|
Anh Bằng(5.5.1926 - 12.11.2015) | Cao Xuân Huy(.9.1947 - 12.11.2010) | Trần Thái Đỉnh(14.11.1922 - 12.11.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhà thơ Nguyên Sa
(1932 - 18.4.1998)
Ngày cuối tuần, là ngày Thanh minh. Nhớ lại câu Kiều “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh…” để nhớ bổn phận của một người con, của một người cầm bút nhớ lại những người đã ra đi. Nghĩa trang Peek Family ở cuối đường Bolsa, nơi an nghỉ của mẹ tôi, của thầy Nguyên Sa, thầy Nguyễn Khắc Hoạch, thầy Vũ Văn Tiên, anh Mai Thảo, anh Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, và người anh vợ tôi vừa ra đi cách nay vài ngày, ở những ngôi mộ mà ngày hôm nay tôi đến cắm những nén nhang tưởng nhớ.
Con đường Bolsa, con đường đặc biệt của người tị nạn Việt Nam, nơi mở đầu một cuộc sống với phố xá ồn ào, cửa hàng tấp nập và chấm dứt đời tị nạn với những ngôi mộ thinh lặng chỉ có cây cỏ và những chú chim dạn dĩ. Trời hôm nay nắng đẹp trải mầu đỏ hồng trong những thảm cỏ xanh rờn. Cuối mùa xuân đầu mùa hè, tầng mây cao vút, thấy trời và đất thật gần nhau và người chết và người sống dường như có những rung động sâu xa từ tâm thức. Đến từng ngôi mộ, nhìn lại di ảnh những người đã khuất, tự nhiên tôi thấy lòng bồi hồi. Chỉ mấy năm qua thôi, mà trải qua tưởng như lâu lắm. Những câu thơ trên bia mộ thi sĩ Nguyên Sa, Mai Thảo, Long Ân, Nguyễn Tất Nhiên, hay những câu đối trên bia mộ giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Vũ Văn Tiên, như những nhắc nhở để nhớ về, để tưởng vọng.
Tôi nhìn di ảnh thầy Nguyên Sa, thấy cái nón kết quen thuộc, thấy nụ cười hiền hòa bao dung khi bị lũ học trò cũ chúng tôi chọc phá. Mới đây mà đã mười năm.Tôi nhớ lại lúc làm tủ sách Tác Giả Tác Phẩm với thầy. Tôi nhớ tới nhà in nhỏ ở đường Grand, tới những quyển sách vừa đóng xong còn thơm mùi mực. Tôi nhớ lúc thầy gần mất, đang thực hiện tờ Thời Nay mà thầy bảo tôi làm chủ bút. Tôi ngại ngùng, từ chối không được nên cứ ậm ờ không dứt khoát khiến thầy nổi nóng có lúc la mắng vì thấy công việc không tiến triển lắm. Có lúc thầy nói tha thiết “Thầy già rồi, lúc này là lúc các em làm việc…” Nghĩ lại, tôi thấy mình như có lỗi. Bây giờ, cả tờ báo Thời Nay với art work còn đây, nhưng tờ báo vì người chủ chốt đã ra đi nên không thành hình được.
Tôi nhớ lại những lần thầy trò nói chuyện với nhau cả giờ.
Thi sĩ Nguyên Sa mà nói chuyện về thơ với một kẻ yêu thi ca như tôi thì không thích thú nào bằng.
Tôi có lúc như trong mơ khi hoang mang tự hỏi. Thi sĩ Nguyên Sa nói chuyện về thơ? Hồi nào? Dường như thi sĩ đã đi vào miền vĩnh hằng ngày 18 tháng Tư năm 1998 rồi mà! Thì, làm sao hôm nay, bây giờ có thể nói chuyện với chúng ta về thơ được? Thế mà, với tôi, giở lại những trang hồi ký, như đang tiếp tục câu chuyện về thi ca, về những bài thơ mà có người phê bình là những “châu báu bắt được của trời”.
Nguyên Sa một đời làm thơ và sống chết với thơ. Khi ông đang nằm trên giường bệnh, dù đang thập tử nhất sinh ông vẫn lo lắng để chuẩn bị cho in tập thơ Thơ Nguyên Sa tập 4. Thơ với ông là một vũ trụ mênh mông mà cuộc sống vẫn còn dù thân xác có bị hủy hoại theo luật thiên nhiên.
Thơ Nguyên Sa không phải chỉ thuần túy thi ca mà còn chất chứa cuộc sống thực tế và cả những ước mơ nữa. Như, câu phê bình của tổng thống Ngô Đình Diệm về một giáo sư trẻ Trần Bích Lan mà bác sĩ Trần Kim Tuyến đã kể lại: “Ông cụ bảo cậu lãng mạn.” Có phải tâm tính lãng mạn là luôn luôn nuôi dưỡng những giấc mơ? Quả thực, trong suy nghĩ biểu hiện bằng ngôn ngữ thi ca, Nguyên Sa là một người làm thơ lãng mạn.
Đọc những trang hồi ký, nghe thi sĩ nhắc lại những bài thơ và những trường hợp đã có cảm hứng để viết, mới thấy câu nhận định trên là chính xác. Những bài thơ, dù viết ở đâu, từ lúc đất nước thanh bình đến khi trời làm tao loạn, hay lúc lưu lạc xứ người, thơ vẫn là những biểu tượng của một cuộc sống tràn đầy ước mơ.
Giữa con người thực dụng và con người viễn mơ, có lẽ triết lý đã điều hòa cả hai để có một chân dung thi sĩ. Triết học không lấn áp thi ca mà trái lại làm cho ngôn ngữ thơ có sắc thái riêng.
Thi sĩ viết:
“Tôi cũng nhớ, ngay lúc đó, khi đọc bài văn nói về văn chương viễn mơ của Mai Thảo, một năm trước, tôi thấy văn chương viễn mơ không phải là mục tiêu mà tôi nhắm tới, văn chương viễn mơ không phải là tôi. Tôi mơ hồ cảm thấy làm thơ mà cứ phải dấn thân triền miên thì… mệt quá! Nhưng tôi cũng không muốn sống, trong cuộc đời cũng như trong tác phẩm, cắt lìa khỏi, một cách thường hằng, mọi đam mê của đời sống. Tôi mơ hồ cảm thấy những lý luận thuần lý, những triết học nhất quán, những lô gic chặt chẽ và thơ có một khoảng cách. Dường như, càng xa lý thuyết thơ càng nhiều thơ, càng cột chặt hồn mình vào lô gíc, thơ càng ít thơ hơn. Tôi đọc, tôi đọc. Tôi sửa lại một chữ, rồi một chữ khác. Tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải là một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là người làm thơ tình mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi.”
Có những bài thơ viết về Paris, như một kỷ niệm trong đời. Thành phố, nhắc đến những người bạn và những cuộc giã từ. Ra đi nhưng để tấm lòng mình ở lại. Những dòng hồi ký không những là nhớ lại mà còn làm sống lại những ngày tháng ấy. Một đoạn đời hóa sinh vào thơ, mơ mộng và diễm ảo. Thơ. Là dấu ấn cho lãng mạn dâng cao:
... Tôi thấy tôi và những tôi cầm tay bạn bè bịn rịn, tôi thấy tôi và những tôi từ trên thang cao của máy bay vẫy tay lần cuối, tôi thấy ngọn đèn đêm của Eiffel quét những đường sáng dài vẫy tay. Những Tiễn Biệt, những Paris Có Gì Lạ Không Em, từ bóng đêm của vô thức và sương mù dắt tay sông Seine đi tới.
Paris có gì lạ không em
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Paris có gì lạ không em
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em
Em có còn đứng ở bên bờ sông
Làm ơn che khuất nửa vầng trăng
Anh về có nương theo dòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng…
Những điệp khúc “Paris có gì lạ không em” đặt ra những câu hỏi để dẫn về những nơi chốn mới đây gần gũi mà bây giờ xa biệt. Hoa lá để nhớ đến cánh chim, dòng sông mù sương trắng nhớ đến áo em huyền ảo cũng như vầng trăng in dưới dòng nước nhắc nhở đến mường tượng em trong bóng trăng. Thiên nhiên là của kỷ niệm nhắc nhở, mỗi khi nhớ là tìm lại được những hình ảnh mới của Em, của người tình của một thành phố như đã thành cổ tích.
Một bài thơ khác, của một thành phố khác, của đất nước Việt Nam, mà bây giờ lại xa cách trong cảm giác lãng đãng của nhửng câu thơ bềnh bồng. Sài Gòn, thành phố mà trong bộ nhớ nhiều người đầy ắp những kỷ niệm. Có khi là của lúc xôn xao thời mới lớn, có khi là của những ngày chiến tranh, của những ngày phép của người lính trẻ, của một thời của một đời người. Nguyên Sa làm bài thơ “Tám phố Sài Gòn” trong cái khí hậu văn học của một thời nhiều sôi động. Thi sĩ đã viết về một trường hợp sáng tác:
... Nguyễn Đình Vượng nói tôi muốn Nguyên Sa cho Văn một bài thơ, tôi hỏi thơ hay văn xuôi, anh Vượng nói rõ thơ, tôi ngập ngừng rồi nêu lên câu hỏi:
- Thơ Xuân?
Nguyễn Đình Vượng gật đầu vững chắc:
- Thơ Xuân.
Anh chỉ khẳng định chính xác như thế trong một giây ngắn, anh mau chóng đưa ra chọn lựa thoải mái hơn:
- Thơ Xuân … Hay thơ gì cũng được.
Tôi vui vẻ nhận lời, mấy hôm sau tôi mang tới tòa soạn Văn bài “Tám phố Sài Gòn”….
“Tám Phố Sài Gòn” là những câu thơ của bồi hồi về một thánh địa tình yêu, của những xúc cảm thoáng qua, của những hình ảnh đẹp khó quên trong bộ nhớ. Tôi yêu Sài Gòn nên yêu những câu thơ mang đến cho tôi một thời gian, không gian “thiêng liêng”, của cả một thời thơ ấu và trưởng thành riêng tôi. Và, rất lạ lùng, nhiều người đọc thơ cũng cùng chung những xúc cảm những suy nghĩ như thế. Thơ của một người nhưng hình như là của riêng nhiều người. Khi nhắc lại, là một trùng trùng đại dương xao động. Sài Gòn.
Vẫn còn, nhưng
như đã mất. Trong tôi…
Đọc những bài thơ như “Tám Phố Sài Gòn”, như “Áo Lụa Hà Đông”, trong khi lái xe, lúc ở sở làm hay mơ mộng một mình trong phòng đọc sách ở nhà nhìn ra biển và bầu trời, lúc nào cũng như lúc nào, thấy mình sống lại những phận đời, hồi sinh lại những nỗi nhớ trong cái xúc cảm mơ hồ của một người đi phiêu du ở một chốn nào mà suy nghĩ mãi ngân vang như những sợi đàn căng rưng rưng những âm vận trùng trùng nhung nhớ.
Viết về thơ của mình, thi sĩ Nguyên Sa tâm sự:
”... Tôi không muốn đi, tôi muốn ở lại, tôi gọi trở về quê hương là đi, tôi gọi tới Paris là về. Tình yêu của tôi ở đó, phần đời có trọng lượng của toàn thể của tôi ở đó. Cảm xúc lớn lao, dao động cực mạnh mang lại hàng loạt những bài thơ về biệt ly. Paris có gì lạ không em, Tiễn biệt, Paris. Tôi khởi sự thơ với chủ đề ly biệt. Tôi bắt đầu cùng lúc những bài tình ái và những bài biệt ly. Cũng có thể nói được như thế. Thơ chủ đề biệt ly và thơ chủ đề tình yêu đến gần như trong cùng một thời gian. Xen kẽ. Hỗ trợ. Trong thơ tình có khắc khoải chia xa. Trong Tiễn biệt, Paris có gì lạ không em, Paris có gục đầu trên vai nhau. Nga đầy ắp Paris là bài thơ tình đầu tiên, sau đó là Tuổi Mười Ba, của thời kỳ Paris gục đầu trên vai nhau. Paris tiễn nhau ở gare Lyon, ở phi trường Orly, Áo Lụa Hà Đông, Tháng Sáu trời Mưa, Cần Thiết của Sài Gòn 1956 và những năm kế tiếp, Nga 1955, Tiễn biệt đầu tiên. 1953, hai bài Paris 54 và 55. Thơ tình của những ngày tháng hôn nhân đến trước thơ tình của tuổi học trò. Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Tháng Sáu Trời Mưa trình làng ở Sáng Tạo, khi đã trở về Việt Nam, làm khoảng thời gian 56-57. Nga in trên tờ thiệp báo hỷ, bài thơ tương đối dài làm cho người bạn ấn loát in tặng phải chọn lựa tờ giấy lớn hơn thiệp báo hỷ rồi gấp lại làm ba. Tờ thiệp báo hỷ của tôi in trên khổ giấy năm rưỡi tám rưỡi, giấy bảy chục gam, loại láng, in chữ nghiêng, tới chữ O của “môi em tròn như chữ O”câu thơ in nghiêng, anh bạn ấn công chỉ cho tôi thấy chữ O anh đã chọn kiệu chữ thẳng, rất tượng hình thơ.”
Nguyên Sa còn làm thơ về những ngày ở lính và chiến tranh ở đây đã được nhìn ngắm với con mắt của người trong cuộc. Một cuộc chơi tàn bạo được bày ra với tất cả những sự phi lý của nó. Những người tham dự, dù tình nguyện hay bắt buộc, cũng bị lôi đi trong con lốc mịt mờ của thời thế. Đọc bài thơ “Sân bắn”, để thấy được tâm tư của một người trong cuộc. Một cách tình cờ, bài thơ được viết ra trong một khung cảnh yên bình của Sài Gòn buổi chiều nhưng lại là những cảm giác từ quân trường, nơi sân bắn có hình nhân phơ phất, có tiếng kêu “Bia lên” để làm đích đến cho những viên đạn vô tình:
... Tôi không có ý định làm bài lục bát đó, tự nó tới, bật ra. Tôi dừng xe lại ở Bưu Điện Sài Gòn, hí hoáy ghi lại Sân Bắn. Con trai tôi từ trong trường Taberd đi ra, trèo lên băng sau của chiếc Wolkswagen, chờ tôi lái đi. Tôi chép cũng vừa xong. Sân Bắn được đăng trên một tạp chí ở Sài Gòn trong thời điểm đó, được in trong Thơ Nguyên Sa tập Hai, hai mươi năm sau, năm 1988 ở Quận Cam.
Sân Bắn
Bia lên ta thấy thân người
Thấy ta thấy địch, thấy đời lãng du
Thấy tay dư, thấy chân thừa
Thấy tai nghễnh ngãng, mắt mù óc không..
Một đời phơ phất hình nhân
Thấy còn thấy hết, sau cùng thấy đau
Bia lên thấy mẹ u sầu
Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta
Trời cao ngó xuống thịt da
Bia lên trông cũng vật vờ cỏ xanh
Bia lên tìm chỗ ta nằm
Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu
Hầm bia buồn đến mộ sâu
Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay.
Và nhà thơ đã viết về những suy nghĩ và cảm xúc của mình để bật lên thành thơ.
….
Nhưng những câu thơ đã để lại cho đời sau là những câu hỏi để mở cửa bước vào cõi thơ, như “Cần Thiết”: Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học/ ai lau mắt cho em ngồi khóc / ai đưa em đi chơi trong chiều mưa?/…; như “Paris có gì lạ không em?”: Mai anh về mắt vẫn lánh đen/vẫn hỏi lòng mình là hương cốm?chả biết tay ai làm lá sen??; 'em ở đâu?, hỡi mùa thu tóc ngắn/giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông/anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng/. Ơi, những câu hỏi để thành những câu thơ bất tử của văn chương Việt Nam thế kỷ 20… Và tôi cũng như nghe thấy câu hỏi, được khắc lên trên bia mộ của một thi sĩ lớn:
Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau?
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?
Vâng, biết đâu! Phải biết đâu chuyện ba trăm năm sau khi tấc lòng thi sĩ vẫn còn mãi mãi qua thăm thẳm thời gian những kiếp người?