1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Giai Đoạn Khai Mạc của Tân Nhạc Việt Nam (1936 - 1940) (Nguyễn Duy Diễn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2004 | ÂM NHẠC

      Giai Đoạn Khai Mạc của Tân Nhạc Việt Nam (1936 - 1940)

        NGUYỄN DUY DIỄN
      Share File.php Share File
          

       

      I. Giai Đoan Khai Mạc (1936-1940)


      Giữa khi những bản hát "lời ca theo điệu tây" thưa thớt, chập chờn như một hơi thở tàn, giữa khi những bài hát của Tino Rossi đương rung vang trên các đường phố, trong những căn phòng ấm cúng, như những lời vuốt ve êm dịu, giữa khi một số đông nam nữ thanh niên Việt Nam đương hướng về nhà danh ca đảo Corse, thành lập những hội "Ái Tino" gây hẳn một bầu không khí âm nhạc rất thịnh, thì một số nhạc sĩ đương băn khoăn ngày đêm cố gắng tự mình soạn lấy những âm điệu mới, đặt bước thí nghiệm cho nền âm nhạc "cải cách" Việt Nam sau này.


      Chúng tôi còn nhớ rõ một buổi chiều mùa thu 1936, tại trường Duvilier (Hàng Đẫy) Hà Nội, một cuộc hội họp giữa các giáo sư và học sinh nam nữ với mục đích thảo luận về việc tổ chức ngày Tết Trung Thu để quảng cáo cho nhà trường. Nhạc sĩ Lê Thương (hiện là giáo sư âm nhạc của trường đó) được các giáo sư và học sinh mời hát một bài cho cuộc hội họp thêm phần thân mật, ấm cúng.


      Nhạc sĩ Lê Thương, sau một phút lưỡng lự, khiêm tốn đành phải nhận lời vậy. Nhạc sĩ đứng lên bắt đầu hát. Tiếng nhạc sĩ êm, dịu dàng như hơi gió, âm điệu của bản nhạc trầm trầm, buồn như một nỗi nhớ nhung. Nhạc sĩ hát xong, được hết mọi người khen ngợi. Nhưng lúc đó, một số học sinh và giáo sư có vẻ nghĩ ngợi, vì âm điệu bản nhạc đó hơi lạ, không giống những bản nhac ngoại quốc mà họ quen hát từ trước đến giờ. (Bởi họ cho rằng bản nhạc vừa trình bày đó chỉ là một bản hát "lời ca theo điệu ngoại quốc" mà thôi).


      Sau khi buổi học tan, một giáo sư của nhà trường, (ông N.Đ.H.) có hỏi riêng nhạc sĩ Lê Thương về âm điệu của bản nhac đó, thì nhạc sĩ chỉ mỉm cười bí mật. Sau căn vặn mãi, nhạc sĩ đành phải thú thực một cách khiêm tốn: Đó là bản nhạc "Tiếng Đàn Đêm Khuya" tôi mới "võ vẽ" sáng tác. Vì không tin ở sự thành công nên tôi tạm "giấu lịch sử của nó" để có thể tìm hiểu được dư luận chung.


      Bẵng đi một dạo ... Vào chừng cuối năm 1936 xuất hiện bài "Hồ Xưa" của Thẩm Oánh. Nhưng một số người nghe không tán thành lắm - vì cớ này hoặc vì cớ nọ - nhưng cái cớ chính là ở chỗ dán "nhãn hiệu" sớm quá. Một số nhạc công có tiếng hồi đó (mà chúng tôi tạm dấu tên) vẫn bi quan, cho rằng người Việt Nam chưa có đủ vốn liếng hiểu biết âm nhạc để có thể sáng tác được bài hát. Không hiểu sự bi quan đó là do tấm lòng chân thành hay là do ở sự đố kỵ mà phát sinh ra?


