|
Trúc Phương(.0.1939 - 18.9.1995) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Tony cảm thấy e ngại khi Henry, bạn cùng sở, rủ anh đến tham dự cuộc họp mặt của nhóm sinh viên Việt Nam các trường Ðại học tại phòng hội của trường đại học UCLA. Cuộc họp mặt có tính cách thân hữu giữa những người bạn trẻ đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ. Cuộc họp mặt của những người bạn trẻ cùng chủng tộc nhưng bây giờ sinh sống , lớn lên và hấp thụ nền văn hóa Tây phương. Họ gặp nhau để chuyện trò, cười đùa, hát hò hoặc thảo luận một số vấn đề liên quan đến tuổi trẻ.
Tony nói cho Henry nghe sự do dự của mình. Henry cho biết, nên đến những nơi họp mặt này của những bạn bè cùng trình độ, cùng những thao thức để nhìn lại mình, để làm quen lại nền văn hóa của quê hương Việt Nam. Henry cũng hiểu rõ nỗi e ngại của bạn, đến một nơi chưa có ai quen thân, nói chuyện cùng nhau với một ngôn ngữ pha trộn nửa Việt nửa Mỹ.
Henry hóm hỉnh:
- Mày không có gì e ngại cả. Ðến đó mày sẽ gặp nhiều bạn mới, nghe nhiều chuyện vui và gặp nhiều cô gái Việt Nam thùy mị, xinh đẹp và hiền ngoan.
Tony lắc đầu:
- Mày lúc nào cũng vậy. Nơi nào có con gái là mày đến ngay. Mày quên rằng, mày có khoe với tao là mày có cô bé người Nhật ở vùng vịnh San Francisco rồi mà. Bộ tụi mày "break up" với nhau rồi à?
Henry tâm sự:
- Tụi tao vẫn còn là đôi bạn thân thiết. Thế thôi. Chưa đi tới đâu cả. Tụi tao tuy cùng dân Á Ðông với nhau nhưng đôi khi vẫn còn nhiều khác biệt về cuộc sống, có lẽ do hai, ba nền văn hóa khác nhau, Việt, Mỹ, Nhật.
Nhưng thôi, quên chuyện đó đi. Hôm nay tao có nhã ý muốn mở mắt mày vì mày có vẻ xa lạ với quê hương của ông cha mình.
Tony nhớ những lời nói của ba mẹ hay nói với Tony, với anh em của Tony trong nhà. Mẹ lúc nào cũng hỏi, con có bạn Việt Nam nào không, con có quen biết với các bạn gái Việt Nam không. Làm như các bạn bè khác của Tony là bỏ đi cả.
Khi Tony chuyển qua làm việc ở vùng Los Angeles, phụ trách giải quyết về bảo hiểm thiên tai, lụt lội, Tony làm việc chung với Henry cùng phòng và trở thành đôi bạn thân.
Tony có vẻ khựng lại, khi Henry mở cửa phòng họp bước vào. Tiếng ồn ào nói chuyện của hơn vài chục người trong phòng vọng ra. Henry kéo Tony lại giới thiệu với đám bạn quen:
- Ðây là Tony, bạn của tôi. Chúng tôi cùng làm việc chung với nhau ở hãng bảo hiểm State Farm Insurance. Tony sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên và thành tài ở xứ người Da Ðỏ Oklahoma và Ðại học SMU xứ cao bồi Texas. Tôi lôi Tony đến đây để anh ta "tìm về cội nguồn". Xin các bạn nối một vòng tay đón nhận.
Cả nhóm ồn ào vỗ tay, huýt sáo. Một tên nói lớn:
- Bỏ tên Tony đi. Có tên "cúng cơm" Việt Nam không? Như mày Henry, đến đây phải gọi tên cũ "Thành láu".
Tony e lệ trong tiếng Việt ngập ngợ:
- Cám ơn các anh chị. Tên "cúng ... cơm" của tôi là Thịnh. Tôi hân hạnh ... hân hạnh được biết các anh chị, các bạn.
