23-12-2015 | VĂN HỌC

Vai Trò Tạp Chí Trong Văn Chương Việt Nam: Tri Tân, Thanh Nghị

  NGUYỄN THỨC
Vai Trò Tạp Chí Trong Văn Chương Việt Nam:

 

      ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ (Lưu Trung Khảo)
      NAM PHONG TẠP CHÍ (Nguyễn Xuân Hiếu)
      PHONG HÓA và NGÀY NAY (Nguyễn Duy Diễn)
      TRI TÂN, THANH NGHỊ (Nguyễn Thức)

TRI TÂN, THANH NGHỊ


Một phần tư của đầu thế kỷ 20 này, dân tộc Việt Nam đã dùng để tìm đến một văn tự thích nghi cho riêng ngôn ngữ của mình trong lối ghi âm bằng mẫu tự La tinh,, và ký hiệu Tây Ban Nha. Những công việc dịch thuật hoặc sao chép các tinh hoa của văn hóa Đông Tây sang Quốc ngữ chỉ có công dụng củng cố thứ văn tự mới mẻ đó mà thôi. Cho nên phần sáng tác rất hiếm hoi trong khoảng thời gia đó, mà phần dịch thuật thì rất thịnh hành. Trái lại, bắt đầu từ năm 1925 trở đi, phần sáng tác đang đi đến một địa vị quan trọng. Ngay trên phương diện chính trị, thời gian này cũng chứng kiến những đổi mới, những sáng kiến lạ: Một tinh thần ái quốc thuần túy không nhờ vả gì đến một giòng họ vương đế nào dần dà thay thế tinh thần trung quân. Bàn đến chính trị, người Việt đã nghĩ đến nhiều hình thức chính trị khác hơn là một chế độ quân chủ. Bàn đến xã hội, người Việt bắt đầu tìm một trật tự mới và mong mỏi một thay đổi toàn diện. Những tư tưởng Tây phương nhập cảng vào đây bắt đầu được tiêu hóa và đang bồi dưỡng phần suy tư của dân tộc.


Và thế giới đi vào một chiến tranh trong đó có một cường quốc Á đông chiến thắng Tây phương. Biến cố lịch sử này có một vang động toàn diện trên thế giới: người Tây phương nhìn thất bại Trân Châu cảng như một thất bại của chính sách đế quốc Tây phương; người Á đông nghĩ đến nó như một hứa hẹn có điều kiện, và hăng hái hội đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện hứa hẹn tốt đẹp.


Để rào đón những trào lưu tư tưởng mà họ không tin sẽ kiềm chế và kiểm soát được, thực dân Pháp theo hiệu lệnh Pétain dùng một chính sách chụp mũ để lãnh đạo các trào lưu tư tưởng vừa manh nha. Để cho mọi việc đường đường chính chính diễn ra giữa ánh sáng ban ngày, chính quyền thực dân cho phép người Việt có một chút sinh hoạt chính trị phôi thai, và để nhiều độ lượng cho sinh hoạt văn hóa.


Chính trong không khí bao dung và cởi mở đó mà chúng ta chứng kiến những xuất hiện của nhiếu tạp chí và tác phẩm văn hóa. Nếu trước đây đã có những tạp chí và những tác phẩm văn hóa, thì phần dịch thuật và phổ biến văn hóa ngoại quốc chiếm một phần rất quan trọng; phần sáng tác chỉ là phần sao chép và bắt chước; chúng ta chưa giủ được ảnh hưởng nhập cảng từ ngoại quốc vào dân tộc. Nhưng sang phần thứ hai của bán thế kỷ 20 này, thì dân tộc chúng ta bắt đầu sáng tác những giá trị văn hóa và giá trị tinh thần nói chung; tuy chất liệu vẫn có thể là chất liệu cũ, hay chất liệu nhập cảng, nhưng chúng ta đã có một cố gắng sáng tác hình hài theo thẩm quan của chúng ta. Một không khí sáng tạo nô nức xâm chiếm mọi địa hạt sinh hoạt tinh thần, và lăm le đi sang địa hạt sinh hoạt vật chất, chính trị, xã hội.


Và 1930: Yên Bái

Và đằng sau sân khấu, trong bóng tối ma quái, một Nguyễn Ái Quốc và một Đông Dương Cộng sản đảng đang hình thành, và đe dọa tinh thần quốc gia Việt Nam non nớt.


Chính trong không khí phức tạp đó, những cơ quan ngôn luận và văn hóa mà chúng ta sắp bàn đến đã xuất hiện để đóng vai trò của nó; công tội thì có ngay lịch sử sẽ luận đến. Chúng ta chỉ đi vào tác phẩm. Mà tác phẩm một khi đã được thực hiện thì có một đời sống riêng biệt của nó, tùy thuộc rất ít vào tác giả, cho đến nỗi nó sống bất chấp cái chết của tác giả. Đó là trường hợp quốc ca Pháp và Rouget de Lisle, khi sáng tác ra bài hát "La Marseillaise", người sĩ quan Pháp đó không ngờ được tầm quan trọng của nó; và sau nó thì tác giả không làm gì hơn được. Tác giả có thể là một con người không cao thượng gì lắm, và có thể có tội với dân tộc, nhưng mà không vì thế chúng ta không thưởng thức và tìm hiểu tác phẩm của họ. Với quan niệm đó mà chúng ta đi đến Tri Tân, Thanh Nghị; những kẻ đã góp công gầy dựng lên nó, cũng như chính nó, đã bị lợi dụng, đã bị chiếm đoạt làm một lợi khí cho Cộng sản. Nhưng tất cả đều là nạn nhân, dù cho chính bản thân vẫn tưởng mình lời lãi rất nhiều, thì thực sự họ vẫn là những con tốt thí trên bàn cờ chính trị của Cộng sản đông dương và Cộng sản quốc tế mà thôi. Với ý nghĩ luận công tội này chúng ta vững vàng đi đến tác phẩm.


*


Một tờ báo, một tạp chí là một tác phẩm tự nó có giá trị, trong đó nỗ lực của mỗi cá nhân cộng tác hòa hợp vào một hình hài khuôn mẫu chung mà người chủ trương cũng như người cộng tác đã một lần thành lời hay mặc thị giao ước với nhau. Và tác phẩm, vì là của chung nhiều trí óc góp lại, nên nó không còn là của ai nữa, mà thành sản phẩm tinh thần của xã hội, của thời đại, của giai cấp; dù cho lắm khi những người viết thành nó không muốn thế. Đây là trường hợp thông thường con thoát khỏi sự chi phối của cha mẹ, và tác phẩm thoát khỏi quyền điều khiển của tác giả.


Cũng thế, hai tạp chí Tri Tân, Thanh Nghị đã là hai cơ quan ngôn luận văn hóa của một thời đại, một lớp người, một thế hệ.


Thời đại của những năm trước hồng thủy đại chiến, lớp người trí thức nhiều lòng tin và lạc quan vì đã nhập tâm được những học thuật cổ kim, và đang hăng hái xây dựng một trật tự xã hội mới, bắt đầu là một trật tự suy tư. Thế hệ của những người con mà ông cha đã đầu hàng thực dân và học nói mỗi tiếng "terra nostra" để chiếm đoạt công điền làm tư hữu, ngày nay mang nặng mặc cảm tội lỗi của ông cha đối với dân tộc, nên sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi việc bị đòi hỏi nhân danh dân tộc để tự chuộc tội mình. Đó là nguyên nhân cho trí thức làm cộng sản, hay bị bắt làm cộng sản mà cứ tưởng mình làm cộng sản.


Nhưng trong tác phẩm của họ vẫn hiện lên là con người trí thức Việt Nam nhiều thiện chí nhiệt tâm. Chúng ta chỉ cần biết có thế mà không xét đến thời gian sau này họ sẽ là nạn nhân của cộng sản, hay của một lầm lạc nào khác.


Pháp quốc đầu hàng. Để làm hòa dịu tình hình chính trị, đồng thời có thể là để theo dõi những khuynh hướng tư tưởng mới của người Việt, chính phủ Vichy thi hành một chính sách có vẻ cởi mở quyến rũ hơn. Trong không khí đó, nhiều cơ quan ngôn luận và xuất bản thi nhau ra đời. Không phải họ quên mất cạm bẫy của thực dân nhưng họ biết tình hình thế giới có thể giúp họ vượt qua cạm bẫy đó, với tin tưởng đó họ bắt tay vào việc.



       Báo Tri Tân (trang bìa)

Tri Tân ra đời giữa năm 1941 với một thành phần cộng tác gồm những tên tuổi như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Trúc Khê, Hoa Bằng, Nhật Nham, Chu Thanh, Tiên Đàm, Dương Bá Trạc, Lê Văn Hòe, Lê Văn Ngôn, Đào Duy Anh, và nhiều nhà trí thức thời bấy giờ.


