25-1-2019 | VĂN HỌC

Tuệ Mai với nếp gia phong

  VIÊN LINH


    Nữ sĩ Tuệ Mai
 (1928 - 25.1.1982)

Tuệ Mai Trần Thị Gia Minh sinh năm 1928 tại Hà Nội, (mất 25.1.1982(*) tại Sàigòn), nguyên quán làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi. Giải nhất Thơ Giải Văn chương toàn quốc 1966. Các thi phẩm đã xuất bản: Thơ Tuệ Mai 1962 (tựa Nguyễn Sỹ Tế), Không bờ bến 1964, Như nước trong nguồn 1969, Trên nhánh sông mưa 1970, Về phía trời xanh 1973.


Dường như cứ vào hai tháng cuối năm, càng ngày nhịp sinh hoạt càng cận kề một niên lịch, lòng kẻ sống xa nhà càng khắc khoải một chờ mong không tên. Và lúc ấy, tôi bỗng đi tìm những kẻ mất giỗ, những người ra đi không hẹn, những tâm sự bơ vơ, những cánh chim lạc đàn, hôm nay tôi tìm thấy Tuệ Mai, nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam, mà lạ thay, ít người nhắc đến.


Trong cuốn “Thi ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965),” Trần Tuấn Kiệt gọi Tuệ Mai là “một nhà thơ dòng,” ý nói chị là con thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Thơ chị hay, nhan sắc không thua kém ai, nết chị đẹp, mà lạ thay, tại sao ít sách vở nói đến – hay đúng hơn – nói đến không đủ. Mà Tuệ Mai lại từng được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc về thơ năm 1966, lại là giải đầu, mà không được nói nhiều bằng các cô lãnh giải nhì giải ba.


Có một cái gì…

Còn tôi, tôi với đêm dài

Ngủ trên trang sách, ngủ ngoài sân mưa

Ôm vùng đất hẹn trăm hoa

Mộng xây biết mấy cho vừa trước sau?

 

Và tôi, tôi với đêm sâu

Chợt đau vai yếu, chợt đau sử buồn

Quãng dài tanh tưởi máu xương

Quê hương thí điểm – quê hương nát nhàu.

(Tuệ Mai, Nét Nhìn Rạng Ðông)

Phải rồi, miền Nam trước 1975 các "nhà phê bình" chỉ có dăm người, nhiều người thực sự là nhà văn viết sáng tác, nhưng đội tên phụ nữ để viết khen chê các đồng nghiệp (như Vũ Hạnh ký tên Cô Phương Thảo bài xích mọi người trên báo Bách Khoa hay báo Tin Sách của trung tâm Bút Việt - PEN International địa phận Việt Nam thời Thanh Lãng), như Võ Phiến ký tên  Tràng Thiên (và có thể còn nhiều tên khác-cũng trên Bách Khoa) và trong nhịp sống sa đà ảnh hưởng Tây phương, họ thích ca ngợi những con ngựa lồng, những phụ nữ ngồi quán ngậm cổ chai bia 33 mà uống, chứ uống bằng ly bằng cốc, họ thấy không có gì lạ (1). Văn chương sáng tác dù hay mà văn học phê bình kém, thì không thiếu những trường hợp oan uổng. Sự thưởng ngoạn thuần túy âm thầm, mà cuộc tranh đấu ý thức hệ ồn ào náo động, như 20 năm ở Miền Nam, thì những tinh hoa phải lẻ loi, những cái thật phải xa lánh. Như đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt, như vàng thau lẫn lộn thì biết bao là mất mát?


Nhưng có khi cũng chính Tuệ Mai không muốn người ta tới gần mình:

Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp vỡ / Xin chớ gần tôi / Vì tôi sắp nổ / Hình như từ óc / Hình như từ tim / Từ kiếp người mang tên hụt hẫng / Ngậm tăm trái đắng gia đình / Từng mảnh tôi sớm mai tàn rụng / Từng mùa tôi cây cỏ không tên / Từng bước tôi tới lui vướng mắc / Từ dòng tôi bến vỡ thuyền chìm. (Tuệ Mai, Xin Chớ Gần Tôi)

Tuệ Mai lại rất nhút nhát. Tôi còn nhớ mấy lần chị tới tòa soạn Tạp chí Thời Tập ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn, mà lần nào (nay hình dung lại) chỉ nhớ hai bàn tay chị nắm lấy nhau, buông trước tà áo. Chị nói nhỏ nhẹ, rào đón, đến nỗi tôi phải ngắt ngang, nói rằng tôi là bạn trẻ của anh Trần Việt Hoài, anh trai của chị. Của cả Ðỗ Vinh (biệt danh), không rõ là anh hay em trai của chị, hai người hoạt động cách mạng tham gia cuộc đảo chánh bất thành 1960 bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy nã. Lúc hai anh trốn trong một căn nhà thuê ở Xóm Lách, hẻm Công Lý, tôi đã tự tiện tới thăm, đến nỗi anh Trần Việt Hoài đuổi tôi mấy lần, nói rằng “về ngay đi, nó mà xông vô bây giờ thì cậu cũng đi tù luôn với chúng tớ!”


Bản tính con nhà Nho phong, lại là người nữ đã khiến Tuệ Mai như một cái bóng, trong khi ngoài xã hội lúc ấy “ngũ quái” và "bà bà" đang tung hoành. Chị từng diễn thuyết về mấy nhà văn trong có tôi tại trụ sở Văn Bút Việt Nam (Tình yêu như một vốn liếng làm người) mà mãi khi ra hải ngoại, có người cho tôi cuốn “Câu Chuyện Văn Chương” do Khai Trí xuất bản từ năm 1969 ở Sài Gòn, – in lại các bài diễn văn ở Văn Bút – tôi mới biết!) Ôi đời sống, đời sống của một kiếp miệt mài với văn chương, biết bao là lãng quên và tiếc nuối.


Tuệ Mai tham gia sinh hoạt, nói chuyện văn nghệ, diễn thuyết tại nhiều nơi như Tao Ðàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ, Trung Tâm Văn Bút của Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, cùng với Hỷ Khương, Xuân Ðài. Theo tiểu sử in trong Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại (1880-1965) “Tuệ Mai bàn về thơ thật rắn rỏi, nhiệt thành. Ở đó (các đàm trường) chị làm thơ thật mau. Trong giới phụ nữ Việt Nam hiện nay, chị được nhiều người yêu thơ mến mộ. Ngoài nếp sống yên tĩnh ở gia đình, chị còn hăng hái tham gia vào nhiều công tác xã hội nhiệt thành với đoàn Phật tử cứu trợ các nạn nhân khốn khổ.”


* Có nơi ghi 1983, song nguồn tin tôi nhận được nói “Tuệ Mai mất cũng giống như ông anh, thi sĩ Trần Việt Hoài,” mà ông anh bà chết vào đúng một ngày mồng một Tết, Tuệ Mai cũng mất vào mồng 1 Tết, tính ra là 25.1.1982, tôi tạm ghi là 1982.

1.- Cuốn biên khảo phê bình “Văn học Miền Nam, thơ,” của Võ Phiến không nói đến Tuệ Mai. Cuốn Thơ Việt Hiện Đại không; cuốn Những nhà thơ hôm nay không; cuốn Thi nhân Việt nam Hiện đại không, ...

Viên Linh

Nguồn: Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam
Nxb Khởi Hành, Hoa Kỳ, 2017