|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
....
Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt nói tới các mục: Nguyên ủy chữ Dần, tìm hiểu giống Cọp, Giai thoại về Cọp, Bảy chuyện Cọp của Trương Vĩnh Ký, Những nhân vật lịch sử liên hệ con Cọp, giống Cọp trong văn chương Việt Nam.
Ai cũng biết Dần là một chữ trong thập nhị chi, mười hai nhánh của Đất là: tí sửu dần mão thìn tị ngọ mùi thân dậu tuất hợi. Trước chữ Dần, năm nay có chữ Bính, là một chữ trong thập can, mười cột của Trời là: giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quí. Người xưa lấy một chữ của Trời cộng với một chữ của Đất để minh định một năm của niên lịch.
Cứ theo thiên văn cổ truyền thì chi Dần và chi Mão chỉ về phương Đông, thuộc hành mộc (trong ngũ hành) là cây, sắc xanh.
Chữ Dần là cung kính, chăm lo. Kinh Thư có câu: túc dạ duy dần: sớm tối chăm lo, kính trọng chức vụ. Lại có câu đồng dần hiệp cung: chăm lo đồng nhau, kính nể lẫn nhau. Vì điển này mà nhà thơ cổ điển Nguyễn Quí Dần ở Liège (Belgique) đã chọn thi hiệu Hiệp Cung. Và cũng do tích này mà những người bạn đồng liêu, cộng sự, thường gọi nhau là Dần nghị và Đồng dần,
Chữ Dần cũng có thể ghép với nhiều danh từ khác như:
Dần nguyệt: tháng giêng
Dần khách: con cọp
Dần thú: con cọp
Dần tiễn: đưa chân người lên đường.
Nhân sinh ư dần: loài người sinh ở hội Dần. (Còn địa tịch ư Sửu: đất mở về hội Sửu).
Sách xưa cũng có câu
Nhất niên chi kế tại ư xuân
Nhất nhật chi kế tại ư dần.
(Kế hoạch trong 1 năm phải được sắp đặt ở mùa xuân. Kế hoạch trong một ngày phải sắp đặt ở giờ Dần, lúc mặt trời mọc, cọp dậy nhìn mặt trời).
Năm Dần là năm tuổi con cọp, ai sinh vào năm ấy thì, trên nguyên tắc, có thể có tướng tinh con cọp, có những tính tình của con cọp. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta nhận xét không đúng như thế. Tên chữ của cọp là Hổ, vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu những danh từ có chữ hổ ghép vào, như:
Hổ trướng: trướng hổ. Theo sách Nam Đường thì Vương Từ đời Lương lấy da con hổ giăng làm cái màn lớn, kêu bọn thuộc hạ vào nhóm, bàn chuyện trong màn, cho nên gọi là hổ trướng,
Hổ trướng xu cơ: then máy trong màn hổ. Đó là tên quyển sách, binh thư yếu lược của Đào Duy Từ (1572-1634) giúp chúa Sãi giữ vững Đàng Trong và mở mang bờ cõi miền Nam.
- Hổ bảng: bảng yết danh đại khoa tiến sĩ. Nguyên là đời Đường có mở khoa thi tiến sĩ, có Hàn Dũ, Lý Quan, Lý Gián thi đậu, đương thời gọi là Long Hổ bảng, đời sau bỏ bớt chữ long, chỉ gọi là “hổ bảng”.
Hổ vi: tức là trường Quốc Tử Giám. Sách Chu Lễ chép: Sư Thị (chức quan giáo học) đem ba đức là chính trực, cương khắc và nhu khắc dạy học sinh trường Quốc Tử, ở phía tả cửa Hổ môn nên gọi là Hổ vi.
Hổ bôn: người dũng sĩ có cái tướng như con hổ đuổi con thú. Chu Võ Vương có 300 quân hổ bôn. Đời nhà Hán có đặt chức Hổ bôn lang, Hổ bôn trung lang tướng để coi quân Túc vệ.
Hổ khẩu: tên một mạch huyệt trong con người tại chỗ ngón tay cái tiếp giáp ngón tay trỏ, nơi cái bắp thịt nhỏ. Cái huyệt này rất quan trọng, gọi là hổ khẩu, Tây phương phiên âm là rokou, điều khiển cả cái mặt và đầu con người, trong ngành châm cứu (acupuncture), quan trọng như miệng cọp vậy. Mới đây các nhà bác học y sĩ Pháp đã dùng máy điện tử khảo nghiệm tất cả hệ thống mạch huyệt con người và chứng nhận sự chính xác cùng tính cách khoa học của ngành châm cứu Trung quốc, đã phát minh ba ngàn năm trước đây.
Nói tới miệng cọp và râu hổ (hổ tu) thì Trang Tử dạy rằng: “Rờ đầu cọp, vuốt râu cọp, thế nào thoát khỏi miệng cọp”.
Hổ bộ: bộ đi hùng dũng giống cọp.
Hổ phù: trên cái binh phù có vẽ hình con cọp, để làm hiệu lệnh truyền tin cho binh sĩ.
Hổ khê: tên khe nước ở trước chùa Đông Lâm, tại núi Nam Lô, huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Đời nhà Tấn, pháp sư Tuệ Viễn chùa này chưa bao giờ qua khe vì có cọp kêu rống khi có người đi qua... Ngày nọ pháp sư niệm thần chú, thu Phật lực, đưa Đào Tiềm và đạo sĩ Lục Tu Tỉnh qua khe, vừa nói chuyện vừa nghe cọp rống, cả ba vị cười ồ lên như không có chi cả, rồi từ biệt. Đời sau người ta dựng đình nơi khe hổ này và gọi là Tam Tiếu Đình, cái đình ghi nhớ ba người cười con cọp!
Hổ tướng: võ tướng hùng dũng như con hổ. Vương Mãng đời Hán phong cho chín viên tướng với chữ Hổ, thành ra từ đời đó về sau còn lưu danh từ hổ tướng.
Hổ trành: con quỉ của người bị cọp bắt ăn thịt. Tục truyền vong linh của người ấy phải đi theo chầu hầu con cọp, để cho nó điều khiển. Cho nên về sau, những người theo giúp kẻ tàn bạo làm điều hung ác, cũng bị gọi là hổ trành.
Hổ cậu: cậu con hổ. Sách Kiêm Nam Thi Tập chú: tục truyền con mèo dạy cháu là con cọp làm đủ mọi việc nhưng không dạy cho cọp biết cách leo cây, vì phải giữ cho mình một thế đào tẩu, phòng ngừa phản trắc.
Hổ huyệt: hang cọp hay là một địa thế nguy hiểm cho tánh mạng.
Hổ hữu dực: cọp có cánh. Cọp tự nó đã nguy hiểm rồi mà còn thêm cánh nữa thì chế ngự sao được? Truyện Cao Như Lệ nói: lòng người đã bất chánh, tà vậy mà còn thêm tài năng nữa thì coi như cọp thêm cánh!
Hổ phách: chất tùng chi (nhựa cây tùng), trăm năm kết tụ thành hổ phách (ambre végétal), ngàn năm kết tụ thành phục linh (squine). Hai thứ này dùng làm nữ trang và làm thuốc.
Hổ tu: một loại sa sâm, nhỏ và dài như râu cọp. Có một loại đăng tâm thảo, dùng làm tim đèn, cũng gọi là hổ tu.
Hổ hà: con tôm hùm.
Cọp được chỉ định với tên khoa học felis tigris, loài félin, họ félidées, bề cao gần 1 thước, bề dài từ 1 thước rưỡi tới 2 thước, chưa kể cái đuôi dài hơn 1 thước, tất cả vươn ra gần 3 thước. Cọp không thích ánh sáng, cho nên ban ngày thì núp trong bụi rậm rừng sâu, chờ chạng vạng (hoàng hôn) mới xuất hiện. Cọp nhìn rất rõ trong đêm tối nhờ cặp mắt sáng quắc như có hào quang, điện lực, có thể thôi miên những con vật nhỏ yếu như hươu nai...
Râu cọp giúp nó tìm kiếm và đánh hơi như giống mèo, còn cái đuôi giúp nó quân bình thân thể và lèo lái lúc rượt bắt các thú vật lớn nhỏ, trừ sư tử, voi, tây ngưu và mãng xà cỡ lớn. Còn những giống vật nhỏ trong rừng thì nó chỉ trừ con công (khổng tước) và chỗ nào có cọp thì có công là vì con công xỉa răng cho con cọp lúc nó nằm ngủ hay là nghỉ ngơi. Hiện trạng này, có người đã được chứng kiến nơi chân đèo Vạn Giả (Varella) năm 1953, gần ngôi chùa của Hòa thượng Quảng Đức nhân một cuộc “thăm dân cho biết sự tình”.
Đây là miền cực bắc tỉnh Khánh Hòa, nơi mang tiếng là cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, đất cũ của Chiêm Thành với hai địa danh Kauthara và Panduranga. Một nhân sĩ địa phương, giáo sĩ Alix Bourgeois, thuộc dòng Phan Xi Cô (Franciscains) ở Hòn chồng Nha Trang, hiện nay ở Paris, kể cho tôi nghe rằng: Trong núi Đồng bò có một cây trầm cổ thụ to lớn, có một ông cọp vằn to lớn canh gác ngày đêm. Không một tiều phu nào dám bén mảng tới nơi này. Những người “đi điệu” ngậm ngải tìm trầm cũng biết như vậy và họ còn nói rằng từ núi Đồng Bò có ngọn gió chiều thơm mát từ gốc trầm này thổi ra, hòa hợp với ngọn gió biển Nam Hải, khiến cho khí hậu Nha Trang trở thành khí hậu tốt nhất Việt nam.
Có một lần, từ trong núi Đồng Bò một con cọp đi lạc ra suối Dầu (Diên Khánh), đi ngang qua lộ lớn số 1, khiến cho ai nấy đều khiếp sợ. Họ báo động cho nhau để kịp né tránh. Liền khi đó, có “bác sĩ Alexandre Yersin, Giám đốc viện Pasteur Nha Trang cũng vừa đạp xe máy tới nơi. Họ liền báo cho ông ta hay, nhưng ông ta cứ thản nhiên đạp chiếc xe cọc cạch mà trả lời bằng tiếng Việt rằng: “Đường mình mình đi, đường người ta người ta đi, ai đi đường nấy, cớ chi mà sợ?" Thế là nhà bác học Yersin cứ tiếp tục đi vào rừng cao su và quinquina Suối Dầu do ông sáng lập từ đầu thế kỷ XX. Ông đã mất tại Nha Trang ngày 10 tháng ba, 1943, được chôn cất nơi rừng cao su này, là nơi mà chúng tôi đã kính cẩn đặt vòng hoa mười năm sau, ngày 10.3.1953 trên ngôi mộ rất đơn giản lưu danh một nhà bác học rất yêu mến nước Việt nam.
Cứ theo đường cái quan vào Nam, chúng ta sẽ đi tới Phan Rang rồi Phan Thiết, hai nơi này mang tiếng có nhiều ma, gọi là ma Hời mà thi sĩ Chế Lan Viên thời tiền chiến đã nhiều lần nhắc tới:
Ta hãy nghe trong lòng bao đỉnh tháp
Tiếng thở than, lòng oán trách cơ trời.
Ta hãy nghe, trong gạch Chàm rơi lác đác
Tiếng máu Chàm chảy ri rỉ không thôi.
.....
Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc
Suối tóc dài êm chảy giữa dòng trăng
Ta vừa nghe giọng sầu bi tha thiết
Của Chiêm nương gờn gợn sóng cung Hằng.
.....
Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than!
Nơi miền này, trước đây không lâu, còn có một tục lệ dị đoạn bi thảm do người Chàm để lại, là người ta bào chế một chất thuốc độc ghê gớm với râu cọp. Râu này được họ cắt ra từng khúc ngắn, trộn với đường dẻo, làm thành những viên kẹo để cho kẻ khác ăn. Kẹo vào bao tử, ruột non ruột già sẽ đâm thủng, cào nát những lớp những da, làm cho lở lói, và sinh ra chứng bệnh thổ tả rồi kiệt sức mà chết.
Giáo sư G. Chochod, đã từng ở lâu năm trong nước ta, viết trong quyền La Faune Indochinoise rằng: người ta còn một cách nữa để bào chế thứ thuốc độc ghê gớm đó bằng cách lấy râu cọp để nguyên, cho kẹp vào những mụt măng voi hay là những mụt măng non, ít lâu sau sẽ thấy xuất nhiều sâu rọm lông lá dễ sợ, Người ta sẽ lấy chất cứt sâu rọm, lén trộn vào nước uống cho khách qua đường, hay là cho kẻ thù địch uống vào thì thế nào cũng chết vì chất đó độc lắm.
Cho nên mỗi khi bắt được cọp hay là bắn chết cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt râu cọp, chớ để cho ai nhổ đem về. Ngày xưa, ông tôi rồi đến cha tôi, đã từng làm quan trong miền Bình Phú và Nam Ngãi, có kể cho tôi nghe mấy vụ kiện cáo và điều tra về những vụ thuốc độc với râu cọp này. Họ tin rằng năm nào mà không thuốc được ai thì năm đó làm ăn xui xẻo! Thậm chí, ngày xưa có những nhà hàm hộ làm nước mắm vùng Phan Thiết cũng trộn thuốc độc râu cọp vào cá mòi, vài ba con, rồi đem đi bán, rủi ai nấy chịu!
Sau này, đến phiên tôi cũng được vào đây phục vụ nhân dân Khánh Hòa và Ninh Thuận, tôi lại được cơ hội điều tra thêm về phương diện nhân chủng học và phong tục học mà thôi. Tôi được biết rằng mỗi khi vào nhà ai xin nước uống thì úp cái nón lại ngoài hiên. Nếu trong nhà có nuôi thứ sâu cọp thì người nhà lật đật ra lật ngửa cái nón, vì sợ con sâu bị ngộp mà chết!
Và muốn đề phòng thuốc cọp khi phải đi ngang qua những vùng đó thì ta nên mang theo trong người một vài sợi lông đuối voi, hay và vài trái ớt chỉ thiên, lúc nào người ta bưng nước ra cho mình uống thì mình cho rơi lông đuôi voi hay là trái ớt vào, thì tự nhiên thấy nó xoay tròn và nổi bọt, thế là biết nước có chất độc, phải đổ đi ngay rồi vác chân mà chạy hay là đi cớ bót tùy ý!
Đã nhiều lần tôi đem vấn đề này bàn luận với mấy ông bạn y sĩ trong nước và ngoài nước, đặc biệt với bác sĩ Nguyễn Minh Tân, cựu giám đốc học đường bộ Quốc gia Giáo dục và bác sĩ Huỳnh Trung Nhì ở Paris, đồng ý với tôi mà nghĩ rằng: cọp ăn thịt sống, dính nơi răng, nơi lông mép tùm lum. Nơi răng thì đã có con công nó xỉa dùm, còn nơi lông mép thịt dư còn sót thành ra thúi nát, mới biến ra một chất rất độc gọi là ptomaine, chất này mà thêm vào lông cọp cắt nhọn, chui vào thân thể với kẹo thì sinh ra ung nhọt dễ dàng... Chất độc ptomaine này mà trộn thêm với cứt sâu rọm nuôi với măng vòi thì lại càng độc địa hơn nữa. Thế là chúng ta đã đi từ phong tục tập quán đến sưu tầm khoa học để làm sáng tỏ vấn đề và giải tỏa thắc mắc và bí truyền về giống cọp.
Nhưng còn một thắc mắc nữa cần được giải tỏa luôn. Tại sao người ta gọi cọp là ông ba mươi? Theo nhà thiện xạ G. Chochod, người ta sợ hãi giống cọp đến nỗi không dám gọi là con mà phải gọi là ông, rồi phải kiêng cữ cả tên nữa mà phải gọi là ba mươi. Nhưng tại sao lại ba mươi mà không hai mươi? Là vì giống cọp có trí nhớ rất ngắn, nó chạy khoảng 30 sải là đã quên hết, khác với giống voi có một trí nhớ kinh khủng mà người Tây dương gọi là “mémoire d'éléphant”.
Còn ông Đốc phủ Lê văn Phát, tác giả Contes et Légendes du Pays d'Annam, Saigon, Imprimerie F-H Schneider, 1913, thì giải thích rằng: Ngày xưa ai giết được cọp thì được nhà cầm quyền thưởng ba mươi quan tiền nhưng đồng thời người đó cũng bị ba mươi roi sau đít, nhằm an ủi linh hồn ông cọp, may ra ông ta sẽ không trả thù.
Theo truyền thuyết của đồng bào Thượng thì con cái đẻ con, nuôi nấng đàng hoàng, khi chúng nó bắt đầu đi đứng vững vàng thì cọp mẹ bắt buộc cọp con nhảy ngang qua thân mình, con nào nhảy qua thì được tiếp tục nuôi dưỡng, còn không thì bị bỏ. Ngoài ra, những cọp con nào mới lớn lên mà nhảy qua khe suối đều bị cọp cha vồ giết ngay vì một phản ứng thủ lãnh, e ngại sau này bị truất phế. Cho nên cọp mẹ đẻ ra từ ba đến năm con, nhưng đến lúc lớn lên chỉ còn vài ba con mà thôi. Đây là thâm ý của thượng đế muốn duy trì sự quân bình lực lượng trên thế gian và trong vũ trụ, để cho mọi sinh vật được sinh sống và sinh sản lâu dài.
Bên cạnh những tác hại của giống cọp, chúng ta cũng phải công bằng mà nhận rằng cọp cũng có phần ích dụng, ví dụ như xương cọp dùng để nấu cao hổ cốt rất bổ ích. Phải thâu góp nhiều bộ xương cọp rồi cưa ra từng khúc ngắn, đem nấu chảo lớn trong nhiều ngày đêm, vớt hết xương ra, nấu tiếp chất nhớt cho tới khi cô đọng, rồi mới đem đổ ra thau đồng hay là khuôn gỗ, để cho nguội mà cắt thành miếng cỡ hộp diêm. Đầu năm nay, nữ sĩ Song Khê ở Fairfax (Hoa Kỳ) đã có mỹ ý gởi cho đệ mấy thẻ cao hổ cốt, kèm theo một bài thơ như sau:
Năm xưa rau sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Năm nay hổ cốt gửi qua,
Cung tăng diện thọ, Thái gia cát thường.
Ngoài ra, trong bộ xương cọp có cái xương cụt nơi bả vai được các thầy thuốc Đông Y dùng cấp cứu những người bị rắn độc cắn, hay là chó dại cắn: đặt cái xương đó vào chỗ bị thương thì tự nhiên thấy máu đen rút ra với chất độc rồi rắc thuốc bột vào vừa khử trùng vừa làm cho liền da.
Theo sách Phong Tục Thuyết, con hổ là tái sinh của một người họ Lý tên Nhĩ cho nên khi nào ta gọi là Lý Nhĩ thì nó tỏ vẻ mừng lắm. Mà còn kêu nó là Ban (?) thì nó giận. Theo sách Phường Ngôn thì ngày xưa các nước Tần Ngụy Tống Sở gọi hổ là Lý Phụ, còn ở đất Giang Hoài và Nam Sơ thì gọi hổ là Lý Nhĩ. Vì con hổ tên Nhĩ (tai), cho nên khi hổ bắt vật gì mà phạm vào tại thì hổ không ăn (theo Quảng Sự loại). Ai cũng biết Lý Nhĩ là tên của Lão Tử, tức Lão Đam, tức Thái Thượng Lão Quân, vị tổ sư của Đạo Lão. Cũng vì lẽ đó mà biểu trưng của đạo Lão là Ngũ Hổ, năm vị thần được Lão Tử giao phó sứ mạng bảo vệ năm vùng trên thế giới (ngũ giới), mỗi vị đầu thai dưới hình thể của hổ, với năm màu sắc khác nhau là: hoàng, hắc, bạch, xích, thanh. Ngũ hổ ngự trị năm vùng là: trung thổ, bắc thủy, tây kim, nam hỏa, đông mộc.
Ngày xưa bên Tàu, có ông Đồng Khôi làm quan huyện đất Bất Kỳ, nghe nói dân miền núi thường bị cọp giết hại, bèn đến tận nơi, gọi cọp ra thuyết dụ: “Trời sinh ra muôn vật, loài người là quí hơn, hổ lang (cọp sói) thì nên ăn thú vật mà thôi. Chớ tàn bạo với người thì có pháp luật triều đình trị tội phải đền mạng (sát nhân giả tử). Vậy thì con hổ nào giết người thì cúi đầu chịu tội đi. Còn con nào chưa giết ai thì kêu lên mà minh oan”. Nói xong, thấy có một con cúi đầu nhắm mắt, nằm mọp xuống chịu tội, còn một con thì chăm nhìn ông Đồng Khôi mà kêu la dõng dạc. Quan huyện khiến tha và cho đi về núi tự do.
Sách Hiếu Tử truyện kể rằng: Ông Quách Vân ở nước Tần gặp cọp bị mắc xương trong cổ, đương oẹ mửa mà xương không trôi ra, bèn lấy tay thò vào cổ cọp móc xương ra. Ngày sau cọp mang đến cho ông ta một con nai để đền ơn.
Sách Vương Phu An Thành chép: Ông Đỗ Khu Bảo đời Hậu Tán, khi đương có tang cha, vừa có người trong xóm đuổi đánh con cọp, cọp chạy vào núp trong nhà của ông. Ông Bảo bèn lấy áo tơi che cọp lại. Người lối xóm xông vào tìm cọp, ông nói chẳng thấy cọp đâu cả. Người lối xóm tin lời, bỏ đi nơi khác. Về sau, con cọp này thường thường đem thú vật trên rừng về biếu ông để đền ơn.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của ta chép: Ở thôn Xuân Sơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đời Gia Long có con cọp trắng (bạch hổ) bảo vệ làng này, chống lại bọn Mọi quấy nhiễu, chống lại những cọp khác và theo dân làng xin cá mà ăn. Dân làng viết bằng khoán bầu cọp làm ông Hương Cả, mỗi khi cúng tế đều có dâng đầu heo cho cọp, ban đêm về ăn. Sau ngày cọp chết có ứng vào các đồng, dân làng có lập đền thờ gọi là đền Kha Hổ.
Theo truyền thuyết thì cọp nghe rất xa, nghe tới mười dặm. Vì cọp dữ tợn mà thiên hạ ưa nói xấu cọp mặc đầu vẫn gọi là Ông. Nếu như cọp nhớ tất cả những điều xấu xa, những lời nguyền rủa thì cọp sẽ trả thù ghê gớm, thiên hạ sẽ bị sát hại không còn một mống! May thay, thượng đế đã tiên liệu mọi việc trên thế gian này, bèn bắt buộc cọp phải rung tai khi thức dậy. Rung tại để quên hết mà bớt sự căm hờn. Ấy là luật bù trừ, là luật “bỉ sắc tư phong”, được cái này mất cái kia, hơn điều này thua điều nọ mà thượng đế đã minh định và ban bố khắp trần gian để an bài llọi sự.
Thế mà vẫn còn sự hậm hực giữa Mèo và Cop, vốn là cậu cháu. Ngày xưa mèo và cọp ở chung trong rừng sâu. Cọp thì siêng năng, còn mèo thì biếng nhác. Cọp đi săn thú vật mang về hang, dành dụm để cậu cháu ăn với nhau. Không ngờ, lúc cọp đi vắng, mèo ở nhà xơi hết rồi nằm duỗi chân mà ngủ ngon lành. Đến khi cọp trở về, đã mệt mỏi lại thấy trống trơn, không còn một miếng, cọp vô cùng tức giận. Cọp ví cậu mèo chạy từ rừng về tới đồng bằng, vừa gặp cây cau thì mèo lập tức trèo lên cây cau tới chót vót, nhìn xuống mà cười mũi cháu cọp! Cọp quá tức giận cố sức trèo lên cây cau nhưng vì thân hình quá nặng, lại nữa cả đời đâu có biết leo cây, cọp té xuống đất, cái mũi bị dập cho nên từ đó mũi cọp trở thành xẹp lép và cũng từ đó cọp đánh hơi không xa lắm. Nhờ thế mà thiên hạ còn sống sót cho đến ngày nay!
Lại nữa, khi cọp bị té xuống đất đau điếng, cọp liền nguyền rủa: “Đồ cái ông cậu ác ôn, vô duyên, vô tích sự! Ông mà bắt được thì ông sẽ nuốt trộng! Nuốt cả thân hình lẫn cả cứt!” Vì lẽ đó mà mèo phải núp lén nơi đông nội, gia cư, không dám bén mảng về rừng nữa dù là để thăm cháu. Và cũng từ đó mèo phải tìm sự bảo trợ của loài người và đồng thời mèo dấu cứt!
Truyện cop còn có liên hệ với Thằng Cuội ngồi gốc cây đa nữa. Cuội xuất thân là một tiều phu, cả ngày lặn lội trong rừng sâu. Ngày nọ Cuội chợt thấy ba cọp con trong hang cây cổ thụ. Nó bèn bẻ gãy chân mỗi con một chân rồi nó leo lên cây núp nhìn. Nó thấy cọp mẹ từ xa mang về một con nai. Thường lệ, cọp mẹ kêu rống từ xa để cho ba con chạy ra đón mẹ. Lần này cọp mẹ kêu mà chẳng thấy ba con chạy ra. Cọp mẹ đâm nghi, liền vứt nai xuống đất và chạy thẳng một mạch về hang. Về tới nơi, cọp mẹ nhìn thấy ba con bị gãy cẳng, đang quằn quại rên siết thảm thương! Cọp mẹ bèn chạy tới một cây cổ thụ, bứt lá nhai nhuyễn rồi rịt vào khớp xương bị gãy. Trong chốc lát đã thấy ba cọp con lành hẳn và nhảy vọt như không có gì xảy ra. Rồi cả bốn mẹ con cọp dẫn nhau ra chỗ con nai mà ăn ngon lành!
Thừa lúc vắng cọp, Cuội liền trụt xuống cây rồi đi thẳng tới chỗ cây mà cọp mẹ đã truốt lá. Cuội nhìn kỹ thì biết rõ là cây đa, cũng gọi là bồ đề (Bodhi), tức giống cây đã từng che mưa chận nắng cho Thái tử Thích Đạt Đa (Shidharta) tham thiền nhập định trong 49 ngày để thành người Đại Giác là Đức Phật. Cuội bèn nhổ một cây con mang về nhà vun trồng. Đi dọc đường Cuội trông thấy một con chó bị thương nặng, sắp chết. Cuội bứt mấy lá nhai nhuyễn rồi bịt vào vết thương của con vật. Trong chốc lát, con vật lành hẳn, nó liếm tay Cuội để tỏ lòng biết ơn và tự ý theo Cuội về nhà. Cuội đặt gánh củi xuống sân nhà rồi cẩn thận đem cây đa con ra vườn mà trồng.
Ít lâu sau, có người mõ rao rằng ông Phú hộ trong làng có con gái cưng đau ốm đã lâu mà thầy thuốc khắp nơi chữa không lành, ai mà chữa được thì ông bằng lòng gả cô con gái cho và cho nhiều của hồi môn như của cải và ruộng đất. Nghe lời rao, Cuội liền chạy tới nhà Phú hộ và xin tình nguyện chữa bệnh cho cô con gái. Lúc đầu Phú hộ từ chối, cho là chuyện dỡn, nhưng trước sự nhiệt tình và cả quyết của Cuội, ông chịu để cho Cuội chữa bệnh. Cuội bèn hái lá đa, bào chế một thứ cao rồi dán vào những chỗ bệnh. Thuốc dán hiệu quả lạ lùng: chỉ trong mấy ngày mà đã thấy cô ta lành bệnh hẳn và trở nên xinh đẹp khác thường.
Giữ lời hứa, phú gia gả con cho Cuội và khao cả làng. Vợ chồng Cuội sống tràn đầy hạnh phúc. Cuội bỏ nghề hái củi, sống an nhàn giữa vợ và cây đa. Nhưng bà vợ ngày nọ tỏ ý không bằng lòng vì thấy Cuội chăm sóc cây đa quá nhiều. Thừa lúc Cuội qua bên hàng xóm, bà ta chạy ra ngồi đái nơi gốc cây đa khiến cây đa bực tức, bứt gốc bay thẳng lên trời. Cuội nghe tiếng đất lở, lật đật chạy về, phóng theo và níu được rễ cây đa mà cùng bay lên cung trăng. Từ đó, những đêm trăng, thế gian ngẩng mặt lên trời, nhìn thấy thằng Cuội ngồi gốc cây đa, buồn rầu vì luyến tiếc trần gian và dù sao, cũng còn nhớ thương người vợ... Và mặc dầu không trở lại được trần gian, Cuội vẫn lập lại những tiếng của thế gian phóng lên không gian mà người ta thường gọi là tiếng cuội... chưa kể những hòn đá đen nhẵn (météorite) mà ta thường gọi là đá cuội...
Ngoài những giai thoại kể trên, chúng tôi còn tìm thấy bảy chuyện Cọp trong quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (1837-1898), ấn hành năm 1866 tại Sài gòn. Quyển này là quyển đầu tiên trong số 118 tác phẩm của ông bằng Việt, Pháp và Hán ngữ. Nay chúng tôi xin toát lược những chuyện ấy như sau:
1. Con chồn với con cọp: Một con chồn bị sập xuống hầm, có con cọp đi ngang qua. Chồn nói: “Ủa, chớ anh không nghe trời sắp sập hay sao?” Cọp tưởng thiệt, mới đề nghị cho mình xuống nấp chung với chồn. Chồn bằng lòng, thế là cọp nhảy xuống hố sâu. Chồn liền nhảy lên lưng cọp rồi từ đó phóc luôn lên khỏi hang, ra ngoài. Cọp tưởng vậy là chồn sẽ bị trời sập đè chết, không ngờ nó lại vong ơn, chạy kêu hàng xóm tới đâm cọp chết tươi.
2. Con cóc tía với con cọp và con khỉ: Có con cọp nó đi ngang qua hang cóc tía, cóc tía thấy gai mắt mới rủ cọp nhảy thi sang khe nước. Cọp bằng lòng, cả hai sắp hàng rủ nhau mà nhảy. Các tía chấp cọp một sải, rút ra sau, thừa lúc cọp quất đuôi vài ba cái trước khi nhảy, bèn ngậm vào đuôi cọp. Rồi thì cọp nhảy qua bên kia khe, vất đuôi một cái, làm văng con cóc tía tới trước gần hai thước! Cọp thấy mình thua cóc tía quá xa, tự cảm thấy xấu hổ và cũng thật kinh hồn vía, bèn cong đuôi mà chạy tuốt một hơi dài... Vừa lúc đó có con khỉ ngồi trên cây, hỏi chận con cọp chuyện gì mà chạy dữ vậy. Cọp mới kể đầu đuôi, con khỉ cười rộ rồi bảo cọp cõng mình về phía hang cóc tía, để cho nó trị cóc trắng máu. Khi hai con đến nơi, cóc tía trông thấy bèn lên tiếng: “Anh khỉ đó phải không? Anh mắc mưu cọp rồi đó, Nợ mười hùm chưa đủ, một mà thấm chi! Nó thế mạng đó, biết chưa?” Cọp nghe nói thất sắc, đâm đầu mà chạy, bất chấp cây cối, gai góc bụi bờ gì hết. Chạy một hồi lâu mới ngưng, rồi liệng con khỉ xuống đất, thấy nó nằm ngữa nhe răng, chẳng cựa quậy gì hết. Cọp vừa thở hổn hển vừa mắng nhiếc chú khỉ: “Đã hết làm phách chưa bậu? Đã báo hại người ta, lại còn cười nữa chớ!" Từ đó lưu lại hai thành ngữ “Cười nhăn răng” và “gan cóc tía" tức là phận nhỏ nhoi mà dám đương đầu với tai to mặt lớn!
3. Cọp bị đá: Anh nọ còn nhỏ tuổi mà ưa đi chơi khuya. Đêm nọ về nhà lúc trời tối thui, thấy mập mờ một con vật nằm nơi thềm nhà, tưởng là chó, bèn đá một cái thật mạnh. Té ra là cọp, cọp giật mình, rống một tiếng rồi cong đuôi mà chạy, chẳng kịp tìm hiểu ất giáp gì cả! Còn cậu ta thì từ đó không dám đi chơi đêm nữa.
4. Cọp mắc đuôi trong bụi dừa nước: Chuyện có thiệt ở Gò Quao, tỉnh Rạch Giá, cọp nhiều như chồn cáo vậy. Hai bên bờ sông đầy dừa nước, còn trên đất thịt thì mù mịt rừng tràm là nơi người ta đi kiếm mật ong. Bữa nọ có hai người chống xuồng đi bẻ dừa non mà ăn thay chuối chát. Thình lình một người trông thấy một cái đuôi dài lông lá kẹt trong bẹ dừa nước, tưởng là chồn mừng húm, bèn nắm lấy cái đuôi mà kéo. Đến lượt người kia lại gần, dòm kỹ thấy rõ là cọp, hoảng hồn nhưng sợ thả ra thì bị cọp vồ, bèn cứ vậy mà níu kéo... cho tới chiều thì cả ba đều kiệt sức. Hai người buông tay ra, nằm ngã một bên, còn chú cọp thì nhờ vậy mà cựa quậy được và trong giây lát tự tháo gỡ được cái đuôi rổi phóc chạy vô rừng sâu, thất điên bát đảo...
5. Ăn trộm và cọp rình nhà: Có hai thằng ăn trộm rình nhà người ta, lại thêm có một con cọp cũng tới rình bắt heo. Trời tối lờ mờ, anh kia lò mò lại chỗ đúng là chỗ con cọp đang ngồi mà cứ tưởng là thằng bạn đi với mình. Bèn hỏi: “Này mày, họ còn thức hay là ngủ?”... rồi vỗ vai nó một cái, vỗ nhằm lông lá xồm xoàm, giật mình nhảy qua một phía. Con cọp thình lình bị vỗ vai cái bốp, thất sắc cũng chạy đi mất. Còn thằng rình góc kia, nghe tiếng chân chạy thình thịch, tưởng là người nhà hay biết mà ví chạy, cũng thất kinh mà rã đám chạy luôn. Vậy là cả ba vừa la vừa chạy!
6. Cọp mắc bẫy, không ai thèm cứu: Chúa sơn lâm đau nặng, nằm liệt đất, bèn nhắn gọi thú vật tới thăm mà nhờ vả. Con chồn đến trước, chúa hỏi: “Tao đau mà thơm hay là thúi?” Chồn trả lời: “Thúi”. Chúa giận, duỗi chân chụp hụt con chồn. Chồn bỏ chạy, ra ngoài kể chuyện cho con cò nghe. Con cò tính nó nghênh ngang, đi thẳng vào hang cọp. Chúa cũng hỏi thơm hay là thúi. Cò trả lời: “Thơm”. Chúa nói cò nịnh, rồi cũng duỗi chân chụp hụt con cò. Cò ra ngoài, gặp con chuột, kể lại tự sự. Chuột tính xắc lắc, vỗ ngực nhảy vào hang cọp xem sao. Chúa cũng lại hỏi thơm hay thúi. Chuột nhanh nhấu đáp: “Không thơm mà cũng không thúi.” Chúa nổi giận cho là xạo, rồi thò chân ra toan bắt chuột mà ăn cho đỡ đói, nhưng chuột đã lẹ chân phóc đi ra ngoài rồi.
Cách mươi hôm sau, cọp đã lành bệnh bèn lủi ra ngoài kiếm ăn, chẳng may rơi vào bẫy cần vọt, treo cọp đù đưa trên cao. Vừa có con chuột đi tới, trông thấy cọp bị treo lủng lẳng trên không, bền hỏi: “Ông đau mới dậy, sao ăn nằm gì kỳ cục vậy?”. Cọp biết mình bị nói xỏ, bèn van lơn xin chuột làm phước cứu cho một phen. Chuột trả lời: “Tôi thì dư sức cứu ông mặc dù tôi nhỏ bé tí xíu, bằng cách leo lên trên đó cắn đứt sợi dây cột ông, nhưng mà tôi ngại ông lúc xuống đất, ông sẽ chụp tôi mà xơi như bữa nọ...” Nói xong, chuột bỏ đi mất.
7. Cọp mắc mưu thỏ làm mà cứu voi: Thỏ gặp voi, thấy voi buồn rầu, bèn hỏi tại sao? Voi nói rằng có hẹn sẽ nạp mình cho cọp ăn, mà ngày tháng thì gần đến rồi, cho nên sinh ra lo lắng buồn rầu. Thỏ mới an ủi voi, hẹn tới ngày đó sẽ cùng nhau đi gặp cọp. Tới ngày, thỏ cỡi voi mà đi tới chỗ hẹn. Tới nơi, theo lời dặn của thỏ, voi nằm mọp xuống đất, cả hai chờ cọp. Hồi lâu cọp tới, thỏ từ trên lưng voi nhảy xuống trước mặt cọp, rồi nhảy qua nhảy lại, leo lên leo xuống mình voi như không biết khiếp sợ gì hết. Xong trò, thỏ hất hàm rung tai nói với cọp: “Đồ voi mà tao cũng chẳng sợ huống chi là cọp. Mà coi bộ thịt cọp ngon hơn thịt voi. Thôi được, để ta ra tay cho rồi!” Cọp nghe nói sắp bị ăn thịt, hoảng hồn quất đuôi mà chạy... "
Còn một chuyện nữa “Làm Ơn Mắc Oán”, đúng là chuyện beo chớ không phải chuyện cọp mà Trương Vĩnh Ký kế theo truyện cũ bên Tàu, nói về triết gia Mặc Địch, thời Chiến Quốc, đã dùng mưu kế trả thù được một con beo vong ơn bạc nghĩa,
Sử chép rằng vua Đinh Tiên Hoàng (968-980) dẹp xong loạn Thập Nhị Sứ Quân, ban hành pháp luật nghiêm minh, đặt ra nhiều phương pháp kỳ lạ để răn dạy muôn dân, giữ gìn kỷ cương, trật tự. Nhà vua đặt trước điện Hoa Lư nhiều chuồng cọp beo. Gần bên thì có những vạc dầu sôi sục ngày đêm. Ở giữa có treo tấm bảng lớn với mấy dòng chữ: “Ai mà không tuân pháp luật thì sẽ bị luộc dầu hay là cọp ăn. Khâm thử”. Từ đó, tiếng đồn vang khắp nước, ai nấy đều răm rắp tuân theo phép Vua luật nước lệ làng khiến cho trăm họ được thái bình thạnh trị trong một thời gian khá lâu.
Sách Đại Nam Tiền Biên Liệt Truyện kể rằng: Đời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, năm thứ 18 (1631), Nội tán Đào Duy Từ đêm nọ nằm mộng thấy con cọp đen từ phía nam đến. Ông thúc quân vây bắt, cọp liền mọc thêm hai cánh bay mất trên không trung. Sáng dậy, ông nhớ lại điều nằm mộng và tin rằng sẽ có việc lạ đến, ông bèn chỉnh đốn y phục ngồi chờ. Một lát sau, ông thấy có người từ phương nam đến: mình mặc áo đen, tay cầm quạt lông, đứng chực nơi thềm. Đào Duy Từ thấy dung mạo phi thường, bèn hỏi:
- Người tên họ là gì?
- Tôi tên là Nguyễn Hữu Tấn.
- Tuổi gì?
- Nhâm dần.
Đào Duy Từ nghe nói, trong lòng mừng thầm cho là phù hợp với điềm mộng tối qua, bèn cho mời vào, lưu lại nói chuyện, thấy người có kiến thức rộng, bèn đem con gái gả cho rồi tiến cử lên chúa Sãi, sau làm tới đại tướng, đánh nam dẹp bắc, lập được công lớn. Chúa Sãi thường ban khen: Nguyễn Hữu Tấn quả thật là hổ tướng. Sau được phong tặng “Khai Quốc Công Thần - Anh Quốc Công” Ở Bắc hà, quân Trịnh cũng gọi là “Hổ Oai đại tướng”.
Cũng Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện chép rằng: Ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân miền núi thường bị cọp vằn đen quấy nhiễu sát hại. Người ta đào hầm, cạm bẫy, săn bắn mà không làm sao trừ được con cọp đó. Ngày nọ, Tả quân Lê Văn Duyệt đóng quân gần đền Trấn Bắc (thờ ông Bùi Tá Hán), khiến quân làm một cái củi lớn đem đặt trước đền, gần bên núi rồi ông khấn vái xin Thần đền Trấn Bắc giúp cho: “Con hổ làm hại nhân dân thì thần linh ở đây cũng có trách nhiệm. Như Thần mà linh thật thì xin Thần làm sao cho con hổ nọ vào trong cái cũi này.” Qua một đêm, sáng ngày sau, quan dân đều ngạc nhiên trông thấy một con cọp vằn đen nằm phục bên đền. Tả quân hạ lệnh quân lính bao vây thì thấy tự nhiên con hổ cứ từ từ đi vào trong cũi mà không có hùm hét cắn xé chi cả! Mọi người đều cảm thức có thần Bùi Tá Hán hỗ trợ thành công mỹ mãn.
Cọp cũng có nhiều liên hệ với nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ, hiệu là Điền Bát, suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, nêu cao tinh thần dân tộc suốt thời kỳ Pháp thuộc. Quê quán làng An Thường, xã An Thạnh, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ông tên thật là Lê Thiệu Hổ, làm Tán Tương Quân Vụ cho chiến tướng Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương ở Bình Định. Đến năm 1887 bị thất bại trong nước, ông bèn trốn ra hải ngoại, hăng hái hoạt động, liên lạc thường xuyên với các đồng chí, tuyên truyền cách mạng và cổ động nhân sĩ xuất dương.
Năm 1904, ông cùng đi với chí sĩ Phan Bội Châu sang Nhật gặp các chính khách Nhật Bản như Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi Trọng Tín bàn định việc đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để từ quốc nội sang Đông Kinh. Sau đó, ông sống ở hải ngoại, thường đi lại các nước Trung quốc, Xiêm Nga rồi lại sang Nhật, bôn ba nơi hải ngoại hơn 20 năm.
Năm 1914, lại bí mật trở về nước hoạt động, tá túc nơi nhà cụ Cử Võ (Võ Bá Hạp, bạn của cụ Sào Nam) rồi lâm bệnh thổ tả mà chết trong cơn lụt bão, Cụ Cử Võ phải chèo ghe mai táng nơi gò Bao Vinh, phụ cận Huế, nhưng gặp nhiều khó khăn khi đắp đất vì quan tài cứ nổi lềnh bền trong mộ huyệt.
Vào khoảng 1936, cụ Sào Nam lúc đó bị an trí ở Bến Ngự (Huế) trong một nhà tranh bánh ếch nhìn ra sông Phủ Cam, có chiếc đò lịch sử và cây sung soi bóng quanh năm, thỉnh thoảng về Bao Vinh thăm cụ Cử Võ, và một lần nọ cụ có đem theo một tấm bia đúc bằng xi măng. Cụ Phan gọi hai người con trai của cụ Cử Võ xuống thuyền khuân tấm mộ bia lên nhà để chờ ngày lành tháng tốt thì đem dựng nơi mộ cụ Tăng Bạt Hổ vì mộ vẫn còn vô danh vì sợ Tây biết. Theo lời ông bạn Vũ Tùng Chi (con trưởng cụ Cử Võ) thuật lại với chúng tôi, thì tấm bia này có khắc ghi năm chữ với bút tích của cụ Phan là: Lê Thiệu Dần chi mộ, dùng chữ Dần thế chữ Hổ vì vẫn còn sợ Tây lùng ra tung tích!
Năm 1957, thi hữu Vũ Tùng Chi cùng một số nhân sĩ ba kỳ đã góp xây một ngôi nhà gạch ngói nơi bờ sông Bến Ngư Phủ Cam, một nhà thờ gọi là Từ đường Phan Bội Châu và liệt sĩ cách mạng trên khoảnh đất vườn cũ của cụ Phan, đồng thời đã dời mộ cụ Tăng Bạt Hổ trọng táng tại đó, với mộ chí Điền Bát tử Tăng Bạt Hổ chi mộ.
Đã nhiều lần cụ đánh nhau với cọp nơi rừng rậm đèo cao, với chiếc roi dâu, một thứ roi mà cọp rất sợ vì nó phát ra một thứ siêu thanh (ultra-son) có hiệu lực hơn cả súng đạn. Phương danh Tăng Bạt Hổ nhắc ta nhớ tới Võ Tòng đả hổ trong truyện Thủy Hủ, đã dùng thế Thái Sơn Kiềm Tỏa đè cọp nằm yên rồi giáng cho ba quả đấm thôi sơn vào cổ, làm cho gãy xương cố, đứt thần kinh hệ mà chết tại trận. Chúng ta cũng liên tưởng dũng tướng Lê Văn Khôi thúc hổ, do lệnh của Tả quân Lê Văn Duyệt, đánh lộn với cọp cho vua Chân Lạp xem. Dùng hai thế Bạch Hạc Giang Hành, Đả Song Phi Chính Phụng Đơn Hành, Lê Văn Khôi hạ được cọp và trói ké lại, khiêng trên vai đi ba vòng biểu diễn cho quan khách xem.
Cho nên lúc đó trong ba quân, ai cũng gọi cụ là Bạt Hổ Tướng quân. Còn chữ Tăng là vì hồi cuối thế kỷ 19, sau Phong trào Cần Vương thì có Phong trào Đông Du với Đông Kinh Nghĩa Thục. Rồi tiếp nối có Phong trào Đông Độ (cũng như Đông Du), rồi đến Việt Nam Quang Phục Hội. Cụ Lê Thiệu Hổ được giao phó trọng trách bí mật hướng dẫn thanh niên Việt nam xuất ngoại du học. Ban đầu cụ Lê dùng đường giây Hòn Gay vượt biên giới sang Trung hoa (Quảng Tây). Đối diện với Hòn Gay, sát biên giới Hoa Việt có một làng Tàu mộ đạo Thiên Chúa. Cụ Lê cải trang làm linh mục, đọc kinh, làm lễ để lấy cảm tình của người làng đó mà giao phó thanh niên cho họ, đợi ngày lên tàu vượt biển mà người đốt cháy than máy tàu chính là cụ Lý Tuệ, quê quán Hòa Bình, Bắc Việt. Sau một thời gian, đường giây này bị bại lộ, cụ Lê chuyển hướng, dùng đường biên giới Hoa Miến và Lào Việt, ngầm đưa du học sinh sang Miến Điện hoặc Ai Lao (để vượt sông Mekong sang Xiêm La rồi từ đó đưa sang Trung Hoa hay là Nhật Bản. Mỗi lần đi phiêu lưu như vậy, cụ Lê lại phải cải trang làm thầy tăng, mặc áo cà sa vàng, gõ mõ tụng kinh, khất thực như thầy tu của Tiểu Thừa. Và từ đó, các đồng chí lại gọi cụ Lê bằng cụ Tăng.
Lúc cụ Tăng Bạt Hổ từ trần, các nhân sĩ từ Bắc chí Nam đều sụt sùi thương tiếc. Riêng cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh có điếu câu đối bằng chữ Hán mà cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng đã dịch như sau:
Ba mươi năm lẻ, núi biển trải nhọc nhằn, ai cũng thương cho cảnh ngộ, trời hẳn thấy rõ nhiệt thành, quất ngựa thắng non thần, tráng chí mới thông miền Thượng quốc.
Hai chục kỷ đời, gió mây chiều biến đổi, người đều đua lấy tâm trí, người muốn đấu bằng gan sức, quay gươm về nước cũ, hồn thiêng còn mến đất Thần kinh.
(Thi Từ Tùng Thoại, Nam Cường, Sài gòn 1951)
Ngày cụ Tăng Bạt Hổ vĩnh biệt cõi đời, trời cũng động lòng thương tiếc khiến cho mưa to gió lớn, ngập đất Thần kinh, khiến cho chúng ta nhớ tới thành ngữ vân tùng long, phong tùng hổ (mây theo rồng, gió theo cọp). Coi đây là cọp thần còn lưu danh trong sử sách.
Bước qua địa hạt văn chương, chuyện Hổ cũng không thiếu chi, nhưng kể sao cho hết? Nay chỉ kể lại vài chuyện điển hình mà thôi. Như ngày xưa, có ông Hoàng Phan Thái đi dạo cảnh chùa nhân ngày Tết, gặp nhà sư ra câu đối như sau:
Cái là tượng, tượng là voi, voi cầu cửa cái.
Ông Thái xin ra ngoài sân để suy nghĩ, rồi ông đối lại như sau:
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu.
rồi ông co giò mà chạy...
Ngoài Huế, ngày trước có cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, sinh năm 1881, ưa làm thơ tinh nghịch, dùng chữ rất khó khăn mà lại dễ hiểu, ai cũng phục tài trí và hài hước của cụ. Đây là bài thơ Mười Hai Con Giáp mà bạn Lãng Nhân đã chép trong quyển Chơi Chữ
Tha ra, cắp lấy, bộ loay quay (1)
Đào lỗ không nên tiếng cả bầy (2)
Lạc ngõ theo đuôi đâu ngại bước (3)
Cả gan bóp dái chẳng dờm tay (4)
Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu (5)
Cối vẫn ăn no, ỉa miếu đầy (6)
Cá gáy hóa ra, chi có cánh (7)
Mồng năm len lét trốn đi ngay (8)
1. Tục ngữ: Chó tha ra, mèo cắp lấy.
2. TN: chuột bầy đào không nên lỗ.
3. TN: lạc ngõ theo đuôi trâu.
4. TN: cả gan bóp dái ngựa
5. TN: cám treo heo nhịn đói; nhăn răng như khỉ ăn gừng.
6. TN: gà què ăn quẩn cối xay; nuôi dê để dê ỉa miễu.
7. TN: cá hóa rồng; cơ chi hùm có cánh.
8. TN: len lét như rắn mồng năm
và bài: Hổ phận già (mỗi câu có tên một con thú)
Lạc hồng một giống đội chung trời
Hổ phận mình già xếp một nơi
Mang tiếng học hành tài kém họ
Nai lưng gánh vác sức thua đời
Trâu tra chẳng dám khoe sừng trẻ
Ngựa dữ không thèm bóp dái chơi
Thỏ the chuyện trò vui với bạn
Khỉ khầm đôi chén rượu đầy vơi.
Và sau hết chúng ta cũng không quên bài Nhớ Rừng của Thế Lữ, hay là Lời Con Hổ ở Vườn Bách Thú Hà nội 1941, khởi đầu bằng những câu:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mặt bé diễu oai linh rừng thẳm
....
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa...
Tuy không phải là chim lồng cá chậu hay là cọp bẫy, người Việt ly hương biệt xứ cũng tự cảm thấy đang sống mãi trong tình thương nỗi nhớ như chúa sơn lâm.
Paris, Chiêu Anh Các,
Mạnh Xuân Bính Dần
- Năm Dần Nói Chuyện Cọp Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Con Trâu Trong Dân-Gian, Quê-Hương và Lịch-Sử Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Tưởng Niệm Liệt Sĩ Trần Văn Tuyên (1913-1976) Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Hoài niệm về ký giả Nguyễn Ang Ca Thái Văn Kiểm Hồi ức
- Những Mùa Xuân Của Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Cửa Thiền Nào Chốn Hỏi Mai Hoa Thái Văn Kiểm Khảo luận
- Mùa Xuân Với Những Quả Dưa Dân Tộc Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Nọ Bức Dư Đồ Thử Đứng Coi Thái Văn Kiểm Tiểu luận
- Thi hào Hàn Mặc Tử Thái Văn Kiểm Khảo luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |