1. Head_

    Nguyễn Văn Bông

    (2.6.1929 - 10.11.1971)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhớ Tới 'Ngũ Hổ' Của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương Thuộc QLVNCH (Nhất Tuấn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      28-2-2014 | ÂM NHẠC

      Nhớ Tới 'Ngũ Hổ' Của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương Thuộc QLVNC

        NHẤT TUẤN
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà thơ Nhất Tuấn

      LTS - Nhà thơ Nhất Tuấn (nguyên trung tá Phạm Hậu), tác giả Truyện Chúng Mình, nguyên giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh, Hệ thống trưởng Hệ thống truyền thanh VNCH (1971), Tổng giám đốc Việt Tấn Xã (1974) hiện cư ngụ tại tiểu bang Washington. Nhân dịp ông tới Houston để thu hình cho một chương trìnhh của Paris by Night (Thúy Nga) vào đầu tháng 5/07 về nhạc sĩ Lam Phương đã hồi tưởng lại những ký niệm cũ với các nhà văn nghệ quân đội cùng thời trong Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương của Quân lực VNCH.


      Suốt 22 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều đơn vị: Nhẩy Dù, Trung Đoàn 42/Sư Đoàn Khinh Chiến 14, Thủy Quân Lục Chiến, Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, và Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng (tức Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị sau này) nhưng dấu ấn sâu đậm cứ theo tôi mãi tới ngày hôm nay với rất nhiều vui hơn buồn là thời gian tôi chỉ huy hai đơn vị dưới đây:

      Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương, tiền thân của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và Đài Phát Thanh Quân Đội.


      Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương (ĐĐVN/TƯ).


      Cuối năm 1960, tôi về ĐĐVN/ TƯ thuộc Tiểu Đoàn Chiến Tranh Tâm Lý (TĐCT/TL) thì đơn vị đã rời trụ sở cũ để nhường chỗ cho nhật báo Tiền Tuyến. Trụ sở mới của TĐCTTL chuyển qua số 1 đường Phan Đình Phùng, sát bờ sông Thị Nghè.


      Từ thuở ban đầu, khi đất nước chưa chia đôi, Thiếu Tá Trần Tử Oai là Giám Đốc Nha Tác Động Tinh Thần. Đại Úy Vũ Hoài Đức là Đại Đội Trưởng Đệ Nhất Đại Đội Võ Trang Tuyên Truyền (ĐNĐĐ/VTTT) hậu cứ đóng đô ở Sa Đéc.


      Thời gian này đã có Phạm Nghệ, cây vĩ cầm tài hoa của Hà Nội xa xưa, sau này rời ĐĐVN/TƯ qua Pháp học và tốt nghiệp rồi trở về nước, dậy ở Quốc Gia Âm Nhạc một thời gian.


      Vào lúc đó ĐNĐĐ/VTTT đã có danh ca Tuyết Hằng, sắc tài vẹn toàn, sau rất nổi danh trong Ban Tam Ca Đông Phương, gồm: Tuyết Hằng, Hồng Vân, Thu Hà. Thu Hà khi đó còn là sinh viên Y Khoa nhưng hát rất hay, sau này là bác sĩ hành nghề y khoa tại San José, CA.


      Và ngày xa xưa đó Đệ Nhất ĐĐ/ VTTT cũng có sự góp mặt của Hoàng Hải Thủy, tức Công Tử Hà Đông. Ông bạn văn nghệ sĩ hào hoa Hoàng Hải Thuỷ khi đi công tác ở Côn Sơn- Phú Quốc, săn hươu bắn khỉ sao đó, rơi mất súng nên bị truy tố ra tòa án Binh. May sao có Thiếu Tá Trần Tử Oai xin, chỉ bị phạt ít ngày rồi cho giải ngũ. Nhờ giã từ đời lính sớm, HHT mới có thời gian làm báo, viết sách và cùng Văn Quang, trở thành hai nhà văn Bắc kỳ đông độc giả nhất ở Miền Nam Tự Do trong ba thập niên 50-60-70. Khi tôi về coi ĐĐVN/TƯ, Hoàng Hải Thủy đã đi rồi, nhưng vẫn còn Phạm Nghệ (?) Tuyết Hằng, nhân vật cựu trào. Khác với các Đại Đội CTTL Quân Khu, tuy cũng thuộc Tiểu Đoàn CTTL, nhưng biệt phái cho các Quân Đoàn, ĐĐVN/TƯ chúng tôi đặc biệt có tới 6 ban: Ca, Vũ, Nhạc, Kịch, Cổ Nhạc và Kỹ Thuật.


      Ban Ca: Trưởng Ban Phạm Nghệ, kế đó là Anh Linh; khi Phạm Nghệ giải ngũ qua Pháp học và ít năm sau tốt nghiệp "Sư Phạm, âm nhạc vĩ cầm và nhạc thính phòng". Trong ban ca có các nghệ sĩ: Anh Ngọc, Ngọc Linh, Hoài Trung, Hoàng Linh Duy (tác giả ban nhạc "Trên Phố Bolsa" sau này), Vân Sơn Tuấn Đăng của ban AVT, Thanh Vũ (hát bản Đêm Nguyện Cầu rất ăn khách được quay đĩa đầu tiên), Tuyết Hằng trong ban Tam Ca Đông Phương, Phương Tâm, Ái Lan và một số nghệ sĩ mà tôi đã quên tên.


      Ca sĩ tổng cộng là 20 người và Minh T. là người đẹp có lúc thiên hạ đồn rằng "mê Đại Bàng", đại úy Nguyễn Quý Th., ông anh quý mến của đơn vị chúng tôi, em ông Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần.


      Ban Vũ: Trưởng ban Anh Thư, có Băng Tâm, Tuyết Thu, Tuyết Minh và vài ba vũ công khác (quên tên...).


      Ban Nhac: Anh Hoàng, trưởng ban và một số nhạc công khác (quên tên).


      Ban Kịch: Hoàng Hải, và Hoàng Năm, Lữ Liên, Đỗ Lệnh Trường, Xuân Phúc, Bích Huyền, Cẩm Thúy, Thúy Liễu, Lệ Sửu...


      Cổ Nhạc: Trưởng Ban Duy Chức và nhân viên: Hương Sắc sau rất nổi danh, Kim Nguyên sau hát với Hùng Cường ở Ban Kim Chung và một số nghệ sĩ khác (quên tên).


      Ban Kỹ Thuật âm thanh: Trưởng Ban: Trần An Bường. Tuy là Trưởng Ban Kỹ Thuật, nhưng sau ông này chính là Nhạc Sĩ Anh Bằng và sáng tác nhiều bản nhạc rất nổi tiếng. Ngày đó không ai có thể ngờ được ĐĐVN/TƯ, tức BĐVN sau này, lại là "Cứ Địa" cho những "con hổ" nằm phục sẵn chờ thời cơ, để danh trấn giang hồ trên địa hạt ca nhạc. Họ nổi danh lẫy lừng, và trên cả nửa thế kỷ qua, có người vẫn còn lừng lẫy tới giờ này.

      Xin cố gắng nhớ lại một vài "con hổ" của ĐĐVN/TƯ để viết ra đây.


      NGŨ HỔ


      1. Anh Linh.


      Anh Linh học trường Đạo Công Giáo ngay từ trung học, nên có căn bản nhạc lý, thay Phạm Nghệ coi trưởng Ban Ca, và viết khoảng 20 bài trong đó có một số bài phổ thơ Hà Thượng Nhân, và Nhất Tuấn.


      Ca khúc đầu tay của Anh Linh là bài "Sao Em Không Đi", viết trước khi Anh Bằng có "Nếu Vắng Anh", nhưng nhạc Anh Linh hơi ủy mị nên không được Bộ Thông Tin chấp thuận ngay; trái lại "Nếu Vắng Anh" thì trót lọt kiểm duyệt, vì lời ca điệu nhạc rất tình cảm nhưng không mềm yếu, và sau khi phổ biến thì Nếu Vắng Anh của Anh Bằng trở thành "top hit" ngay.


      Bù lại, Anh Linh cũng có chút an ủi là một số bài như: "Chiến Thắng Rừng Sát", "Thiên Thần Mũ Đỏ , "Chiến Thắng Kon Tum" của chàng được quân sĩ khắp nơi tán thưởng. Bài Niềm Tin, bài hát thay Con Chim Báo Bão, cứ chạy trên đài phát thanh Quân Đội, Sài Gòn là mọi người biết Giáng Sinh năm đó sắp tới. Trái với dư luận là Ban AVT do Lữ Liên sáng lập, nhưng chính Anh Linh mới là người sáng lập ra ban AVT.



           Ban Tam Ca AVT

      Chúng ta hãy nghe Anh Linh kể lại: "Ban AVT đầu tiên với ba người: Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng, mở đầu giới thiệu mỗi khi hát là: Tam Ca Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Vì AL, VS, TĐ hát thường trực Ở Anh Vũ, một hôm ban tổ chức kiếm người kẻ tấm biểu ngữ rất lớn để giăng ngang trên đường Trần Hưng Đạo, định giới thiệu là Ban Kích Động Nhạc Anh Vũ thì Anh Linh tới đúng lúc họ viết chữ A và V mầu đỏ thật to, và chữ NH mầu xanh thì Anh Linh hỏi người kẻ quảng cáo:

      - Quảng cáo ban kích động nhạc nào vậy?

      Họ mỉm cười trả lời:

      - Thì quảng cáo mấy cha chứ ai!

      AL nói ngay:

      - Xin lỗi - chúng tôi không phải là Anh Vũ. Nhưng chàng thấy thợ đã lỡ viết và chợt nghĩ Ban Kích động nhạc đã có sẵn tên Anh Linh, Vân Sơn từ lâu nên bảo thêm chữ T (tức Tuấn Đăng) và bỏ hai chữ NH kia đi. Vì thế có tên AVT từ đó."


      Khi Ban AVT hát nhạc ngoại quốc ở Anh Vũ mỗi đêm cũng được bis nhiều lần nên Chủ phòng trà Anh Vũ thêm cho AVT một tên nữa lúc giới thiệu ba quái kiệt này hát nhạc ngoại quốc; đó là: "AVT Đăng- Linh Sơn", nhưng MC cố ý đọc là "AVT Darlingson" cho khán giả nước ngoài dễ hiểu hơn.


