1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Ngọc Dũng, Giọt Nước Hân Hoan (Lê Thiệp) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-10-2012 | HỘI HỌA

      Ngọc Dũng, Giọt Nước Hân Hoan (Lê Thiệp)

        LÊ THIỆP
      Share File.php Share File
          

       

      Sẽ chết như sao rơi vào bất tận
      Sẽ yêu như giọt nước hân hoan.


           Họa sĩ Ngọc Dũng tự họa

      Anh biết trước cái chết và anh đón nhận nó bình tĩnh, như một trở về, bình thản của chuyến đi xa. Cả tháng trước, ngồi dưới ở hiên sau, anh nguệch ngoạc chép lại hai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền làm năm 60 tuổi vào tấm ván dựng ở đó, như một lời trối trăn, và hơn thế nữa, là thái độ của anh với đời sống, với bằng hữu, với nghệ thuật, với chị Lệ và các cháu.


      Cái giọt nước hân hoan của anh không là giọt nhỏ nhoi. Cái giọt nước đó thấm đượm tới mọi ngõ ngách của đời sống, từ những bữa cơm thanh đạm trong gia đình cho đến những bữa ăn cùng bạn bè cãi vã ỏm tỏi. Đó là miếng đậu chiên nóng dòn chị Lệ dọn ra cho anh và Mai Thảo. Đó là những lần gọi điện thoại về nhà nhắc "Thằng Thiệp nó thích dưa, cà, nhớ om cà cho nó" hay chai whisky đả dành cho Nguyễn Thiên Ân. Chú Trường không ăn được đồ cứng, nhớ làm cái gì mềm mềm cho chú ấy ăn. Anh kể Thanh Tâm Tuyền 19 tuổi đứng lên diễn thuyết về thơ và kết luận: "Thế mới hách." Với Duy Thanh thì "nó cũng như tôi, hễ nói đến tiền bạc là mặt cứ đỏ lên." Nhiều nữa. Về bằng hữu kể sao cho hết. Như "Anh Thái Tuấn hơn tôi với Duy Thanh. Anh ấy chơi được với mọi người." Như "Ông Duyệt vốn là tay giang hồ, sao cứ trốn tao với mày. Gọi ông ấy đến uống rượu chơi."


      Khi đứng bên giường cùng chị Lệ và mọi người thân thuộc tiễn anh phút cuối, tôi chợt thấy mình vô tình. Thân quá trở thành vô tình. Cái quá khứ của anh đến với tôi là những đứt quãng. Cái nhìn của anh về hội họa là những mẩu, những đoạn cãi nhau kịch liệt nhưng chưa bao giờ hai anh em hệ thống hóa để hiểu nhau theo cái kiểu một cộng một là hai.


      Anh quê ở Hưng Yên. Nơi đó nổi tiếng về nhãn tiến. Cứ mỗi năm năm dân Hưng Yên phải đem những trái nhãn to nhất tiến vua. Anh khoái trí kể rằng nhãn to không phải là nhãn ngon. Nhãn điếc mới ngon. Nhãn điếc là trái nhãn đẹt, nhỏ gần như không có hột, chỉ dày, dòn và ngọt vô cùng. Anh say sưa kể hồi thơ ấu của anh và trái nhãn điếc nhớ đời đó đến độ mỗi lần hễ nhắc đến Hưng Yên, đến nhãn, là chị Lệ, các cháu và vợ chồng tôi lại cười ầm lên khiến nó trở thành giai thoại "biết rồi, khổ lắm, nói mãi nhãn điếc." Anh cười bảo mọi người dốt, chưa biết trái nhãn điếc ngon cỡ nào, nên diễu chứ vua ăn nhãn tiến không ngon hơn cậu Dũng ăn nhãn điếc.


      Cái quá khứ mù mờ đó còn thể hiện qua những câu chuyện anh bỏ Hà Nội đi kháng chiến và chê Việt Minh. "Tao biết tụi nó không được." Vài ngày trước khi mất, anh lại nói với tôi về Cộng Sản và thái độ của anh vẫn rõ ràng như xưa. Nhưng cái rõ ràng của anh có cái đau đớn chung. Anh muốn về thăm Việt Nam, về thăm Hưng Yên. về thăm ông anh ruột và những người thân nhưng: "Về thì nhục quá."


      Những chắp nối khiến tôi nhớ đến một lần lâu lắm khi còn làm Chính Luận. "Tao nhìn thấy bà cụ mày, tới tối về tao khóc. Giống y như mẹ tao." Và anh kể về người mẹ làm hàng xáo tảo tần nuôi con, mỗi lần đi chợ thế nào cũng có một tấm mía cho anh. Anh kể về Phố Hiến, về ông thầy thể dục người Tây bắt anh chạy thể dục mờ người, về ông Phạm Duy Nhượng. Ông thày Nhượng của anh là anh của nhạc sĩ Phạm Duy. Khi cùng làm ở Chính Luận, anh gọi ông Nhượng là thày, nhưng ông thày nghệ sĩ đó đã phất tay: "Anh gọi tôi là anh, Anh lớn ồi, thành danh rồi và tụi mình cùng báo chí cả, gọi tôi là anh."


      Vậy đó, những mẩu chuyện lặt vặt hiện ra như những chắp nối và tôi bỗng thấy mình không nhớ gặp anh lần đầu như thế nào.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Vào nghề báo, tôi nhớ các anh Thái Lân, Thái Linh, Phan Nghị, Thanh Thương Hoàng, nhớ rõ rệt đã gặp các anh trong hoàn cảnh nào. Nhưng Tuýt thì không. Và cũng chả hiểu tại sao lại thân nhau đến như vậy. Anh nói với con anh: "Nhà này có một thằng bác, ba thằng chú." Thằng bác là Mai Thảo. Ba thằng chú là tôi, Ân và Trường. Đến ngay cả buổi chiều anh vừa ra đi, Hoàng Xuân Trường vẫn ganh tị: "Ông Dũng yêu mày hơn tao và Ân."


      Thế tại sao tôi lại không nhớ ngày đầu tiên tôi gặp anh? Ở Chính Luận tôi kính trọng những người khác, nhưng thân với anh nhất. Tính anh khái, nghệ sĩ nên không đương đầu với những phiền trọc của đồng tiền và vào những lúc đó anh hô tôi. Đòi tăng lương, tôi nhân danh anh năn nỉ Thái Lân và sau đó đôi co với ông Quản Nguyện. Vay tiền, tôi cũng đại diện anh, mè nheo với mấy ông trị sự. Lương Chính Luận tuy khá, nhưng không đủ. Tôi xoay sở cho anh để anh vẽ thêm cho báo khác và điều đình lương bổng, cũng tôi. Vậy đó, anh đến Mỹ từ 1975, nhưng "Gia đình tao lúc nào cũng thiếu." Cái thiếu của anh chả ai biết bởi lúc nào anh cũng có chị Lệ.


      Tưởng Năng Tiến là một tay đáo để, nhưng đầy tính người, Tiến đã trong một lần say, quỳ xuống nâng tay chị Lệ: "Chị là một bà tiên." Tưởng Năng Tiến có thể cường điệu, nhưng anh Dũng không thể không có chị Lệ. Anh nói với tôi: "Vợ tao lấy tao lúc còn bé, vừa đẻ, vừa lớn. Vừa lo cho tao, vừa trưởng thành. Vừa nuôi con, vừa đối phó với cuộc đời. Tao với vợ tao là một." Chị kém anh hơn một giáp, nhưng đối với chúng tôi, những người thân thì anh phụ thuộc vào chị như mỗi người trong chúng ta phải thở để sống. Và tôi biết anh Dũng đồng ý với tôi.


