1. Head_

    Nguyên Sa

    (1.3.1932 - 18.4.1998)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Vấn Đề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận (Nguyễn Văn Trung) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      19-3-2015 | VĂN HỌC

      Vấn Đề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận

        NGUYỄN VĂN TRUNG


          Giáo sư Nguyễn Văn Trung

      Nói chung từ lâu nay, về Nguyễn Ánh thì vừa có khen, vừa có chê. Về Nguyễn Huệ, chỉ có khèn. Nhưng gần đây, Nguyễn Huệ cũng bị chê, lại chê một cách nặng nề, thậm tệ: "Nguyễn Huệ là tên tướng cướp tàn bạo" hay "tên cuồng dâm, bạo dâm". Riêng về điểm sau thì cả Nguyễn Ánh cũng bị xếp chung một rọ với Nguyễn Huệ.


      Những khen chê đều được viết lên trong các sách báo, sử ký và tiểu thuyết. Dĩ nhiên là sự kiện này đã gây ra những phản ứng, những tranh luận về kiến thức lịch sử và về thái độ phê phán của các tác giả, đặc biệt là hai thể loại: tiểu thuyết và sử ký.


      Đầu năm 2001, người ta thấy xuất hiện cuốn "Tổ Quốc ăn năn" của ông Nguyễn Gia Kiểng (NGK). Cuốn sách này đã gây nhiều phản ứng và tranh luận. Kẻ chê, người khen kéo dài nhiều tháng trên sách báo hải ngoại và trên "internet" như một vấn đề thời sự... nay đang rơi vào im lặng.


      Nhìn lại "hiện tượng NGK" qua cuốn sách dày 600 trang nói trên, người đọc, chịu đọc nó... có thể nhận diện về những nhận định, những ý tưởng tản mạn, rải rác trong cuốn sách để xem chúng hợp hay không hợp với lối nhìn, với cảm nghĩ của mình để rồi khen, chê. Trên bình diện đó, công bình mà nói thì cuốn sách của NGK là có ích. Nhưng xét về toàn bộ cuốn sách, thiết tưởng không thể phê bình hoặc khen hay chê vì nó vượt ra ngoài qui định của những khái niệm về thể loại hoặc khuôn khổ kiến thức. Thật vậy, nội dung cuốn TQĂN của NGK không thuộc vào thể loại nào: Văn học (sử ký, tiểu thuyết), thể loại diễn từ (discours) và nhất là nó vượt ra ngoài những đòi hỏi cơ bản về kiến thức khoa học nhân văn, nhất là kiến thức lịch sử.


      Bất cứ ai đã học qua Trung học đệ nhất cấp ở miền Nam trước 1975 hay ở Pháp cho đến bây giờ đều đã được dạy cách phân biệt các khái niệm quốc gia (nước), nhà nước, tổ quốc, dân tộc. Nhưng ông Kiểng không chấp nhận những phân biệt kể trên, cho nên nếu tranh luận với ông ta thì chỉ là một cuộc đối thoại giữa những người điếc. Nhiều người đã bực bội về sự bất chấp này. Tôi được đọc một bài của một giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, hiện ở Paris. Ông đã bày tỏ sự bực bội qua bài viết tựa đề "Tổ quôc" với bút hiệu Võ Sùng Chính, đăng trên tuần báo Chính Luận, Seattle (ll-01 đến 18-01-02). Xin trích một câu chót: "Tổ quốc là một lý tưởng vượt lên trên tất cả những yếu tố làm thành nó, vật chất, tinh thần, xã hội, lịch sử, nghệ thuật, tình cảm v.v... và cũng không mang một thuộc tính xấu, tốt nào của mọi thứ khác trên đời. Do đó, tổ quốc không thể là xấu xa, không thể gây tội lỗi. Ta bỏ qua thứ người học cao nhưng thiếu tri thức, thuộc giới trí thức nhưng không văn hóa, tự cho phép mình phê phán tổ quốc, tệ hơn nữa buộc tội tổ quốc rồi lớn họng đòi 'tổ quốc ăn năn'. Dù sao thì một nửa của y đã là đồng loại với con rơi, cho nên con thành tâm xin tổ, tiên hồn thiêng đất nước và anh linh tổ quốc tha thứ cho y, ban cho một chút trí khôn và khiêm tốn để... ăn năn".


      Cuốn "TQĂN" theo tác giả, được viết ra nhằm mục đích trao đổi ý kiến đưa đến hành động do một người làm chính trị chủ trương. NGK tự coi không phải là nhà biên khảo, là người viết sử ký, cũng không phải là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử là hai thể loại văn học đòi hỏi tham khảo tài liệu, tất cả tài liệu đã có về vấn đề nêu lên. Ông không làm nghiên cứu, biên khảo, nên chỉ sử dụng một vài tài liệu ông cho là cần thiết, tạm đủ để nêu vấn đề. Như vậy thì người viết sử, biên khảo làm sao có thế tranh luận với ông, khi ngay từ đầu, ông đã phủ nhận đòi hỏi tham khảo mọi tài liệu hiện có; cả người viết tiểu thuyết lịch sử cũng không thể trao đổi gì với ông Kiểng được, vì ông coi tiểu thuyết là tưởng tượng, sáng tác, trong khi ông muốn nói đến những sự thực lịch sử, mặc dầu ông không đòi hỏi dựa vào những dữ kiện lịch sử. ông NGK, khi nói "Nguyễn Huệ là một tên tướng cướp tàn bạo" người nghe sẽ có phản ứng khó chịu nào đó. Nhưng nếu người viết đưa ra khẳng định trên như kết luận của một công trình biên khảo nghiêm túc, sau khi đã đọc tất cả các sách viết về Nguyễn Huệ và đã cân nhắc đối chiếu một cách khoa học thì phản ứng sẽ khác.


      Trong sinh hoạt trí thức Âu, Mỹ, việc nhận diện lại những nhân vật lịch sử, khen, chê là chuyện rất thường. Báo chí vừa giới thiệu cuốn sách về "Jules César" do một giáo sư Sử học người Ý viết, dịch ra tiếng Pháp nhan đề là "jules César, le dictateur démocrate" (Flammarion, 496 trang). Theo tác giả Luciano Canfora, Jules César thuộc thời La Mã cổ, được Napoléon ngưỡng mộ như một tướng tài, mặc dầu cũng nổi tiếng là độc tài, hiếu sát, đã có những hành động diệt chủng và hiếu sắc, xuất hiện như là "người chồng của tất cả mọi người đàn bà và là người vợ của tất cả những người chồng" (bệnh đồng tính luyến ái), thế mà lại là mấu chốt của lịch sử chính trị Âu châu, khơi nguồn cho truyền thống dan chủ Âu châu! Tất nhiên, cuốn sách của Luciano đã gây ra tranh luận.


      Nhưng sách của ông Kiểng không thể gây tranh luận về Sử, vì mục đích của ông không phải là sử, mà là chính trị. NGK và nhóm Thông Luận của ông chủ trương "Hòa Hợp Hòa Giải", nhưng nhiều người quốc gia chống cộng ở hải ngoại đã có thời rượt đuổi đánh ông, còn người cầm quyền ở trong nước thì chắc gì cho ông phổ biến sách báo của ông hoặc cho ông về nước diễn thuyết?


      Trong ngôn ngữ học, người ta phân biệt hai lối viết thuộc thể loại "diễn từ" (discours)


      1. Người viết (hoặc nói) bàn về một điều gì hoặc bàn về một nhân vật nào đó và viết để nói với tất cả mọi người không phân biệt giới nào, vì lẽ mục đích viết chỉ nhằm trình bày một sự thực theo hiểu biết của mình.


      2. Người viết (hoặc nói) bàn về một vấn đề gì, hoặc về một cá nhân nào đó với mục đích trước tiên là nói với người mà mình đề cập đến trong khi viết:

      Lối thứ hai này đòi hỏi người viết (hoặc nói) phải quan tâm đến hai điều sau đây:


      a) Quan tâm đến chính người mà mình muốn "nói-với" (nói là nói với ai) về tâm tình, hoàn cảnh, trình độ nhận thức... vân vân để xác định những cách tiếp cận thích hợp. Càng phải lưu tâm hơn, trong trường hợp không những chỉ mong thuyết phục họ mà còn muốn cùng họ hợp tác làm một việc gì đó, đặc biệt khi những người mình đề nghị công tác là những kẻ đang cầm quyền.


      b) Lưu tâm đến tư cách của chính người viết (hoặc nói). Vì đây là điều quan trọng nhất đối với người nghe. Chưa cần biết đúng hay sai mà chính là TƯ CÁCH của người viết, người nói có tạo được sự khả tín và cảm phục hay không, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, nhan nhản những bài viết, bài nói đang gây đủ thứ ngờ vực, hoang mang và khinh thị.


      Tôi thật không biết trong văn chương còn loại diễn từ nào khác, ngoài hai thể loại trên đây, vì tôi chịu thua, không làm cách nào xếp lối viết và lối nói của ông Kiểng vào một trong hai loại này!


      Thật vậy, ông tự nhận không phải là người biên khảo, mà là người làm chính trị, đứng đầu một phong trào vận động quần chúng thực hiện một lý tưởng chính trị. Ông đã từng thú nhận: "Chúng tôi đã gặp những đả kích gay gắt, hằn học từ mọi phía". Nguyên nhân từ đâu? Nguyễn Gia Kiểng, chẳng những không tìm cách "tranh thủ" thuyết phục những người không "đồng tình" với mình mà còn lên tiếng phê phán, đả kích họ, đôi khi với thái độ trịch thượng, coi thường và miệt thị họ.


      Như vậy, trên bình diện hành động chính trị, ông Kiểng nói về một vấn đề, không nói với mọi người mà với những người không đồng tình với ông nhằm đi đến hòa hợp và hơn nữa còn mong cộng tác với nhau để làm chung một việc gì đó. Tôi thực sự không hiểu được NGK muốn gì? Không làm biên khảo, không sáng tác, lại làm chính trị, nhưng chỉ chọc giận những người muốn hòa giải, muốn cộng tác!


      Tôi quen biết ông Nguyễn Gia Kiểng trên 30 năm nay, nghe qua rồi bỏ thì được, nhưng đối với người thảo luận nghiêm chỉnh về văn học hay sử học thì không thể nào được! Vậy, xin gác lại trường hợp NGK.


      Gần đây thấy xuất hiện một số truyện ngắn, truyện dài viết về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, thuộc loại tiểu thuyết lịch sử:


      "Sông Côn Mùa Lũ" truyện dài nhiều tập của Nguyễn Mộng Giác (1960 trang - An Tiêm xuất bản - 1991 - Hoa Kỳ).

      "Gió Lửa" của Nam Giao (500 trang - Thi Văn - Canada 2000).

      "Phẩm Tiết" truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Tác phẩm và Dư luận, nhà XB Trẻ, Tạp chí Sông Hương - 1989).

      "Mùa mưa gai sắc" của Trần Vũ, đăng trong Hợp Lưu số 4 (13-4- 1992) in lại trong "Cái chết sau quá khứ" Hồng Lĩnh xb, 1992 - Hoa Kỳ.

      Bài "Tâm sự của Gia Long" của Trần Nghi Hoàng trong "Truyện Người Viết Sử", Văn Uyển xb 1997 - San Jose, CA. USA.


      Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Trần Nghi Hoàng nhằm hạ bệ Quang Trung và Gia Long, tất nhiên đã gặp nhiều phản ứng:


      - Tại Việt Nam: những phản ứng được in lại trong một tuyển tập của nhà Xuất bản Tuổi trẻ.

      - Tại Hải ngoại: Trần Đạo - Thời điểm của câu hỏi, thời điểm của con người: về truyện của Nguyễn Huy Thiệp - Hợp Lưu số 2 tháng 12-1991.

      Trương Vũ - Tại sao phải là Nguyễn Huệ? Hợp Lưu số 5, tháng 6-1992.

      Nguyễn Mạnh Trinh - Đọc "Cái chết sau quá khứ" Hợp Lưu số 12/ 8&9-l993.

      Lam Sơn - Vấn đề của chúng ta, phản ứng bài "Vì sao họ đánh phá lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp (Thời Luận - 6-1-1993/ Hợp Lưu số 9 tháng 2-3/1993.

      Thụy Khuê - Trường hợp Trần Vũ (Hợp Lưu số 14/1993-1994).

      Nguyễn Thế Việt - Vẫn còn đó những vùng đất trồng (Hợp Lưu, số 20/1995).

      Văn Thanh - Vài suy nghĩ về cuốn sách "Truyện người viết sử" (S.1997 - chưa lên báo).


      Truyện dài của Nguyễn Mộng Giác, chưa có nhiều bài nhận định ở hải ngoại, nhưng được tái bản trong nước và bán chạy.

      Truyện dài của Nam Dao được Phạm Trọng Luận giới thiệu, bình luận trên diễn đàn Internet: "Gió lửa, mô hình xã hội trong tiểu thuyết lịch sử" (19 trang).


      Người viết truyện về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ cần phải dựa vào tài liệu sử như người viết sử và cần hơn người viết sử nửa. Vì tiểu thuyết lịch sử không những chỉ cần tài liệu sử liên quan trực tiếp đến các nhân vật lịch sử về đời công, hoạt động chính trị, quân sự, cầm quyền, bối cảnh chính trị, xã hội thời đại của họ, mà còn cần tài liệu liên quan đến đời tư (gia đình, tình cảm, giao tế, cách ăn mặc). Người viết truyện sẽ dựng lại cuộc sống cụ thể của họ trong hoàn cảnh và thời đại... Đặc biệt các đoạn văn tả các nhân vật đối thoại với nhau: lối xưng hô như thế nào ở thời đó. Cách mô tả có thể dùng lối viết, ngôn ngữ hiện tại, nhưng trong đối thoại giữa các nhân vật lịch sử thì nhất thiết phải dùng ngôn ngữ của thời đại của họ mà thôi.


      Bàn về tài liệu sử, những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều than phiền về tình trạng Việt Nam thiếu tài liệu. Thật vậy, số tài liệu Việt Nam còn giữ được rất ít ỏi, mà lại đáng ngờ vực về tính cách xác thực, khả tín.


      Gần đây, có ba người thường được coi là những nhà nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử Việt Nam là Nguyễn Văn Tố (ngoài Bắc), Lê Thọ Xuân (trong Nam) và Cadière. Công trình nghiên cứu của ba vị kể trên, hầu hết là những bài chú thích, hiệu đính về tên tác giả, tác phẩm, về một điểm nào đó trong tác phẩm. Không một vị nào để lại một cuốn sử ký, hay văn học sử có tính cách bao quát toàn bộ lịch sử Việt Nam. Thật đáng tiếc là cũng chưa có ai sưu tầm những bài nghiên cứu của họ để xuất bản. Trong số những bài của ba vị ấy, có những bài nói về thời kỳ "Lịch sử nội chiến"... Nhưng ngay cả những nỗ lực nghiên cứu nghiêm chỉnh của ba vị kể trên và những người khác, thực ra cũng chỉ là làm việc đối chiếu các tài liệu gốc, chưa thành văn bản, lưu giữ tại văn khố và bảo tàng viện.


      Muốn biết tương đối chính xác quân số của nhà Tây Sơn, hay nhà Nguyễn trong các trận đánh, phải có những tài liệu của ban Tham mưu quân đội - gọi là thứ tài liệu nội bộ. Hoặc muốn biết trận đánh dùng những thứ khí giới nào, phương tiện chuyên chở đường biển, đường bộ ra sao, quân phục, quân trang, quân cụ... thế nào thì phải có Bảo Tàng Viện lưu trữ những đồ dùng của một thời kỳ lịch sử.


      Việt Nam không có Văn khố, Bảo Tàng Viện lịch sử, chỉ có thư viện ít ỏi và mỗi lần thay đổi chính thể đều có thể xảy ra việc chế độ mới tiêu hủy hết tất cả những gì mà các chính thể trước để lại! Do đó, nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, không thể không trước hết, tìm hiểu ý thức lịch sử của người Việt Nam, cả ý thức duy trì, bảo vệ di tích lịch sử của Việt Nam.


      Viết sử hay tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, về thời kỳ nội chiến, có nên chỉ bằng lòng với những tài liệu như: Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Đại Nam Thực Lục tiền biên, Hoàng Triều Ngọc Phả, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Phủ biên Tạp lục v.v... hay không, hoặc một vài tài liệu ngoại quốc được trích đăng trong Tập san Sử Địa - Sài Gòn trước 1975 (do cô Đặng Phương Nghi thực hiện)?


      Từ những thế kỷ 16, 17, các giáo sĩ Tây phương (Pháp, ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan ...) thuộc nhiều dòng tu, hội truyền giáo sang Việt Nam giảng đạo Chúa. Một số người Việt Nam theo đạo, có trí thức. Toàn bộ khối tư liệu do giáo sĩ và trí thức Việt Nam biên soạn về đạo hay liên quan đến đời gồm đủ các thể loại văn và chữ viết: Hán, Nôm, quốc ngữ hay ngoại ngữ: Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp... thật nhiều và đa dạng. Có lẽ cho đến nay, chưa có cá nhân nhà nghiên cứu nào đã có thể có cơ hội tiếp xúc được hết toàn bộ.


      Sau 1975, một nhóm chúng tôi đã thử thiết lập một thư mục những gì có thể tìm thấy ở Việt Nam, và ngoài Việt Nam (xem Lê Văn Khuê "Một số tư liệu về đạo Công giáo tại Việt Nam trong các thế kỷ XVII, XIX") và bắt đầu dịch được một hai trăm trang, rồi bị gián đoạn vì gặp khó khăn về tài chính.


      Về tài liệu liên quan đến Tây Sơn, chúng tôi thấy có hai cuốn hiện không có ở Việt Nam: cả bằng tiếng Tây Ban Nha, thuộc Văn khố của dòng Phan xi cô .


      1) Lorenzo Perez, "Los Espagnoles en el Imperio de Annam" trong Archivo Ibero Americano, Madrod, 1932, tome XXXV. Một trước tác quan trọng sưu tập các thư từ, ký sự của các thừa sai dòng Phanxico. Mlle M. Villa đã dịch lại một số thư từ này trong bài "La révolte et la guerre de Tay Son d'après les Franciscains Espagnoles de Cochinchine par Lorenzo Perez" đăng trong BSEI năm 1940 số 3 và 4 tr. 5-l06.


      2) Diaro del P. Francisco Hormoso de San Buenaventura, missionero de Cochinchina l744-1768, Archivum Franciscum Historium. 1934. Một trước tác quan trọng để hiểu phong trào Tây Sơn ở Nam Bộ (Không có ở Việt Nam)


      Về đời sống hằng ngày của dân chúng, những điều mắt thấy tai nghe tại chỗ, ở nông thôn... được ghi trong các thư từ của các giáo sĩ, loại thư riêng gửi về cho gia đình, bạn bè hay bề trên. Ở Sài Gòn, chúng tôi tìm được ba bộ:


      1) Lettres édifiantes et curieuses, écrites des Missions étrangères. Lyon - Chez Vernaral... 1819-1837, gồm nhiều thư về Thiên Chúa giáo Việt Nam viết từ năm 1700. Chúng tôi trích dịch những thư từ liên quan đến Việt Nam trong các cuốn 10, 12 và 13.

      2) Nouvelles lettres édifiantes des Missions de Chine et des Indes orientales. Paris, Imp. De L'archêvêche de Paris. 1818-1833, gồm 8 cuốn. Ba cuốn sau cùng (VI: 510 trang, VII: 420 trang, VIII: 448 trang) dành riêng cho Việt Nam.

      3) Annales de la Propagation de la foi (1822-1892) gồm 64 cuốn, khoảng 20.000 trang. Mỗi tập đều có đăng các thư của thừa sai ở Việt Nam gửi về Âu châu. Những tài liệu này chúng tôi đặt tên là "Biên niên ngoại sử" khác với chính sử. Khai thác các tài liệu này về các mặt:


      - Thời sự: cho biết chi tiết về các biến cố chính trị mà chính sử thường bỏ qua. Chẳng hạn, chính sử chỉ ghi "Minh Mạng mất, nhưng không nói cho biết vì sao mất, đám tang được tổ chức như thế nào và không nói gì về những tin đồn trong dân chúng liên quan đến việc này. Hoặc về vụ Lê Văn Khôi, ngoài Bắc, cho biết dư luận dân chúng vùng thôn quê - vùng mà một thừa sai đang ở - nghĩ gì về vụ án. Vấn đề không phải là dư luận đó sai hay đúng, nhưng là có dư luận và dư luận đó cho thấy dân chúng đã có ý thức chính trị như thế nào.


      - Văn kiện triều đình, nhà nước: Nhiều văn thư được dịch nguyên văn, chẳng hạn Hịch Quang Trung khi chiếm xong Bình Định (Những bản gốc (Nôm, Hán, Việt) của các tài liệu này chắc còn lưu trữ ở Lyon hay Paris.


      - Đính chính "Chính sử": Biên niên ngoại sử cung cấp những sự kiện cho phép nghi ngờ các tài liệu chính sử (quan điểm chính thức của nhà nước, triều đình).


      - Đời sống hàng ngày của người dán: nếp sống vật chất (ăn, ở, mặc) và nếp sống tinh thần (phong tục tôn giáo, tiếng nói, địa chí, văn hóa...)


      Loại tài liệu này có đáng tin không? Đáng tin, vì tác giả tuy là người ngoại quốc, sang Việt Nam không phải với tư cách người đi thám hiểm đu lịch, buôn bán, tạm ghé ở một thời gian mà đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của họ, sống chết ở Việt Nam. Họ sống sát dân, trong dân, chia sẻ tình cảnh nghèo nàn. khốn khổ, bất an ở thôn quê; những gì họ ghi nhận về lịch sử, văn hóa có thể sai, nhưng về những gì mắt thấy tai nghe, có thể tin được, nhất là mục đích ghi lại không phải để phổ biến công khai, mà là thư từ riêng gửi cho thân nhân, chỉ sau khi họ qua đời, người ta mới liên lạc với các gia đình xin lại thư từ để in thành sách.


      Người viết sử, tiểu thuyết lịch sử nếu học được thói quen của người Tây phương, tìm đọc cho bằng được tất cả những gì liên quan đến đề tài được biên khảo hay sáng tác, thì tác phẩm viết ra chắc hẳn có giá trị. Tuy nhiên, ngay cả người Tây phương, một cá nhân, chỉ làm nghiên cứu công trình biên khảo, sáng tác cuốn sách, bộ phim về đề tài lịch sử cần được những nhà xuất bản, hội văn hóa, trường đại học bảo trợ... Trong viễn tượng đó, một cách cụ thể, nếu những người tha thiết với đề tài Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, như Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường... được những nhà xuất bản, hội văn hóa như Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Định ở California, Hoa Kỳ, và ngay cả Nguyễn Gia Kiểng nhóm Thông Luận ở Paris tạo điều kiện cho họ có thể đi đây đi đó, bất cứ nơi nào nếu có lưu trữ tài liệu về Tây Sơn, Gia Long... phải chăng đó là cách thiết thực, tích cực và xây dựng, tránh được những tranh cãi, phàn nàn, chê trách nhau như đã thấy trên báo chí!


      Tìm kiếm được tất cả những tài liệu do người ngoại quốc viết có thể làm tăng kiến thức về lịch sử Việt Nam, nhưng có thể không thay đổi được lối nhìn, tức là một cách đánh giá các biến cố lịch sử trong thời kỳ này. Có những tài liệu sử khác của người Việt Nam viết về cuộc nội chiến nhưng hiện nay chưa được biết đến. Những tài liệu đó có khả năng buộc phải thay đổi lối nhìn và cách đánh giá lịch sử Việt Nam thời kỳ này. Khẳng định trên đây được dựa vào kinh nghiệm bản thân. Nếu tôi không nhầm, hầu hết những người viết sử hay tiểu thuyết lịch sứ đã kể ở trên, đều là người Bắc hay Trung. Các vị này nhìn lịch sử Việt Nam từ miền Bắc. Ngay cả những vị đã vào Nam sinh sống, làm văn hóa từ 1954-1975, cũng nhìn lịch sử miền Nam, lịch sử Việt Nam từ miền Bắc.


      Sự kiện này không thể không đặt ra câu hỏi: thế thì người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở miền Nam không viết gì về sử ký hay tiểu thuyết lịch sử trong những thế kỷ XVII, XVIII, XIX, và thời kỳ nội chiến xảy ra ngay trên vùng đất của họ hay sao? Hoặc họ có viết, nhưng đã bị những người phía Bắc, Trung bỏ quên vì không biết đến, hoặc có biết chút ít, nhưng vì cách đánh giá mà đã bỏ qua, không thèm nhấc đến? Chẳng hạn, bộ sử viết bằng tiếng Pháp, 2 tập, của Trương Vĩnh Ký: "Cours d'Histoire Annamite" - Imprimerie du Gouvernement, Saigon 1877.


      Trong thực tế, có những người gốc miền Nam, viết nhiều về lịch sử Việt Nam nói chung và về miền Nam nói riêng. Họ đã viết sớm hơn các tác giả gốc Bắc, Trung. Họ đã đưa ra một lối nhìn miền Bắc từ miền Nam.


      Tôi thấy một số cuốn sử quảng cáo trên các báo xuất bản ở miền Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhưng chưa tìm ra, như:


      A. VỀ SỬ KÝ:


      1. Sử ký: Histoire Annamite (anonyme) ghi trong Bulletin agricol et industriel 3eme Serie. Tome 1.1879.

      2. Sử Ký Nam Việt, Claude & Cie. 1901, rao trên báo Nông Cổ Mín Đàm.

      3. Sử Ký Đại Nam Việt, Phát Toàn. 1910.


      Những cuốn tìm được:


      1. Sự tích nước An nam từ đời Hồng Bàng đến đời Duy Tân (đăng trong Nông Cổ Mín Đàm từ số 1...)

      2. An nam sư truyện - Nguyễn Văn Sanh (đăng trong Nam Kỳ Địa Phận, từ năm 1913)

      3. Nam Việt Lược Sử - Nguyễn Văn Mai. Saigon 1919.

      4. Sử ký Đại Nam Việt Quốc Triều - Tân Định, in lần thứ 5, 1909. (Thư viện Saigon có cuốn này, bản in lần thứ nhất: Sử ký Đại Nam Việt Quốc Triều 1879 - Tân Định. Bản in lần thứ nhất lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Paris và Thư viện của Hội Thừa Sai Paris. Tôi có bản của Hội Thừa Sai). Cuốn này chỉ kể truyện sử từ nhà Lê về sau. Tôi có đưa cho Nguyễn Nhã, chủ nhiệm Tạp chí Sử Địa (trước 1975) giới thiệu, đăng trong tập "Về sách báo do người Công giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuốí thế kỷ XIX ở miền Nam Việt Nam" trong Tài Liệu tham khảo của khoa ngôn ngữ trường ĐHTHTPHCM (Văn Khoa cũ), 1993. Theo Nguyễn Nhã, cuốn sử này là một nguồn tài liệu giá trị, mới mẻ, bổ sung về Tây Sơn và Nguyễn Ánh mà nhiều điểm trong các sách sử từ trước đến nay chưa hề nói đến".


      B. VỀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ, xin giới thiệu:


      1. Hoàng Việt Long Hưng Chí - Ngô Giáp Đậu - nguyên bản chữ Hán, lưu trữ ở thư viện Hán-Nôm - Hà Nội. Bản dịch quốc ngữ, nhà XB Văn Học, Hà Nội, 1993.

      2. Bộ truyện dài của Tân Dân Tử gồm ba cuốn:

      - Gia Long Tẩu quốc

      - Hoàng Tử Cảnh Như Tây

      - Gia Long Phục Quốc

      Tổng cộng 834 trang, nhà sách Bảo Tôn, Sài Gòn, in lần thứ 6 - 1926.


      Ngoài ra có nhiều cuốn sử hay tiểu thuyết lịch sử tập trung vào một nhân vật như: Võ Tành, Lê Văn Duyệt, Bá~đa-lộc...


      Đọc những sách báo về sử, tiểu thuyết lịch sử do các tác giả người miền Nam viết thuộc loại không phải là chính sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Người Bắc và Trung kỳ không thể không xét lại những thiên kiến, khinh chê của mình đối với miền Nam.


      Trước hết, cuốn sử vẫn được coi là sớm nhất mà Vũ Ngọc Phan (người Bắc) và Đào Đăng Vỹ (người Trung) đã khẳng định và những người đi sau đều tin như thế: đó là cuốn "Việt Nam Sử Lược" (Précis d' Histoire du Vietnam) của Trần Trọng Kim, 2 tập, in lần thứ nhất tại Hà Nội, Impr. De Trung-Bắc Tân Văn, 1920. Nhưng cuốn "Đại Nan Việt Quốc Triều". Tân Định Xb năm 1879, in lần thứ nhất và tái bản lần thứ 5-1909, sau đó không rõ còn bao lần tái bản nữa. Như vậy, nó xuất bản trước cuốn của Trần Trọng Kim mấy chục năm.


      Một điều đáng lưu ý đầu tiên là các nhà xuất bản và các tác giả viết sử hoặc tiểu thuyết lịch sử đều quan tâm đến lý luận, mục đích viết sử, tiểu thuyết lịch sử, đều phân biệt sử ký và tiểu thuyết lịch sử. Nhà viết tiểu thuyết lịch sử chỉ được tưởng tượng phần đời tư của nhân vật, không được thay đổi những sự kiện lịch sử đã được nhìn nhận. Và dù viết sử hay tiểu thuyết lịch sử cũng đều phục vụ mục tiêu trình bày bài học lịch sử.


      Những phân biệt này đã không cho phép người viết tiểu thuyết lịch sử tùy tiện trình bày nhân vật lịch sử theo chủ quan của mình, trái lại phản ảnh quan điểm của người dân, quần chúng thường chỉ do sự khôn ngoan của lương tri soi sáng. (?)


      Nhận định về cá nhân Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Tân Dân Tử trong lời kết luận tập truyện dài đã viết: "Bộ truyện này có hai vị đại anh hùng: Vua Quang Trung thì tài ba lỗi lạc, chiến lược như thần, bốn phen vào đánh đức Gia Long, bốn phen đều thắng, sau đó lại giết quân Xiêm ở một trận Tiến Giang, nhưng đại thắng quân nhà Thanh mới làm cho Quang Trung trở thành đại hào kiệt chẳng thua gì Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt.


      Còn Gia Long là một người có tài, nghị lực, can đảm, kiên trì, gặp thất bại không nản lòng, lấy gan làm đá, lấy máu làm hồ mà trung hưng, thống nhất Bắc Nam. Vậy thì vua Gia Long cũng chẳng khác chi vua Quang Võ nhà Hán bên Tàu" (trang 275, Gia Long phục quốc).


      Về triều đại nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn, cần phân biệt thời kỳ chưa cầm quyền, chưa xưng vương và thời kỳ cầm quyền. Các nhà viết sử viết tiểu thuyết lịch sử người miền Nam thường gọi nhà Tây Sơn là "ngụy triều." "Ngụy" ở đây không có nghĩa là giả, là xấu, là không hợp pháp như hiện nay, mà chỉ có nghĩa: đối thủ, đối lập. Vì thế, các cuốn sử đều xếp Ngụy triều Tây Sơn ngang hàng với các triều Đinh, Lê, Nguyễn...


      Trước khi có Tây Sơn, dân miền Nam sống dưới ách cai trị hà khắc của Chúa Nguyễn Võ Vương, rồi Trương Phúc Loan chuyên quyền, tham nhũng, lòng dân hướng về Tây Sơn vì anh em Tây Sơn lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, hành động này được Nho gia Nam kỳ coi như một thứ Thang Võ, người hùng "Thế Thiên Hành Đạo" cứu dân. Do đó, gọi Nguyễn Huệ là "tướng cướp" trong quan niệm Bắc kỳ thì xấu, trái lại, trong bối cảnh miền Nam thì lại được mến phục vì cướp ở đây chỉ là "hành hiệp trượng nghĩa". Thế nhưng, khi Tây Sơn cai trị Nam Kỳ, bắt dân đi lính theo một tỉ lệ rất cao, thu gom thóc lúa làm quân lương càng nặng, đặc biệt chế độ "tín bài" (kiểm tra dân chúng chính xác, chặt chẽ để bắt lính và thu thuế) thì dân chúng trở nên bất mãn, coi nhà Tây Sơn không khác gì nhà Nguyễn. Dân chúng kỳ vọng Nguyễn Ánh sẽ là Minh Chúa, nhưng khi Nguyễn Ánh trở thành Gia Long, ngự ở Huế, dân chúng miền Nam lại thất vọng, như Sử Tân Định và Sử của Trương Vĩnh Ký đã ghi.


      "Việc chiếm được Hà Nội mang lại cho Gia Long hơn 100 con voi, nhiều đại bác, vũ khí và thuyền chiến. Nhưng quan trọng nhất là chiến thắng này làm cho Gia Long trở thành người chủ duy nhất của cái đất nước bị chia xẻ, tranh giành, xâu xé giữa bao nhiêu người, cái đất nước kiệt quệ về cả nhân lực lẫn của cải vì bao trận chiến liên tục. Gia Long lên làm vua, nhưng là vua của một nước hoang tàn. Nhưng thực ra, dù bị tàn phá sâu xa như vậy, đất nước này vẫn còn chứa đựng trong nó nhiều tài nguyên để cho một chính quyền sáng suốt, biết thương và lo cho dân, có thể khai thác nhằm mang lại sự giàu có, thịnh vượng.


      Hiện nay, chúng ta đã có trước mắt thành quả không lấy gì làm khích lệ lắm mà Gia Long và các vị kế nghiệp ông đã mang lại tới giờ phút này. Sự bướng bỉnh mù quáng của họ đã làm mất Nam kỳ, nền hành chánh tồi tệ của họ đã làm thất nhân tâm Bắc kỳ, còn xét chính cái miền Trung kỳ, thì những nỗi khốn khổ sợ hãi của nhân dân bị áp bức, sự chuyên chế và tham ô của quan lại các cấp cũng đã bộc lộ quá rõ, khỏi cần phải nói thêm. Nếu người ta mong chờ từ Huế, để An Nam ta có được sinh hoạt chính trị của các dân tộc hữu dụng, nếu Triều Nguyễn muốn tồn tại lâu dài, thì họ phải tìm ra con đường của mình và cương quyết theo đuổi nó đến cùng." (Trương Vĩnh Ký, Cours d'Histoire annamite, trang 252).


      Người viết Sử Tân Định, ghi trong đoạn nói về "những sự khốn khổ dân phải chịu" thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh tranh chấp:

      "... sau nữa, dầu quân Tây Sơn, dầu ông Hoàng Tân thì cũng lấy điều dữ mà nộ nạt ngầm đe thiên hạ, hầu ép lòng dân tuân phục mình, bằng cứ lời nhủ bảo mà thôi thì chẳng hề đặng việc gì bởi đó thiên hạ khốn cực lắm, vì phải giặc hai bên đánh nhau luôn. Khi thì bên nọ thắng, khi thì bên kia thắng, thiên hạ chẳng biết vâng cứ ai, chẳng biết mình thuộc về ai. Bên này họ lấy đặng xứ này ít lâu, mà đến sau phải thua bỏ xứ ấy, thì bên kia liền bắt tội những người xứ ấy vì đã theo giặc".


      Hoặc nói về ba anh em Tây Sơn đánh lẫn nhau:

      "Vậy hai anh em vây thành Quy Nhơn, đánh cùng anh cả đã lâu lắm, song chẳng bên nào đặng, chẳng bên nào thua. Ba anh em làm hại nhau và làm hại cả thiên hạ".


      Nói về những phe phái đánh nhau ở Đàng Ngoài và kết luận: "Dầu các quan, dầu quân lính đều ra như kẻ cướp hết thảy".


      Sau cùng nói đến Gia Long khi đánh Tây Sơn thì dân chúng có hy vọng ở ông, nhưng lên cầm quyền rồi làm cho dân thất vọng khi thấy Gia Long cũng lừa dối, trả thù và việc cai trị còn tệ hơn trước: "Vậy quân Tây Sơn đã thua mà vua Nguyễn Ánh đã lấy đặng của nước An nam thì thiên hạ vui mừng lắm. Dân sự thì trông cho Nguyễn Ánh đặt nhà Lê mà trị nước lại như khi trước, nhưng mà ông Nguyễn Ánh chỉ nói phỉnh người ta rằng mình đánh giặc thì chẳng có ý lo phần riêng mình mà thôi, song cũng có ý cứu giúp nhà Lê nữa. Vua có ý khử trừ cho tuyệt giặc Tây Sơn, thì đã luận vua Bảo Hưng phải ngũ mã phân thây, còn các em và tông tộc ông ấy đều phải chết chém, quan Thiếu phó Đoàn phải voi đánh, các quan lớn nhỏ khác cũng đều phải luận phạt nặng nhẹ tùy người... Thiên hạ chẳng đặng y như điều đã trông, mà lại thấy việc quan nặng nề hơn trước thì phàn nàn lắm..."


      Phải chăng đây là lần đầu tiên trong kho tàng chữ viết, bên cạnh truyền thống dân gian truyền miệng, người ta bắt gặp một cuốn sử viết theo quan điểm của người dân thường, những kẻ bị trị nhìn sự việc của những kẻ thống trị, bất kể họ thuộc triều đại hay chế độ chính trị nào! Người dân trải qua các triều đại, các chế độ chính trị, từ kỳ vọng đến thất vọng chán ghét. Trừ một số công thần của triều đại được dân chúng cảm mến biết ơn, lập đền, xây lăng tôn thờ. Vị quan được dân chúng miền Nam quí trọng hơn cả là Tả Quân Lê Văn Duyệt. Có nhiều tài liệu sử, dã sử viết về ông quan này để ca tụng công đức và tư cách của ông. Đặc biệt hơn nữa, ông được mọi người Hoa tôn thờ.


      Dĩ nhiên, cần tìm hiểu tại sao người Hoa nhận Việt Nam làm quê hương thứ hai, lại đố kỵ Tây Sơn và phò nhà Nguyễn tham gia vào cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và bị đưa ra Huế xừ chém. Trước khi đi, họ đã làm một bài thơ Nôm dài gọi là "Bốn bang thơ", được một người Pháp, Albert Lorin nhờ một nhà nho đương thời Lý Ngươn Trương phiên ra quốc ngữ và dịch ra tiếng Pháp, với rất nhiều chú thích, đăng trong BSEI, Serie I, Saigon, 1890- 1891. Đây là một chứng từ về vụ Lê Văn Khôi, theo Lorin, có giá trị văn chương được giới nho gia đương thời tán thưởng... (Bốn Bang Thơ ou Lettre de Bốn Bang sur la révolte de Khôi, từ trang 34 đến 62).


      Sau cùng, nhiều tài liệu sử, tiểu thuyết lịch sử cho thấy một cái nhìn của Bá-đa-lộc, người cố vấn của Nguyễn Ánh, khác với lối đánh giá của các tác giả miền Bắc.


      Trong truyện dài của Tân Dân Tử, có đoạn thuật lại rõ chuyện giữa Nguyễn Ánh và Mẹ, nêu những thắc mắc về cầu viện bên ngoài, được Nguyễn Ánh giải thích, vận dụng kinh nghiệm lấy từ sử Trung Quốc.


      Trương Vĩnh Ký viết cuốn "Biên tích Đức Thầy Veri Pinho quận công phò Nguyễn Ánh là Đức Cao Hoàng phục quốc", Saigon, Impr. El librairie Nouvelles 1897. Sách sử Truyện miền Nam cuối thế kỷ XIX, đều viết Nguyễn Ánh không phải Nguyễn Phúc Ánh.


      Đánh giá Bá-đa-lộc và Lê Văn Duyệt, thử tìm hiểu tại sao dân chúng miền Nam lại gọi lăng của hai người này là "lăng Cha" và "lăng Ông"?


      Sau năm 1975, Lăng Cha Cả bị dẹp bỏ, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục gọi chỗ đó là Lăng Cha Cả. Còn Lăng Lê Văn Duyệt, theo một tài liệu: "Thử đánh giá lại vai trò của Lê Văn Duyệt trong lịch sử, nhất là đối với vùng Gia Định và cả các tỉnh phía Nam". (16 trang, tháng 9 năm 1984, Ban Sưu tầm lịch sử đảng quận Bình Thạnh). Bài viết kết án nặng nề Lê Văn Duyệt, đề nghị cải tạo nhanh chóng Lăng Lê Văn Duyệt. Nhưng rất may, đã không được đem ra thi hành, nên bây giờ vẫn còn Lăng Ông.


      Trở lại những tiểu thuyết lịch sử gần đây do người Bắc, người Trung viết, đã giới thiệu ở trên, xin nhắc thêm truyện: "Mơ thành người Quang Trung" của Duyên Anh - Vũ Mộng Long, truyện dài viết cho thiếu nhi (trước 1975 ở miền Nam Việt Nam) kể chuyện một nhóm trẻ em Việt Nam chơi thân với mấy trẻ em.. Mỹ... "Tuổi trẻ không có biên giới là sự hồn nhiên chẳng cho phép ai kỳ thị ai, những bàn tay trẻ con đan chặt lấy nhau. Thương mến". Nhưng Việt Nam đang có chiến tranh, nên trẻ con bày trò chơi đánh nhau, bằng súng giả bắn nghe như thật. Bọn trẻ con Mỹ được đề nghị đóng vai lính Trung Hoa xâm lăng như cha ông chúng đã chống quân Đức thời Thế chiến mà phim Combat được chiếu hàng ngày trên Tivi, băng tần dành cho Quân đội Mỹ. Những đứa trẻ Mỹ được nói cho biết về những anh hùng Việt Nam chống xâm lăng, đặc biệt là Quang Trung. Quang Trung trong truyện của Duyên Anh viết cho thiếu nhi cũng như Quang Trung được đề cao và cảm phục trong các sách báo của người lớn, đều chỉ giới thiệu "Quang Trung là một tướng tài đánh thắng quân xâm lăng Trung quốc, còn đánh thắng quân Nguyễn Ánh thì không nói đến. Vì anh em trong nhà người Việt đánh nhau, không thể đề cao kẻ thắng được.


