|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Ngọc Dũng
Sài Gòn, thập niên 60
We have time to grow old.
The air is full of our cries.
Samuel Beckett, Waiting for Godot
(Tạm dịch:
Thời gian, đủ để già
Trời kia, đầy tiếng khóc)
Tôi vừa được tin Ngọc Dũng mất. Và cả một thời niên thiếu của tôi, của "chúng tôi", có bóng dáng của ông ở trong, bừng sống lại. Tôi viết ra ở đây, là để gửi theo ông, như những lời chúc tốt lành nhất mong ông mang theo...
Chúng tôi ở đây, gồm 7 đứa: Chất, Quốc, Sủng, Luận, Cẩn, Tín, và tôi. "Thất hiền", ấy là chúng tôi tự phong cho nhau.
Chất, là Phạm Dzư Chất, em ruột nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Ông họ Dzư, ông em Phạm, lấy theo họ người cha dượng, chắc là do những năm loạn lạc ở ngoài Bắc nên mất hết giấy tờ, khi vào Nam phải làm thế vì khai sinh. Trần Công Quốc sau làm dân biểu, nghe nói mất tích khi vượt biển. Phạm Năng Cẩn hiện còn ở Việt Nam, cũng khá giả. Nghe nói, anh đang có dự tính làm một vòng du lịch, trước là thăm thế giới, nhân đó, bè bạn.
Trong thất hiền, tôi thân nhất với Cẩn. Cùng mồ côi (Cẩn hình như còn bà mẹ anh để lại ở xứ Bắc, khi trốn vào Nam, ngay những ngày 1954, do quá mê phiêu lưu). Cùng nghèo khổ, cùng đam mê văn nghệ, và những đam mê "khác" nữa. Anh sống nhờ một người anh ruột, đã có gia đình. Người tình đầu của anh, là một cô bạn học. Cô này, một lần, trong giờ ra chơi, đã lén bỏ tiền vào trong một cuốn tập của anh, vì trước đó, anh bị kêu lên văn phòng giám thị, do chưa đóng học phí. Anh bỏ học, đi làm trước tôi. Chỗ làm đầu tiên của anh, thư ký ga Long Khánh, là do bà cụ Chất gửi gấm bà Kh, bạn của cụ, có chồng làm sở Hỏa Xa. Thời gian tốt nghiệp trường Bưu Điện, trong khi chờ bổ nhiệm, đói quá và buồn quá, tôi mò lên ga Long Khánh ăn bám anh đâu cả tháng trời. Một chiều cuối tuần, thất hiền mò lên theo, được Cẩn dẫn vô rừng, tới một trạm nghỉ đêm của tài xế xe be chở gỗ từ rừng ra. Bạn không thể tưởng tượng được, giữa rừng rậm bạt ngàn, mọc lên một khu sầm uất, nhộn nhịp, với những hàng ăn, những quán bia, những quán trọ, và tất nhiên, những cô gái. Thú nhất, mà cũng rờn rợn nhất, là trên đường tới... thiên đường. Xe lam chạy giữa rừng sâu, tối đen, ánh đèn loang loáng quét lên những rặng cây hai bên đường... "Ngưng lại!", tiếng người thét, tiếp theo tiếng còi lanh lảnh... Đội tuần tiễu. Không nhìn thấy mặt ai, chỉ thấy ánh đèn pin soi trên giấy tờ tùy thân... Tới tôi, ánh đèn pin làm loé mắt, "A!, mày đó hả?"... tiếp theo là tiếng ra lệnh, "Thôi cho đi!" Tôi chẳng bao giờ biết được, người trưởng toán tuần tiễu là ai, quen hồi nào... Đó là những năm Miền Nam còn tương đối thanh bình.
Với Cẩn, tôi có quá nhiều kỷ niệm. Anh và cùng với anh, Hà Nội, là một "nửa trái tim" của tôi, những ngày viết Những Ngày ở Sài Gòn. Khi anh còn ăn bám ông anh, nếu không qua Chất, là tôi tới anh, một căn nhà ở trong một con hẻm đường Trương Minh Giảng. Tôi nghĩ, những người dân Sài Gòn khó mà có thể quên được những con hẻm lầy lội những ngày người Mỹ chưa đổ xô vào đất nước, thành phố này. Chúng ngày một bớt lầy lội, trở thành những con hẻm tráng xi măng... theo cùng với đà chết chóc, nỗi đau thương của người dân trong hẻm....
Thời gian này, tôi cũng chẳng hơn gì anh, sống nhờ một người bà con trong họ; những giờ phút ở bên nhà Chất, hoặc qua anh, là để trốn chạy cái không khí ăn nhờ ở đậu. Cẩn có một chiếc máy thu thanh nho nhỏ, và nó là một trong những tặng phẩm của trần gian, một kỳ quan tuyệt vời của hai đứa chúng tôi. Nhờ nó, tôi đã được biết thế giới âm nhạc. Những bản nhạc nghe lần đầu tiên trong đời: Tabou, La Chanson d'Orphée, Il pleut sur la route...
Tôi biết thất hiền là qua Chất, khi cùng học lớp Đệ Nhất trường Chu Văn An. Đám chúng tôi, đậu Tú Tài Một, trường tư chưa có lớp Đệ Nhất, nên được vào Chu Văn An. Vì đám chúng tôi, nhà trường phải mở thêm "xóm nhà lá", ngay kế bên trường Pétrus Ký. Danh từ "xóm nhà lá" tôi đã quên, mới đây, gặp Nguyễn Ngọc Giao, (Diễn Đàn Forum), anh nhắc lại, tôi mới nhớ. Anh cùng học promotion với tôi, nhưng thuộc thứ "chính qui", lại học giỏi, sau đó được đi du học. Thời kỳ đó, học sinh nào đậu Tú Tài loại Ưu, Bình... là được đi du học. Thời gian học trung học, không hiểu sao, tôi không hề có ý định mong đậu cao, mà chỉ cần đậu. Đây có lẽ là do quá tự hào về những môn chính như toán lý hóa, cho nên không thèm học môn phụ như sử, địa, vạn vật...
Trong nhóm Sáng Tạo, đám chúng tôi thân nhất với Ngọc Dũng, vì anh rất xuề xòa, và vì anh là họa sĩ, thứ "sĩ" chúng tôi rất cần, để năn nỉ anh họa chân dung những người tình tưởng tượng của chúng tôi.
Những người tình tưởng tượng, tuy có thật. Để tôi nhớ lại...
Cô thứ nhất, là dân Hà Nội. Chắc là do tôi quá nhớ thành phố, những ngày đầu vô Nam.
Cô là con một người bạn của cô Dung, người nuôi tôi ăn học ở Hà Nội. Cô mê chơi môn mà chược, và thường tới nhà bà bạn cũng ở trên đường bên hồ Halais. Một lần tôi tới đó, hình như là để lấy tiền đi mua bánh mì cho ông Tây, chồng bà cô. Tôi nhìn thấy cô con gái, thế là hình ảnh của cô theo tôi vào mãi tận Sài Gòn, mỗi lần nhớ Hà Nội.
Rồi tôi lại thấy hình bóng của cô, không phải trong trí tưởng tượng, mà là ở ngoài đời, thời gian học trường Thành Công của thầy Chu Tử, ở khu Hoà Hưng. Cô học lớp bên dưới, lớp của tôi ở tầng lầu bên trên. Tôi mò ra đúng chỗ cô ngồi, để lá thư vào ngăn bàn của cô. Ngày hôm sau, tôi nhận được thư trả lời, vẻn vẹn có một dòng: thôi lo học đi, cha nội!
Tôi vẫn có cảm tướng mơ hồ, Hà Nội như 'bực mình' với tôi, một đứa con ngỗ nghịch, bỏ đi hoang...
Rồi tôi cũng gặp được một cô gái Hà Nội, mà chúng tôi tưởng là tìm được nhau, tìm được thành phố. Đó là một "nửa trái tim" còn lại của tôi, ở trong tập truyện đầu tay, Những Ngày ở Sài Gòn.
Đấy là "nói về" văn chương!
Về hội họa: họa sĩ Ngọc Dũng đã thương tình, ghi một vài phác họa, hình ảnh một cô bé với chiếc răng khểnh....
Bao nhiêu năm rồi, không hiểu cô còn giữ giùm chiếc răng khểnh, cho... tôi?
Và luôn cả, cho Hà Nội?
Nhà cụ Chất khi đó, và bây giờ, vẫn nằm trong con hẻm Đỗ Thành Nhân, ngay sau Tòa Thị Chính Gia Định. Căn nhà là của bà Kh, bà cụ Chất thuê, tầng dưới. Sau cụ dành dụm đủ tiền mua căn nhà. Trên lầu có hai phòng. Phòng anh T ở phía trước, có lối đi riêng là cầu thang ở bên ngoài. Tôi đã viết về lần đầu tới, thấy anh T ngồi ở một cái bàn góc phòng khách, co cả hai chân lên ghế, cặm cụi viết... và tôi nhận ra một điều, và tôi tự nhủ chính mình: hãy cố sống như anh, ở ngoài đời, cũng như ở trong... văn chương!
Ngọc Dũng khi đó còn sống độc thân, nghèo. Và thường tới cụ Chất để xin tiếp tế gạo. Anh có chiếc ruột tượng, mỗi lần tới, cụ Chất đổ gạo vô, rồi anh đeo quanh người, phủ chiếc áo lên, ra về.
Rồi tôi đi làm Bưu Điện. Cán sự kỹ thuật. Giấc mộng đầu tiên trong đời, tôi đã thực hiện được: có riêng cho mình, do mình tạo nên, một chiếc máy thu thanh. Không phải loại tầm thường, mà phải Hi-fi mới được! Thời gian đó chưa có Stéréo.
Không hiểu những người dân Sài Gòn còn nhớ, thời gian xuất hiện máy thâu thanh Hi-fi, với tiếng bass dữ dằn có thể làm bật trái tim những người đau tim ra ngoài lồng ngực.
Nói quá, nhưng sự thực cũng "ghê" lắm. Nhà Sài Gòn thường là mái tôn, tiếng bass làm cho chúng run (hay rung?) lên bần bật!
Tôi đã có một chiếc máy thâu thanh như thế, do chính tôi lắp ráp, như một món quà tặng Chất, để nhớ lại những ngày chúng tôi quá mê âm thanh. Nhớ lại những lần đói quá được anh cho đi ăn phở.
Nhớ lại lần cả hai chúng tôi đi nghe nhạc Jazz, do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tổ chức, có sự hiện diện của ông vua kèn đồng, Louis Amstrong. Ôi chao, tiếng kèn đã khủng khiếp, nhưng còn thua tiếng hát khàn khàn đầy nhựa, đầy chất đàn ông của vị hoàng đế nhạc của dân da đen này.
Bạn làm sao có thể quên những "St. Louis Blue", "Smoking my sad cigarette"...
Hay là:
Oh, Let me go, lover...
Hay là: Touchez pas au grisbi...
Tôi tin là Ngọc Dũng cũng không thể quên được những ngày, bên cạnh mầu sắc là tràn đầy âm thanh như thế đó...
Chất đã mê mẩn, và về nhà, mỗi lần vô phòng tắm, là anh bắt chước...
Bà bạn hàng xóm sang gặp bà cụ Chất "vấn an": hình như cậu Ba bịnh thì phải, tôi nghe tiếng cậu rống ở trong buồng tắm sau nhà...
Chiếc máy thâu thanh của tôi, vì là đồ tự chế, nên không có vỏ. Sợi dây loa bỏ lòng thòng...
Một bữa Ngọc Dũng ghé, anh tưởng dây loa là dây điện, bèn cắm vô ổ điện trên tường, để nghe âm thanh Hi-fi. Thế là "bục" một tiếng...
Tôi quên, vì là tác phẩm đầu tay, những mối hàn đều bong ra, như răng bà lão. Mỗi lần vô phòng tắm, Chất mở nhạc. Khi nó tự động ngưng, anh đập đập vô tường nhà, nó lại hát tiếp...
