1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đọc Sách Tragedy From A War Off Design của Văn Nguyên Dưỡng (Cung Trầm Tưởng) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      3-8-2020 | VĂN HỌC

      Đọc Sách "Tragedy From A War Off Design" của Văn Nguyên Dưỡng

        CUNG TRẦM TƯỞNG
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà văn Văn Nguyên Dưỡng

      Cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai khởi sự ngay sau khi Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa chào đời vào một buổi sáng hanh thông cuối tháng mười năm 1956 và chấm dứt cũng vào một buổi sáng nhưng lần này nắng rực lửa trên bầu trời thủ đô Sàigòn: ngày 30 tháng Tư năm 1975.


      Kể từ đó đến nay, gần ba mươi năm trôi qua, một thời gian đủ dài để những đống tro tàn chiến tranh nguội tan vào lòng đất, nhưng những cuộc xung đột nó gây ra về chính kiến, ý hệ và những khía cạnh tinh thần lẫn tình cảm khác vẫn còn nóng bỏng. Nghịch lý này sở dĩ tồn tại là vì chính bản thân cuộc chiến, nhìn theo góc độ Mỹ, chứa đầy những nghịch lý oái ăm, thách thức lý trí và làm đảo lộn lương tri.


      Chưa có một cuộc chiến nào đã để lại trong tâm tư người Mỹ, đặc biệt là giới cựu quân nhân (khoảng ba triệu người) đã chiến đấu ở Việt Nam, một di sản nặng nề như vậy. Người ta đã tốn không biết bao nhiêu tâm trí để bàn thảo, thường là cãi cọ với nhau, về cuộc chiến kỳ quặc này, với một khối lượng những bài báo, tiểu luận, những cuốn chuyên khảo, những bản phúc trình, thống kê, duyệt xét lại kể cả phim ảnh đủ loại, liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới chủ đề ấy nhiều đến nỗi không đếm xuể.


      Một điểm bất bình thường là, trước một khối lượng ấn liệu đồ sộ như trên, sự có mặt của những tác phẩm viết bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh của người Việt Nam, kẻ phải hứng chịu những hậu quả khốc liệt nhất của cuộc chiến, chỉ như muối bỏ biển. Và đây là một sơ hở mà hơn một thế lực, thù và bạn, đã lợi dụng để nói sai, nói xấu về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mà không có sự trả lời thích đáng của kẻ bị gièm pha. Chính vì sự thiếu sót này mà chúng tôi khẩn thiết và trân trọng kính mời quý vị độc giả hãy mở rộng vòng tay để đón nhận sự ra đời của cuốn khảo luận công phu có hệ thống “Tragedy from a War off Design” của Văn Nguyên Dưỡng.


      Tác giả vừa là một nhà thơ có tên tuổi vừa là một cựu trung tá đã phục vụ hai mươi mốt năm trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đây là hai lý do tại sao ông đã bị cộng sản bỏ tù trong mười ba năm và vì vậy, sau khi được trả tự do, ông và gia đình đã được chính phủ Mỹ mời sang tị nạn chính trị tại Hawaii kể từ năm 1994. Ở đây, dù tuổi đã cao, ông quyết tâm cắp sách trở lại ghế nhà trường, và sau nhiều năm dùi mài kinh sử, ông đã lấy được mảnh bằng Phó Tiến Sĩ về Chính Trị học (Master of Arts in Political Science). Tuy nhiên, mộng ước của ông, như đã được ông thổ lộ với chúng tôi lúc còn ở tù với nhau, không phải để đăng khoa mà là để trang bị cho bản thân mình một cơ sở kiến thức vững vàng, một lề lối tư duy có hệ thống, biết nối liền những sự kiện tưởng là tách biệt vào với nhau (connecting the dots) thành một quan hệ nhân quả, một phương pháp luận khoa học, tức những công cụ học thuật cần thiết để kiến dựng một cái nhìn lý giải chính xác, vô tư, quân bình về một vấn đề đã làm ông trăn trở khôn nguôi: Vai trò và trách nhiệm của người Việt Nam quốc gia chống cộng và của người đồng minh Mỹ của họ trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua.


      Một trong những cung cách hành xử để chạy tội của tập đoàn trên là đổ lỗi cho QLVNCH, xuyên tạc khả năng và tinh thần chiến đấu của quân lực này và thổi phồng những khuyết điểm có tính kỷ luật hơn là cơ bản của nó trong một số trận đánh lớn như trận tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản hay trận đánh Hạ Lào 1970 của QLVNCH chẳng hạn. Xét đến cùng lý, nguyên nhân những sai lầm quân sự ấy là do chính sách và đường lối chỉ đạo chiến tranh được hoạch định từ Tòa Nhà Trắng nằm cách xa chiến trường trên mười ngàn cây số. Một chính sách phân chia trách nhiệm thiếu hợp lý theo đó QLVNCH được giao phó nhiệm vụ phòng thủ diện địa, còn Mỹ thì giành lấy quyền “tìm và diệt” địch, tức quyền tạo dựng một thế chủ động chiến trường bằng cách nhổ có từ rễ, đánh thẳng vào hậu cứ địch.


      Do đó, xét theo quan điểm trên, chính quân đội Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc đã để cộng sản sử dụng những thánh địa an toàn của chúng để mở những trận tấn công thâm nhập sâu vào hậu tuyến QLVNCH, chứ không phải QLVNCH như họ đã đổ vấy cho. Nói rõ hơn, để nhất quán với chiến lược “tìm và diệt” địch của mình, lẽ ra quân đội Mỹ, chứ không phải QLVNCH, đã phải tấn công sang Hạ Lào vào năm 1970 hoặc trước đó từ lâu. Luận cứ này, cũng như luận cứ lẽ ra Mỹ đã phải phong tỏa hải cảng Hải Phòng ngay từ đầu cuộc chiến để bóp nghẹt một nguồn tiếp sinh chủ yếu cho nỗ lực chiến tranh của Hà Nội, đã được tác giả nêu lên mà chúng tôi cho là hợp lý nếu chúng ta giới hạn vấn đề vào trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh cục bộ và không xét tới những yếu tố ngoại vi, có tính hoàn cầu của chính sách Mỹ, chẳng hạn Mỹ chỉ muốn dùng cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai để vừa răn đe vừa chiêu dụ Trung Cộng về phe mình nhằm cô lập Liên Xô, lúc đó đang là địch thủ đáng gờm nhất của họ.


      Hành động thiếu ngay thẳng của nhà cầm quyền Mỹ đối với QLVNCH đã tạo cho giới truyền thông đại chúng và phong trào phản chiến Mỹ một cái cớ bằng vàng để miệt thị, phỉ báng và coi QLVNCH không xứng đáng để Mỹ giúp đỡ. Kết quả là, dưới áp lực không ngừng gia tăng và được báo chí hướng dẫn của quần chúng nhân dân mình, chính quyền Mỹ đã phải cắt đứt viện trợ cho QLVNCH và khai tử VNCH. Trên thực tế, sự phủi tay này đã xảy ra rất tàn nhẫn, không những trói tay rồi giao nộp người bạn đồng minh lâu đời của mình cho cộng sản mà còn bán đứng sự hy sinh để bảo vệ Thế Giới Tự Do của hàng trăm ngàn tử sĩ Việt Mỹ.


