể bị bắt buộc tòng quân. Như vậy, dân số cần được biết rõ, cũng như lý lịch cá nhân: Hồ Quý Ly đặt lệ giữ sổ đinh tại mỗi Xã. Quang Trung cấp thẻ tín bài cho mỗi trai tráng đeo như căn cước: khi tuyển lính, thì trong 3 người, 1 phải nhập ngũ. Tỷ lệ đó, từ triều Gia Long, là 1/3, 1/5, 1/10 tùy vùng đông hay ít dân.


Song nhu cầu quân sự phải dung hòa với nhu cầu canh tác, nên lệ luân phiên được ấn định: Lê Thái Tổ chỉ giữ 1/5 binh sĩ tại ngũ, còn thì cho về cày cấy và thay nhau trở lại từng đợt 1/5. Gia Long cho đổi lượt từng 1/3.


Một số quyền lợi được dành cho quân nhân, như miễn thuế, triều Lý Thái Tôn; cấp ruộng công, đời Chúa Trịnh Tạc,...


Các tướng lãnh, ở nhiều trường hợp, là người tình nguyện được chọn vì tinh thông võ nghệ, dũng cảm và trung thành. Những người này đều có chí lớn, theo lãnh tụ dấy binh khởi nghĩa, lập công chống đô hộ xâm lăng, hoặc bình định và dựng đế nghiệp: như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa (nhà Trần); Đinh Lễ, Nguyễn Xí (của Bình Định Vương); Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng (của Nguyễn Huệ); Võ Tính, Nguyễn Văn Thành (của Nguyễn Ánh),...


Nhiều người, ngoài năng lực, còn được dùng vì đáng tin cậy hơn cả, nhờ liên hệ gia tộc: như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản (nhà Trần); nhiều tướng của Lê Lợi, như Lê Thạch, Lê Liễu, Lê Chích, Lê Trấn,...

Song nhiều vua chúa cũng lo huấn luyện và đào tạo sĩ quan mọi cấp.


Trần Thái Tôn lập Giảng Võ Đường (1250), bắt các tướng tới học Binh Thư Yếu Lược của Hưng Đạo Vương. Lê Thái Tổ buộc các quan từ tứ phẩm trở xuống, thi Minh Kinh cả về văn lẫn võ. Theo quân lịnh của Lê Thánh Tôn, quân đội phải mở những cuộc tập trận thủy bộ, và các võ quan 3 năm phải thi lại một lần. Chức Võ Giáo Thụ được đặt do chúa Trịnh Cương, để dạy võ kinh và lục thao tam lược của Tàu. Năm 1865, Tự Đức mở kỳ thi tuyển võ tú tài, võ cử nhân và cả võ tiến sĩ.


Chủ soái, chủ tướng hay quân sư thường do vua chúa phong khi thấy người đáng tin là đủ tài, dù chưa từng theo binh nghiệp. Trần Quốc Tuấn được thống lãnh ba quân chống Mông Cổ; - Nguyễn Trãi giúp Bình Định Vương về quân cơ đại sự; - chúa Nguyễn Ánh để cho Lê Văn Duyệt, một hoạn quan, cầm quân đánh Tây Sơn.


Trong việc cử nhiệm vào chức vụ cao, không có sự phân biệt văn võ. Phạm Đình Trọng, giỏi văn chương, đậu tiến sĩ, lại thường được chúa Trịnh cử đi đánh giặc, rồi thành danh tướng thời Hậu Lê. Triều Nguyễn, giải nguyên Nguyễn Công Trứ lập nhiều công dẹp loạn; Nguyễn Tri Phương, xuất thân nho lại, lên tới tột phẩm hàng văn, mấy phen đảm nhiệm công cuộc bình định, với chức "tổng thống quân vụ".



Giáo dục và văn học - Sau những triều quá ngắn và rất bận về việc binh đao (Đinh và Tiền Lê), các triều sau, từ thế kỷ XI, đều quan tâm đến việc giáo hóa, nhất là vì cần luyện và tuyển những người đủ tài phò vua giúp nước.


Việc học thời xưa không tốn kém nhiều, nên dân nghèo cũng có thể theo đòi: chỉ cần mời thày tới dạy hoặc tìm thày xin học, ở ngay xóm làng.


Nên chính quyền để dân lo lấy, và chỉ can thiệp để bổ túc việc giảng huấn, hướng dẫn theo đường lối chung bằng cách định rõ các môn các sách phải học, cùng chương trình và thể lệ thi cử.


Thời Hậu Lý, Trần, và Hậu Lê, phai học cả Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo. Có khoa thi Tam Giáo được mở lần đầu do Lý Anh Tôn (1138 - 1175), nhà Nguyễn chỉ thượng tôn Nho giáo.


Chế độ học chính rất đơn giản. Quốc Tử Giám lập do Lý Nhân Tôn năm 1076 để dạy con nhà quyền quý, cũng được mở lại do Lê Thái Tổ và Gia Long. Nhưng từ 1398, đời Trần Thuận Tôn, Hồ Quý Ly cầm quyền thì đặt các chức Giáo Thụ tại các phủ và châu để dạy học trò cấp trung đẳng và Đốc Học tại mỗi lộ tức tỉnh để dạy ở cấp cao hơn. Tổ chức học quan này được duy trì và bổ túc, ngay dưới triều Nguyễn (Huấn Đạo ở huyện, Giáo Thụ ở phủ, và Đốc Học ở tỉnh).


Khoa cử được chú trọng nhiều nhất. Khoa thi đầu để tuyển người làm quan, được mở năm 1075 do Lý Nhân Tôn. Từ đó, tiền lệ này được theo mãi ở các thời sau, tất nhiên với những cải cách tùy triều.


Như từ đời Trần Thái Tôn, có những khoa thi cấp cao, Thái Học Sinh, rồi cả Tam Khôi (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) (1232 và 1247).


Hồ Quý Ly đổi Thái Học Sinh thành Tiến Sĩ; và định một lệ được giữ mãi về sau: phải đậu Cử Nhân ở kỳ thi Hương, thì năm sau mới được thi Hội; và đậu tiến sĩ sau khi thi Hội, mới được thi Đình.


Như trên, thi cử đã sớm thành truyền thống vững bền, vì thật ra chẳng có cách nào công bằng hơn để chọn người đủ điều kiện làm việc công. Một điểm đáng chú ý, là tám chín thế kỷ sau, lối này cũng thành thông lệ ở hầu hết các nước, để đo lường trình độ học vấn và vô tư hóa sự tuyển dụng.


Ngoài việc giáo dục và thi cử, một số vua chúa còn chú trọng đến sinh hoạt văn hóa, như sáng tác và biên khảo.


Lê Thánh Tôn (1460 - 1497) lập Kho Bí Thư, tức là thư viện đầu tiên, và thi hội Tao Đàn gồm 28 danh sĩ được gọi là Nhị Thập Bát Tú. Chính nhà vua là thi nhân có tài, tác giả bộ Quỳnh Uyển Thi Tập; lại khuyến khích Thân Nhân Trung viết bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập.


Tự Đức (1847 - 1883) lập viện Tập Hiền và viện Khai Kinh, để cùng một số đình thần ngâm vịnh xướng họa thi phú và bàn luận về các vấn đề văn hóa chính trị.


Sự tìm hiểu xứ sở cũng được thúc đẩy. Lý Anh Tôn sai vẽ lần đầu địa đồ nước Nam. Triều Nguyễn, 4 bộ sách địa lý được soạn: Gia Định Thống Chí do Trịnh Hoài Đức; An Nam Chí do Phạm Đình Hổ; Nhất Thống Địa Dư Chí do Lê Quang Định, Đại Nam Nhất Thống Chí do Cao Xuân Dục.


Các bộ sử cũng thường do vua bảo viết, hoặc được viết để dâng vua. Triều Trần có Quốc Sử Viện, triều Nguyễn có Quốc Sử Quán. Kết quả rất đáng kể.


Triều Trần Thánh Tôn, Lê Văn Hưu viết Đại Việt Sử; công trạng của tướng sĩ chống quân Nguyên, được ghi trong bộ Trung Hưng Thực Lục. Triều Hậu Lê, sử học còn tiến nhiều hơn, với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Thông Giám của Vũ Quỳnh, Đại Việt Thông Giám Tổng Luận của Lê Trung, Việt Sử Toàn Thư của Phạm Công Trứ, Quốc Sử Thực Lục của Nguyễn Quý Đức, Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, Quốc Sử Tục Biên của nhóm Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Hoàn và Nguyễn Du. Triều Nguyễn, đời Minh Mạng, có Bản Triều Ngọc Phả của Hoàng Công Tải, Cố Sự Biên Lục của Vũ Văn Tiêu, Liệt Thánh Tiền Biên của Quốc Sử Quán, v.v...


