1. Head_

    Ngô Tất Tố

    (..1894 - 20.4.1954)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mẹ Yêu Muôn Đời (Ngọc Khánh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2002 | TIỂU LUẬN

      Mẹ Yêu Muôn Đời

        NGỌC KHÁNH

      (Kính tặng những bà mẹ Việt nam)

      Share File.php Share File
          

       

      Trong kho tàng văn hóa ca dao của người dân Việt, có hai câu thơ đã làm cho bao nhiêu giọt nước mắt chảy ngầm trong tâm khảm của nhiều người:

      Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

      Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều ... 


      Có phải người ra đứng ở phía ngõ sau làng, ấy là cô gái đã sang ngang, về nhà chồng trong cảnh buồn lòng vì ép uổng, mà trong thân phận buồn đau nên cứ nhớ về quê mẹ?


      - Hay cô gái vừa được chồng yêu, chồng quý, nâng niu như hòn ngọc, cục vàng trên tay, nhưng vẫn không thể nào quên nơi quê Mẹ, nơi mà nàng đã được mẹ bế bồng từ thuở ấu thơ, được yêu chiều chăm chút suốt tuổi thơ cho đến thời thanh nữ, từ lúc mẹ cầm lược chải cho con mái tóc lơ thơ để chỏm đến lúc mẹ gội cho mái đầu óng mượt bằng lá chanh, lá sả, bằng bồ kết hương nhu ... và điều quý giá gấp vạn lần là mái tóc kia chính là bản thân người con gái yêu của mẹ ... Nay bước ra đi, nhớ về nơi ấy nên lòng quê chẳng thể nào nguôi.


      Phải chăng con người "ra đứng ngõ sau" kia là kẻ buộc phải tha phương, lang bạt đến nơi đất khách quê người, vật lộn với cuộc đời đầy sóng gió, ba nổi bảy chìm trong nhân thế nên mới hiểu ra rằng, trong cuộc sống này không có ai yêu mình bằng "Mẹ", không ở đâu nghĩa nặng như "quê Mẹ, đất Mẹ"? 


      Không ai không có mẹ, ai ai cũng hiểu điều đó, nhưng mấy ai đã có lúc nằm đêm suy tưởng, hay giữa ban ngày lặng tĩnh mà nghĩ về mẹ, và hồi tưởng từ cái lúc ta còn u ơ tiếng khóc, mẹ đã:

      Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

      Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Mẹ ta xưa là thế. Người phụ nữ Việt Nam nghèo khổ áo cơm, nhưng không nghèo khổ tấm lòng, trái tim và tình yêu bao la trời bể ... Mẹ nuôi con bằng giọt sữa, Mẹ đành nhai miếng cơm, miệng mớm cho con những miếng nhỏ li ti để cho khỏi hóc, cho con mau lớn, cho con nên người ...
       

      Cuốn sách Giáo Khoa Thư từ năm bảy chục năm về trước vẫn còn đọng lại đến nay, nó chính là những câu ca dao bất hủ, rất quen thuộc, vẫn được nhớ in trong lòng của bao triệu con người Việt Nam:

      Công cha như núi Thái Sơn,

      Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

      Một lòng thờ mẹ kính cha,

      Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.


      Ta không cần biết núi Thái Sơn ở đâu, cao như thế nào. Từ lớp học trong mái tranh nghèo nhà thầy giáo "Hương sư" ở trong làng, ta nào biết đã gặp bao nhiêu con suối, bao nhiêu ngọn nguồn bao giờ đâu ... Nhưng những trái tim thơ trẻ, vẫn hiểu được rằng, công cha nghĩa mẹ là điều cao cả thiêng liêng, lớn lao vô biên vô tận. Thế rồi nhớ những khi chiều đến, ta trở về nhà, mẹ ôm chầm lấy ta mà hôn mà nựng, mà mừng .... còn riêng ta cũng sung sướng sà vào lòng mẹ, hưởng cái hơi của mẹ, làn tóc thơm tho của mẹ, vạt áo vương thơm mùi sữa mẹ, như đầy sự khát khao vì đã suốt cả một ngày xa mẹ, đúng như câu:

      Ngầm ngập như mẹ gặp con

      Lon ton như con gặp mẹ ....


      Nhớ một hôm nào ta vấp ngã ngoài sân. Tuổi thơ ngã như thế là chuyện bình thường, có đau gì! Ta đứng dậy lại đi lại chạy .... thế mà mẹ ta đau, mẹ xuýt xoa, mẹ ôm lấy ta, nào phủi chỗ lấm, nào vỗ về an ủi ta, như vừa gặp tai nạn lớn. Thì ra mẹ đau hơn ta nhiều. Ðúng là "Nước mắt chảy xuống". Lúc ấy, tiếng kêu của mẹ, có khi ta không chú ý, có thể vì ta quá ngây thơ, còn cười cợt, mà đâu có hiểu rằng:

      Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể ....


      Mẹ đã vì ta, lo cho ta từng phút từng giây, từng ngụm nước, từng miếng rau, từng lời ru ta ngủ, tưng mỏi tay quạt muỗi đêm hè, từng ôm ta cho ấm lúc đêm đông ....

      Mẹ ở bên con hằng ngày, bất kể sớm khuya, khi vui lúc buồn, ngày no tháng đói .... làm con cứ tưởng đó là đương nhiên, là phải như thế, là quá bình thường .... đến nỗi con không hình dung nổi nếu thình lình, một hôm nào đó, không còn mẹ nữa, bỗng nhiên mất mẹ .... thì sẽ ra sao?


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Mẹ hiện diện tràn đầy căn nhà ta ở. Mẹ bao trùm lên đời ta như ánh sáng khuếch tán giữa ban ngày, không một bóng tối nào len lỏi vào được giữa mẹ con ta .... Cho đến khi ....


      Khốn khổ thay cho những đứa con phải cảnh bất hạnh muôn đời như thế này: "Mồ côi mẹ".


      Mẹ mất đi. Cả một bầu trời hẫng hụt. Cả một vầng hào quang vụt tắt. Cả một nỗi hoang vu như sa mạc ập vào nhà. Ðến lúc ấy ta mới thật hiểu mẹ có giá trị như thế nào với cuộc đời ta, đúng như câu tục ngữ:

      Mất cha một lần mồ côi.

      Mất mẹ bảy lần mồ côi.


      Còn có câu gần gũi hơn, rõ ràng hơn, thực tế hơn, xót xa hơn. Ðó là nỗi bơ vơ khốn khổ của đứa con mất mẹ:

      Mồ côi cha ăn cơm với cá,

      Mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ!


      Câu ca dao trên xét về mặt nào đó, nó gợi lên cảnh ảm đạm đau thương, cảnh bơ vơ lạc lõng của người con mất mẹ. Gian nhà đầm ấm xưa không còn hơi mẹ, tiếng mẹ, bóng mẹ ra vào. Ðứa con như bị quẳng vào đói rét, thiếu thốn, như bị quẳng ra đường, ra chợ. -Ai thay được mẹ?- Không ai cả (Thực ra không đúng hoàn toàn về nghĩa đen, câu ca dao trên chỉ muốn nhấn mạnh về điểm tinh thần của nỗi mồ côi mẹ).

       

      Thưa "Mẹ", mẹ ở cõi vĩnh hằng, sau bao nhiêu thời gian đến nay, con mới hiểu nỗi không còn mẹ ở đời. Khi mỗi buổi chiều về không có mẹ chờ con bên ngưỡng cửa, mỗi sáng ra không ai đánh thức con dậy .... cũng như không có ai hòa tan sự ngọt ngào trong ánh mắt vào từng bát cơm, cọng rau, manh áo của con như ngày nào mẹ ép con ăn thêm cơm nữa .... ép con mặc thêm tấm áo len phòng rét trong những khi gió mùa bắt đầu trở lại .... Mẹ đã sống cho con, mẹ đã sống vì con, nâng đỡ con, nuôi nấng dạy dỗ con, chia sẻ hạnh phúc khi con vui, an ủi khi con buồn hay hoạn nạn rủi ro .... 


      Mẹ còn là điều thiêng liêng ngoài cuộc đời, như đám mây che cho trái đất, như dòng sông tưới mát cho cả một vùng châu thổ bao la, như tiếng đàn mà vong hồn của âm thanh là sự căng lên của dây đàn cho những âm ba thành giai điệu, khiến lòng người thoát khỏi cái tầm thường dung tục, cũng như những nỗi u uẩn trong lòng. Ðàn có dây là thế. Còn đàn không dây thì ....

      Có cha có mẹ là hơn

      Không cha không mẹ như đàn đứt dây ....


      Từ lúc con còn chập chững những bước đầu tiên, những tiếng nói đầu tiên phát ra từ thanh quản chưa thành hình, sợi căng sợi chùng chỉ là tiếng gọi "Mẹ". Không thể có tiếng nói đầu tiên ấy gọi ai khác, dù đó là bất ký ai trên thế gian này. Chỉ có "Mẹ". Chỉ là "Mẹ".


      Niềm thiêng ấy là duy nhất đúng từ khi mẹ còn là người phụ nữ ờ trong hang núi, đào củ rừng, hái qủa rơi rụng để nuôi con. Từ khi còn lang thang bên bờ sông, bên bãi cát mò ốc trai về nướng trên ba hòn đá làm bếp lửa thời mông muội. "Mẹ", người mẹ đầu tiên của nhân loại ấy hẳn sung sướng thế nào khi con mình cất lên tiếng nói đầu tiên gọi "Mẹ".


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Cho đến thời hiện đại, mẹ vẫn là mẹ của con, con là con của mẹ, tiếng đầu tiên ấy không thể nào khác, bởi Mẹ đã phải bao gian truân, vất vả, lao đao để nuôi con từ trứng nước:

      Con lên ba mẹ sa xương sườn.


      Cho đến khi con khôn lớn, con trở thành ông nọ bà kia, chức này, tước khác .... con vẫn là con của mẹ. Chỉ có kẻ bất lương, vô luân mới sơ tình đối với mẹ, mới vỗ (*) công cha mẹ, gây khổ đau cho cha mẹ.


      Còn con người có lương tri, một con người chỉ ở mức bình thường cũng phải biết ơn cha mẹ. Một câu ca dao nhắc nhở:

      Con khôn nở mặt mẹ cha là thế.


      Thưa mẹ, đứa con mà mẹ sinh thành, mẹ yêu quý hơn cả đời mẹ, hơn cả núi vàng rừng bạc, đứa con là một phần xương thịt của mẹ, là trái tim của mẹ ....Chúng con hiểu rằng: Mẹ thương yêu con nhiều hơn là chúng con thương yêu Mẹ, đó là lỗi lớn của chúng con. Chúng con hiểu rằng: Mẹ đã hào phóng cho chúng con tất cả mà không cần đòi hỏi bao giờ. Lạ lùng hơn nữa, đến Mẹ của Mẹ, tức bà ngoại của chúng con cũng thương yêu chúng con không kém. Có lẽ vì thế mới có câu:

      Nhất mẹ nhì cha thứ ba bà ngoại


      Bà ngoại yêu con, yêu cháu, phải chăng bà đã yêu thương Mẹ, mà con là con của Mẹ, đã phản ảnh một phần hình ảnh của Mẹ trong con, nên bà lại thương yêu con như yêu thương Mẹ. Nếu con là hòn vàng của Mẹ, thì con cũng là nén bạc trong tay bà ngoại, có phải thế không, thưa Mẹ, thưa Bà?


      Ði vào khu rừng bạt ngàn ca dao tục ngữ, bắt gặp bao cây đại thụ .... Ðó là những câu ca dao tục ngữ, những chân lý, những kinh nghiệm, những lời răn dạy ngàn đời vẫn mới, nó đã thành chân lý hầu như bất biến, vượt qua mọi thăng trầm của thời đại .... Tình mẫu tử, tình mẹ con là mối tình muôn thuở vững bền, muôn thuở thiêng liêng. Và những câu ca dao tục ngữ nói về mối tình ấy cũng muôn đời bất hủ. Ðó là điều cần ghi nhớ nằm lòng cho mỗi người nếu người ấy muốn trở thành con người chân thực, biết cách sống cho bản thân mình, cho gia đình, cho cha mẹ và rộng ra là cho cộng đồng, cho quê hương, cho dân tộc ...


      Chỉ lướt qua dăm ba câu trong rừng ca dao của đất Việt, con người đã thấy xôn xao trong dạ, run rẩy tâm linh, như cây đàn được ngân lên những giai điệu ngọt ngào tình Mẹ, thấy hình ảnh Mẹ như ngày nào ta còn thơ ấu, mẹ vào ra, đi đứng, nói cười ....

      Hạnh phúc cho ai có mẹ để yêu thương, và có mẹ để được hưởng niềm yêu thương từ nơi mẹ. Cũng mong sao, không ai làm cho mẹ mình buồn đau vì những lỗi lầm sai trái của mình. Mẹ ơi! Con đời đời yêu Mẹ!


      (*) Vỗ: Không trả lại cái đáng lẽ mình phải trả: Vỗ nợ, vỗ ơn.

      Ngọc Khánh


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Mẹ Yêu Muôn Đời Ngọc Khánh Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Tiểu Luận

        Cùng Mục (Link)

      Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)

      Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)

      Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)

      Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)

      Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)

      “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam (Nguyễn Huy Côn)

      Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)

      Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)

      Việt Nam Cộng Hòa lừng lững đi vào lòng đất nước (Trần Doãn Nho)

      Tính “văn học” trong văn học miền Nam (Trần Doãn Nho)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)