1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cải Lương - 1920 (Nguyễn Tuấn Khanh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      13-4-2020 | ÂM NHẠC

      Cải Lương - 1920

        NGUYỄN TUẤN KHANH
      Share File.php Share File
          

       

      Về năm ra đời của Cải Lương thì từ trước tới nay chưa có tài liệu nào ghi rõ chính xác ngày tháng của vở tuồng hoặc gánh hát nào đã diễn lần đầu để khai sanh ra cái tên “Cải Lương”. Riêng học giả Vương Hồng Sển đã có sự phân tích khoa học hơn khi ông dựa vào những tờ quảng cáo hoặc vé hát mà ông đã còn cất giữ được khi đi coi thời đó để phỏng đoán là Cải Lương ra đời trước năm 1921.


      Sự phỏng đoán của học giả Vương Hồng Sển rất chính xác vì soạn giả Phạm Công Bình đã cho biết lý do khi ông viết vở tuồng cải lương “Tối Độc Phụ Nhơn Tâm” vào năm 1921:

      “Lúc tôi còn học tại Hà Nội, thì anh em đốc tôi soạn một bổn tuồng Cải Lương, trước là để diễn giúp cho hội “Amicale de l'Université Indochinoise” mới lập, sau nữa, tỏ cho người Bắc biết điệu hát Cải Lương Nam kỳ. Tôi vẫn không biết ca, chẳng thạo đờn, mà nghề đặt để Quốc âm lại không biết bao nhiêu; song vì tánh ham vui nên lãnh mạng, ban ngày học, ban đêm viết trong một tháng mới có tấn tuồng “Tối Độc Phụ Nhơn Tâm" Đoạn phân các vai đàng hoàng, duy khó chọn vai đào, vì ít người đàn bà Nam kỳ ở ngoài Bắc; bởi đó nên dinh dãi bấy lâu, lẫn bẫn tới ngày bãi trường, mà diễn chưa được.” (1)

      Theo Nam Phong Tạp Chí tập 47 phát hành vào tháng 5 năm 1921 thì hội “Amicale de l'Université Indochinoise” (hội Ái Hữu Sinh Viên Cao Đẳng Đông Dương) do cựu sinh viên ban Pháp Chính là Nguyễn Văn Tâm khởi xướng, thành lập vào ngày 15-5-1921. Lúc đó các sinh viên tại Hà Nội đã được nghe nói tới Cải Lương Nam kỳ rồi và Phạm Công Bình cũng đã phải được xem qua những vở Cải Lương tại miền Nam trước khi ra Hà Nội học nên mới biết mà viết tuồng được. Điều này cũng chứng tỏ là khi mới thành hình, bộ môn Cải Lương đã được giới trí thức, sinh viên, học sinh yêu thích và phổ biến rộng rãi, không như sau này, khi nói tới Cải Lương, có người chê bai cho đó là bộ môn của giới “bình dân”, “quê mùa”.


      Tại Sa Đéc có Nguyễn Văn Thận, tục gọi André Thận là một công-tử theo tân học, ăn chơi khét tiếng, từng học tại trường trung học Chasseloup Laubat ở Sàigòn.


      Sau khi ra trường, André Thận làm kiểm soát viên ("cò tàu”) cho chiếc tàu thủy Messageries Fluviales do người Tây làm chủ chạy từ Hậu Giang lên Mỹ Tho. Làm “cò tàu” được một thời gian, André Thận nghỉ việc và thường cùng các thầy đờn và các danh ca đi đến các nhà đại điền chủ quen biết để tổ chức đờn ca vui chơi. Cũng xin chú thích thêm là lúc đó các báo ở Sàigòn thì tường thuật là André Thận ở Sa Đéc, còn An Hà Nhựt Báo ở Cần Thơ thì nói André Thận là người ở Vĩnh Long. Sở dĩ có sự khác biệt này vì lúc trước, Sa Đéc là một hạt thuộc tỉnh Vĩnh Long. Kể từ nyày 1-1-1900, Sa Đéc trở thành một tỉnh riêng nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 9-2-1913 đến 9-2-1924, Sa Đéc trở lại thuộc tỉnh Vĩnh Long nên mới không có sự thống nhất trên các báo.