      Tiền trả cho AVT sau này phá kỷ lục vì qua ông bầu Nguyễn Văn Đông, Anh Vũ đã trả $1000 một người, trong khi đó giá của nghệ sĩ nổi tiếng Trần Văn Trạch lúc đó chỉ có $700. Giản dị chỉ vì AVT được thính giả bis rất nhiều mỗi khi trình diễn, có lần hát mà bis tới bẩy lần, AVT vừa vào định cởi áo đi về, phải mặc áo lại vội trở ra sân khấu, nếu chậm, khán thính giả cứ hò hét ở trên khắp hàng ghế. Thật là hiện tượng đặc biệt và kỷ niệm nhớ đời cho Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng!!


      Anh Linh, Vân Sơn, Tuấn Đăng hát từ 1958, và khi tôi rời đơn vị thì ít năm sau, Anh Linh cũng theo học khóa 3 Sĩ quan Đồng Đế Nha Trang (1962). Kịch sĩ Hoàng Hải vào thế chức vụ trưởng ban AVT. Để thay Anh Linh, Hoàng Hải phải đổi tên mình bằng Anh Hải. Mãi bốn năm sau, Thượng Sĩ Hoàng Hải giải ngũ, kịch sĩ Lữ Liên mới vào thay Anh Hải, nhưng vẫn không đổi tên AVT hay thay tên là Anh Liên mà chỉ gọi là "Lữ Liên và AVT". Từ đó, Lữ Liên là trưởng ban AVT.


      AVT hiện giờ ra sao? Từ khi qua Mỹ theo diện HO, Anh Linh là trưởng ca đoàn một xứ đạo tại San José. Vợ chồng anh là chủ một tiệm phở rất đông khách. Cuối năm 2007 này AL chờ đoàn tụ với 27 con cháu qua Mỹ, chắc đại gia đình sẽ đông vui lắm. Anh mong có dịp nghỉ ngơi du lịch và tới thăm người đầu tiên là linh mục Trần Hữu L., người bạn tù đã nằm cạnh AL trong bao đêm ngày cải tạo chia gian khổ tủi nhục.


      Ông LM Tuyên Úy này đi lính mới có sáu tháng tuổi mà chơi 13 năm tù cải tạo vì hình như kẻ chiến thắng truy ra anh của Tuyên Úy Trần Hữu L. là Trung Tá Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Lực VNCH.


      Anh Linh cũng mong có dịp giúp cho ca sĩ hát bài Niềm Tin của AL đúng với ý thơ và nhạc khúc mà AL đã sáng tác. Chàng than phiền với tôi:


      - Sau đảo chánh 11/1963, ở trong nước, nhất là Hải Ngoại sau này, họ hát mà thiếu đoạn các thiên thần tung hô đón mừng Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần. Đoạn này, lời thơ của anh là nói lời cầu nguyện trong radio, đáng lẽ ca sĩ phải ngừng hát, mà chỉ đọc:


      Radio mở sẵn

      Đón Thánh Lễ truyền thanh

      Xin Chúa ban ơn xuống

      Cho em và cho anh...


      Rồi hát tiếp bốn câu chót thì mới trúng với bản nhạc. Mình phải hướng dẫn họ hát bài này như Khánh Ly mới tuyệt hảo.


      Nghe AL tâm sự, tôi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm. Tuy tôi coi ĐĐVN/TƯ chẳng bao lâu rồi xin ra đài phát thanh Đông Hà; nhưng tôi, sỹ quan hiện dịch K12 VBLQ/Đalat cùng đơn vị, có kỷ niệm rất sâu đậm với hai vị Niên Trưởng (NT) sỹ quan trừ bị. Khi đó, người Khóa 1 Võ Bị Nam Định, thiếu tá Nguyuễn Cao Kỳ; người khóa 2 Võ Bị Thủ Đức, đại úy Phan Lạc Phúc (ký giả Lô Răng). Chuyện khá dài với bài Niềm Tin mà Anh Linh hát trên Đảo Cù Lao Ré, Quảng Ngãi trong đêm Giáng Sinh năm đó và lần thứ hai không quân VN đã bốc Đại đội Văn nghệ về Sàigòn để họ kịp... "đi khách".


      Cá nhân, tôi nợ đàn anh Lô Răng vì dưới trăng khuya, bên biển sóng xanh Ở Cù Lao Ré, con người nhất mực tài hoa Phan Lạc Phúc, đêm đó đã chỉ tôi biết cách ngâm thơ cho đúng, dạy làm thơ tình sao cho Truyện Chúng Mình sau này khá hơn, chỉnh tiếng Pháp... Lúc chúng tôi còn học trong trường thì niên trưởng đã chỉ huy cấp Liên đoàn khi hành quân và làm tiểu khu trưởng, chiến trận từ Bắc vào Nam, trải bao kinh nghiệm khói lửa càn quét mờ mịt.


      Niên trưởng Phan Lạc Phúc còn cho phép in hai câu thơ của ông vào một bài thơ trong Truyện Chúng Mình của tôi:


      "Người yêu 16 tuổi đầu

      Vâng 16 tuổi yêu nhau được rồi.

      P"


      ...

      Vân Sơn, tin tức lúc đầu qua bài viết của Băng Đình, ghi nhận Vân Sơn nhẩy cầu Thị Nghè tự tử, để phản đối kẻ chiến thắng áp bức quá sức ca nhạc sĩ, khiến họ không có công việc và nghèo mạt rệp, cả nhà gần chết đói. Sau đó CS Sài Gòn thấy Vân Sơn là nghệ sĩ duy nhất của TCCTCT, cũng theo gương ngũ hổ tướng tuẫn tiết để phản đối họ, nên phao là Vân Sơn làm rối trật tự tại chợ Thị Nghè, bị công an khu vực rượt, Vân Sơn sợ quá, phải nhẩy vội xuống sông Thị Nghè, đầu đập vào cây gỗ chết. Có người hỏi nữ nghệ sĩ Hồng Vân - người quyên tiền bá tánh rồi lo vớt xác để chôn cất Vân Sơn - muốn tìm hiểu may ra biết biết thêm hư thực vụ này, nhưng Hồng Vân chỉ trả lời không biết rõ nguyên ủy tại sao Vân Sơn chết ở sông Thị Nghè.


      Tuấn Đăng, "Răng khểnh", giờ đây vẫn hát và đàn ở quán Tiếng Dương Cầm trong khu cư xá Sĩ Quan Chí Hòa đường Lê Văn Duyệt cũ không biết có phải là Tiếng Dương Cầm của Nguyễn Ánh 9 hay không?



         Nhạc sĩ Lữ Liên

      2. Lữ Liên. Khi Hoàng Hải (tức Lưu Duyên, anh ruột của cố Chuẩn Tướng KQ Lưu Kim Cương) giải ngũ vì quá hạn tuổi, qua làm ở VOF (Tiếng Nói Tự Do) thì nhạc sĩ Lữ Liên, lên làm trưởng ban kịch; và như đã viết ở trên, Lữ Liên kiêm luôn trưởng ban AVT.


      Lữ Liên có rất nhiều tài: xử dụng nhị hồ, sáng tác và ca các bài tân cổ nhạc; diễn kịch xuất sắc; và đặt lời Việt cho một số nhạc phẩm ngoại quốc cũng "tươi mát" không thua kém Phạm Duy, Nguyễn Hiền. Các con của ông như: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích là những "siêu sao", nổi tiếng vô cùng. Tại hải ngoại, Lữ Liên vẫn nhớ AVT, kéo đờn cò hát "nhái" lời các bản nhạc cũ, để châm chọc cho khán giả cười vui:


      Tôi là Mít

      Anh là Mít

      Hai chúng ta là Mít

      Mít ướt mít khô

      (Tôi là Lính của Anh Bằng, 1960)


      Hay đổi:


      Tiếc thầm sao không đẹp tơ duyên

      thành ra lời vui như sau:

      Bóp hoài ai đâu chịu thâu đêm???

      (Tiếc Thầm của Anh Bằng, 1960)


      Bà xã Lữ Liên mới từ trần cách đây không lâu. Khánh Hà và Lưu Bích nức nở hát tặng thân mẫu mỗi lần nhớ mẹ và họ hát thiết tha quá khiến người nghe ngậm ngùi cảm động tới rơi lệ.


      Tôi nhớ và quý Lữ Liên là người nghệ sỹ làm việc đàng hoàng, có tinh thần trách nhiệm cao, tính hòa nhã chẳng to tiếng với ai và luôn nói những câu chuyện dí dỏm với đoạn kết bất ngờ khiến mọi người nghe cũng cười vui. Những năm đầu lưu diễn, khi tới thành phố XYZ, Lữ Liên khổ tâm lắm vì mấy ngài nghệ sĩ địa phương không thương dân nhà nghề, lên sân khấu cứ đấu vung tán tàn, khiến Lữ Liên không có giờ kịp hài hết câu cho đủ nghĩa thì lại bị bạn ta... cướp lời.


      "... Hỡi ơi, người tung mà kẻ hứng bắt vội quá đâm cả hai cùng... hổng cẳng". Lữ Liên cũng đành khóc hận cười đau không nửa lời than thở. Thương cho kiếp cầm ca, ra xứ người kiếm ăn nuôi con gặp đủ cảnh vui buồn, nhưng từ đó người nghệ sĩ già đàn anh này cũng cẩn thận có lời thưa trước, nếu ai muốn đóng chung thì phải cùng tập dượt trước cho nó... "ăn rơ" cẩn thận.



         Giáo sư Âm nhạc Phạm Nghệ

      3. Phạm Nghệ. Cuối năm 1956, Đệ Nhất Đại Đội Vô Tuyến Truyền Thanh rời Sa Đéc dọn về Sài Gòn để tập dượt chờ ngày qua Phi Luật Tân trình diễn văn nghệ. Phạm Nghệ được đặc cử là trưởng ban văn nghệ này của VNCH, mang chuông đi đánh xứ người.


      Sau vụ trình diễn ở Phi Luật Tân với kết quả hết sức rực rỡ, Phạm Nghệ mang đoàn văn nghệ qua Thát Luồng (Ai Lao) trình diễn cho đồng bào xem. Còn nhớ khi Phạm Nghệ dẫn đoàn văn nghệ qua Ai Lao, khi đoàn tới buổi trưa, thu xếp chỗ ăn ngủ xong thì chiều vừa xế bóng, mọi người nhìn thấy một chiếc xe Mercedes đen bóng, phần phật cờ VNCH và cờ của nước bạn Hoàng gia Lào cắm hai bên ngay đầu mủi xe, từ xa phóng tới rồi dừng lại.


      Tài xế mặc đồ trắng xuống mở cửa, kính cẩn mời trưởng đoàn văn nghệ tới Tòa Đại Sứ, vì đại sứ mời ông Phạm Nghệ tới dự dạ tiệc. Sau này mới biết Đại Sứ Kỳ Quang Thân (anh Trung Tá Kỳ Quang Liêm) là Bác Sĩ gia đình của Phạm Nghệ tại Hà Nội từ thập niên 1940.


      Chính hai nhạc sĩ gạo cội Phạm Nghệ và Đan Thọ đã chấm đậu và tuyển chọn Tuấn Đăng, Vân Sơn cho ĐĐ Văn Nghệ. Nhạc Sĩ Anh Linh trước đó phải thuyên chuyển đi Pleiku, nhưng Phạm Nghệ vẫn “rút" về được. Hơn thế nữa Phạm Nghệ cũng từng đã tuyển Tuyết Hằng từ năm 1954 và tuyển luôn cả Cẩm Thúy, Xuân Hương (cho hai ban kịch nhạc).


      Phạm Nghệ có chuyện buồn riêng với trường Quốc Gia Âm Nhạc nhân tiện kể, cũng kể ra để giải tỏa.


      Về nhạc lý và nhạc sử, Phạm Nghệ rất giỏi nhưng ông thi năm năm liền đều bị đánh trượt. Phần lý thuyết có giấy trắng mực đen ban giám đốc không làm gì được, nhưng vin vào cách trình diễn “vì chưa tốt nghiệp, đã lên sân khấu làm nhạc trưởng tay cầm đàn, mặt cứ vênh vênh". Lý do là Phạm Nghệ chỉ thi vào trường với tư cách thí sinh tự do, “mà ngày đó các gốc già không muốn người ngoài nhẩy vào; họ chỉ muốn học viên từ trường mà họ dậy ở QGAN mới được trở thành nhạc trưởng mà thôi. Có thể quý thầy và Nhà Trường cũng có lý.


      Vàng thật đâu có sợ thử lửa, vì thế khi giải ngũ năm 1962, qua Pháp học chỉ trong một năm, Phạm Nghệ lấy ngay chứng chỉ tốt nghiệp "khả năng sư phạm nhạc vĩ cầm và thính phòng”, và được mời về dạy QGÂN, mỗi ngày nhìn bạn đồng nghiệp giờ đây, chính họ cũng là những người trước từng đánh trượt Phạm Nghệ năm năm liên tiếp, chỉ vì ông không phải là học trò của họ! Ít lâu sau, khi rời Quốc Gia Âm Nhạc, ông về dạy nhạc tại Quốc Gia Nghĩa Tử cho tới 1975.


      Chúng tôi phải ghi nhận nhạc sĩ Phạm Nghệ là người có công săn tìm ra nhân tài, tuyển chọn họ công bằng, bảo vệ họ hết mình, và luôn khuyến khích những người mới vào cố gắng học tập, làm việc nên ông được lòng cấp chỉ huy, và anh chị em nghệ sĩ đa số quý mến, tâm phục ông cho tới bây giờ.


      Có tin đâu đó trên báo là ngày trước ông và ca sĩ Tuyết Hằng thân mật với nhau. Khi người viết bài này hỏi, giáo sư Phạm Nghệ trả lời:

      - Không hề có chuyện đó, một triệu phần trăm là không.


      Thương quá Phạm Nghệ công tử vĩ cầm tuyệt vời của Hà Nội ơi. Tới tuổi gần chín chục mà vẫn còn bênh vực nhân viên cũ. Tôi cũng biết, Tuyết Hằng rất đàng hoàng không chút tai tiếng tới khi lập gia đình và trong công việc tuyệt đối chỉ có khen chứ không chê bao giờ.



           Nhạc sĩ Anh Bằng

      4. Anh Bằng. Trước khi về ĐĐVNTƯ của TĐCTTL, Anh Bằng làm việc Ở Quân Đoàn 2. Văn Quang khi đó coi Đại Đội CTTL QK 2 thời Đại Tá Đỗ Cao Trí là Tư Lệnh, lúc ấy Anh Bằng làm trưởng Ban Kịch của Đại Đội. Anh Bằng đơn ca không hay dù có căn bản về nhạc, nhưng hát tam ca, song ca rất hợp và đặc biệt xuất sắc khi đóng kịch.


      Anh Bằng đóng những vai chính trong các vở kịch của đơn vị và rất nổi tiếng qua kịch thơ Bão Loạn của Tinh Vệ. Thời gian đó Đại Đội CTTL của QK 2 lưu diễn khắp năm tiểu khu: Phú Yên, Qui Nhơn, KonTum, Pleiku, Quảng Ngãi.


      “Đại kịch sĩ” Anh Bằng lừng danh với Nguyệt Ánh, vai nữ sau này là phu nhân của một Trung Tá. Thời gian đó tôi đang ở Trung đoàn 42/SĐ KC 14 (Qui Nhơn). Khi Anh Bằng về Sài Gòn thì ca vũ nhạc kịch đã có trưởng ban. Nhưng vì Anh Bằng là HSQ thâm niên lại có khả năng về Điện và Âm Thanh nên được chỉ định là trưởng ban Kỹ Thuật của Đại Đội.


      Khi tôi về coi ĐĐ/VN/TƯ thì Anh Bằng đang làm công việc này, nhưng anh là một trưởng ban rất kỷ luật về: cấm trại, chào kính, râu tóc, quân phục, giờ giấc, tác phong, không chê vào đâu được. Văn Quang cũng nhận xét như tôi vậy: Ở Pleiku hay tại Saigon, Anh Bằng là người gương mẫu nhất của đơn vị!


      Ở ĐĐDVN/TU, tuy là trưởng ban Kỹ Thuật không dính gì tới văn nghệ như thời Anh Bằng còn lừng lẫy tại Đại Đội CTTL QK2 của Văn Quang, nhưng ông trưởng ban Kỹ thuật Anh Bằng đã... "ngứa tay” sáng tác vài bản nhạc bất hủ gọi là ra mắt với dân văn nghệ ca nhạc nhà banh ở Thủ Đô. Đó là những bài Huynh Đệ Chi Binh, Tôi Là Lính, Nếu Vắng Anh, Tiếc Thầm và sau này nhiều nhạc phẩm của Anh Bằng cùng hai nhạc sĩ khác bạn anh, như Lê Dinh (chủ sự Phòng Điều Hợp Đài PT Saigon), Minh Kỳ (đài PT Huế và Nha trang) - Lê-Minh-Bằng - đã tràn ngập trên truyền thanh, truyền hình và các show diễn bên ngoài, được khán thính giả rất ưa chuộng.


      Từ hơn 30 năm qua ở hải ngoại, nhạc của Anh Bằmg và của nhóm Lê Minh Bằng vẫn được hát và vẫn còn nhiều người rất ưa thích. Tôi xếp Anh Bằng là: Con hổ số một về nhạc, so với Băng Đình, "con hổ” số một đồng hạng về thơ.


      Nhân tiện nói về bài thơ “Hoa Học Trò” của tôi cùng lúc được Nhật Trường và Anh Bằng phổ nhạc trong thời gian nào tôi không rõ, nhưng Hoàng Lang, tôi còn nhớ, thì phổ vào năm 1968. Nhạc của Nhật Trường với Hoa Học Trò nghe nói phổ khá và Nhật Trường hát bài này hay lắm. Nhung còn "Hoa Học Trò” do Anh Bằng phổ nhạc dưới một tên khác là “Bao Giờ Anh Quên”, (không nhớ chắc) ra đời vào thời điểm nào.


      Nhưng chuyện này thật sự không quan trọng, vì nhờ tên tuổi Anh Bằng, nhờ tiếng nhạc tình cảm tuyệt vời quyện với lời thơ trong Hoa Học Trò, Anh Bằng đã đưa bản nhạc Hoa Học Trò đi rất xa, phổ biến thật rộng rãi. Ngày l/10/2006, Quang Dũng với Phương Thanh qua một chương trình nhạc của Trung Tâm Nhạc Phú Nhuận-Viết Tân đã song ca rất hay, một 9 một 10, nếu so với với Diễm Liên - Nguyên Khang trong CD Lê Minh Bằng của Asia cũng phát hành cùng năm 2006.


      Một điều hơi buồn là nữ ca sĩ Thu Phương, và Quang Linh song ca bài này tại Mỹ trong chương trình khá dài, khá đặc biệt nhưng Quang Linh “quên" giới thiệu tên nhạc phẩm và “lờ" luôn cả tên nhạc sĩ đã viết bài hát Hoa Học Trò này.


      Vô tình hay cố ý vì sợ húy này nọ chạm tới... “Ngụy" trong khi tất cả nhạc phẩm khác ở Miền Bắc VN thì có sự giới thiệu tên nhạc khúc, tên nhạc sĩ rất trang trọng. Nhưng Quang Linh hát Hoa Học Trò thì phần nghệ thuật thua cả hai nam ca sĩ Quang Dũng và Nguyên Khang rất xa. Trái lại, Thu Phương hát Hoa Học Trò cũng quyến rũ, tình cảm, lôi cuốn, dù giọng cô hơi đục một chút. Cũng là rất tình cờ tôi nghe được Thu Phương hát Hoa Học Trò của Anh Bằng qua TV ở nhà một người bạn.


      Giờ đây đã vào tuổi ngoài tám chục, Anh Bằng tuy tai lãng chút chút, mắt mờ nhiều hơn, nhưng trí nhớ thì vẫn sáng suốt và chữ viết trong thư còn rất đẹp, theo lời kể của Phạm Kim, báo Người Việt Tây Bắc.


      Ái nữ của Anh Bằng cháu Thy Vân giám đốc Asia và SBTN, biết chúng tôi đến Bolsa, CA, cho nhân viên tới đón từ khách sạn tới SBTN. Tại đây, bạn già Anh Bằng chờ sẵn, hướng dẫn chúng tôi xem trụ sở và bên nhau, Anh Bằng hát mấy câu của bài Niềm Tin.


      Lại một Noel nữa,

      Mấy mùa Giáng Sinh rồi,

      Anh ở đồn biên giới

      Thương về một khung trời...

      (thơ Nhất Tuấn, nhạc Anh Linh, 1959)


      Trong buổi gặp gỡ ngày 15/07/2006 này, sau hơn 40 năm xa cách, Anh Bằng nhờ tôi nói vài lời về DVD Lê Minh Bằng, rồi cùng thân phụ nhạc sĩ Trúc Hồ thắp hương trên bàn thờ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, bàn thờ 24/24 có đèn hoa bên di ảnh người nhạc sĩ tài danh Trầm Tử Thiêng, rồi tôi theo Thy Vân, Anh Bằng và cô phụ tá sốt sắng dễ thương của Asia, ra tiệm ăn phở.


      Về lại Trung Tâm Asia, nhạc sĩ Trúc Hồ thực hiện phỏng vấn rất nhanh, rất chuyên nghiệp. Thêm một nhận xét, Trúc Hồ đẹp trai, ăn nói lịch sự với người trưởng thượng. Có lẽ biết tôi nhỏ tuổi hơn Anh Bằng nhưng nhiều tuổi hơn thân phụ anh, Nhạc Sĩ Trúc Hồ gọi tôi là Bác, xưng cháu thoải mái. Tôi mừng thầm ngoài các cộng tác viên rất chuyên nghiệp trong ngành truyền thông như Nam Lộc, Việt Dzũng, Trung Tâm này, với sự điều hành của Thy Vân và Trúc Hồ, còn tiến rất xa trong tương lai.


      5. Băng Đình. Tốt nghiệp khoá 6 Võ Bị Thủ Đức, về Đại Đội Văn Nghệ trước Đảo Chính 11-11-60; và vì Đại đội trưởng đang nghỉ phép, Chánh Đại bàng chỉ thị đại đội phó Băng Đình đem gấp một Đại Đội toàn lính ca nhạc kịch sĩ xuất kích tái chiếm Đài Phát Thanh QG cũng trên đường Phan đình Phùng, Sài Gòn, do một ĐĐ Nhảy Dù trấn giữ.


      Sau đó Băng Đình ra Huế cùng Trung Uý Lại Thế Cường và Thượng Sĩ HT làm việc dưới quyền văn phòng chỉ đạo, dậy chủ thuyết Cần lao, Nhân Vị, Chiến Tranh Tâm Lý và Du Kích Chiến cho lực lượng Võ Trang Nhân Dân Miền Trung.


      Số của Băng Đình khá ly kỳ. Ở trong quân đội mà lại “phát văn hơn phát võ". Băng Đình đang ở SĐ 4 Dã Chiến được thuyên chuyển về Nha CTTL. Thời Tổng Thống Diệm, có lúc Băng Đình đã là người viết tin của Phủ Tổng Thống, trình Ông cố vấn Nhu duyệt hàng ngày. Du học về, biệt phái Bộ Thông Tin làm Quản Đốc Điện Ảnh kiêm Chánh Sự Vụ sở Thời Sự Truyền Hình, dưới trướng có nhiều Sĩ Quan thâm niên hơn anh. Đặc biệt thời Tổng Thống Thiệu, phụ trách Giám Đốc kiêm Trưởng Phái Đoàn Báo Chí Phủ Tổng Thống có hai nhân viên cấp tá dưới quyền, một vị Tá này là anh em đồng hao với Tổng Trưởng, mà chính cơ quan của Băng Đình trực thuộc. Khóa 6 có người đeo lon Đại Tá, đa số Trung Tá, còn lại tất tần tật đeo bông mai bạc trắng, chỉ có duy nhất Băng Đình vẫn lẹt đẹt đại... oái (đại uý).


      Nghe bạn bè và cũng là người ở Phủ Đầu Rồng ngày đó tiết lộ, nếu không có Tháng Tư Đen, thì Băng Đình dù đeo lon Đại Oái cũng sẽ về nắm Việt Tấn Xã, và lúc đó Phủ Đầu Rồng sẽ đưa cháu bà Tổng Thống Thiệu về thay Băng Đình, lo phụ trách Báo Chí phủ Tổng Thống.


      Suốt thời gian Đệ Nhị CH ít ai biết Băng Đình là cây viết trụ cột thường xuyên và nhuận sắc các diễn văn các cơ quan, đơn vị, phủ, bộ gửi tới để Thượng cấp đọc mỗi khi có lễ lạc tại cơ quan họ. Có từ khi 10 đến 90% các bài này phải sửa lại, và Băng Đình biết ý “Trên" nên những bài sửa lại chỉ phải “sửa lại lần nữa” vài chữ hoặc đôi ba giòng...


      ...

      Giới truyền thông ngoại quốc họ rất ngán ông Thiệu, khi ông nói tại mặt trận. Ông ứng khẩu từ nửa giờ tới một giờ rất hùng hồn trước quân sĩ không cần nhìn giấy.

      Thật ra Tổng Thống Thiệu đã đọc kỹ bài Băng Đình đệ trình trước, và người có trí nhớ dai cũng như nói kiểu rất bình dân, dù nhiều lần thêm cái, cái mà, mà... phóng viên ngoại quốc chỉ thấy ông nói hùng hồn thì xanh lè mắt luôn.


      Nhưng đặc biệt, bài nói chuyện lần cuối cùng trong Tháng Tư Đen của Tổng Thống Thiệu, Băng Đình không viết một chữ. Bài này 100% là của Tổng Thống Thiệu âm thầm tự viết lấy; thế cho nên ai nấy đều vô cùng sửng sốt khi nghe tin ông Thiệu từ chức. Giữ bí mật tới phút chót và chẳng tin ai 100% có lẽ cũng là tính của đa số chính trị gia gan lì tài giỏi.


      Từ Trại cải tạo về, cùng bà xã và gái út vượt biên. Tới Mỹ, Băng Đình dịch và chuyển thể Việt hóa Lục Bát ba tập Thơ Chữ Hán (Thanh Hiên, Nam Trung, Bắc Hành) của Nguyễn Du cùng một số cổ thi Đường Việt. Rất đông học sinh, sinh viên trong nước đã tham khảo Thơ Dịch Nguyễn Du khi học Kiều, bước đầu cho ngành Kiều học của Việt Nam.


      Thơ lục bát của Băng Đình rất hay. Phan Lạc Phúc (Ký giả Lô Răng) nhận xét đại ý, thơ lục bát Băng Đình có hồn thơ riêng của ông khác nhiều thi sĩ rất xa. Khi bạn tri kỷ Lê Hồng Tuấn chết đột quỵ, Băng Đình làm một lúc trên 30 bài thơ khóc bạn.


      Về nhạc: Anh Bằng, Lữ Liên, Anh Linh, Phạm Nghệ là "tứ hổ" của ĐĐVN/TƯ.

      Về văn thơ, chứng tôi chọn Băng Đình cho đủ số ngũ hổ tướng!


      Mời quý vị độc giả đọc ít vần thơ của thi sĩ Băng Đình dưới đây:


      HOA CHÚC


      Ngắt cho nhau đóa mộng đầu

      Lại cho nhau giọt lệ sầu đêm vui

      Nhụy hoa ngọt lưỡi tê môi

      Hương trinh quyện với hương người đêm nay

      Trao nhau xuơng thịt từ đây

      Lại trao nhau tấm thơ ngây tuổi hồng

      Đắm say khăng khít đôi lòng

      Gối chăn nước nhược non bồng riêng ta

      Thơm nồng ngắn ngủi mùa hoa

      Vẻ xuân hồ dễ phôi pha tháng ngày

      Bàn tay gỡ mớ tóc cài

      Bàn tay tha thiết vuốt dài lưng ong

      Lịm trên đồi ngực mơ mòng

      Môi say chìm đáy nương long dạt dào

      Thương em phơi phới hoa đào

      Trao duyên mà lệ rót vào trang thơ.


      TÌNH TỰ


      Tự tình tình tự canh hoa

      Vọng lâu trống đã điểm ba tiếng rồi

      Môi còn ngậm chặt làn môi

      Xác thân chất ngất một trời đam mê

      Bình minh đánh mất lối về

      Mưa Ngâu lại cản dặm hòe gót son

      Ngực trầm hương thở núi non

      Dạ khê hoa cỏ thơm cồn rong rêu

      Mênh mông biển ái trên yêu

      Thuyền tình căng gió xiêu xiêu cánh buồm

      Sóng lòng dồn dập thả buông

      Lầu thơ địa chấn điên cuồng đêm xuân

      Dìu nhau lên ngọn ái ân

      Người xưa đỉnh Giáp non Thần dễ đâu

      Môi trinh trái cấm ban đầu

      Cho tròn giấc mộng đến nhầu gối chăn

      Vết thương êm ái vô vàn

      Giấc mơ xưa giấc mộng vàng đêm nay.


      TIM


      Con tim từ thủa mồ côi

      Bỗng nhiên lên tiếng ối ồi gọi nhau

      Cuội già cắt cỏ chăn trâu

      Ngưu Lang Chức Nữ cau trầu ngóng trông

      Mùa thu xanh cốm đỏ hồng

      Đêm thơ thất tịch đôi lòng khát khao

      Lời trao mê mải thân trao

      Giai nhân danh sĩ ngọt ngào giấc xuân

      Mùa thơ thơm ngát bờ Ngân

      Mùa Ngâu lạnh lẽo cõi trần cô liêu

      Một ngưòi yêu một người yêu

      Một người vỡ cổ gắng kêu một người

      Địa Đàng gai góc lấp rồi

      Trái Khôn Ngoan cũng về trời đêm qua

      Thôi thì thôi cũng chỉ là

      Thơ Ngâu ba chục bông hoa khóc người.

                Băng Đình

      Nhất Tuấn (huongduongtxd-gioithieu)

      Ngày Nay Minnesota số 430, 1-5-2007

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022