|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Ngọc Dũng
(1931 - 2000)
Trong những tháng cuối của Mai Thảo, hễ có dịp sang miền tây, tôi đều đến thăm anh. Lúc ở căn apartment sau nhà hàng Song Long, lúc ở bệnh viện, cuối cùng ở một khu điều dưỡng ở Orange County.
Mỗi lần đến chơi với anh, tôi tránh không hỏi về tình hình sức khỏe của anh. Chúng tôi châm thuốc cho anh, rót cho anh ly cognac. Toàn những thứ cấm kỵ. Nhưng làm sao từ chối anh được. Làm sao từ chối khi biết không có điếu thuốc, không có ly cognac, anh cũng sẽ không bao giờ còn có thể mặc áo, đi giày, đi ăn với chúng tôi, lêu bêu lên đồi Cam, hay ra một quán rượu ở Laguna ngồi uống nhìn ra biển đen xanh buổi tối.
Chúng tôi không hỏi anh về sức khỏe sau lần thấy một phụ nữ đến thăm, hỏi anh có khỏe không, anh gắt lên "Khỏe cái đếch gì!"
Từ đó, tôi thấy câu hỏi ấy vừa thừa thãi vừa vô duyên trong những trường hợp như vậy. Mỗi lần đến thăm sau đó, chúng tôi chỉ đốt thuốc và rót rượu cho anh, và không nói gì.
Mai Thảo qua đời thì vài tháng sau, ông thân tôi cũng mệt nặng. Ông bị ung thư phổi bất kể một cuộc sống rất điệu độ và lành mạnh. Tôi cũng không hỏi "Cậu có khỏe không, thấy trong người thế nào." Những câu hỏi như vậy là để hỏi trong những lúc khác. Lúc ông còn khỏe mạnh, còn đi đây đi đó, còn nay Vạn Lý Trường Thành, mai Sydney, mốt Florence, Vienna, Budapest, Paris, Luân Đôn, rồi Hương Cảng, Viện Nam.
Mỗi lần gặp sau khi ông biết bị ung thư, tôi chỉ nói cho ông nghe về các cháu nội ngoại của ông, chuyện học hành của chúng nó, những chuyện tôi biết làm ông vui. Hỏi một người ung thư phổi đã phát nặng về sức khỏe thì chẳng bao giờ nên. Ghé bệnh viện, gặp y sĩ điều trị cho ông, hỏi vài câu là đủ rồi.
Cách đây mấy tuần, tôi được cho biết anh Ngọc Dũng đau nặng. Tôi rất muốn đi thăm anh, và đã định đi mấy lần.
Nhưng không bao giờ làm được việc đó.
Tôi cứ nghĩ anh chưa thể đi ngay.
Những tin tức của bạn bè tới thăm đều nói như thế.
Thêm nữa, là đến để nói gì bây giờ? Hỏi anh khỏe không, thấy trong ngươi thế nào ư?
Những người đàn ông kiêu hãnh ấy không bao giờ muốn phải nằm một chỗ, không bao giờ muốn những người khác thấy mình trong một tình trạng sức khỏe, thân xác như thế.
Điều anh nói với một người bạn, cái chết của loài voi, loài sinh vật có thể nói là duy nhất ngoài con người, có được cảm nhận về cái chết làm tôi hiểu những người muốn ra đi một mình.
Một mình như khi người ta bước vào cuộc đời. Những con voi rừng ở Phi châu biết chỗ để đến sống nốt những ngày cuối, đó là ở nghĩa địa voi, ngoại trừ những con voi bị thợ săn bắn gục ở dọc đường. Tát cả những con voi già, yếu, bệnh tật đều biết lúc và nơi để chết.
Anh muốn ra đi như những con voi đó, không muốn làm phiền những người khác. Và đó là lý do mà vài người bạn nói lại, chị Dũng không muốn thông báo cho nhiều người biết về bệnh tình của anh và cũng không muốn quá nhiều người đến thăm anh.
Tôi không muốn nghĩ là anh có thể ra đi nhanh như thế. Nguyễn Thiên Ân nói còn chừng một, hai tuần nữa. Ngô Vương Toại nói là anh còn tỉnh táo lắm. Tôi định là khi Du Tử Lê qua chơi, chúng tôi cùng đi thăm anh.
Chuyện lần lữa, hoãn đi thăm anh của tôi cũng như một người con không tin, không nghĩ, không muốn cho là bố mình có thể chết được.
Như người phụ nữ đi trong một thành phố chiến tranh, cố gạt đi khỏi đầu óc những ý nghĩ chết chóc, những điều không ai dám nghĩ tới như một đoạn thơ của Tô Thùy Yên:
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ...
Một điều em sợ phải nghĩ tới...
Tôi cũng không muốn nghĩ cái chết nhất định sẽ tới với anh. Tôi từ chối những suy nghĩ đó. Anh sẽ còn phải sống để chúng tôi tới thăm anh. Để thấy anh cười hiền, mái tóc bạc gần hết không rẽ ngôi xòa xuống trán, nói đùa với anh em.
Như những lần đến thăm anh ở căn nhà đường Dinwidee ở Arlington, hay căn nhà mới tôi đã chở Mai Thảo, Du Tử Lê đến, như lần đem cuốn sách mới in đến tặng anh.
Chúng tôi đã uống rượu, ăn đậu rán với nhau. Có lần cùng với cả Kiều Chinh.
Mấy năm cuối, sau khi về hưu, anh vẫn gặp chúng tôi luôn, thường thì là ở quán phở của người bạn. Lúc nào anh cũng cười hề hề, lúc nào cũng lạc quan:
... avec des craies de toutes les couleurs
sur le tableau noir du malheur
il dessine le visage du bonheur...
Như một đoạn của Prévert. Anh vẽ cuộc đời như thế. Trên tấm bảng đen của bất hạnh, anh vẽ lên khuôn mặt của hạnh phúc.
Ngọc Dũng vẽ không nhiều, nhưng những bức tranh của anh đều là những màu sắc của hạnh phúc. Những tà áo màu, những phụ nữ ngồi, đứng, tay đặt mềm mại, tóc xõa bay, khuôn mặt, dáng dấp làm gợi nhớ một chút Modigliani, một chút Matisse, rồi lại cả Picasso thời kỳ xanh và hồng.
Hỏi vẽ có khó không, anh nói cứ đem màu bôi lên là thành tranh. Anh không bao giờ nói về hội họa của mình như là chuyện lớn trên đời. Anh ở trong nhóm Sáng Tạo, nhưng trầm lặng hơn những người khác mặc dù ai cũng biết anh ở trong nhóm. Anh ít khi nói về mình. Anh chỉ thích nói về Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền... Anh có công (?) đặt tên cho một loại giấy quí để in thơ, rồi sau đó có người bắt chước gọi theo, giấy Hồng Miên trong khi không hề biết đó là tên của cháu gái lớn ở nhà.
Tôi không biết phải nói gì nếu gặp anh. Không thể "an ủi" rằng số trời bắt vậy, anh bỏ thuốc lá từ lâu rồi mà. Nói vậy thì phải chăng là những người hút thuốc thì đáng chết hết hay sao? Cũng không thể kể những Trần Đại Lộc, Lê Đình Điều, Phạm Dương Hiển... ra để chứng minh, biện luận này nọ. Tôi chỉ tiếc không được cầm tay anh lần cuối.
Hôm viếng anh ớ nhà quàn, hai thiếu nữ trong số những người đến viếng anh, đọc hai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền:
Sẽ chết như sao rơi vào bất tận
Sẽ yêu như giọt nước hân hoan
và nói là rất thích, nhưng không hiểu rõ tiếng Việt. Hai cô kiếm người dịch sang Anh ngữ. Toi đang đứng gần đó, liền đọc:
I shall leave this world like a star descending into Eternity
I shall love like a joyous drop of water...
Hai thiếu nữ nghe xong, gật đầu nói "Chú Dũng chết vui vẻ."
Đúng, anh Ngọc Dũng sống một cuộc đời lương hảo hiền lành, anh ra đi hạnh phúc. Tôi tin chắc như thế mặc dù không được gặp anh trong những ngày cuối.
Chuyện từ chối đi gặp lân cuối cũng là cách để nói một cách vô thức rằng chúng tôi mong anh sống, khỏe mạnh trở lại. Như Mai Thảo một lân, ở phi trường Dulles, khi chúng tôi đưa anh lên máy bay trở về California, suốt nửa tiếng ngồi đợi lên phi cơ, anh không nói gì hết. Đến lúc tới cửa máy bay, anh quay lại, nói lớn: "Đếch muốn về nữa!"
Đó cũng là cách để nói muốn ở lại của ông già khó tính này. Nhưng cách nói ấy hay hơn là câu "Tao muốn ở đây chơi với bọn mày thêm nữa chứ!"
Thôi, anh Dũng, anh đi không cô đơn đâu. Có Mai Thảo, Nguyên Sa chờ anh rồi đấy. Mai Thảo đi trước mới cô đơn chứ. Như cảnh trong bài Đợi Bạn này:
Nửa khuya đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trên giấc ngủ đen.
Vĩnh biệt Ngọc Dũng.
9/7/2000