      Liên hệ giữa anh và tôi, một người bạn, một người em và rộng ra giữa anh và bằng hữu của anh là như vậy. Kính trọng nhau nhưng không suồng sã. Thân nhau nhưng vẫn giữ lễ. Cái gì anh muốn tôi biết, anh nói cho tôi nghe. Cái gì anh cần, anh nói thẳng. Một lần anh trịnh trọng tới tôi với chai vang đỏ. Sau chén chú, chén anh, anh nói với tôi: "Tao phải nói với mày. Tao gọi chú Trường thì được, nhưng mày với nó là bạn cùng lớp, không được gọi nó là chú Trường." Tôi phá ra cười vì tôi với Hoàng Xuân Trường vẫn tranh nhau chức chú, chú, anh anh. Nhưng từ đó tôi bắt các con tôi gọi Trường bằng Bác. Ngọc Dũng để ý đến những điều nhỏ, nhưng căn bản của giao tình bằng hữu.


      Tính tình đôn hậu, cùng chị Lệ, anh tạo ra một cái tập hợp nho nhỏ quanh anh. Anh ra sức bảo vê nó bằng tình, bằng nghĩa và bằng chính cái đời sống dung dị của anh.

      Một người như vậy có thể châm biếm ai được chăng?


      Báo chí Việt Nam vốn không có thể tài biếm họa. Thỉnh thoảng xuất hiện là những tranh cười hoặc diễu cợt xã hội một cách chung kiểu Xã Xệ, Lý Toét, của Phong Hóa cho đến khi có Twist, Tuýt. Anh ký tên này vì lúc đó phong trào khiêu vũ Twist đang lên rầm rộ khắp thế giới. Từ anh, báo chí Việt Nam mới có tranh châm biếm chính trị. Anh ký Túyt đầu tiên trên tờ Dân Chủ của ông Vũ Ngọc Các và tờ Vietnam Guardian.


      Đến khi anh về Chính Luận thì tranh của Tuýt là một cái gì không thể thiếu đối với độc giả. Cái sở trường hội họa của anh, những cái dessin vô cùng diễm lệ khiến tranh biếm họa của anh có cái thu hút riêng.


      Vẽ hàng ngày, nhưng tranh của anh không hề suồng sã, cẩu thả. Bao giờ cũng là bố cục vững chãi, và đường nét cẩn trọng. Anh đem hội họa, nghệ thuật vào tranh biếm họa chính trị. Tôi đã thấy anh ngồi vẽ hàng giờ, vứt đi bao nhiêu tập giấy để cuối cùng anh cười: "Tao thua." Cái mặt ông Thiệu khó vẽ quá. Mặt mũi sao mà không có một cái gì nổi bật để nhận ra. "Ông này khó chơi thật." Tôi nhớ lời bình phẩm này vì nó tượng trưng cho tranh của Tuýt. Cười, nhưng không sỉ vả. Vui, nhưng không quá ác. Đả kích, nhưng không chửi rủa. Đôn hậu nhưng thâm trầm. Tranh biếm họa của anh là khởi đầu cho biếm họa chính trị trên báo Việt Nam, nhưng cao hơn thế, nó đứng biệt lập ở một nơi tách khỏi cái ồn ào chính trị phe nhóm, đảng phái, và những âm mưu lúc đó.


      Có lần tôi hỏi anh có bị áp lực của Nghị Sĩ Đặng Văn Sung, yêu cầu anh vẽ một cái gì đặc biệt chăng? Anh bảo: "Hễ ông ấy sai tao một lần là tao nghỉ việc ngay". Cái lần anh suýt nữa nghỉ Chính Luận là một chuyện vui, một đụng độ giữa Nghệ thuật, Hội họa và đầu óc mê tín của mấy ông lo tiền bạc trong Chính Luận. Tuýt vẽ một thiệp xuân cho báo với hình ảnh của một cậu bé để chỏm cầm cây nến đang cháy. Thiệp rất đẹp, nhưng một ông bàn: "Tết nhất cầm lửa đến để đốt nhà người ta à. Xui lắm." Ban quản lý nhất định không chịu dùng thiệp của Tuýt vẽ dù đã in xong cả chục ngàn tờ. Tôi không nhớ vụ này được dàn xếp như thế nào, chỉ thấy Tuýt hầm hầm đòi nghỉ.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Cơ duyên nào đẩy Ngọc Dũng của Sáng Tạo thành Tuýt của biếm họa? Ờ tại sao trong bao nhiêu lần ngồi với nhau, tôi không hỏi anh? Và còn biết bao nhiêu câu hỏi cần hỏi vẫn chưa hỏi vì nghĩ lúc nào hỏi chẳng được? Sáng Tạo của các anh được hình thành như thế nào? Tổ chức ra sao? Vai trò của Mai Thảo có giới hạn nào không? Vâng, có những câu đã được hỏi và lần nào tôi cũng được trả lời kiểu Ngọc Dũng.


      "Các cậu cứ làm to chuyện. Chúng tôi chơi với nhau như bằng hữu. Làm gì có tổ chức, họp hành, bầu bán. Ờ thì cái tên Mỹ gì ở toà đại sứ nó gặp Duy Thanh đề nghị giúp làm tờ báo. Duy Thanh đẩy cho Mai Thảo. Rồi xúm nhau lại mà làm. Mai Thảo làm gì là việc của ông ấy, tôi để ý làm gì."


      "Chẳng hạn như Mai Thảo bảo tôi: 'Tay này mới hay lắm, chơi được lắm.' Và tôi đồng ý ngay sau lần đầu tiên gặp Thanh Tâm Tuyền, đầu húi cua, mặc sơ mi trắng cộc tay." Cái nhìn nghệ sĩ chỉ nhớ đầu húi cua, sơ mi trắng cộc tay.


      Tôi có hỏi Duy Thanh về Sáng Tạo thì cũng được những câu trả lời tương tự. Thế cái gì khiến chúng ta có Sáng Tạo? Với Ngọc Dũng, câu trả lời rất giản dị. Bằng hữu và lòng tương kính lẫn nhau. Với cái nhìn như vậy của một người nghệ sĩ, anh đôi khi bị những người thân nhất coi là gàn. Với anh một cộng với một chưa chắc đã là hai, bởi trái nhãn điếc ngon hơn trái nhãn tiến.


      Từ đó là những tranh cãi về hội hoạ. Anh mắng tôi là chỉ đọc mà chưa vỡ. Đọc lịch sử hội họa, đọc tiểu sử danh họa, lật những cuốn sách dày cộm phân tích về trường phái, thời kỳ để làm gì nếu không thấy được cái đẹp?


      Khởi đi là như vậy. Ngọc Dũng nhìn xung quanh cái gì cũng đẹp. Từ hòn sỏi, cây tre cho đến tà áo dài, từ những cảnh tuyết cho đến cụm nhà ở trại tiếp cư Pendleton, hình ảnh đứa cháu ngoại hay những nét phất phơ của chính anh. Anh cho hay, mới đầu xin học với ông Lê xuân Nhị, nhưng ông Nhị đông học trò quá nên giới thiệu tới ông Nguyễn Tiến Chung. Anh kể: "Ông Chung hay lắm, chỉ dạy cách nhìn. Nhìn như thế nào để thấy cái đẹp của sự vật, của đời sống. Mọi lý luận, lý thuyết vứt đi hết. Trẻ con vẽ bao giờ cũng đẹp vì chưa bị lý thuyết làm mờ con mắt."


      Một lần tôi đốp chát với anh. "Tranh anh chỉ để trang trí, treo ở phòng khách, hiền lành quá." Anh gật gù: "Mày nói đúng. Tao hỏi lại mày: Treo ở phòng khách để làm gì? Có đẹp mới treo chứ! Nhìn tranh để đi làm chính tri, làm cách mạng hay lập ngôn, lập đức, để dày xéo tâm hồn. Bậy hết. Tranh sao lại có hiền, có dữ, có thiện, có ác? Láo hết. Có người còn bảo tranh tao hời hợt, chỉ là bản phác thảo chưa hoàn tất."



           Tranh Ngọc Dũng

      Gần anh, nhìn tranh anh, dần dần tôi hiểu cái mềm mại của tranh anh, cái quyến rũ của tranh anh bắt đầu từ cái đẹp không lý luận, cái giản dị của chính sự việc, đề tài. Nó gần gũi với tôi, với những gì quanh tôi, nó nhập vào tôi lúc nào không biết. Bức tranh vẽ cô gái gầy guộc ngồi trên ghế nhìn vào khoảng không bỗng lúc nào trở thành một cái gì không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một lần tôi dẹp tranh để treo một bức trừu tượng vào thay. Có cái gì bứt rứt khó chịu khi những lần đi qua mảng tường. Tôi bèn úp bức trừu tượng lại, treo cô gái lên. Cô bé bỗng như cười và tôi có cảm giác mình có thêm một đứa con trong nhà, lúc nào cũng ngồi đó im lặng, nhưng sự hiện diện thì tràn đầy trong tôi.


      Tôi đã viết những gì về anh? Những cái biết vụn vặt về một con người, những cái vỏ bên ngoài của một đời sống nghệ sĩ, những chắp vá vụn vặt của toàn bộ cuộc sống của anh.


      Đến Mỹ 1975, anh vẫn vẽ nhưng nhất định không triển lãm dù bằng hữu hối thúc cách nào. Sau nhiều lần anh nói với tôi: "Tao đâu còn sáng tạo được gì nữa mà triển lãm. Phải biết tự xấu hổ. Tao chỉ lập lại những gì đã từng làm. Không có gì mới, triển lãm làm gì? Để bán lấy tiền à?" Sau lần tâm sự đó, tôi không nói đến triển lãm tranh Ngọc Dũng nữa.


      Phải chăng để là một nghệ sĩ đích thực như Ngọc Dũng, phải có thái độ đích thực như Ngọc Dũng. Vẽ để mà vẽ. Cái nguyên lác căn bản về Nghệ Thuật đó đã được anh áp dụng vào toàn bộ đời sống của anh. <>Anh uống trà ung dung như một thiền sư. Anh uống rượu từ tốn, nhưng hào sảng. Anh ăn chậm, nhưng lúc nào cũng thấy ngon dù chỉ là miếng đậu chiên hay vài cái hotdog chấm xì dầu. Anh đối với bạn thân cũng như sơ, có tình nhưng chừng mực. Không bao giờ lấn quá cái lằn ranh phải giữ. Anh yêu vợ, thương con, bằng cái tình bao la, nhưng không bao giờ muốn làm cây cổ thụ chìa tàn ra che ngợp chặn hết ánh mặt trời.


      Anh tâm sự khi chết muốn được chết như một con voi. Khi già. con voi lủi đi kiếm một góc rừng từ từ gục xuống không muốn ai chia sẻ cái chết vốn là của riêng tư mỗi người. Cái ý nghĩ đó đã được gia đình tôn trọng nên nhiều bạn bè, bằng hữu đã ngạc nhiên, khi không được thông báo tin anh bị yếu. Nhưng con voi già đã lịm đi không ở góc rừng đơn lẻ. Chung quanh anh có đầy đủ những người thân yêu nhất.


      Anh ra đi trong lòng thương tiếc của mọi người quen anh, biết anh, và cả những người chỉ biết anh qua tranh.

      Anh ra đi trong vòng tay của chị Lê, của một bà tiên.

      Và giọt nước mắt hân hoan của anh sẽ long lanh mãi trong lòng của tôi, của Mai và các con tôi Tin, Na, Bé, cái tiểu gia đình mà anh là người đứng chủ hôn.


      Lê Thiệp

      Tạp chí Văn, số 45, tháng 9, 2000
      Tưởng Niệm Ngọc Dũng

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022