Nông Nghiệp được coi là trọng yếu. Nông dân đứng hàng hai trong xã hội Sĩ, Nông, Công, Thương.


Trị Thủy là ưu tư của chính quyền. Để phòng lụt, Trần Thái Tôn (1244-1252) sai đắp đê hai bên sông Hồng Hà, đặt quan Hà Đê lo việc đắp và giữ đê, và bồi thường cho người có ruộng bị mất vì đê.


Các triều sau đều theo đuổi công cuộc này. Gia Long ra lịnh xẻ ngòi thoát nước lũ, khơi các cửa sông bị bế tắc vì phù sa.


Triều Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ cho đào rạch dẫn vào đồng nước sông lớn do thủy triều dâng lên, khiến hàng vạn mẫu bãi biển biến thành ruộng tốt hai mùa tại các vùng Kim Sơn, Tiền Hải, tỉnh Ninh Bình.


Năm 1244, Lê Thánh Tôn đặt quan Khuyến Nông để thúc đẩy, răn bảo dân chăm lo cày cấy. Lê Hiến Tôn (1497-1504) khuyến khích trồng dâu chăn tằm. Minh Mạng có sáng kiến đem tiên kho cho dân nghèo vay để làm mùa.


Hồ Quý Ly cải cách điền địa, hạn chế đến 10 mẫu tối đa, số ruộng đất tư hữu của mỗi hộ nông dân. Lê Thái Tổ đặt lệ quân điền, chia đều công điền công thổ cho những người vô sản.


Khẩn hoang, cũng như trị thủy, là công tác lâu dài được nhiều triều tổ chức và tiếp tục khuếch trương. Trần Thánh Tôn (1258- 1270) lập các Trang Điền tại những vùng đất trống cho dân canh tác và cử quan tới trông nom.

- Sau khi thắng quân Chiêm và mở rộng lãnh thổ, Lê Thánh Tôn đặt 42 Đồn Điền tại các vùng Thanh Nghệ Tĩnh, cho binh sĩ giải ngũ tới định cư và khai khẩn.

- Các chúa Nguyễn cũng theo đường lối này, đem dân từ Quảng Bình, Quảng Trị vào miền Nam sinh nhai tại những vùng đất rộng người thưa. Ngay khi còn giao tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xúc tiến mở mang những vùng Đồng Nai, Biên Hòa, Gia Định hiện nay: ở đó, các Điền Tuấn Quan lập đồn điền, chiêu mộ dân nghèo và binh lính làm điền tốt, giúp cho trâu bò và nông cụ v.v... Chính sách này càng được áp dụng tích cực từ khi Gia Long tức vị và dưới các triều sau.


Dân chịu tới làm ăn tại các vùng mới dù xa, nhất là khi có sự thuận tiện về giao thông và phòng thủ: đã thấy như vậy, dọc kinh Núi Sập, và kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc, Hà Tiên, hai công trình lớn hoàn tất cuối triều Gia Long và đầu triều Minh Mạng. Số ruộng mỗi thời một tăng, ngay ở các vùng biên giới Việt Miên, duyên hải hay đảo Phú Quốc. Diện tích trồng tỉa là 630.075 mẫu năm 1836, sau cuộc đạc điền đầu tiên.


Đó là kết quả của nỗ lực doanh điền mà quy lệ được xác định đời Tự Đức, năm 1853: đại khái, thì vừa mộ lính lập đồn điền, vừa chiêu dân tới định cư; một khi đất thành ruộng rồi, thì tùy số ruộng và số dân mà lập Làng hay Tổng.



Tài Chính và Tiền Tệ - Các nguồn lợi tức dễ thấy nhất, dễ đếm nhất và chắc chắn hơn cả, là ruộng và người, nên đã sớm thành căn bản để thu góp và dùng vào việc công, tức là để đánh thuế. Thuế điền và thuế đinh được chú trọng, trước các tài nguyên khác có tính cách thất thường và khó ước lượng dự toán như thủy sản, lâm sản, khoáng sản, hàng hóa.