Trong nhóm Sáng Tạo, anh T thân nhất với Ngọc Dũng. Đó là tôi nghe qua cụ Chất. Tôi là người thường được cụ tâm sự. Cụ kể, hồi còn ở ngoài Bắc, anh T còn là sinh viên, nhưng đã phải đi dạy học. Chắc là kèm trẻ tư gia, ở mãi tít ngoại ô Hà Nội. Một lần, anh về nhà, lảo đảo đi không vững, và nói với cụ, anh cảm sốt gì đó. Cụ lắc đầu nói: không phải đâu, do đói quá đấy. Kinh nghiệm này, tôi cũng có trải qua khi còn ở với người bác, thời gian chạy tản cư lên Phú Thọ. Lần đó, tôi bịnh, và bà bác bắt phải ăn cháo. Rồi bịnh lui, bà vẫn bắt tôi tiếp tục ăn cháo. Sau thành lả, đi không nổi.
Từ đó, tôi rất sợ món cháo, luôn cả món canh.
Cho dù ngon cách mấy...
Sau đây là hai bài thơ tặng bạn, của Thanh Tâm Tuyền, trích Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy, và Thơ ở Đâu Xa
Bài Hát Buồn
Tặng Ngọc Dũng
Anh cần đốt điếu thuốc ấy
Vì có nụ cười sau làn khói
Với mầu mắt em hoàng hôn mầu áo em
Trong buổi chiều miền đồi núi
Điếu thuốc như một lời
Trao gửi chưa thành nghĩa
Như tên em hay tên loài hoa nào biết được
Anh sợ những ngôn ngữ bơ vơ
Khóm rừng quên dưới thung lũng
Bầy cỏ hoang ven đường
Mọc lên trong hồn anh dại dột
Sau những chiều động bão
Những ngày kín sương mù
Nhưng điếu thuốc bỗng trở niềm hất hủi
Khói tím buồn
Vì chiều theo chân em sang bên kia đồi
Nụ cười mang theo
Không rớt vì sao trên nền trời
Lẫn sau hàng thân cây cô đơn như mình anh
Mầu áo nhòa tan
Còn tưởng ấy mầu mắt lưu luyến
Em có biết sau lúc em từ biệt
Điếu thuốc cháy trên môi như người bạn chết
Hơi nóng khô nhành củi gãy tan
Em có biết em cúi nhìn vào trang sách
Những chữ hoa tưởng tượng bắt đầu
Nguồn nước dữ cuốn trôi vùi hận sầu đen tối
Chôn xuống đáy biển sâu
Rồi anh bước trên những triền dốc lạnh
Con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối
Cầu cứu thành phố bỏ trốn đâu
Căn nhà nào của em
Lưng đồi đầu rừng cuối đường mòn
Bên những chùm lửa ấm
Em có thấy hư vô đắp dưới mền tóc dầy
Anh để mặc cỏ hoa ẩn náu vào mắt anh
Cả thiên nhiên thở lên man mọi
Với hết tự do còn ở ngón tay ngón chân
Với hết hồn thơ nghiến chặt giữa răng giữa xương tủy
Nhìn loài rễ cây độc
Anh chọn tình yêu không
Điên như đá
Ngày Xuân Trên Đồng Mua
tặng N. D.
Ôi chào cô bé áo hồng
Chào cô buổi sáng đầu năm
Trên cánh đồng nhàm mắt ngày tháng
Cô xuất hiện cùng mùa xuân
Cô đi bừa với con trâu trắng
Trâu hiền thong thả bước ngoan
Ngày tẻ lạnh đìu hiu nhớ nắng
Áo đào phai ngời ấm không gian
Vầng hồng di chuyển ánh lung linh
Giấc mơ trong trẻo của quãng im
Cô đẹp tựa lời thơ cổ
Mặc áo xuân đuổi trâu cười hồn nhiên
Chào tạm biệt cô bé áo hồng
Cũng chào con trâu trắng thong dong
Ngày vơi nhẹ thênh trăng mọc sớm
Ngỡ nhạn lai hồng lạc cuốí thôn
Trở về trại ngang qua vườn cam
Hoa rộ trắng thơm lừng đồng nội
Vẫn chập chờn sắc hồng trôi nổí
Ngọt ngào hương quyến luyến chiều tàn