      Một buổi chiều đông năm 1936, khi bước chân vào một tiệm sách lớn ở Hàng Bông, chúng tôi bắt gặp một nhac công rất quen biết ở Hà Thành uể oải cầm bản nhạc "Hồ Xưa" (khi đó đã được in thành bản và gửi bán tại đó). Sau một lúc xem xét, nhạc công vừa lắc đầu một cách khinh thị, vừa chán nản nói với mấy người bạn đứng quanh đó: "Khốn nạn, người Việt Nam mình làm gì đã đủ trình độ làm bài hát. Làm thế này, Tây nó xem, nó cười mũi cho cả lũ".


      Rồi nhạc công đó hạ giọng: "Quả là một cuộc du lịch vừa táo bạo, vừa nguy hiểm!".


      Sau chúng tôi lại có dịp thăm dò ý kiến các nhạc công "đàn anh hồi đó", trừ một vài nhạc công ra, còn hầu hết đều bi quan về vấn đề sáng tác âm nhạc cả. Có lẽ một phần vì chỗ đó, nên trong giai đoạn khởi sự, mấy bản nhạc đi tiên phong không được hoan nghênh và được mang phổ biến trong quần chúng một cách rầm rộ. Nó sống lạc loài bỡ ngỡ như những nhà thám hiểm trong sa mạc vậy.


      Tình hình cứ thế kéo dài chừng nửa năm, nếu không nhầm thì mãi tới mùa thu năm 1937, giữa khi người ta tưởng mấy cuộc thí nghiệm ban đầu đã đổ vỡ, không một tiếng vang, giữa khi người ta tưởng rằng, mấy nhạc sĩ hằng quan tâm đến nền Âm Nhạc Cải Cách Việt Nam đã ôm dài mối hận, chán nản mà đổi hướng ... thì bỗng nhiên, một cuộc hội họp của mấy nhạc sĩ: Văn Chung, Dzoãn Mẫn, Thiện Tơ v.v... nhóm lên trong một căn nhà ở phố Khâm Thiên với mục đích trình bày cùng các bạn quen biết mấy nhạc phẩm mới sáng tác như: Trên Thuyền Hoa, Vườn Xuân v,v... trước khi mang đi trình bày với dân chúng, tại hội quán hội "Khai Trí Tiến Đức." Cuộc hòa nhạc ấy kết quả khả quan. Nhưng chương trình hòa nhạc ở hội Khai Trí Tiến Đức thì phải bỏ, vì hội cho đại biểu xuống báo tin (giữa khi đương hòa nhạc) là hội không cho mượn trụ sở nữa vì ... bận!


      Nhưng không vì thế mà nản, một số nhạc sĩ vẫn cặm cụi làm việc để sáng tác. Ban kịch Thế Lữ tổ chức một buổi dạ hội tại nhà hát lớn (1938), trong đó có giới thiệu nhạc sĩ Lê Thương cùng với những nhạc phẩm của ông. Buổi ra mắt đó, được công chúng Hà Nội rất chú ý. Sau đó ông lại cho đăng mấy bản nhạc của ông trên tờ Ngày Nay. Rồi bài "Nhớ Quê Hương" của Phạm Ngữ xuất hiện. Nhạc sĩ Thẩm Oánh cho in tiếp luôn mấy bản nhạc phẩm khác. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong trình bày bài "Con Thuyền Không Bến" tại hội quán Tri Tri (phố Hàng Quạt) trong một buổi dạ hội tổ chức vào cuối thu 1938. Phong trào sáng tác nhạc mới đã đươc một số nhạc sĩ hợp lực. Rồi từ đây, không một sức gì ngăn cản nổi, họ tin tưởng bắt tay nhau cùng vui vẻ ca vang, tiến về phía chân trời mới.


      A. Bản nhạc cải cách nào có trước nhất?


      Về vấn đề này có nhiều giả thuyết, có bạn cho chúng ta biết bản nhạc cải cách đầu tiên là bài "Chim vui ca khắp trong bốn trời" của Lê Thương. Ông đã dạy cho mấy học sinh trường Thày Dòng St. Thomas Nam Định hát từ năm 1931 (mà ông vẫn giấu không nói rõ đó là nhạc phẩm của ông).