      "Sông Côn Mùa Lũ" của Nguyễn Mộng Giác cũng kể chuyện Tây Sơn, đề cao Nguyễn Huệ. Truyện gồm 4 tập, gần 2000 trang. Những ai chịu khó đọc đều khen truyện viết hấp dẫn từ đầu đến cuối, chứng tỏ tác giả là một nhà văn có tài. Nhưng tại sao ở hải ngoại ít được nói tới, ít được giới thiệu hoặc phê bình? Có lẽ, số người chịu khó đọc đã ít, số người chịu khó đọc để giới thiệu, phê bình lại còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, truyện được tái bản trong nước và số người đọc chắc nhiều hơn hải ngoại và sách bán chạy. Lý do đúng như người giới thiệu (Mai Quốc Liên, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học):


      "Sông Côn Mùa Lũ", lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam, là một trường thiên về lịch sử thế kỷ 18. Tác phẩm rất hấp dẫn, trước hết là vì phẩm chất văn học của nó. Các sử sự thì ta đã biết cả rồi, nhưng tình cảm, những thôi thúc nội tâm, những suy tưởng, những quan hệ giữa con người và con người trải dài qua một biến cố lớn lao thì đây là lần đầu tiên ta tiếp cận. Và sự phong phú của nó, vẻ đẹp của nó lôi cuốn ta, những người yêu lịch sử dân tộc, yêu con người Việt Nam nhân ái, quả cảm. Ở đây, Nguyễn Huệ đã được mô tả thành công như đã có trong sử sách nhưng đồng thời phong phú ân tình thâm sâu trong tình cảm thầy trò, trong tình yêu, tình bạn. Tuyến nhân vật đã có trong sử sách (bao gồm Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Văn Kỷ...) được tác giả viết thành công đã đành, mà tuyến nhân vật hư tưởng như cô An người tình Nguyễn Huệ, anh cô An và cả gia đình ông giáo Hiến... quả cũng là một sáng tạo mới góp phần làm cho cuốn tiểu thuyết đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này."


      Tuy nhiên, có nên nêu thắc mắc: sở dĩ người đọc bây giờ thấy tiểu thuyết lịch sử viết về thế kỷ XVIII dễ đọc, vì tác giả đã "hiện đại hóa" thay vì làm sống lại những nhân vật lịch sử trong bối cảnh thời đại của họ? Một cách cụ thể, diễn tả tâm tình của các nhân vật theo đúng những quan hệ hiểu theo thời đại của họ, bằng ngôn ngữ của họ, nhất là cách xưng hô trong các đối thoại. Đọc bộ truyện dài của Tân Dân Tử, đòi hỏi trên được tôn trọng và truyện đọc cũng hấp dẫn, dĩ nhiên, bây giờ tái bản phải có chú thích. Chẳng hạn: Lê Thái Giám (Lê Văn Duyệt). Người đàn bà tùy chỗ, tùy lúc gọi là tiểu thơ, tiểu nương, cô nương, tình nương em ơi, hiền muội và tự xưng là tiện nữ, tiểu muội, thiếp... Sách Sử Ký Tân Định cũng gọi "Ông Hậư" để chỉ Chưởng Hậu Quân Võ Tánh, ông Hữu ngoại là Đỗ Thành Nhơn, Hoàng Triệp là Nguyễn Quang Toản.


      Có lẽ còn một lý do riêng, giải thích tại sao người đọc trong nước, nhất là lớp người lớn tuổi, thích đọc truyện của NMG phải chăng vì truyện này gợi lại mơ ước của người nông dân áo vải đứng lên dựng cờ khởi nghĩa, làm cách mạng Tây Sơn, như Đỗ Minh Tuấn đã bộc lộ trong lời giới thiệu của nhà Xuất bản Văn Học "cuồn cuộn trào dâng trong thác lũ của khởi nghĩa nông dân". Nói văn hoa thế thôi, chứ trí thức miền Bắc, đã từng than thở từ mấy chục năm nay, cho đến bây giờ, những tác hại của cái gọi là đầu óc nông dân quyết tâm thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa không cần qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa và ảo tưởng về ý thức chính trị của nông dân chỉ có thể làm loạn, chứ không thể làm cách mạng.


      "GIÓ LỬA" - Nam Dao.


      Trong "Gió Lửa" Nam Dao mở đầu bằng một "lời ngỏ" trình bày lối nhìn của minh về thời kỳ "Trịnh Tàn Lê Mạt" của thế kỷ 18. "Lịch sử một nước được ghi lại theo các biến cố xẩy ra, gọi là biên niên thuộc dòng chính sử. Ngoài dòng chính sử còn có lịch sử hình thành qua trí tưởng tượng, sự cảm nhận từ quá khứ những vấn đề của con người và xã hội vẫn tồn tại. Soi rọi những vấn đề về thân phận con người trong quá khứ là một cách đi tìm sự sống tàng ẩn trong lịch sử, và tiểu thuyết là cách để tác giả đối thoại với lịch sử và để thực hiện cuộc đối thoại một chiều, chủ quan đó, tác giả không câu nệ cưỡng bức lịch sử để thai nghén ra tiểu thuyết.


      Hiểu lịch sử và vai trò của tiểu thuyết như thế, tác giả nhận ra những trang sử Việt Nam trên dưới 500 năm qua trải dài một cuộc nội chiến ám ảnh như một thứ ác nghiệp vẫn rình rập chờ đợi cơ hội làm cho lệ rơi máu đổ. Tại sao? Theo tác giả, lịch sử như một ác nghiệp đó diễn ra trong một mẫu hình văn hóa nhất định. Vậy yếu tố nào trong mẫu hình kia là nguồn cơn những cuộc nội chiến mà ta là nạn nhân của chính ta? Nặn đất sét làm tượng Thần Thành Hoàng rồi phải chính chúng ta đã quỳ lạy thì thụp đến độ mê muội trở thành nạn nhân của những quyền-lực do chính chúng ta cùng dựng lên và những quyền lực xung đột với nhau.


      Tác giả, giáo sư Kinh tế học trường Đại Học Laval, Canada, đặt vấn đề như trên, thật hay, sâu sắc, một vấn đề thuộc thẩm quyền các nhà khoa học xã hội suy nghĩ, nghiên cứu và trao đổi với nhau. Hơn nữa, tác giả còn có dịp, có điều kiện về Việt Nam đóng góp cụ thể vào việc giải quyết vấn đề nêu lên. Nhưng chẳng may, tác giả đã không thực hiện được bằng hành động và đành dùng ngòi bút nói lên ưu tư của mình với tư cách người viết tiểu thuyết. Ở Việt Nam, đã có một nhà thơ đi làm kinh tế và ở hải ngoại bây giờ có nhà kinh tế đi viết tiểu thuyết. Tất cả mọi ngành, biên khảo hay sáng tác... đều có những đòi hỏi riêng và những giới hạn không thể vượt qua. Phải chăng, tác giả nghĩ rằng người viết truyện có thể được tự do tưởng tượng, hư cấu và cưỡng bức sự kiện lịch sử, như Nguyễn Thanh Nhã đã nhận xét: "Ghép đạo Cao Đài - chỉ xuất hiện năm 1926 ở Saigon - với thời Tây Sơn (Nguyễn Lữ đàm đạo với Đạo Trung (Lê Văn Trung) hoặc đặt vào thời Tây Sơn uy lực độc quyền buôn bán lúa gạo của người Hoa - chỉ có hồi đầu thế kỷ XX -, đặt ngôn từ hiện đại vào miệng các nhân vật cuối thể kỷ 18, như những từ mac-xit "vong thân, tha hóa" trong miệng Nguyễn Huy Tự (1)?


      Còn về "mẫu hình văn hóa" mà tác giả đã đề ra, đối với Việt Nam trong cảnh nội chiến kéo dài suốt lịch sử mấy trăm năm cho đến nay, thì đó là mẫu hình văn hóa nào?


      Phạm Trọng Luật, trong bài "'Gió Lửa' mô hình xã hội hay tiểu thuyết lịch sử" đã nói giùm cho tác giả và tác giả nhìn nhận, đúng ý của mình. Ông Phạm Trọng Luật đã liên kết "Gió Lửa" với cuốn "Đạo lý Tin lành và Tinh thần Chủ Nghĩa Tư bản" của Max Weber (1904) mà các nhà lưu tâm đến xã hội học đều biết. Mẫu hình văn hóa ở đây là "đạo lý về quyền lực" được thực hiện trước hết, ở những người thực sự làm lịch sử, như nhà Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn, Nguyễn Tây Sơn; ở mức độ thứ hai, quyền lực được thể hiện ở tầng lớp gọi là sĩ phu, và ở mức độ thứ ba, ở tầng lớp nông dân, thương gia... đáng lẽ đã phải đóng một vai trò quan trọng, nghĩa là làm tác nhân thay vì là nạn nhân tập thể của lịch sử."


      Giải thích lịch sử nội chiến ở Việt Nam bằng cách liên hệ với lối nhìn của Max Weber có lẽ vẫn còn phải trao đổi thêm. Man Weber cho rằng một lối tin đạo nào đó qui định một cách hành động và những nhóm xã hội có khả năng tác động thế nào về kinh tế. Nhận định tổng quát như vậy, ai cũng có thể đồng ý, nhưng đi vào cụ thể, đưa ra trường hợp Tin Lành để giải thích hiện tượng phát triển Tư bản, cho đến nay vẫn gây nhiều tranh luận, như Philippe Bernard đã ghi lại trong cuốn "Protestantisme et Capitalisme - La controverse post - Weberienne" - A. Colin, Paris 1970.


      Vào khoảng những năm cuối thập niên 80, đầu 90, thấy xuất hiện một xu hướng gọi là Trào lưu Tân Nho học do một số giáo sư người Mỹ gốc Á châu dạy các đại học Mỹ đề xướng. Trào lưu này cho rằng "Nho giáo bị Max Weber gạt bỏ, cũng là một tôn giáo duy lý không kém gì đạo Tin Lành và chính Nho giáo là yếu tố thuận lợi giải thích sự thành công về phát triển ở một số nước Đông Nam á. Ở Việt Nam lúc đó có nhóm Việt kiều từ Nhật về phổ biến sách báo các tác giả Nhật và trong nước dịch đăng những bản "thông tin" của UNESCO, như đặc san Nhật Bản Ngày Nay số tháng 12-1987 trong đó có bài của Mithis Morishima "Khổng giáo và Chủ nghĩa Tư bản".


      Ông Léon Vadermeersch, giám đốc Viễn Đông Bác Cổ, tác giả cuốn "Le nouveau monde sinisé" (P.U.F, Paris 1986) đã ghé qua Việt Nam và nói chuyện ở Hà Nội, Sài Gòn. Tôi có dự buổi nói chuyện này ở Viện Khoa học Xã hội miền Nam ngày 9 tháng 10-1990. Về trào lưu Tân Nho học bác bỏ luận điệu của Max Weber liên quan đến Á châu vì Nho học bao gồm nhiều yếu tố thuận lợi hơn cả văn hóa Âu châu cho việc phát triển Tư bản. Điều đáng lưu ý trong buổi nói chuyện này là cả diễn giả lẫn khán giả đều đồng tình không nói đến Việt Nam, như thể Việt Nam không phải là một thành viên của cộng đồng Hán hóa ở Đông Nam Á.


      Như thế phải chăng Việt Nam là trường hợp đặc biệt, không ở trong khuôn mẫu văn hóa Max Weber, hoặc khuôn mẫu văn hóa Tân Nho học? Vậy Việt Nam ở trong khuôn mẫu văn hóa nào khác?


      Tại quốc nội, một thời đã có tranh luận về Việt Nam có chế độ phong kiến hay không? Và nếu có, phong kiến Việt Nam có giống phong kiến Âu châu hay Nhật bản, để có thể chuyển sang chế độ tư sản. Riêng ông Phan Ngọc đưa ra luận điểm: "Tâm lý người Việt coi thường thương nghiệp. Nhà vua ghét thương nhân vì biết rằng thương nghiệp phát triển thì quyền lực của bộ máy cai trị bị hạn chế. Thương nghiệp mất vai trò lịch sử trong việc tạo nên sự thống nhất dân tộc thì cũng mất luôn vai trò của nó trong chính trị và văn hóa. Văn hóa Âu châu từ cuối thời Trung cổ trở đi là do đẳng cấp thứ ba tạo nên.


      Ở Việt Nam không có đẳng cấp thứ ba. Người dân chỉ có một trong hai con đường: làm quan và đi cày. Nghề làm thợ và lao động văn hóa chỉ là nghề tay trái của cả dân tộc. Chính vì vậy mà "một dân tộc thông minh như người Việt Nam không tự mình xây dựng được những Truyền thống độc lập về tư tưởng, học thuật, khoa học, nghệ thuật. Muốn có những điều này, nước Việt Nam phải chấp nhận một lớp người có thể lao động kỹ thuật và văn hóa bằng tay phải của họ" (Tâm lý người Việt trong lịch sử và "hằng số của nó", tập san Tổ Quốc, chuyên đề: Bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề cũ, cách tiếp cận mới" số 316, tháng 8-1987, Hà nội.


      Việt Nam không có tầng lớp thương gia, không có truyền thống độc lập về tư tưởng. Phải chăng vì tình cảnh lệ thuộc ngoại bang kéo dài hàng nghìn năm, lệ thuộc những cường quốc có nền văn hóa cao nhất thế giới? Tình cảnh lệ thuộc kể trên tạo ra tâm lý người Việt chỉ thương nhau vì tình đồng bào ruột thịt, nhưng không phục tin nhau về các mặt khác như văn hóa, kinh tế, thương mại, vì chỉ phục người ngoại quốc về mặt văn hóa, tin người nước ngoài về cách làm ăn, về tổ chức xã hội. Đó là nguồn gốc của những va chạm, chia rẽ, đố kỵ, chống đối, không phải giữa các phe phái khác nhau, mà ngay cả trong nội bộ một phe phái, được biểu lộ bằng ngôn ngữ, hay bằng bạo lực. Bạo lực chân tay hay khí giới, vượt khỏi những tranh chấp về quyền lực hay quyền lợi vì xuất phát từ tâm lý không tin, không phục nhau, không chấp nhận sự sinh tồn phát huy về các mặt khác ngoài tình nghĩa đồng bào ruột thịt.


      Tại quốc nội, người ta truyền miệng câu chuyện về Diêm vương dưới Âm phủ giam giữ những người đủ mọi quốc tịch. Khi có những người Tây, Tàu... trốn thoát, Diêm vương sai quỷ đi bắt về. Nhưng khi được báo là có người Việt trốn thoát thì Diêm vương không động tĩnh gì cả. Hỏi tại sao? Diêm vương cho biết là "khỏi cần đi lùng kiếm vì chính người Việt sẽ dẫn độ những người trốn thoát về". Phải chăng đó mới là ác nghiệp của một dân tộc?


      Những truyện dài của Nguyễn Mộng Giác và Nam Dao ít gây phản ứng, nhưng mấy truyện ngắn liên quan đến Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Trần Nghi Hoàng gây nhiều phản ứng, chống đối và tranh luận giữa những người đọc đóng vai nhà phê bình. Những người đọc đã phát biểu bằng bài viết hay chỉ trao đổi miệng đều nhìn nhận Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ viết truyện hay, đạt về mặt tiểu thuyết. Đó là điều cốt yếu; nếu họ đặt tên cho những nhân vật trong truyện của mình không phải Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ và các người liên quan đến hai người này... chắc chắn đã không có những phản ứng chống đối, tranh luận kết án tác giả và kết án nhau.


      Nói cách khác, họ chỉ viết tiểu thuyết, dựng nhân vật dường như thực, mà không có thực trong thực tế, và nếu chẳng may người đọc có liên hệ đến ai đó, họ đã nhắc nhở trong lời nói đầu, đó là ngoài ý muốn của họ. Nhưng, điều rắc rối là các truyện ngắn này đã đưa những Nguyễn Ánh, Nguyễ Huệ ra làm nhân vật chính và không phải để ca tụng như Nguyễn Mộng Giác mà để "hạ bệ", đả phá thần tượng, bình thường hóa những người vẫn được coi là anh hùng, thiên tài...


      Những Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh đã vĩnh viễn nằm dưới lòng đất. Cuộc đời, sự nghiệp của họ đã chấm dứt khi họ chết. Những người còn sống luôn luôn có thể dựng họ dậy, gán cho sự nghiệp, cuộc đời của họ những ý nghĩ này nọ. Đối với người viết sử, thì đó là giải thích lịch sử dựa vào sử liệu có tính cách khách quan và chính xác. Niềm tin này vẫn còn khá phổ biến ở quốc nội cũng như ở hải ngoại. Ông Tạ Ngọc Liễn phê phán Nguyễn Huy Thiệp đã viết về mối quan hệ giữa sử và văn "sử học là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác và sự uyên bác cao" (Tác phẩm và Dư luận - tạp chí Sông Hương, NXB Trẻ - 1989, trg 154).


      Nguyễn Gia Kiểng trong "Tổ Quốc Ăn Năn" - "Lịch sử phải chính việc" (trg 149, Paris - 2001).


      Sử ký, như vẫn thường được hiểu là một thể loại "văn" khác với thể loại tiểu thuyết, vì người viết sử dựa vào sự sưu tầm những sự kiện để nói lên sự thật lịch sử, trong khi người viết tiểu thuyết, theo NMG, "chỉ làm cái công việc pha trộn hư, thực, căn cứ vào một nhúm kiến thức lịch sử, rồi tưởng tượng thêm cho nhân vật lịch sử: mặc áo kiểu gì, yêu, ghét ai, nói năng những gì... làm như mình có tài đứng ngoài thời gian và sống kế cận với vô số những anh hùng liệt nữ, những đạo tặc, lưu manh của quá khứ" (Thực chất và Huyền thoại trong lịch sử - Văn Học số 183, tháng 7-2001)


      Paul Ricoeur, một triết gia lão thành Pháp, chuyên về khoa Diễn giải (Herméneutique-hermeneutic), trong sách nhan đề "Le Temps et le Récit" (Thời gian và Truyện kể) -Seuil-Paris 1983 - đã đưa ra luận điểm: không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai thể loại viết sử và viết tiểu thuyết, vì cả nhà viết sử và viết tiểu thuyết đều làm việc sưu tầm, lựa chọn những sự kiện theo ý định mình và sắp xếp những sự kiện, biến cố theo một bố cục nào đó. Nói cách khác, sử ký và tiểu thuyết đều có chung một đòi hỏi: thiết lập một bố cục (intrigue: nghĩa là móc nối cấu kết các sự kiện theo mưu đồ của mình). Do đó, người viết sử cũng như người viết tiểu thuyết đều "kể chuyện" và tác phẩm của họ là một "chuyện kể" (Récit).


      Như vậy, cho rằng sử ký đạt tới chân lý chính xác, khách quan, phải chăng đó là một ảo tưởng?


      Luận điểm này của Paul Ricoeur được nhiều nhà viết sử tán đồng.

      Tính cách chủ quan trong sử ký được chứng minh bằng phương pháp thực nghiệm của khoa Sinh vật học và Tâm lý học. Theo G.M. Edelman, giám đốc Viện Tâm Thần của Đại Học Rockefeller, New York, giải thường Nobel về Y khoa, trong cuốn "Sinh Lý Học Của Ý Thức", bản dịch tiếng Pháp của Odile Jacob, 1992, thì "Nhớ là một hoạt động xây dựng lại quá khứ. Trí nhớ không phải là một máy "photocopy" để sao lại, một máy chụp ảnh thể hiện được bản sao y hệt bản gốc, vì người ta chỉ nhớ những gì cần, muốn nhớ... và tùy theo nhu cầu của hiện tại."


      Daniel L. Schacter, một nhà Tâm Lý học, giáo sư Đại Học Harvard, trong cuốn "Đi Tìm Ký Ức" - 1999), cũng đưa ra quan điểm tương tự với nhà Sinh Lý học Edelman. Theo ông, Computer có thể ghi muôn vàn thông tin, không có nghĩa đối với nó. Chỉ kinh nghiệm chủ quan về ký ức của con người mới lựa chọn và liên kết những điều cần nhớ để tạo thành một kiến thức về quá khứ, là "quá khứ của ta".


      Như vậy, phải chăng quá khứ chỉ được nhớ lại, chỉ được nhắc đến tùy theo những nhu cầu của hiện tại? Đó là "Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử" (Nguyễn Mạnh Côn).


      Maurice Halbwachs, một nhà sử học Pháp vào đầu thế kỷ 20 đã tạo ra khái niệm "Ký ức tập thể" (mémoire collective) để giải thích cách thế cắt nghĩa lịch sử của các nhóm người nhằm phục vụ những mục tiêu hiện tại của đoàn thể, phe nhóm họ. Việc giải thích lịch sử theo lối này đã trở thành một lạm dụng thô bạo đối với quá khứ, như các chế độ chính trị thường thực hiện để biện minh cho chính sách cai trị của họ. Những cuốn gọi là "chính sử" do Sử Quán các triều vua soạn ra là một dẫn chứng.


      Thời Pháp thuộc, nhà cầm quyền cũng ra lệnh cho viên chức nhà nước dạy sử, soạn sách giáo khoa sử nhằm biện minh cho chế độ thực dân. Cuốn "Nam Việt Lược Sử" của Nguyễn Văn Mai, giáo sư trường Chasseloup-Laubat, Imperimerie et Librairie J. Viet. 1919-Saigon cũng là một dẫn chứng khác.


      Có thể hỏi những người chống Pháp, chống Gia Long, đố kỵ Thiên Chúa giáo ở miền Nam, tại sao, phải chăng vì đã đọc, đã học những cuốn sử như của Nguyễn Văn Mai thời niên thiếu?


      Có thể nhận sử ký và tiểu thuyết đều cần khái niệm về bố cục, sắp xếp các sự kiện, các biến cố, tạo dựng một câu chuyện có mạch lạc, có đầu đuôi... nghĩa là có chung một cấu trúc. Nhưng sử và tiểu thuyết vẫn khác nhau về ý hướng và mục đích khi viết. Ý hướng của nhà viết sử là kể một câu chuyện thực, nhằm đạt tới sự thực lịch sử, trong khi ý hướng của người viết tiểu thuyết là trình bày một câu chuyện dường như thực, nhằm thể hiện sự thực về con người ở đời và đời người, về con người trong lịch sử, hiện tại và con người muôn thuở.


      Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao cũng như nhiều nhà viết sử đầu thế kỷ 20, cụ thể hơn cả là Tân Dân Tử, đều tôn trọng những sự thực lịch sử mà các sách sử ký đã ghi chép giống nhau, chỉ phóng tác những gì thuộc đời tư, về tình cảm, tư tưởng nhằm thể hiện sự thực về con người. Người ta gọi lối viết truyện như vậy là tiểu thuyết lịch sử.


      Nhưng những truyện của Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Nghi Hoàng thì không phải là tiểu thuyết lịch sử. Vì những tác giả này đã dùng trí tưởng tượng phóng tác tất cả cuộc đời công và tư của những nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ. Dĩ nhiên, họ có lý để nghi ngờ tính cách chính xác và khách quan của sử ký, nhất là chính sử, như Trần Vũ đã viết: "Chính sử của mỗi triều chép mỗi khác. Sau này, tôi vẫn tự hỏi: những âm mưu của Ngọc Hân là đáng thương hay đáng tội. Chép trong chính sử Tây Sơn là đáng tội. Xét theo sử triều Lê thì đáng phục".


      Trần Vũ, tuổi đời rất trẻ, rời Việt Nam lúc 12, 13 tuổi, đã ghi ở cuối truyện "Mùa Mưa Gai Sắc" là đã chỉ đọc ba cuốn: "Sông Côn Mùa Lũ" (NMG), "Việt Sử Toàn Thư" (Phạm Văn Sơn) và "Lịch sử nội chiến Việt Nam" (Tạ Chí Đại Trường) để phỏng theo mà phóng tác mặt trái cuộc đời của những nhân vật lịch sử bị bạo dâm chi phối!


      Khác với Trần Vũ, dường như không lưu tâm đến sử ký, Nguyễn Huy Thiệp lại tỏ ra quan tâm đến sử ký, đã mở đầu cuốn truyện bằng cách giới thiệu việc tìm hiểu lịch sử của người làm nghề dạy sử, như Thụy Khuê đã ghi nhận: "Nếu văn chương là sự lừa bịp lành mạnh (nói theo Barthes), thì Nguyễn Huy Thiệp quả có lừa bịp. Bản thân dạy sử, lạnh lùng tung ra bộ ba "Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết" với những rào đón mô phạm: "Tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết". Nguyễn Huy thiệp đã lừa chúng ta vào bẫy, lừa những nhà sử, nhà đạo đức nghiêm chỉnh nhất vào tròng. Phản ứng mãnh liệt của một số người đã chứng minh sự thành công của Nguyễn Huy Thiệp và làm lộ tính chất lừa bịp và tác dụng hư hỏng của văn chương" (Thụy Khuê - "Nguyễn Huy Thiệp", tạp chí Hợp Lưu số 17, 1994).


      Những tranh luận tại quốc nội về mấy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất phát từ một ngộ nhận của những người đọc bị lừa tưởng là thật, là sử, những bịa đặt của tác giả, vốn là một người dạy sử, mở đầu truyện bằng cách giới thiệu công trình đi sưu tầm, chỉnh lý tư liệu sử, dù thực ra, ông chẳng đi đâu, chẳng tìm kiếm gì và những nhân vật như Nguyễn Thị Vinh Hoa cũng chỉ là tưởng tượng. Thụy Khuê, nhà phê bình giải thích, biện minh cho tác giả như sau:

      - Huệ, Ánh chỉ là cái cớ để Thiệp nói chuyện với đời, kể chuyện đời xưa, đời nay.

      - Lịch sử nhọ nhem từ thuở muôn đời, và không ai có thể bôi nhọ lịch sử bằng chính lịch sử.

      - Chúng ta đang đọc những tác phẩm văn chương, nên thật giả không quan trọng.

      - Qua chân dung những nhân vật lịch sử, người đọc thấy họ tầm thường, ích kỷ, đê tiện, ham sống sợ chết v.v....


      Người ta có thể hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của Thụy Khuê về nhu cầu vạch mặt lịch sử được tô hồng trong khi thực sự là đen tối, đầy dẫy tội ác và về ý định chính đáng của nhà văn phơi bày mặt trái của những nhân vật vẫn được ca tụng về tài đức... Nhưng đó là lịch sử nói chung, những nhân vật nói chung và nhà văn nhằm thể hiện những sự thực về con người, về lịch sử, nói chung. Trong số những nhân vật có bộ mặt phải, mặt trái, có thể có Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh như những cá nhân cụ thể, có tên tuổi. Đó chỉ mới là nêu lên như giả thuyết, cần những tư liệu, bằng cớ không thể chối cãi được để xác minh rằng Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh quả thực có như thế. Nếu không làm việc này thì là vu khống, chụp mũ, xúc phạm.


      Tuy nhiên, người viết tiểu thuyết có thể không làm việc của người viết sử, mà vẫn nói lên được những điều muốn nói, một cách thật đơn giản là không nêu tên những nhân vật cụ thể, chỉ đặt cho họ một cái tên gì đó mà người đọc vẫn có thể hiểu là nói đến Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ. Đây là việc mà các nhà viết tiểu thuyết thường làm: tạo dựng những nhân vật tưởng tượng (hư cấu) mà người đọc không thể không liên tưởng đến những nhân vật có thật bất kể là đã chết hay còn sống.


      Nếu cho rằng Huệ, Ánh chỉ là cái cớ để Thiệp nói chuyện đời, thì đó chỉ là cách giải thích của Thụy Khuê, bản thân Nguyễn Huy Thiệp không hề nói lên cái dụng ý đó trong lời nói đầu, nói cuối của các truyện ngắn.


      Nguyễn Huy Thiệp nay là một nhà văn nổi tiếng, truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đi đây, đi đó ở nước ngoài. Giả thử có một nhà văn nào đó viết truyện phơi bày bộ mặt thật của Nguyễn Huy Thiệp, pha trộn cái có thực và cái bịa đặt, khó chê trách về mặt văn chương, nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp như nhân vật chính của truyện, và nếu có ai phê phán tại sao nêu đích danh, nhà phê bình nào đó sẽ biện hộ cho tác giả rằng chỉ mượn Nguyễn Huy Thiệp làm cái cớ để tố cáo nhà văn nổi tiếng xây dựng sự nghiệp trên những bịp bợm hèn nhát. Nói như thế có nghe được không? Ngay cả trường hợp không bịa đặt, nói toàn sự thực có chứng cớ và không nêu đích danh Nguyễn Huy Thiệp, nhưng người đọc, nhất là những người quen biết quí mến Nguyễn Huy Thiệp không thể không nhận ra đó là Nguyễn Huy Thiệp. Liệu có nên dè dặt, đắn đo không nỡ nói hay nói ra làm sao đây? Vì một ngày nào đó có thể gặp Nguyễn Huy Thiệp bằng xương thịt hay bạn bè, những người quí mến Nguyễn Huy Thiệp?


      Gabriel Marcel, nhà triết học đồng thời với Jean Phút Sartre, đã viết đâu đó về "Óc trừu tượng" (Esprit d' abtraction) là yếu tố gây đố kỵ và chiến tranh. Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp bịa đặt về cuộc đời Nguyễn Huệ, hẳn biết rõ Nguyễn Huệ đã chết, không còn ở trên đời để tự biện hộ, nhưng, những người đang sống vẫn quý trọng, tôn thờ Nguyễn Huệ, không thể không có cảm thức bị xúc phạm. Nếu Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp thay vì ngồi ở Paris, Hà nội, đi thăm đền thờ Nguyễn Huệ và gặp những người tôn thờ Nguyễn Huệ, liệu có dám nói trước mặt họ những điều xúc phạm, lăng nhục, bịa đặt như đã viết ra không?


      Nguyễn Mạnh Trinh, nhận định rằng những ai phê bình truyện của Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, mà thóa mạ tiền nhân, lăng nhục anh hùng dân tộc, nếu họ am tường văn chương thế giới thì sẽ thấy trường hợp Trần Vũ, Nguyễn Huy Thiệp không phải là hiếm hoi! Gabriel Garcia Marquez lĩnh giải Nobel văn chương, viết truyện dài "The General in His Labỵrinth" mô tả tướng Bolivan, được coi là anh hùng, nhưng chỉ là người tầm thường với những thói hư, tất xấu, đã gây nhiều phản ứng quyết liệt.


      Tôi không am tường văn chương thế giới, nên xin ông Nguyễn Mạnh Trinh cho biết: có phải Gabriel Garcia Marquez chỉ đọc dăm ba cuốn sách sử, tiểu thuyết như Trần Vũ rồi phóng tác theo chủ quan của mình, hay có tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh những tài liệu liên quan đến đời công, đời tư của nhân vật Bolivan mà những người phản đối nhà văn khó chối cãi cơ sở sử liệu những phóng tác của ông ta? (Đọc "Cái chết sau quá khứ" tập truyện của Trần Vũ - Hợp Lưu số 12-1993)


      Sau cùng, cách đặt vấn đề của Trương Vũ trong bài "Tại sao phải là Nguyễn Huệ?" (Hợp Lưu số 5-1992) rất đáng lưu ý. Theo Trương Vũ, truyện "Mùa Mưa Gai Sắt" của Trần Vũ, truyện "Phẩm Tiết" của Nguyễn Huy Thiệp rõ ràng không phải chuyện dã sử, chắc chắn không phải là biên khảo lịch sử, nên không bàn đến những vấn đề như xuyên tạc lịch sử hay bôi nhọ anh hùng dân tộc. Những sáng tác văn chương này nặng phần hư cấu. Tuy nhiên nhân vật Nguyễn Huệ xuất hiện trong tác phẩm, lại được xây dựng từ một nhân vật của đời sống thật, hoàn toàn với sự cố ý của tác giả. Mà một khi nhân vật lấy từ đời sống thật với nguyên vẹn cả tên họ đem cho xuất hiện trong văn chương, cho dù là văn chương hư cấu, thì sự kiện đó tạo nên vấn đề...


      Điều Trương Vũ muốn nhấn mạnh là cả hai truyện ngắn đều có giá trị văn chương, mà chỉ cần một vài thay đổi như không dùng đến tên họ Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh, vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị văn chương của tác phẩm. Như vậy, tại sao lại phải đem ông Nguyễn Huệ vào truyện? Nếu phải tạo một nhân vật như vậy cho tác phẩm, tại sao phải gán cho đó là ông Nguyễn Huệ? Sự gán ghép này nhằm mục đích gì? Đem lại giá trị gì cho tác phẩm?


      Theo Trương Vũ, tác giả muốn gửi một thông điệp, một cách vòng vo, nửa đùa, nửa thật, mờ mờ ảo ảo, để vừa bảo toàn an ninh cho chính mình, vừa làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn". Đặt truyện "Phẩm Tiết" vào bối cảnh chính trị, có thể nghĩ đến mối liên lạc Cách Mạng Tây Sơn và Cách Mạng Tháng 8 và hai lãnh tụ Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh được tôn vinh là những thần tượng vĩ đại. Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp muốn đập vỡ thần tượng, nên đã để cho Nguyễn Huệ ngồi thù lù giữa một đám trí thức Bắc Hà, mồm nói "tao cho mày ăn cứt" và khi chết đi để lại một vết nhơ đời đời không rửa sạch. (l)


      Nói cách khác, mượn Nguyễn Huệ để nói về Hồ Chí Minh. Nhà văn dấn thân vào thời cuộc. Nhưng cho đến nay, "các giải văn chương Nobel chỉ được trao cho những nhà văn nào có can đảm viết thẳng ra những điều mà lương tâm họ buộc phải viết". Vì đối với một nhà văn, sự kính trọng - kính trọng chứ không phải là yêu chuộng - mà mọi người dành cho ông, trước hết là ở lương tâmlòng can đảm, rồi sau đó mới đến tài năng.


      Câu hỏi của Trương Vũ đặt ra thật rõ: tại sao Nguyễn Huy Thiệp không nói về Hồ Chi Minh mà về Nguyễn Huệ? "Tôi không muốn nói đến Nguyễn Huệ như một anh hùng dân tộc, tôi chỉ muốn nói đến Nguyễn Huệ như một con người thật, như triệu triệu con người khác. Và theo thiển ý, cho dù ông sống cách đây hai trăm năm nay, ông vẫn có quyền được hiện diện một cách trung thực và được dành cho sự kính trọng mà những người hiện hữu ngày hôm nay luôn luôn đòi được hưởng."


      Ít ra, có hai người được biết là đã can đảm nói đến ông Hồ. Kim Hạnh, chủ trương biên tập báo "Tuổi Trẻ" đã đăng một tin chính xác: "Bác có vợ" mặc dầu biết rõ nói lên điều đó là vi phạm một cấm kị (2). Trần Huy Quang viết truyện ngắn "Linh Nghiệm" đăng trên Văn Nghệ số 27 (4-7-1992), không nêu đích danh tên Bác, nhưng người đọc không thể nghĩ về ai khác ngoài Bác. Cả hai tác giả và những người trách nhiệm hai tờ báo đều đã phải trả giá.


      Trần Huy Quang mới bước vào cuộc đời viết văn, chưa rõ tài năng để được yêu chuộng, nhưng đã được kính trọng, cảm phục về lòng can đảm và lương tâm nhà văn.


      Phê phán, khen chê, xét cho cùng đều tiêu cực; vấn đề là làm sao có sử liệu về con người, về triều đại tương đối đầy đủ, để có thể biên soạn một cuốn sử về Nguyễn Huệ như người Pháp đã viết về Napoléon cùng thời với Nguyễn Huệ. Chỉ khi nào có được một công trình nghiên cứu tập thể nghiêm chỉnh về mọi mặt mới có thể chấm dứt hay ít ra giảm bớt những phóng tác tùy tiện, bừa bãi, những lạm dụng danh nghĩa do những người viết văn hay viết sử như đã thấy xảy ra đến nay.


      Xin trở lại đề nghị đã đưa ra đầu bài viết này: không phải chỉ sưu tầm sử liệu trong nước, ở Tây phương mà phải ở cả Trung quốc (liên quan đến Nguyễn Huệ) và Thái Lan (liên quan đến Nguyễn Ánh). Ngoài ra cũng cần tìm sử liệu về đời tư, tình cảm, tình dục trong chốn cung đình cho đến nay vẫn được coi là "thâm cung bí sử". Theo R. Van Gulik, trong "La vie sexuelle dans la Chine anncienne" (Gallimard, 1971), người Tàu coi việc chăn gối mây mưa là chuyện rất nghiêm chỉnh vì liên quan đến sự sống của con người, nên đã soạn nhiều dâm thư, in nhiều tranh ảnh về kỹ thuật làm tình... Nếu ai có dịp xem những tranh ảnh đó, không thể không nghĩ là phải có điều kiện vật chất: những căn nhà khang trang, rộng rãi, những khuê phòng... và từ đó giả thiết xã hội Trung quốc đã có một tầng lớp thương nhân. Theo ông Phan Ngọc, Việt Nam không có tầng lớp này. Nhưng, những nhà nho, những ông quan đi sứ như Nguyễn Du có thể đem về Việt Nam những dâm thư, tranh ảnh làm tình và trao đổi cho nhau xem trong giới quan lại, nho sĩ... mặc dầu không làm ăn gì được.


      Tuy nhiên, nếu so sánh những dâm thư, những tập tranh làm tình của Trung quốc, Nhật Bản với những loại tranh ảnh, sách tương tự của Tây Phương, hẳn phải thấy rất khác nhau, do đó, có nên nghi ngờ có những cảnh làm tình thô tục, thô bạo, thô bỉ như phim "Sex" của Tây phương mà Trần Vũ, Trần Nghi Hoàng đã gán cho Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh? Trong khi chờ đợi có một công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh về toàn diện cuộc đời của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, người viết có thể có thái độ khiêm tốn của tác giả Thi Long, biên tập cuốn "Nhà Nguyễn, chín Chúa, mười ba Vua" NXB Đại Nam, tháng 3-2001, như lời nói đầu của NXB "... Dù tác giả cố gắng sưu tầm, hệ thống từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, song tập sách cũng chỉ nằm trong loại kể chuyện, biết đến đâu, kể đó, không thuộc thể loại khảo cứu, cũng không phải tiểu thuyết lịch sử, do đó sự hạn chế về tính khoa học, chặt chẽ là không tránh khỏi."


      Phải đặt cuốn sách này vào quá trình biên soạn lịch sử của khoảng độ từ trên nữa thế kỷ, mới thấy được những điểm tích cực của cuốn sách: không khen chê ai, hơn nữa, có cố gắng đứng bên trong nhân vật để tìm hiểu, thông cảm, không một thoáng bóng dáng nào về ý thức hệ, hoặc một ràng buộc với những viện nọ, hội kia. Xin trích, giới thiệu một đoạn về "Vua Gia Long và các bà phi" để thấy những điều viết ra là có thể tương đối tin được.

      "Cũng như hầu hết các vị vua khác từ Đông sang Tây, vua Gia Long cũng có rất nhiều phi tần mỹ nữ hầu hạ. Ngoài những bà có tên tuổi và những bà có con với nhà vua (khoảng độ 17 - 18 bà) còn theo như sử sách vua Gia Long có cả trăm cung phi mỹ nữ. Sống giữa một tập thể nữ giới như vậy chắc vua Gia Long đã phải gặp không biết bao rắc rối. Một con người quen trận mạc, quen ra lệnh, mỗi lần ra lệnh là thuộc hạ tuân lệnh răm rắp, thế mà khi sống với tập thể nữ giới kế cận mình trong hậu cung, vua Gia Long, theo như sự tiết lộ của một số quan chức khá thân cận với Ngài là Michel Chaigneau, thì vua rất ngao ngán cái đám nữ giới này, thậm chí Ngài còn gọi họ là một "lũ quỷ sứ" thì quả tình trạng nơi thâm cung tồi tệ biết chừng nào? Cũng có lẽ vì thế mà vua Gia Long không đặt ngôi Hoàng hậu chăng?...


      Vua Gia Long có hai bà phi mà vua rất tin yêu. Bà thứ nhất, Tống Thị Lan, mẹ Hoàng tử Cảnh và bà thứ hai, Trần Thị Dung, mẹ vua Minh Mạng...


      ... Ngoài hai bà phi kể trên, vua Gia Long còn có một mối tình nữa, mối tình này cũng đã gây không ít tai tiếng cho vua. Năm 1801, khi đem quân chiếm lại Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản dẫn thủy quân về cửa Eo (Thuận An) để chống cự nhưng thất bại phải chạy ra Bắc Hà. Nguyễn Vương tiến vào Phú Xuân thì bắt gặp một người đàn bà rất trẻ đẹp là công chúa Ngọc Bình, em công chúa Ngọc Hân, con vua Lê Hiến Tông, là vợ của vua Cảnh Thịnh còn ở lại trong cung, không kịp chạy theo quân Tây Sơn. Say mê trước sắc đẹp của Ngọc Bình, Nguyễn Vương Ánh cương quyết lấy cho được bà, bất chấp lời can gián của các quan. Việc bà lấy vua Gia Long đã được phản ánh khá rõ nét trong câu ca dao sau:


      "Số đâu có số lạ lùng

      Con vua mà lấy hai chồng làm vua."


      Có lẽ đây là một sự trớ trêu của lịch sử. Hai kẻ tử thù lại là anh em rể của nhau! Vua Quang Trung lấy bà Ngọc Hân Công Chúa, còn vua Gia Long lại lấy bà Ngọc Bình Công Chúa cả hai đều là rể của vua Lê Hiến Tông!

      Còn số phận của các bà phi tần cung nữ khác trong cung thì sao? Biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt nơi chốn thâm cung, oái oăm cũng có, nực cười cũng có mà bi thảm cũng có nhưng bên sau những lời thêu dệt đầy vẻ tưởng tượng đó, một điều mà ai cũng nói tới và thường được những người thân cận của vua Gia Long nhắc tới là việc vua Gia Long rất sợ khi phải trở lại nơi hậu cung, nơi mà theo nhà vua, ngài sẽ "ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc" và điều mà vua Gia Long muốn là "sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đáng ghê sợ hơn đàn ông". (3) Quả thật đây là một nhận xét táo bạo.


      Montréal, 15-3-2002

      Nguyễn Văn Trung

      Văn Học số 200, Tháng 12.2002; trg 3-29

      Ghi Chú:

      (1) Nguyễn Thanh Nhã, "Đọc tiểu thuyết lịch sử Gió Lửa của Nam Dao", Diễn Đàn số 104 (2-2O01) Paris.

      (2) Trả lời phỏng vấn của Mary Thiên Yên Lê, Nguyễn Huy Thiệp xác nhận ý định hạ bệ thần tượng - Tạp chí Thế kỷ 21 số 93, tháng 1-1997.

      (3) Tôi(NVT) không nhớ rõ số báo, năm tháng.

      (4) Nguyễn Phúc Tộc thế phả, bản vi tính trang 146.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022