      Trong thập niên 1910 thường có những gánh xiệc ngoại quốc như Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản... sang Việt Nam biểu diễn. Thấy những gánh xiệc có nhiều màn mới lạ được nhiều người thích xem nên năm 1919, André Thận mời một số hội viên của hội Sadec Amis ("Những Người Bạn Sa Đéc”) lập ra một gánh hát xiệc có tên là “Sa Đéc Tâm Chơn Ban”, nhưng khi ra mắt thì đổi tên là “Tân Nam Việt”, còn gọi là “Cirque Jeune Annam”. Gánh xiệc trình diễn lần đầu tại Sa Đéc vào tháng 8 năm 1919 gồm 5 tiết mục: hát bóng, hát xiệc, ảo thuật, đờn ca và “Chưng Bươm Bướm”. "Chưng Bươm Bướm” là một hình thức múa theo phong cách Tây phương, các nữ vũ công mặc quần áo lụa mỏng có thêu kim tuyến múa theo điệu nhạc, về tiết mục đờn ca gồm có Nhạc Tài Tử, Ca Ra Bộ và nói Thơ Tuồng. Sau này khi tân nhạc bắt đầu thịnh hành, năm 1949 nghệ sĩ Trần Văn Trạch cũng có cho tổ chức những chương trình văn nghệ bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật... hình thức giống như của gánh hát xiệc “Tân Nam Việt" nhưng không có chiếu bóng và gọi đó là “Đại Nhạc Hội”.


      Sau ngày ra mắt, đoàn xiệc đi lục tỉnh biểu diễn và tới ngày 24-11-1919 đến Cần Thơ diễn tại rạp Casino của Cao Văn Hùng một tuần rồi tiếp tục lên Sàigòn trình diễn. Trong 5 tiết mục trên thì có 4 chương trình là bắt chước theo Âu Tây, chỉ có chương trình đờn ca là của Việt Nam gồm 3 bộ môn “ca ra bộ”, “nhạc tài tử và “hát tuồng thơ truyện”. André Thận nhờ soạn giả Trương Duy Toản và Nguyễn Viên Kiều soạn tuồng cho gánh xiệc.



         Soạn giả Trương Duy Toản

      Trương Duy Toản (1885-1957) hiệu Mạnh Tự, có chân trong hội Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, đã từng làm chủ nhiệm và chủ bút cho báo Sài Thành và Trung Lập Báo. Ông đã sáng tác nhiều bài đơn ca (“độc thoại”) từ năm 1909 như “Lão Quán Ca”, “Vân Tiên Mù”, “Khen Chàng Từ Thức”, “Thương Nàng Nguyệt Nga” v.v... khi phong trào Nhạc Tài Tử còn đang thịnh hành. Đến khi “Ca Ra Bộ” ra đời, những bài Tứ Đại theo thể “đối thoại” như “Bùi Kiệm Thi Rớt”, “Kim Kiều Hạnh Ngộ” do Trương Duy Toản sáng tác được nhiều người ưa thích và phổ biến rộng rãi. Sau này soạn giả Trương Duy Toản còn viết thêm những vở tuồng dài là “Lục Vân Tiên”, “Kim Vân Kiều”, khai sanh ra thể loại “tuồng cải lương”.


      Ban nhạc của gánh “Tân Nam Việt” cũng đã có sự pha trộn giữa các nhạc cụ Âu và Á, ngoài dàn kèn đồng Tây phương (fanfare),  gánh xiệc của André Thận còn có nhóm Nhạc Tài Tử do ông Thủ, một danh cầm miền Tây được nhiều người biết tiếng làm trưởng nhóm và đặc biệt là dàn Nhạc Tài Tử này đã có đờn bản quốc ca của Pháp là Marseillaise bằng những nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam để chào mừng quan khách.


      Khi mới thành lập, thành phần ca sĩ gồm có các cô Hai Cúc, Bảy Kiểu, Ba Định và hai anh em thầy Thông, thầy Cang. Lúc trước lớp “Ca Ra Bộ” “Bùi Kiệm - Nguyệt Nga” do cô Ba Định, giáo Du và giáo Diệp Minh Ký ca tại nhà Tống Hữu Định thì bây giờ được hai anh em Thông, Cang và Hai Cúc dùng để diễn cho gánh xiệc. Cang đóng vai Bùi Kiệm, ăn mặc theo lối tân thời giống như các thầy thông, thầy ký lúc đó. Bài Tứ Đại “Bùi Kiệm - Nguyệt Nga” được viết theo thể văn “đối thoại” lúc trước thì nay đã được viết theo hình thức như một vở ca kịch hoặc một lớp tuồng cải lương ngắn như hình thức “trích đoạn” bây giờ và những bài ca được viết phù hợp theo tâm trạng của từng nhân vật.

       

      Những màn “Ca Ra Bộ” do gánh hát xiệc của André Thận trình diễn vào lúc này đã có những đoạn ca Tứ Đại Oán, hát Tiều và tụng kinh trong vở tuồng, mở đầu cho bộ môn “Ca Kịch” (Opérette) của miền Nam. Tuồng tích và lối diễn xuất đã thay đổi như những tuồng cải lương sau này nhưng vẫn được báo giới lúc đó gọi là “Ca Ra Bộ”. Ngoài “Ca Ra Bộ” còn có hát tuồng truyện thơ như “Thoại Khanh-Châu Tuấn”, “Lão Trượng Tiên Bửu”, “Thằng Lãnh Bán Heo”... và cho đờn ca Nhạc Tài Tử xen giữa các màn diễn. Buổi diễn tại rạp Casino ở Cần Thơ bắt đầu từ ngày 24-11-1919 đã được báo chí tường thuật như sau:

      “..... Trong 10 đêm hát tại Casino của M. Hùng, đêm nào như đêm nấy, ối thôi, thiên hạ đua nhau đến coi chật nức. Trong bọn nhiều tay làm tuồng kiểu cách chế sửa theo thời đại văn minh ngày nay thiệt là hay: xem không nhàm, khen không uống...! Nhất là M. Thông và M. Cang hai anh em ruột là kép hát có danh trong bọn, làm chánh vai tuồng luôn luôn. Như diễn lớp “Thằng Lãnh Bán Heo" M. Thông làm vai “Thằng Lãnh” dầu ai buồn cách nào thấy cũng phải cười mới đặng (diễu có duyên và không có lời tục tĩu), hát lúc “Bùi Kiêm Ái Sắc Nguyệt Nga” cô Hai Cúc làm vai Nguyệt Nga... hay, bộ cử chỉ đằm thắm, ngôn hạnh thanh tao, thật phải trang thục nữ, gìn tiết liệt cùng Lục sanh, lúc nàng trương bức tượng Vân Tiên lên... giọng ai bị van vái hồn chồng, mặt ủ dột nàng than thân trách phận... lại thêm lúc đó tiếng tiêu thiều chập trổi, nghe ra dường như gió thảm mưa sầu, ai cũng là mủi dạ. M. Cang làm vai Bùi Kiệm, bộ tịch gọn gàng ăn mặc giống thấy thông, thầy ký, sau rõ là công tử Bảnh, miệng có duyên, giọng ca ai cũng muốn nghe... hay không chỗ nói. Còn M. Thông làm vai thằng Lộ đày tớ ruột của Bùi Kiệm, diễu nhiều cái cười là cười. Lúc Nguyệt Nga gạt Bùi Kiệm mà làm chay cho Vân Tiên, M. Thông làm thầy chùa lên đàn thuyết kinh không khác nào thầy chùa thiệt, vui là vui....” (An Hà Nhựt Báo, “Đáng khen...! Đáng khen...”, 4-12-1919, trang 10).

      Về hình thức của các gánh "Ca Ra Bộ” thì các nghệ sĩ vẫn ăn mặc bình thường giống như lúc ca Nhạc Tài Từ, nhưng phông trên sân khấu đã được trang trí thêm những tranh thủy mạc bán ngoài chợ chứ không còn để trống như trước nữa. Về bài bản thì gánh hát nào có thầy tuồng thì có những bài ca mới, nếu không thì dùng những bài ca đã in trong những tập nhạc bán sẵn mà ca. Nghệ sĩ Ba Vân (Lê Long Vân) kể lại chuyện đi xem những gánh hát “Ca Ra Bộ” ở Bến Tre vào năm 1920:

      “... Bấy giờ vùng tôi có một số ban Ca Ra Bộ đến hát. Tôi không nhớ họ đã hát những tuồng tích nào, nhưng đại khái, thấy kép mặc áo dài khăn đóng, quần tây, giày hàm ếch hay giày tàu; đào mặc áo dài màu, quần lụa trắng, chân đi dép. Sau họ có tấm phông trắng căng ra, mắc hai khung thủy mạc mua ngoài tiệm, hai bên đặt mấy chậu kiểng. Ca đến đâu họ làm điệu bộ đến đấy. Có người chỉ một mình, ca theo hai ba giọng khác nhau. Có khi hai ba người ca nối tiếp bài bản bán sẵn. Đi xem về, tôi cũng bắt chước ca ra bộ, lâu dần, càng ngày càng thạo. Biết trong làng có xấp nhỏ ca được, từ đấy, hết xóm này đến xóm khác, hễ nhà nào có tiệc tùng, lễ lạc, là họ đến rước chúng tôi ... (2)

      Báo Nông Cổ Mín Đàm ngày 20 tháng 5 năm 1920 cố viết một bài giới thiệu về gánh hát xiệc của André Thận, đã đề cập tới dự tính chỉnh trang lại sân khấu của André Thận là sẽ sắm thêm tranh, tượng để chưng cho có lớp lang cho những vở “Cải Lương”, sắm một cái “bong” bằng vải bố lớn để làm rạp và sau khi chỉnh trang lại cho đầy đủ mới đem lên Sàigòn trình diễn, Hai chữ “Cải Lương” ở đây được hiểu là “Cải Lương Hí Kịch” đã được “Hội Khuyến Học Long Xuyên" khởi xướng từ năm 1916 và bộ môn “Hí Kịch” này đã được nhiều người biết đến từ khi nhóm “Cải Lương Kịch Xã” của “Hội Khuyến Học Long Xuyên” cho đi trình diễn nhiều nơi. Khi những lớp “Ca Ra Bộ” do Trương Duy Toản viết cho gánh hát xiệc của André Thận vào thời điểm này đưa ra trình diễn trước công chúng thì cũng đã được báo chí gọi là “Cải Lương Hí Kịch” hoặc “Tân Kịch”.



      Ngày 13 tháng 6 năm 1920, gánh hát Xiệc của André Thận lên Tân An trình diễn và có mời các vị chủ bút Các báo ở Sàigòn xuống coi. Khi tường thuật về buổi diễn này, báo chí đã gọi màn “Ca Ra Bộ” là tuồng “HÍ Kịch” (Cải Lương Hí Kịch – Comédie):

      “Lại có hát xen một lớp tuồng hí kịch (comédie) thiệt vui. M. Thông làm Hương Hộ thiệt tài, cô Hai Cúc làm vợ Hương Hộ, dùng điệu ca Tứ Đại mà khuyên chồng, bộ tịch dịu dàng, giọng ca lảnh lót, ai nấy đều khen, còn M. Cang làm vai thằng Lộ là đày tớ của Hương Hộ, bộ tịch đáng tức cười, lời diễn rất có duyên, làm cho cả rạp thảy đều cười rộ.” (Nông Cổ Mín Đàm, ngày 24-6-1920)

      Sau này gánh hát xiệc của André Thận còn được gọi là “Gánh Hát Xiệc và Cải Lương” thay vì chỉ có hai chữ “Hát Xiệc” như lúc đầu. Từ đó trở đi, hai chữ “Cải Lương” đã được dùng để chỉ cho bộ môn nhạc kịch (Opérette) của miền Nam, còn bộ môn Hí Kịch (Comédie) thì sau này được gọi là Kịch hoặc Kịch Nói, Riêng tại miền Bắc thì danh từ “Kịch” đã được dùng cho bộ môn hí kịch từ trước năm 1921. Ngày 27-3-1921, hội viên của hội Nam Thanh diễn vở kịch “Thương Khó” tại trường thầy Dòng để lấy tiền tu bổ trường học St. Jean Baptiste de la Salle, đã được báo chí tường thuật là “buổi diễn kịch” và cho biết là quốc dân đang “nhiệt thành về sự cải lương diễn kịch”, điều này, thêm một lần nữa cho ta thấy là hai chữ Cải Lương khởi sự từ bộ môn Hí Kịch mà ra.