      Lại có người nói nhạc sĩ Đặng Thế Phong làm bài "Đêm Thu" tại một căn nhà ở Bến Thóc, Nam Định năm 1930 (lúc này Đặng Thế Phong mới có 13 tuổi); và lại có một nhân vật khác nói: Chính mắt đã được xem mấy bản nhạc đạo ... sáng tác từ năm 1898. Chúng tôi tiếc không có đủ tài liệu vững chắc để dám nói quyết về việc này (tuy nó chỉ là những sáng tác phẩm lạc lõng, thiếu điều kiện hoàn cảnh, nên chưa đủ sức gây nổi một phong trào đáng kể). Chúng ta mong mỏi, rồi đây, sẽ có những nhà khảo cứu chuyên môn đứng ra làm hộ chúng ta những việc vừa lý thú vừa hữu ích đó, để làm tài liệu cho cuốn lịch sử đầy đủ về âm nhạc cải cách Việt Nam sau này.


      B. Những ưu điểm và nhươc điểm của nhạc phẩm mới Việt Nam trong giai đoạn đầu (1936-1940)


      Vì là bước đầu, sự kinh nghiệm còn thiếu sót, nên những nhạc phẩm mới trưng lên có một vài nhược điểm. Đó là điểm tất nhiên mà bất cứ một phong trào gì mới nhóm lên, cũng không thể nào tránh khỏi


      a. Sự dễ dãi

      Trừ một vài bản nhạc, còn hầu hết đều có tính cách quá ư dễ dãi. Đọc những bản nhạc đó, chúng ta thấy gì? Cảm giác trội nhất là thấy thiếu súc tích, thiếu phong phú. Nó chỉ là những điệu quen sửa chữa đi rồi góp nhặt lại cho thành một bản nhạc để thế cho bản nhạc ngoại quốc. Nếu có những đoạn hay, thì cái hay đó cũng do sự ngẫu nhiên mà tới (như người mới làm thơ). Chứ rất ít do cái kết quả của sự nghĩ ngợi, băn khoăn ở mỗi câu mỗi dấu.


      b. Thiếu thành thực

      Ngoài tính cách dễ dãi ra, đa số những nhạc phẩm mới hồi đầu, đều thiếu thành thực. Cốt cách đặt câu (structure de phrases) thì dựa vào những bản nhạc cũ Việt Nam - hoặc những bản nhạc khiêu vũ (musique de danse) ngoại quốc. Một vài bài còn dựa theo cả cái âm tiết (rythme) hiện đã có sẵn. Bởi vậy, khi hát lên, ta thấy một cảm giác gò bó, thiếu tự nhiên. Riêng có vài ba bài mà Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong là một - đã thoát được nhược điểm nói trên. Từ cảm hứng, đến cốt cách đặt câu và âm tiết đều tỏ ra, có sự nghĩ ngợi tìm tòi, không bị khuôn sáo chi phối.


      c. Ưu điểm

      Bên cạnh những khuyết điểm vừa trình bày, nhạc phẩm hồi đầu cũng có những ưu điểm của nó, mà một trong những ưu điểm đáng kể nhất là sự chú trọng đến dân tộc tính của âm nhạc. Trừ ít nhiều bản nhạc ra, còn đa số đều phảng phất cái không khí Việt Nam (có lẽ vì sự cố gắng rõ rệt quá nên bị vướng phải cái nhược điểm gò bó chăng) để những nhạc phẩm của mình có cái đặc tính của nó, không thể lẫn lộn vào những bản nhạc ngoại quốc. Tuy chưa đạt, vì kinh nghiệm chuyên môn còn khiếm khuyết nhưng đó là một điểm đáng khen và mong các nhạc sĩ Việt Nam trong khi sáng tác nhạc phẩm, nên giữ lấy điểm này.


      Ngoài ra mỗi nhạc sĩ còn cố gắng làm cho thính giả nhận thấy ít nhiều cá tính trong những nhạc phẩm của mình nữa.


      LÊ THƯƠNG: Những nhạc phẩm của ông hồi này gồm có: Tiếng đàn đêm khuya, Mùa thu trên Kinh Châu, Nhớ ngày xanh v.v... Nhạc điệu dịu dàng, âm thầm, cái buồn ít trải ra bề rộng mà thấm vào bề sâu của tâm hồn, nhiều khi bay hết màu sắc chỉ còn lại một hình ảnh mơ hồ, mông lung như chập chờn sau làn sương mỏng. Chính vì thế mà nhạc phẩm của ông có tính cách Việt Nam và làm cho người ta yêu mến. Âm nhạc tắt rồi, mà dư vang vẫn còn phảng phất mãi.


      THẨM OÁNH: Hồi này nhạc phẩm của ông in ra rất nhiều nên gây một không khí sôi nổi. Nhạc điệu giản dị, nhiều khi hơi dễ dãi. Một số bài lơ lớ điệu Âu châu. Những đặc điểm của nó là ở chỗ dẽ nghe, dễ nhớ, nhiều khi rộn ràng, náo nhiệt. Hầu hết nhạc phẩm của ông đều "xôm".


      Tuy nhiên trong một ít nhạc phẩm như: Một chiều thu qua, Tiếng khóc trong phòng the, ông đã cố gắng diễn đạt một màu sắc đặc biệt và ông cũng đã đạt được ít nhiều kết quả đáng khen. Nói chung: nhạc phẩm của ông thiếu phần xúc tích nên ít thấm sâu vào lòng người. Nhưng phải nhận ông là một trong những người rất có công đối với phong trào âm nhạc Việt Nam mới.


      DƯƠNG THIỆU TƯỚC: Ông là một nhạc sĩ xuất hiện vào hồi này. Nhưng sự làm việc của ông dè dặt, ông lại chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc Hạ uy di nên Việt Nam tính không rõ rệt. Ông thường làm những bản nhạc "lãng mạn".


      VĂN CHUNG: Những nhạc phẩm của ông hồi này khá nhiều: Trên thuyền hoa, Vườn Xuân, Trưa nắng, v.v... nhạc điệu của ông hơi "Tầu" thỉnh thoảng xao xuyến và trong sáng, cái vui cũng như cái buồn đều nhè nhẹ, bâng khuâng tỏ ra một tâm hồn bề ngoài yêu đời, nhưng bề trong vẫn chứa chan mơ mộng và lẩn xa sự sống.


      PHẠM NGỮ: Trong nhạc phẩm Nhớ quê hương người ta đã nhận thấy nơi ông rất nhiều triển vọng tiến xa. Âm điệu đặc biệt, nỗi buồn không sâu sắc lắm, nhưng thành thực nên dễ rung cảm người nghe. Nếu ông cẩn thận chịu gạn lọc cảm giác, diễn đạt một cách chặt chẽ hơn, nhất là về phương diện kỹ thuật, thì nhạc phẩm "Nhớ quê hương" chắc chắn sẽ còn gây cho nhiều người nghe, một rung cảm tế nhị hơn nữa.


      ĐẶNG THẾ PHONG: Nhạc phẩm của ông rất ít, cả thảy có vài ba bài, nhưng bài nào cũng có những điểm đặc biệt và luôn luôn cố gắng. Cái buồn thấm đượm say say không dữ dội. Cảm hứng vừa rộng vừa sâu, khi thì uyển chuyển, nhưng bao giờ cũng thận trọng (có lẽ vì thận trọng nên ông sáng tác ít chăng?). Âm điệu chung của nhạc phẩm Đặng Thế Phong (trừ bài Giọt mưa thu ra) đều bao la, bát ngát, hòa hợp lòng người với thiên nhiên như một đôi tri kỷ.