Chủ trương của tờ báo, dù không nói mọi người đều biết rằng nó gồm hai phần "ôn cố" và "tri tân". Những giá trị cổ kính cần ôn luyện lại thì rộng rãi vô cùng, nhưng vẫn thiên về những kho tàng văn học Á đông, cách riêng Trung Hoa và Việt Nam. Chính vì phần ôn cố chiếm rất nhiều số trang, và được đặt lên bậc khá quan trọng cho nên tờ báo có giá trị của một kho tàng bảo tồn tài liệu văn chương cổ, hơn là một cơ quan văn hóa như ý muốn của kẻ chủ trương; nó không tránh được những cuộc bàn cãi rất dài dòng về một chữ chép sai, một câu in lệch, một đoạn xuất xứ, trong các tác phẩm xưa còn lại. Thỉnh thoảng chúng ta gặp một số báo mang tên là Chuyên san dành cho một đề mục sử học, như số 56, ra ngày 16-6-1942 dành cho triều Gia Long.


Phần "tri tân" của tờ báo mang tên đó, tuy vậy không có gì hứa hẹn lắm, nhất là đối với chúng ta, những kẻ đến sau gần hai mươi năm, và được hưởng hai mươi năm kinh nghiệm và học hỏi của kẻ đi trước. Nó ít ỏi không đủ gây một trào lưu nào hào hứng, các vấn đề được đề cập đến một cách hời hợt cũng chỉ là những vấn đề nhẹ nhàng, ít trách nhiệm: một bài khảo về bệnh sốt rét rừng, những giòng phiếm đàm về văn học hiện đại, một vài ý kiến quanh vấn đề "quốc ngữ chữ nước ta", hay là một cuộc bàn cãi có nên hay không nên cho phụ nữ theo văn minh mới?


Đặt nó vào hoàn cảnh thời đại của những năm 1941-42-43, có thể tờ tuần báo mang danh tạp chí văn hóa hằng tuần đã có một giá trị nào đó, nhưng với chúng ta thì nó chỉ còn là một mớ tài liệu về tâm trạng của một lớp người thời bấy giờ, đang ao ước một kỷ luật và một sức mạnh tinh thần và văn hóa cũng như chính trị. Chưa tìm ra một kỷ luật và một sức mạnh nào xứng đáng và thích hợp nên họ đã làm cái công việc nhìn về lịch sử của những kỷ luật và những sức mạnh đã có giá trị một lần. Và những khía cạnh sắc thái thể hiện, của kỷ luật và sức mạnh, thì Tri Tân đã để ý nhiều đến khía cạnh văn hóa, trong lúc một đồng nghiệp khác của nó, Thanh Nghị, chuyên chú hơn đến những vấn đề chính trị.


*


Chiến tranh đã nghiêng chiều trông thấy. Nhưng chiến công của Nhật Bản, dầu vẻ vang bao nhiêu cũng chỉ còn là một anh hùng ca ngắn hơi không làm nổi việc gì, ngoài việc xáo động tình hình chính trị Đông Nam Á, làm yếu thế thực dân Tây phương và khơi mầm cho một phong trào quốc gia mới mẻ trẻ trung. Thế thắng nghiêng hẳn về phe đồng minh. Nhưng dù thắng hay bại, thì mọi lực lượng tham chiến chắc chắn cũng yếu mệt lắm rồi và không thể nào đủ sức lập lại trật tự đẹp đẽ của những năm 1930 về trước. Nếu đệ nhất thế chiến, dù sao còn có thể xem như một chiến tranh giữa các quốc gia Tây phương (Nhật lúc bấy giờ là một đàn em ngoan ngoãn của Anh Mỹ) để tranh giành ảnh hưởng chính trị và kinh tế; thì sang đệ nhị thế chiến, có nhiều yếu tố mới góp vào làm cho mọi người bàng hoàng mơ hồ thấy rằng đó là sự va chạm kinh khủng của hai lực lượng hoàn vũ: Tự do và Độc tài. Trong phe tự do của Đồng minh lúc đó lại có cả Nga sô. Có lẽ đây là một nhầm lẫn lớn nhất của Tây phương; giúp đỡ Nga sô, và đường hoàng mời nó đứng dưới chiêu bài Tự do.


Các nước nhược tiểu Đông Nam Á nhìn lên các cường quốc Tây phương thấy gì? Một bên là phe phát xít mà nó biết sẽ bại trận, và nó không nghĩ đến làm gì nữa. Nhưng trong khối đồng minh tượng trưng cho lý tưởng tự do và giải phóng của con người thì có hai lực lượng tạm thời liên kết nhưng chứa sẵn mầm mâu thuẫn ghê gớm: khối dân chủ là một lực lượng thiếu tổ chức và từ trước mang tội rất nhiều đối với các nước Đông Nam Á, khối cộng sản mới mẻ có rất nhiều hứa hẹn.



      Báo Thanh Nghị (trang bìa)

Trong tình trạng hoang mang tinh thần đó, Thanh Nghị ra đời 1943, và mang tham vọng dọi một ánh sáng, hướng dẫn một chọn lựa. Những bảng chỉ đường vẫn dẫn về một lý tưởng dân chủ tự do mơ hồ. Nhưng khốn nổi, trên đoạn đường đó, chính trên đoạn đường dẫn về một lý tưởng dân chủ tự do, có cộng sản lúc đó cầm cờ tự do và dân chủ nạp hờ cái bẫy. Bởi đó, mà sau này, cả tờ báo và những người viết cho nó rơi vào cạm bẫy cộng sản một cách ngây thơ, cả linh hồn và thể xác, mà cứ tưởng mình cầm nắm được lực lượng cộng sản để làm lịch sử, giải phóng dân tộc, và thực hiện dân chủ, tự do, no ấm.


Chủ trương của tờ báo chỉ có một, là một chủ trương hướng dẫn toàn diện sinh hoạt tinh thần thời bấy giờ thành một lực lượng tranh đấu giải phóng hai chiều đế quốc Pháp, và phong kiến xã hội.


Phương tiện là sự học hỏi những kinh nghiệm,hay những thí nghiệm của nhân loại từ trước ở khắp nơi trên địa cầu. Trọng tâm của nó nghiêng về những vấn đề dân chủ Tây phương mà nó đang mơ ước thực hiện cho dân tộc. Tất cả mọi đề tài đếu có thể đem ra bàn luận trên tờ báo mang nhãn hiệu tạp chí nghị luận, văn chương khảo cứu; ngoại trừ những vấn đề siêu hình và tôn giáo. Đây là một phong trào tương tự như phong trào Bách khoa ở Pháp thế kỷ 18; cả hai thẳng thắn tìm chỗ đứng vững vàng trên mặt đất, và tin tưởng ở khoa học, ở nỗ lực của con người để tự giải thoát, và mưu cầu hạnh phúc. Một không khí lạc quan tin tưởng đến ngây ngô lẩn vẩn trên tờ báo. Họ chưa ném những khủng bố, những đàn áp của những kẻ mang danh cách mạng, của những tòa án nhân dân muôn thuở, của những Robespierre, những Saint Just, những Hebert lấy cách mạng dân chủ tự do làm lý tưởng nhưng lấy dao găm và máy chém làm phương tiện. Đây là một nguyên nhân đẩy họ vào cộng sản sau 1945, số đông những người làm Thanh Nghị.


Tuy nhiên trên Thanh Nghị, chính họ đang lấy tâm hồn mình làm vật thí nghiệm, làm một phòng thí nghiệm cho những quyến rũ của những tư tưởng thù nghịch, và họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên đáng thương nhất (nếu không nói là đáng khinh). Tác phẩm của họ, Thanh Nghị, có giá trị vì đó. Nó đã diễn tả được nỗ lực tìm đường của lớp trí thức trước 1945, cũng như sự hoang mang băn khoăn của lớp người ấy trước hai ngõ rẽ của lịch sử.


Ở đây phần chính trị và nghị luận, và trình bày những vấn đề chính trị chiếm một phần lớn khổ báo. Người đọc có cảm tưởng rằng khoảng đất dành cho văn chương, chỉ là một khoảng sân giải trí. Nghĩa là phần văn chương chỉ có mặt ở đó như một sự giải muộn, và tô màu cho chủ trương chính trị mà thôi.


Chúng ta đã nói rằng lúc này cộng sản quốc tế cũng như cộng sản Đông dương chưa chiếm mặt trước sân khấu chính trị, mà còn lén lút nấp ẩn sau hậu trường. Thanh Nghị, với tư cách là một tạp chí hàng tuần hoạt động trong ánh sáng đường hoàng, cũng chưa bị cộng sản chụp mũ và giật giây. Cho nên các vấn đề chính trị trên Thanh Nghị cũng đồng nghĩa với những vấn đề dân chủ. Đi vào chi tiết này ta thấy nhưn4g loạt bài về nguyên tắc giá trị bầu cử, ứng cử đại diện, hay về nguyên tắc phân quyền (tam quyền Tây phương hay ngũ quyền Trung hoa?) hay về các học thuyết dân chủ.

Như vậy, với một quan điểm đã được xác định, chúng ta có thể nhìn về Thanh Nghị mà không ngại ngùng.


Thanh Nghị ra đời mùa xuân 1943, là việc làm của số người trí thức chịu ảnh hưởng văn minh văn hóa Tây phương rất nhiều. Những ảnh hưởng đó, họ lượm lặt được quanh một trào lưu tư tưởng trọng vật chất và thành công bề mặt. Cho nên họ đã quên rằng chiều sâu của tinh thần Tây phương là một truyền thống Cơ đốc giáo; dù cho con cái của xã hội đó có lớn tiếng từ chối và phỉ báng thì truyền thống Cơ đốc giáo bao giờ cũng là sự kiện tất yếu của sinh hoạt tinh thần Tây phương. Nhưng ở đây, những người làm Thanh Nghị phần đông quên điều đó, cho nên họ đi đến tư tưởng dân chủ Tây phương bằng con đường duy vật. Chúng ta chỉ nói phần đông, bởi vì vẫn có một vài người đi vào sâu hơn bề mặt để tìm đến tinh thần. Họ là những kẻ sống sót bằng linh hồn và tác phẩm sau sự tràn ngập của cộng sản.


Một tờ báo là một lò đúc luyện, mà việc làm của cá nhân chỉ là một trong những nguyên liệu cần thiết. Ra khỏi lò đúc luyện là tờ báo, là tác phẩm. Nó không còn là của ai nữa, cũng không còn là kẻ chủ trương, của người bỏ vốn, hay của những người viết ra nó. Nó là sản phẩm tinh thần trực tiếp của một xã hội, một thời đại, một thế hệ, một khuynh hướng. Với ý nghĩ này ta nhìn đến tên của những người trong nhóm Thanh Nghị, và chúng ta sẽ thấy nhiều sự mâu thuẫn kề bên nhau mà làm nên tờ báo.


Sự điều hành tổng quát trao về Vũ Đình Hòe, và sau đó chúng ta thấy tên tuổi của Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thiệu Lâu, Đỗ Đức Dục, Đỗ Đức Thu, Đặng Thái Mai, Đinh Gia Trinh, Vũ Văn Cẩn, Vũ văn Hiền, Trần Đăng Khoa, Trần Văn Giáp, Nguyễn Trọng Phấn, Xuân Diệu, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm... Ở đây những góc cạnh gai góc sắc nhọn của cá nhân đã tạm được xóa bỏ đi để làm nên hơn một trăm số báo Thanh Nghị, góp mặt từ cuối mùa xuân 1943, đến gần ngày cách mạng 1945.


Việc làm của Thanh Nghị, chính là việc làm dọn đường cho những biến động lịch sử của dân tộc, bằng cách phổ biến những hiểu biết và những kinh nghiệm chính trị, xã hội, văn hóa cho dân chúng Việt Nam đang hoang mang tìm đường đi của mình.


Quân chủ đã mất hết uy thế tinh thần sau những thất bại, và lỗi lầm lịch sử của triều Nguyễn. Đằng trước mặt chỉ còn hai cái đích: dân chủ và độc tài. Mọi người mơ ước dân chủ, nhưng tin rằng tình trạng phôi thai của nước nhược tiểu cần có một giai đoạn chuyển tiếp độc tài - và độc tài thì có cộng sản - để huy động toàn lực dân tộc trong công cuộc kiến thiết toàn diện. Có kẻ còn hồ đồ mơ rằng làm giải phóng và làm dân chủ bằng cộng sản, chế ngự cái lực lượng cộng sản trong tinh thần quốc gia và dân tộc.

Và trong tinh thần lạc quan đó, mọi người nỗ lực làm việc.


Có những bài nghị luận, những bài khảo cứu khá công phu và đứng đắn về đủ mọi vấn đề liên quan ít nhiều đến chính trị, kinh tế, xã hội. Nhưng quan niệm của những người viết cho Thanh Nghị là một quan niệm tổng quát trên các vấn đề, đồng thời một quan niệm trong tinh thần bách khoa trước kia của một Diderot.


Một phần lớn trong khuôn khổ tờ báo dành cho những bài dịch thuật hay phóng tác của những học giả Tây phương về các vấn đề theo đúng chủ trương của tờ báo.


Trong đất đứng của phần văn chương cũng vẫn có hai phần sáng tác và dịch thuật. Sự chọn lựa những văn phẩm để dịch chứng tỏ rằng Thanh Nghị có những trí thức rộng rãi, cởi mở. Vào thời bấy giờ, ngoài những truyện dịch từ Pháp văn, Thanh Nghị đã có những truyện dịch từ tiếng Ý (lớp đệ nhị B, của Pitgrilli, đăng số 63, 29-4-1944) hay tiếng Mỹ (những chuyện của Sommerset Maugham, Pearl Buck) và tiếng Hán (kịch Lôi Vũ của Tào Ngu).


Phần sáng tác ở Thanh Nghị không quan trọng, không gây được một đất đứng riêng biệt như Phong Hóa và Tự Lực. Nó cũng không có gì mới lạ và trồi lên khỏi đám đông của những tác phẩm thời đại.


Để hiểu Thanh Nghị không gì bằng lấy một số đặc san Tết 1945 làm tiêu biểu đích đáng nhất cho tờ tạp chí hằng tuần. Nó là một đặc san Tết, đồng thời thay thế 4 số báo của tháng Tết nghỉ ngơi.


Mọi bài vở được sắp dưới 4 đề mục: "vài vấn đề Đông dương" mà thực sự chỉ là vài vấn đề Việt Nam. Đó là vài vấn đề giáo dục, vài vấn đề văn hóa, vài vấn đề chính trị, vài vấn đề xã hội kinh tế.


Trong phần "vài vấn đề văn hóa" có những bài khảo về ảnh hưởng, địa vị của văn hóa Trung quốc, hay Pháp, trong văn hóa Việt Nam hiện kim, nghĩa là hai phần ảnh hưởng quan trọng nhất vậy. Bàn đến văn hóa Việt Nam hiện đại, Thanh Nghị đã nêu lên một vài nhận xét khá xác đáng rằng một số lớn tác phẩm hoặc chưa thoát được ảnh hưởng Trung quốc, hoặc chưa thoát được ảnh hưởng phong trào lãng mạn Tây phương, cho nên chưa có tác phẩm nào đại diện xứng đáng cho nến văn hóa Việt Nam hiện kim.


Trong một bài nói về "mối liên quan giữa thanh niên trí thức và dân quê", Thanh Nghị đã đưa ra một nhận định và một kết án giới trí thức thời bấy giờ, tức là gồm cả những người trong Thanh Nghị: "nhược điểm thứ nhất là ở chỗ trong vòng lý thuyết quá nhiều" và nhược điểm thứ hai là "họ đã xa dân quê", nói cách khác, trí thức Việt Nam tiền chiến đã tự trói mình trong tháp ngà lý thuyết mà quên thực tại tầm thường của đồng ruộng, của xóm nghèo, của xưởng thợ. Chúng ta có thể lấy những nhận định, và những lời kết án giới thanh niên trí thức Việt Nam tiền chiến của Thanh Nghị để gán lên Thanh Nghị và kết thúc bài tìm hiểu Thanh Nghị này.


*


Một khuyết điểm của con người nhìn về quá khứ, về lịch sử của mình hay của dân tộc mình là giữ một quan niệm sành sỏi chán chê của con người bây giờ, về những việc làm quá khứ. Chúng ta thường có khuynh hướng dùng con mắt hoặc đã chán chê bi quan, hay tin tưởng lạc quan, tùy theo thành quả hiện tại, trong lúc đáng ký ra chúng ta nên hiểu việc làm quá khứ bằng tâm trạng của con ngưới quá khứ trong luqc hành động.


Với Tri Tân và Thanh Nghị, chúng ta cũng không hiểu được chúng nếu không đặt vào hoàn cảnh lịch sử phức tạp của những năm trước 1945, khi mà mọi tư tưởng, mọi khuynh hướng, mọi mơ ước, mọi lực lượng tinh thần xao động, lẫn lộn, hoang mang, để cuối cùng rọi vào lỗi lầm lịch sử của 1945, của 1952, 1954.


Nguyễn Thức

Trích: Hiện Đại tập 6 (Tháng 9-1960)
TQBT số 66, Tháng 10-2015