1. Head_

    Trần Trọng Kim

    (.0.1883 - 2.12.1953)

    Văn Đen

    (.0.1919 - 2.12.1988)

    Đàm Trung Pháp

    (.0.1941 - 2.12.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Cuộc Khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng (Hà Mai Phương & Lưu Chu Thanh Tao) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      02-03-2013 | NHÂN VẬT

      Cuộc Khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng

        HÀ MAI PHƯƠNG & LƯU CHU THANH TAO
      Share File.php Share File
          

       

      LỜI DẪN NHẬP:


       

      Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Nét vẽ Lê Bá Đảng, Paris, 1952.
      (Tài liệu của tạp chí Khởi Hành)

      Trong dòng sử Việt, công cuộc kiến quốc bắt đầu bởi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 Tây lịch là cuộc nổi dậy đầu tiên của dân tộc Việt chống lại sự đô hộ của người Hán ở phương bắc, mở đầu cho các cuộc nổi dậy kế tiếp, cho tới chiến thắng Bạch-Đằng Giang của Ngô Quyền mở đầu cho nền tự chủ và độc lập của nước Việt Nam ta vào năm 939.


      Cuộc Khởi Nghĩa của HAI BÀ TRƯNG


      Theo thần tích và sử ký, bà Trưng Trắc và em là Trưng Nhị (cũng gọi là Trưng Chắc và Trưng Nhì), là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh. Hai Bà Trưng quán làng Cổ Lai, đất Mê Linh; nay thuộc làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Yên. Theo thần tích làng Hạ Lôi, Hai Bà Trưng là chị em sinh đôi. Thân mẫu của Hai Bà là bà Man Thiện, chắt ngoại của vua Hùng Vương. Tương truyền bà Man Thiện góa chồng sớm, rất đảm đương và truyền dạy cho Hai Bà tính khí rất hùng dũng. Chính bà Man Thiện đã từng ủng hộ con rể là ông Đặng [?] Thi Sách chống lại sự tham tàn của Thái thú Tô Định và góp công rất nhiều trong đại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết hôn với ông Đặng Thi Sách con trai Lạc tướng Châu Diên [nay thuộc vùng phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên]. Ông Thi Sách là người rất có chí khí, làm huyện lệnh Châu Diên.


      Kể từ khi nước Nam Việt của họ Triệu bị nhà Tây Hán đô hộ vào năm 111 trước Tây lịch cho tới cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, người Hán đã đô hộ nước ta trên 150 năm. Bấy giờ chính sách cai trị của nhà Đông Hán ở đất Giao Chỉ [tức Bắc phần Việt Nam ngày nay] mỗi ngày một khắt khe. Họ áp dụng chính sách trực trị và tìm cách đồng hóa người Lạc Việt. Chính sách này đã gây nên sự chống đối của dân ta, nhất là sự chống đối của các Lạc hầu, Lạc tướng đã bị người Hán tước bỏ mọi uy quyền.


      Nguyên nhân đưa tới cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng là sự cai trị hà khắc của Thái thú Tô Định [được cử sang Giao Chỉ vào năm 34]. Y là người bạo ngược và tàn ác khiến dân chúng rất oán giận. Ông Thi Sách có gửi thư phản kháng Tô Định và chính sự chống đối này mà ông Thi Sách bị Tô Định giết hại.


      Theo Thiên Nam Ngữ Lục [một thiên anh hùng ca, khuyết danh, viết khoảng thế kỷ XVI], vì Thi Sách đã bỏ nhiều "phiên hầu" với quan Thái thú, nên ông đã bị Tô Định giết. Chính vì vậy mà bà Trưng Trắc đã quyết tâm khởi nghĩa đánh đuổi quân thù để "đền nợ nước và trả thù nhà". Thiên Nam Ngữ Lục mô tả mục tiêu cuộc khởi nghĩa của bà Trưng Trắc như sau:


      Một xin rửa sạch nước thù,

      Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.

      Ba kẻo oan ức lòng chồng,

      Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này...


      Năm 40 [kỷ nguyên Tây lịch], bà Trưng Trắc đã khởi binh ở Mê Linh và tập trung quân ở cửa Sông Hát [chỗ ngã ba Sông Nhị và Sông Đáy]. Cuộc nổi dậy của Hai Bà được sự hưởng ứng rộng lớn của nhiều quan lang và phụ đạo [tức các tù trưởng lãnh đạo người Lạc Việt thời bấy giờ]. Theo Hậu Hán Thư [tức lịch sử thời Hậu Hán] thì dân chúng khắp vùng Giao Chỉ [Bắc phần Việt Nam], Cửu Chân, Nhật Nam [bắc Trung phần Việt Nam] đều nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.


      Từ Mê Linh hai bà tiến-công thành Liên Lâu [ở phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh] là thủ phủ của Thái thú Tô Định. Tô Định phải bỏ cả ấn tín, chạy trốn về Nam Hải [thuộc tỉnh Quảng Đông bên Tàu ngày nay]. Không lâu Hai Bà thu được 65 thành trì [ở Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam] và cả ở Hợp Phố [phía nam tỉnh Quảng Đông ngày nay]. Dẹp xong quân Đông Hán, bà Trưng Trắc được tôn lên làm vua, gọi là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh, tổ chức mọi việc cai trị như một quốc gia độc lập, mở đầu một trang sử huy hoàng cho dân tộc Việt Nam vì Bà Trưng là người đầu tiên trong Việt sử đứng lên đánh đuổi quân Tàu sau 150 năm bị người Hán đô hộ... Trong những năm đầu, Trưng Nữ Vương đã xá thuế cho dân chúng, phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa; tướng Đô Dương trấn giữ vùng Cửu Chân [tức vùng tỉnh Thanh Hóa ngày nay] để phòng thủ mặt Nam; Thánh Thiên Công chúa đóng quân ở Hợp Phố để phòng bị mặt Bắc; nữ tướng Lê Chân làm Chưởng quản binh quyền trông coi mọi việc ở Giao Chỉ.


      Đầu năm 42, vua Hán Quang Vũ sai Mã Viện đem quân sang đánh chiếm nước ta. Mã Viện hay Mã Văn Uyên; danh tướng nhà Hán, từng đánh dẹp được cuộc nổi dậy của bộ lạc người Khương ở phía Bắc nước Tàu; tước của Mã Viện là Phục Ba tướng quân [nghĩa là ông tướng có tài chinh phục được những làn sóng dử]. Mã Viện cùng phó tướng Lưu Long và Lâu Thuyền tướng quân Đoàn Chí [vị tướng chỉ huy chiến thuyền có lầu]. Mã Viện hội quân thủy bộ ở Hợp phố rồi đem binh sang Giao Chỉ đánh báo thù. Chiến trận diễn ra ờ vùng Liên Lâu và Lãng Bạc [thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nayj. Quân Hai Bà đã chiến đấu và cầm giữ địch quân trong vòng 10 tháng; Mã Viện phải lui binh về cố thủ Lãng Bạc, còn quân của Hai Bà thì phòng giữ ở Cấm Khê [hay Cẩm Khê, thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên ngày nay]. Sau khi chỉnh đốn quân ngũ, Mã Viện lại tiến công Cấm Khê quyết liệt; Hai Bà chống không nổi, chạy tới xã Há môn [nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây], gieo mình xuống Sông Hát tự trầm vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão, tức năm 43 Tây lịch. Khi đó bà Trưng Trắc mới có 29 tuổi. Các nữ tướng nổi danh của Hai Bà như Thánh Thiên, Lê Chân đều tuẫn tiết cả. Vào cuối năm 43, Mã Viện chiếm Yên Mô [thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay] và tiến đánh Cửu Chân, tướng Đô Dương chống không nổi, bị bắt và bị giết ở huyện Cự Phong.


      Ba năm tự chủ [40-43] tuy ngắn ngủi, nhưng ngọn lửa thiêng ái quốc của Hai Bà Trưng đã hun đúc tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt qua những cuộc nổi dậy giành độc lập sau này của Bà Triệu, Triệu Việt Vương, Bố Cái Đại Vương, Ngô Quyền...


      Bàn về Hai Bà Trưng, sử gia Lê Văn Hưu trong Đại Việt Sử Ký, ca tụng Hai Bà như sau: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là phụ nữ, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở lãnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chịu cúi đầu bó tay, làm thần bộc cho người phương Bắc. há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà ư! Ôi có thể gọi là tư bó mình vậy."


      Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngoại Kỷ), nhận xét về Hai Bà như sau: "Họ Trưng giận Thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta xuýt được khôi phục, khí khái anh hùng không những là lúc sống dựng nước xưng vương mà sau khi chết có thể chống ngăn tai hoạn, phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đều cầu đảo không việc gì là không ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, các khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trương phu chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ư?".


      Ngô Thời Sỹ trong Việt Sử Tiêu Án cũng ca ngợi Hai Bà như sau: "Bà Trưng la người con gái góa ở Giao Chỉ, không có một thước đãt, chỉ vì báo thù chồng mà khởi binh đánh một trận, mà cả 6 quận đều theo, định được 65 thành dễ như lấy đồ trong túi, làm cho bọn quan lại thú úy cai tri trong thời gian 150 năm phải bó tay không dám làm gì, có phải lòng trời tựa Lạc Việt, thì có thể lấy cả được Kinh, Dương, đâu lại chỉ có đất Ngũ Lĩnh mà thôi...

      Trong sách Bắc-sử về đời nhà Hán, Đường cũng có vua đàn bà, như họ Lã, họ Vũ, nhưng đều là nhờ thế đã làm mẫu hậu rồi, mà nắm lấy quyền nhân chủ, thì dễ lung lạc được trong nước, múa may với đàn trẻ. Đến như Bà Trưng là một người đàn bà thường mà khởi lên được thì khó lắm. Xem trong Nam sử khi nội thuộc Lương và Trần, có ông Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, sẵn là cường hào hay là gia thế, lòng người đã sẵn quy phục, thế nưóc đã có hơi xu hướng mà khởi lên còn có phần dễ, đến như Bà Trưng là con gái thì lại khó lắm... Vợ trả thù chồng, em giúp việc chị, một là tiết phụ, một là nghĩa nữ, vào cả một nhà, thế mới là kỳ. Ông vua bị mất nước, hoặc là bị bắt, hoặc là đầu hàng; con gái ở cảnh nhà tan, hoặc phải bỏ đi, hoặc bị tủi nhục. Bà chị mất nước, bà em cũng tuẫn tiết theo chị, không chịu đầu hàng, mà cũng không chịu để bị bắt; người chồng ở dưới đất được nhắm mắt; kẻ gian tà trông thấy thế cũng phải cúi đầu. Vua tôi Văn Thúc (tướng Hán) không làm gì nổi. Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn. Thế mới càng kỳ nữa. Than ôi! Hồng nhan trẻ đẹp xưa nay chôn vùi đã bao người. Nhưng Nữ Oa có việc động trời đến giờ, chỉ có hai chị em Bà Trưng nữa đây thôi."


      Trong bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vua Tự Đức "châu phê" về Hai Bà Trưng như sau:

      "Hai Bà Trưng là bậc quần thoa lại có thể hùng tâm khởi nghĩa, làm chấn động triều đình nhà Hán, tuy yếu thế nghịch thời, cũng đủ hưng khởi người lưu danh rạng rỡ ở sử sách. Kết bọn đàn ông râu mày lại khúm núm thờ phụng người ngoại tộc, chẳng cũng mặt dày hổ thẹn đến chết ư?"


      Sử Tàu (sử do người Tàu viết) vốn rất chủ quan và đối lập với chúng ta, cũng phải công nhận giá trị của cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Sách Hậu Hán Thư chép: "... Trưng Trắc là con quan Lạc tướng huyện Mê Linh, gả làm vợ Thi Sách, người huyện Châu Diên . Trưng Trắc là người rất hùng dũng...". Sách An Nam Chí Nguyên chép: "... Tô Định là người tham bạo đến nỗi người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và Trưng Nhị phải nổi lên làm phản."


      Hiện nay, còn hai đền chính, thờ Hai Bà Trưng ở làng Đồng Nhân [thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội] và đền thờ ở làng Hát Môn [thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây cũ].


      Đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân được dựng từ thời nhà Lý [l010-l224]. Theo Việt Điện U Linh, "Vua Lý Thánh Tông nằm mộng thấy Hai Bà linh ứng nên cho lập đền thờ ở bãi Đồng Nhân hay Đồng Nhân Châu, phía đông nam kinh thành Thăng Long." Vùng bãi này năm nào cũng bị ngập lụt và gây nạn đất lở, do vậy sau này đã dời đền vào địa điểm hiện tại, thuộc thôn Huơng Vân, làng Đồng Nhân, nay là phố Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trong đền có tượng Hai Bà đắp bằng đất son. Tượng bà Trưng Trắc mặc áo vàng và tượng bà Trưng Nhị vận áo đỏ. Trên đầu tượng có đội mũ cài hoa phù dung. Chung quanh tượng Hai Bà còn có tượng 12 vị nữ tướng.


      Đền còn lưu bài thơ Đề Đền Hai Bà của Cử nhân Hoàng Thúc Hội như sau:


      Núi Sóc ngựa lên không,

      Rừng Thanh voi chửa lồng.

      Nảy chồi hoa núi Lạc,

      Rạng mặt nước non Hồng.

      Giăng tỏ gương hồ Bạc,

      Mây che giấu cột đồng.

      Nén hương lòng cố quốc,

      Xin khấn một lời chung.


      Và bài thơ quốc âm về Hai Bà như sau:


      Một bụng em cùng chị,

      Hai vai nước với nhà.

      Thành Mê khi đế bá,

      Sông Cấm lúc phong ba.

      Ngựa sắt mờ non Vệ,

      Cờ lau mở động Hoa.

      Ngàn năm bia đá tạc,

      Công đức nhớ Hai Bà.


      [GHI CHÚ:

      Các bài thơ trên ca tụng công đức Hai Bà và có ý nói sau chiến thắng của Phù Đồng Thiên Vương ở núi Sóc Sơn hay Vệ Sơn, thì cuộc nổi dậy của Hai Bà ở Mê Linh, chiến thắng ở hồ Lãng Bạc và kể cả sự thất trận ở Cấm Khê, đã mở đầu cho việc dựng nước non Lạc Hồng; nối tiếp bởi cuộc nổi dậy của Bà Triệu ở Thanh Hoá và công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh tức vua Đinh Tiên-Hoàng ở động Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tuy Mã Viện có chôn cột đồng ghi chiến công, nhưng nay cũng không còn].


      Đền Hát Môn [hay Đền Hát] ở trên gò đất bên chân đê thuộc hữu ngạn Sông Hát [Hát Giang hay Sông Đáy] thuộc xã Hát Môn, tổng Phù Long, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây; sau thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc tỉnh Hà Tây. Tương truyền, trước khi khởi nghĩa, Hai Bà đã lập đàn thề ở bãi Trường Sa bên Sông Hát thuộc xã Hát Môn. Cũng tương truyền đền được dựng từ thời Tiền Lê và Lĩnh Nam Chích Quái cũng cho biết là đền được dựng từ lâu; đại trùng tu dưới đời vua Lê Thần Tông [theo bia ở đền năm 1621]. Cổng đền Hát Môn có hai cột trụ đề câu đối: Đồng trụ chiết hoàn Giao Lĩnh trĩ, Cấm Khê doanh hạc Hát Giang trường [đại ý là: Cột đồng Mã Viện gãy hay còn, núi Lĩnh Nam đời đời vẫn cao ngọn; Khe Cấm Khê đầy hay vơi, dòng Sông Hát vẫn còn mãi mãi vươn dài]. Trước đây, hàng năm hội Đền Hát vào ngày giỗ Hai Bà [mồng 6 tháng 3 âm lịch] và kỷ niệm ngày hội quân khởi nghĩa chống quân Đông Hán mồng 4 tháng 9 âm lịch. Khác với đền Đồng Nhân, tượng và các đồ thờ ở đền Hát Môn dùng màu đen để tưởng nhớ tới sự tử tiết của Hai Bà.


      Ngoài ra, khắp Bắc phần Việt Nam, theo Địa Dư Các Tỉnh Bắc-Kỳ, các địa phương chí và các Thần tích ở địa phương do người Pháp thu thập trước năm 1945, có hàng trăm làng xã thờ Hai Bà Trưng, bà Man Thiện và các vị tướng của Hai Bà mà chúng tôi mới chỉ sưu tập được một số, ghi trong bộ Bách khoa Từ điển Địa Danh Việt Nam [trên 10.000 trang; hoàn tất năm 2006, chưa có cơ hội xuất bản].


      Với số thần tích làng xã có thờ cúng Hai Bà và các vị tướng của Hai Bà cách nay trên 2000 năm, điều đó chứng tỏ tinh thần đối kháng phương Bắc để được tồn tại và kiến quốc của người Việt mình. Ngoại trừ hai đền thờ Hai Bà ở Đồng Nhân và Hát Môn nức tiếng từ trước; tiếc rằng, từ sau kỳ "cải cách ruộng đất" và chống Phong kiến sau năm 1954 ở miền Bắc Việt Nam, không rõ vô tình hay cố ý mắc mưu Trung-Cộng, đảng Cộng sản Việt Nam đã cho dẹp bỏ hết hệ thống thờ cúng ở các đình thôn, làng, xã; cộng thêm sự "thay đổi địa danh hành chính ở các địa phương cho hợp với tình thế mới", khiến cho việc nhớ tới và thờ cúng các vị anh hùng dân tộc ở các địa phương có công chống phương Bắc, dựng nước Lạc Hồng đã bị chìm dần vào quên lãng. Sau đây là:


      Các Làng Thờ Hai Bà Trưng:


      - Huyện Mê Linh [Yên Lãng và Yên Lạc cũ]: Cấm Khê, Cư An, Hạ Lôi, Cổ Lôi, Trường Sa, Nại Tử, Lâu Thượng, Đông Cao, Nguyễn Xá, Trung Hà, Hát Môn, Hát Giang, Xuân Đài.

      - Huyện Cẩm Khê: Kim Khê.

      - Huyện Bình Xuyên: Thành Dền, Thanh Lãng, Quất Lưu, Tam Hợp.

      - Huyện Phù Ninh: An Phú, Lâu Hạ.

      - Huyện Ba Vì: Tuấn Xuyên.

      - Huyện Thạch Thất: Bãi Trận, Bình Xá.

      - Huyện Cẩm Giàng: Bình Lâu, Bình Lao.

      - Huyện Yên Việt: Bắc Lý.

      - Huyện Tam Nông: Hương-gia.

      - Huyện Đa Phúc: Xuân Dương.

      - Huyện Đông Anh: Đại Vĩ.

      - Huyện Đan Phượng: Khánh Hiệp, Kẻ Gối [Tân Hội].

      - Huyện Mỹ Văn: Phụng Công.

      - Huyện Mỹ Lộc: Đông Mặc.

      - Huyện Thần Khê: Phúc Khánh.

      - Huyện Duyên Hà: Tiên La.

      - Tỉnh ly Thái Bình: Chùa Bố.

      - Tỉnh Hà Nam: Phủ Bà.

      - Thị trấn Phiên Ngung [ở Quảng Châu] bên Trung Quốc.


      Các làng thờ bà Man Thiện [thân mẫu của Hai Bà Trưngj:


      - Huyện Tùng Thiện: Nam An.

      - Huyện Phúc Thọ: Nam Nguyễn.


      Các làng thờ các vị tướng của Trưng Nữ Vương:


      - Huyện Yên Lãng: Kim Đà, Tráng Việt, Phú Mỹ, Cổ Lôi, Nhật Chiêu, Tiên Nga, Hoàng Kim, Yên Nhân, Trung Hà, Trung Hà Châu, Bồng Mạc, Cự An, Tam Đồng.

      - Huyện Phù Ninh: Lệ Mỹ.

      - Tỉnh Vĩnh Yên: Tam Hợp.

      - Huyện Bình Xuyên: Thanh Lãng, Xuân Hòa, Quất Lưu.

      - Huyện Bạch Hạc: Lũng Ngoại, Lũng Hòa, Hưng Lại.

      - Huyện Thanh Ba: Thanh Cù, Thanh Vân, Lương Lỗ, Vũ Yển.

      - Huyện Hạ Hòa: Văn Lang.

      - Huyện Yên Dũng: Tân Mỹ, Ngọc Lâm.

      - Huyện Hiệp Hòa: Bắc Lý.

      - Huyện Phúc Thọ: Long Xuyên Vĩnh Thọ.

      - Huyện Quảng Oai: Vân Sa.

      - Huyện Tiên Phong [nay thuộc huyện Ba Vì]: Tuấn Xuyên.

      - Huyện Thạch Thất: Bình Xá.

      - Huyện Lập Thạch: Hợp Lý.

      - Huyện Tam Nông: Hương Nộn, Xuân Nha, Hương Nha, Ngọc Tháp, Cổ Tiết, Thanh Uyên, Nam Cường, Vực Thường, Hiền Quan.

      - Huyện Tam Dương: Đồng Tĩnh.

      - Huyện Yên Sơn: Khánh Hiệp, Chử Thị.

      - Huyện Đông Anh [Đông Ngàn cũ]: Hội Phụ, Gia Lộc, Trung Am, Lộc Hà, Cổ Châu, Hội Phụ, Gia Lộc, Tiên Dương, Cẩm Giang.

      - Huyện Tiên Du: Cẩm Giàng.

      - Huyện Gia Lâm: Cự Linh, Hoàng Xá, Xuân Đỗ, Xuân Thụy, Long Biên, Lệ Chi, Kim Hồ, Đa Tốn, Ngọc Động.

      - Huyện Thanh Trì: Yên Phú, Vĩnh Ninh, Vĩnh Quỳnh, Thâm Động, Mai Động.

      - Huyện Thanh Oai: Thượng Thanh Thần.

      - Huyện Đan Phượng: Đan Phượng Thượng.

      - Huyện Hoài Đức: Cát Ngòi, Dương Liễu.

      - Huyện Từ Liêm: Hạ Trì, Đại Mỗ, Yên Nội, Nghĩa Lộ, Phú Mỹ, Cơ Xá, Vạn Phúc.

      - Huyện Gia Lương [Gia Bình và Lương Tài cũ]: Đông Cứu, Bình Dương, Lai Hạ, Phú Hòa, Minh Tân, Nhân Thắng, Thập Đình, Thiên Thai, Phùng Xá, Địch Trung, Huề Đông, Thận Trai.

      - Huyện Khoái Châu: Yên Khê, Việt Hòa, Tự Nhiên, Việt Hòa.

      - Huyện Kim Thi [Kim Động và Ân Thi cũ]: Phú Cốc, Tân La.

      - Huyện Yên Mỹ: Nhân Hòa Trung.

      - Huyện Nam Trực: An Phú.

      - Huyện Giao Thủy: Quán Các.

      - Huyện Trực Ninh: Hương Cát, Hùng Mỹ.

      - Huyện Thư Trì: Văn Xá, Mỹ Lộc, Mỹ Bổng, Tăng Bổng, Thuận Vi, Hương Điền, Dũng Thúy, Thái Phú, Hương Đường,

      - Huyện Hưng Nhân: Hiền Ninh, Hiển Lễ, Phượng Lâu, Lương Ngọc.

      - Huyện Duyên Hà: Tĩnh Xuyên, Tĩnh Thủy.

      - Huyện Thần Khê: Cổ Xá.

      - Huyện Quỳnh Côi: Đồng Trực.

      - Huyện Đông Hưng: Thưởng Duyên, Thâm Động, Thượng Phán.

      - Huyện Thanh Liêm: Thạch Tổ, Thượng Tổ.

      - Huyện Gia Viễn: Sơn Dược.

      - Huyện Yên Mô: Vĩnh Lộc, Trung Đồng, Bình Hải, Bình Hòa.

      - Huyện Giáp Sơn: Quỳnh Bảo.

      - Huyện Kinh Môn: An Phụ, Huệ Trì.

      - Huyện An Lão: Ngọ Dương.

      - Huyện Nga Sơn [tỉnh Thanh Hóa]: Nga An...


      Hà Mai Phương & Lưu Chu Thanh Tao

      Tạp chí Văn Hóa Việt Nam số 40 (MÙA XUÂN 2008)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Cuộc Khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng Hà Mai Phương Khảo luận

      - Chiến Thắng Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền Năm 939 Hà Mai Phương Biên khảo

    3. Bài viết về Hai Bà Trưng (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Hai Bà Trưng

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Gia Đình Trưng Vương (Hoa Bằng)

      Bình Luận và Vịnh Nhị Trưng (Dương Bá Trạc)

      Cuộc Khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng (Hà Mai Phương)

      The Trưng Sisters: VietNam's Revered Heroines (Đ.T. Pháp&V.Linh)

      Sử Thi Về Hai Bà Trưng (Viên Linh)

       

      Nhân Vật (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Nhân Vật

        Cùng Mục (Link)

      Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)

      Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)

      Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)

      Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)

      Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Anh Thư (Song Thao)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)


      Danh Nhân Trong Và Ngoài Nước


      Phim Tài Liệu

       

      L'exode du Nord Viet Nam


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
       

        DANH NGÔN


        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)