|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhà văn Kim Dung bên tác phẩm của mình. (Hình: luatkhoa.org)
Sau khi dùng chín chương sách lục tìm những tài liệu lịch sử, văn học cũng như y và dược học để đối chiếu với những sự kiện diễn ra trong truyện chưởng của Kim Dung, tác giả Trần Văn Tích đã dùng chương cuối cùng, “Nhà viết sử và nhà viết tiểu thuyết,” trong tập biên khảo “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung,” đề cập đến một vấn đề có tính cách lý thuyết: sự giống nhau và khác nhau giữa hai cách viết, viết sử và viết tiểu thuyết.
Ngay trong “Lời mở đầu,” ông đã xác nhận, “Các truyện chưởng của Kim Dung thuộc thể loại văn học lịch sử. Chúng chứa đựng rất nhiều nhân vật và chi tiết hư cấu bên cạnh những con người và sự kiện lịch sử có thật.”
Bàn về sự giống nhau giữa hai cách viết, theo Trần Văn Tích, “cả sử học lẫn văn học đều có cùng một đối tượng: nắm bắt con người trong cộng đồng.” Nói cách khác, “Dù viết sử hay tiểu thuyết, ngòi bút luôn luôn vương cái tâm con người.”
Trong khi “khoa học lịch sử trình bày những sự kiện và quá trình diễn biến của sự kiện” thì văn học ở những truyện lịch sử, “thể hiện cuộc sống và tâm hồn con người gắn liền với các sự kiện và quá trình diễn tiến ấy.”
Ông trích dẫn một nhận xét vô cùng xác đáng của nhà văn George Duhamel, tác giả của tiểu thuyết “La nuit de la Saint-Jean,” cho thấy con đường song song mà cả tiểu thuyết gia và sử gia cùng theo đuổi: “Tôi cho rằng nhà tiểu thuyết là nhà viết sử của hiện tại còn nhà viết sử là nhà tiểu thuyết của quá khứ.”
Về phương pháp, cả sử gia và tiểu thuyết gia đều dựa vào những nguyên tắc và định lý gần giống nhau. Đó là, cả hai đều tin rằng con người là kết quả của môi trường xã hội, theo Trần Văn Tích.
Ngoài vài điểm giống nhau một cách tổng quát như thế, trong thực tế, viết sử và viết tiểu thuyết là hai công việc hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi những khả năng và mục tiêu khác nhau. Ông cho rằng nhà viết sử “xử sự theo phép quy nạp còn nhà văn thì hành động theo lối diễn dịch. Sử gia dựa vào tài liệu, tư liệu; tiểu thuyết gia căn cứ vào khái niệm, quan niệm. Sáng tác phẩm nhằm vào con người, các bộ sử nhằm vào xã hội.” Do đó, giữa tiểu thuyết và sách sử, phải có giới hạn phân minh.
Trong lúc người viết sử phải tôn trọng đến tối đa các sự kiện thì tiểu thuết gia có quyền thay đổi các sự kiện cho phù hợp với chủ đề hư cấu của mình, nhưng không thể tự ý thêm thắt hay bóp méo sự kiện đã từng xảy ra khiến cho khuôn mặt lịch sử bị biến dạng hẳn đi. Về phương diện này, tác giả Trần Văn Tích cho rằng Kim Dung, trong tưởng tượng hư cấu, đi quá đà và do đó, đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng.
Sai lầm thứ nhất, Kim Dung đã để cho “hư cấu có khi đạp nhầu sự thật sử học xuống đất đen, đặc biệt là các niên đại.” Lẽ ra, Kim Dung phải làm một thứ phiếu giống như “phiếu lý lịch của công an cho nhân vật chính cùng các nhân vật trung tâm,” thì Kim Dung đã không làm điều này, đưa đến những sai lầm “ấu trĩ không tha thứ được,” theo Trần Văn Tích.
Điển hình như nhân vật Đoàn Dự trong “Lục Mạch Thần Kiếm.” Đoàn Dự được Kim Dung cho lên làm vua do Bảo Định Đế truyền ngôi nhưng trong thực tế, Đoàn Dự không hề làm vua. Đã thế, theo chi tiết trong truyện, thì Đoàn Dự lên làm vua năm 1086 là năm Đoàn Dự chỉ mới lên ba (Đoàn Dự sinh năm 1083, theo sử liệu) nghĩa là một chú bé miệng còn hôi sữa mà, theo như Kim Dung mô tả trong truyện, đã “yêu đương không biết bao nhiêu mỹ nhân.” Tóm lại, Kim Dung đã bịa ra một Đoàn Dự hoàn toàn khác hẳn nhân vật lịch sử Đoàn Dự trong sử sách.
Sai lầm thứ hai là, Kim Dung không phân biệt được sự cẩn thận của nhà viết sử với việc sáng tạo của nhà viết truyện. Trần Văn Tích phê bình những ghi chú của Kim Dung về một số sự kiện sử học, làm chối mắt, lẩn thẩn. Chẳng hạn như trong “Lộc Đỉnh Ký,” “mạch diễn biến của truyện lắm khi bị cắt ngang để dành chỗ cho những ghi chú hay chú thích.” Những khuyết điểm này khiến tác phẩm giảm giá trị, nếu như so với những tiểu thuyết gia lịch sử Pháp như Victor Hugo hay Alexandre Dumas.
Ngoài ra, cũng nhân chuyện này, tác giả còn phê phán cách phê phán của những cây bút Cộng Sản về truyện Kim Dung. Theo ông, vì “không hợp khẩu vị ý thức hệ nên truyện chưởng bị người Cộng Sản gièm pha, chỉ trích.”
Hai cây bút nổi bật nhất trong việc chỉ trích thậm tệ Kim Dung khi mới chiếm được miền Nam là Vũ Hạnh và Trần Hữu Tá. Vũ Hạnh thì cho tiểu thuyết Kim Dung là “hoang đường quái đản,” “phiêu lưu vong mạng” và “ma quái phỉnh lừa;” còn Trần Hữu Tá thì cho rằng “Tình yêu éo le, phức tạp trong truyện là nhằm thỏa mãn những ham muốn đen tối,” là “hưởng lạc, thoát ly, chạy trốn thực tại,” vân vân và vân vân.
Trần Văn Tích cho rằng, cả hai “đều không chịu cho tưởng tượng cất cánh bay cao trong truyện chưởng.” Tiểu thuyết Kim Dung “không phải là đề cương văn hóa của ‘đảng’ nên đừng xem chúng là tư liệu chỉ đạo.” Quả thật là “hẹp hòi và chủ quan” khi người Cộng Sản chỉ chăm chăm bắt Vi Tiểu Bảo, Đoàn Dự phải học tập cải tạo để trở thành những định hình tinh thần theo khuôn mẫu của những nhân vật (cũng hư cấu) Cộng Sản như Pavel Corsaghin hay Ruồi Trâu! Đúng là mâu thuẫn kiểu Cộng Sản. Một mặt, họ đề ra những mục tiêu ảo tưởng, nhưng lại lên án tính cách hư cấu trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Điều khôi hài là về sau này, chính nhà nước Cộng Sản lại gần như chấp nhận một cách công nhiên sự phổ biến truyện chưởng Kim Dung qua phim ảnh cũng như sách vở.
Vì thế, cách tốt nhất đối với người viết tiểu thuyết là, một mặt, phải tôn trọng sự kiện lịch sử, nhưng mặt khác, vẫn để cho óc tưởng tượng có cơ hội phát huy tiềm năng của nó. Chỉ nhất nhất ghi cho chính xác hoàn toàn những sự kiện lịch sử là bóp chết sự sáng tạo của nhà văn. Nhưng để cho trí tưởng tượng chế ngự hoàn toàn thì không còn gọi là tiểu thuyết lịch sử nữa. Có lẽ chính vì thế, tác giả Trần Văn Tích đồng ý với một nhận xét của Tạ Triệu Chiết (đời nhà Minh) cho rằng hư thực nên mỗi thứ một nửa (phàm vi tiểu thuyết cập tạp kịch hý văn, tu thị hư thực tương bán).
Nhân đây, tôi nghĩ cũng hữu ích khi dẫn lại quan niệm của cố sử gia Tạ Chí Đại Trường (mất năm 2016) về tương quan giữa sử học và văn học. Theo ông, “Nổi bật trong văn chương là tính chất nghệ thuật, còn ở sử học là tính chất hệ thống hóa của nó. Tuy nhiên có một điểm khó tách rời văn chương và sử học: Cả hai đều phải xuất hiện qua hình thức chữ nghĩa, và nói lên điều thiết thân của con người, một nói về quá khứ và một cứ tưởng của muôn đời mà thật ra cũng chỉ là giai đoạn […]. Như vậy văn chương không chỉ nối dài lịch sử bằng hình thức của mình mà còn có tác động đẩy đưa lịch sử theo hướng mình mở ra nữa. Có vẻ như sử học bị bó trong khuôn khổ đã không làm hết nhiệm vụ.”
Sử có việc của sử, văn có việc của văn. Để viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn cần tài liệu lịch sử. Nhưng để viết sử, sử gia cũng cần văn chương. Tài năng, rốt cuộc, nằm ở chỗ sử gia hay tiểu thuyết gia biết cách châm chước một cách tốt nhất giữa hai lãnh vực trong khi biên soạn công trình hay sáng tạo tác phẩm của mình.
Riêng tư cách là một độc giả, xin cám ơn tác giả Trần Văn Tích đã cung cấp những kiến thức vô cùng bổ ích về văn chương, sử học cũng như y, dược trong khi đọc lại những truyện chưởng của nhà văn tài hoa Kim Dung.