|
Bùi Giáng(17.12.1926 - 7.10.1998) | Du Tử Lê(.0.1942 - 7.10.2019) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà biên khảo
Nguyễn Tuấn Khanh
Song song với nghệ thuật trình diễn trên sân khấu là hát bội, bộ môn ca Huế, Nhạc Lễ và Nhã Nhạc cung đình cũng theo bước chân khẩn hoang của những người dân miền Trung vào Nam, qua mỗi vùng đất nước, thâu nhận thêm những bài dân ca, câu hò, điệu lý của từng vùng mà tạo thành một loại ca nhạc "sa lông", tức là loại nhạc thính phòng để đờn ca giải trí vui chơi trong lúc nhàn hạ chứ không có trình diễn gọi là Nhạc Tài Tử.
Sau cuộc bính biến kinh thành Huế vào năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiều Cần Vương, một số nhạc quan và nhạc công của triều đình lánh nạn vào miền Nam sinh sống, trong đó có Nguyễn Quang Đại, người đã có công rất nhiều trong việc phổ biến Nhạc Tài Tử tại miền Nam. Nguyễn Quang Đại được các báo chí hồi đầu thế kỷ 20 gọi là Ba Đại, nhưng sau này đổi thành Ba Đợi (có người cho là do gọi theo cách phát âm cửa miền Trung, nhưng có lẽ do kỵ húy tên vua Bảo Đại thì đúng hơn vì trước khi vua Bảo Đại lên ngôi, báo chí vẫn gọi Nguyễn Quang Đại là Ba Đại), nguyên quán ở Hải Lăng, Quảng Trị vào sinh sống tại các vùng Đakao, Cần Giuộc, Cần Đước để truyền dạy Nhạc Lễ và Nhạc Tài Tử.
Hình vẽ 12 nhạc công (tài tử)
Ông đã đào tạo được nhiều nhạc sĩ lừng danh như ở Đakao có Tám Hạnh, Sáu Thới (thầy của các nhạc sư Tư Nghi, giáo Thinh, Năm Cần), Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ... Tại các vùng Long An, Cần Giuộc, Cần Đước có các môn sinh như nhạc Láo, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, nhạc Thời, Hai Tò Le, Năm Tịnh, cô Sáu Giỏi, cô Bảy Lung v.v... là những nhạc sĩ tài ba mà tiếng tăm còn truyền lại tới bây giờ. Từ những môn sinh của ông, các nghệ sĩ tài danh của thế hệ thứ ba đã được nối tiếp truyền nghề như Tư Huyện, Sáu Quý, Bảy Hàm, Chín Kỳ, Hai Phát, Hai Biểu, Tư Tụi, Ba Lựa v.v...
Ngoài việc truyền dạy nghề đờn, Ba Đợi còn đem một số Nhạc Cung Đình cải biên thành Nhạc Lễ miền Nam, hệ thống hóa Nhạc Tài Tử thành bốn điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán (còn được gọi là 20 bài tổ) 1.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có hai nhóm nhạc gồm miền Đông của Ba Đợi cùng với nhóm nhạc miền Tây của Trần Quang Quờn đã ganh đua với nhau tạo nên phong trào đờn ca tài tử rộng lớn.
Tuy Ba Đợi là một nghệ sĩ tài hoa và đã có công đưa Nhạc Tài Tử miền Nam lên đến đỉnh cao nghệ thuật, nhưng đến cuối đời lại chết trong hoàn cảnh túng quẫn, quan tài được một chiếc xe chở cá đưa vào chôn trong vùng mả hoang ở Bình Đông, Rạch Cát, quận 8 Sàigờn. Ta không rõ năm sanh và năm mất của Ba Đợi, nhưng giáo Thinh (thế hệ thứ hai) còn ghi được ngày mất là ngày 19 tháng Giêng âm lịch. Năm 1996 linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tỉnh Long An đưa về thờ trong đình Vạn Phước thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước và hàng năm đều có tổ chức lễ giỗ kị vào ngày 19 tháng Giêng.
"Tài tử" (1907)
Theo đúng nghĩa, danh từ "tài tử" để chỉ những người có tài năng, giỏi, thông minh hoặc có văn tài trong giới "sĩ" theo quan niệm của người xưa. Khi bộ môn ca nhạc mới ra đời được đặt tên là Nhạc Tài Tử để phân biệt với những bộ môn ca nhạc chuyên nghiệp đã có từ trước như Hát Bội, Nhạc Lễ vì loại nhạc mới này chỉ dùng để đờn ca giải trí trong phạm vi gia đình hoặc bạn bè với một không gian thu nhỏ và âm nhạc cũng là môn giải trí đầu tiên trong bốn thú tiêu khiển cầm, kỳ, thi, họa của giới văn nhân tài tử, tao nhân mặc khách khi xưa.
Đến cuối thế kỷ 19, hai chữ "tài tử" được Huỳnh Tịnh Của giải thích là "kẻ có tài riêng; kẻ chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công ", chứng tỏ rằng lúc trước bộ môn ca nhạc mới này chỉ dùng để đờn ca vui chơi với nhau, nhưng về sau trở thành một nghề riêng biệt và từ đó có thêm danh từ "bọn tài tử" để chỉ nhóm đờn ca Nhạc Tài Tử này. Chữ "bọn" thời đó được dùng với ý tốt, có nghĩa là "đoàn" hoặc "một nhóm người" cũng như chữ "con hát" ngày xưa thường dùng để gọi chung những nữ ca sĩ là do chữ Hán "xướng nhi" hoặc "ca nữ" mà ra. Đó là những danh từ được dùng với một ý nghĩa bình thường chứ không phải là miệt thị hoặc khinh rẻ.
Vào đầu thế kỷ 20, các nữ ca sĩ được báo giới gọi là "cô" như cô Hai Nhiễu, cô Năm Cúc, cô Ba Đắc, cô Hai Lựu v.v..., riêng đối với các nam ca sĩ thì được gọi là "thầy" hoặc "monsieur" (ông) như họ gọi M. Thông, M. Cang trong ganh hát xiệc của André Thận và nhạc sĩ thì được gọi là "thầy đờn", chứng tỏ là khi bộ môn Nhạc Tài Tử ra đời đã được người dân Nam bộ quý trọng, coi như là một thú vui tao nhã chứ không bị khinh khi coi thường là phường "xướng ca vô loại" như nhiều người lầm tưởng.
Nhạc Tài Tử không có bộ gõ như trống, thanh la, chập chõa trong Hát Bội mà chỉ cần có song lang để giữ nhịp, về bộ hơi thì không cần kèn mà chỉ có ống tiêu hoặc sáo. Bô dây cửa Nhạc Tài Tử không nhất thiết phải có đầy đủ các loại đờn như Hát Bội hoặc Nhạc Lễ mà tùy theo hoàn cảnh và ngẫu hứng cửa từng người, từng nơi mà đờn ca theo sở thích. Gặp khi trăng thanh gió mát hoặc những lúc nhàn hạ, người nhạc sĩ có thể pha một bình trà hoặc chuốc đầy một nhạo rượu, độc ẩm và đờn một mình để thưởng thức thú tao nhã, hoặc khi có thêm một người bạn thì song tấu cho vui.
Tam tấu cò, kìm, tranh (1925)
Những khi có đông bạn đờn, ca thì có thể hòa chung 3, 4 cây đờn trở lên và được phân loại những bộ nhạc khí đờn chung với nhau như Tam tuyệt gồm 3 nhạc cụ: kìm, cò, tranh; Tứ tuyệt gồm bốn nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Tỳ Bà; Ngũ tuyệt gồm 5 nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Tỳ Bà, Bầu (hoặc Tam, lúc này chưa có guitar phím lõm). Đôi khi có thêm bộ hơi gồm tiêu hoặc sáo.
Với tính cách đờn ca tao nhã và phóng khoáng như vậy, bợ môn ca nhạc này được gọi là "Nhạc Tài Tử" quả là không sai. Sau này, khi Nhạc Tài Tử trở thành một bộ môn ca nhạc chuyên nghiệp và được nhiều người biết đến thì chữ "tài tử" được hiểu thêm một ý nghĩa mới là "nhạc công" hoặc là "người có nghề cổ nhạc" như Huỳnh Tịnh Của đã giải thích. Tuy nhiên, từ đó danh từ "tài tử" cũng có thêm một nghĩa lóng là "không chuyên nghiệp" (chuyên nghiệp = nghề chuyên môn) để chỉ những người có những tài riêng nhưng chỉ làm theo sở thích chứ không lấy đó làm một nghề mưu sinh dù tay nghề rất khá.
Phong cách "tài tử" thể hiện rõ trong phương pháp truyền nghề của bộ môn này. Trước kia, những gia đình khá giả muốn học đờn ca thì mời một vị "thầy đờn" về nhà nuôi com nước, trà rượu, đôi khi cả thuốc phiện nếu gặp phải người ghiền để dạy cho mình hoặc những người trong gia đình, giống như một vị gia sư dạy chữ Nho khi xưa. Tuy gia chủ phải xuất tiền nuôi thầy, nhưng nếu có những người khác muốn tới học một vài ba ngón đờn cửa vị thầy này thì gia chủ cũng vui vẻ tiếp đón mà không đòi hỏi điều kiện gì, đôi khi còn bày ra tiệc rượu để đờn ca chung vui với nhau. Ngoài ra, có những vị nhạc sư dạy đờn tại nhà riêng, tuy lấy học phí nhưng nếu thấy những người nào không đủ khả năng trả tiền mà có khiếu về âm nhạc thì họ dạy miễn phí hoặc chỉ lấy tượng trưng ít quà cáp, nghĩa là họ không coi trọng vật chất mà chỉ chú trọng đến nghệ thuật âm nhạc mà thôi.
Độc tấu đờn kìm (1912)
Điệu nhạc và lời ca của Nhạc Tài Tử khác với Hát Bội rất nhiều. Lời của Hát Bội chủ yếu là theo thể phú, đối, thơ Đường hoặc thơ song thất lục bát, lục bát và có nhiều tiếng Hán thì lời của Nhạc Tài Tử là tiếng Việt và mỗi câu phải ca theo đúng với từng chữ đờn của bản nhạc. Các bài ca Nhạc Tài Tử thường theo 4 thể điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán trong 20 bài tổ hoặc những bài bản ngắn, sau này có thêm một số bài bản mới nhưng mỗi bài đều có những số chữ, số câu nhất định chứ không thể kéo dài, ngắn tùy hứng như Hát Bội.
Từ cuối thế kỷ 19 ở miền Nam đã có nhiều nơi sinh hoạt Nhạc Tài Tử như các nhóm Tư Triều ở Mỹ Tho 2, Ba Đợi ở Cần Giuộc, Cần Đước, Kinh Lịch Quờn ở Vĩnh Long, Ái Nghĩa ở Cần Thơ, Bảy Đồng ở Sa Đéc v.v... Tuy ta gọi la "nhóm" nhưng tính cách sinh hoạt của các nhóm nhạc này không giống như sự điều hành của các gánh hát hoặc những nhạc phường đã có từ trước vì ban đầu Nhạc Tài Tử chỉ do những người yêu thích đờn ca tụ họp lại vui chơi với nhau nên họ không có ai làm trưởng nhóm, trưởng ban cả.
Họ có thể là một nhóm do vị nhạc sư có nhiều học trò tụ tập sinh hoạt thường xuyên để tập dượt với nhau như nhóm của Nhạc Khị ở Bạc Liêu, hoặc là của những người không biết đờn ca nhưng yêu thích âm nhạc nên thường tổ chức ca nhạc tài tử như nhóm của Tống Hữu Định ở Vĩnh Long. Thậm chí có người giỏi tay nghề và có nhiều học trò như nhạc sư Ba Đợi ở vùng Sàigòn, Long An nhưng ông cũng đi đờn chung vui với nhóm nhạc của Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu ở Sàigòn.
Những sinh hoạt đờn ca như trên bây giờ vẫn còn được phổ biến ở khắp miền Nam. Hiện nay tại các quận, huyện thường có những câu lạc bộ Đờn Ca Tài Tử, hoặc trong những thôn xóm thường có một vài người biết đờn ca và những khi rảnh rỗi thì họ lại tụ tập để sinh hoạt văn nghệ với nhau. Trong những thập niên 1940-1970, không ít các tiệm hớt tóc ở Sàigòn và Lục Tỉnh đều có treo những nhạc khí cổ nhạc, khi vắng khách thì các thợ hớt tóc rủ nhau đờn ca để giải trí. Nhờ có những sinh hoạt văn nghệ như vậy mà sau này miền Nam đã đào tạo và cống hiến cho bộ môn Cải Lương rất nhiều danh cầm, danh ca trước khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ra đời.
Chú Thích:
(1) Nhiều tác giả, Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Về Đức Nghệ Nhơn Tiền Phong Nhạc Lễ Nhạc Tài Tử Nguyễn Quang Đại, Long An, Sở VHTT tỉnh Long An, 1996, trang 29.
(2) Thời Pháp thuộc (l862-1945), theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp. Năm 1876, tỉnh Định Tường bị Pháp giải thể và biến thành 2 tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) là Mỹ Tho và Gò Công, thuộc khu vực hành chính (circonscription) Mỹ Tho. Sau này 2 hạt Mỹ Tho và Gò Công trở thành 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công. Nhưng theo chú thích trong Đại Nam nhất thống chí: thời Pháp thuộc, tỉnh Định Tường bị chia thành 3 tỉnh: Mỹ Tho (đất huyện Kiến Hưng cũ), tỉnh Gò Công (đất huyện Kiến Hòa cũ), tỉnh Sa Đéc (đất huyện Kiến Đăng cũ).