|
Hùng Lân(23.6.1922 - 17.9.1986) | Lê Thương(8.1.1913 - 17.9.1996) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Ngọc Dũng và Thái Tuấn
Virginia, 8-1996
Ngọc Dũng là một người rất mê vẽ phố, gần như Bùi Xuân Phái với những bảng màu về phố Hà Nội ở miền Bắc. Những ngóc ngách của các xóm lao động, những khu phố lớn, những mái nhà ủ dột, bên những trụ điện đường, dưới những hàng dây điện chăng mắc là một đề tài khá đầy cảm hứng của anh. Trong những hẻm phố như thế, những tảng màu hơi tối, kín đáo và những đường nét biểu hiện, đôi lúc hoang dại một chút, tự nó đã phô ra một thế giới đầy sinh động và thường ít khi có con người xuất hiện ở đây. Bút pháp hoàn toàn khác hẳn Bernard Buffet, nhưng ở điểm vắng bóng con người thì rất giống nhà danh họa này. Nhà cửa, ngõ hẻm, trụ điện đường, một vài bóng cây tự nó đã có tiếng nói linh hoạt riêng, không cần phải viện đến sự có mặt của con người. Những tranh tĩnh vật của Ngọc Dũng là thế giới riêng hoàn toàn của anh. Bình hoa trên cái bàn vuông trải chiếc khăn ca-rô, mấy bông hoa cắm vượt thoát cao một chút, ấm nước và lò lửa để trên nền nhà gần chân bàn, đấy là đề tài một bức tĩnh vật của Ngọc Dũng. Những đường cong chấm phá và vài nét thẳng thoải mái, giản dị, màu sắc êm dịu, nồng ấm, ngả sang xám, gợn lên màu đỏ ẩn chìm. Ánh sáng bên ngoài không tác động chút nào lên tấm tranh là điều kiện cơ bản để dựng nên nột bầu khí riêng.
Những năm về sau, Ngọc Dũng và Duy Thanh dường như đều muốn tiến về khuynh hướng biểu hiện. Trong hội họa hiện đại, nghệ thuật biểu hiện dễ đạt được nhiều chia sẻ nhất với mọi người.
Họa sĩ Ngọc Dũng qua đời ở Virginia, gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn, lúc 3 giờ 25 chiều (giờ địa phương), ngày thứ 6, mồng 7 tháng 7 năm 2000, sau một thời gian bị ung thư phổi, hưởng thọ 69 tuổi.
Ngọc Dũng sinh ngày 6 tháng 10 năm 1931, ở Hưng Yên, Bắc Việt, tên thật là Nguyễn Ngọc Dũng. Nhờ vào ký ức cũng như tài liệu Đinh Cường còn giữ được, chúng ta có thể biết về các cuộc triển lãm của Ngọc Dũng trước đây ở Sài Gòn, Hà Nội, và Huế:
- Năm 1953, cùng với Duy Thanh bày tranh lần thứ nhất ở Hà Nội.
- Năm 1956, lại cùng với Duy Thanh bày tranh ở Sài Gòn.
- Năm 1959, bày tranh chung với Thái Tuấn, Duy Thanh, Vị Ý, Lê Thị Quang, Đào Sĩ Chu, Phạm Thị Khánh tại phòng Thông Tin Đô Thành.
- Năm 1961, triển lãm riêng 50 bức sơn dầu ở Phòng Thông Tin Đô Thành; cuộc triển lãm kéo dài trong 10 ngày, sau đó ra Huế và triển lãm ở Phòng Thông Tin Huế (bấy giờ còn gọi là Nha Thông Tin Trung Việt), ngay nơi chân cầu Tràng Tiền, phía Tả ngạn Sông Hương.
Cũng cần biết thêm: Ngọc Dũng cũng là một họa sĩ vẽ hí họa, cộng tác với nhiều báo mà nổi tiếng nhất có lẽ là thời gian cộng tác với nhật báo Chính Luận, ký tên Tuýt.
Khi Ngọc Dũng vừa qua đời, do yêu cầu của ông Nguyễn Xuân Hoàng, chủ bút tạp chí Văn xuất bản ở California, tôi có một bài viết ngắn góp vào số báo đặc biệt để tưởng niệm họa sĩ Ngọc Dũng (Tưởng niệm Ngọc Dũng, Văn, số 45, tháng 9.2000). Xin trích in lại bài viết này ở đây, để ghi nhận thêm đôi chút về cuộc đời Ngọc Dũng, đặc biệt là những ngày lưu lạc bất đắc dĩ nơi đất khách, cho đến ngày ông từ biệt hẳn cuộc đời.
Tĩnh Vật, sơn dầu, 1962
Trong đời tôi, tôi thấy có một điều may lớn là người nào mà tôi có lòng yêu mến và quý trọng thì trước sau gì cũng được gặp. Có người thì được gặp gỡ và trở thành quen biết lâu dài, có người chỉ được gặp thoáng qua nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp. Họa sĩ Ngọc Dũng là trường hợp thứ nhì ấy. Từ thời niên thiếu, xem tranh của ông, tôi rất thích; rồi đọc một bài viết của Nguyễn Trung trên mặt bìa sau tạp chí Văn Nghệ khoảng đầu thập niên 60, ghi nhận khuôn mặt, đời sống và thế giới hội họa của Ngọc Dũng, tôi càng hết sức thích thú, và cho mãi tới vài năm gần đây mới tình cờ được gặp. Gặp nhau lần đầu, nhưng đã như rất thân thiết, và cũng đã nói được với nhau nhiều điều. Có lẽ vì bầu khí nghệ thuật của ông đã quá quen thuộc với tôi chăng? Hay phần nào cũng vì dáng vẻ thanh nhã, nhẹ nhàng và điềm đạm của ông càng làm cho tôi thêm nhiều phần yêu mến.
Trước năm 1975, Ngọc Dũng là một khuôn mặt nổi bật của hội họa Sài Gòn, đặc biệt trước thời điểm của sự xuất hiện của nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ. Từ năm 1953, ở Hà Nội, ông đã bày tranh chung với Duy Thanh, nhưng sau khi di cư vào Nam, ông mới thực sự nổi bật. Đề cập tới nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại thì nhất định phải đề cập đền các nhà điêu khắc và họa sĩ của Sài Gòn của 20 năm 1954-1975. Mà đề cập đến nghệ thuật hiện đại của Sài Gòn thì không thể nào không nhắc đến ba khuôn mặt Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, những người nghệ sĩ di cư ấy, quy tụ chung quanh nhóm Sáng Tạo, đã góp nhiều phần làm mới nền nghệ thuật hiện đại của đất nước. Cái mới của họ vốn đã tiềm tàng từ đất Bắc, nhưng trong đợt sóng di cư vào Nam, trong một tình hình hết sức mới mẻ, có lẽ cái giục giã, thúc đẩy của lịch sử đã đưa họ đến những cách phát biểu mới, phù hợp với đòi hỏi của tình thế và thời đại mới. Dĩ nhiên, nói rằng nghệ thuật của họ mới mẻ, có nghĩa là phải nhìn họ trong tình hình của gần nửa thế kỷ trước để xem xét những vận động đổi mới của họ như thế nào đối với nền nghệ thuật của đất nước, chứ không thể đứng trong thời điểm hiện nay mà nói thế này, thế khác được. Cũng tựa như ngày nay, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền chẳng thấy gì lạ, nhưng lúc bấy giờ thì quả là quá lạ lùng, có người thích thú, phấn khích, hạnh phúc trong những cảm hứng thi ca đã hoàn toàn vượt ra khỏi thế giới cũ kỹ, quen thuộc trước đây; ngược lại có nhiều người trợn trừng mắt, giận dữ, la ó, phản đối, kết án, miệt thị dữ dội. Ngày nay, xem lại tranh của Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thái Tuấn, bút pháp của họ cũng chỉ là dừng ngang mức hậu ấn tượng, hoặc là dã thú, tượng trưng, siêu thực. Nhưng vào thời điểm đó, người xem tranh chỉ mới loanh quanh với cái đẹp từ các tác phẩm được sinh sản từ trường Mỹ Thuật Đông Dương, ổn cố và chải chuốt với nghệ thuật ấn tượng là chủ yếu, thì những người nghệ sĩ ấy đúng là đã mang lại nhiều cái đẹp mới; đáp ứng với yêu cầu đổi mới trong tâm hồn và cảm quan người thưởng ngoạn.
Ngọc Dũng sinh hoạt với các nhóm Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn Nghệ rất tích cực, sáng tác mạnh, triển lãm nhiều lần ở Sài Gòn và vài thành phố lớn khác của miền Nam. Trong một phòng triển lãm tranh của ông, ngoài chân dung những thiếu nữ, bóng dáng phụ nữ khỏa thân, khuôn mặt những người bạn, những tĩnh vật thì hầu hết đều là tranh về phố. Đó là ấn tượng tôi còn giữ mãi đến ngày nay khi bước vào một phòng tranh của Ngọc Dũng hơn 40 năm trước, bày ở Nha Thông Tin Huế, ngay nơi chân cầu Tràng Tiền ánh bạc bắc qua dòng Sông Thơm tĩnh lặng êm đềm.
Nói đến tranh phố của Ngọc Dũng là nói đến một thế giới rất phố của riêng Ngọc Dũng, cũng như nói đến tranh phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái thì phải nói đến "phố Phái" như chữ dùng của Nguyễn Tuân. Hà Nội phố vốn đã là một biểu hiện văn hóa, nhưng Hà Nội phố qua mắt nhìn Bùi Xuân Phái thì đã trở nên một biểu hiện văn hóa khác của một nghệ sĩ lớn của đất nước thời hiện đại. Ở tranh tĩnh vật của Ngọc Dũng cũng vậy; tĩnh vật của Ngọc Dũng là thế giới riêng hoàn toàn của ông. Và những thiếu nữ của Ngọc Dũng thì dáng dấp mảnh mai, cổ hơi cao nhưng rất quân bình, hòa hợp. Những thiếu nữ Việt trang nhã và kín đáo ấy đã một thời chinh phục biết bao nhiêu tâm hồn yêu cái đẹp, đến với hội họa Ngọc Dũng.
Năm 1954, theo các làn sóng di cư, Ngọc Dũng đi về phương Nam, lập nghiệp ở Sài Gòn, đóng một vai trò đặc biệt trong nền nghệ thuật mới của đất nước, góp nhiều công trình tim óc, những tác phẩm đẹp mà hẳn nhiên là trong ký ức của những người yêu thích nghệ thuật vẫn còn lưu giữ những hình ảnh độc đáo và sáng tạo ấy. Năm 1975, Ngọc Dũng lại phải di cư một lần nữa, lần này xa hơn nhiều, xa đến nửa vòng trái đất, và định cư ở Mỹ. Người ta tưởng rằng Ngọc Dũng sẽ làm được việc nhiều trong tình thế mới, bởi vì rất rõ ràng trên vùng đất đai rộng lớn mênh mông này, từ nghệ thuật cổ điển đến các hình thức hiện đại nhất của nhân loại đều có cơ hội phát triển và nói tiếng nói của riêng mình. Hơn thế nữa, những trung tâm nghệ thuật lớn của Âu châu dường như cũng đã chuyển về đây, để tạo nên một vẻ mặt mới cho nền nghệ thuật hiện đại. Có lợi thế rất đặc biệt ấy, mặt khác, những người nghệ sĩ di dân cũng phải đối đầu với nhiều cam go ác liệt của đời sống công nghiệp nơi đây, và hẳn nhiên là không dễ gì vượt qua nổi. Nhiều người nghệ sĩ đã phải bỏ nghề mà mưu sinh tồn tại, làm những công việc chẳng dính líu chút gì đến nghiệp dĩ và giấc mộng tinh thần của mình. Đó chính là trường hợp của Ngọc Dũng. Trong 25 năm sống đời di dân dường như ông chẳng còn làm được việc gì nữa. Chỉ thỉnh thoảng mới có vài phác thảo, ký họa vẽ chơi cho đỡ nhớ. Vài năm gần đây, chúng ta mới được xem vài nét phóng bút của ông, vẽ nhanh bằng mực tàu, in trên vài tạp chí quen thuộc như Văn, Văn Học, Tạp chí Thơ, Thế Kỷ 21 rất tài hoa, thanh nhã, đôi túc cho ta thấy được sự chín mùi của một cây cọ qua sự chín chắn của tư tưởng, cuộc đời, và sự nhuần nhuyễn của bàn tay chủ động. Gần đây, nghe nói ông chuẩn bị vẽ lại, ông có vẻ rất hào hứng vì các bạn của ông là Thái Tuấn và Duy Thanh đã vẽ lại và thực hiện được những cuộc triển lãm đáng chú ý. Vừa được tin tức như vậy về Ngọc Dũng, thì bất thần tin buồn lại đến quá đột ngột, ông đã từ biệt chúng ta vào thượng tuần tháng Bảy vừa qua.
Họa sĩ Ngọc Dũng qua đời trong sự thương tiếc, yêu mến của bạn hữu và tất cả những ai yêu thích nghệ thuật, nặng lòng với đời sống văn hóa của dân tộc. Nhật báo Người Việt, cơ quan ngôn luận hàng đầu của người Việt trên khắp thế giới, loan tin ông qua đời ngay trên trang nhất, lại ngay chính nơi mục bình luận hàng ngày của tờ nhật báo này. Đó là một thái độ trân trọng đúng mức đối với một nghệ sĩ, một nhà hoạt động nghệ thuật đã có nhiều cống hiến đặc biệt. Họa sĩ Ngọc Dũng qua đời cũng là một mất mát lớn không bù đắp được đối với những ai yêu thích mỹ thuật, bởi vì rất rõ ràng ông đã có những hứa hẹn đẹp đẽ trong nhiều ngày tới thì lại bất thần ra đi. Chúng ta nhớ tiếc người nghệ sĩ ấy với lòng biết ơn vì đã được thừa hưởng nhiều di sản tinh thần của ông để lại.