      Ngày 29 tháng 8 năm 1921, Trương Văn Thông là chủ gánh hát Tân Thinh có mời nhà báo Nguyễn Văn Chất của tờ Nông Cổ Mín Đàm tới xem diễn tuồng “Bạch Tuyết Kiên Trinh” tại rạp hát cải lương Tân Thinh ở đường Boresse (bây giờ là đường Yersin). Sau màn chiếu bóng thì hai soạn giả của gánh hát là Lâm Hoài Nghĩa và Nguyễn Quốc Biểu lên sân khấu giải thích về ý nghĩa của hai chữ Cải Lương và xin khán giả lượng thứ cho những điều sơ suất vì “vạn sự khởi đầu nan”. Có lẽ đây là ngày khai trương của gánh hát Tân Thinh vì vào thời đó, báo giới thường được các cơ sở thương mại mời tới tham dự trong những ngày khai trương của họ.


      Theo lời thuật lại của những nghệ sĩ tiên phong hoặc theo trí nhớ của các nhà nghiên cứu đi trước ghi lại thì trong ngày khai trương, gánh hát Tân Thinh cho treo hai câu đối của soạn giả Lâm Hoài Nghĩa hai bên bảng hiệu:


      Cải cách hát ca theo tiến bộ,

      Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.


      Như vậy, hai chữ Cải Lương dùng cho bộ môn kịch nghệ đã được gánh hát xiệc của André Thận khởi xướng từ năm 1919, nhưng đã được gánh hát Tân Thinh cổ động và phổ biến rộng rãi hơn nên được nhiều người biết đến từ đó. Lúc trước, gánh hát xiệc của André Thận – tiền thân của những gánh hát Ca Ra Bộ, Cải Lương - là một gánh hát lưu động và rạp được che bằng vải bố, đi tới đâu thì dựng rạp ở đó, nhưng đến bây giờ, gánh Tân Thịnh có rạp hát cố định, hình thức nghệ thuật sân khấu mới là Cải Lương đã hoàn chỉnh và chánh thức thành hình là một bộ môn ca kịch có rạp và sân khấu riêng, tuy nhiên, trước khi diễn tuồng cải lương vẫn còn có chiếu bóng như các gánh hát xiệc lúc trước.


       

      Sau gánh Tân Thịnh có gánh Văn Hí Ban khai trương, ngày 9 tháng 9 năm 1921 tại rạp hát ở đường Gò Công, trong Chợ Lớn. Đêm 6 tháng 1 năm 1922 gánh Văn Hí Ban diễn tuồng “Trâm Nghĩa Quạt Tình”, vì thiếu đào kép, có người phải đóng hai, ba vai trong vở tuồng. Đào gồm các cô Liễu Hoa, Thiên Hương, Bích Hà, kép Vương Ngọc Tùy... Ngày 18-12-1922 Văn Hí Ban lưu diễn ở một ngôi chùa trên đường Paul Bert (Trần Quang Khải), Đakao.


      Tại Thốt Nốt (Long Xuyên) có Vương Có người gốc Triều Châu lập gánh “Tập Ích Ban” vào năm 1921 gồm có các nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Ba Ngưu, cô Năm Nhỏ (cô Năm Thốt Nốt), cô Trâm, cô Diệu.... hợp tác, ban ngày các nghệ sĩ tập tuồng ở cái sân rộng phía sau tiệm tạp hóa Vĩnh An Đường của Vương Có, ban đêm diễn ở sân đình.


      Ngày 14 và 15 tháng 1 năm 1922, Tân Ích Ban của Lê Văn Sanh diễn tuồng “Hoa Viên Kỳ Ngộ” tại rạp chiếu bóng Eden ở Chợ Lớn cho các quan chức ở Sàigòn và Chợ Lớn xem nên chỉ bán vé hạng ba cho công chúng. Có lẽ đây cũng là ngày khai trương của Tân Ích Ban vì những ghế tốt đã để dành cho khách mời.


      Đêm 24 tháng 6 năm 1922, gánh Kỳ Lân Ban khởi sự hát tại rạp chiếu bóng Modern ở đường d' Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) tại Sàigòn.


      Tại Mỹ Tho có cô Tư Sự lập gánh “Đồng Bào Nam”, Ông Hai Cu thợ kim hoàn lập gánh “Nam Đồng Ban”, sau khi “Nam Đồng Ban” rã gánh thì ông cho lập gánh "Tái Đồng Ban”, tại Long Xuyên có “Sĩ Đồng Ban”, Sóc Trăng có “Tân Phước Nam” v.v... Từ đây, cải lương càng ngày càng phát triển khắp Nam Kỳ lục tỉnh và đã trở thành một bộ môn văn nghệ không thể thiếu trong nền văn hóa của người dân Nam bộ.


      Trở lại gánh hát xiệc của André Thận, với mục đích khuếch trương gánh xiệc cho quy mô hơn, ngày 9-9-1920, Joseph Võ Văn Ngữ và André Nguyễn Văn Thận là hai vị giám đốc (directeurs) của gánh phát động một cuộc bán 500 trái phiếu, mỗi trái phiếu là 20 đồng để có 10 ngàn đồng vào việc “góp thêm nhơn tài, gia thêm âm nhạc, phụ thêm thinh sắc, chế thêm tranh tượng, sắp thêm bài bản, dọn thêm huê lệ, bày thêm trang sức, sắm bong rạp v.v...” cho gánh xiệc. Sự việc này cho ta thấy là vào cuối năm 1920, sân khấu cải lương đã được trang trí đầy đủ những cảnh vật theo từng lớp lang của vở tuồng như bây giờ rồi. Đến cuối năm 1921 André Thận đã phải chi tiêu 20 ngàn thay vì 10 như dự tính lúc ban đầu để chấn chỉnh lại gánh hát cho hoàn mỹ hơn. Sau này, vì làm ăn bị thua lỗ nên André Thận cho gánh hát lên Sàigòn diễn tại rạp Modern ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) lần chót vào ngày 19-3-1922 rồi rã gánh và được Châu Văn Tú gom đào kép của gánh André Thận lại để lập ra gánh hát Cải Lương của Thầy Năm Tú.



      Châu Văn Tú sanh năm 1978, là người ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, còn được gọi là thầy Năm Tú hoặc Pierre Tú, là người rất say mê ca nhạc, có quốc tịch Pháp và đã từng đi Tây. Năm 1918 ông có cho xây một rạp chiếu bóng ở bên hông chợ Mỹ Tho mang tên Cinéma Palace, được người ta gọi là rạp hát thầy Năm Tú. Rạp thầy Năm Tú bây giờ (năm 2010) là rạp Tiền Giang trên đường Nguyễn Huệ thuộc phường 1, thành phố Mỹ Tho nhưng không còn hoạt động nữa.

       

      Sau khi sang lại gánh hát của André Thận, thầy Năm Tú cho sửa sang lại rạp Cinéma Palace để làm nơi trình diễn cải lương thường trực, ông mướn họa sĩ vẽ phông và trang trí sân khấu cho thích hợp với cảnh của mỗi lớp trong vở tuồng, sắm y phục cho diễn viên và sân khấu có màn kéo như các rạp hát Tây. Ngoài những đào kép cũ của gánh André Thận, thầy Năm Tú còn cho tuyển thêm đào kép mới và soạn giả Trương Duy Toản được mời tiếp tục viết tuồng cho gánh hát.


      Gánh hát thầy Năm Tú diễn lần đầu tại Sàigòn vào ngày 12-11-1922, sau đó ông cho gánh hát mỗi tuần diễn tại rạp thầy Năm Tú ba đêm và tại rạp Eden ở Chợ Lớn ba đêm. Các đào kép của gánh thầy Năm Tú được hãng đĩa hát Pathé Phono ở Sàigòn mời thâu tiếng. Những đĩa hát Pathé loại 78 vòng có hình con gà trống do gánh hát thầy Năm Tú ca được giáo đầu như sau: “Đây là bạn hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng dĩa Pathé Phono nghe chơi”. Nhờ những đĩa hát này mà “Cải Lương” đã được phổ biến trên toàn quốc. Gánh hát thầy Năm Tú hoạt động cho tới năm 1928 thì bị rã tại Cái Bè, Mỹ Tho.



      Theo những tài liệu viết về lịch sử của Cải Lương từ trước tới nay thì sau khi gánh hát của thầy Năm Tú thành lập mới có các gánh hát khác ra đời, nhưng nay ta được biết là gánh hát của thầy Năm Tú ra đời vào cuối năm 1922, trong khi đó, vào năm 1921 đã có nhiều gánh cải lương hoạt động rồi. Tuy nhiên, thầy Năm Tú đã có công lớn khi ông cho thu thanh những bài ca cải lương vào đĩa hát để phổ biến khắp mọi nơi và từ đó, bộ môn Cải Lương ngày càng được nhiều người biết đến.


      Lúc trước nghệ thuật sân khấu ở miền Nam chỉ có bộ môn Hát Bội, tức là bộ môn Nhạc Kịch mà thôi. Sau khi người Pháp chiếm đóng miền Nam và đã đặt vũng nền cai trị vào đầu thế kỷ 20, họ tổ chức lại nền giáo dục và hành chánh cùng đưa văn hóa của họ giới thiệu cho dân ta, trong đó có ba bộ môn Ca Nhạc (tân nhạc), Nhạc Kịch, Ca Kịch và Hí Kịch. Vào năm 1916, Hội Khuyến Học Long Xuyên đã thành lập ra “Cải Lương Kịch Xã” để diễn những vở thoại kịch (hí kịch - comédie) và bộ môn hí kịch này đã được gọi là “Cải Lương” rồi, từ đó khái niệm về một bộ môn nghệ thuật sân khấu mới theo phong cách của Tây phương đã được manh nha. Khi những gánh hát việc cho trình diễn những vở tuồng viết theo thể loại “Ca Kịch” (Opérette) do sự phối hợp giữa bộ môn “Ca Ra Bộ” (ca) với bộ môn “Hí Kịch” (kịch), bộ môn Cải Lương đã được thành hình đúng như ước vọng của Hội Khuyến Học Long Xuyên đã đưa ra từ năm 1916: "Nay Hội Khuyến Học Long Xuyên mà hát đó là hát tuồng Comédie (Cô-mê-đi) rồi lần lần đây sẽ đặt tuồng thêm mà hát cho đủ ba điệu cho được trọn tốt trọn lành, chớ nay mới khởi ra thì làm sao cho toàn hảo được" (3).


      Như vậy, bộ môn Cải Lương với hình thức “Ca Kịch” như chúng ta đang được thưởng thức bây giờ đã được thành hình vào năm 1919 với những vở tuồng ngắn do gánh hát xiệc của André Thận trình diễn và được gọi là Cải Lương vào năm 1920, đến giữa năm 1921, gánh Tân Thịnh đã có rạp riêng để chiếu bóng và hát cải lương, nhưng phải đợi cho tới cuối năm 1922, thầy Năm Tú cho diễn Cải Lương thường trực ở rạp hát thầy Năm Tú tại Mỹ Tho với sân khấu có phông, màn trang trí và đào kép có y phục hóa trang đầy đủ, bộ môn ca kịch Cải Lương mới chính thức hoàn hảo thành hình và có chỗ đứng ngang hàng với các bộ môn kịch nghệ khác như Hát Bội, Hát Chèo của Việt Nam hoặc các bộ môn điện ảnh (chiếu bóng), ca nhạc kịch của Tây phương.


      Hai tuồng cải lương: Bội Phu Quả Báo (soạn năm 1921) và Tam Đồng Trung Liệt (1925)

      Nguyễn Tuấn Khanh

      Bước Đường của Cải Lương, trang 35.
      Viện Việt Học, 2014

      (1) Nguyễn Trọng Quyền, Bội Phu Quả Báo, Saigon, Imp. du Centre, 1923, trang 2.

      (2) Trần Việt Ngữ, Nghệ Sĩ Ba Vân Với Sân Khấu Cải Lương, TP HCM, NXB TP HCM, 1986, trang 50.

      (3) Nguyễn Chánh Sắt, Cuộc Hát Cải Lương, Nông Cổ Mín Đàm, 27.9-1917.
      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022