      Những nhạc sĩ LÊ YÊN, DZOÃN MẪN,THIỆN TƠ, DƯƠNG THIỆU TƯỚC v,v... đều thấy có sự cố gắng, muốn gây một cá tính cho nhạc phẩm của mình. Nhưng chỉ mới đạt được có một phần mà thôi. Các nhạc sĩ trên đây, với sự tận tụy cố gắng, hy vọng sẽ có thể tiến xa được.


      NGUYỄN XUÂN KHOÁT: Chủ trương của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì hướng hẳn về âm nhạc cổ điển Việt Nam. Trong giai đoạn này, phần sáng tác của ông ít, phải đợi những giai đoạn sau. Nhưng công việc ông làm: ghi lại những điệu nhạc Việt Nam xưa bằng phương tiện ký âm pháp mới hình như đã bắt đầu từ lâu. Có lẽ gặp nhiều trở ngại nên ông đã dè dặt làm việc trong im lặng, họa mới có một vài bài của ông in ra. Nhưng cái công của ông đối với lớp người mới và nhất là người ngoại quốc, muốn tìm hiểu âm nhạc cổ của ta, cũng không phải là nhỏ vậy.


      II. Giai Đoan Thứ Hai (1940-1945)


      Sau giai đoạn khai mạc, những bản nhạc mới đã gây được một không khí khá nhộn nhịp. Công chúng Hà Nội và các tỉnh đã nhận thấy phong trào hát "lời ta theo điệu tây" đương đi vào chỗ lạc hậu, và bắt đầu tiếp nhận những bản nhạc mới với hai cánh tay mở rộng.


      Những bản nhạc của Lê Thương, Thẩm Oánh, Đặng Thế Phong, Phạm Ngữ, Văn Chung đã được khá đông người nhắc nhở. Số nhạc công "đàn anh" trước đây bi quan gièm pha, thì bây giờ đã đổi thái độ, dĩ nhiên không phải là thái độ hoan nghênh, tán thưởng, nhưng là một thái độ "không thái độ". Bởi vậy, từ năm 1940 trở đi, âm nhạc mới có không khí, có hậu thuẫn, tiến thẳng vào giai đoạn thứ hai. Nhiều nhạc sĩ mới bắt đầu xuất hiện. Nhiều cuộc thí nghiệm mới dồn dập nổi lên, khiến cho nhạc giới nhộn nhịp khác thường.


      Chúng tôi nói "tác giả mới" đây chỉ có nghĩa là mới với dân chúng. Chứ thực sự trong số đó, có ít nhiều nhạc sĩ đã im lặng làm việc cho âm nhạc cải cách, đồng thời, hay trước cả những nhạc sĩ "tiền tiến" nữa. Nhưng vì lý do nọ hoặc lý do kia (lý do chính vẫn là sự dè dặt) nên mãi tới giai đoạn này họ mới đủ điều kiện của hoàn cảnh để xuất hiện. Chúng ta cũng không quên ghi ở đây: sự phổ biến những bản nhạc mới trong công chúng, gây cho phong trào mỗi ngày một thêm nhộn nhịp, hào hứng, là do những cuộc hòa nhạc, trong các buổi dạ hội, và nhất là do các ban hát cải lương ở Hà Nội và các tỉnhTrung, Nam, Bắc.


      Nguyễn Duy Diễn & Phạm Vinh

      (Quá Trình Tiến Triển của Nền Nhạc Việt)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vai Trò Tạp Chí Trong Văn Chương Việt Nam: Phong Hóa và Ngày Nay Nguyễn Duy Diễn Khảo luận

      - Phân Tích Nghệ Thuật Nguyễn Duy Diễn Nhận định

      - Giai Đoạn Khai Mạc của Tân Nhạc Việt Nam Nguyễn Duy Diễn Tạp bút

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)