      Nói tóm lại, chính sách của Mỹ kể từ năm 1954 trở đi chủ yếu không phải để tiêu diệt CSVN mà chỉ coi cuộc chiến Việt Nam như một chiến pháp be bờ cộng sản, thứ trì hoãn chiến có tính cục bộ, nhằm phục vụ một mục tiêu chiến lược to lớn hơn: Chia rẽ khối Liên Xô - Trung Quốc, làm hao mòn tiềm lực khối này với một chính sách cấm vận kinh tế và mậu dịch uyển chuyển, tinh vi, rồi tìm cách giải quyết từng bước một cuộc chiến tranh lạnh và giành thắng lợi về phía mình mà không phải đụng đầu trực tiếp với hai đối thủ khổng lồ trên. Và cuối cùng Mỹ đã thắng lớn. Nhưng cái dở của họ là, để được như vậy, họ đã hy sinh Đông Dương một cách lãng xẹt (off design) và không lấy gì làm vẻ vang cho lắm. Hiểu như với một chính sách phân nhiệm hợp lý với, và tin tưởng vào, ba chính quyền quốc gia Đông Dương đồng minh của họ, và với một chiến lược quân sự mạnh dạn, dứt khoát và rạch ròi hơn, lẽ ra họ đã có thể giữ được Đông Dương và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến trình giải thể khối cộng sản quốc tế. Hoặc, nếu làm như vậy thì trong trường hợp đối đế phải rời bỏ bán đảo này, họ đã không phải ra đi tắc trách như kiểu Peace with Honor của Nixon và Kissinger hay phải tháo chạy tán loạn như trong ngày 30/4/1975.


      Mà nói đến sự phân nhiệm Việt Mỹ để điều hành cuộc chiến thì không thể không nói đến một nguyên nhân cơ bản của sự phá sản chính sách về Việt Nam của Mỹ và sự sụp đổ năm 1975 của VNCH. Đó là thái độ bá quyền trịch thượng, hống hách, thô bạo, thiến cận, ích kỷ, không tin tưởng vào VNCH của hơn một chính quyền Mỹ, khiến xảy ra giữa hai bên một mâu thuẫn kiểu đồng sàng dị mộng, gây trở ngại rất nhiều cho việc phối hợp song phương cần có để tiến hành cuộc chiến có hiệu quả.


      Mâu thuẫn trên đã trở thành một bất hòa gay gắt vào những năm 1962 và 1963 vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm tỏ ra muốn độc lập với Mỹ trong việc quản lý quốc gia và điều hành chiến tranh của mình. Hậu quả là việc Mỹ dàn dựng vụ Phật Giáo đòi treo cờ ở Huế như một cái cớ để tổ chức cuộc binh biến ngày 1/11/1963 mà mục đích không chỉ để lật đổ chính quyền Diệm mà còn sát hại ông ta và bào đệ Ngô Đình Nhu. Để truy tìm thủ phạm vụ giết người này, tác giả đã trích dẫn một câu nói của Tổng Thống Lyndon Johnson với Phó Tổng Thống Hubert Humphrey khi ông ta chỉ vào bức chân dung của ông Diệm: “Chúng ta đã dính tay vào vụ giết ông Diệm. Và giờ đây bàn tay ấy đang hiện lên trước mắt chúng ta.” (Trang 147). Vẫn theo tác giả, dựa vào những tài liệu khả tín, ba nghi can chính của vụ thảm sát trên là Averell Harriman, Roger Hilsman và Henri Cabot Lodge. Nhưng chủ đích của chúng tôi không phải để luận về mặt đạo đức của một hành động tội ác mà là để bàn đến tác hại chính trị của nó gây ra cho VNCH và Mỹ.


      Trước hết là vấn đề chính danh và chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống cộng của người quốc gia, hai yếu tố tâm lý rất quan trọng để tranh thủ sự hưởng ứng của người dân Việt Nam. Như mọi người đã biết, một lý do tại sao Mỹ đã giết ông Diệm là vì ông ta chống đối việc Mỹ dự định đổ quân ồ ạt vào Việt Nam đế nắm trọn quyền chỉ đạo chiến tranh theo cung cách của mình, và thực tế đã chỉ cho thấy tính đúng đắn của lập trường quốc gia của ông Diệm: Với sự có mặt ngày càng gia tăng và càng lộ liễu của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam, VNCH ngày càng bị mất chủ quyền, QLVNCH ngày càng trở thành một thứ tùy phái cho quân đội viễn chinh Mỹ. Cái thế độc lập quốc gia dân tộc vì thế mà bị thương tổn, khiến cuộc thu phục nhân tâm trở nên khó khăn rất nhiều.


      Một hậu quả khác của việc Mỹ thanh toán thô bạo chế độ Ngô Đình Diệm là nó làm suy giảm rất nhiều cảm tình lẫn sự ủng hộ rộng rãi đối với miền Nam Việt Nam của quốc tế, đặc biệt là Thế Giới Thứ Ba lúc đó đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của Khối Phi Liên Kết. Một thí dụ điển hình về hậu quả tai hại của lỗi lầm trên của Mỹ đã được tác giả nêu ra ở trang 168: Ngày 20/11/1963, Thái tử Sihanouk của Căm Bốt tuyên bố quyết định khước từ mọi viện trợ của Mỹ. Kể từ đó, ông ta trở thành một tiếng nói bài Mỹ hăng hái nhất của Khối Phi Liên Kết, rồi cuối cùng bắt tay với Hà Nội để biến Căm Bốt thành chiếc gai nhọn đâm vào hông VNCH. Có thể coi đây là món quà của Mỹ tặng không cho Hà Nội.


      Về mặt đối nội (của VNCH), việc Mỹ khai tử chế độ Ngô Đình Diệm đã đẩy miền Nam Việt Nam vào một cơn khủng hoảng chính trị triền miên với những chính phủ dựng lên rồi đổ xuống ngay sau đó, khiến VNCH trở thành một con rắn không đầu. Và Washington đã vội lấy đầu con đại bàng Mỹ gắn vào thân con rắn này để giành quyền lãnh đạo chiến tranh. Hình ảnh đầu chim mình rắn này minh họa tính phi lý của chính sách Mỹ. Một chính sách được đề ra bởi một nhóm người đầu trứng (egghead) thiếu những hiểu biết cơ bản về Việt Nam (như Robert McNamara đã thú nhận trong quyển hồi ký mới đây của ông ta) nhưng lại có mặc cảm tự tôn, hống hách, tin rằng họ có thể giải quyết cuộc chiến Việt Nam theo mô thức Mỹ mà không cần tham khảo ý kiến của nước chủ nhà (mà họ coi thường). Hơn nữa, với khuyết tật chủ quan cố hữu, họ còn đánh giá thấp khả năng và quyết tâm chống trả của CSVN. Một vị tướng Tham Mưu Trưởng Lục quân Mỹ đã ví địch thủ này như một võ sĩ hạng lông, còn Mỹ là một võ sĩ siêu nặng. The logic của ông ta, cú đấm đầu tiên của Mỹ có thể chỉ làm nó hơi lung lay, nhưng cú đấm thứ hai sẽ làm nó choáng váng, và cú đấm thứ ba chắc chắn sẽ đo ván nó. Đại khái sách lược leo thang chiến tranh từng nấc của Mỹ là như vậy. Thực tế đã chỉ cho thấy vị tướng này đúng ở điểm một và điểm hai nhưng sai ở điểm ba: CSVN đã tỏ ra chịu đòn dai hơn như ông ta đã tưởng. Nhưng nói đúng ra, muốn đo ván nó, Mỹ cần phải bồi tiếp cú đấm thứ tư nhắm vào cái đầu nó nằm ở Hà Nội. Một việc mà Mỹ đã không làm vì thiếu ý chí và lòng dũng cảm. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau bài viết.


      Ngoài việc không dám như cố Tổng Thống Diệm nói ngược lại người Mỹ, các nhà cầm quyền Việt Nam thời đó đã tỏ ra không có khả năng và uy tín chính trị lẫn quân sự để lấp lỗ hổng chính quyền do cái chết của ông Diệm để lại. Chẳng hạn họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khi quyết định giải thể Đảng Cần Lao Nhân vị của ông Ngô Đình Nhu mà không tạo lập được một đảng cầm quyền thay thế có cơ sở chính trị và một hệ thống cán bộ chống cộng hữu hiệu như đảng bị giải thể. Vì vậy, tác giả đã coi cố Tổng Thống Diệm là “một vị lãnh đạo quốc gia cuối cùng có thế lực nhất của miền Nam Việt Nam và cuộc đảo chính năm 1963 để trừ khử ông ta và bào đệ Ngô Đình Nhu là một thảm kịch không chỉ riêng cho miền Nam Việt Nam mà còn cả cho Hoa Kỳ nữa.” (Trang 169).


      Cũng ở trong góc độ trên, tác giả trích dẫn một câu nói của William Colby, lúc đó đang là Giám đốc Viễn Đông Sự của cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA Mỹ: “Chiến tranh sẽ chấm dứt vào một ngày không xa - và chúng ta sẽ thất trận" (Trang 169). Về sau, khi nhìn lại cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Colby nói tiếp: “Bây giờ mới thấy là kỳ quặc (incredible) việc chúng ta quyết định trừ khử ông Diệm mà không cẩn thận xét đến một loại chính quyền nào đó để thay thế ông ta... Sự rối loạn và hỗn trị (chaos and anarchy) nhiễm sâu vào cơ cấu chính quyền Việt Nam thời đó và làm nó tan rã. Theo các cuộc đánh giá, rõ ràng là tình hình xuống dốc rất nhanh trong năm 1964 và chúng tôi ước tính cộng sản sẽ thắng cuộc chiến vào cuối năm 1965. Chúng ta đã bắt đầu di chuyển những đơn vị chiến đấu của chúng - không chỉ những phần tử thâm nhập mà còn cả những binh đoàn tác chiến dọc theo Đường Mòn Hồ Chí Minh vào mùa thu 1964 để xây dựng một lực lượng quân sự nhằm dứt điểm chiến tranh.“ (Trang 169).


      Mối đe dọa trên của quân đội Bắc Việt đã là một động cơ thúc đẩy Mỹ phải can thiệp mạnh mẽ hơn và trực tiếp hơn vào Việt Nam. Theo Colby, Tổng Thống Johnson vốn là “một người Texan ngoan cường và cứng rắn không thể để cho thảm họa xảy ra”. Vì vậy, cuộc leo thang quân sự của Mỹ khởi sự từ thời Kennedy một cách dò chừng và hạn chế (khoảng 20.000 người) nay trở nên dứt khoát và ồ ạt hơn, chạy theo cuộc leo thang chiến tranh ngày càng mạnh mẽ và quyết tâm của CSVN và cộng sản quốc tế. Ngày 2/8/1964, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ báo cáo với Washington là khu trục hạm USS Maddox bị ba hải tốc đĩnh Bắc Việt tấn công ở hải phận quốc tế thuộc Vịnh Bắc Bộ. Hai ngày sau, ngày 4/8/1964, vào nửa đêm, Washington lại nhận được báo cáo thứ hai là một hải tốc đĩnh cộng sản vừa tấn công vào hai khu trục hạm USS Maddox và Turner ở cách bờ biển Bắc Việt 55 dặm. Ngày 5/8/1954, vào lúc 11 giờ sáng, để trả đũa, 64 khu trục cơ Hải Quân Mỹ dội bom xuống thành phố Vinh của Bắc Việt, mở đầu cho Kế hoạch Hành quân 37 - 64 mà cũng là cho sự tham dự không có tuyên chiến của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Hai ngày sau, ngày 7/8/1964, “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” được Quốc Hội Mỹ thông qua với một đa số kỷ lục (Hạ Nghị Viện: 416 - 0, Thượng Nghị Viện: 88 - 2) (Trang 183). Ngày 8/3/1964, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đầu cho sự tham chiến bằng bộ binh của Mỹ tại Việt Nam. Cho đến hết nhiệm kỳ của Tổng Thống Johnson (ngày 20/1/ 1969), sự leo thang 8/1965; 184.000 quân cho đến cuối năm 1965; 300.000 quân cho đến tháng 6/1966 và trên 500.000 quân cho đến cuối năm 1967 (Trang 194).


      Phong trào phản chiến Mỹ có tác dụng của một bàn tay mở nắp chiếc hộp Pandora chứa đầy những điềm dữ cho cuộc chiến chống cộng tại Đông Dương và cho chính sự tồn tại của VNCH mà tính chính thống vừa được xác định bởi cuộc tổng tuyến cử tháng 10/1067, được coi là tự do nhất trong lịch sử đất nước. Nhưng mối quan tâm hàng đầu của tân Tổng Thống Richard Nixon không phải là tính dân cử hợp hiến của VNCH mà là soạn thảo một kế hoạch triệt thoát khỏi Việt Nam mà ông gọi là “việc giải Mỹ hóa tuần tự” (progressive de - Americanization) và tái lập "hoà bình trong danh dự” cho nước Mỹ (Trang 273).


      Nghĩ cho cùng, ông khó mà làm khác đi được với hai lý do: Trước hết, ông phải kế thừa một di sản nặng nề của hai vị tổng thống tiền nhiệm, với một nội tình Mỹ phân hóa gay gắt sau hai vụ ám sát Thượng Nghị Sĩ Robert F. Kennedy và nhà đấu tranh dân quyền Martin Luther King, nên ông chẳng còn mấy bụng dạ để theo đuổi một cuộc chiến trường kỳ tại Việt Nam; thứ nữa - đây là một nhân tố quyết định - ông còn phải đối phó với sự leo thang của một cuộc chiến khác ngay tại nước Mỹ, sự bùng nổ ngày càng dữ dội và quy mô, chưa từng có trong lịch sử nước này của phong trào phản chiến như vừa được nói qua ở trên (trang239,240,241). Một ảnh hưởng xuất của phong trào này là nó làm dao động rất nhiều tinh thần chiến đấu của người lính GI Mỹ tại Việt Nam mà đa số là lính quân dịch và tạo nên một phong trào trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đốt thẻ trưng binh, hoặc nạn đào ngũ hàng loạt như sau: 250.000 sinh viên trốn đăng ký quân dịch; 1.000.000 công khai chống quân dịch; 25.000 người trong đám này bị kết tội và 3.000 người bị bỏ tù, và gần 100.000 người khác đào tị sang Mexico, Canada và Thụy Điển (trang 241).


      Nói tóm lại, chính sách Việt Nam hóa chiến tranh khó mà thành công với một chương trình hiện đại hóa QLVNCH khập khiễng như trên. Ngoài ra, do việc rút ngắn thời gian thực hiện từ bốn năm xuống còn hai năm rưỡi (trang 256) vì áp lực của phong trào phản chiến Mỹ đòi phải rút quân ngay về nước và áp lực của Quốc Hội Mỹ hối thúc phải ký một hòa ước với Hà Nội càng sớm càng tốt, chương trình hiện đại hóa QLVNCH bị dồn nén đến mức trở thành cấp tập và bôi bác - làm cho xong chuyện để sớm về nước, rồi “quên Nam” (forget Vietnam) và đeo đuối tiếp “giấc mơ Mỹ”.


      Chính sự chênh lệch lực lượng lớn lao này, cộng với sự cắt giảm quân viện đột ngột và ồ ạt của Mỹ cho VNCH, mới là nhân tố quyết định của cuộc chiến chứ không phải những cái Hà Nội rêu rao như tình yêu nước, yêu Đảng cao độ của nhân dân, sức mạnh của ý hệ Mác - Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn của chiến tranh cách mạng nhân dân, vân vân và vân vân. Bởi vì nói gì thì nói, số phận cuộc chiến Việt Nam trên thực tế chủ yếu đã được định đoạt bằng bạo lực thô tháp và trần trụi của súng ống chứ không phải bằng sức mạnh của những thứ vũ khí mềm trên mà Hà Nội đã huyên hoang tuyên truyền và đã thuyết phục được một số không ít những người trong nước.


      Nói cách khác, VNCH thua vì Mỹ đã không thực tâm giúp QLVNCH hiện đại hóa để có khả năng đối đầu với một địch thủ được cộng sản quốc tế vũ trang đến tận răng. Thực chất Việt Nam hóa chiến tranh chỉ là một cái cớ để Mỹ rút ra khỏi ngục lửa và giao củ khoai nóng (hot potato: vấn đề nan giải) lại cho người bạn đồng minh nhỏ bé và lâu đời của mình để bạn ta tự xoay sở lấy. Việt Nam hóa chiến tranh, đối với Kissinger, chỉ là một màn diễn phụ (sideshow) để Nixon thực hiện cái dự án toàn cầu vĩ đại của ông ta (trang 254). Việt Nam hóa chiến chỉ là một thao tác của tên phù thủy để đổi màu chiến tranh bằng đổi màu xác chết.


      Và thảm họa tập thể đã bắt nguồn từ sự mâu thuẫn nội tại ấy của một cá thể. Như trong một bi kịch cổ điển Hy Lạp. Song với một tiểu dị khủng khiếp: 5 triệu thương vong Việt (cả Bắc lẫn Nam); ngót 1 triệu thuyền nhân chết trên đường vượt thoát tìm tự do; 2 triệu Khờ Me hiến tế cho giấc mơ cuồng vĩ của Pol Pot; trên 58.000 trận vong Mỹ, 300.000 thương binh Mỹ, và một hội chứng Việt Nam hằn in tâm thức. Và trong triệu triệu vãng sinh ấy, đã mấy ai được mạc mặt, cầu siêu và khâm liệm? Riêng về phía CSVN, cái chết của hàng trăm ngàn chiến binh “sinh Bắc tử Nam” đã không được chính quyền Hà Nội thông báo cho thân nhân của họ. Đây là mảng chìm hút thẳm của cái cộng sản gọi là “một cuộc chiến tranh thần thánh”, chỗ ở vô định của những oan hồn vô danh, những bóng ma u uẩn của một bi kịch khốc tàn và bội bạc.


      Chương sử ba mươi năm chiến tranh đẫm máu chấm dứt với sự trở lại của hòa bình trên đôi dép râu của nửa triệu quân phương Bắc thay vì bằng lá phiếu của một tổng tuyển cử tự do như thỏa ước Quốc tế Paris đã quy định. Và lịch sử vẫn chưa hết cái chu kỳ vận động biện chứng của nó: nghịch lý trong chiến tranh được nối tiếp bởi những mâu thuẫn trong hòa bình. Bởi vì hoà bình này không mang đến hòa hợp tâm tư và hạnh phúc ấm no cho người dân Việt Nam. Một chế độ độc tài độc đảng độc ác vẫn tiếp tục khoét sâu thêm vết thương còn mở của dân tộc và bị dân tộc chối bỏ. Cộng sản đã thắng trong chiến tranh nhưng thua trong hòa bình. Và ngược lại, người lính Cộng Hòa tuy thất trận nhưng lại đạt được một chiến công vẻ vang: hình ảnh thân yêu của họ còn đậm nét trong tâm tư dân tộc.


      Sau đây là bản liệt kê số tổn thất nhân mạng trong cuộc chiến (phía VNCH và Mỹ):


      * Tử trận: trên 200,000 VNCH + 58.000 Mỹ

      * Thương binh: khoảng 600.000 VNCH + 300.000 Mỹ

      * Tù binh: 1 triệu VNCH + 766 Mỹ

      * Mất tích khi lâm chiến (MIA: Missing in Action): trên 2000 người Mỹ


      Mức tổn thất và chiến phí được ước tính như sau (phía Mỹ):

      * 8612 phi cơ đủ loại bị tiêu hủy, gồm 3744 có cánh và 2888 trực thăng, tính theo đô la là $12 tỉ

      * Tổn phí về đạn dược: $35 tỉ

      * Tổn phí về bom (7,35 triệu tấn, tức gấp đôi khối lượng sử dụng trong Thế chiến 2): $7 tỉ

      * Tổn thất về vũ khí nặng như tăng, pháo howitzers: nhiều tỉ đô la

      * Số nhiên liệu sử dụng trung bình mỗi ngày là 1 triệu tấn, như vậy làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng nhiên liệu 1973 Mỹ đang gặp phải (trang 418, 419.


      Trên đây chúng tôi vừa trình bày một số ý kiến đóng góp khiêm tốn về một công trình khảo cứu công phu, đồ sộ và có hệ thống là cuốn “Tragedy From a War Off Design” của Văn Nguyên Dưỡng. Một công trình mà theo chúng tôi, vì cách kiến dựng một cái nhìn tổng hợp ba chiều chính trị, quân sự và tâm lý về cuộc chiến Việt Nam của nó, sẽ có một chỗ đứng riêng biệt trong rừng sách viết về đề tài này. Mà nghĩ cho cùng, cần phải có một cách tiếp cận tổng trạng (holistic) như vậy thì mới có thể bao quát được hết những góc cạnh phức tạp của vấn đề, rồi từ đó tìm ra bản chất nó. Và đây cũng là một lý do tại sao chúng tôi muốn thành khẩn giới thiệu tác phẩm của Văn Nguyên Dưỡng với độc giả, đặc biệt là độc giả Việt Nam, với hy vọng nó sẽ giúp quý bạn có một cái nhìn toàn cảnh cân đối và chính xác về bi kịch Việt Nam và qua đó giải oan cho người lính VNCH về những điều mà cả thù lẫn bạn cho đến bây giờ, gần ba mươi năm sau cuộc chiến chấm dứt, vẫn tiếp tục bóp méo để vu oan và bôi nhọ họ.


      Minnesota đầu Thu 2004

      Cung Trầm Tưởng

      Nguồn: Tân Văn số 7, tháng 2.2008


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022



      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đọc Sách "Tragedy From A War Off Design" của Văn Nguyên Dưỡng Cung Trầm Tưởng Giới thiệu

    3. Bài viết về nhà văn Văn Nguyên Dưỡng (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Nguyên Dưỡng

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Đọc Sách "Tragedy From A War Off Design" của Văn Nguyên Dưỡng (Cung Trầm Tưởng)

      Tiểu sử nhà văn Văn Nguyên Dưỡng  (nhayduwdc.org)

       

      Tác phẩm của Văn Nguyên Dưỡng

       
      Cùng Tác Giả (Link-2)

      Cái chết của Sử gia Phạm Văn Sơn

      (Văn Nguyên Dưỡng)

      Tuyển Tập của nhà văn Văn Nguyên Dưỡng

      Những bài viết của Văn Nguyên Dưỡng trên Tiếng Quê Hương

      Những bài viết của Văn Nguyên Dưỡng trên Việt Thức

      Chiến Tranh Việt Nam (1945-1975)

      Tản Mạn Về Cung Trầm Tưởng Nhà Thơ Lớn Của Nhân Loại

       

      Bài Viết về Văn Học (Học Xá)

       

      Bài viết về Văn Học

        Cùng Mục (Link)

      Đọc vài bài thơ của Đoàn Xuân Thu (Lương Thư Trung)

      Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn (Thái Kim Lan)

      Nguyễn Đạt Thịnh: Con Người Và Tác Phẩm (Nguyễn Khánh Văn)

      Stephen B. Young: 'Sự phản bội của Henry Kissinger... khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ' (Huyền Trân)

      Phỏng vấn Giáo Sư Stephen Young (Đinh Quang Anh Thái)


       

      Tác phẩm Văn Học

       

      Văn Thi Sĩ Tiền Chiến (Nguyễn Vỹ)

      Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (Thanh Lãng): Quyển Thượng,  Quyển Hạ

      Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (Thanh Lãng)

      Văn Chương Chữ Nôm (Thanh Lãng)

      Việt Nam Văn Học Nghị Luận (Nguyễn Sỹ Tế)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (Tạ Tỵ)

      Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Tạ Tỵ)

      Văn Học Miền Nam: Tổng Quan (Võ Phiến)

      Văn Học Miền Nam 1954-1975 (Huỳnh Ái Tông):

              Tập   I,  II,  III,  IV,  V,  VI

      Phê bình văn học thế kỷ XX (Thuỵ Khuê)

      Sách Xưa (Quán Ven Đường)

      Những bậc Thầy Của Tôi (Xuân Vũ)

      Thơ Từ Cõi Nhiễu Nhương

        (Tập I, nhiều tác giả, Thư Ấn Quán)

       

      Văn Học Miền Nam (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)