Ruộng được chia ra vài hạng tốt xấu, để chịu thuế nhiều hay ít: 2 hạng, triều Trần Thái Tôn; 3 hạng, triều Lê Thánh Tôn; cũng như về sau tại vùng thuộc các chúa Nguyễn hoặc Tây Sơn. Gia Long giảm thuế này tùy múc thiệt hại, những năm mất mùa.


Thuế đinh, triều Trần Thái Tôn, được tính theo số ruộng của mỗi người. Trái lại, Hồ Quý Ly miễn cho người không có ruộng, và giảm cho ai chỉ có dưới 2 mẫu 6 sào. Lê Thái Tổ giảm định là 8 tiền mỗi suất. Song từ 1669, theo đề nghị của Phạm Công Trứ, thuế khoán được định một lần cho cả xã, dù dân số tăng hay giảm về sau.


Các xã phải lập sổ điền và sổ đinh 6 năm một lần (thời Hậu Lê), rồi mỗi 5 năm (triều Gia Long). Sau cuộc đo đạc trên 6 tỉnh miền Nam, thực hiện dưới sự đôn đốc của Trương Đăng Quế, triều Minh Mạng, mới có điền địa bộ toàn quốc với tổng số ruộng đất là 4.063.892 mẫu (?).


Chúa Trịnh Cương (1709-1729) đặt ra thuế muối cùng lệ bán muối: phải nộp 2/10 số sản xuất; phần còn lại chỉ được bán cho dân do những người được cấp giấy phép. Gia Long đánh thuế xa xỉ phẩm: quế, sâm, yến. Các vua Hậu Lê và Nguyễn bắt nộp phần lớn quặng mỏ khai thác: sắt, đồng, vàng bạc...


Hồ Quý Ly cho thu thuế thuyền bè. Hàng hóa nhập cảng và tàu ghé bến chịu thuế tại vùng thuộc các chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh đem thóc gạo và đường cát đổi lấy ngoại hóa như diêm sinh và kim khí.


Sổ chi thu đầu tiên được lập do chúa Trịnh Giang, năm 1731 tại miền Bắc; và do chúa Võ Vương, năm 1753 tại miền Nam.


Để tiện việc tính toán hay thâu nạp cũng như buôn bán, vài triều ban bố những quy lệ đo lường. Như vải lụa và giấy phải đúng những kích thước và sổ chuẩn định để thành Tấm và Tập, triều Lê Thái Tôn (1434-1442). Một sáng kiến của Tham Tụng Phạm Công Trứ triều Lê Huyền Tôn, được áp dụng từ 1664 để đong thóc gạo: một ống đựng 1200 hạt thóc được dùng làm đơn- vị nhỏ nhất, tức là Thược; rồi cứ nhân lên 10, đến Hạp, Thăng, Đấu, Hộc. Gia Long đặt ra thước đo ruộng đất, cân cho đồ nặng và cân vàng bạc.


Vàng bạc được tiêu dùng như tiền. Trần Thái Tôn cho đúc thành phân và lượng. Thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767) 1 lượng bạc = 10 đồng. Từ triều Gia Long, vàng và bạc được đúc thành nén, mỗi nén = 10 lượng (mỗi lượng bằng 37,5g hiện nay). 1 lượng vàng bằng giá 10 lượng bạc.


Tiền đồng được đúc từ đời Đinh Tiên Hoàng; tiền kẽm, đời Trần Minh Tôn (1314-1329). Các triều Lý, Trần, Hậu Lê, và Nguyễn đúc cả hai thứ.


Đời Lê Thái Tổ, 1 tiền = 50 đồng. Thời chúa Trịnh Doanh, 1 lượng bạc = 10 đồng, 1 đồng = 2 tiền. Triều Nguyễn, 1 quan = 10 tiền = 60 đồng kẽm...


Triều Trần Thuận Tôn, Hồ Quý Ly cho in trên giấy, 10 đồng và 30 đồng, để đổi và thu tiền đồng về kho.


Đoàn Thêm

Nhà Quê Ra Tỉnh, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai và
Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 1996.