Lại ồn ào vỗ tay, huýt sáo. Thịnh bắt tay các bạn mới, nào Sơn, nào Dũng, nào Tuấn, nào Lực, nào Oanh, Lê, Nguyệt, Hồng Hạnh. Nhiều quá nhớ không hết. Hồng Hạnh chỉ gật đầu chào thay vì bắt tay. Hồng Hạnh có nụ cười tươi, nhí nhảnh trong chiếc áo dài màu hồng gạch.
Tony đã từng thấy mẹ, các chị bà con mặc áo dài trong các dịp Tết, nhưng nhìn Hồng Hạnh trong chiếc áo dài, Tony thấy là lạ, thật xinh. Tony khen:
- Lần đầu tiên tôi thấy cô gái Việt Nam mặc áo dài đẹp quá. Hồng Hạnh đẹp lắm.
Hồng Hạnh e thẹn trả lời:
- Cảm ơn anh Thịnh. Chiếc áo dài này mẹ mới may cho trong dịp sinh nhật tháng trước, nên Hồng Hạnh muốn mặc để khoe trong dịp họp mặt hôm nay. Chưa ai khen cả, chỉ có anh Thịnh khen đó. Cám ơn anh.
Hân, trưởng ban tổ chức, bước lên bục gỗ, xin mọi người chú ý, anh có vài lời về cuộc họp mặt và kiểm điểm các thành quả từ khi có ý kiến thành lập nhóm sinh viên Việt Nam thân hữu từ hai năm qua. Thực sự các cuộc họp mặt hoàn toàn tự do, không theo một lịch trình định kỳ nào cả. Các đề tài nói chuyện và thảo luận cũng có tính cách thật thân mật, trao đổi những kinh nghiệm, suy tư của lớp người trẻ ở rải rác mọi nơi trên xứ Mỹ, trên thế giới nhưng tâm tư luôn luôn tìm về cội nguồn, quê hương, về nền văn hóa và lịch sử ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.
Hân cho biết, một số anh chị em có ý kiến làm một tờ đặc san, có thể vào dịp hè, dịp Tết âm lịch. Ðề tài tự do. Bài viết dài, ngắn tự do. Ngôn ngữ viết cũng thật tự do, miễn là diễn đạt, chuyên chở được mọi suy tư về các vấn đề con người, xã hội, cuộc sống. Bài viết có thể viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, ngôn ngữ nơi mình cư ngụ, vì bây giờ người Việt đã rải rác sống khắp nơi trên thế giới. Nhóm báo chí sẽ nghiên cứu chi tiết hơn và sẽ trình bày cũng như kêu gọi sự hợp tác, đóng góp bài vở và ủng hộ khi dự án thành hình. Chương trình văn nghệ, ca nhạc nho nhỏ để giúp vui hôm nay, có ban nhạc sinh viên với các giọng ca mới đưa bạn bè vào những tình ca, tình tự của dân tộc.
Tiếng vỗ tay và huýt sáo làm không khí phòng họp ồn ào trở lại. Một anh bạn trẻ có tên Viễn Du được giới thiệu lên hát bản "Ghé Bến Sài Gòn" của nhạc sĩ Văn Phụng, trong tiếng nhạc vui nhộn, bập bùng. Mọi người tham dự cùng vỗ tay và hát theo thật hào hứng.
Khi bản nhạc chấm dứt, mọi người la ó, huýt sáo trong tiếng la bis, bis vang dội. Viễn Du cầm máy viễn âm nói hóm hỉnh:
- Ðây là lần đầu tiên tôi lên hát trước khán giả nhà trong bài hát tiếng Việt. Bài "Ghé Bến Sài Gòn" vừa rồi tôi mới tập được. Tôi mong lần sau, tôi sẽ tập hát thêm các bài khác. Và tôi cũng còn biết, chương trình ca nhạc của chúng ta hôm nay còn nhiều tiếng hát đầy nghệ thuật và tài hoa khác. Tôi xin chân thành cám ơn bạn bè và xin gặp lại lần khác.
Tiếng nhạc hòa tấu của ban nhạc làm vang động không khí hội trường. Chương trình ca nhạc tiếp tục được giới thiệu tiếng hát mới, Hồng Hạnh, một giọng ca mới của trường Dược Khoa UCLA.
Thịnh che tay hỏi Thành:
- Cô bé Hồng Hạnh lúc nãy phải không? Tao đâu có ngờ cô ta là người tài hoa đến thế?
Thành gục gật đầu:
- Tao đã bảo mày, tới đây là thấy vui rối. Trông mày có vẻ "chịu" Hồng Hạnh thì phải?
Trên sân khấu, Hồng Hạnh bắt đầu hát bản "Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng" thơ của Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Tiếng hát của Hồng Hạnh nhẹ như gió mùa xuân, ấm áp như làn khói bay trong một chiều thu và ngân dài như làn sóng chạy lăn tăn trên mặt nước.
"Rằng xưa có gã từ quan,
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau ..."
Thịnh nhớ một lần, Thịnh có nói với mẹ, tiếng Việt líu lo, như chim hót trên cành cây đầu nhà vào một buổi sáng đẹp trời. Tiếng Việt chứa đựng đầy nhạc tính, nên khi nói chuyện với nhau cũng như nghe một bản nhạc hòa tấu. Mẹ cười và đùa, khi ba mẹ cãi nhau, con có nghe thi vị và đầy nhạc tính không? Thịnh cười khúc khích, nhìn mẹ, dạ có chứ mẹ, một bản nhạc hòa tấu cung bậc hơi cao và có nhiều tiếng phèng la, xập xõa đệm vào.
Tiếng hát Hồng Hạnh đôi khi lên cao như một cánh chim bay vào bầu trời xanh thẫm và trở lại điệp khúc "thôi thì thôi ..." Thịnh thấy mình như quên hẳn thực tại, như phiêu lãng ở một cõi mộng mơ nào đó. Có lẽ bên cạnh có Hồng Hạnh, có tà áo dài màu hồng đào bay phất phơ theo tóc xõa trong gió lộng, tiếng hát ru hồn về nơi không dung tục.
Hồng Hạnh vừa chấm dứt bản nhạc, tiếng vỗ tay vang dậy cả phòng họp. Bài hát hay, tiếng hát mới, không khí thân mật bạn bè đã ươm thêm tình thân hữu, mọi người như mở rộng cõi lòng để đón nhận bạn bè, đón nhận tiếng hát đưa về quê hương Việt Nam bên kia biển Thái Bình.
Hồng Hạnh bước đi trong bối rối. Trở vào hậu trường hay hát thêm một một bản nhạc nữa như sự yêu cầu của mọi người.
Hồng Hạnh nhìn cầu cứu anh nhạc trưởng, anh ta gục đầu bảo Hồng Hạnh hát thêm một bản nữa. Hồng Hạnh lưỡng lự và bước trở ra nói ngập ngừng:
-Xin cảm tạ các anh chị, các bạn. Hồng Hạnh xin hát thêm bản "Ngày Xưa Hoàng Thị" cũng thơ Phạm Thiên Thư, cũng do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Tiếng vỗ tay tán thưởng trỗi lên rồi lặng yên. Không khí như có vẻ chờ đợi, như có vẻ lắng đọng để nghe thêm Phạm Duy đưa dòng nhạc vào cõi thơ lãng đãng ngày xa xưa ấy, của một thời cắp sách đến trường.
Trong âm hưởng điệu luân vũ chậm, tiếng hát Hồng Hạnh như nhí nhảnh, như ngập ngừng theo ý thơ của Phạm Thiên Thư trong cái không khí e ấp của nụ hoa hàm tiếu, chờ gió xuân mơn man đến, nhưng lại sợ bướm ong dập dìu.
Thịnh nhịp nhịp mấy ngón tay lên thành ghế theo điệu nhạc. Thịnh thấy bài hát này có vẻ dễ hiểu hơn bài trước. Mối tình học trò như giọt nắng ban mai làm tan những hạt sương lóng lánh trên chòm cây, vệ cỏ. Mối tình học trò thật nhẹ nhàng, lãng mạn, rồi tan theo bụi mờ vào dĩ vãng.
Khi tiếng hát Hồng Hạnh vừa dứt trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người, không khí cuộc họp bạn lại lắng trầm xuống trong tiếng nhạc hòa tấu những bản nhạc êm dịu. Thành lững thững cầm lon nước ngọt đi lại chỗ Thịnh ngồi, cười hỏi:
- Mày có vẻ ngưỡng mộ tiếng hát Hồng Hạnh lắm phải không?
Thịnh gật gù:
- Ừ, nhạc hay, người hát hay, không khí thân mật. Một buổi gặp gỡ tuyệt diệu. À này Thành, để tao chỉ mày vài điểm về bản nhạc "Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng".
Thành gật đầu. Thịnh nói:
- Hai bản nhạc đều hay cả. Hay cả ý, cả tình, cả cảnh. Với khả năng tiếng Việt của tao, tao hiểu bản nhạc "Ngày Xưa Hoàng Thị" hơn. Nhưng với khả năng thưởng thức nhạc, tao thích bản "Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng". Nó có một vẻ gì đó là lạ, khi ẩn khi hiện, thật khó diễn tả bằng lời, thật khó hiểu, nhưng với một cảm thức bén nhạy mình cảm thấy như hòa đồng với cái không khí ẩn hiện đó.
Thành nhún vai:
- Ừ, thì trên phương diện nghệ thuật, cái gì mình thích, cái gì đánh đúng vào cảm quan của mình thì mình cho là hay, mình nâng niu, trân quí. Thế thôi. Còn việc hiểu hay không hiểu, không làm giảm sút lắm sự thưởng ngoạn. Dĩ nhiên, nếu mình hiểu tường tận hơn, sự thưởng ngoạn sẽ thú vị hơn, sẽ hoàn hảo hơn, nhưng lại không để lại một cảm giác luyến lưu, thắc mắc.
Thịnh tiếp:
- Thì tao vẫn biết , âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, là tiếng nói chung, phi thời gian, phi không gian của con người trên thế gian này. Tao vẫn còn một vài thắc mắc, ví dụ, gã từ quan là ai? Tại sao "lên non tìm động hoa vàng ... ngủ say"?
Thành lắc đầu:
- Thực sự tao cũng như mày, có biết gì lắm về văn chương Việt Nam đâu. Thôi chờ chốc nữa, hỏi người hát bản nhạc đó, may ra cô ta trả lời được những "ấm ức" của mày. Nói xong Thành bỏ đi.
Một lúc khá lâu, Thành và Hồng Hạnh đi lại chỗ Thịnh ngồi. Thành chỉ Thịnh cười nói:
- Hồng Hạnh giải thích giùm những 'ấm ức' cho 'gã từ quan' này giùm tôi.
Thịnh và Hồng Hạnh cười vang về điều khôi hài của Thành. Hồng Hạnh nói:
- Thực sự nhân vật trong bài thơ trên có tên là Từ Thức, một huyền thoại trong nền văn chương Việt Nam. Ông Từ Thức từ chức quan để đi chu du vào những vùng rừng núi thiên nhiên, đi tìm cái đẹp của đất trời. Một ngày kia ông lạc vào một cánh rừng có nhiều hang động (động hoa vàng của nhà thơ Phạm Thiên Thư) và gặp các nàng tiên nữ. Ông ở lại cảnh tiên, bên cạnh các tiên nữ xinh đẹp đó. Sau một thời gian vui thú ở tiên cảnh, ông lại nhớ quê nhà, nhớ nơi trần thế có nhiều tục lụy, hạnh phúc trộn lẫn khổ đau. Ông đòi về. Các nàng tiên một mực bắt ông ở lại.
Nhưng nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ trần thế của ông càng ngày càng thúc dục ông rời cảnh tiên để trở về lại mái nhà xưa. Khi ông đặt chân trở lại trần thế, cảnh vật, thời gian đã hoàn toàn thay đổi hẳn, ông trở nên kẻ xa lạ với mọi người, với quê hương của mình trước đây.
Thịnh chăm chú nghe say sưa, gật đầu thích thú:
- Thích quá nhỉ. Văn chương Việt Nam sao có những câu chuyện đầy sáng tạo, mộng mơ quá nhỉ. Nhưng khi tôi nghe Hồng Hạnh hát, bài hát đâu có theo bố cục câu chuyện như vậy. Có một vẻ gì đó thoát tục, xa trần thế, nhập vào cõi từ bi của con người chân thật.
Hồng Hạnh cười:
- Như vậy anh Thịnh hiểu bài thơ đó rồi. Hoặc nói đúng hơn, khi anh thấy thích bài thơ đó qua dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Phạm Duy, anh cảm nhận bằng trực quan có cái gì đó. Ðiều này anh cũng giống Hồng Hạnh, lúc đầu khi nghe và tập hát bài này, Hồng Hạnh thích nhưng chẳng hiểu gì cả. Một hôm Hồng Hạnh nghe ba và các bạn của ông nói về bài thơ trên, Hồng Hạnh mới được biết, ông Phạm Thiên Thư khi làm bài thơ này, ông còn trẻ lắm, hình như chưa quá 24, 25 tuổi. Sau này ông trở thành một nhà sư. Ba và các bạn của ông bảo, bài thơ chứa đựng triết học của Tam giáo đồng nguyên: Nho, Thích, Lão. Các ông cũng tranh luận với nhau về ba chữ "gã từ quan".
Có hai phe. Một phe cho rằng "gã từ quan" là một vị quan họ Từ. Phe kia cho rằng "gã từ quan" là gã Từ Thức từ chức quan để vui thú ngao du sơn thủy, lên động hoa vàng ... gặp tiên. Thành chen vào:
- Tiếng Việt sao rắc rối quá vậy. Tôi vẫn thích như Thịnh, gã từ quan là vị quan tên Từ nên tôi mới đặt cho nó cái biệt danh "gã Từ quan" cho nó đẹp.
Thịnh cười:
- Hồng Hạnh mới nói, ba Hồng Hạnh và các bạn ông cho rằng bài thơ chứa đựng triết học của ba nguồn văn hóa lớn Nho, Thích, Lão. Thật sự điều này tôi chẳng hiểu gì cả. Hồng Hạnh có thể 'giảng' rõ hơn được không? Hồng Hạnh cười, lắc đầu: - Hồng Hạnh đâu có nói Hồng Hạnh hiểu. Hồng Hạnh cũng như anh, như các bạn khác, xa Việt Nam và không có một căn bản nào về nền văn chương Việt Nam. Hồng Hạnh rời ViệT Nam khi mới 15 tuổi, cho nên bây giờ cũng mù tịt về Việt Nam như các anh. Hồng Hạnh đề nghị như thế này nhé. Ba Hồng Hạnh là người ngưỡng mộ thơ Phạm Thiên Thư, ông có thể giải thích các thắc mắc của anh Thịnh. Hồng Hạnh mời anh Thịnh, anh Thành đến nhà Hồng Hạnh vào dịp cuối tuần , tuần sau nhé? Hồng Hạnh sẽ nói với ba để ba tiếp và nói chuyện với các anh. Hồng Hạnh cũng tham dự để học hỏi với.
Thành vỗ tay:
- Thế thì nhất rồi. Tôi nói "nhất rồi" cho gã Từ quan này.
Thành cười chỉ Thịnh. Thịnh gật đầu:
- Cám ơn Hồng Hạnh. Tôi sẽ đến.
Buổi họp mặt chấm dứt. Mọi người lục tục, ồn ào chào nhau, hẹn gặp lại nhau trong một dịp khác. Hồng Hạnh viết vội cho Thịnh địa chỉ và số điện thoại. Thịnh móc bóp đưa cho Hồng Hạnh tấm danh thiếp của anh. Thịnh nói:
- Tôi sẽ gọi điện thoại cho Hồng Hạnh. Cám ơn Hồng Hạnh rất nhiều.
Thịnh bước ra, đi theo Thành đã ra mở cửa xe. Thịnh nhìn đồng hồ, gần 11 giờ đêm. Thịnh nghĩ giờ này có lẽ trễ quá để gọi điện thoại cho mẹ, báo tin cho mẹ, rằng Thịnh đã tìm thấy động hoa vàng.
- Gã Từ Quan Xuân Đỗ Truyện ngắn
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
• Một Cuộc Trao Đổi Công Bằng (Trần Hồng Văn)
• Trăm nghìn nhánh khổ (Vũ Thế Thành)
• Một Đêm (Trần Yên Hòa)
• Cây Thập Tự Giá (Trần Hồng Văn)
• Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’ (Hoàng Thị Tố Lang)
• Pho Tượng Chac-Mool (Trần Hồng Văn)
• Ông Giáo Sư Dạy Sử (Vương Mộng Long)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |