|
Vương Đức Lệ(.0.1937 - 20.1.2008) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Vừa rồi, theo bản tin của Phạm Phú Minh (VNCR, Feb. 13 / 2006), bà con đồng hương tại vùng Little Saigon xôn xao vì một bài hát mới và một giọng hát trước nay chưa hề được nghe. Người ta mách nhau kéo bài hát từ trên trời xuống (Internet), lắng nghe, rồi ngẩn ngơ xúc động.
Một bài hát về tình tự quê hương Việt Nam mà không phải hát bằng tiếng Việt Nam, tác giả của nó cũng chẳng phải là người Việt Nam, thế mà bài ca đó chỉ trong một thời gian ngắn đã chinh phục tình cảm của rất đông người Việt, từ trong nước ra đến khắp nơi trên thế giói. Điều ấy đáng gọi là một hiên tượng, một hiện tượng đặc biệt từ trước đến nay hầu như chưa từng xảy ra trong lãnh vực tình cảm nghệ thuật của chúng ta. Chúng tôi đang nói về bài hát "Bonjour Vietnam" sáng tác bởi nhạc sĩ người Pháp Marc Lavoine, do cô Phạm Quỳnh Anh, một thiếu nữ người Bỉ gốc Việt hát.
Phạm Quỳnh Anh và Bonjour Vietnam:
Phạm Quỳnh Anh
Phạm Quỳnh Anh, năm nay 19 tuổi, sinh tại nước Bỉ ở Au châu. Cha của cô trước kia là một sinh viên đi du học tại Bỉ (nước Bỉ nói tiếng Pháp) vào năm 1971, lập gia đình vào năm 1982, hiện nay gia đình đang sống tại Mons, một thành phố nhỏ và thanh bình của nước Bỉ. Quỳnh Anh đã học xong bậc trung học, từng đoạt giải giọng ca hay nhất trong kỳ thi "Pour la Gloire" được đài truyền hình Bỉ tổ chức năm 2000 (năm ấy cô mới 14 tuổi). Sau đó Quỳnh Anh ký hợp đồng trình diễn với công ty Universal năm 2002.
Nhà soạn nhạc người Pháp, Marc Lavoine trong một chuyến lưu diễn tại Bỉ năm 2005, khám phá ra giọng hát trong vắt của Quỳnh Anh, lập tức ông viết nhạc phẩm "Bonjour Vietnam" để dành riêng cho cô, đồng thời mời cô hát chung trong dĩa hát "L'heure d'été" và cùng trình diễn ở Pháp (tư liệu của Phạm Phú Minh).
Với Bonjour Vietnam, tự hỏi vì sao bài hát chinh phục được lòng người đến như vậy, với nội dung đã đánh động và chắt lọc những gì tinh tuý nhứt của đời sống tinh thần và tình cảm quê hương Việt Nam, tuy hát bằng tiếng Pháp. Sông núi, ruộng vườn, cây đa, bến đò đều là những hình ảnh bất biến vẽ ra bức tranh tình cảm mà chúng ta gọi là tình tự quê hương, nhất là đối với con người sống xa quê hương xa lơ xa lắc bên kia bờ biển lớn!
Chuyện này bỗng làm cho tôi nhớ đến nhạc sĩ Lê Thương và đôi chút kỷ niệm vui vẻ cười xòa năm xưa tại Sài gòn. Từ năm 1985, không khí Sàigon bắt đầu thông thoáng hơn, nói riêng về phía văn nghệ sĩ chúng tôi, có nhiều bạn cũ từ Âu châu trở lại viếng thăm. Trong số đó chúng tôi gặp lại nhiều anh "Tây nước mắm" đồng nghiệp ở đài Pháp Á và báo Pháp Journal d'Extrême- Orient, có anh chàng G.P. lúc đó là đặc phái viên của RFI.
Một hôm, đến chơi nhà Lê Thương Ở đường Bùi Viện, anh ta hí hởn trao cho chúng tôi một bài báo trong tờ tạp chí cũ "Revue Indochine" ấn hành từ năm 1942, anh ta nói:
- Trở lại Vietnam chuyến này, mõa (tôi) đặc biệt mang biếu các toa (anh) tài liệu quý này. Cứ xem đi rồi biết!
Hát và Rao trên đường phố Sài gòn:
Té ra là tờ báo cũ, giấy đã nát và trổ màu vàng, có vài chỗ loen lổ, nhiều tờ mối gậm, trong đó có một bài viết về nhạc "Chant et cris de la rue de Saigon" (Hát và rao trên đường phố Sàigòn), trong bài viết có minh họa hình ảnh và in cả nốt nhạc của E. Bergès. Chúng tôi biết tác giả bài báo là "papa" thân phụ của G.P. Anh Lê Thương là người hay sưu tập báo cũ chất chứa đầy nhà, nên anh vui mừng hỏi:
- Anh tìm đâu ra tờ báo này?
G.P. nói tiếp: "Tình cờ moa lục trong tập hồ sơ của Papa (cha), bắt được nó. Lúc xưa papa mang về Pháp. Moa còn nhớ, papa thường nói với moa: Bài này hồi đó viết tại Sàigòn, không ngờ khi trở về Pháp sau đó lại nhận được ở Pháp rất nhiều thư của độc giả Việt Nam cư ngụ ở Paris tỏ bày tình cảm ngợi khen.
Lê Thương lật xem kỹ bài báo rồi với tay lấy cây đàn mandoline, bật thử theo nốt nhạc. Tôi bất giác khen: "Thật đúng là lời rao nghe thấy trên đường phố Sàigòn năm xưa!". Anh Lê Thương gật: "Như vầy mà không khơi dậy tình cảm của người đang sống xa quê hương làm sao được. Tiếng nhạc đánh lên nghe y như lời rao thánh thót trong đêm vắng, đêm đêm mình thường nghe tiếng rao luyến láy hệt như là tiếng ca, của những chị gánh bán hàng rong trên đường phố Sàigòn năm xưa!" Nói xong Lê Thương cười, nhìn theo nốt nhạc rồi bắt chước giọng Sài gòn, rao như hát:
Ai ăn bò bún, bánh hỏi, thịt quay hon..g?"
Tôi cũng cười, nói với G.P:
- Papa của anh thật tài. Ghi âm lời cho một câu ca đã khó rồi, đằng này ông già anh lại là người Pháp, làm sao ổng có thể diễn tả đúng theo âm giọng trầm bỗng của cô gái bán chè hay bán bò bún. Tuy trước kia ổng đã sống và làm việc lâu năm ở Sàigòn và không rành tiếng Việt bao nhiêu?
G.P gật đầu cười, rồi trả lời bằng "tiếng Việt lai Tây":
- Đúng, papa cũng có kể cho moa nghe rồi, cái năm hồi trước ổng phải bỏ cái công một tuần ban đêm đi theo gánh hàng cô bán đó để "nghe lén hoài" từ xóm này qua xóm khác, ổng mới thuộc cái cách rao. Hồi đó đâu phải như bây giờ mà có dùng máy recorder được.
- Phải rồi, có recorder thì chỉ cần gọi cô bán chè đến ăn một chén rồi nhờ cô ta rao lên cho mình thu vào máy.
Nghe tôi nói vậy, anh Lê Thương lắc đầu:
- Như vậy không được. Dù cô ta có rao trong trường hợp đó cũng mất tự nhiên!
Xem thế với câu chuyện này cho thấy chỉ cần nghe có vài câu rao hàng réo rắt trong đêm vắng cũng đủ đánh động tình người với quê cha đất tổ, khi mình buộc phải sống xa quê hương. Huống chi là cả một bài hát, với một giọng ca thật truyền cảm.
Trở lại với bài hát Bonjour Vietnam, chúng tôi tự hỏi vì sao mấy tuần lễ vừa qua nó gây xúc động và nhanh chóng lan rộng trên khắp thế giới, trên các đài truyền hình cũng như ngoài dân gian, quần chúng, với lời ca tiếng Pháp? Theo lời bình của Phạm Phú Minh thì yếu tố đầu tiên nhờ ở giọng hát của Quỳnh Anh, một giọng hát trong trẻo, thánh thiện diễn tả một cái tâm sáng trưng chưa nhiễm những tạp chất của cuộc đời như: phe phái, chánh trị, quyền lợi. Cô hát bằng tiếng Pháp, mà có thể nhiều người nghe không hiểu, thế mà lòng vẫn cảm được mối tình tự quê hương mà cô biểu hiện, biểu hiện cái hiện thực tâm lý chung của người Việt trong và ngoài nước. Đó là giọng hát chuyên chở tâm hồn người ca diễn truyền thẳng vào tâm hồn mọi người. Ý nghĩa của ngôn từ đã thành thứ yếu trong trường hợp này, mà tác động của giọng hát mới là quyết định.
Còn về người sáng tác ra nó, cũng từ trên Internet chúng tôi kéo xuống như sau: nhạc sĩ Marc Lavoine, người Pháp, ông không thể diễn tả tâm tình quê hương của chúng ta kiểu như: "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh", nhưng ông đã cảm nhận tình cảm của một thiếu nữ gốc Việt, còn rất trẻ, sinh trưởng ở Tây Âu, bằng trực giác nghệ sĩ rất bén nhạy của ông, ông đã viết lên những câu ca thu hút tuyệt vời. Do đó có nhiều học sinh sinh viên trong lớp con cháu chúng tôi ở Mỹ, không mấy rành Pháp văn nên hỏi về ý nghĩa trong những câu ca tiếng Pháp đó. Vậy tôi xin giới thiệu Bonjour Vietnam nguyên văn lời Pháp và lời dịch như sau:
Racontes-moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née.
Racontes-moi le vieil Empire, et le trait de mes yeux bridés,
Qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire
Je ne sais de toi que des images de la guerre,
Un film de Coppola et des hélicoptères en colère
Un jour, J'irai là bas
Un jour, dire bonjour à ton âme
Un jour, J'irai là bas pour te dire.. bonjour Vietnam!
Racontes-moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds,
Qui me porte depuis que je suis née
Racontes-moi ta maison, ta rue,
Racontes-moi cet inconnu,
Les marchés flottants, et les sampans de bois,
Les temples et les bouddhas de pierre pour mon père.
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères.
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères.
Toucher mon arbre, Mes racines, Ma terre
Un jour, j'irai là bas
Un jour, dire bonjour à mon âme
Un jour, j'irai là bas
Pour te dire bonjour Vietnam
Te dire BONJOUR VIETNAM.
Lời dịch:
Hãy nói cho tôi biết về cái chữ sao mà nó lạ
Về cái tên khó gọi mà tôi đã mang từ khi mới ra đời
Hãy hể cho tôi về vương quốc xa xôi,
Về đôi mắt xếch của tôi.
Đôi mắt biểu lộ lòng tôi hơn cả những lời
Miệng không thể thốt ra
Tôi chỉ biết quê hương tôi qua hình ảnh chiến tranh
Qua phim của đạo diễn Coppola.
Hình ảnh những chiếc trực thăng đầy phẫn nộ,
Một ngày nào đó tôi sẽ đi về nơi đó
Một ngày về để cất tiếng chào hồn thiêng sông núi.
Một ngày tôi sẽ về để lên tiếng chào gọi quê hương Việt Nam
Hãy tả cho tôi màu da, suối tóc và đôi chân bé nhỏ
Đã mang trên thân tôi từ khi mới chào đời.
Hãy kể cho tôi nghe ngôi nhà con đường nhà anh
Hãy kể cho tôi ôi quê hương với còn xa lạ
Có những chợ nổi nhóm trên sông,
Với những chiếc ghe tam bản bằng gỗ
Viếng thăm chùa chiền, tượng Phật thay cho cha.
Những người đàn bà còng lưng bên ruộng lúa,
Ta thăm hỏi... thay lời mẹ ta.
Tiếng nguyện cầu, dưới vừng trăng sáng,
Ta sẽ gặp lại các huynh đệ của ta.
Thắm tận tâm hồn, trở về cội nguồn, đất mẹ của ta.
Một ngày tôi sẽ trở về,
Một ngày tỏ lời chào, nơi đó linh hồn tôi
Một ngày, tôi sẽ trở về, cất tiếng chào
Nơi Đất tổ tôi nói Chào mừng Việt Nam!
Xem đấy, nghe đấy, hơn ba mươi năm qua có khoảng ba triệu người Việt Nam đã ra đi sinh sống khắp nơi trên thế giới, đã tạo nên một loại tâm tình đặc biệt về quê hương mà mình đã bỏ, rồi xây dựng nên một Việt Nam không lãnh thổ trên bản đồ thế giới với niềm hy vọng xen lẫn với nỗi buồn!
Để tạm kết, chúng tôi xin nhắc lại lời nhận xét của người ở nước Bỉ:
"Hy vọng xen lẫn nỗi buồn. Thật là một tâm tình phức tạp, vừa tiêu cực, vừa tích cực, hy vọng trộn lẫn với nỗi buồn. Cũng chính nhờ trong không khí của thời toàn cầu hóa mà nhiều người trong nước Việt Nam đã cảm được tiếng hát của Quỳnh Anh trong bài Bonjour Vietnam. Giả thiết Việt Nam không có cuộc đổi mới và mở cửa cách đây 20 năm, vẫn mải miết với cuộc sống tối tăm luẩn quẩn với mấy nước "xã hội chủ nghĩa anh em" với nhau, ngăn chặn hết thông tin và cảm hứng cuộc sống của thế giới tự do mà họ không ngớt miệng lên án."
Lời nhận xét ấy suy nghiệm kỹ ta sẽ thấy nó xác đáng ở mức độ nào?!... nhưng dù sao khách quan nhận xét thì xã hội Việt Nam hiện tại cũng trên đà hội nhập với thời đại toàn cầu hóa, người dân Việt bây giờ mắt đã nhìn quen, tai đã nghe quen những nét văn hóa khác nhau trên thế giới, nên Bonjour Vietnam với tiếng hát Quỳnh Anh đã gặp được sự chan chứa tình cảm đậm đà.
(MN 3-2006)
Xem thêm:
- Những bài ca chuyển tải: Tình tự quê hương, đi vào lòng người Nguyễn Thanh Hiệp Giới thiệu
- Mùa Xuân với Âm Nhạc và Cuộc Sống Hát Ca Nguyễn Thanh Hiệp Ký sự
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |