|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Những lúc đất nước khó khăn như thế này, chợt nhớ đến hai câu thơ của Phùng Quán:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
Nhà thơ Phùng Quán đã kết luận như thế khi nhìn lại quãng đời 30 năm ông đã sống trong bóng tối của bạc đãi, đe dọa, sống trong cảnh lưu đày ngay giữa lòng Hà Nội, nơi đó, từ thuở thiếu thời, ông đã từng đổ máu để giữ gìn.
Những phút ngã lòng là những lúc nhà thơ Phùng Quán phải chọn một trong hai con đường đầy bất trắc đang chờ: tiếp tục chịu đựng khó khăn, đói khát, tiếp tục đi câu cá trộm, viết văn trộm hay nên viết một bản tự kiểm nộp lên Hội Nhà Văn để được trả lại thẻ hội viên, được mỗi tháng mua vài cân gạo và được phép sắp hàng mua một vài nhu yếu phẩm.
Những phút ngã lòng là lúc nhà thơ phải chọn một trong hai thái độ làm người: chịu đựng sự nguyền rủa, sự rẻ khinh, sự hoài nghi, xa lánh của bạn bè, sự lãng quên của bà con thân thuộc, chịu làm kẻ mất quê hương ngay trên chính quê hương mình, hay cúi đầu khuất phục như Chế Lan Viên, Xuân Diệu… tô son điểm phấn cho một chế độ đã phản bội xương máu đồng bào, phản bội ước mơ của dân tộc.
Trong lời tựa của thi phẩm Trăng Hoàng Cung, nhà thơ Phùng Quán đã viết: “Tôi đã trả giá cho Thơ bằng 30 năm tốt đẹp của đời mình. Từ năm 24 tuổi đến năm 56 tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sinh sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn nhơ, lăng nhục trước công luận….“. Và ông đã viết tiếp: “Nhưng thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan“.
Nhà thơ Phùng Quán đã vịn câu thơ mà đứng dậy. Đứng dậy để làm một nhà thơ chân thật. Chân thật trọn đời. Vì chọn để làm một nhà thơ chân thật nên trong suốt 30 năm ông đã phải sống trong đói khát, trong cô đơn. Ngày 22 tháng 1 năm 1995, nhà thơ bất khuất Phùng Quán ra đi. Ông ra đi, để lại cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau Lời Mẹ Dặn.
Hơn nửa thế kỷ trước, bên bờ sông Pắc-Nậm chia hai nước Việt Nam, Trung Hoa, một thanh niên Việt Nam khác đã vịn câu thơ mà đứng dậy. “Nước non ta ai ngăn trở ta về!”, chàng thanh niên Việt Nam 22 tuổi thét lên giữa núi rừng khi đứng nhìn về phía bên kia sông Pắc-Nậm. Thấp thoáng trong đám sương mờ là những bức tường vôi, là những làn khói trắng thân yêu. Đó là tổ quốc của ông, là quê cha, quê mẹ của ông. Chỉ cách một dòng sông nhỏ mà xa như nghìn trùng diệu vợi.
Người thanh niên 22 tuổi, tác giả của bài thơ không ai khác hơn là nhà cách mạng, triết gia, và nhà thơ Lý Đông A. Mỗi lời thơ của ông thống thiết như tiếng chim Quốc gọi nửa đêm, như từng mũi kim đâm sâu vào tim, như từng hạt cát rơi vào sâu trong mắt của những người có quê hương mà như mất quê hương.
Một ngày lạnh nước nguời không tri kỷ.
Ta vỗ án thét lời ca chính khí.
Ðông thê thê như gió thổi u hồn,
Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy.
Và xa hơn nữa, gần một ngàn năm trước (1077), bên dòng sông Như Nguyệt, danh tướng và cũng là nhà thơ Lý Thường Kiệt đối diện với hàng chục vạn hùng binh của đại tướng Quách Quì nhà Tống. Cuộc chiến đã diễn ra suốt tháng. Quân Nam đang yếu sức. Kinh đô Thăng Long đang bị đe dọa. Giữa lúc nguy nan đó, Lý Thường Kiệt đã vịn câu thơ mà đứng dậy qua bài thơ Nam Quốc Sơn Hà:
Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Ðọc lại dòng sử Việt rạng ngời, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, không phải chỉ những anh hùng dân tộc, những nhà cách mạng đã vịn câu thơ đứng dậy mà ngay cả dân tộc Việt Nam cũng đã hơn một lần vịn thơ đứng dậy trong hai cuộc kháng Nguyên lừng lẫy. Thơ, trong lúc khó khăn đó, đã chuyên chở niềm tin về cho dân tộc như Thượng Tướng Trần Quang Khải dặn dò:
Chương Dương đoạt giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước đó nghìn thu
Dân tộc Việt Nam là dân tộc của thi ca và mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Nhận xét đó không phải quá khoe khoang.
Xin cầu nguyện cho đàn chim Việt trên vùng đất mà nhà văn Phạm Việt Châu, Trung Tá VNCH, tuẩn tiết sau 30-4-1975, gọi là “vùng định mệnh”, qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng sẽ cùng nhau viết nên bài sử thi vinh quang cho một nước Việt Nam Mới tự do dân chủ và thịnh vượng, một nước Việt Nam không còn xiềng xích, hận thù, không còn bị giới hạn bởi các lằn ranh, vĩ tuyến, hiệp định, địa phương, trong nước, ngoài nước, tôn giáo. Tác giả của bài hùng sử thi Việt Nam Mới đó chắc chắn không phải của một ai, một cá nhân nào, một anh hùng nào, một tổ chức đảng phái nào, nhưng của cả dân tộc Việt Nam đang đứng lên để nhận diện chính mình.
- Ôn ra đi để lại nụ cười Trần Trung Đạo Tưởng niệm
- Giới thiệu tác phẩm “Âm nhạc & người muôn năm cũ” của nhà văn Vương Trùng Dương Trần Trung Đạo Giới thiệu
- Giới thiệu bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ Trần Trung Đạo Giới thiệu
- Khi Bài Hát Trở Về Trần Trung Đạo Chính luận
- Kính Tiễn Anh, Nhà Văn Đặng Chí Bình Trần Trung Đạo Hồi ức
- Thích Quảng Độ: Chiều Đông Trần Trung Đạo Tạp luận
- Tâm lý phản chiến Trần Trung Đạo Phiếm luận
- Ngọn gió Đông Phương vừa thổi lại Phương Đông Trần Trung Đạo Tạp luận
- Từ Nguyễn V. Trỗi đến Nguyễn V. Bé, kỹ thuật tuyên truyền “người thật chuyện giả Trần Trung Đạo Phiếm luận
- Vịn Câu Thơ Mà Đứng Dậy Trần Trung Đạo Tạp ghi
• Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)
• Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)
• Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)
• Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)
• Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Anh Thư (Song Thao)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |